Vần vũ mây trôi

Thứ Năm, 04/11/2021, 09:16

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Ngày vợ Nam biết chuyện, cô ấy lồng lên ghen tuông, xả vào tôi những lời cay đắng. Thì đàn bà, có mấy ai bình tĩnh được khi biết chồng mình có người đàn bà khác. Từng nơ ron tế bào tôi như bị đông cứng. Nó như một phát súng nã vào đầu, không có tiếng nổ, mà tôi gục ngã. Nhưng có thấm vào đâu khi Nam nhắn vỏn vẹn một câu: Chúng mình xem nhau là bạn! Rồi im bặt như mặt hồ không một gợn sóng.

Lại mơ. Những giấc mơ vật vã. Tôi tỉnh dậy. Im ắng. Lòng tôi băng lạnh. Hoang hoải. Bao nhiêu đêm. Bao nhiêu tháng. Bao nhiêu năm…

Bao nhiêu năm, tôi quen dần mọi thứ. Bỏ các thói quen của một thiếu nữ để làm vợ, làm mẹ, sao tôi vẫn không quen với cả người đàn ông là chồng mình khiến lúc nào tôi cũng cô đơn chống chếnh. Hỏi tôi có yêu Hiếu không. Có. Tôi không phủ nhận điều đó.

Khi bé Thảo được hai tuổi, tôi mang bầu đứa con thứ hai. Người cứ gầy rộc đi. Buồn vui bất chợt. Hiếu bảo tại tôi bị tâm lý, chỉ cần thoải mái và giảm áp lực thì mọi thứ sẽ ổn. Rồi bảo tôi xin nghỉ việc ở nhà tiện cho chăm con. Tôi không chịu. Bởi vì nếu nghỉ việc lúc này thì sinh xong tôi cũng không có cơ hội trở lại công ty được nữa. Hiếu một mặt phân tích: “Sự an toàn và sức khỏe con cái là trên hết, em hãy cân nhắc để lựa chọn!”. Là bảo tôi cân nhắc thế thôi, chứ dù tôi có nói gì thì ý của Hiếu cũng là mệnh lệnh. Lâu nay, mọi việc đều chẳng thế đó thôi. Ngay việc ngày đó đám cưới diễn ra nhanh hơn dự tính cũng là thế. Chẳng biết Hiếu nhìn thấy ở tôi điểm gì mà cứ một hai cưới cho bằng được. Tôi cứ thắc mắc. Mãi rồi anh cũng nói, rằng, nhìn tôi rất đàn bà! Tôi cứ ngớ ra, không biết khái niệm ấy hàm ý điều gì… Nghỉ việc. Tôi bắt đầu chuỗi ngày như bao ngày. Sáng đưa đứa lớn đến lớp mẫu giáo, chiều đón về. Hiếu đi từ sáng. Xong việc có khi còn phải tiếp khách đến mười giờ khuya.

Những buồi chiều cô đơn, tôi thường đi bộ ra ngồi trên ghế đá ở công viên gần nhà. Nỗi buồn bã cô liêu xâm chiếm. Tôi ngồi nhìn dòng người dòng đời ngược xuôi, thấy mình cô quạnh, đơn chiếc trong chiếc váy bầu rộng thùng thình. Miên man suy nghĩ trong nỗi cô đơn hoang hoải. Tôi ước có Hiếu bên cạnh, yêu thương tôi, gần gũi tôi. Tôi sẽ hạnh phúc dù hình dáng có xấu đi theo sự lớn dần của đứa con trong bụng.

z2903180506170_367aa95138cc0c5cff08d9f872a4a032.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Tháng ngày trôi đi. Tôi âm thầm, tự dằn lòng. Nhưng rồi, sự khủng hoảng, ức chế cứ kéo dài ngày này sang ngày khác. Sinh đứa con thứ hai xong, tôi như bị đuối sức, cạn kiệt tinh thần. Những buổi chiều tôi không còn bồng con đứng chờ anh nơi cửa sổ hành lang, không ra mở cửa với nụ cười mở sẵn trên môi như ngày tôi mới có bé Thảo. Có hôm anh về, căn nhà bề bộn đồ chơi của tụi trẻ. Cơm nước chưa đâu vào đâu. Tôi ngồi một góc. Nhìn cảnh tượng ấy, anh bực bội gắt gỏng, bảo đi làm đã mệt, về nhà nhìn thấy cảnh này, càng chán nản hơn! Tôi oà lên nức nở. Khóc chán, lại lụi cụi với những việc không tên.

Đêm. Lại những giấc mơ. Mồ hôi vã ra đầm đìa. Bên cạnh, tiếng ngáy rền rền của Hiếu vẫn đều đặn. Tôi ước có ai đó kéo mình ra khỏi giấc mơ chứ không phải một mình cố vùng vẫy với những cơn thở dốc vì sợ hãi. Tôi ước khoảnh khắc ấy Hiếu quay sang kéo tôi sát vào lòng, hỏi: “Em mơ thấy ác mộng à?”. Nhưng không. Tuyệt nhiên chưa bao giờ. Ngày tôi bừng tỉnh, ấy là lúc tiếng khóc của đứa nhỏ, ánh mắt trong veo pha lẫn dò xét của đứa lớn khi tôi cáu giận, tôi choàng tay ôm hai con vào lòng mặc cho nước mắt lã chã. Rồi lau khô nước mắt, đứng dậy mở toang các cửa sổ, tự nhủ mình phải khác. Từ một phụ nữ thành một người mẹ. Tôi ý thức. Và cứ thế. Tôi thu mình lại trong cái thế giới nhỏ bé riêng của mình. Tâm niệm hãy cố gắng mỗi ngày…

Tôi dành tất tật những gì tốt nhất có thể cho con. Tôi hân hoan nói với chồng về những dự định, cho con ước mơ, cho con ký ức… Tôi chưng hửng khi anh buông một câu như cợt nhã mỉa mai: “Ôi dào! Những thứ vụn vặt nhỏ bé và đương nhiên thế, ai chẳng nghĩ như mình!”. 

Thì Hiếu vẫn thế, thường xuyên buông những lời khiến tôi tổn thương. Tôi cứ bất an không hiểu vì sao càng ngày anh và tôi không còn thấy vui buồn cùng nhau nữa. Mọi thứ trống rỗng, bàng quan. Vô tâm hời hợt. Hai người cứ như hai thế giới. Với tôi, điều đó thật đáng sợ.

Mùa đông ở thành phố nơi tôi sống có khi cả hai tuần không nhìn thấy mặt trời. Những cơn mưa kéo dài lê thê buồn bã. Hình như việc suốt ngày trong bốn bức tường nhà khiến tâm trí tôi hay lang thang về những ngày xưa cũ. Đôi khi đang nấu ăn, tôi thần người ra. Tôi nhớ ngày còn thiếu nữ, Noel lạnh hơn nhiều, thế mà vẫn ra khỏi nhà, theo nhóm bạn cuốn vào dòng người đông nghịt. Lang thang khắp nẻo của thành phố. Mưa phùn. Buốt lạnh. Cũng chẳng phải con chiên sùng đạo. Mà háo hức thế. Hồi hộp thế. Cũng chẳng biết vì thứ gì... Có lẽ, chỉ vì đó là tuổi trẻ. Khi thức ăn bốc mùi khét lẹt tôi mới giật mình với thực tại. Mãi bao nhiêu năm, đã qua thời thanh xuân, cảm giác chờ đón đêm Noel với tôi thật nhiều cảm xúc. Nhưng cũng chỉ mình tôi thôi. Chồng tôi luôn hờ hững: anh ngoại đạo!

Khác với mọi lần, Noel năm nay, Hiếu có vẻ hào hứng, rạo rực hẳn lên. Anh chủ động rủ tôi. Giục tôi chuẩn bị sớm và kiên nhẫn chờ đến thời khắc xem Chúa sinh. Điều tôi chưa ngờ tới bao giờ. Có lẽ anh bù cho tôi những ngày chăm con nhỏ. Tôi lâng lâng vì được chạm vào ký ức. Những thiếu nữ như những thiên thần dưới ánh sáng lung linh của vô vàn ngọn nến. Tôi ngước nhìn chồng hàm ơn, chợt bắt gặp ánh mắt đắm đuối như bị hút hồn của anh vào những uyển chuyển mềm mại kia. Tôi khựng lại một giây. Linh cảm đàn bà khiến tôi bất an. Nhưng tôi không biết và không đủ can đảm để nghĩ đến một thực tế, rằng, chồng tôi đến đó cốt để xem cô nhân tình trong đội con chiên biểu diễn màn múa nến chào đón Chúa ra đời.

Tôi thực sự choáng váng, khi nhìn những bức ảnh tình tứ của Hiếu với một cô gái ở thành phố mộng mơ trầm mặc, được gửi đến từ một số điện thoại lạ. Những bức ảnh còn lưu cả ngày giờ, đúng thời điểm Hiếu bảo đi công tác. Cô gái còn khá trẻ, tươi non, mơn mởn. Tôi đưa cho Hiếu, hỏi: “Tại sao? Từ bao giờ?”. Anh cúi đầu không nói, chìa ra lá đơn xin ly hôn. “Thế còn hai đứa con, anh không nghĩ gì cho chúng ư?”. Tôi trân trối nhìn chồng. Anh im lặng. Tôi cũng không nói. Mãi sau anh bảo: “Anh và cô ấy đã đi quá xa…”. Bảo cô ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng mềm mại, ngây thơ yếu đuối. Và cần anh bao bọc chở che. 

“Nếu em chịu đựng được thì chúng ta cứ vậy chờ cho con khôn lớn. Anh vẫn sẽ luôn làm tròn trách nhiệm một người cha. Nếu không, em có thể ký vào lá đơn bất cứ lúc nào…”. Sự lựa chọn nào cũng nghiệt ngã. Tôi chết lặng. Rõ ràng, anh không muốn dừng lại với cô gái ấy. Nhưng hai đứa con của tôi, nó không thể đứa có cha không mẹ, đứa có mẹ không cha. Có lẽ đấy chính là lý do tôi không ầm ĩ. Và đã hèn nhát…

Đôi lúc tôi ngồi thẫn thờ với cảm giác, tôi từng lúc nào cũng mong muốn được gần bên chồng, muốn được đi cùng anh gặp gỡ bạn bè, cùng chuyện trò giữa đám đông, với người thân. Để chỉ được khoe: chồng tôi đó, giỏi giang thông minh thành đạt, và chúng tôi đang là một gia đình. Nhưng rồi nhận ra đó chỉ là tôi huyễn hoặc mơ mộng. Nhận ra anh không hề thích thú hào hứng. Sự xuất hiện cùng nhau giữa đông người với anh chỉ là bất đắc dĩ. Thì tôi sợ. Đã từng mong muốn bao nhiêu thì càng ngày tôi càng né tránh bấy nhiêu. Tránh xuất hiện cùng chồng ở đám đông. Không phải vì không muốn, mà tôi sợ. Tôi sợ người khác nhìn thấy sự thờ ơ lạnh nhạt của anh với tôi. Tôi sợ người khác đọc được sự hờ hững xa vắng trong đôi mắt anh nhìn tôi. Tôi sợ người khác nhận ra cái hố thẳm hoang lạnh trống hoác tận đáy lòng mình.

Không biết từ lúc nào, những cơn đau đầu kéo dài và liên tục lặp lại khiến tôi rã rời. Bác sĩ bảo tôi bị một khối u ở não. Và sẽ xếp lịch mổ cho tôi sớm nhất. Tôi cảm giác như tất cả đang dừng lại. Ra khỏi phòng khám, tôi hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh, và hình dung những gì tiếp theo, dù cho chẳng sắp xếp được thứ gì ra thứ gì. Tôi bấm máy gọi điện báo cho Hiếu, như một nghĩa vụ, không mong cầu, không cảm xúc. Tôi bảo anh cứ yên tâm, giờ nhiều người bị như tôi nên không có gì phải lo lắng quá. Anh cũng động viên tôi mấy câu rồi cúp máy.

Tôi nghe thẳm sâu lòng mình nhói đau, xót xa, tủi phận. Mọi thứ trong tôi đầy mâu thuẫn. Rõ ràng, tôi đang trong trạng thái khủng hoảng, bi quan, thì người chồng, người đàn ông gần gũi với mình nhất phải là người mình bám víu, tìm tới, chia sẻ, trút gởi mọi nỗi lo lắng bất an. Thế mà, người đàn bà là tôi nói với chồng là tôi không sao, đừng lo lắng cho tôi, anh hãy tự lo cho bản thân. Thì rõ ràng giữa tôi và anh đang có một khoảng cách, một vết thương không phải ai cũng dễ chạm vào.

Sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe tôi dần ổn định. Tôi nói với chồng rằng mình muốn đi tìm việc làm. Và lại một cuộc khẩu chiến nổ ra vì không cùng quan điểm. Hiếu bảo tôi “sướng quá hóa rồ”, bởi dù tôi có làm hết ba mươi ngày một tháng thì lương cũng không bằng anh làm thêm. Nhưng lần này, ý tôi đã quyết. Tôi không thể cứ mỏi mòn trong sự trống rỗng và cô đơn mãi được.

*

Tôi bắt đầu chơi facebook. Và rồi, Nam đã bước vào cuộc đời của tôi.

Ban đầu là những comment trên facebook, rồi cái nhấp chuột kết bạn như cả trăm ngàn bạn face khác. Tôi vốn kín tiếng và ít mở lòng với người khác về những riêng tư. Thế mà bao nhiêu ẩn ức bức bối cứ thế bung vỡ trước những lời ân cần động viên, tế nhị và chừng mực. Rồi những nhớ nhung da diết, được Nam tỏ bày một cách tự nhiên theo cách rất riêng. “Anh về quê. Buổi sáng không khí thật trong lành, anh leo núi một mình. Từ trên cao nhìn xuống, thấy mình nhỏ bé và vô thường... Anh chợt nghĩ đến em, hình dung em với một đống những công việc không tên...”, “Anh nằm trên chiếc võng bên hông nhà, gió mát làm anh thiếp đi lúc nào. Hình như chỉ một lúc thôi, mà anh mơ thấy em. Sao lúc nào em cũng thường trực trong tim anh thế...”, “Nhìn em mong manh, dễ vỡ trong hình hài mảnh mai gầy guộc, khi cần, em cứ dựa vào anh. Anh ước gì mang bỏ em vào túi áo ngực bên trái, đi đâu cũng mang theo..”

Ơ hay, đã đủ đầy mọi thứ, sao lại còn ngả nghiêng chống chếnh vì những lời nói chẳng biết thật giả không gì kiểm chứng? Mỗi lần nhận tin nhắn thế, tôi cứ thần người ra, thẫn thờ, trống trải.

Kỷ niệm ngày 20.10 ở công ty. Mọi người ngồi vào bàn ăn. Tôi bưng bát lên, chợt nghẹn ở cổ, không thể nào nuốt nổi. Ai cũng có đôi có cặp, chỉ mình tôi và con bé còn trẻ người yêu nó đi công tác xa là lẻ bóng. Một nỗi buồn len lỏi. Giờ này, chồng tôi đang ở đâu? Với ai? Một cảm giác bơ vơ lẻ loi xâm chiếm. Đông đúc thế mà sao lòng vắng lặng. Và một nỗi nhớ mơ hồ. Tôi nhớ đến Nam.

Tôi bỏ bát ra ngoài. Lặng lẽ lấy tay áo chấm nước mắt. Khóc lúc nào không hay. 

Và chính những khoảnh khắc trống trải cô đơn đã đẩy tôi đi chệch khỏi quỹ đạo. Tôi nhớ đến Nam nhiều hơn. Những chiều tà tôi không còn ngồi chờ Nam hỏi thăm như trước mà đã chủ động nhắn tin, chủ động thốt ra lời nhớ nhung chứ không còn để anh dẫn dắt.

Cứ thế, tôi và Nam không hẹn ngày gặp. Nhưng rồi, lần đó, tôi có dịp đến thành phố nơi anh làm việc. Chúng tôi hút vào nhau như hai thỏi nam châm. Ranh giới giữa một người đàn bà đức hạnh và một người đàn bà tội lỗi, hóa ra chỉ mỏng như một sợi tơ.

Say nắng? Đồng cảm? Tri kỷ? Tình yêu? Thứ gì cũng đều na ná.

Hẳn thế! Khỏi phải nói! Tôi đã sống những ngày thật tươi vui. Thấy mọi thứ xung quanh đầy thương mến và thân thiện. Mỗi ngày thức dậy của tôi là một chuỗi háo hức chờ đợi để được nghe và được nói lời yêu thương. Tôi cũng năng động và “rộng lượng” hơn với xung quanh, với công việc thường ngày. Tôi vui khi thấy mình được yêu, được quan tâm, được chia sẻ, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất.

Nhưng rồi, khi con ong đã tỏ đường đi lối về, sự mặn nồng da diết cũng giảm dần đi. Đã từng yêu đương, đã từng lấy chồng, tôi biết quy luật tình cảm nam nữ nó thế, nhưng khi nhận ra sự lạnh nhạt từ người đàn ông đã từng gần gũi, lòng tôi cứ chông chênh đón nhận một cách khó khăn. Và sống chuỗi ngày băn khoăn đầy hụt hẫng.

Ngẫm lại, thi thoảng tôi và Nam mới có cơ hội gặp nhau, thời gian lúc nào cũng  ngắn ngủi. Lần nào cũng vội vàng chóng vánh rồi chia tay không biết ngày gặp lại. Hẳn là Nam cũng tiếc nuối những khoảnh khắc mặn nồng hiếm hoi ấy. Nhưng chỉ thời gian đầu. Về sau, mỗi lần tạm biệt, anh quay đi, hững hờ, không một chút lưu luyến bịn rịn. Và lần nào, tôi cũng thấy mình như người bước hụt. Lòng tôi càng vời vợi. Càng ngày, mọi thứ cứ nhạt dần. Chẳng lẽ yêu nhau, chỉ còn lại vỏn vẹn mỗi việc gặp nhau là làm tình? Và chỉ thế! Chóng vánh, mệt nhoài trong khoảng thời gian hiếm hoi ngắn ngủi. Nhiều lần tôi tự nhủ, thôi dừng lại, không nghĩ ngợi, không đọc tin, không nhắn nhủ... Nhưng rồi mọi thứ vẫn diễn ra như một quán tính.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Ngày vợ Nam biết chuyện, cô ấy lồng lên ghen tuông, xả vào tôi những lời cay đắng. Thì đàn bà, có mấy ai bình tĩnh được khi biết chồng mình có người đàn bà khác. Từng nơ ron tế bào tôi như bị đông cứng. Nó như một phát súng nã vào đầu, không có tiếng nổ, mà tôi gục ngã. Nhưng có thấm vào đâu khi Nam nhắn vỏn vẹn một câu: Chúng mình xem nhau là bạn! Rồi im bặt như mặt hồ không một gợn sóng.

Xung quanh không ai hỏi han, không ai cười cợt phán xét. Nhưng hơn cả thế. Tôi có cảm giác như ai cũng nhìn mình như một tội đồ bằng con mắt khinh bỉ. Tôi âm thầm gặm nhấm nỗi trống trải cô đơn, sự phũ phàng tàn nhẫn...

Mãi, nỗi ghen tuông của cô ấy cũng không là gì. Sự im lặng của Nam cũng không là gì. So với cái chết của lòng mình. Mọi thứ như từ ánh sáng rơi tõm vào bóng đêm. Ấy cũng là lúc, tôi thấy cơ thể mình khang khác…

*

Khi lòng đã thôi cuộn trào. Tất cả đã lặng yên không một gợn sóng. Thì Nam nhắn, những nhát gừng không đầu không cuối sau một khoảng thời gian im lặng.

Những lời nói yêu thương hầu như không còn, những quan tâm dặn dò thưa dần, tin nhắn của anh chỉ còn lại những câu chuyện linh tinh của những người bạn khác. Tôi biết, mọi thứ đã không còn như trước. Anh kể về những điều anh làm cho vợ con, cho tổ ấm nhỏ của mình, tôi chạnh lòng, không thấy vui. Anh có bao giờ thương những cảm xúc của tôi, xót lòng với người đàn bà yêu thương mình cả khi bị lên án.

 Dù cố che giấu mấy thì lòng tôi vẫn rối. Những chiều cuối tuần tôi không cất đâu được nỗi trống vắng thẫn thờ, sực tỉnh thì mắt đã ầng ậng nước.

Lần Nam xuất hiện trở lại này, lý trí tôi cực kỳ tỉnh táo, bảo con tim hãy ngủ yên. Tôi không có lý do gì để quay lại với anh, những đợi chờ phấp phỏng, những bỏng cháy rạo rực dường như đã lắng xuống. Tôi muốn để tất cả ngủ yên dưới đáy ký ức. Ấy thế mà, chỉ một cuộc gọi, bảo anh đang gặp vài rắc rối trong công việc rất mệt mỏi, chỉ vài tin nhắn, mơ hồ xa xôi, về sự đổ vỡ khó hàn gắn với vợ, tôi đã bị đưa đẩy đến một vùng miền hoang khuất đâu đó trong tôi nhưng nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí. Tim lại rung lên, lại vội vàng bỏ hết mọi việc để chát chít, để động viên anh, dù đôi lúc anh chỉ lấy lệ năm ba câu rồi bảo bận. Lại phấp phỏng, lại tủi hờn, lại chờ đợi, lại khát khao. Sao tôi chẳng còn biết phải trái gì nữa thế. Cứ bị điên cuồng hút theo anh ở xa xôi thế.

Dù vậy tôi cũng không có ý định trải lòng với anh về một số chuyện. Tôi định giấu nhẹm tất cả. Bởi cảm xúc thì đã qua. Không thể ràng buộc níu kéo. Tôi phân vân. Nhưng nghĩ lại, thôi thì, anh có quyền biết và nên biết những liên quan giữa hai người. Nói ra có khi tôi sẽ nhẹ lòng hơn.

“Anh! anh còn nhớ ngày mình cùng nhau ở phố Phái…”

“Ừ!”

“Anh có nhớ, sau đợt đó, em ốm sấp ốm ngửa…”

“Anh nhớ!”

“Lần đó, chúng mình… Em đã có thai!”

“Ừ... Thế hả?”

 Anh buông một câu hờ hững, như là chuyện của một ai đó. Rồi im bặt. Đèn tắt báo hiệu anh đã thoát máy. Tôi cũng im lặng.

Nỗi đau chưa cũ, nỗi buồn vẫn còn nguyên. Tôi không muốn nói thêm gì nữa. Giá mà tôi có thể òa lên như một đứa trẻ. Rồi mọi thứ trôi tuột đi… Nhưng không. Tôi cảm nhận rất rõ anh đang nghĩ gì. Vẻ như mọi chuyện xảy ra, chẳng có gì để bận tâm, để đau, để buồn. Vẻ như chuyện tôi có thai, hay phá nó đi, chẳng có gì là ghê gớm, sao tôi nghĩ quá lên thế làm gì. Hóa ra tôi có giấu đi, hay nói ra, cũng thế thôi. Tôi như người bước hụt, rơi vào trống rỗng. Là anh. Người mà tôi yêu đến mê muội, tôi thương đến thắt lòng. Và cả hy sinh để anh được bình yên. Lại vô tình, hờ hững, dửng dưng với tôi thế sao? Đâu rồi người đàn ông ân cần, nhẹ nhàng ấm áp? Đâu rồi bờ vai vững chãi để tôi tựa vào mỗi lúc bất an? Ai đã từng gieo cho tôi hy vọng, ai đã từng thắp cho tôi niềm tin? Và giờ vô tâm lấy đi tất cả. Anh sao không biết, lồng ngực tôi nhỏ bé, chất chứa sao hết ngần ấy những đớn đau. Tôi ngồi bất động, lặng yên mặc nước mắt lăn dài nhòa nhượt.

*

Mặt trời bừng sáng sau một mùa đông ngủ vùi trong mưa và buốt lạnh. Bầu trời như cao hơn, nắng cũng trong hơn, tôi ra sân hứng làn gió mới mơn man lên da lên tóc. Chợt thấy mình đã đắm chìm trong tháng ngày bão giông làm rơi rớt những thói quen thú vị, những phập phồng khiến con tim mệt mỏi chông chênh. Chợt nhớ ra, cũng khá lâu, từ lúc quen Nam, tôi không đến Tịnh thất Bồ Đề.

Con đường mòn dẫn đến ngôi nhà cỏ mọc kín lối đi. Sân nhà rêu phủ, mọi thứ đơn sơ cũ kỹ. Những viên ngói âm dương được xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên, rất riêng và độc đáo. Trong ngôi nhà đó, sư trụ trì, người đàn bà như một sinh vật nhỏ bé đang tồn tại. Không ai biết bà đến từ đâu, khi nào. Ở bà toát ra vẻ tự tin, bình thản và độ lượng. 

Sửa soạn xong lễ vật, bà châm nến, nhìn lên bức tượng có Quan Âm Bồ Tát, lầm rầm cầu nguyện. Tôi ngồi quỳ phía sau, chắp tay niệm Phật. Giữa khuôn viên thanh bình, tiếng gõ mõ vang xa, là một thứ âm thanh thoát tục, không giống tiếng mõ thông thường...

Không định trước, mà ngẫu nhiên cuộc nói chuyện với sư khiến tôi bật ra những gan ruột thầm kín lâu nay một cách tự nhiên. Những ưu phiền như được trút bỏ. Tôi bước ra khỏi tịnh thất, chưa bao giờ lòng tôi thư thái như thế. Tất cả như được gột rửa bằng một cơn mưa mát lành.

Con gái tôi đã là thiếu nữ. Nó thừa hưởng tất cả vẻ đẹp của cả bố mẹ. Mái tóc dài lượn sóng tự nhiên không cần đi tiệm uốn sấy. Làn da căng mịn. Dáng người thắt đáy lưng ong. Bao nhiêu bà mẹ có con trai đều dòm ngó.

Giờ mỗi lần nhìn con, tôi không còn mơ nghĩ gì cho bản thân, ngoài ước mong con mình sống một đời yên ổn. Tôi nhìn đời, nhìn cuộc sống bao dung hơn, độ lượng hơn. Và đánh giá điều gì hay ai đó, tôi cứ lọc bớt đi những bụi bặm trần trụi. Hiếu, hay Nam, với tôi không còn quan trọng.

Hai mẹ con thường đi chợ ở siêu thị mini ngay tầng một khu chung cư. Và vẫn thường gặp rồi tán chuyện với mấy người hàng xóm. Nghe mấy bà cứ tấm tắc khen con gái, có người còn định đứng ra làm mai, tôi thấy mát lòng. Mong cho con mình tìm được người chồng tử tế, có một gia đình hạnh phúc. Hôm ấy, thanh toán xong tôi tất tưởi chào mấy bà bạn về trước. Đi một đoạn thì sực nhớ là quên ví nên quay lại. Chân tôi khựng lại, câu chuyện của mấy bà hàng xóm hình như đang cao trào, họ không biết tôi đang vào đến cửa:   

“Bà định làm mối thật đó à?”.

“Ôi dào, câu chuyện làm quà ấy mà, hơi đâu!”

“Tôi nói bà nghe nhé, con mẹ ấy rách trời rơi xuống đấy, cũng bồ bịch như ai. Lão chồng thì đèo bồng thê thiếp, dạy con cái nỗi gì, khéo con gái lại gen mẹ thì chết...”

“Ừ nhỉ, kể ra, như thế, làm thân cũng khó nhỉ…”

Tôi như bị dội gáo nước lạnh, không đủ can đảm nghe hết câu chuyện, lững thững quay ra, chẳng còn nhớ việc mình quên chiếc ví.

Tôi lết về nhà, như người bị ốm. Ruột gan bời bời. Thấy mình chẳng ra gì. Tôi không xứng làm mẹ của hai đứa con. Vì tôi. Tôi đã làm những gì, để bây giờ người ta đưa con tôi ra đo đếm? Là vì tôi. Tôi đã không biết vui ngay trong nỗi buồn. Không biết chấp nhận những mất mát. Không biết buông cả những thứ lẽ ra thuộc về mình? Và tôi ốm thật. Con gái bưng tô cháo đến tận giường. “Mẹ ăn đi, sức khỏe là trên hết! Mẹ đừng nghĩ ngợi gì cả, con không quan tâm đến mấy lời đó đâu. Con hiểu, mẹ làm gì cũng có lý do của nó…”.

Rưng rưng, có thứ gì đó nghẹn ứ chặn ngang ngực. Vật vã mãi cũng chẳng giải quyết được gì. Tôi gượng dậy, quần quật mọi việc như một lao công. Để đầu óc không còn luẩn quẩn với những ý nghĩ. Thi thoảng tôi dừng lại, vô tư lự nhìn ra ngoài cửa sổ. Những chiếc lá khô rơi nhẹ nhàng thong thả. Tự hỏi, có phải khi ta chịu đựng quá nhiều đau khổ, chịu đựng quá nhiều cú sốc, người ta sẽ không còn nước mắt để khóc, hay không khóc bằng nước mắt mà chỉ còn là những nấc nghẹn ở trong cổ, trên từng tế bào của mình. Đời người như chiếc lá. Sao mọi chuyện không đến và đi nhẹ nhàng giản đơn?  Đã rất nhiều lần, tôi nghĩ đến Tịnh thất, sẽ là nơi mà tôi đến khi lòng đã cạn kiệt. Ở đó, tôi thấy gần gũi và bình yên đến lạ. Nhưng giờ đây, sợi dây đời co kéo. Tôi không thể chỉ sống cho riêng mình. Làm sao bỏ hai đứa trẻ để đi tìm chốn nghỉ chân. Sáng thức dậy, lòng không còn dậy sóng. Những lời sư Bồ Đề nói khiến tôi không còn ý nghĩ con người sống chết phải có nhau như những ngày qua. Con người ta còn mong cầu là còn bi kịch.

Tôi trở nên bình thản đến lạ. Bình thản với tất cả những gì xảy ra xung quanh. Tôi thôi chờ đợi điều gì ở Hiếu. Bình thản với cả những lạnh nhạt vô tâm của anh. Tôi cũng không để tâm xem Hiếu có còn đuổi theo cuộc tình ấy, hay đang trong mối tình khác, hay mọi thứ đã thành những ký ức lấm lem màu rêu cũ. Tôi cũng thôi nghĩ đến Nam. Giờ thì tôi biết, yêu thương đôi khi không phải là điều vĩnh cửu. Lòng tôi đã dừng lại, trở nên trống rỗng như ô cửa gió lùa, không còn vướng bận, Mọi thứ trong tôi giống như dây cót đã quay hết một vòng. Trái tim mẫn cảm của tôi đã thôi đập nhịp lỗi.

Tỉnh dậy sau một giấc ngủ vùi, tôi lục tìm lá đơn ly hôn của Hiếu đã cất giữ bao năm… Và không quên bấm máy, xóa hết tất cả những gì còn sót lại liên quan đến Nam. Tự nhủ sẽ bắt đầu lại mọi thứ, bắt đầu từ những gì đang hiện hữu. Lòng tôi thư thái. Bên ngoài ô cửa số, điệu rơi của chiếc lá khô như một nốt nhạc tan giữa thinh không.

Truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na
.
.