Vọng mãi những lời ca

Thứ Sáu, 03/02/2023, 14:21

Người mẹ ngồi bên nấm mộ đứa con mình đợi những nén hương đang cháy dở. Nhưng rồi những nén nhang đã tàn từ lâu mà mẹ vẫn còn ngồi đó. Bên tai mẹ văng vẳng như có tiếng hát hòa trong tiếng đàn. Mẹ nhận ra đó là tiếng hát, tiếng đàn của con trai mẹ. Những bài ca quen thuộc như thế anh đã mang theo vào chiến trường. Và bây giờ, anh lại mang về đàn hát bên người mẹ già. Chỉ khác một điều, trong tiếng đàn hôm nay, mẹ nghe rất rõ, có cả âm thanh của những lời ca chiến thắng!

Mẹ cắm nén hương lên ngôi mộ con trai mình ở nghĩa trang liệt sĩ, rồi đưa những ngón tay run rẩy lần qua lần lại dòng chữ trên tấm bia có ghi tên liệt sĩ Hoàng Thiết Huy. Đã ngót bốn mươi năm, mẹ ra ngóng vào trông, đợi cái ngày này. Đó là ngày chính quyền địa phương tổ chức quy tập, đón rước các liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc trở về nghĩa trang quê hương mình.

Hai dòng nước mắt của mẹ đọng lại trên hai hốc mắt trũng sâu, rồi trào ra, lăn dài trên khuôn mặt gầy gò, sạm đen vì cái nắng cái gió của vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Đôi môi mẹ lập bập, run rẩy, phát ra những âm thanh vỡ vụn khi gọi tên đứa con trai của mình.

- Con ơi! Huy ơi! Mẹ đến với con đây. Bây giờ thì mẹ con mình luôn được ở bên nhau rồi! Hôm nay trời đã sang thu, con của mẹ có lạnh lắm không?

Mẹ đã tới nơi này sau một đêm dài trời trở gió. Trong lòng người mẹ già, đứa con yêu dấu của mẹ đang nằm dưới nấm mộ kia chắc sẽ lạnh lắm. Bởi thế, mẹ đã dậy từ rất sớm để ra nơi này thắp nén hương lên ngôi mộ của con trai mình. Hơi lửa từ nén hương thơm sẽ làm cho con trai của mẹ được ấm cúng hơn. Và như vậy, cũng làm cho mẹ có được cái cảm giác bớt đi sự lạnh lẽo từ trong tận cõi lòng.

Sau đó, mẹ chậm chạp nhấc từng bước chân, đi thắp từng nén nhang lên những ngôi mộ trong khắp cả nghĩa trang. Mùi hương thơm bện trong làn khói, lan tỏa khắp khu vực những người con anh hùng của xứ sở này đang yên nghỉ đã đưa mẹ trở về với những dòng suy tưởng từ những ngày đầu con trai mẹ nhập ngũ. Và mẹ cũng chỉ biết đến thế thôi, chứ cái chết của con trai mẹ, một sự hy sinh vô cùng anh dũng trong cuộc chiến đấu đánh trả lực lượng không quân Mỹ đã được ghi trong lịch sử nước nhà thì mẹ không hề mảy may được biết đến…

*

Tháng Tám, năm 1964.

Con tàu do Đại úy Hải quân Đỗ Văn làm Chính trị viên kiêm thuyền trưởng, đang ở vị trí neo đậu tại một eo biển thuộc Bắc Trung bộ, giáp Vĩ tuyến 17, đợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Huy ngồi tựa lưng trên vách cabin nhà chỉ huy tàu, tay ôm chiếc đàn ghi ta, hướng đôi mắt xa tít tận nơi đầu ngọn sóng. Những ngón tay nom rất thư sinh của anh chàng vừa rời khỏi ghế nhà trường, dài, thon thả, bắt đầu lướt đều trên những phím đàn.

Non nước vui thanh bình (*)

Em hát câu tâm tình

Gửi lời thăm anh…

Những nốt nhạc trầm, bổng, tha thướt, nhẹ nhàng bay khỏi phím đàn, hòa quyện cùng ánh trăng xanh khiến biển trời càng thêm thăm thẳm. Nỗi nhớ da diết cứ như theo đó mà bay đi, mang theo cả nỗi lòng của người chiến sĩ trẻ, của biển, hướng về người mẹ, và cả người con gái mà anh đã kịp thổ lộ những lời thề sắt son, chung thủy, trong cái khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy.

Đó là ngày anh lên đường nhập ngũ.

Hôm ấy, mẹ anh và nàng đưa anh lên tận sân ga. Người đông nghìn nghịt. Tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chúc tụng, dặn dò, và cả những lời thề non hẹn biển, đã làm cho mọi con người có mặt như bị nghẹt cả thở.

Tiếng còi tàu hú lên báo hiệu chuẩn bị chuyển bánh. Tất cả những âm thanh kia bỗng ồn ã, chộn rộn hẳn lên. Chỉ ít phút nữa thôi, khi con tàu chuyển bánh, phía trước những người tân binh mặt còn non choẹt là tiền tuyến, là bom đạn, chết chóc, chia lìa. Nhưng họ vẫn háo hức, hừng hực khí thế của ngày ra trận. Những người ở lại thì khác, họ là những bà mẹ, những người vợ tiễn đưa chồng, con… Họ xót xa, nhớ nhung, quyến luyến, và vô cùng lo lắng cho số phận của những người ra đi.

Chàng và nàng từ lúc tới đây cũng chẳng nói với nhau được câu nào cho ra đầu ra đũa. Họ chỉ lặng lẽ, thỉnh thoảng lại đưa cặp mắt buồn rười rượi nhìn nhau. Nghe tiếng còi tàu, họ bỗng trở nên luống cuống, vội vàng. Không còn thời gian nữa rồi! Ánh mắt của họ long lanh như đang ngấn lệ. Chàng vội nắm chặt đôi bàn tay của nàng. Cả từng ấy ngón tay cùng lúc bỗng run rẩy, bíu níu, cố giữ chặt tay trong tay của mình. Miệng chàng ấp úng: “Anh yêu em! Hẹn ngày thống nhất đất nước anh sẽ trở về!”.

Nàng nhẹ nhàng gật đầu, hai dòng nước mắt trào ra, lăn dài trên má. Rồi tiếng nàng bỗng vỡ òa, nức nở: “Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!”.

Bà mẹ của chàng biết ý, từ nãy tới giờ vẫn lùi về phía sau vài bước đứng nhìn. Bà muốn để cho hai đứa con của bà được giãi bày tình cảm với nhau trước lúc ra đi, bấy giờ mới nhào tới. Dường như bà không thể cầm lòng được nữa rồi. Bà ôm chầm cả hai đứa con rồi òa khóc nức nở.

- Con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé…

Vậy mà đã hơn một năm rồi. Nhanh thật! Đôi mắt chàng vẫn thăm thẳm, chứa đựng đầy ắp những kỷ niệm ngày chia tay. Tiếng đàn của chàng đang vút thật cao, rồi đột nhiên lắng chìm hẳn xuống, tan chảy vào khoảng không, tạo thành một âm thanh ướt rượt có sắc màu vô cùng kỳ diệu, long lanh, rực rỡ, huyền ảo, chứa đựng biết bao nỗi nhớ nhung, khắc khoải, và vô cùng thống thiết.

b034b3fd0372d82c8163.jpg -0
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

- Tiếng đàn của cậu du dương lắm, nhưng phải cái hơi buồn! Chắc đang tâm trạng phải không? - Thuyền trưởng Đỗ Văn trong bộ quân phục màu xanh nước biển đứng bên cạnh chàng từ lúc nào, cất tiếng, đột ngột đánh thức khúc tâm tình của người lính trẻ. Huy như người ăn vụng bị bắt quả tang. Anh lúng túng dựng cây đàn lên vách cabin tàu, rồi ngẩng đầu nhìn thủ trưởng, miệng ấp úng:

- Dạ, thưa, thưa thủ trưởng…

Đỗ Văn vừa cười, vừa đưa tay ra hiệu, nói:

- Cứ tiếp tục đi, tớ hiểu mà. Tuổi đang yêu, phải xa nhau thì làm sao tránh khỏi nhớ nhung! Rồi anh lấy giọng pha chút hài hước. Cậu cứ việc thả hồn theo nốt nhạc cho thỏa nỗi lòng, nhưng nhớ là chúng ta đang trong thời kỳ trực chiến, phải cảnh giác cao độ và sẵn sàng chiến đấu đấy nhé!

- Thưa thủ trưởng, em nhớ rồi ạ.

- Tốt lắm! - Đỗ Văn định quay đi, nhưng rồi đột nhiên anh quay lại, nửa ngồi nửa quỳ bên cạnh Huy, tay vỗ vỗ lên vai chàng - À này, tớ định bàn với cậu, con tàu của chúng ta sẽ thành lập một đội văn nghệ. Cậu là người đàn giỏi hát hay, lại rất say mê. Tớ định giao cho cậu phụ trách, cậu sẵn sàng nhận nhiệm vụ đấy chứ?

Huy nghe nói, cậu chàng bỗng đỏ gay mặt, đưa tay gãi gãi đầu:

- Thưa thủ trưởng, cái gì chứ hát hò văn nghệ thì em thích lắm. Nhưng mà em sợ…

- Cậu sợ cái gì nào? - Giọng Đỗ Văn hết sức thân mật - Cậu cứ yên tâm, tớ sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ cho cậu. Tình hình căng thẳng lắm đấy. Bọn Mỹ đang âm mưu đánh phá miền Bắc, hòng ngăn chặn sự tiếp tế của hậu phương lớn đối với chiến trường miền Nam. Sắp tới đây, chúng sẽ dùng Hải quân đánh phá các vùng ven biển trước, mục đích là để thăm dò dư luận và lực lượng đối phương, rồi sau đó sẽ đưa Không quân ném bom, tàn phá các cơ sở kinh tế, quân sự của miền Bắc. Bởi thế, nhiệm vụ của chúng ta sẽ hết sức nặng nề, sẵn sàng đợi địch đến là đánh, mà đã đánh là phải thắng. Để phục vụ cho ý chí quyết thắng ấy, chúng ta phải củng cố tinh thần cho cán bộ chiến sĩ thật tốt. Văn nghệ cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thúc đẩy đời sống tinh thần của anh em. Cậu hiểu chứ?

- Vâng, thưa thủ trưởng, em hiểu ạ!

- Tốt lắm! Nào, hãy tạm gác lại nỗi nhớ nhung, ta vào phòng chỉ huy bàn bạc cho thật cụ thể cái đã nào!

*

Đội văn nghệ do Hoàng Thiết Huy làm đội trưởng được thành lập. Hầu hết anh em trên tàu đều hưởng ứng, tham gia. Nòng cốt của đội ngoài Thiết Huy còn có những tay chơi nhạc cụ rất sành điệu. Dũng, Toàn và khẩu đội trưởng Hường. Huy phân công mỗi người đảm nhận một công việc phù hợp với khả năng. Dũng có tiếng sáo trong veo như tiếng họa mi, được sở hữu một cây sáo tự chế bằng trúc vàng óng. Toàn thổi Acmonica bằng chiếc kèn do anh mang theo từ ngày nhập ngũ. Hường có biệt tài gõ phách bằng hai chiếc thìa chẳng kém gì một tay nhạc công chuyên nghiệp. Còn Huy vừa chơi ghi ta đệm đàn, vừa là đạo diễn của các chương trình biểu diễn.

Từ ngày đội văn nghệ trên tàu được thành lập, sau mỗi ngày luyện tập, cứ tối tối, trừ những người trực chiến, tất cả số anh em còn lại đều quây quần đàn hát cho nhau nghe. Sân khấu của họ là một cái bục tự đóng bằng gỗ phế thải tháo ra từ những chiếc hòm gỗ đựng quân trang quân dụng. Trên tàu bây giờ không ai còn thời gian rỗi để buồn phiền, nhớ nhung, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của đơn vị nữa, mà thay vào đó là những lời ca, tiếng hát, đầy ắp tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Thiết Huy đã biết tận dụng triệt để nguồn cảm hứng của anh em trong đội văn nghệ. Anh tổ chức xen kẽ thêm cả những buổi đọc truyện, và đặc biệt là tiết mục “Tiếng thơ trên boong tàu” được biến tấu từ “Tiết mục tiếng thơ” của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam mà ai cũng hết sức thích thú.

Yêu biết mấy những con người đi tới(**)
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ những loài sên…

Những bài thơ đại loại như trên được ngâm bằng giọng nam trầm của các chiến sĩ cứ vang lên, đọng mãi trong từng nơi sâu thẳm, khuất kín nhất của con tàu vào những buổi tối sinh hoạt văn nghệ, đã kích thích tinh thần chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, xé toang đám mây chiến tranh xám xịt, ảm đạm, đang phủ kín bầu trời.

“Hãy vít cổ bọn giặc trời, dìm xuống biển Đông!”.

Đó là khẩu hiệu được anh em trong đội văn nghệ đề xuất với ban chỉ huy, rồi tự viết thành dòng chữ lớn ngay trên boong tàu. Đỗ Văn rất hài lòng. Tối hôm ấy, anh cho tập hợp một cuộc họp khẩn cấp trong toàn đơn vị. Trước khi phổ biến nhiệm vụ quan trọng, anh nhìn mọi thành viên trong đội văn nghệ.

- Tinh thần của chiến sĩ được nâng cao như ngọn lửa, sẵn sàng thiêu cháy quân thù cũng có phần đóng góp không nhỏ của đội văn nghệ - Và anh cũng không quên biểu dương cá nhân Hoàng Thiết Huy đã thể hiện vai trò đầu tàu của phong trào. Đỗ Văn chỉ vào khẩu hiệu trên boong tàu, nói tiếp - Âm mưu của kẻ địch đã rõ ràng, con tàu của chúng ta là một trong những mục tiêu tấn công của chúng. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, nếu chúng dám liều mạng đến đây, nhất định chúng ta sẽ “vít cổ chúng, dìm xuống biển Đông”. Tất cả anh em mình có quyết tâm với tinh thần như vậy không?

- Quyết tâm! Quyết tâm!

Tiếng Đỗ Văn còn chưa dứt hẳn thì tiếng hô của các chiến sĩ đã dậy lên như sóng. Đỗ Văn đưa tay làm hiệu cho mọi người dừng lại.

- Tốt lắm. Bây giờ toàn đơn vị chú ý nghe tôi phổ biến chủ trương của cấp trên vừa chỉ thị xuống. Tình hình vô cùng khẩn trương. Rất có thể ngày mai không quân Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, mà địa bàn của chúng ta là một trong những mục tiêu đầu tiên của chúng. Các đồng chí cần hết sức cảnh giác, không rời vị trí chiến đấu dù chỉ một phút. Ngay bây giờ, từng bộ phận về kiểm tra lại vũ khí, khí tài, và làm thật tốt công tác ngụy trang để sẵn sàng nghênh chiến với địch. Các đồng chí hãy cố gắng hoàn thành thật tốttrước giờ đi ngủ. Tất cả đơn vịnghe rõ chưa?

- Rõ!...

*

Trời nắng. Cái nắng đến lạ. Mới chưa đến mười giờ mà ông trời đã như đổ lửa xuống tàu.

Ngay từ sáng sớm, mọi người đã sẵn sàng và rất hồi hộp chờ đợi cuộc chiến đầu tiên có thể sẽ diễn ra. Tiếng máy bay do thám không người lái của địch ro ro trên đầu. Con tàu của Đỗ Văn luôn là mục tiêu của chúng trong từng xăng ti mét di chuyển trên mặt biển. Anh em khẩn khoản xin thủ trưởng nổ súng. Khẩu đội 1, pháo 14,5 ly đặt phía trước cabin tàu. Khẩu đội 2, cũng là pháo 14,5 ly đặt ở phía sau cabin đã được lệnh nhấc nòng súng, quay về hướng có tiếng động cơ. Các chiến sĩ trên mâm pháo đang nóng lòng chờ đợi người chỉ huy phất lá cờ lệnh là họ đạp cò súng ngay tức khắc.

Một lát sau, tiếng động cơ xa dần rồi biến mất. Đỗ Văn tháo chiếc tai nghe máy bộ đàm, rồi hạ chiếc ống nhòm xuống, đeo lên cổ. Lá cờ lệnh vẫn cầm trên tay anh với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Anh biết các chiến sĩ của mình đang rất nóng lòng nổ súng nhưng vẫn phải chờ lệnh của cấp trên, tuyệt đối không được manh động.

Trên mâm pháo, Huy đang làm nhiệm vụ sẵn sàng tiếp đạn của khẩu đội số 1, đưa mắt nhìn Dũng ngao ngán. Dũng là xạ thủ số 1, cũng đang nóng lòng chẳng kém gì người đồng đội của mình.

- Bọn chó này hèn thật, có giỏi thì cứ chơi đi, dền dứ kiểu con nít thế mà không biết xấu hổ! - Dũng có vẻ bức xúc nói.

Huy tiếp lời xạ thủ số 1:

- Đúng đấy, bọn chó này hèn thật! Khi nào được lệnh bắn, khẩu đội ta phải quyết tâm khều được vài thằng "thần sấm" ngay từ trận đầu cho bõ cơn tức? Mà chẳng hiểu sao đến giờ này thủ trưởng vẫn chưa cho bắn nhỉ? Cái lũ do thám chẳng khác gì ruồi nhặng, cứ vo ve mãi, rất khó chịu!

- Đúng vậy! - Khẩu đội trưởng Hường từ nãy vẫn im lặng lắng nghe hai pháo thủ của mình nói chuyện, bấy giờ mới lên tiếng - Khi nào có lệnh bắn, anh em mình cùng thề quyết tâm nhé!

Cả ba người đập lòng bàn tay vào nhau: "Xin thề!"

- Anh Hường ơi! - Huy nói tiếp - Anh thay mặt khẩu đội mình phát động thi đua với khẩu đội 2 đi, xem bên nào bắn rơi được máy bay Mỹ đầu tiên?

Trong lúc ấy, khẩu đội 2 của khẩu đội trưởng Sĩ, Toàn và một chiến sĩ khác cũng đang tra vấn khẩu đội trưởng của mình vì sao đến giờ này mà chỉ huy vẫn chưa cho nổ súng. Khẩu đội trưởng Sĩ nghe Hường nói, nhoài hẳn người, quay sang đáp lời thách thức thi đua của khẩu đội 1. Trong lúc hai người đang đưa ra lời rao kèo lẫn nhau thì thuyền trưởng Đỗ Văn thoăn thoắt trèo lên đài chỉ huy. Anh gạt mồ hôi mặn chát trên mặt, dõng dạc nói:

- Tất cả chú ý, theo điện khẩn từ đài chỉ huy Quân chủng, bắt đầu từ sáng sớm hôm nay, Đế quốc Mỹ đã chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Máy bay, tàu chiến của chúng đã oanh tạc vô cùng ác liệt dọc theo bờ biển nước ta và các tỉnh giáp Vĩ tuyến 17. Chúng ta cần hết sức cảnh giác, luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mọi người nghe rõ chưa?

- Rõ! - Tất cả đồng thanh đáp.

Những khuôn mặt trẻ bỗng rạng ngời, sôi sục. Thuyền trưởng Đỗ Văn một tay cầm cờ lệnh, một tay nhấc chiếc ống nhòm đen sì đeo trên cổ, nói tiếp:

- Tôi cũng xin thông báo cho toàn đơn vị được biết, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả, lập công rất xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ ngay từ trận đánh đầu tiên. Chúng ta hãy noi gương tinh thần quyết chiến quyết thắng ấy…

Tiếng vỗ tay reo hò rầm rập, vang dội cả con tàu. Đỗ Văn còn đang định nói tiếp thì đã nghe tiếng máy bay địch ì ì từ xa vọng lại. Anh đưa chiếc ống nhòm lên mắt, hướng về phía có tiếng động cơ máy bay.

- Toàn đơn vị chú ý, máy bay địch đã xuất hiện trên bầu trời của chúng ta. Hướng Nam tám chiếc, hướng Đông Nam tám chiếc. Chúng chia thành từng tốp nhỏ đang lao về phía đội hình của chúng ta.

Chỉ tích tắc sau, tiếng máy bay đã rất gần.

- Khẩu đội 1 báo cáo, đã phát hiện mục tiêu!

- Khẩu đội 2 báo cáo, đã phát hiện mục tiêu!

Trạm thông tin liên lạc chuyển điện khẩn của Hải đoàn cho thuyền trưởng Đỗ Văn thông tin từ các tàu khác trong đội hình chiến đấu đã sẵn sàng hiệp đồng tác chiến. Bầu trời không một gợn mây. Những chiếc “Thần sấm” đen sì, cổ dài ngoẵng đang lao thẳng về phía những con tàu của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Một loạt rốc két từ chiếc phi cơ đầu tiên bắn xuống. Những cột nước bắn tung tóe. Khói lửa mù mịt. Pháo của quân ta từ các tàu thi nhau nhả đạn. Biển trời bỗng chốc chao đảo. Những con tàu chòng chành, nghiêng ngả. Thuyền trưởng Đỗ Văn tay cầm chiếc cờ đỏ liên tục phất cờ lệnh, miệng thét như muốn át cả tiếng bom đạn:

- Bắn! Bắn!

Khẩu đội trưởng Hường phát hiện một chiếc máy bay tách khỏi đàn, lén ra phía sau rồi bổ nhào xuống. Anh hét lên:

- Xạ thủ số 1 chú ý, máy bay địch hướng Tây Bắc, chuẩn bị!

Dũng nhanh chóng quay nòng súng theo hướng khẩu đội trưởng vừa ra lệnh.

- Báo cáo, tầm bắn thuận lợi, máy bay địch đã lọt vào tầm ngắm.

- Bắn! Bắn!

Dũng đạp cò súng. Khẩu pháo của anh gầm lên. Huy đứng bên cạnh làm nhiệm vụ tiếp đạn. Những viên đạn từ tay anh vừa đẩy vào nòng pháo bay vút ra, đỏ lừ, nhằm tên giặc trời vun vút lao tới. Chiếc máy bay đen sì, cổ dài ngoẵng vội vàng hất những quả bom ra ngoài rồi cuống cuồng ngóc cổ tháo chạy.

Một loạt bom cùng lúc nổ bên cạnh tàu của thuyền trưởng Đỗ Văn. Những cột khói, cột nước khổng lồ như trùm kín cả một vùng biển, dội xuống con tàu hòng nhấn chìm tất cả. Bỗng Thiết Huy thấy đau nhói bên bả vai. Xạ thủ số 1 Toàn nhìn thấy lưng áo đồng đội của mình ướt đầm máu, vội hét lên:

- Đồng chí Huy bị thương rồi, máu chảy nhiều quá, mau rời vị trí vào trong để băng bó!

- Không sao đâu. Toàn! Hãy chú ý! Đừng để bọn giặc trời chạy thoát! Huy đáp lời Toàn. Hai tay anh vẫn quyết không rời băng đạn.

Tiếng Đỗ Văn vẫn sang sảng:

- Chúng ta đang làm chủ trận địa. Máy bay địch đã bị rối loạn địa hình. Khẩu đội 1 hướng về phía Đông Nam! Khẩu đội 2 hướng về phía Tây Bắc!

- Rõ!

- Rõ!

- Hãy tập trung cao độ! Bắn! Bắn!

Lá cờ trong tay Đỗ Văn liên tục phất lệnh. Biển trời sặc sụa mùi khói lửa. Những con thuyền nghiêng ngả chỉ muốn lật úp. Bom đạn từ những chiếc phi cơ đen sì vẫn thi nhau trút xuống. Lại thêm một mảnh đạn nữa lướt qua má Huy. Máu tóe ra, ướt nhòe khắp cả khuôn mặt. Huy cúi xuống, đưa cánh tay gạt máu rồi lại tiếp tục đưa những quả đạn vàng chóe vào nòng pháo. Bỗng Thiết Huy thấy đau nhói ở vùng bụng bên trái. Anh liếc nhìn, thấy một đoạn ruột đang lập lờ, muốn lòi ra ngoài. Trời ơi! Anh mím chặt môi để sự đau đớn không bật ra ngoài. Mình không thể chết nếu chưa bắt được bọn Mỹ đền tội! Anh nghiến răng ấn đoạn ruột vào bụng rồi lấy bàn tay bịt miệng chỗ rách đang xối xả tuôn máu. Thiết Huy nghiến chặt hai hàm răng, hét lên:

- Hãy vít cổ bọn giặc trời, dìm xuống biển Đông! Toàn ơi! Bắn đi! Bắn đi!

Bên tay còn lại của anh gồng lên, nâng từng quả đạn cho nòng súng tiếp tục khạc lửa. Khẩu đội trưởng Hường biết Huy bị thương rất nặng, đã báo cáo với Thuyền trưởng Đỗ Văn cho người thay thế. Huy nghe thấy thế, lại gào lên:

- Anh Hường! Em còn cố gắng được! Nhưng rồi mắt Huy bỗng hoa lên. Anh nhìn thấy cả đàn máy bay Mỹ đang bổ nhào xuống trận địa - Kìa! Toàn ơi! Bắn đi! Bắn!...

Toàn lại nghiến răng đạp cò súng.

- Cháy rồi! Cháy rồi!

Một chiếc máy bay bỗng hóa thành bó đuốc khổng lồ rồi nổ tung trên bầu trời. Cùng lúc, bên khẩu đội của Sĩ cũng reo lên. Một chiếc "thần sấm" bị thương, chòng chành, cố bay về hướng Nam hòng tẩu thoát nhưng không thể kịp, đã rơi ngay sau đó chỉ ít phút. Viên phi công nhảy dù và bị dân quân địa phương bắt sống…

Trận chiến đấu kết thúc cũng là lúc Hoàng Thiết Huy bị kiệt sức. Anh từ từ ngã xuống trong vòng tay của những người đồng đội. Thuyền trưởng Đỗ Văn, Toàn, Dũng, Hường, Sĩ và tất cả mọi người trên tàu đứng quanh anh, không ai có thể cầm được những giọt nước mắt tiếc thương người đồng đội của mình.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Huy thổn thức:

- Các anh… và các cậu trong… đội văn nghệ cố gắng… để con tàu của chúng ta mãi mãi vang lên những lời ca… chiến thắng nhé!

*

Người mẹ ngồi bên nấm mộ đứa con mình đợi những nén hương đang cháy dở. Nhưng rồi những nén nhang đã tàn từ lâu mà mẹ vẫn còn ngồi đó. Bên tai mẹ văng vẳng như có tiếng hát hòa trong tiếng đàn. Mẹ nhận ra đó là tiếng hát, tiếng đàn của con trai mẹ. Những bài ca quen thuộc như thế anh đã mang theo vào chiến trường. Và bây giờ, anh lại mang về đàn hát bên người mẹ già. Chỉ khác một điều, trong tiếng đàn hôm nay, mẹ nghe rất rõ, có cả âm thanh của những lời ca chiến thắng! Đã gần trưa, người quản trang bước tới bên mẹ, kính cẩn nói:

- Thưa cụ, đã muộn lắm rồi ạ, để con đưa cụ về nhà nghỉ ạ!

Mẹ từ từ đứng dậy, nhìn lại ngôi mộ lần nữa rồi chậm rãi bước theo người quản trang rời khỏi thánh địa. Những sợi tóc của mẹ nhẹ nhàng bay theo chiều gió mùa thu. Và đã có biết bao nhiêu mùa thu như thế đã đi qua trong sự đợi chờ, làm bạc phơ cả mái đầu của mẹ!

-------

(*) Trích "Gửi anh khúc hát dân ca".

(**) Trích từ bài thơ "Mùa Thu Mới" của Tố Hữu

Truyện ngắn của Thế Đức
.
.