Trời còn ở xa
Một hôm, thằng thứ hai bị ốm, vợ phải ở với con trên bệnh viện. Chỉ mình gã ở nhà. Đêm. Đang lơ mơ, gã thấy như có người giúi vào tay cái gì mỏng mỏng, mềm mềm. Tiền! Trời ạ. Gã giơ lên ngắm nghía. Tiền thật. Thế mà người ta cứ bảo đã say thì chẳng còn biết trời đất trăng sao gì nữa. Ra láo! Láo hết! Gã bật người lên. Một bóng đen lù lù trước mặt. Gã muốn kêu lên nhưng chỉ ú ớ được mấy câu rồi lại đổ gục xuống nền nhà.
“Ối anh ơi! Sao anh bỏ em, bỏ con mà đi tức tưởi như vậy. Sao lại tin cái kẻ thất nhân thất đức đó. Ối ông Hội ơi. Sao ông cướp hết… cướp hết… để bây giờ nhà tôi không còn cái bát mẻ mà ăn”. Tôi sởn gai ốc trước những lời than ai oán, tê tái và cả nỗi uất hận dồn ứ trào dâng lúc gần, lúc xa theo gió đưa về trong đêm tĩnh mịch. Trăng sáng vằng vặc. Ánh trăng chảy tràn trên giàn mướp góc sân. Lấp lánh trên những tàu lá chuối. Nhuộm thắm mặt ao. Tiếng cá quẫy đớp trăng phá tan không khí oi nồng. Thèm sao một cơn gió mát. Thèm sao cơn mưa rào rửa sạch mọi bụi bặm. Sau bao nhiêu mong mỏi, hôm nay tôi mới có chuyến công tác về triển khai xóa đói giảm nghèo ở quê. Kết thúc buổi làm việc, tôi ùa về nhà. Mẹ ngồi bên tôi trên chiếc chõng tre, nghiêng đầu, hướng ra ngõ, chép miệng:
- Cái Na, vợ thằng Hùng đấy. Từ ngày chồng chết, đêm nào nó cũng hờ như vậy. Mà cũng chẳng ai bất nhân bất nghĩa như cái anh Hội. Giàu nứt đố đổ vách ra còn tham lam, đi cướp của thằng em đang đói rã nanh ra mảnh đất của ông bà để lại. Nghe đâu anh ta còn liên quan đến cả cái chết của thằng Hùng đấy.
- Có chuyện đó hả mẹ?
- Ừ, chuyện dài lắm. Thằng Hùng cũng là đứa tử tế chứ có đến nỗi nào đâu. Từ khi công ty bị giải thể rồi con cái như vậy nó mới sinh ra chán đời, rượu chè bê tha thế chứ. Chỉ tội con mẹ Na suốt ngày xắn váy quai cồng tất bật, một tay định liệu mọi việc cũng không đủ ăn. Đã thế còn đẻ cho lắm vào. Nhưng có đứa nào ra hồn đâu. Con gái đầu hơn hai mươi rồi mà lúc nào cũng ra ngẩn vào ngơ. Thằng thứ hai sáng dạ, đi học được hai năm thì người cứ quắt lại, bây giờ thì liệt nửa người, không đi lại được nữa. Còn con bé út mới năm tuổi chưa biết thế nào. Nghe đâu lũ trẻ bị chất độc da cam truyền từ ông nội cơ. Rõ thật khổ. Cái loại chất độc gì mà ác thế, di truyền những ba đời vậy con?
Ai chứ Hùng thì tôi còn lạ gì. Tiếng là xóm trên xóm dưới nhưng nhà Hùng chỉ cách nhà tôi một vài ngõ. Hùng học trên tôi hai lớp. Hiền lành thật thà nên gã hay bị bọn bọn trẻ chăn trâu cùng lứa bắt nạt. Sau những trận ẩu đả, bao giờ gã cũng trở về nhà với cái đầu sưng u, áo quần thì rách bươm. Hết cấp 2, gã đi làm cho một xí nghiệp gạch trên huyện. Tôi đi học xa nhà. Mỗi khi về quê, tôi chỉ ríu rít với lũ bạn cùng trang lứa. Năm trước về, tôi có nghe dân làng xì xào chuyện bán đất của gã với người anh họ xa. Trước đây, cha mẹ gã từ đâu dạt đến đây nên gã không có anh em họ hàng. Gần gũi cũng chỉ có ông Hội - người anh họ xa lắc xa lơ bên đằng ngoại ở cuối làng.
Nghe đâu, một hôm, đang đêm, gã ngật ngưỡng đến nhà anh họ. Chẳng biết một ông tỉnh như sáo với cái đầu óc đầy mưu ma chước quỉ và một gã cùng đinh với cơ thể teo tóp chưa đến 50kg mà có đến 70 phần trăm là rượu ấy to nhỏ những gì. Chỉ biết rằng sau cuộc thảo luận chóng vánh, những ngày sau, lúc nào mặt mũi gã cùng phừng phừng như có lửa đốt. Nhiều lúc, người ta còn thấy gã ư ử hát, trông vẻ mặt thì phớn pha phớn phơ. Chỉ tội bà vợ nghe phong thanh chồng bán đất nhưng cũng chẳng biết là đã bán bao nhiêu. Rồi đồng tiền bán được ấy nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Hỏi, chị chỉ nhận được cái trừng mắt lòi hết cả lòng trắng lòng đỏ: “Lũ đàn bà con gái nhìn không qua gấu váy, biết gì”. Rồi gã vớ lấy chai nước cất từ gạo, tu ừng ực. Chị lần mò đến nhà ông anh, dò hỏi. Ông cười khẩy:
- Ô hay! Thế thím cho rằng việc mua bán là chuyện trẻ con à? Chú ấy đồng ý bán, tôi có tiền mua. Không bán cho tôi thì chú ấy cũng bán cho người khác. Tôi đâu có bắt ép. Tiền trao, cháo múc rồi. Thím còn lôi thôi gì nữa?
Một hôm, thằng thứ hai bị ốm, vợ phải ở với con trên bệnh viện. Chỉ mình gã ở nhà. Đêm. Đang lơ mơ, gã thấy như có người giúi vào tay cái gì mỏng mỏng, mềm mềm. Tiền! Trời ạ. Gã giơ lên ngắm nghía. Tiền thật. Thế mà người ta cứ bảo đã say thì chẳng còn biết trời đất trăng sao gì nữa. Ra láo! Láo hết! Gã bật người lên. Một bóng đen lù lù trước mặt. Gã muốn kêu lên nhưng chỉ ú ớ được mấy câu rồi lại đổ gục xuống nền nhà. Rồi có ai xốc nách gã dậy, đổ vào mồm gã cái nước gì ngọt ngọt, mát mát. Chà! Đã quá. Người đâu mà quí hóa. Sao lại biết rằng gã đang khát đến cháy cổ họng ra đây không biết. Cái con vợ mình ấy à? Có gọi đến khản cổ, rát họng nó cũng kệ thây. Rồi có tiếng rin rít qua kẽ răng:
- Giời ạ! Lại say. Lúc nào cũng say. Bao giờ thì mới tỉnh đây? Dậy! Dậy đi! Dậy anh bàn với chú việc này, hay lắm.
Cái tiếng ấy thì đích thị là ông anh rồi, trộn đâu cho lẫn. Thì ra tiền kia là của anh cho, nước kia là anh rót. Các cụ nói cấm có sai tẹo nào. Giọt máu đào hơn ao nước lã. Thế mà có kẻ độc mồm độc miệng lại cứ bảo anh ấy là loại ỉa ra cứt sắt. Thật là bố láo bố toét hết sức. Thì đây. Bằng chứng rành rành ra đây còn gì. Gã cố mở to đôi mắt, lờ đờ nhìn ông anh đang sừng sững giữa nhà:
- Chú có nghe anh nói gì không đấy?
- Có.. có... Bác… Bác bảo…bảo em cái gì ạ?
- Tốt rồi. Đây là giấy biên nhận bán đất của chú. Chú kí vào đây cho chị chú yên tâm, không thì bà ấy suốt ngày kèo nhèo, sốt ruột. Đàn bà con gái, chú còn lạ gì. Kí đi. Chỗ anh em mình, lọt sàng xuống nia, chú ngại gì chứ?
Ừ thì lọt sàng xuống nia. Tờ giấy như nhảy múa, nhào lộn trước mắt. Gã run run cầm lấy cây bút loằng ngoằng dí vào chỗ giấy trắng, bên cạnh ngón tay chuối mắn của ông anh. Buông bút, gã lăn ra đất. Cái công việc tưởng như đơn giản ấy dường như rút hết sức lực của gã. Ông anh giương tờ giấy lên trước mặt, soi qua mắt kính to tổ bố trong ánh điện tiết kiệm vàng vọt, ngắm nghía hồi lâu. Chà! Thôi rồi, con ơi. Phen này mày có cãi đằng trời. Hừ! Ở đời khôn sống mống chết. Mỉm một nụ cười mãn nguyện, ông anh trườn nhanh vào bóng đêm như một con rắn, không quên ném vào mặt thằng em đang ngao du trên chín tầng mây nụ cười đắc thắng: “Cứ say đi. Say tràn cung mây đi. Rồi cạp đất mà sống, con ạ”.
Gã vẫn còng queo dưới đất. Thôi! Lần này súng bắn bên tai cũng khó mà lay được gã dậy. Mà quái lạ, chiều nay gã đâu có uống nhiều. Chỉ dăm ba chén gọi là vì nể cái thằng chiến hữu làm cùng xí nghiệp ngày xưa. Trời đất run rủi thế nào sau khi giao phó mụ vợ lúc nào cũng mè nheo rách việc và đứa con bệnh tật cho bệnh viện thì gặp nó. Cái thằng đến nhiệt tình, cứ là bác bác, em em ngọt xớt, chẳng bù cho cái lũ ở làng. Lúc nào cũng lão say, thằng say. Gã nghe thấy hết. Nhưng thôi. Đáp nhời với thiên hạ làm gì. Miệng dân sóng biển. Tai liền mồm đấy. Rượu ta, ta uống. Nhà ta, ta ở. Có uống của thiên hạ, ở nhà của thiên hạ đâu mà lắm chuyện. Chúng chỉ giỏi ngồi lê đôi mách. Được tích sự gì.
Ấy thế mà hôm nay cái thằng em này lại ngọt ngào với gã thế. Chà! Thế thì được. Thế thì từ chối làm gì cho phí tấm lòng quí hóa của hắn đi. Người ta lại bảo mình kênh kiệu. Lần gặp này, lại còn lần sau nữa chứ. Chả dại, ông ạ. Vậy là chẳng khách sáo, hắn đáp lại sự nhiệt tình của thằng em với cái dạ dày trống rỗng đang réo gào và cái cơ thể đang héo rũ đi vì từ chiều qua đến giờ chưa được tiếp thêm chất men cay. Cũng lạ. Sau bữa nhậu đã đời, hắn bò về nhà bằng cách nào nhỉ? Trong cơn say, gã thấy chập chờn một bóng người liêu xiêu với cái lưng còng cúi gập về phía trước nhìn hắn với cái nhìn xa xót: “Tỉnh lại đi cháu ơi, không thì thằng Hội nó cướp hết, cướp hết, như nó đã cướp mọi thứ của bác đấy”.
Gã thấy mọi thứ đảo lộn. Nhưng giọng nói kia là của bác rồi. Người bà nói đến là con trai bác rồi. Sao lại thế nhỉ? Còn cướp đất ư? Việc này gã biết. Nhưng từ lâu rồi, có ai nhắc đến nữa đâu. Ngày ấy cả làng xôn xao về vụ kiện hy hữu, có một không hai. Người đưa đơn kiện là bác của gã. Bị đơn lại chính là đứa con trai bà rứt ruột đẻ ra. Nghe đâu khi bà về với ông thì được bố chồng cắt cho mảnh đất ngay cạnh nhà thờ tổ. Khi ông khuất núi, gánh nặng cơm áo gạo tiền oằn lên đôi vai gầy yếu của bà. Anh em họ tộc họp bàn và quyết định giao toàn bộ đất đai, nhà cửa cho bà sử dụng. Một tay bà sớm hôm tảo tầndựng vợ gả chồng cho con cái mỗi người một nơi, chỉ có Hội - con trai cả - được ở lại để chăm sóc mẹ già. Một hôm, anh con trai thẽ thọt:
- Mẹ à, hai gian nhà rạ đã mục nát lắm rồi. Mùa mưa bão sắp tới. Phảiphá đi xây mới thôi.
Bà ngồi im rồi lần mò mãi tận đáy tủ, lôi ra một cái túi vải cũ rích:
- Đây là số vàng mẹ chắt chiu, dành dụm cả đời. Con cầm lấy mà mua các thứ về làm căn nhà tử tế cho con cái nó ở.
Các cụ nói: “Mừng như bắt được vàng” đâu có sai. Đêm hôm ấy, đợi cả nhà ngủ say, anh con trai mò dậy, bật đèn, đổ túi vàng ra giường, giơ từng cái lên, săm soi, ngắm nghía. Rồi bỏ vào mồm nhấm nháp. Có cái gì đó chạy dọc sống lưng. Lạ! Vàng lại có hương thơm, có vị ngọt,giời ạ.
Bẵng đi một thời gian. Một hôm, cô con gái út từ miền Nam về thăm mẹ. Vuốt tấm thân gầy của mẹ, cô xót xa:
- Con ở xa không về thường xuyên thăm mẹ được, chỉ nhờ hai bác chăm lo cho mẹ. À, mà lúc nãy có nghe đài truyền thanh của xã thông báo tuần tới sẽ làm lại sổ sử dụng đất. Mẹ nhớ nhắc bác Hội lên xã kê khai nhé.
- Ừ. Con tìm trong tủ xem sao. Bao năm nay thằng Hội nó giữ, mẹ có biết đâu.
- Vâng. Đây rồi. Ôi! Mẹ ơi. Sao lại thế này? Tại sao sổ này lại đứng tên anh Hội? Sổ này trước đây do mẹ đứng tên cơ mà?
- Sao? Con nói sao? Thằng Hội đứng tên à? - Đôi bàn tay nhăn nheo, khô héo như chạc củi khô run rẩy rờ rẫm từng dòng, từng dòng - Trời ơi là trời! Sao toàn bộ đất đai, nhà cửa lại mang tên nó? Sao nó có thể cướp hết mọi thứ của mẹ như thế này chứ?
- Ai cướp của bà? Nhà bà bà vẫn ở, cơm bà, bà vẫn ăn. Còn con này. Ai cho phép mày mở tủ, lục lọi đồ của tao. Cút. Cút ngay không thì tao đập cho tan xương bây giờ.
Lao vào nhà như mũi tên bắn, người anh giằng lấy tờ giấy trên tay mẹ, đẩy cô em ngã dúi xuống đất. Bà lão 86 tuổi bám vội vào thành giường, nếu không thì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Ngày hôm sau, bà chống gậy, mò mẫm lên xã hỏi cho ra nhẽ. Xã cho gọi hắn lên. Bước chân vào phòng làm việc, chẳng chào hỏi ai, đứa con quí hóa ngồi phịch xuống ghế, ngả người, xoạc chân:
- Bà kiện cái gì? Bà nhớ là bà già yếu rồi, đi lại nhiều ốm đau ra đấy thì tôi không hầu đâu. Mà tôi còn nhớ rất chính xác là khi còn sống, ông nội di chúc miệng lại cho tôi được quyền sử dụng đất đai, nhà cửa. Còn bà là con dâu thì chỉ có quyền ở chứ không có quyền đứng tên. Bà đã rõ chưa? - Bà lặng lẽ ra về, nước mắt rơi xuống, xèo xèo trên con đường bê tông.
*
Thời gian sau.
Một hôm, Na ra vườn chuẩn bị cấy trồng thì ông anh ở đâu lù lù xuất hiện, nắm lấy cán cuốc:
- Ba sào vườn này chú ấy bán cho tôi. Cưa đứt, đục suốt rồi. Giấy trắng, mực đen đây. Thím có xem không? Sở dĩ mấy tháng qua, tôi không đòi vườn là vì tình nghĩa anh em, nhà chú thím khó khăn nên tôi để cho thím thu hoạch xong hoa màu. Chứ người khác ấy à....
Chị té xỉu. Sao có lần trong cơn say gã lè nhè nói rằng chỉ bán có một sào vườn cạnh đường mà bây giờ lại là ba? Trước đó, chị đã nghe phong thanh rằng người ta sẽ mở rộng con đường liên xã qua xóm nhà chị. Rằng đất khu nhà chị sắp có tiền tỉ. Đúng là khôn sống mống chết. Chị lao về nhà, nổi cơn tam bành lên. Chưa nghe đến câu thứ hai, gã đã quật bốp chai rượu không vào cột nhà:
- Câm mồm. Mày còn lải nhải, tao đốt luôn cả cái nhà này rồi tao cũng chết luôn. Sống làm gì nữa, hở trời?
Chị lại đến nhà ông anh họ:
- Bác làm ơn xem lại việc mua bán đất cát. Việc tày đình như vậy sao bác và nhà em không nói qua với em một tiếng?
- Ô hay! Tôi biết làm sao được việc nhà chú thím. Tôi tưởng chú thím đã bàn bạc, thống nhất với nhau rồi chứ? Mà đàn bà bảy xó nhà, ba xó bếp, làm sao biết được việc đại sự. Đấy như chị thím ấy, có biết gì ngoài việc cơm nước lợn gà đâu. Mọi việc, tôi quyết. Còn đây là giấy bán đất. Tôi làm là kín nhẽ lắm. Có đầy đủ chữ kí của chú ấy, có chứng thực rồi dấu đỏ chót của ủy ban nữa. Thím còn thắc mắc gì không? Sổ cũng chỉ đứng mỗi tên chú ấy chứ có tên thím đâu.
Chị khó nhọc đánh vần từng chữ, mắt hoa lên. Sốt ruột, ông anh cầm lên đọc rõ ràng, rành mạch. Rằng anh Phan Văn Hùng đã nhất trí bán cho anh Phan Văn Hội ba sào vườn trị giá là... Rằng anh Hùng đã nhận được đủ số tiền theo thoả thuận. Chị thất thểu quay về. Con đường hàng ngày chị vẫn mải miết ra đồng cấy hái sao bỗng dưng lại lắm ổ trâu, ổ gà thế này? Từ nhà chị đến nhà lão anh họ chỉ cách một quãng đồng mà sao cứ xa vợi xa. Rã rời, chị ngồi bệt xuống vệ cỏ ven đê. Đi đâu bây giờ? Về đâu bây giờ hả trời? Đất thì mất hết? Con thì nheo nhóc, bệnh tật, lấy gì chữa chạy cho chúng? Biết làm sao đây? Tôi ăn ở thế nào mà trời bắt tôi chịu đựng hết nỗi đau này đến bất hạnh khác? Còn điều gì đến với tôi nữa đây? Thôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đằng nào cũng thế rồi. Thế là mảnh đất hương hoả cha ông bỗng dưng về tay kẻ khác.
Câu chuyện lan nhanh. Có người xui chị đi kiện. Kiện à? Có mà con kiến kiện củ khoai. Thấp cổ bé họng, lại một chữ đánh vần cũng khó, người ta chưa quát xong đã vãi linh hồn còn kiện cáo nỗi gì. Hơn nữa, ông anh kia lại có chân trong ủy ban. Ai chẳng biết thỉnh thoảng, lão lại lôi bọn ủy ban về, chén tạc chén thù. Ai chẳng biết những việc làm khuất tất của lão nhưng có dám dây lời với lão đâu.
Đấy, như chuyện cách đây mấy năm. Tự nhiên lão lôi ở đâu về một con mụ trông đỏm dáng, lạ hoắc. Lão giới thiệu là em họ xa của lão làm ngân hàng ở tận… trung ương. Lão đưa mụ đến từng nhà. Mồm mép ba hoa của lão cộng với miệng lưỡi dẻo kẹo của “em họ xa” đã làm mờ mắt bao người dân trong xóm lão. Rằng thì là em làm ở ngân hàng thật đấy, nhưng em khuyên các bác nếu có tiền thì đừng cho họ vay. Lãi suất thì nhỏ giọt, rẻ mạt. Lại còn hồ sơ giấy tờ các loại lôi thôi lắm. Đấy là chưa kể lúc mình cần rút tiền thì lại mất thời gian. Lại thêm cái khoản giấy tờ chứng thực. Mệt lắm. Các bác cứ tin em đi. Em là em có tính hay thương người, lại rất sòng phẳng. Em sẽ đứng ra vay của các bác. Em sẽ trả lãi gấp đôi ngân hàng. Khi cần rút tiền, các bác chỉ báo cho em một tiếng là có ngay.
Đấy là chưa nói đến việc hàng tháng em đến tận nhà các bác để trao tiền lãi. Còn khi nào em bận thì xin mời mọi người đến nhà ông anh đây ạ. Em sẽ nhờ ông ấy trả cho các bác. Rồi mụ đưa ra một đống giấy tờ. Đấy, các bác xem, ở quê em ý, họ tin em hơn cả… ngân hàng. Họ gửi em bao nhiêu tiền. Tính ra có đến hàng tỉ. Các bác cứ tin em đi. Bao giờ em cũng đặt chữ tín lên đầu mà. Từng lời thẽ thọt của mụ làm xiêu lòng bao người. Người nọ rỉ tai người kia. Hầu bao của mụ ngày một đầy thêm. Rồi một việc động trời làm nổi sóng ngôi làng vốn dĩ bình lặng từ ngàn đời. Mụ biến mất một cách bí ẩn, không để lại chút dấu vết. Người ta kéo đến nhà lão vòng trong vòng ngoài. Công an về. Lão tỉnh bơ:
- Các người gửi tiền cô ta chứ có gửi tôi đâu? Vậy thì đi tìm cô ta mà đòi. Tôi không liên quan đến việc của các người.
Bẵng đi mấy hôm. Cuộc sống lại tiếp diễn như không có chuyện gì xảy ra. Vẫn ồn ào huyên náo mỗi sáng khi các bà trả giá bó rau, mớ tép, khi đàn ông vác cuốc ra đồng cày xới. Vẫn xôn xao chuyện hôm nay giá vàng lại lên, chuyện vườn rau nhà tôi sao mấy hôm nay có loài sâu lạ cắn lá. Vẫn tĩnh lặng khi đêm về, trăng lên. Một buổi tối, chị đang đút cơm cho con, chợt có người chạy đến, hốt hoảng:
- Chị ra mà xem kìa, ông Hùng nhà chị say rượu đến đốt nhà ông Hội. Đám con ông ấy đổ ra, đánh nhau loạn xạ cả lên. Công an đến bắt ông Hùng lên ủy ban rồi.
Hồn vía lên mây, chị quăng bát cơm, thất thểu bước vào văn phòng ủy ban xã, thấy chồng đang gục trên bàn, mềm như cọng bún, miệng vẫn lải nhải:
- Cha mẹ tiên sư nhà nó. Nó lừa tao. Tao thì đốt nhà... Đốt nhà nó rồi đi tù cũng được.
Hôm sau, gã chết. Chắc gã chết vì rượu.
Và rồi chẳng ai còn nhắc lại chuyện gã. Người ta còn nhiều việc phải làm, nhiều chuyện phải nghĩ. Đêm đêm, người ta lại nghe tiếng thở than não ruột: “Ới trời ơi! Ới ông Hội ơi...”.
Người làng vẫn tin vào luật nhân quả, nhưng tiếng hờ hằng đêm của chị khi nào thì thấu đến trời?