Vụ mưu sát hoang đường

Thứ Năm, 01/09/2022, 18:02

Abani là một nhà văn nổi tiếng ở một quốc gia châu Phi, ông đã xuất bản hàng chục cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học ở trong và ngoài nước nhưng ông vẫn không bằng lòng. Bước vào tuổi xế chiều, ông muốn để lại một tác phẩm nổi tiếng, làm rạng danh văn đàn thế giới.

Sau những ý tưởng tinh tế, một kế hoạch táo bạo dần hình thành trong đầu Abani. Để viết nên cảm xúc chân thật của một người sắp bị treo cổ, ông quyết định tìm cách trở thành tử tù để bản thân có được cảm giác thể nghiệm trước khi chết và sau đó sẽ viết một tác phẩm nổi tiếng lưu truyền cho hậu thế.  

Việc đầu tiên là ông lặng lẽ đưa bà vợ về quê dặn bà không được tiếp xúc với ai và không được xuất hiện trước công chúng, sau đó ông viết một bức thư cho người bạn cũ của mình là Tổng thống, ở mặt sau của phong bì ông viết một câu như thế này: “Xin đừng bóc nó ra trừ khi tôi bảo bạn làm như vậy”.

Tổng thống thường nhận được những kiệt tác từ Abani, vì vậy sau khi nhận được bức thư của ông, mặc dù hơi ngạc nhiên nhưng ông chỉ coi nó như một tác phẩm gì đó của Abani. Ông rất tôn trọng không mở ngay bức thư mà cẩn thận cất vào ngăn kéo có ghi dòng chữ “Tài liệu riêng”, rồi lại làm tiếp những việc khác mà ông đang cần làm..

Vụ mưu sát hoang đường -0
Minh họa: Lê Hùng

Bà Abani đã vắng nhà đã được mười ngày, sự mất tích bất thường của bà đã làm hàng xóm xôn xao bàn tán. Abani cũng trút bầu tâm sự với những người giúp việc của mình: “Phụ nữ, đặc biệt vợ tôi là những thứ vô dụng nên phải loại bỏ đi”. Ông ta biết những ẩn ý này sẽ làm mọi người nghĩ rằng đây là vụ mưu sát! Quả nhiên, những động tĩnh đáng ngờ trong nhà của Abani đã làm Cảnh sát nghi ngờ: Đúng, người đàn ông này chắc chắn đã sát hại vợ mình! Đồn Cảnh sát địa phương đã quyết định bắt giữ Abani và cử người đến khám xét nhà của ông ta. Họ tìm thấy một bộ quần áo dính máu của bà Abani và một số đồ trang sức chôn ở góc vườn.

Ngày hôm sau, tin tức lan truyền trên các tờ báo với tiêu đề: “Nhà văn nổi tiếng Abani bị buộc tội giết vợ, một chiếc áo khoác dính máu được tìm thấy ở trong vườn nhà ông ta!”. Ở đâu người ta cũng bàn luận sôi nổi về chuyện Abani giết vợ. 

Abani được đưa vào một phòng giam nhỏ tại đồn Cảnh sát nhưng ông lại cảm thấy rất thoải mái. Ông mừng thầm trong bụng vì kế hoạch của mình đang tiến triển rất thuận lợi, mình đang trải qua cuộc sống của một tù nhân và sắp tạo ra được một tác phẩm tuyệt vời, ông phấn khích đến mức đêm không thể nào ngủ được.

Khi thấy người lính gác nhìn mình bằng ánh mắt nghiêm khắc và nghi ngờ, ông cười thầm: “Đồ ngu, tôi vô tội!”. Nói tóm lại, khi những người ngưỡng mộ Abani đang lo toát mồ hôi cho số phận của ông thì ông lại bình yên trong phòng giam viết thư cho Tổng thống: “Thưa Tổng thống, vào giờ phút sinh tử này, xin mở lá thư tôi gửi cho ông lần trước ...”. Như vậy, Abani yên tâm chờ đợi sự phán quyết của tòa án.  

Ngày tuyên án cuối cùng đã đến. Hôm đó, người dân đứng đông nghịt hai bên đường dẫn vào tòa án. Một lần nữa Abani lại cảm thấy buồn cười, ông ta đã quyết định thú nhận tội giết người tại tòa án, bởi vì “thú nhận trước tòa” sẽ là một cảnh rất thú vị được lưu truyền trong tương lai, vở kịch này phải được diễn thật tốt và đúng là ông ta đã thể hiện tốt, cuối cùng tòa án đã tuyên bố ông ta phạm tội giết người và kết án tử hình, ngày hành quyết được ấn định vào ngày hôm sau.

Kế hoạch đang diễn ra rất thuận lợi theo ý tưởng của Abani, lúc này ông cảm thấy mình không còn xa mục tiêu mà ông đang phấn đấu để trải qua những cảm giác cuối cùng của người tử tù. Ông trở lại phòng giam và nằm xuống chiếc giường cứng đờ, khi ông nhớ đến phần cuối cùng của toàn bộ kế hoạch - sáng mai lúc 8 giờ, quản giáo sẽ đến để nhắc nhở ông về việc thi hành án. 

Abani nghĩ: “Nên viết thư cho Tổng thống ngay bây giờ hay để đến tối?”. Sau một hồi suy nghĩ ông ta quyết định sẽ viết thư cho Tổng thống vào tối hôm nay. Sau khi lấy giấy và bút ông bắt đầu viết bức thư cho Tổng thống, nội dung là yêu cầu Tổng thống mở lá thư mà ông đã gửi cho Tổng thống vài tháng trước. Sau khi viết xong bức thư, ông yêu cầu lính canh gọi quản giáo đưa bức thư gửi cho Tổng thống, trên phong bì có dòng chữ “Khẩn cấp” và “Gửi Tổng thống”.

“Đây là vấn đề quan hệ đến sự sinh tử”, Abani nói với quản giáo, “Tôi hy vọng bức thư này có thể được trình lên Tổng thống ngay lập tức!”.

“Cái gì?”. Người quản giáo có chút không hài lòng nói, “Tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống này, tôi phải được xem trước khi gửi nó đi”.

Việc này làm cho Abani không ngờ tới, ông ta nổi giận đùng đùng nói: “Ông không cần phải đọc bức thư này. Trong thư của tôi chỉ có một câu thôi, đó là yêu cầu Tổng thống làm ngay một việc”.   

Người quản giáo rất không vui trở lại văn phòng - Một người sắp phải chết còn có thể làm gì nữa? Nghĩ đến vẻ mặt kiêu ngạo của Abani, ông ta càng tức giận, vì vậy ông ta bỏ lá thư vào ngăn kéo.

Cả đêm hôm đó, Abani không thể ngủ được, ông không rét mà run vì sự thờ ơ của người quản giáo với bức thư của mình: “Có gì sơ hở trong kế hoạch của mình không?  Nhỡ ra Tổng thống nhận được thư muộn thì sao? Không, không, không thể như thế được”. Abani có cả ngàn lý do để tin rằng kế hoạch của mình là không thể sai lầm sai sót. Nhìn chung, buổi tối hôm nay thật khó khăn đối với nhà văn vì ông ta lo lắng suốt cả đêm. 

Sáng sớm hôm sau, tiếng mở khóa cửa phòng giam làm Abani giật mình bật dậy. Ông chợt nhớ rằng trong bức thư đầu tiên gửi cho Tổng thống, ông đã yêu cầu Tổng thống hãy đến cứu mình ở phút cuối cùng: “Khi tôi đang ở trên giá treo cổ, hãy đến cứu tôi”.

Sáng sớm mặt trời đang mọc và thời tiết rất ấm áp, hai lính canh lặng lẽ hộ tống Abani đến nơi thi hành án. Khi vừa sải bước ngang qua chiếc sân rộng, đôi chân nhà văn bỗng mềm nhũn, yếu ớt như một đứa trẻ. Hai lính canh đã quen với tình huống này, họ nhanh chóng đưa tay ra xốc nách Abani dẫn ông đi đến nơi tên đao phủ đang đứng. Bên cạnh tên đao phủ là một quan cai ngục mà Abani không biết, xung quanh không có ai cả. Lúc này, đầu óc của Abani trở nên trống rỗng sau một đêm mất ngủ, khi cảm giác có người đang trói tay mình ông ta mới chợt bừng tỉnh.

Abani nói với giọng điệu bình tĩnh lạ thường: “Chờ một chút”.

Tất cả mọi người đều sững sờ và giật mình trước sự bình tĩnh lạ thường của Abani. Abani nói một cách hùng hồn: “Chắc các ông nhầm rồi, nên có một sứ giả của Tổng thống ở đây chứ?”.

Hai lính canh nhìn viên quan quản giáo, nhưng khuôn mặt của viên phó quản giáo rất vô cảm, thế là tên đao phủ bước tới và định bịt mắt phạm nhân sắp bị hành quyết bằng một tấm vải đen dày, nhưng hắn đã không thành công. Trong cơn hoảng loạn tột độ, Abani tuyệt vọng vùng vẫy định thoát khỏi đôi tay đang bị trói và hét lên: “Chờ một chút, đợi một chút, có sự nhầm lẫn rồi”.

Nhưng lính canh đã là những chuyên gia xử lý tình huống này, trong mắt họ, Abani đã là một xác chết, họ nhanh chóng trói chặt tay ông ta, và tên đao phủ cũng bịt mắt ông ta lại.

Nhà văn bị bất tỉnh không lâu tuy chỉ là phút chốc thôi nhưng khi tỉnh lại ông ta cảm thấy nó dài dằng dặc. Hai tay ông bị trói quặt ra sau, mắt bị bịt kín và bị dẫn đến một thế giới tối tăm vô định. Trên thực tế là ông ta bị đưa lên giá treo cổ, bây giờ ông ta giống như một con cừu non chờ bị giết thịt.

Tên đao phủ cuối cùng cũng đạp cái đệm dưới chân Abani ra, lúc này kim đồng hồ chỉ đúng con số 9. Khi cái thân thể nặng nề của Abani rơi xuống cái hố đen ngòm, từ trong cái hố vọng ra tiếng kêu khàn khàn của Abani: “Đợi một chút, đợi một chút!”...   

Vài ngày sau, khi Tổng thống biết Abani đã bị kết án tử hình vì tội giết người, ông mới sực nhớ bức thư mà Abani đã gửi cho mình đang để ở trong ngăn kéo tủ, khi mở ra xem ông đã bị choáng vì nội dung bức thư là lời giải thích cặn kẽ của Abani về “Vụ án giết người” hoang đường của ông!

“Chúa ơi!”, Tổng thống kinh ngạc thốt lên, “Sự việc đã đến nước này thì không thể để cho mọi người biết sự thật được nữa”. Tổng thống đã đốt bỏ bức thư...

Nguyễn Thiêm (dịch)

Albert Jack (Anh)
.
.