Tự mình lừa mình

Thứ Sáu, 05/05/2023, 17:55

Một ông bác nhà quê đi lên huyện thành, ông bác bước vào cửa hàng bán điện thoại di động. Trong cửa hàng ngoài ông bác ra không có khách hàng nào cả. Chủ cửa hàng là một cô gái xinh đẹp, thấy ông bác ăn mặc quê mùa đứng tần ngần ngắm nhìn những chiếc điện thoại để trong tủ quầy hàng. Cô gái đứng lên giọng đon đả: "Chào bác, bác định mua điện thoại loại nào ạ?".

Ông bác cười nói: "Tôi muốn mua cái điện thoại loại tốt một chút, không biết điện thoại này giá bao nhiêu một cân?".

Cô gái nghe ông bác nhà quê hỏi như vậy thì ngạc nhiên hỏi lại: "Bác vừa nói gì ấy ạ?".

"Cô ơi, trong tủ quầy hàng bày nhiều điện thoại quá tôi nhìn hoa cả mắt, không biết những chiếc điện thoại này bán bao nhiêu tiền một cân?".

Tự mình lừa mình -0
Minh họa Lê Tâm

Cô gái nghe ông bác nói vậy mừng thầm trong bụng vì hôm nay gặp ông nông dân khù khờ rồi, làm gì có điện thoại bán theo cân lạng? Chiếc điện thoại di động rẻ nhất trong cửa hàng này cũng có giá hơn 100 tệ, chiếc đắt nhất phải là 4.000 tệ. Nếu theo ý người ta bán theo trọng lượng để tính tiền thì một số điện thoại có trọng lượng nặng sẽ bán được giá. Đây là một ông nông thôn quê mùa nên không thể biết được loại nào đắt loại nào rẻ. Vì để tránh người mua mặc cả cô chủ giơ tay phải xòe cả năm ngón tay trước mặt ông bác nói: "Không mặc cả, 5 ngàn một cân, tùy bác chọn".

Ông bác nông thôn chỉ một cái máy điện thoại loại cao giá bảo cô chủ đưa cho ông xem. Cô chủ lấy chiếc điện thoại nói: "Chiếc này rất nhẹ không phải là điện thoại tốt, bác chọn cái khác nặng một chút đi?".     

Ông bác cầm chiếc điện thoại xem xét kỹ, dùng tay thử xem nặng nhẹ rồi nói: "Tôi chọn cái này, nếu cửa hàng không có cân mang ra ngoài cân xem nó nặng bao nhiêu". Cô chủ nhấn mạnh: "Đây không phải là điện thoại loại tốt, vì nó không nặng, bác nên chọn cái thể tích to, vỏ bằng sắt khi bị rơi không sợ hỏng".

"Cô chủ này, tuy tôi không biết chữ nhưng tôi nghe nói các loại điện thoại nặng không phải là điện thoại tốt. Điện thoại tốt là vỏ mỏng và nhẹ, với lại điện thoại là để gọi và nghe, chụp ảnh, ghi âm, lên mạng không thể đánh rơi được?" .     

Cô chủ nghe ông bác nói vậy phổi như nổ tung lên.

Cô chủ đi ra bên ngoài đến bên một bà cô đang bán rau đặt cái điện thoại lên cái cái cân đĩa rồi nói: "Bà cô, nhờ cô một tý, cô xem cái điện thoại này nặng bao nhiêu?".

Bà cô bán rau quay người lại thấy cô chủ cửa hàng bán điện thoại liền nói: "Hôm nay tôi mới thấy cô cân điện thoại. Chúng tôi bán rau dùng cân xem nặng nhẹ để tính tiền, chả nhẽ cô bán điện thoại bằng cân lạng à?".

"Đúng thế đó, điện thoại này giá 5 ngàn tệ một cân". Ông bác nông dân cướp lời.

Bà cô bán rau nhìn mặt cân, nói: "Chưa được hai lạng. Đây không phải là đùa đấy chứ?".

"Không phải đùa đâu?". Bác nông dân nói rồi nhanh tay cầm lấy chiếc điện thoại và quay người đi vào trong cửa hàng.

"Bác ơi, vừa rồi cháu chỉ nói đùa thôi, mỗi loại điện thoại trong cửa hàng của cháu đều có giá, không dùng cân lạng, chiếc điện thoại bác đang cầm giá hơn 4 ngàn tệ, nếu mà bán cân thì phải hơn 20 ngàn tệ một cân. Điện thoại giá 5 ngàn tệ một cân là loại điện thoại phổ thông".

"Tôi là người nhặt đồng nát nên tôi biết những đồ nặng là đồ bỏ đi không có giá. Hôm nay tôi không mặc cả, cứ đúng như cô nói 5 ngàn tệ một cân, cái điện thoại này chưa đủ hai lạng cũng cứ tính hai lạng đi, đúng một ngàn tệ!". Nói xong ông bác móc tiền ra đếm.

Cô chủ lo sốt vó nói: "Bác ơi, điện thoại này bán 5 ngàn tệ một cân là lỗ vốn một nửa. Bác nên mua loại điện thoại giá 100 hoặc 200 tệ là được". Nói xong định giằng lấy cái điện thoại trong tay ông bác nông dân.

"Tôi thực lòng mua, cô thực lòng bán, sao lại là nói đùa? Tôi không mặc cả, cô nói bao nhiêu tôi chấp nhận. Hôm nay tôi phải mua cái điện thoại này. Cô bảo tôi mua loại điện thoại giả rẻ mua về dùng chỉ được dăm bữa nửa tháng là vứt sọt rác? Cô định lừa tôi à! Hôm nay không phải tôi lừa cô mà chính là cô tự lừa mình đấy. Đây là 1 ngàn tệ cô đếm đi?".

Cô chủ tưởng rằng mình gặp kẻ khù khờ, định lừa người ta nhưng không ngờ đối phương là người khôn ngoan nên đành phải nhận về sự xúi quẩy.

 Nguyễn Thiêm (dịch)

Truyện vui của Lý Kỳ Tường (Trung Quốc)
.
.