Vị anh hùng vô danh

Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:11

Phóng viên Trần Lệ công tác ở mục “Người tử tế” nhận được cuộc gọi báo về một tấm gương đã có hành động cao đẹp cứu giúp người bị nạn nhưng không để lại danh tính. Cô quyết định tìm kiếm người anh hùng vô danh này.

Theo thông tin từ cuộc gọi, Trần Lệ được biết người bị nạn đang điều trị tại Bệnh viện số 8. Vì ông ta đang hôn mê nên Trần Lệ đành phải tìm đến bác sĩ trực ca hôm đó. Theo lời bác sĩ, bệnh nhân bị cơn đau tim đột ngột ở giữa đường, may mà có người đàn ông đi qua trông thấy nên đưa tới bệnh viện kịp thời. Trần Lệ tỏ ý muốn biết một vài thông tin về người đàn ông đó, vị bác sĩ cho hay: “Vì lúc tiếp nhận, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch nên nhân viên y tá không kịp hỏi han người đàn ông, chỉ biết rằng ông ta chừng bốn, năm mươi tuổi gì đó, trông rất trung hậu”.

z6057674520409_d6d052730150019bfe0d2a4a0f091d18.jpg -0
Minh họa của Lê Tâm

Tiếp đó, Trần Lệ tới phòng quản lý bệnh viện, được sự giúp đỡ của nhân viên giám sát, cô đã tìm được đoạn băng ghi lại hình ảnh người đàn ông. Cô tiện thể chụp lại hình ông ta. Khi về tòa soạn, Trần Lệ liền lên bài tuyên dương vị anh hùng vô danh, cuối bài cô đính kèm ảnh của người đàn ông và địa chỉ liên lạc. Độc giả ai biết thông tin về người này xin hãy liên hệ tới tòa soạn.

Khoảng 1 giờ sau đã có người gọi điện thoại tới nhà đài thông báo rằng vị anh hùng ấy chính là người hàng xóm ở ngay cạnh nhà mình. Trần Lệ nhanh chóng tới địa chỉ được cung cấp. Tới nơi, mở cửa ra đón cô là một người đàn ông trung niên. Trần Lệ hỏi bác ta có phải là vị anh hùng vô danh đã có hành động cao đẹp cứu giúp người bị nạn? Người đàn ông từ tốn nói:

- Dào ôi, chuyện nhỏ chứ có gì đâu mà anh hùng. Gặp cảnh như vậy ai nỡ lòng bỏ đi. Đề nghị cô nhà báo hãy mau chóng gỡ bỏ bài viết đó!

Trần Lệ dè dặt thưa:

- Với bác tuy là việc nhỏ nhưng đối với xã hội mà nói, đó là việc tốt, mang tính tích cực cần phải khích lệ. Nhà báo chúng cháu có trách nhiệm tuyên truyền để những điều tốt đẹp đó được lan tỏa. Quả thực cháu không muốn việc tử tế này bị rơi vào quên lãng…

Người đàn ông khoát tay cắt lời:

- Cháu không nên xem nặng việc làm này của bác, quả thực bác không xứng đáng. Cháu muốn biết tại sao bác lại cứu lão ấy không? Vì lão ấy… nợ tiền của bác. Nếu không cứu, lỡ mà lão ấy chết thì tiền của bác biết đòi ai?

- Thì ra là vậy. Nhưng tại sao bác không để lại tên và địa chỉ tại bệnh viện, nếu ông ấy biết bác là người đã cứu mình thì biết đâu vì cảm kích sẽ rất có thể sớm mang tiền đến trả.

Người đàn ông thở dài:

- Cháu không hiểu đâu. Với nhân cách của con người đó, nếu để lão ấy biết bác là người đã đưa lão tới bệnh viện, thì lão không chửi thầm cả nhà bác mới là lạ. Bởi chết là hết nợ, lão đã muốn xuống Cửu Tuyền nghỉ ngơi mà bác còn nắm đầu kéo lên nữa. Bác đề nghị cháu trong bất kể trường hợp nào cũng phải giữ bí mật chuyện này cho bác!

Trần Lệ chép miệng ngao ngán, chỉ đáp lại gọn lỏn:

- Vâng.

Hiếu Văn (dịch)

Truyện vui của Triệu Thủ Ngọc (Trung Quốc)
.
.