Trộm theo chân Huyện trưởng
Vừa được điều đến nhận chức Huyện trưởng ở một huyện nghèo, Huyện trưởng Hà đã muốn tìm hiểu thực trạng tình hình trong huyện nên thành lập ngay một tổ điều tra khảo sát đích thân ông ta chỉ huy. Bắt đầu từ xã Thường Lạc làm thí điểm mỗi tuần xuống một thôn, tiến hành điều tra khảo sát tình hình làm ăn và đời sống của bà con nông dân.
Hôm nay Huyện trưởng Hà nhận được điện thoại báo cáo của Cục trưởng Công an huyện: “Nhiều năm nay tình hình an ninh ở xã Thường Lạc rất tốt nhưng từ khi tổ công tác của huyện cứ về thôn nào là tối hôm đó thôn ấy xảy ra mất trộm, có điều rất lạ là hộ mất trộm đều là những hộ giàu ở trong thôn”.
Huyện trưởng Hà suy nghĩ nhưng cũng không thể lý giải được nên chỉ biết lệnh cho Cục trưởng Trương khẩn trương phá án. Dưới sự đôn đốc của cấp trên chỉ mấy ngày sau tên trộm bị bắt khi đang gây án. Cục trưởng Trương đích thân thẩm vấn tên trộm: “Xã Thường Lạc rất đông dân vì sao mày chọn đúng các hộ giàu để ăn trộm?”. Tên trộm trả lời: “Tôi là người ở địa phương khác nên với xã Thường Lạc mà nói tôi không quen thuộc, trong các thôn ai giàu ai nghèo tôi lại càng không biết, nói đúng ra đây là sai lầm của Huyện trưởng...”.
- Cái gì? ... - Cục trưởng Trương quát lên - Mày đi ăn trộm lại còn đổ tội lên đầu Huyện trưởng? Chả nhẽ Huyện trưởng lại bảo mày đi ăn trộm à? Nói đi, là ai chỉ điểm cho mày?
Trong thâm tâm Cục trưởng Trương cũng rất rõ dân Thường Lạc rất thật thà, chất phác không hay khoe khoang. Nếu nhìn bên ngoài về nhà cửa vườn tược các hộ gia đình không hơn kém nhau mấy nên đến người địa phương cũng không thể biết rõ là nhà nào giàu, nhà nào nghèo huống hồ là người nơi khác đến, chắc là có nội gián? Ai ngờ tên trộm vẫn lắc đầu: “Không có ai báo cho tôi cả, tôi đến đây làm công chỉ mong kiếm được món tiền về giúp gia đình, vất vả khổ sở lao động một năm trời đến ngày hái quả thì nào ngờ lão chủ ôm tiền bỏ trốn. Nhà tôi rất nghèo, năm hết Tết đến rồi tôi không thể về nhà mà không có tiền, các con tôi đang mong tôi từng ngày. Tôi phải đi ăn trộm là do tình thế ép buộc, khi tôi đang lúng túng chưa biết ăn trộm ở đâu thì vừa may Huyện trưởng của các anh lại mở ra đợt điều tra khảo sát thực tế nên tôi mới theo chân Huyện trưởng đi ăn trộm ...”.
Cục trưởng Trương không tin tiếp tục truy hỏi: “Vậy mày làm thế nào mà chọn đúng mục tiêu ăn trộm?”. Tên trộm bỗng cười nói: “Xem tin trên tivi để định mục tiêu!”.
Xem trên tivi mà có thể xác định được mục tiêu ăn trộm? Thấy nét mặt Cục trưởng có vẻ nghi hoặc tên trộm bắt đầu nói ra đầu đuôi sự việc.
Vốn là khi tổ công tác huyện xuống các thôn đều làm việc theo một lịch trình: Buổi sáng mở cuộc họp với cán bộ thôn để nghe báo cáo tình hình, buổi chiều đi khảo sát thực tế trong thôn và đến thăm đời sống một hộ dân. Ngay tối hôm đó truyền hình của huyện đưa tin hoạt động của Huyện trưởng. Tên trộm theo đó nắm lấy manh mối nên mỗi lần “làm ăn” đều có kết quả.
Cục trưởng Trương nghe tên trộm nói mới vỡ lẽ: Tên trộm này rất xảo quyệt, sau khi xem tivi là cứ “trông tranh mà tìm ngựa”, hộ dân nào được tổ công tác đến điều tra đến khảo sát là tìm đến nhà đó mà ăn trộm. Suy nghĩ kỹ, Cục trưởng vẫn có điều không rõ: Bản tin trên tivi phát về tình hình Huyện trưởng đi điều tra thực tế mình không bỏ sót lần nào. Tất cả có bốn lần, trọng điểm không như nhau: Lần thứ nhất đến hộ giàu, lần thứ hai đến hộ trung bình, hai lần cuối đến hộ nghèo chả nhẽ các hộ nghèo cũng bị trộm à?
Thấy Cục trưởng Trương vẫn chưa hiểu, tên trộm lại nói: “Huyện trưởng của các anh bị người ta lừa mà không biết. Bây giờ cấp trên xuống điều tra, cán bộ cấp dưới chỉ khoe điều tốt chứ không muốn để lộ cái xấu, người ta sợ các hộ nghèo nói thật nên các hộ được sắp xếp để tổ điều đến khảo sát thực tế đều là hộ giàu cả ...”.
Tên trộm còn chưa nói hết thì điện thoại của Cục trưởng Trương reo, là Huyện trưởng gọi: “Ông Trương, các vụ trộm của xã Thường Lạc đã tìm ra thủ phạm chưa?".
Trương Cục trưởng ấp a ấp úng không biết nên nói với Huyện trưởng như thế nào?
Nguyễn Thiêm (dịch)