Tuyệt chiêu cuối cùng

Thứ Ba, 26/09/2023, 22:03

Tính mạng con người đã bị xâm hại và cuộc điều tra của Cục Công an đã bắt đầu được tiến hành khẩn trương. Cảnh sát đã phát hiện ra người chết là “Lôi Tò he” và nhanh chóng tìm đến nơi ở của anh ta. Trong quá trình điều tra tại hiện trường, họ đã tìm thấy một xấp hối phiếu chuyển tiền, một vài lá thư từ nhà và bức tượng người đàn ông nặn tượng tò he bột sống động như thật trên bàn. Bây giờ kẻ giết người đang bị truy lùng ráo riết, nhưng cơ hồ như chưa có manh mối gì.

Ở quảng trường ngoại ô, bên cạnh nhà ga đường sắt có một người đàn ông đến mở quầy hàng, chỉ biết người này họ Lôi, còn tên anh ta là gì thì không ai biết. Đó là một thợ nặn tò he, trông khoảng sáu mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, vàng vọt, râu ria lởm chởm, có đôi mắt đặc biệt sắc sảo. Anh ta đã hành nghề nặn tò he ở quảng trường này được gần một năm và ở cách đây không xa, trong một căn nhà bằng gạch nung thuê của một gia đình nông dân. Lâu dần, người ta đều gọi anh ta là “Lôi Tò he”.

Nhìn chung có hai loại tò he, một loại là nặn các nhân vật trong “Tam Quốc Chí”, “Thủy Hử” và “Tây Du Ký”…cho thật giống, thật đẹp rồi để đó chờ có khách đến mua. Loại sau là nặn các khuôn mặt của người thật, đã nặn ai là khuôn mặt rất có hồn, giống hệt người ấy luôn, đây là một tuyệt kỹ đỉnh cao mà “Lôi Tò he” phải luyện tập kỹ năng này trong một thời gian dài mới có được.

Miễn là trời không có mưa hoặc tuyết, “Lôi Tò he” sẽ đến đúng giờ để dựng gian hàng. Đồ nghề của anh ta rất đơn giản: một giá đỡ nhỏ có thể gập lại được với một tấm bìa cứng treo trên đó, ở giữa có viết ba chữ lớn “Lôi Tò he”, và mỗi bên là một dòng chữ nhỏ: "Tạo chân dung cho người thực, kế thừa tuyệt kỹ gia truyền”. Sau đó là một chiếc hòm gỗ nhỏ, bên trong chứa nguyên liệu và dụng cụ của người thợ.

Anh ta nặn chân dung rất nhanh, khách chỉ cần đứng đợi chừng mười phút, có thể gọi là “chờ lấy ngay”. Nếu khách hàng hài lòng, sẽ trả cho anh ta mười nhân dân tệ và nếu khách không thích, anh ta sẽ không lấy một xu và tác phẩm sẽ được hủy bỏ ngay lập tức, nhưng tình huống như vậy có vẻ chưa bao giờ xảy ra. Khi nhào nặn những bức tượng nhỏ bằng bột, những ngón tay anh ta linh hoạt, thoăn thoắt như bay, như múa và chỉ một loáng bức tượng đã hình thành, sau đó anh ta sửa nó bằng những lát tre nhỏ, bằng chiếc kéo và chiếc xẻng mỏng manh, bé tí xíu thế là bức tượng ấy đã có hình dạng hoàn hảo.

0b8eeaa77600a35efa114.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Không nhiều người trên thế gian này có thể thưởng thức và đánh giá cao trò chơi này. Những khi rảnh rỗi, “Lôi Tò he” sẽ ngồi lặng lẽ, cầm cục bột trong tay, nhìn trái nhìn phải và nhào nặn chân dung nhiều nhân vật đặc biệt. Các nhân vật thực sự tiêu biểu là những "lão giang hồ”, những “bán tiên” chuyên bói toán và đoán chữ Hán, những người đàn ông cởi trần biểu diễn trò tung hứng trên phố, những người ăn xin cầu xin ân huệ và những người đóng vai khỉ...

Tất nhiên, anh ta cũng tận dụng cơ hội, tranh thủ nặn chân dung của những người đi lang thang quanh quảng trường. Những tên trộm luôn sẵn sàng phạm tội được gọi là “bàn tay vàng”, những kẻ lừa đảo chuyên ôm trên tay một bình rượu nổi tiếng giả, tìm cơ hội để bị người khác va chạm, làm rơi vỡ bình rồi ăn vạ đòi người ta phảibồi thường, cả những kẻ mua bán “cái chết trắng”, lợi dụng sự nhẹ dạ hay tham lam của người ta mà kiếm lời bất chính... Nặn xong, lặng lẽ cho vào hộp gỗ, bí mật cất giữ.

Trong một quảng trường lớn như vậy, với lượng người đông đúc sẽ luôn xảy ra nhiều vụ án khác nhau. Cảnh sát đường sắt phụ trách an ninh tại nhà ga thường bí mật tìm đến “Lôi Tò he” và nhờ anh ta giúp phá các vụ án.

“Lôi Tò he” sẽ lấy ra khuôn mặt của những kẻ tình nghi có liên quan đến vụ án và lạnh lùng nói: “Chỉ cần các anh tóm được chúng, sẽ không sai đâu!”.

Cảnh sát biết rằng “Lôi Tò he” dựa vào nghề này để kiếm cơm, vì vậy họ muốn trả tiền cho anh ta theo đầu vụ án nhưng “Lôi Tò he”nói: "Đây là nghĩa vụ của tôi, vì vậy tôi xin được miễn nhận tiền! Chỉ là ... xin hãy giữ bí mật để cho tôi còn kiếm nồi cơm”. Kẻ trộm đã bị bắt, những kẻ ôm bình rượu giả bị bắt. Những kẻ buôn bán “cái chết trắng” cũng đã bị bắt. Những chiếc mặt tượng tò he đó được nặn quá giống với người thật, hễ bắt là chuẩn.

Vào một đêm cuối thu, trời tối mịt, không trăng, không sao, gió thổi vi vút. “Lôi Tò he” đang ngon giấc thì chốt cửa bị đẩy ra. Đèn trong phòng đột nhiên bật sáng, chăn bông đột nhiên bị hất tung ra, ba người đàn ông to lớn chộp lấy “Lôi Tò he”.

Ngay lập tức “Lôi Tò he” hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.Anh ta rất bình tĩnh và nói: “Các người anh em, hãy để cho tôi mặc quần áo, đội mũ vì trời đang rất rất lạnh”.

Một trong những người đàn ông lớn tuổi hơn, có một nốt ruồi trên mặt, nói: “Lão ca, chính ngươi là kẻ đã bán đứng chúng ta cho quan gia, ngươi cũng thừa hiểu luật giang hồ “có vay, có trả” và tối nay ta phải sử dụng Qingyu (con dao) để làm việc với ngươi!”.

Thấy đối phương nói năng có phần ôn hòa, “Lôi Tò he” mỉm cười và không có bất kỳ vòng vo gì: “Người anh em, anh đã hiểu lầm tôi, thế ai đã làm anh hiểu lầm, ai đã làm cho mọi việc rối tung lên?”.

“Lão ca, không có bức tường nào mà gió không xuyên qua được, hôm nay ngươi phải cùng chúng ta đi một phen”.

“Ta đã già rồi có chết cũng không tiếc. Người anh em, cả đời tôi nhào bột, nặn tò he mặt người. Hãy để cho tôi nặn cho mình một cái cuối cùng để làm kỷ niệm cho con cháu ở dưới quê. Chỉ một thời gian nữa, sẽ chẳng có ai nhớ đến tôi nữa”.

Họ đồng ý.

“Lôi Tò he” nhìn họ và nói: “Cảm ơn!”. Sau đó, anh ta lấy ra một cục bột lớn và dụng cụ, ngồi vào bàn trước một chiếc gương nhỏ có giá đỡ và bắt đầu véo véo, năn nặn.

Ba người kia ngồi sang một bên, vừa hút thuốc vừa nhỏ giọng trò chuyện.Bọn họ biết “Lôi Tò he” cũng là một lão giang hồ, cũng hiểu phép tắc, cho nên để mặc cho anh ta làm việc thoải mái.

“Lôi Tò he” đã nhanh chóng hoàn thành bức tượng đứng của chính mình, cao khoảng ba tấc, với một mảnh tre nhỏ trong tay phải và tay trái thì nắm chặt. Phía bên dưới có khắc một hàng chữ: "Có trời có đất trong tay, “Lôi Tò he” tự nặn tượng”. Ba người nọ chuyền tay nhau nhìn bức tượng chân dung bằng bột rồi đặt xuống bàn một cách tùy tiện.

“Lôi Tò he” nói: “Nào, tôi sẽ đi cùng với các anh, có thể coi như chúng ta không có duyên phận mà đây là định mệnh".

Trong màn đêm rất sâu và tối, đoàn người vội vã rời đi.

Hai ngày sau, có người phát hiện ra thi thể của “Lôi Tò he” trong một con mương sâu cách đó ngoài hai mươi dặm, trên cổ có vết dao sâu.

Tính mạng con người đã bị xâm hại và cuộc điều tra của Cục Công an đã bắt đầu được tiến hành khẩn trương. Cảnh sát đã phát hiện ra người chết là “Lôi Tò he” và nhanh chóng tìm đến nơi ở của anh ta. Trong quá trình điều tra tại hiện trường, họ đã tìm thấy một xấp hối phiếu chuyển tiền, một vài lá thư từ nhà và bức tượng người đàn ông nặn tượng tò he bột sống động như thật trên bàn. Bây giờ kẻ giết người đang bị truy lùng ráo riết, nhưng cơ hồ như chưa có manh mối gì.

Đội trưởng đội điều tra tội phạm hình sự của Cục Công an là một chàng trai trẻ cũng thích tự mình làm các tác phẩm điêu khắc trong thời gian rảnh rỗi. Anh đặt bức tượng chân dung “Lôi Tò he” tự nặn lên bàn, đóng cửa lại và ngắm nhìn nó cả ngày.

Anh phát hiện ra rằng đầu của mảnh tre nhỏ có hình dạng như một con dao sắc bén đang hướng về phía bàn tay kia đang nắm chặt, và nắm tay có tỷ lệ lớn hơn một chút, như thể nó đang nắm giữ một thứ gì đó. Dòng chữ “Càn khôn trong tay” cũng nên là một gợi ý.

Anh ta thận trọng mở nắm tay kia ra, trong lòng bàn tay xuất hiện mấy vật như những tượng mặt người cực nhỏ! Nhìn dưới kính lúp phóng đại, mắt và lông mày của từng khuôn mặt đều rõ ràng, người đàn ông có nốt ruồi trên mặt là thủ lĩnh của xã hội đen và đã từng vào tù vì tội lừa đảo.

Trước khi chết, “Lôi Tò he” đã kịp nặn tượng của những kẻ tội phạm này, có thể gọi là trí tuệ và lòng dũng cảm tuyệt vời, không thể khiến người ta không ngưỡng mộ!

Những nghi phạm này nhanh chóng bị bắt, đưa ra trước công lý và “Lôi Tò he” cũng được truy tặng danh hiệu “Liệt sĩ”. Lễ tưởng niệm được tổ chức rất long trọng, trên tấm phông phía trước là bức chân dung của “Lôi Tò he”- một bức ảnh phóng to của người đàn ông đã tự nhào nặn ra bức tượng bột của mình. Hai bên là câu đối ai điếu, tạm dịch là “Càn khôn trong tay, kỹ năng tuyệt vời- thiện ác rõ ràng, chết mà như sống”.

Trần Dân Phong (dịch)

Truyện của Vị Tường (Trung Quốc)
.
.