Về theo hồi ức
Sau 7 năm ở xa Tổ quốc, ngày mùng 5/1/1975 chúng tôi trở về Việt Nam vào tháng Giêng mùa hoa pơ lang nở rộ. Nhiệm vụ của Sư đoàn 968 là đến bắc Tây Nguyên thế chân cho Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 hành quân vào phía nam đánh Buôn Ma Thuột. Để đánh đòn nghi binh, Sư đoàn 968 nã pháo dồn dập vào các căn cứ địch ở bắc Tây Nguyên, kể cả Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy đóng tại Pleiku.
- Có phải anh ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, người đã bắn một quả B40 vào dinh thự tên tỉnh trưởng Sa-ra-van năm 1970 trong trận đánh bên chiến trường Lào không nhỉ? Tôi hỏi một nghệ sĩ nhiếp ảnh tại trại sáng tác Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung. Người này tôi vẫn nhớ mặt nhưng lâu lắm rồi quên tên. Anh có vết sẹo bị viên AR15 xuyên qua hai bên má. May mà chỉ trúng phần mềm.
- Không phải tôi. Đó là đồng chí Phan Văn Cảnh. Anh Cảnh theo mũi chính trị viên đại đội Trần Văn Mão dẫn đầu, đánh thẳng vào đồn cảnh sát. Khi cách mục tiêu chừng 50 mét thì Phan Văn Cảnh được lệnh tiêu diệt toán lính cố thủ trong nhà tên tỉnh trưởng.
Bây giờ thì tôi cũng đã nhớ một cách tường tận trận đánh mà hai chúng tôi tham chiến. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 4 của Sư đoàn 968 có nhiệm vụ đánh sân bay và tiêu diệt bộ máy đầu não của địch ở thị xã Sa-ra-van tại km số 2, đường 23. Anh cùng Đại đội S4 đặc công chúng tôi đánh vào khu dinh tỉnh trưởng Sa-ra-van theo hướng Tiểu đoàn 4. Quả đạn đỏ lừ lao vào đánh sập dinh thự tên tỉnh trưởng. Tên tỉnh phó và 24 tên lính nguỵ Lào sống sót phải đầu hàng.

Gặp nhau ở trại viết Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chúng tôi mới có dịp hỏi kỹ về nhau. Anh nhắc lại tôi mới nhớ anh tên là Tú. Huỳnh Xuân Tú, quê ở Phú Yên, tập kết ra miền Bắc lúc mới 6 tuổi. 18 tuổi anh nhập ngũ trở về miền Nam giải phóng quê hương.
*
Mười giờ sáng ngày 8 tháng 6 năm 1970, chúng tôi bí mật hành quân đến phía tây thị xã Sa-ra-van để tiêu diệt các cứ điểm Phù-cà-tè, Phù-pa-xúc và các điểm cao xung quanh. Trời tháng 6, Hạ Lào nắng nung như đổ lửa. Hai tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tập kết về đây cùng các bạn Lào có nhiệm vụ giải phóng thị xã Sa-ra-van. Ở hướng Tiểu đoàn 1, nhiệm vụ đánh sân bay, có bốn tổ đặc công phối hợp chiến đấu, mỗi tổ được trang bị 5 quả bộc phá. Mỗi chiến sĩ có 1 khẩu B40 và 10 quả đạn để tiêu diệt xe tăng, lô cốt địch.
Ở hướng Tiểu đoàn 4, sau khi mũi 2 đặc công bị lộ, 0 giờ 30 phút, ngày 9/6 toàn mặt trận nổ súng tiến công. Hệ thống đèn điện của địch ở thị xã bật sáng. Những ngọn cỏ gốc cây nhìn rõ như ban ngày. Đạn của địch từ các công sự bắn ra như mưa. Chiến sĩ Phan Quang Kiểu đã bắn 4 quả B40, diệt 4 hỏa điểm của địch. Khi Đại đội 10 còn cách dinh tỉnh trưởng 500 mét thì tiếng pháo bắt đầu nổ ùng oàng ở sân bay. Pháo binh mặt trận đồng loạt dội bão lửa vào cơ quan đầu não của địch tại thị xã. Đại đội ngụy bảo vệ dinh tên tỉnh trưởng bị đánh bất ngờ lúng túng trở tay không kịp. Đạn ĐKZ75 và cối 82 của tiểu đoàn chúng tôi đã rót trúng mục tiêu. Chúng tôi vượt qua cửa mở, đạp lên hàng rào xông lên. Tiếng AK nổ giòn giã át từng loạt AR15 của địch bắn lại. Chúng chống cự yếu ớt rồi chạy bán sống bán chết về bản Khoọc, Noọng Bùa.
Khi đã hoàn hồn, địch xốc lại đội hình hòng tổ chức phản kích chiếm lại thị xã. Lực lượng của chúng tập hợp lại ở hai căn cứ này đủ 3 tiểu đoàn (tương đương với 1 trung đoàn). Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định tấn công ngay Bản Khoọc và Noọng-bùa không cho chúng kịp hồi sức. Bên ta có 2 tiểu đoàn và một đại đội pháo binh mặt trận chi viện. Tiểu đoàn 4 chúng tôi cùng Tiểu đoàn 12 của các bạn Lào khẩn trương tấn công bản Khoọc.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 16/6/1970, đại đội pháo binh mặt trận khai hỏa vào hệ thống phòng ngự và các lô cốt địch. Khi pháo chuyển làn, tổ chiến đấu Phạm Huy Tuyển đã dùng B41 phá sập lô cốt đầu cầu để mũi 1 xung phong vào khu trung tâm. Hợp đồng tác chiến ăn ý, cả bốn mũi phối hợp nhịp nhàng tiêu diệt các ổ đề kháng trong căn cứ bản Khoọc. Khi diệt ổ đề kháng thứ tư thì Tú bị thương. Một viên đạn tiểu liên cực nhanh xuyên qua hai bên má anh. Ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ bản Khoọc. Trung đội trưởng Lê Xuân Bồng đến hạ cờ địch xuống để kéo cờ của mặt trận Neo Lào Hắc Xạt lên. Tên đại đội trưởng ở Phù-pha-xúc hoảng sợ dẫn cả đại đội ngụy Lào trên núi xuống bản Khoọc đầu hàng. Đêm 22/6 cả hai tiểu đoàn chúng tôi cùng các bạn Lào tiếp tục đánh chiếm Noọng- bùa, giải phóng hoàn toàn thị xã Sa-ra-van.
*
Hôm sau chúng tôi đến Vũng Rô thì mặt trời đã lên cao. Đoàn dừng lại ven bờ xem thương lái thu mua cá. Gió ngoài biển thổi vào lồng lộng. Mùi nước cá lâu ngày đọng lại trên bãi cát tanh nồng. Ngoài xa là những chiếc lồng nuôi cá của người Hoa, có những chiếc phao bằng các thùng nhựa xanh thẫm nổi trên mặt biển. Tú nói họ đến đây thuê biển để nuôi cá mú, cá nâu, cá dìa, những loại cá đắt tiền. Vũng Rô được các dãy núi bao bọc ba bề nên ít khi có bão. Anh bước ra ngoài mép sóng lựa chọn cảnh để chụp.
Hai chúng tôi rủ nhau đi theo những con đường mòn trong rừng dọc bờ biển để xem các hang hốc nhỏ. Nắng rát thế mà cây cối mọc trên đá vẫn xanh um. Cánh rừng dọc theo bờ biển Vũng Rô là nơi cất giữ vũ khí của quân giải phóng nhiều ngày mà địch không hề biết. Phải nói địa hình ở đây toàn là núi đá. Bất cứ ở đâu cũng có các hang hốc sâu làm nơi ẩn nấp rất tốt, tránh đạn từ máy bay địch bắn xuống. Những tán cây xanh tươi che cho các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ bến chống chọi các đợt tấn công của địch khi tàu C-143 bị lộ.
Sự kiện quân đội Mĩ phát hiện ra tàu không số ngày 16/2/1965 đã làm chấn động cả thế giới. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa đội du kích K.60 Vũng Rô và lính Việt Nam Cộng hòa diễn ra hơn một tuần. Bọn địch phải kéo quân trên Đèo Cả tới. Đích thân tên tướng Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc ngày 17/2 phải đến chỉ huy Trung đoàn 46 tấn công bãi Bàng và bãi Chính của Vũng Rô.
- Địch điều đến cả một trung đoàn đánh với lực lượng ít ỏi bảo vệ bến anh ạ. Lực lượng dưới bến chủ yếu là du kích nhưng chúng vẫn không đè bẹp nổi. Chúng từ trên đánh xuống. Ta ở dưới đánh lên. Đúng là quân giải phóng quá kiên cường - Tú nói với tôi.
- Thì trận đánh từ ngày 18 đến ngày 24/2/1965, hai bên tham chiến liên tục giao tranh. Bọn địch có cả thiết giáp và máy bay yểm trợ nhưng có thắng nổi ta đâu. Ta hy sinh 12 du kích nhưng địch phải để lại 100 xác chết và 2 xe M113 bị bắn cháy. Từng hang hốc đá là công sự tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho ta. Đúng là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Tôi chỉ cho anh những cảnh đẹp. Tú giơ máy ảnh chụp lia lịa.
- Căn bản là quân giải phóng biết lợi dụng địa hình địa vật để đánh địch. Địch có ưu thế là đông quân gấp mấy lần ta. Nhưng ta biết luồn lách tìm sơ hở của địch mà đánh, vừa bắn vừa ẩn nấp. Sau khi phá huỷ tàu và cho nổ mìn phá hang cất giấu vũ khí, những chiến sĩ tàu Không số theo đường 559 rút ra miền Bắc.
Tôi nói: "Nếu bây giờ có hai chiếc xe của địch bị bắn cháy ở đây để chụp ảnh nữa thì chuyến đi này anh lãi to".
Tú cười, gật đầu. Anh đã chụp được khá nhiều ảnh trong chuyến đi thực tế này. Anh nói: "Nghề phóng viên nhiếp ảnh chiến trường có thể ví như người chép sử bằng hình ảnh".
*
Sau ngày bị thương ở Sa-ra-van, Tú trở về làm công tác chính trị ở Trung đoàn 9. Đến khi lên Ban tuyên huấn Sư đoàn 968 anh mới trở thành một phóng viên báo ảnh chuyên nghiệp. Anh đã cùng Hoàng Sơn, Đinh Ngọc Ánh, Hồ Thanh Thoan cung cấp nhiều tấm ảnh cho Ban biên tập xuất bản cuốn lịch sử Sư đoàn 968.
Anh khoe với tôi những tấm ảnh anh chụp tại Hội nghị Đảng ủy Sư đoàn 968 ra nghị quyết lãnh đạo chiến dịch 128 ngày đêm tại Hạ Lào từ tháng 10/1972 đến tháng 2/1973. Một tấm ảnh các chiến sĩ quân tình nguyện 968 tiến công thị xã Păk-xoòng bảo vệ cao nguyên Bô-lô-ven năm 1973. Ảnh đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Sơn đọc báo cáo chính trị trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ Sư Đoàn lần thứ nhất tháng 12/1974 tại Sa-ra-van, Hạ Lào.
Đáng chú ý nhất là tấm ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng đến thăm và làm việc ở Sư đoàn tại Gia Lai-Kon-tum tháng 3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Tấm ảnh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Sư đoàn trong dịp đại thắng xuân 1975. Những hồi ức về Sư đoàn của anh được nói bằng hình ảnh. Có cả những tấm ảnh được lưu trữ tại Phòng lịch sử Quân khu 4. Tú lấy ra một tấm ảnh và hỏi tôi:
- Anh có nhận ra ai đây không.
- Chịu! Tấm ảnh này đã cũ tôi làm sao nhớ nổi. Tấm ảnh còn sắc nét nhưng đã mấy chục năm rồi.
- Thằng Chính, dũng sĩ diệt Mỹ ở Tiểu đoàn 1 đây mà. Tuy Hòa là quê hương của nó.
- À! Cậu Chính thì tôi nhớ rồi. Có phải cái cậu tổ chức cuộc thi nói phét ở bắc Tây Nguyên không.
Sau 7 năm ở xa Tổ quốc, ngày mùng 5/1/1975 chúng tôi trở về Việt Nam vào tháng Giêng mùa hoa pơ lang nở rộ. Nhiệm vụ của Sư đoàn 968 là đến bắc Tây Nguyên thế chân cho Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 hành quân vào phía nam đánh Buôn Ma Thuột. Để đánh đòn nghi binh, Sư đoàn 968 nã pháo dồn dập vào các căn cứ địch ở bắc Tây Nguyên, kể cả Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy đóng tại Pleiku. Quân ta tiếp tục đánh phá kho dầu, sân bay và đồn bốt địch phía bắc Tây Nguyên.
Giữa tháng 2/1975, một chiến sĩ của ta đào ngũ đã khai báo với địch Sư đoàn 10 đang chuẩn bị đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 đánh Thuần Mẫn, một lực lượng khác chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Để khắc phục tình huống bất ngờ này, Bộ Tư lệnh chiến dịch phải thảo một bức điện tung lên làn sóng điện chỉ thị các đơn vị của Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10: "Địch đã bị mắc lừa cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía nam".
Mặt khác ta cho làm đường và xe chạy suốt ngày đêm tung bụi mù lên để lừa địch. Trong các làng, bản địa phương chuẩn bị treo băng rôn, biểu ngữ, cờ giải phóng. Có những người vợ của lính nguỵ vào thăm chồng trong căn cứ địch đã vô tình cung cấp "tin giả" ta sắp đánh lớn ở Pleiku, Kon Tum. Các mũi trinh sát, đặc công của ta tiêu diệt các toán thám báo dò la tin tức.
Một hôm cậu Chính đi trinh sát về, hùng hồn tuyên bố: "Hôm nay tớ trúng số độc đắc đây các cậu ạ. Tớ diệt một tổ thám báo của địch giành được chiến lợi phẩm gạo, mì chay ông Phật, cá hộp, thịt hộp, bát tô, kem bót thứ gì cũng có. Các món kia thì tớ nộp lên quân nhu rồi, chỉ còn mấy bao thuốc lá Ruby, bây giờ ta tổ chức nói chuyện trạng. Cậu nào bốc phét nhất thì được tớ thưởng cho một bao. Mà câu chuyện đó phải được anh em toàn đội bỏ phiếu công nhận bốc phét nhất mới được nhận thuốc nghe chưa".
Chả là ở chiến trường, mấy tay nghiện thuốc quá, có khi phải phơi cả lá rau tàu bay cuộn lại để hút nên nghe nói đến thuốc lá ai nấy đều phấn khởi. Có một cậu ở làng Vĩnh Hoàng ngoài Vĩnh Linh thường ngày hay đem những câu chuyện trạng ở làng mình ra kể. Ở mặt trận B3 gian khổ, thiếu thốn cậu hay nói trạng để quên đi những cơn đói khủng khiếp. Lúc đó nhiều cậu trổ tài cố sáng tác ra những câu chuyện bốc phét đại loại như truyện ông Ba Phi hay con rắn vuông quyết giành giải nhất. Cuối cùng thì Chính đứng ra tuyên bố: "Không có ai giành được giải nhất cả, ngoài tớ". Hắn ta cười khì khì: "Thuốc lá không có. Thế tớ không được xếp giải nhất bốc phét thì còn ai vào đây nữa".
Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc. Giải phóng xong Buôn Ma Thuột, Sư đoàn tiếp tục truy kích địch ở phía tây Phú Bổn, giải phóng Củng Sơn, quận lỵ Phú Nhơn và Phú Tiên. Trung đoàn 9 được lệnh đánh vào thị xã Tuy Hòa. Tuy Hòa là quê hương của Chính mà 21 năm rồi cậu ấy không được về thăm mẹ. Hai cha con anh ra đi tập kết tưởng 2 năm mà bây giờ đã 21 năm. Cuộc hành quân dài ngày nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Cuối tháng tư, Trung đoàn 9 tách ra khỏi đội hình Sư đoàn 968 tiến vào căn cứ Đồng Dù tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn cùng Sư đoàn 320 đánh Đồng Dù là căn cứ của Sư đoàn 25 bộ binh của Việt Nam Cộng hòa do tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy. Căn cứ Đồng Dù là cửa ngõ hướng tây bắc cách Sài Gòn hơn 30km. Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng. Rừng cao su xen kẽ những con suối nhỏ, có đầm lầy bao bọc xung quanh. Căn cứ có 8 lớp hàng rào với chiều sâu hơn 200 mét. Lý Tòng Bá lên dây cót cho lính tráng: "Tử thủ không được để căn cứ rơi vào tay cộng sản".
Phối hợp với Trung đoàn 48, đúng 19 giờ ngày 28/4/1975, Trung đoàn 9 bắt đầu chiếm lĩnh trận địa. Sáng 29/4 vào lúc 5 giờ 30 phút pháo binh mặt trận bắn dồn dập vào căn cứ. Ít phút sau pháo của địch cũng bắn ra xung quanh. Máy bay địch lồng lộn trên bầu trời ném bom vào trận địa ta, khói lửa mịt mù. Các xe tăng ta hướng nòng súng máy cao xạ 12 ly 7 lên bắn máy bay, khống chế bầu trời. Máy bay AD6, A37, F5E phải cắt bom từ trên cao. Chúng không dám sà thấp nên bom dội xuống phía sau đội hình quân ta, vì hai bên đã áp sát vào nhau.
Hướng Tiểu đoàn 1, các đại đội đã bao vây đánh vào cửa chính từ hướng đông nam. Các mũi tiến công dùng bộc phá, B40, B41 phá cửa mở nhưng không thể nào vào được. Chiếc xe tăng của ta vừa xuất kích đã bị địch bắn cháy ngay trước cửa mở. Xe tăng của địch cũng nống ra chặn cửa mở, bắn quyết liệt mũi tiến công của quân ta.
Hướng Tiểu đoàn 2 cũng gặp tình huống tương tự. Ba xe tăng bị bắn cháy, đại đội mở cửa bị thương vong lớn. Giữa lúc Trung đoàn trưởng Nguyễn Ân cùng ban chỉ huy Trung đoàn đang xử lí tình huống này thì nhận được tin báo về mũi Tiểu đoàn 1 đã đột phá được cửa mở. Ở hướng đông nam, sau khi phá tan cửa mở, bộ binh ta tiêu diệt chiếc xe tăng của địch, tấn công tiêu diệt sở chỉ huy pháo binh Sư đoàn 25 nguỵ.
- Anh biết người có công lớn trong mũi đột phá này là ai không? - Tú dừng lại nhìn tôi.
- Thì chắc là cậu Chính chứ ai nữa. Tôi ngập ngừng trả lời.
- Đúng! Lợi dụng địa hình địa vật, được hỏa lực phía sau chi viện, tổ của Chính lao lên bắn cháy chiếc xe tăng án ngự cửa mở, diệt 3 ổ đề kháng phát triển sâu vào căn cứ. Cùng lúc đó Tiểu đoàn 2 cũng ào ạt xung phong. Với thế tiến công như vũ bão, cả trung đoàn đồng loạt công kích đánh thẳng vào trung tâm. Một số sĩ quan, binh lính chui xuống hầm cố thủ, một số tên bỏ chạy.
- Chắc trong số đó có tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tôi cướp lời.
- Vâng! Bị Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 tiến công đến sát hang ổ, tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cùng ban tham mưu của hắn đã lẩn trốn ra rừng cao su anh ạ. Đêm 28/4/1975, hắn hết đứng lại ngồi trong chiếc hầm vòm. Hàng chục chiếc điện thoại trong hầm mà không có cái nào liên lạc được. Bỗng có một hồi chuông vang lên, hắn mừng quýnh chộp lấy thông báo: "Thưa Trung tướng, có ba sư đoàn Cộng sản đánh vào hướng này. Có 1 Trung đoàn đặc công. Tôi đang nắm một tiểu đoàn ra lệnh cho chúng tử thủ. Dạ tôi đang tử thủ ạ" - Rồi Tú phá lên cười - Thực sự thì Thiệu chạy, Kỳ chạy, lão Hương già ngoi lên vài giờ hứa hẹn sẽ đem nhúm xương tàn "nguyện chiến đấu cùng các chiến hữu" cũng chạy nốt. Thế là Bá ta đánh điện khẩn ra lệnh cho các đơn vị còn lại phải tử thủ: "Đứa nào chạy, tao cho bắn vỡ sọ". Nhưng hắn đã toan tính chạy trốn trước lính. Hắn vứt bỏ quân hàm Chuẩn tướng rồi bỏ chạy ra rừng cao su. Chính trị viên đội nữ du kích Củ Chi loa hàng. Bọn lính lục tục ra trình diện quân giải phóng. Trong một tốp tù binh bà thấy một tên to béo liền hỏi tên gì, hắn khai là Lý Tòng Bá.
Ta đã làm chủ sở chỉ huy của Sư đoàn 25 ngụy hung hãn một thời được mang tên là "Tia chớp nhiệt đới". Lực lượng còn lại như rắn mất đầu ra đầu hàng quân giải phóng. Ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù vào lúc 11 giờ ngày 29/4/1975. Và Chính đã ngã xuống ở Đồng Dù trước một ngày Tổng thống ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Sau nửa tháng trời tham gia trại viết, tôi cùng Huỳnh Xuân Tú bắt xe về thăm gia đình Chính. Nhà Chính chỉ còn hai bố mẹ già. Bố của Chính là một sĩ quan quân đội về hưu. Mái đầu ông đã bạc trắng. Hai cha con đi tập kết hẹn 2 năm sẽ trở về, thế mà phải đợi đến mãi đến 21 năm sau. Chỉ cách nhau hơn một ngàn cây số thế mà phải 21 năm sau mới đi đến được. Khuôn mặt nhăn nheo của bà lúc nào cũng đăm chiêu chứa đựng nhiều đau thương mất mát. Đứa con gái lớn của bà tham gia đội du kích K.60 cũng đã hy sinh. Cả hai đứa con bà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
*
Hôm nay, sau hơn một chục năm đi trại viết tôi bỗng nhận được điện thoại của Tú. Tú thông báo anh đã tìm được mộ của Chính tại nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây, thành phố Củ Chi. Tú nói: "Anh vào cùng gia đình Chính cất bốc về Tuy Hòa rồi ta ở lại cùng dự kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng luôn nhé".
Tôi thu xếp đồ đạc rồi lên đường vào Phú Yên gặp anh ngay. Chúng tôi đến báo với gia đình là đã tìm được mộ của Chính. Mọi người rất vui. Khi đến nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi thì quản trang nói đó là ngôi mộ gió. Bà mẹ của Chính đổ gục xuống. Chúng tôi cũng khóc nấc lên: "Chính ơi, một lần nữa anh vẫn chưa được về với mẹ. Chúng tôi sẽ thay anh chăm sóc bố mẹ anh nhé".