Tri huyện diễn kịch xử án

Thứ Năm, 24/11/2022, 09:51

Ngày hôm sau nghe tin cô a đầu treo cổ tự vẫn, Tri huyện Lý lập tức đến hiện trường, ông vô cùng đau buồn, day dứt và hối hận. Trước cái chết của cô a đầu, ông đã tổ chức tang lễ cho cô rất long trọng, đích thân ông đưa cô ra tận nơi cô yên nghỉ. Sau việc này, Tri huyện Lý viết vụ việc thành một hồ sơ vụ án, một bản gửi lên quan trên, một bản lưu lại cho những người kế nhiệm.

Người ta kể rằng hơn 70 năm trước ở sân sau nha huyện Tân Phồn tỉnh Tứ Xuyên có một ngôi nhà nhỏ. Trước sân ngôi nhà cỏ dại mọc um tùm, trừ mấy con chim sẻ thường đến kiếm ăn thì ở đây chẳng có gì là sức sống cả. Cửa ngôi nhà được khóa bằng chiếc khóa đã hoen rỉ, cánh cửa được dán niêm phong nhưng giấy niêm phong bị mưa gió làm mờ nhạt không thể đọc được chữ nữa. Nhìn qua cửa sổ vào trong nhà thấy có một chiếc giường phủ đầy bụi và mạng nhện làm cho người ta có một cảm giác lạnh lẽo, thê lương nhưng thần bí.

Tương truyền ngôi nhà này được niêm phong vào thời kỳ Càn Long nhà Thanh, khi đó ông Lý Nga là Tri huyện của huyện Tân Phồn. Gần 200 năm sau từ đời Tri huyện Lý Nga, tất cả các Tri huyện đến nhận chức Tri huyện Tân Phồn đều bày hương hoa, phẩm oản và tiền vàng làm lễ trước ngôi nhà này. Sau khi làm lễ vị Tri huyện đến nhận chức dán một tờ niêm phong mới đè lên tờ niêm phòng cũ. Nghe nói việc làm lễ tuy không long trọng lắm nhưng không khí thật trang nghiêm. Tại sao Tri huyện mới nhận chức lại phải tế lễ trước ngôi nhà nhỏ này? Bởi vì ngôi nhà này có một câu chuyện đáng phải suy ngẫm.

9a662d530cbdd5e38cac.jpg -0
Minh họa: Hà Trí Hiếu

Từ xa xưa các vụ kiện dù là dân sự hay hình sự đều do một mình Tri huyện xét xử. Lúc đó, ngoài việc kiểm tra hiện trường vụ án, Tri huyện thường dựa vào lời khai của đương sự và sự suy đoán của bản thân để đưa ra phán quyết và hoàn toàn không có thiết bị điều tra tội phạm gì cả. Trong quá trình xét xử vụ án, mỗi khi phạm nhân kêu lên bị oan uổng hoặc phạm nhân cứng đầu không chịu nhận tội thì thông thường các Tri huyện đều dùng hình phạt nghiêm khắc là tra tấn để bức cung tội phạm. Trong nhiều vụ án, lúc đầu tội phạm không chịu nhận tội nhưng sau khi bị tra tấn cực hình thì lại ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội và vụ án nhanh chóng kết thúc. Tuy nhiên, khi thụ lý các vụ án không tránh khỏi nhiều vụ án oan.

Lý Nga là một vị quan phụ mẫu công chính liêm minh luôn tận tâm phục vụ nhân dân. Ông tài trí hơn người, quyết đoán như thần nhưng qua một năm trong huyện có nhiều biến cố nên xảy ra rất nhiều các vụ kiện dân sự làm cho Tri huyện Lý Nga mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác, có lúc ông nhận được lời thú tội của phạm nhân sau khi phải chấp hành một hình phạt rất nặng để rồi vội vàng kết thúc vụ án.

Môt ngày, khi kết thúc phiên tòa, Tri huyện Lý đi vào gian phòng bên cạnh để nghỉ ngơi nhưng trong lòng lại thấp thỏm không yên: Tiếng của phạm nhân kêu bị oan uổng, tiếng la hét đau đớn của phạm nhân khi bị tra tấn vẫn văng vẳng bên tai ông. Sau khi bị tra tấn cực hình nhiều phạm nhân rất cứng đầu lại ngoan ngoãn như một con cừu non cúi đầu nhận tội. Tri huyện Lý day dứt tự hỏi mình: Anh ta có thực bị oan không? Vậy làm thế nào để chứng minh được rằng người vô tội nhưng khi bị tra tấn cực hình lại ngoan ngoãn nhận tội? Tri huyện suy nghĩ mung lung và thấy rất khó để đưa ra kết luận? Lúc này, ở phía sân sau của nha môn bỗng vang lên tiếng cục ta cục tác của con gà mái báo nó vừa đẻ một quả trứng. Tri huyện chợt nghĩ ra một cách và ông bước nhanh ra chuồng gà nhặt quả trứng mà con gà vừa đẻ giấu đi rồi trở vào trong phòng.

Một lúc sau cô nha đầu nhà Tri huyện ra chuồng gà lấy trứng phát hiện quả trứng gà đã bị mất cô ta hoảng hốt chạy vào báo với phu nhân Tri huyện. Lúc này Tri huyện cũng đi vào, nghe thấy cô a đầu nói là trứng gà bị mất nên cố ý nghiêm mặt nói: “Rõ ràng là ngươi đã lấy trứng sao lại nói là không thấy?”.

Cô a đầu này được phu nhân rất yêu quý nhất, cô ta vẻ uất ức nhìn phu nhân Tri huyện cầu cứu nhưng phu nhân lại không nói gì. Cô a đầu mặt đỏ ửng bực tức cãi lại Tri huyện. Tri huyện giả bộ tức giận mắng cô ta: “Người oan uổng cái gì? Người là đồ khốn kiếp, đã nhặt trứng lại không dám nhận còn cãi lại ta”. Nói xong ông lập tức đánh trống thăng đường xử vụ án mất trứng gà.

Nha dịch dẫn cô a đầu lên công đường và bắt nằm xuống đánh một trận. Cô a đầu này bản tính ương bướng mới đầu một mực kêu oan, khi bị đánh thì tỏ ra không phục vẫn kêu trời, oán đất rằng mình bị oan uổng. Tri huyện Lý đập kinh đường mộc ra lệnh dùng cực hình. Khi ngón chân cô a đầu bị kẹp bởi hai thanh gỗ vô cùng đau đớn, cô a đầu vẫn nghiến răng, nghiến lợi chịu đựng nhưng khi bị kẹp chặt hơn, đau hơn thì cô a đầu không thể chịu đựng được nữa vội kêu lên: “Đại nhân! Con xin khai, con đã lấy trứng gà”.

Tri huyện Lý thấy a đầu đã nhận tội vội ra lệnh cho nha dịch dừng tay và ông tiếp tục hỏi:

- Người lấy trứng thì trứng giấu ở đâu?

- Con ăn trứng rồi ạ.

- Sao lại ăn trứng sống?

- Vì con nghe nói ăn trứng sống rất bổ.

- Vậy người bỏ vỏ trứng ở đâu?

- Con bỏ vào trong lò đốt đi rồi.

- Đại nhân, con đã nhận tội rồi.

Cô a đầu quỳ dưới công đường khóc nức nở. Lúc này Tri huyện ngồi chau mày ngây người ra không nói gì nữa, cả công đường im lặng như tờ. Rất lâu sau hình như tiếng khóc thút thít của cô a đầu mới làm Tri huyện bừng tỉnh, ông đứng lên ra hiệu bãi đường, màn diễn kịch như vậy đã kết thúc.

Sau khi rời công đường Tri huyện Lý ra lệnh cho nha dịch dìu cô a đầu vào nhà rồi mời ngay thầy thuốc đến chữa vết thương và chăm sóc cô ta rất chu đáo.

Sau vụ diễn kịch xử án, Tri huyện Lý cho gọi tất cả nhân viên trong nha môn lại chân thành nói với mọi người: “Chúng ta xử các án dân sự phải hết sức đề cao tính công lý, ngay thẳng vô tư để tránh người tốt bị oan uổng, không được nhầm lẫn giữa đúng và sai. Trước đây, chúng ta thường dùng hình phạt để bức cung và không biết bao nhiêu người vô tội đã bị oan uổng. Hôm nay, ta ra chuồng gà nhặt quả trứng rồi dùng cực hình bắt người tốt phải nhận tội là để chứng minh cho việc xử án của ta”.

Nói xong, ông lập tức đến phòng của a đầu, ông cúi mình cung kính trước mặt cô và nói: “Hôm nay ta làm cô bị ấm ức, bị oan, xin cô hãy hiểu cho ta và thông cảm cho ta, việc của cô đã cứu được rất nhiều người vô tội”.

Trước mặt nhiều người ông tuyên bố: “Bắt đầu từ hôm nay ta thu nhận cô a đầu là nghĩa nữ, từ nay các người phải gọi cô là tiểu thư”.

Tri huyện Lý cho rằng mình đối xử như vậy sẽ làm cho cô a đầu dần nguôi đi nỗi ấm ức và bình tâm trở lại nhưng ông đâu có ngờ rằng cô a đầu này là một cô gái mạnh mẽ, hiếu thắng và rất sĩ diện, hôm nay bỗng dưng bị oan ức và bị trừng phạt vô cớ nên cô nghĩ: Người làm quan vì có được danh tiếng là thanh quan đã không ngần ngại dùng thịt da và tính mạng của người khác để làm thực nghiệm chứng minh cho công việc của mình. Cô càng nghĩ càng đau lòng, càng nghĩ càng cảm thấy xấu hổ và thấy không còn chỗ dung thân nữa. Đêm hôm đó cô a đầu đã treo cổ tự vẫn trong căn phòng bé nhỏ của mình.

Ngày hôm sau nghe tin cô a đầu treo cổ tự vẫn, Tri huyện Lý lập tức đến hiện trường, ông vô cùng đau buồn, day dứt và hối hận. Trước cái chết của cô a đầu, ông đã tổ chức tang lễ cho cô rất long trọng, đích thân ông đưa cô ra tận nơi cô yên nghỉ. Sau việc này, Tri huyện Lý viết vụ việc thành một hồ sơ vụ án, một bản gửi lên quan trên, một bản lưu lại cho những người kế nhiệm.

Ngôi nhà mà cô a đầu qua đời vẫn được giữ nguyên vẹn như cũ và được niêm phong để làm lưu niệm đồng thời là nhân chứng để nhắc nhở các quan chức kế nhiệm ông không được dùng cực hình tra tấn ép cung, tránh xảy ra các vụ án oan cho người vô tội.

Từ đó, các Tri huyện Tân Phồn mới nhận chức đều đến trước ngôi nhà nhỏ thắp hương làm lễ, phong tục này được truyền từ đời này sang đời khác cho đến khi đầu cuộc chiến tranh chống Nhật, do ngôi nhà dầm mưa giãi nắng lâu ngày, kèo cột bị mối mọt, mục nát nên nhân dân phải phá dỡ nó nhưng câu chuyện vụ án về quả trứng gà và cô a đầu vẫn được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Hoàng Thắng (Trung Quốc)
.
.