Vũ điệu trăng rừng

Thứ Năm, 07/04/2022, 11:00

Có gì đó buồn buồn, mơn man lăn trên người làm ta chợt tỉnh giấc. Thì ra ánh trăng. Trăng bơi ngang núi Pụ Khía, miên man giữa trời đêm sươn sướt sương bay, rờ rỡ choàng chiếc khăn bạc trùm ngợp vườn nhà. Trăng khẽ khàng đu đưa len qua cửa sổ. Trăng nhảy nhót vũ điệu hoang dã trong ngôi nhà sàn trống hơ, trống hoải, rồi vô tư đổ tràn luồng sáng vào người ta…Trăng bươn bả, trườn trượt, mê miết trên thân thể, khiến ta day dứt. Nhói đau. Ngưng lặng…

Ngôi nhà sàn có tám cột gỗ kê chân bằng đá, là tài sản pa mé ta để lại. Dưới mái ngói âm dương nhỏ giọt, giấu kín núm nhau, lá bùa số mệnh của ta. Những đứa trẻ dòng họ Bế khi cất tiếng khóc chào đời thì núm nhau, cuống rốn cùng lá bùa ghi thời khắc làm người, đựng trong quả bầu khô giấu dưới lòng đất, nơi dòng nước mái nhà chảy xuống mặt sân. Theo quan niệm của người già, đứa trẻ tính tình sẽ mát mẻ, hay ăn, chóng lớn, phổng phao. Sau này trẻ lớn lên, dù đi đâu cũng nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn.

Ngẫm ra, một thằng trai miền núi mồ côi cha mẹ, được gia đình ông chú ruột lốc thốc đàn con bảy đứa trứng gà, trứng vịt cưu mang, thì việc ta được cắp sách đến trường nội trú là kỳ tích. Biết thân, biết phận, ta chăm học. Quanh vùng núi Pụ Khía, có duy nhất ta tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên. Tốt nghiệp loại giỏi, tương lai rộng mở, nhưng ta về quê. Ta về nơi mồ hôi đá ngấm vào cơ thể từ thuở bé. Ta thích cảm giác đứng trên đỉnh Pụ Khía, thỏa thuê cho mây bồng bềnh quấn quanh người. Tha hồ hít hà khí núi, mùi rừng thanh tịnh.

Ta làm bác sĩ ở Trạm y tế xã phục vụ bà con, những người cưu mang ta thuở thiếu thời hàn vi. Dân bản cần ta lúc đau ốm. Họ mong ta bắt con bệnh ra khỏi người. Ta không những khám bệnh, điều trị, mà còn phát triển vốn quí thuốc Nam sẵn có trong rừng, trên núi, áp dụng nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền chữa bệnh cho dân trong vùng. Ta luôn tâm niệm, làm thầy thuốc phải phát lộ từ tâm.

Bây giờ, sau những tháng ngày nổi nênh thăng trầm, chuẩn bị bước sang tuổi ba mươi, ta đủ tĩnh tâm nghĩ lại nhiều chuyện. Nhưng không hiểu vì sao người ta lại ác đến thế? Ta làm gì sai mà phải nếm trải oan trái? Tại sao ta phải gánh tội?

Chiều qua, ta về đến đầu bản thì vừa tắt nắng. Trên vòm trời lũ mây phết những vệt màu tím vàng tựa như ngàn sợi tơ đan chăng, vấn vít. Trải qua hành trình đường dài, trước khi leo dốc về nhà, ta thỏa thuê vẫy vùng bơi lội trong lòng suối Nậm Ruổi, trút bỏ bụi đường. Nước suối vờn vĩ, quấn quít quây quanh người thật khoan khoái, dễ chịu. Thế là ta đã trở về trên núi.

Bước chân lên cầu thang gỗ, ta bâng khuâng, ngạc nhiên. Sao nhà sạch sẽ đến vậy? Trong bếp vuông gộc củi âm ỉ than đỏ, đôi khi có tiếng nổ lép bép vui tai. Trên kiềng là nồi đồng tỏa mùi nước lá chè dây thơm nồng. Ngó nghiêng, ta chợt giật mình. Sao phía chái nhà có những bộ quần áo phụ nữ và trẻ con nhỏ xinh chăng đầy thế kia? Ai dọn đến nhà ta ở khi chủ nhân đi vắng? Mà họ đâu nhỉ? Rõ ràng bếp đỏ lửa thì họ vừa ra khỏi nhà thôi. Thật lạ!

Sau hành trình mệt mỏi, ta không nghĩ nhiều. Gieo mình xuống phản gỗ, kéo tấm chăn thổ cẩm, ta trôi vào giấc ngủ mê miên, cho đến khi tụi gà thổi vào tai ta tiếng gáy gọi sang canh.

*

Ngồi trong chiếc xe thùng kín mít xuống thụ án ở trại giam Phú Sơn, mỗi khi vào chỗ xóc, xe nhảy chồm chồm, khiến ta ê ẩm. Thế nhưng, ta không nguôi mường tượng, ngoài kia mặt trời đầu thu đang tung nắng vàng. Tụi bưởi rừng, bưởi nhà đeo quả trĩu cành vàng ruộm. Ừ nhỉ, vậy là ta giã từ tự do, chúi mình dưới sự quản thúc. Không biết ta vào tù thì có bác sĩ nào về trạm xá xã không? Thật tội cho bệnh nhân ta đang điều trị dang dở.

Ở đời, không ai học hết chữ ngờ. Từ một bác sĩ được người dân nể trọng, ta giờ co so trong bốn bức tường trại giam lạnh lẽo, chung phòng với những tội phạm dưới đáy xã hội. Ta lặng lẽ, câm nín, ê chề nỗi đau đang đốt đuốc trong bụng. 

Chiều thu, nắng xõa vàng. Vườn rau cải xanh mướt, non mơn mởn vẫy những bàn tay lá trước gió, như muốn thắp lên hy vọng trong những đôi mắt u buồn.

10c94969c74909175058.jpg -0
Minh họa: Thành Chương

Ta tủi phận, lầm lũi, cùng phạm nhân cải tạo ở Đội Rau chủ lực Phân trại số 2 vun luống, chuẩn bị trồng bắp cải. Bỗng sau lưng ta, có tiếng gọi khẽ:

- Dúng à! Sao ra nỗi này? Gần tuần nay đi phép, giờ xuống trại, nhìn tên Dúng trong danh sách phạm nhân mới vào Phân trại 2. Nghĩ là trùng hợp ngẫu nhiên về tên thôi, ai dè…

Ta bối rối giật mình. Sao trớ trêu đến thế? Cán bộ quản giáo Hoàng Hiếu, vốn là bạn học cùng lớp ở trường nội trú, bây giờ phụ trách quản giáo Phân trại 2. Giá như ta có thể độn thổ xuống đất, tránh trả lời thì tốt biết mấy. Nhưng không thể lánh mặt, khi ta khoác bộ quần áo phạm nhân.

- Dạ! Thưa cán bộ, cháu…cháu vào đây thì phải có tội! - ta cúi gằm mặt vừa xới đất, vừa lí nhí trả lời. Giọng ta nghèn nghẹn.

Dường như có tiếng thở dài thoảng nhẹ như gió:

- Dúng à, đừng xưng cháu. Tụi mình là bạn học mà. Hơn nữa Dúng là lớp trưởng…

- Vâng, thưa cán bộ, ơn cán bộ nhận ra kẻ thất thế! Cháu không dám nhận ạ! - Ta cay đắng và xấu hổ trước hiện diện của Hiếu.

Hiếu từ tốn:

- Đã bảo Dúng đừng xưng cháu mà!

- Dạ!...

- Ừ, Dúng làm đi, tối nay lên phòng mình có việc!

- Vâng!...

Ngực ta dội lên nhức buốt. Hiếu vẫn thế. Ân cần, tận tình, thương người. Hồi đi học trong trường nội trú, và khi đi học đại học, Hiếu vẫn chia sẻ tình cảm, vật chất cho ta. Khi thì bộ quần áo, sách vở, cây bút… lúc gói xôi, cái bánh ấm bụng. Hiếu thủ thỉ tâm sự, Hiếu may mắn hơn ta. Mặc dù cha Hiếu, cán bộ Cảnh sát hình sự, hy sinh trên đường truy bắt tội phạm, nhưng Hiếu còn mé. Hiếu ước mơ sau này sẽ tiếp tục bước theo con đường cha Hiếu đã chọn.

Sẩm tối. Gió kéo sương về lạnh se se. Ta bước vào phòng làm việc của Hiếu trong tâm trạng nặng nề, u uẩn, chua xót. Người ta lọt thỏm trong chiếc ghế quá rộng, mắt sẫm buồn. Sau nụ cười tỏa sáng, Hiếu từ tốn:

- Dúng à, đừng giấu chuyện. Kể với Hiếu chuyện gì đã xảy ra. Hai chúng mình quá hiểu nhau rồi, đúng không?

Liệu ta có đủ can đảm kể chuyện cho Hiếu nghe không? Ta lưỡng lự trong cảm giác mặc cảm, hỗn mang…

Giữa nồng nàn hương hoa cúc trong khuôn viên trại giam, ta nghẹn giọng nói với Hiếu, ta nợ Hiếu quá nhiều, giờ để bạn lo lắng, liệu ta có làm bạn phải khổ vì ta không? Có phải ta lạm dụng lòng tốt của bạn không? Và rằng, nghe sự việc oan trái của ta Hiếu có tin không?

Không chút đắn đo, Hiếu bảo, bất kể không phải ta là bạn học, phạm nhân nào cũng có thể giãi bày tâm tư với cán bộ quản giáo và giám thị trại giam.

Tình cảm chân thành của Hiếu lay động và thức tỉnh ta.

…Ta trôi và bay trong câu chuyện tình buồn với Hai giữa khúc gấp quặn thắt của người bác sĩ bản. Ta mê mải nói về đàn gà lôi trắng. Ta xót xa không hiểu ai mang đôi tê tê vảy vàng để vào cối xay thóc dưới gầm sàn. Ta có cảm giác trí óc và cơ thể mình tan ra từng mảng giữa sự cay nghiệt của đời người. Biết bao giờ, khi nào ta mới mãn hạn tù?

Sự thật cay đắng, giá buốt. Ta kể chuyện để Hiếu hiểu, bản chất của người núi trong ta không vẩn đục, không sa ngã trước cám dỗ của vùng biên giới vốn đầy những buôn gian, bán lậu.

Nước mắt tức tưởi của thằng đàn ông trong ta giàn giụa, đắng đót.

Thanh âm buồn trong câu chuyện của ta khiến Hiếu thảng thốt. Ta nhìn thấy đôi mắt Hiếu có màu lửa.

Đêm choàng chiếc áo màu lam sẫm lên khu trại giam.

Gió ào ạt thổi. Hiếu đưa ta tới cửa buồng giam. Trước lúc ta vào trong cánh cửa sắt nặng nề, Hiếu nói nhỏ:

- Dúng à, dù lúc này đang mang án, nhưng hãy không nguôi hy vọng. Cố gắng cải tạo tốt.

*

Khẽ nén tiếng thở dài, ta cầm bát gỗ uống một hơi cạn nước. Bất chợt ta rưng rưng. Những xúc cảm dồn nén bao lâu nay, từ từ dâng lên, tràn ngập tâm hồn nhiều vết thương bỏng rát.

Năm chiếc bát gỗ nu vàng ruộm giống hệt nhau, có những vân hoa chạy vòng quanh vui mắt ở nhà ta từ lâu lắm rồi. Ta lớn lên đã thấy tụi bát nằm trong hai lớp khay gỗ. Khay trên bề mặt có những bông hoa mắc cọt nhỏ xíu để thoát nước. Bát gỗ ngấm hơi, hằn in dấu tay ông bà, cha mé, là tài sản vô giá mà ta thừa hưởng, sở hữu từ tổ tiên để lại. Với người ngoài có lẽ không có giá trị cao, nhưng với ta là kho báu. Mỗi khi uống nước, ta như thấy ông bà, cha mé ở đâu đó trên cao xanh, sóng sánh trở về…   

Bây giờ, từng giọt, từng ngụm nước tinh khiết chạy vào cơ thể, ta thấy mình tỉnh táo như chưa hề trải qua giấc ngủ mê mải từ chập tối đến giờ. Được đằm đượm, thỏa thuê giữa trăng đêm, khiến ta bồi hồi nhớ Hai. Giờ này chắc Hai đang ngủ say. Ta phải lặng lẽ rời xa em trong muôn trùng chua xót. Em đấy, thánh thiện, hiền hậu, trong sáng như tên của em. Tên Hai theo nghĩa người dân tộc ta là Trăng.

Ừ, vào đêm hoang vắng, giống như đêm nay, trăng tháng ba trải bạc vô ngần, phết loang loáng mảng sáng trên lá rừng. Mây trời như ngưng trôi. Ta nhẹ dắt tay em bước vào không gian nồng đượm hương hoa mắc cọt. Trên đầu hai đứa ta muôn vàn hoa đang bung lụa, tung hương. Dưới chân là thảm hoa trắng lung linh. Em thầm thì:

- Em yêu rừng mắc cọt nhà anh. Em thao thiết, nao lòng trước hương thơm man mác quyến rũ. Nhưng, liệu tụi mình có đang làm đau cánh hoa không anh? Đời hoa ngắn giống như đời thiếu nữ… đi qua không trở lại…

Em nói vậy rồi khe khẽ thở dài. Tiếng thở nhẹ bẫng khiến tim ta nhói buốt. Ta xiết chặt tay em như muốn nói nhiều điều, nhưng miệng ta không cất nên lời.

Ta và em yêu nhau tính theo thời gian mắc cọt trổ hoa, cho quả ngọt, năm mùa rồi. Thuở sinh viên, trên giảng đường Trường Đại học Y, ta và em vô tư, vui biết mấy. Nhưng, hai đứa ta liệu có vượt qua sự ngăn cản của gia đình em không? Đấy là bài toán nan giải. Cha Hai là Phó Chủ tịch huyện. Ông nhờ người này, người khác xa gần, nói thẳng, ta đừng mơ mộng hão huyền bước vào làm rể nhà ông.

Chuyện ầm ĩ, lan nhanh khắp xã trên, xã dưới. Chú ruột ta và nhiều người trong họ Bế khuyên bảo, vết cắt đau một lần, đừng để đau cả đời. Ta có lúc buông xuôi, trốn chạy tình cảm. Nhưng, như là định mệnh trói buộc, mỗi lần ta mở miệng nói chuyện, nhắc Hai không nên vì ta mà tổn thương tình cảm với cha mẹ… Hai chặn lời ta bằng những nụ hôn say mềm, khó cưỡng. Thế nên, hai đứa vẫn ngao du trong vòng xoáy tình yêu, mặc cho phía trước đầy cạm bẫy khó lường.

Chuyện gì đến, cũng khắc đến thôi. Giống như đốm lửa nhỏ, bùng phát đám cháy lớn.

Cha Hai gặp ta. Ông nói chuyện thẳng thắn, hãy buông tha, quên con gái ông đi. Ông hứa hẹn gả Hai vào gia đình bề thế, chức sắc trên tỉnh rồi. Ta không xứng làm rể ông. Mỗi lời ông như nhát dao xẻ thịt, cứa cắt da ta.

Còn mẹ của Hai, bà không chấp nhận kẻ mồ côi nghèo ta làm con trong nhà. Kể ra, bà ngăn cấm con gái cũng phải, bởi bà biết em lấy ta sẽ khổ. Ta đâu có gì ngoài tình yêu vô bờ dành cho em.

Đêm trăng sáng rỡ. Tụi côn trùng rỉ rả thả lời buồn muôn thuở.

Hoa mắc cọt nồng hương tinh khôi.

Ta đặt tay lên vai Hai, nhìn vào mắt em dưới ánh trăng, can đảm thốt lời cay đắng:    

- Hai à, cha mẹ em không đồng ý anh làm con trong nhà, vậy thì…vậy thì…

Không để ta nói tiếp lời khó nghe. Đôi tay những búp măng nứa của Hai quàng chặt cổ ta. Môi em nóng sực khóa chặt lời nói ta bằng nụ hôn dài ướt dượt, êm mượt, ngòn ngọt… Giữa không gian nghe rõ tiếng bầy gà lôi thở, trăng rờ rỡ soi ánh mắt huyền diệu thao thiết của Hai. Từ mái tóc suối em tỏa hương nhẹ nhàng, tinh khiết… Tim ta gấp gáp nhịp đập bấn loạn. Tâm hồn rung lắc, chuyển động vô hình bản năng.

Dưới trăng, người Hai trắng ngần, ấm sực. Rừng mắc cọt bồng bềnh trôi. Ta tan chảy vào em, hít hà đê mê, dập dềnh trên thảm hoa nồng nàn, giữa tiếng nai tác thao thiết gọi bạn tình trên núi cao, trong mùa hôn phối. Mặt đất rung lên, mê loạn. Ta ngập lút tột cùng, mê miên hoan lộ, say mềm, đắm đuối…

Khi tiếng gọi ngày của bầy gà lôi vang nảy thì ta cùng Hai mở mắt. Trăng chúi vào bụng núi, nhường chỗ cho ánh ngày. Dưới tán rừng hoa trắng, quây quanh hai đứa ta là lũ gà lôi trống vểnh đuôi dài múa tít lục cục, lích rích gọi tụi mái đỏm dáng đang chau chuốt, tỉa tót rỉa lông.

Trong lòng ta bây giờ mơ hồ, treo theo bóng trăng giữa rừng mắc cọt cách đây gần ba năm. Sau chuỗi đêm buồn lạnh giá ở trại giam, trong giấc ngủ giữa bao tai họa oan khuất, ta thường mê man uống vị ngọt ngào trinh nữ Hai dành cho ta. Đây là nguồn sinh lực để ta nghĩ đến mình phải sống, gắng gượng ngẩng cao đầu, tiếp bước về phía trước, trong tiếng gọi mơ hồ thảng thốt của em…

Nghĩ thế, nhưng ta khước từ sự thăm nuôi của Hai. Mỗi lần em không gặp ta, cán bộ quản giáo Hiếu bảo, em khóc rất nhiều, bởi ta phũ phàng lủi sau bức tường hoang lạnh.

Ta nhớ em cháy bụng, khô tim, nhưng ta không thể làm em khổ.

Thật sự, ta muốn em về với gia đình cha mẹ. Em không thể vì ta mà chịu sự ghẻ lạnh, xăm xoi, xỉa xóc, xa lánh của người đời. Ta muốn em có cuộc sống tốt.

Chậm chạp, ta đếm thời gian. Thế là mười bảy tháng, ba ngày, em không xuống trại giam.

*

Vở kịch người ta dựng lên đẩy ta vào tù quá hoàn hảo. Ta lụi cụi lớn lên từ núi, hít khí trời, uống nước nguồn, chân đạp trên đá chai sần, nói tiếng gió rừng, yêu rừng núi, yêu thiên nhiên, muông thú, cỏ cây... như yêu chính con người ta. Thế thì ta đâu nỡ săn bắn thú rừng, và càng không bao giờ biết đến buôn bán động vật hoang dã, quí hiếm.

Vậy mà tích tắc thôi, ta từ người tốt trở thành kẻ có tội. Tụi gà lôi trắng ta không bắt từ rừng thẳm về nhà. Đàn gà khắc chọn rừng mắc cọt nhà ta trú ngụ. Chúng về sống ở rừng mắc cọt từ lâu rồi. Chúng bay nhảy, trêu chọc nhau không biết mệt mỏi từ rừng mắc cọt, lên đến nhà ta thì đua nhau xòe đuôi múa. Gà lôi thân thiện, quấn quít, gần gũi, dạn dĩ với ta từ thuở ta là đứa trẻ tóc đỏ quạch, suốt ngày lăn từ bụi mâm xôi này, sang búi cậm cang, mua đất kia… hái quả lèn đầy cái bụng réo sôi vì đói. Ta không biết mình chí thiết với lũ gà này từ bao giờ. Trong ký ức ta, mưa nắng bốn mùa trôi qua, bầy gà lôi dẫn đứa bé ta đến những nơi đầy hoa thơm, trái ngọt của rừng thẳm trên núi Pụ Khía.

Ngày ta xuống núi học chữ, bầy gà lớn bé về nằm rạp trên sàn phơi, vào đến trong nhà ta. Con gà trống đầu đàn giang cánh, vểnh đuôi trắng dài múa tít. Vươn cao đầu lông vũ màu đỏ, cất tiếng gáy oai vệ "Ngò..ó…ó…o…ngo". Lúc ấy, nó là chúa tể của loài gà. Cả người nó giống như bông hoa trắng muốt tinh khiết xoay tròn. Sau tiếng gáy dõng dạc ấy, dàn đồng ca gà lôi, gà nhà cùng hòa tấu âm hưởng rộn ràng. Ta biết, tụi nó chào ta, chúc ta lên đường may mắn... Lúc ấy, ta ôm con trống đầu đàn thầm thì: "Dẫn đàn vào sâu trong rừng kẻo người lạ đến bắt!". Nuốt nước mắt chực trào ra, ta ngậm ngùi: Thỉnh thoảng về trông nhà nhá.

Con đầu đàn rụi chiếc mỏ vào lòng bàn tay ta, kêu khe khẽ "gù…gù…gù", đầu gật liên hồi, nó muốn nói nhớ rồi.

Từ đôi mắt hạt huyền của nó, long lanh đôi giọt nước trong suốt. Nó buồn. Đàn gà lôi cũng lặng buồn. Chúng nằm bẹp xuống sàn, mắt đăm đắm nhìn ta như muốn trào nước.

Bao năm ta đi học xa, ngôi nhà sạch sẽ, ban thờ ấm áp, không vương mạng nhện, một phần nhờ ông chú, còn phần khác là nhờ bầy gà lôi. Chú ta bảo, vào ngày tết Đoan ngọ cách đây vài năm, chập tối chú đốt đuốc sang nhà ta. Chú đứng sững như không tin vào mắt mình, giữa thinh không vắng lặng, đàn chim trắng mấy chục con đuôi dài bay tóa lên, vỗ cánh dồn dập, khiến bó đuốc nứa chú đang cầm rơi xuống sân… Chú biết đấy là bầy gà lôi.

Ngày ta học xong chữ, về làm bác sĩ bản, lũ gà lục tục từ núi, kéo nhau trở về rừng mắc cọt nhà ta. Nhiều lần, khi bóng chiều phủ kín rừng núi, choàng nhẹ tấm khăn voan màu ghi lên bản, các nhà thơm mùi cơm chín, tụi gà vểnh ngược đuôi, xòe cánh màu trắng pha sọc ghi xám, lúc túc đứng ở cầu thang, nghển cổ ngóng đợi ta đi làm, hay hái thuốc trên rừng về. Thấy ta tụi nó xúm lại, khẽ cọ lông tơ đỏ mềm mượt trên đầu vào chân ta. Bầy gà nhảy nhót không biết ngơi ngưng. Những đôi chân đỏ xoay tròn, múa tít vui mắt. Nhìn chúng say sưa vũ điệu hoang dã, ríu rít gọi nhau, quây quanh nhà, ta thấy thanh thản…

Gà lôi trắng hiện diện, là một phần nguyên nhân để người quyền hành qui chụp, kết tội ta.

Nhưng, ta không hiểu nổi, bằng cách nào, ngày hôm đó, dưới gầm sàn nhà ta, trong lòng cối xay thóc bỏ không nhiều năm nay, xuất hiện hai con tê tê vảy vàng nằm cuộn tròn. Ta biết đây là loài động vật quí hiếm, nằm trong danh sách đỏ cần bảo tồn.

Ai mang đôi tê tê này đến nhà ta? Đây là bí ẩn mà đến giờ ta không giải mã nổi. Sao người ta lại hãm hại ta? Quá oan trái, nhưng sự thể rành rành ra đấy, ta chối cãi vào đâu? Ta không có đường lui, không thể thanh minh cho mình. Xót xa đắng đót quá. Khắc khoải ta thầm nghĩ, lẽ nào tình yêu của ta với Hai là ngọn nguồn cơn cớ qui chụp? Ừ, nếu như Hai không là con gái của Phó Chủ tịch huyện thì chắc ta vẫn bình an. Là ta trộm nghĩ vậy thôi, thực hư chuyện ta bị người ta hãm hại không thể phát ngôn tùy tiện.

Vậy là 25 tháng ở trong trại giam, đủ để ta ngộ vỡ ra nhiều điều. Muốn làm người tử tế mà sao khó quá. Nhưng ta bất ngờ khi được trả tự do sớm. Trước khi ta trở về cộng đồng xã hội, quản giáo Hoàng Hiếu bạn ta, bảo:

- Dúng à, Dúng có tên trong danh sách đặc xá.

Ta chớp đôi mắt buồn, trào nước mắt vì mừng:

- Ô! Thật thế a? Có phải Hiếu giúp không? Hiếu nói đi, đúng là Hiếu rồi…

Hiếu không trả lời ta, chỉ cười thôi. Nụ cười lấp lánh nắng vang mãi không ngưng.

Đêm nay, được làm người bình thường, sau khi ngủ ngon giấc, ta trằn trọc nghĩ. Sao ai mà tốt với ta như vậy? Ông chú già của ta quanh năm ngồi bó gối ở nhà, dù chú biết ta không phải là người săn bắn, mua bán động vật quí hiếm trên núi Pụ Khía, nhưng chú làm sao có đủ chữ để làm đơn kêu oan cho ta? Những đứa con nhà chú không đời nào rước khó vào thân, đi lo cho kẻ thất thế, không tiền. Đời này người ta phù thịnh, đâu có phù suy?

Dưới ánh trăng thao thiết, nghĩ mãi ta chưa thể khẳng định ai là người rộng vòng tay kêu oan hộ ta? Ai là người cứu giúp ta thoát khỏi bĩ cực? Lẽ nào là Hai? Sao em có thể chống lại chính cha mình? 

Đúng rồi, chỉ có thể là quản giáo Hoàng Hiếu, bạn của ta thôi. Sáng nay, Hiếu đưa ta ra ngoài cổng trại, dúi vào tay ổ bánh mì cùng gói xôi nếp thơm phức, nóng hôi hổi, bảo ta cầm ăn đi đường cho ấm bụng. Đôi mắt ấm áp, Hiếu mỉm cười:

- Tốt quá rồi, lớp trưởng Dúng! Mình mong Dúng bước thẳng về phía trước, bỏ ngoài oán hận người gây tội với bạn.

Khẽ gật đầu, ta nói nhỏ:

- Hiếu à, cảm ơn bạn đã gần gũi, giúp mình vượt qua biến cố u uẩn. Người có tội khắc bị pháp luật soi chiếu. Mình vẫn là thằng Dúng ngày xưa.

Hiếu ôm nhẹ ta, nói nhỏ:

- Tạm biệt ông bạn. Mong Dúng bình an. Hẹn gặp nhau vào dịp tổ chức họp lớp.

Trên vòm trời cao xanh, dưới nắng ban mai, bầy sẻ núi chao cánh ríu rít hoan ca.

*

Trời đang trôi về sáng. Trăng vừa mới đây còn chảy tràn sàn nhà, mê miên loang loáng trên người ta, giờ náu mình vào bụng núi Pụ Khía, nhường chỗ cho tụi mây bông nhởn nhơ, thong thả, ùa ập vào nhà ẩm ướt, lành lạnh.

Gió ù ù trườn trên cây rừng, từng hồi, từng lớp, tạo âm hưởng ràn rạt trầm bổng. Trong gió có hương thơm ngọt ngào của trái mắc cọt vào chín. Bất chợt, từ núi cao, rộ giọng gáy dõng dạc của gà gô "ngò…ó…ó…ó…ngo…o…o" rất quen, ngày một rõ dần. Sau bắt nhịp của "nhạc trưởng" gà gô, bầy gà lớn, gà bé khắp các bản đua nhau say sưa tấu lên giai điệu hoang dã muôn thuở mê miên, ngân dài giữa "nhịp phách" nhẩn nha chẵn lẻ của tắc kè đá, trôi từ núi rừng xuống, mải miết vang vọng.

Bước chân ra sàn phơi, ta vã nước từ "lìn" gỗ vào mặt. Thật khoan khoái dễ chịu giữa ban mai tinh khiết.

Ô kìa! Tiếng động cơ xe máy uỳnh uỳnh rền vang leo dốc. Chiếc xe trôi ra từ biển mây trắng bồng bềnh, chạy vào sân, dừng giữa gầm sàn nhà ta. Người phụ nữ lưng ong, tóc búi cao lộ gáy trắng ngần, nhanh nhẹn bế đứa trẻ trong ghế mây sau xe. Tiếng nựng con trong vắt: "Ốc ngoan, đi trực bệnh xá với mẹ mà không khóc, không tè dầm nhỉ…". Ơ! Lẽ nào… lẽ nào Hai đã có con?

Đứa bé trai trắng trẻo, bụ bẫm, hai tay ôm cổ mẹ, cất tiếng ngọng nghịu, dễ thương: "Me… me bế… chon…".

Ta sững sờ. Trống ngực đập loạn xạ, mắt rưng rưng…ngấn ướt.

Truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan
.
.