Vết sẹo

Thứ Bảy, 28/10/2023, 06:58

Được tiêm một mũi thuốc, Út chìm vào giấc ngủ sâu. Nhi ngồi bên giường bệnh. Từ trước đến giờ, Nhi mới ngồi gần Út đến thế. Gương mặt Út hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều ngày không ngủ. Nhi đưa tay vén mái tóc lòa xòa, cái vết sẹo như con rết bò trên mặt Út. Vết sẹo đập ngay vào mắt người đối diện khiến người ta không thấy Út có đôi mắt đẹp, có chiếc mũi cao, có đôi môi đỏ và gò má bên kia trắng trẻo. Tự nhiên, một nỗi buồn và sự ân hận tràn ngập trong lòng Nhi.

Ngày ba dẫn dì Tâm về nhà Nhi đứng nép sau cánh cửa ầng ậng nước mắt nhìn hai người. Dì Tâm đưa tay xoa xoa cái bụng nhô lên dưới lớp áo, rồi như sực nhớ, dì đưa mắt tìm quanh rồi dừng lại ở cánh cửa. Dì ngoắc Nhi, bảo lại đây dì cho cái bánh. Nhi vùng vằng chạy ra sau hè, chảy nước mắt nhìn đám gà con líu ríu chân tăm núp dưới cánh gà mẹ. Nhi nghe giọng ba nói với dì, mới đầu chưa quen, sau này con bé sẽ quen thôi!

Nhưng mà cho dù thời gian có trôi qua bao lâu thì Nhi cũng chẳng thể nào quen được với sự xuất hiện của dì Tâm trong căn nhà mình. Nhi càng ghét cay ghét đắng khi dì sinh bé Út. Ba nói mẹ mất rồi thì hãy xem dì Tâm như mẹ, bé Út là em nên Nhi phải thương. Nhi nhớ dì Tâm đã phụ họa với ba rằng dì sẽ thương Nhi như dì thương bé Út, dì chép miệng nói với hàng xóm tội nghiệp con bé, mẹ mất sớm như gà con lạc mẹ. Nhưng khi không có ba ở nhà, khi chẳng có người hàng xóm nào ở bên, dì Tâm nhìn Nhi bằng ánh mắt sắc như dao cau.

Ba đi ruộng bắt được con cá lóc, khúc mình dì cho bé Út, khúc đuôi dì gắp vào chén mình. Còn cái đầu cá nằm trong dĩa, ba gắp cho Nhi. Miếng cơm trệu trạo trong miệng, Nhi nhìn dì xẻ thịt cá, bỏ từng cái xương dăm rồi đút vào miệng bé Út. Con bé phụng phịu đòi ăn thịt, nó đưa tay hất làm cơm văng tung tóe trên bàn. Nhi lùa vội bát cơm rồi thả đũa. Khi Nhi học lớp 5 thì bé Út vào lớp 1. Một buổi Nhi tới trường, buổi kia dì Tâm bắt Nhi lội ruộng hái rau, vớt bèo cho heo. Bàn tay nhỏ xíu của Nhi dính đầy mủ rau, đen đúa vì nhét đầy bùn đất. Bé Út chơi trong sân, thấy Nhi khệ nệ ôm bao rau heo về Út chạy lại bảo:

- Chị Hai chơi banh chuyền với em.

- Xê ra, mày không thấy tao đang ôm rau heo à - Bực tức, Nhi đưa chân đá một cái vào chân Út.

4fd4ac0e5bd08c8ed5c13.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Bị đá bất ngờ, bé Út khóc thét lên. Dì Tâm đang nấu cơm trong bếp, sẵn cây củi trên tay dì quất ràn rạt vào người Nhi. Bé Út lập tức nín khóc, chạy lại ôm Nhi bảo mẹ đừng đánh chị Hai.

Dì Tâm đi chợ, có bịch chè, cái bánh cũng dấm dúi cho Út, miếng nào ngon nhất hẳn nhiên chẳng bao giờ đến lượt Nhi. Từ lâu, Nhi chẳng còn buồn vì những chuyện đó bởi lẽ thường ai mà chẳng thương con mình nhiều hơn. Nhi và dì Tâm có máu mủ gì đâu mà thương! Nhi tỏ thái độ dửng dưng, thậm chí là ghét dì và bé Út ra mặt. Có lần, dì đi công chuyện, bảo Nhi trưa tan học thì ghé trường tiểu học rước Út về chung. Trưa đó, Nhi giả đò quên, bỏ mặc Út một mình đi ngang qua cánh đồng nắng rát. Dì Tâm về, thấy Út đứng khóc bên cây cầu tre nhìn dòng nước chảy mà không dám qua. Về nhà, dì lấy roi tre vừa vụt vào người Nhi vừa chửi rủa. Mỗi lần chiếc roi quất vào người, Nhi cong người lại vì đau. Sống với dì, Nhi ăn đòn nhiều hơn ăn cơm.

*

Có những buổi chiều Nhi mang liềm đi hái rau heo, Út lẽo đẽo đi theo mặc kệ Nhi đã nói “đừng theo tao”. Nhi xắn quần, lội xuống ao, con bé thơ thẩn ngồi chơi trên bờ. Út vừa bứt cỏ gà, bẻ mấy bông hoa dại vừa kể cho Nhi nghe chuyện trên lớp. Nhi chẳng ừ hử gì, đưa tay thoăn thoắt cắt từng nắm rau muống cho vào bao. Một lần Út trượt chân ngã xuống ao rau muống. Nhi vứt liềm, định kéo Út lên bờ nhưng nhận ra mùa này ao cạn xợt, chỉ toàn bùn, Út đứng lên nước chỉ tới ngang đầu gối. Con bé sợ hãi khóc lóc um sùm. Út càng khóc dữ hơn khi nhìn thấy có con đỉa đang bơi gần đó. Nhi đứng chống nạnh bảo đứng lên tự leo lên bờ đi.

Trước giờ được mẹ cưng chiều, Út luống cuống như gà con bị rơi vào vũng nước chẳng cách nào lên bờ được. Cứ đặt một chân lên bờ lại bị tụt xuống. Nhi mặc kệ, vớ lấy cái liềm tiếp tục cắt rau. Loay hoay mãi rồi Út cũng lấy tay bám vào mấy bụi cỏ trên bờ, lấy đà leo lên. Ối! Tiếng bé Út la lên. Nhi giật mình quay lại thì thấy con bé bị trượt chân, mặt úp lên bờ, một cọc tre nhọn hoắt chọc vào má phải. Nhi sợ hãi chạy lại kéo Út lên, một dòng máu đỏ chảy ra quyện với màu bùn đen dính đầy trên mặt. Nhi hớt hải cõng Út chạy về nhà. Dì Tâm múc nước xối hết bùn đất, thấy máu không ngừng chảy trên mặt dì vội đưa Út đến trạm xá. Bác sĩ nói, may sao cái cọc tre chỉ chọc vào phần mềm, nếu chọc vào mắt thì bé Út mù rồi.

Ngày tháo băng, một đường may dài chạy trên má Út. Chiếc cọc đã cắm sâu vào thịt gây ra một vết thương rất sâu, mai này sợ rằng Út sẽ mang theo vết sẹo ấy suốt đời. Út ôm mặt khóc thút thít. Kể từ buổi chiều hôm ấy, Út không còn lẽo đẽo theo Nhi đi ra ruộng nữa. Dì Tâm cấm tiệt Út ra ao, ra sông hay đi ra những chỗ nguy hiểm ấy. Nhi cười mỉa, nguy hiểm gì khi ngày nào Nhi cũng lội xuống vớt từng nhúm bèo, cắt từng bó rau cho heo.

Hồi nhỏ Út không để ý nhiều đến vết sẹo trên má nhưng càng lớn Út càng khác. Nhiều lần, Nhi bắt gặp Út ngồi thẫn thờ soi gương, đưa bàn tay di di lên vết sẹo rồi khóc. Có bao nhiêu tiền dì Tâm cho ăn vặt, Út dồn mua khẩu trang. Những hộp khẩu trang chất đầy trong phòng Út. Ra ngoài, Út kéo mũ áo khoác trùm lên đầu, bịt khẩu trang kín mít. Út sợ người ta thấy vết sẹo trên má mình. Dì Tâm thở dài. Từ ngày Út mang vết sẹo, dì cay nghiệt với Nhi hơn. Có lần dì nói, sao cái đứa bị cọc tre chọc lên má không phải là Nhi. Mặt Nhi đen thui, xấu xí chứ đâu có trắng trẻo, mịn màng như Út. Còn Út thì im re, từ cái ngày bị té Út chẳng hé nửa lời với dì Tâm chuyện Nhi không giúp Út lên bờ nên mới xảy ra chuyện. Nếu biết được, chắc dì Tâm đánh Nhi đến thừa sống thiếu chết và chắc là khó sống với dì trong căn nhà này.

Nhiều lúc Nhi tự hỏi, Út có trách Nhi không sao chẳng bao giờ nặng nhẹ với Nhi một lời. Dì Tâm nghe mọi người mách tìm đủ loại lá cây đắp lên mong vết sẹo mờ nhưng vô phương. Vết sẹo lồi, nổi lên đỏ như người ta vẽ son trên má Út. Nhi nghĩ, đâu phải mình Út có vết sẹo. Trong lòng Nhi cũng có vết sẹo sâu hoắm kể từ ngày ba dắt dì Tâm về nhà. Vết sẹo trong lòng chẳng ai thấy nhưng sâu thăm thẳm…

Nhi học lớp 11 thì ba mất. Cái sợi dây mong manh nối giữa Nhi và dì Tâm đứt lìa. Có lần ba ngồi hút thuốc nói với Nhi rằng ba cưới dì Tâm là vì muốn Nhi có người chăm sóc, con gái lớn lên không có mẹ thiệt thòi biết bao nhiêu. Nhi thương ba, sợ ba phiền lòng nên xưa giờ dì Tâm có mắng nhiếc, có vụt roi lên người hằn những vết đỏ bầm thì Nhi cũng coi như chuyện nhỏ, chẳng bao giờ kể. Nhà Nhi nghèo, từ ngày có thêm dì Tâm ba phải gồng mình lên lo cái ăn cho 4 người. Phơi nắng phơi sương ngoài đồng làm ba già nhanh. Có lúc Nhi giật mình nhìn thấy tóc ba bạc quá nửa, những tiếng ho trong đêm như xát muối vào lòng Nhi. Dì Tâm cũng từng mơ mộng một cuộc sống đủ đầy, giờ chạm cảnh nghèo của ba dì đâm ra chua chát. Dì hằn học với ba trong cả những bữa cơm. Dì nói, phải chi hồi đó đừng dại dột theo ba thì đời dì đâu có khổ. Không biết bao nhiêu lần, dì vùng vằng gấp quần áo đòi bỏ nhà ra đi. Khi ba níu lại, dì bảo ba làm lụng quanh năm suốt tháng có đổ được cho dì một chỉ vàng đeo tay hay không? Dì nói ba nhìn những người đàn bà khác trong làng trong xóm mà xem, vàng đeo đỏ tay mà ham. Nhi biết, ba khổ tâm nhiều lắm. Nhìn ra cánh đồng, Nhi nghĩ biết đâu ở nơi xa xôi nào đó ba đã hết khổ.

*

Ba mất ít lâu thì dì dắt một người đàn ông khác về nhà. Nhi nhận ra người đàn ông đó trong đám công nhân cầu đường đang xây cây cầu dang dở bắc qua con sông gần nhà. Lán trại dựng sơ sài, vài người đàn bà chụm đầu lặt rau, làm cá nấu cơm chiều. Còn cánh đàn ông sau một ngày mệt bơ phờ cởi trần trùng trục nhào xuống sông tắm. Hễ có đàn bà con gái nào đi ngang chẳng biết có chồng hay chưa họ cũng buông lời trêu ghẹo. Nhi nghe giọng vùng miền lạ lẫm, rõ ràng họ đến từ những nơi rất xa. Vậy mà, chẳng hiểu sao dì lại dắt một trong số những người đàn ông xa lạ đó về nhà.

Người đàn ông thả cái ba lô xuống giường rồi quay qua cười hềnh hệch với dì bảo ở đây có giường, ngủ trong nhà sướng hơn nhiều ngủ trên mấy miếng gỗ ghép cứng đơ ngoài bờ sông. Dì lườm yêu một cái, ra bắt con gà mái đang nằm ổ làm thịt. Dì còn sai Nhi ra tiệm tạp hóa đầu làng mua chai rượu gạo. Út đi học về, sa sầm nét mặt khi thấy người đàn ông lạ trong nhà. Út vùng vằng, giận dữ, dụi tắt mấy cây củi trong bếp, nước mắt chảy ròng ròng nói ba mới mất sao má nỡ làm như thế? Dì tát cho Út một cái đau điếng. Vết sẹo trên má Út đỏ tấy lên. Đó là lần đầu tiên dì đánh Út.

Tối đó, Nhi và Út bỏ bữa tối. Nhi ra sau hè, nhìn xa xăm ra ngoài đồng nơi ba má nằm với gió. Nhi nghe Út khóc rấm rứt trong phòng, ngăn cách với Nhi bằng những tấm ván mỏng. Trong nhà, Nhi nghe tiếng cười rúc rích của dì với người đàn ông kia. Lúc nãy, mắt ông ta sáng rực khi nhìn thấy con gà luộc được bê lên. Hai bàn tay vồ lấy hai cái đùi gà như con mèo nhìn thấy miếng mồi ngon. Rồi cứ thế ông nhồm nhoàm hết miếng này đến miếng khác mà không buồn mời ai một tiếng. Và đêm đến, Nhi nghe những tiếng hổn hển, tiếng thở gấp, tiếng rên rỉ trong cuộc giao hoan từ giường ngoài vọng vào tận trong phòng.

Mặc kệ những lời bàn tán của hàng xóm, kệ cả ánh nhìn giận dữ của Nhi và Út, dì vẫn cứ cung phụng người đàn ông đó một cách vô lí. Ông ta sáng ra bến sông xây cầu, chiều chiều đủng đỉnh về nhà đã có cơm canh ngon lành đợi sẵn. Dì vét tiền mua rượu, mua thịt, đàn gà vịt để dành đẻ trứng cũng lần lượt lên mâm. Dì nói với ông ta mai mốt cầu xây xong thì ở lại xứ này làm ăn, rày đây mai đó theo công trình làm chi cho cực. Ông tợp miếng rượu, gật đầu cái rụp. Hai tháng ở nhà Nhi, ông ta béo tốt lên trông thấy. Một lần, Nhi vô tình thấy ông ta lấp ló ở gần phòng tắm. Út đang xối nước ào ào trong đó. Nhi đi ra thì ông ta lủi mất. Nhi lờ mờ đoán được ông ta nhen nhóm ý định xấu với Út.

Một đêm, Nhi nghe tiếng bước chân nhẹ như tiếng mèo. Tiếng lạch cạch mở cửa. Nhi ngồi dậy, nghiêng tai lắng nghe. Người đàn ông đang cố tình mở cửa phòng Út. Út chẳng bao giờ khóa cửa bởi nhà chỉ có Nhi với dì. Từ ngày có thêm người đàn ông, cánh cửa được đóng lại hờ hững bằng cái chốt nhỏ xíu, chỉ cần giật là bung. Nhi nghe cạch một cái, một tiếng la chưa kịp cất lên đã bị chặn lại. Nhi nghe tiếng vật lộn, giằng co. Nhi hoảng hồn vùng dậy, với tay bật điện rồi chạy vào phòng Út. Người đàn ông đang bịt miệng Út, người đè lên người con bé. Nhi giận dữ vớ lấy cây chổi đập liên tiếp vào lưng ông ta. Vừa đập vừa la. Dì Tâm ngủ mê mệt phía ngoài cũng chạy vào. Người đàn ông buông Út ra. Ngay lập tức, ông chạy ào ra vớ lấy cái ba lô để góc giường rồi lủi mất vào màn đêm. Út ôm mặt khóc rưng rức, con bé vẫn chưa kịp hiểu chuyện kinh hoàng gì vừa xảy ra.

Hai tuần sau, khi cây cầu xây xong thì người đàn ông đó cũng mất tăm. Lán trại được dỡ, chẳng còn cảnh bến nước lao xao mỗi bận chiều về. Đám công nhân cầu đường đi rồi, vài người đàn bà trong làng đột nhiên buồn ngơ ngẩn. Có người còn ra sông ngồi khóc rấm rứt vì lỡ có bầu với kẻ bội bạc. Những người già trong làng chép miệng: “Ối giời, đám ấy chỉ vui chơi qua đường. Kiếm chỗ giải sầu, kiếm người nấu ăn cung phụng chứ có thương yêu ai thật lòng”. Dì Tâm xấu hổ, chẳng bao giờ nhắc đến người đàn ông đó nữa.

Lòng Nhi với dì càng ngày càng thua người dưng nước lã. Bởi Nhi đã từng nghĩ rằng cả Nhi và dì đều cùng thương yêu tận cùng máu thịt một người đàn ông là ba Nhi. Hóa ra lòng dạ con người dễ thay đổi đến như thế!

*

Thi tốt nghiệp phổ thông xong, Nhi xếp đồ lên thành phố kiếm việc làm. Dì Tâm thấy vậy như người bị mất của, cứ lồng lộn mà chửi. Nhi biết mình đi rồi đâu ai phụ dì chuyện nhà cửa, chuyện ruộng đồng, chuyện nuôi heo. Mỗi lần bán lứa heo, dì đếm xoèn xoẹt từng tờ tiền rồi nhét vào túi áo. Dì mua áo, mua cặp, mua dép mới cho Út chứ chưa từng sắm cho Nhi một thứ gì. Bán heo hôm trước, hôm sau đã có lứa heo mới trong chuồng và Nhi lại phải bì bõm dưới ao cắt từng bao rau nặng trĩu. Giờ Nhi đi, chẳng còn ai làm việc không công cho dì nữa. Nhưng mà mặc kệ, dì chửi thì chửi, Nhi đi thì cứ đi. Sáng hôm đó đứng đợi xe đò, Nhi thấy bé Út mắt đỏ hoe, nước mắt chảy thành vệt dài trên vết sẹo. Út bảo Hai lên thành phố ráng giữ sức khỏe, có gì nhắn tin cho Út. Nhi đáp lại gọn lỏn:

- Mày về đi, tao không chị em gì với mày hết.

Khi xe chạy để lại một đám bụi mờ sau lưng Nhi vẫn thấy Út đứng nhìn theo xe.

Nhi lên thành phố làm công nhân. Cả ngày cắm cúi bên chiếc máy may, ngẩng đầu lên đã hết một ngày. Chẳng nhớ mình sống tha hương đã được sáu hay bảy năm. Đến ngày giỗ ba, giỗ mẹ, Nhi làm mâm cơm nhỏ thắp nhang trong phòng trọ. Tết Nhi không về nhà. Đó đâu còn là nhà của Nhi nữa. Út thỉnh thoảng cũng nhắn tin cho Nhi hỏi thăm. Út hỏi Hai khỏe không, công việc tốt không. Út kể mẹ bệnh cả năm nay, người yếu hẳn, chẳng đi ruộng nổi. Nó kể mẹ đã bán bầy heo, giờ cái chuồng trống không. Nhi đọc những dòng tin nhắn đó mà không trả lời, muốn nhắn cũng chẳng biết nhắn lại gì. Khoảng cách giữa Nhi và Út rộng mênh mông như dòng sông chảy qua làng. Từ hồi dì Tâm sinh Út, hình như chưa bao giờ Nhi ngồi chơi hay nói câu gì ngọt ngào với Út. Nhi ghét người đàn bà bước chân vào căn nhà thay thế mẹ, và ghét luôn Út là điều hiển nhiên. Nếu Út là con của dì Bảy, dì Ba hàng xóm thì có lẽ Nhi đã thương hơn rồi!

Một đêm, điện thoại Nhi đổ chuông dồn dập. Nhi rất hiếm có những cuộc điện thoại, vào nửa đêm lại càng không. Mắt nhắm mắt mở, Nhi ấn nút nghe. Đầu dây bên kia là tiếng nấc lên nghẹn ngào, khó khăn lắm Nhi mới dịch được “Mẹ mất rồi Hai ơi. Hai về đi!”. Nhi tắt máy, bàng hoàng dù biết dì Tâm lâu nay bệnh yếu. Nhi nhăn trán, có nên về không? Nhi nhớ lại những trận đòn roi dì vụt lên người mình, nhớ những câu chửi rủa, lại nhớ cảm giác tủi thân thăm thẳm mà dì gieo vào lòng Nhi suốt những năm tháng ấu thơ. Nhi nhớ cả tiếng rên rỉ hoan lạc của dì với người đàn ông khác khi mộ ba còn chưa xanh cỏ. Điện thoại lại có tin nhắn “Hai về với em đi!”.

*

Nhìn bé Út mặc bộ đồ tang, gương mặt thất thần, liêu xiêu đứng bên quan tài mà Nhi bất giác nhớ lại mình ngày mất mẹ. Út ngơ ngác như không tin vào chuyện mẹ đột ngột ra đi. Con bé níu vào tay Nhi như cái cách ngày đó Nhi níu vào tay ba trong nỗi sợ hãi ba cũng bỏ mình mà đi như mẹ. Út rộc người, hầu như chỉ khóc nên Nhi đứng ra lo liệu cho dì. Dì Tâm được chôn ngoài cánh đồng, cạnh mộ ba và mẹ.

Mùi nhang khói làm cho ngôi nhà càng thêm lạnh lẽo. Khi thấy Nhi sửa soạn đồ đạc, Út giật mình hỏi:

- Hai đi nữa sao?

Nhi gật đầu:

- Đi chứ, công việc trên đó ngổn ngang, tao chỉ xin phép nghỉ được mấy ngày.

Út nhìn lên bàn thờ, cái vết sẹo trên má tự nhiên đỏ lên rồi giật giật. Con bé không nói gì nữa, nằm thẫn thờ như con cá mắc cạn ngoi ngóp hớp từng luồng không khí. Nhi tặc lưỡi, rồi nó sẽ quen. Nó mất mẹ khi đã học xong 12, còn Nhi mất mẹ hồi 4 tuổi. Rồi Nhi cũng đã vượt qua được nỗi đau mất ba, mất mẹ đấy thôi!

Đêm ấy Út lên cơn sốt cao. Con bé mê man, lên cơn mê sảng, nước mắt chảy nhòe nhoẹt trên má. Trong cơn mê Út gọi tên mẹ, gọi tên ba, gọi chị Hai, vừa gọi vừa khóc. Nhi lay mãi mà Út không tỉnh. Nhi sợ hãi nhờ người đưa Út đi cấp cứu trong đêm. Út được tiêm thuốc, truyền nước. Bác sĩ bảo Út bị cú sốc quá lớn sau khi mẹ mất, tinh thần không ổn định. Con bé cần quan tâm, cần người nhà ở bên an ủi, tuy mất nhiều thời gian nhưng rồi sẽ ổn.

Được tiêm một mũi thuốc, Út chìm vào giấc ngủ sâu. Nhi ngồi bên giường bệnh. Từ trước đến giờ, Nhi mới ngồi gần Út đến thế. Gương mặt Út hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều ngày không ngủ. Nhi đưa tay vén mái tóc lòa xòa, cái vết sẹo như con rết bò trên mặt Út. Vết sẹo đập ngay vào mắt người đối diện khiến người ta không thấy Út có đôi mắt đẹp, có chiếc mũi cao, có đôi môi đỏ và gò má bên kia trắng trẻo. Tự nhiên, một nỗi buồn và sự ân hận tràn ngập trong lòng Nhi. Nếu ngày đó Nhi giúp Út thì đâu đến nỗi con bé phải mang vết sẹo trên má suốt đời như vậy. Mai này liệu có người con trai nào thương vết sẹo đó của Út không?

Đêm khuya Út trở mình, thỉnh thoảng lại gọi tên Nhi. Trong giấc mơ, con bé cũng sợ bị bỏ lại một mình. Ba mất, mẹ cũng mất, giờ người thân của Út đâu còn ai khác ngoài Nhi nữa! Nhi đưa tay lau giọt nước mắt đọng lại trên vết sẹo dài trên má Út. Một cảm giác thân thương tràn ngập trong lòng. Hình như từ ngay ba mất, Nhi chưa từng có lại cảm giác gần gũi ấy!

*

Nhi đứng nhìn ra khung cửa sổ bệnh viện, nắng nhảy nhót trên mấy tán cây. Đôi chim ríu rít, thong dong đậu trên nhánh cây rỉa lông rỉa cánh. Út tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn quanh như không hiểu vì sao mình nằm đây rồi hoảng hốt đưa mắt tìm. Mặt con bé giãn ra khi nhìn thấy Nhi…

Nhi quay lại, mỉm cười.

- Để Hai đi mua cháo cho Út ăn nha. Mua thêm ly nước cam uống cho khỏe - Lời nói ra, Nhi đột nhiên nhận ra đó là lần đầu tiên Nhi xưng Hai chứ không phải xưng mày tao với Út. Và đó cũng là lần đầu tiên Nhi dịu dàng với em đến thế.

Út nhận ra sự thay đổi của Nhi, mắt cứ rưng rưng. Khi Nhi cầm ví tiền quay ra thì Út hỏi ngược:

- Hai có lên thành phố nữa không?

Nhi quay lại, lắc đầu. Bây giờ Nhi không đi nữa, thành phố mênh mông nhưng cô độc vô cùng, Nhi tưởng ở nơi không có dì Tâm, không có Út vết sẹo trong lòng Nhi sẽ lành. Nhưng càng đi xa, Nhi lại càng thấy lòng mình trống rỗng. Những ngày tháng sắp tới Nhi sẽ ở lại đây, bên cạnh máu mủ ruột thịt của mình…

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Hiền
.
.