Trăng lạnh

Thứ Năm, 05/10/2023, 18:01

Trăng chênh chếch, nhòe nhoẹt ẩn hiện qua những tàng mây nhờ nhợ như màu máu. Một cơn gió thốc tới. Mẹ run run ra đóng lại cửa sổ. Ánh trăng lướt qua giọt nước mắt còn đọng trên gương mặt của người thiếu phụ, lấp lóa như những mảnh thủy tinh vỡ, trong suốt và nhói buốt.

Lúc chiếc băng ca trắng toát đi ngang, mẹ ngã quỵ xuống, ánh mắt dại đờ thảng thốt. Giá như mẹ cứ vật vã than trách thì có lẽ con sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng bên tai con chỉ có tiếng nấc nghẹn bùng nhùng: “Nguyệt ơi! Con ơi…!”. Nước mắt liệu có rửa trôi được nỗi cay đắng mà mẹ đã chôn giấu suốt mười tám năm qua? Mẹ vẫn còn trẻ. Tương lai của mẹ là những đứa con khôi ngô, có dòng có giống. Còn con chỉ như một hạt máu rơi, một hạt bụi vô duyên bám vào chiếc áo choàng xa hoa của đời mẹ. Mẹ ơi…

*

Mười chín tuổi, vừa bước chân vào giảng đường đại học, trái tim mẹ thổn thức mê mẩn trước cặp kính trắng loang loáng và mái tóc loăn xoăn lãng tử của anh thầy trợ giảng. Mẹ tự mình thêu dệt câu chuyện tình cổ tích của nàng Lọ Lem tỉnh lẻ xinh đẹp với chàng hoàng tử Hà Nội ga lăng. Hạnh phúc, kiêu hãnh. Đam mê, hiến dâng. Lo lắng, phập phồng. Nhưng cổ tích gãy ngang. Chàng hoàng tử lẻo mép ấy dỗ dành mẹ đến một phòng khám sản khoa nằm khuất trong một ngách phố nhỏ, rồi đến khi đẩy mẹ vào căn phòng bí bách sực nức mùi cồn thì biến mất dạng.

Tiếng panh kéo loảng xoảng khiến mẹ giật mình co rúm người lại. Nhìn ra ô cửa kính lờ mờ không thấy mái tóc lãng tử ở đó nữa, mẹ mới thảng thốt sực tỉnh. Những lời có cánh giờ như liều thuốc mê quá hạn không còn phát huy tác dụng. Bàng hoàng. Đơn độc. Nhưng chính giây phút bẽ bàng đó, cái mầm sống trong mẹ đột nhiên cựa quậy. Bồi hồi. Run rẩy. Một luồng điện sinh học chạy nhói lên tim rồi râm ran lan lên não. Mẹ ngồi bật dậy gạt nước mắt và lầm lũi ra về, bước sang một trang đời mới ngặt nghèo thiếu thốn trăm bề, chỉ dư thừa nước mắt và lòng thù hận…

99fbb4a32975fd2ba4643.jpg -0
Minh họa: Đặng Tiến

Con lên ba tuổi, mẹ mang con về ấn vào tay bà ngoại rồi đi như chạy trốn, năm thì mười họa mẹ mới lén lút trở về trong đêm, dúi vào tay con vài gói kẹo xanh đỏ rồi lại đi ngằm ngặp. Những gói kẹo ấy bà lại bảo con nhường cho hai anh sinh đôi nhà bác Khương vì các anh ấy kém con một tuổi.

Lên tám tuổi, con được bà ngoại và bác Khương cho đi ăn cưới ở một thành phố xa lắc, phải đi tàu rồi lại lên mấy chặng xe khách. Con nói cười ríu rít như sáo sậu suốt dọc đường đến nỗi quên cả cảm giác say xe. Con háo hức đâu phải vì nghe bác Khương nói đám cưới thành phố có nhiều món ngon mà vì đến đó con sẽ được gặp mẹ. Rất lâu rồi mẹ không về với con. Con giấu được mấy cục kẹo xanh đỏ lần trước, thi thoảng lén mang ra sau vườn bần thần ngắm nghía. Mấy cục kẹo ấy đã chảy nước nhoe nhoét mà con không nỡ ăn. Cái thứ kẹo nhuộm phẩm màu choe choét thay mẹ nuôi dưỡng sự ngọt ngào trong con với nỗi miên mải đợi chờ.

Nhưng sự ngọt ngào ấy bỗng hóa đắng chát khi xe ô tô đỗ trước cửa một nhà hàng sang trọng. Bên vòm cổng hoa tím ngát, mẹ mặc váy cô dâu trắng muốt đứng bên cạnh người đàn ông mặc bộ com-lê màu cà phê, bụng bự và đầu hói. Con dúi đầu vào lòng bà ngoại khóc òa thổn thức. Bà cũng quay mặt đi lén lau nước mắt. Nhưng rồi rất nhanh, bà nắm tay con bước qua cổng hoa, bình thản và hồ hởi như bao người khách tới dự tiệc. Con ngơ ngác trước những người xa lạ và bấy giờ mới thấy mệt lả. Bà gắp cho con một bát tú hụ tôm thịt, con trệu trạo nhai nuốt. Nghẹn ứ. Nôn thốc nôn tháo. Nước mắt giàn giụa, mặn chát.

Từ sau đám cưới của mẹ, con trở về nhà rúc mình trong nỗi cô độc. Con ăn là bao mà cứ cuối tháng lại nghe bác Liên riết róng: “Nhà này không nuôi báo cô cái dòng giống lạc loài”. Con mặc là bao nhưng hễ mẹ gửi quần áo về cho con là bác lại nguýt: “Diện dàng điệu đà cho sớm rồi mà học nhau đi cua trai, đi tranh vợ cướp chồng…”. Con chẳng hiểu mấy những điều ấy, nhưng cứ nghe giọng nói sắc lẻm rít qua kẽ răng ấy của bác là con sợ. Bà ngoại chắc cũng thương con nhưng không nói được bác Liên vì hình như bác Khương thất nghiệp chán đời nên “có bồ”, bị bác Liên phát hiện và làm um lên. Bà chỉ khuyên con rằng: lúc nào bác Liên nói như thế thì cứ lảng đi, xách nước lau cầu thang hoặc cọ rửa nhà tắm. Tay con bé như chiếc đũa cả. Xô nước sóng sánh chòng chành. Có lần con trượt chân ngã nhào mấy bậc cầu thang, cái xô nhựa vỡ tan. Bác Liên lại nguýt: “Chỉ phá hoại là tài…”.

Con mười hai tuổi, mẹ sinh em Bin em Bon nên dượng về quê xin phép bà ngoại và hai bác đón con đi. Bác Liên tíu tít thu dọn đồ giúp con từ tối hôm trước, lúc con lên xe còn ôm choàng lấy con như thể lưu luyến lắm, ôm mà như thể đẩy con vào xe nhanh gọn hơn. Chỉ có ngoại rơm rớm: “Con vào đó nghe lời dượng, chịu khó giúp mẹ chăm em bé nhé!”.

Con về nhà ấy được hơn một tháng thì dượng cũng mang con riêng của dượng về, bảo con gọi hắn bằng “anh”. Hắn hơn con hai tuổi nhưng thấp hơn con nửa cái đầu. Nghe đâu một năm hắn bị đình chỉ học tới bốn lần. Dượng xoa đầu con bảo: “Anh Quý có quậy phá gì ở trường thì báo ngay cho dượng nhé, dượng thưởng”. Con ngước nhìn mấy sợi tóc lòa xòa vắt ngang cái trán hói của dượng, ngây thơ gật đầu.

Ở trường, Quý nghênh ngang đi lại khắp các dãy lớp, trêu đứa nọ chọc đứa kia nhưng hễ về nhà là chui tọt vào phòng ôm cái máy vi tính. Lần đầu tiên con loe xoe báo với dượng những trò nghịch tai quái khiến hắn bị cảnh cáo trước cờ thì ngay tối hôm sau lúc rũ chăn mền đi ngủ, con hoảng hồn phát hiện ra một ổ chuột con lúc nhúc. Con kêu toáng lên. Mẹ từ phòng bên chạy qua cau mặt: “Khẽ cái mồm thôi cho các em ngủ”.

Dượng vào phòng con hốt đám chuột lít nhít ấy đi, quay lại vỗ vai con rồi ôm lấy con như xoa dịu. Con ngại ngùng khẽ lách người ra, bàn tay múp thịt ấy lại như vô tình chạm nhanh qua khuôn ngực mới lúp xúp của con. Lâu lắm rồi con đâu được ai ôm ấp vỗ về như thế. Một chút bối rối thoáng qua... Con chưa đủ lớn để có phản xạ với cử chỉ ấy, chỉ có cảm giác lẻ loi trong ngôi nhà rộng thênh. Căn phòng của con có cửa sổ hướng Đông, buổi sáng cả nhà chưa dậy nắng đã ngập chói mắt, những đêm muộn ánh trăng leo lét chênh chếch lạnh ngắt.

*

Sinh nhật mười sáu tuổi của con, mẹ và dượng đi du lịch Nha Trang theo đoàn dự án của dượng. Thằng anh cứng đầu bảo sẽ tổ chức cho con một buổi sinh nhật đáng nhớ. Thực ra suốt mấy năm nay Quý vẫn luôn là người đầu tiên nhớ ra sinh nhật của con rồi nhắc mẹ. Và bao giờ mẹ cũng bảo: “Ờ ha, mẹ lu bu công việc quá nên quên mất”. Quý hỏi con thích tổ chức ở nhà hay ngoài tiệm. Con rụt rè ngập ngừng: “Ở nhà thôi, ra tiệm tùm lum, mẹ biết lại la em”. Để rồi sau này con cứ hối hận mãi bởi ý muốn ấy. Nếu tổ chức ngoài tiệm, biết đâu con sẽ có ý thức uống cầm chừng để còn đủ tỉnh táo mà về nhà, chứ không uống “hết mình” vì yên tâm rằng đang ở nhà mình như thế.

Khi thấy chuếnh choáng say, con bỏ lại đám bạn đang lắc lư theo điệu nhạc, lảo đảo đi về phòng mình. Trong lúc lơ mơ, hình như có bàn tay ướt nhoét đang sục sạo trong ngực áo, con ú ớ kêu lên. Tiếng kêu của con lọt thỏm giữa mớ âm thanh hỗn độn chát chúa, vậy mà không hiểu sao Quý đã đạp tung cửa và nhảy xổ vào. Chiếc bình hoa pha lê trên bàn vỡ tan. Những mảnh nhọn sắc lia qua mặt, xoẹt ngang cổ thằng “bạn thân” của con. Máu túa đỏ tấm ga trắng, nhớp nháp bàn tay Quý.

Cả bọn chạy tán loạn. Tiếng nhạc vẫn xập xình inh ỏi lẫn tiếng còi xe cứu thương hú ran dưới sảnh. Công an ập đến. Quý lầm lũi tra tay vào chiếc còng số tám, trước khi ra khỏi phòng, bỏ lại ánh nhìn man dại tuổi mười tám bồng bột. Ánh nhìn ấy ám ảnh con suốt những đêm sau đó. Và khi tòa tuyên án Quý chịu mười năm tù vì tội ngộ sát, mặt con như bỏng rát. Quý bị dẫn giải ra xe, cái đầu húi cua cúi xuống cung cúc theo mỗi bước đi thập thững, hắt lại phía con một tia nhìn đau đáu, vừa trách cứ lại có vẻ cảm thương xa xót.

Dượng thi thoảng vẫn sang phòng con, khi thì nhờ ủi đồ, lúc thì mượn lọ dầu xoa. Con luôn cụp mắt xuống tránh ánh nhìn của dượng. Sinh nhật sắp tới của con chắc lại không ai nhớ, hoặc có khi nhớ nhưng cố tình không nhắc đến. Hôm trước dượng đi tiếp tế cho Quý về, làu bàu hậm hụi: “Nhờ mấy cầu rồi mà chẳng biết nó có ra sớm hơn được ngày nào hay không”. Mẹ an ủi dượng: “ Mười năm chỉ như cái chớp mắt…”. Nhưng mười năm cũng là cả thanh xuân. Rồi sau mười năm, liệu con có còn đủ dũng khí để nhìn vào mắt Quý hay không?! Con len lén mang cuốn nhật kí loằng ngoằng chữ lên sân thượng châm lửa đốt. Những dòng nhật kí dằng dặc nỗi niềm theo tàn tro vẩn lên ran rát.

Mấy tuần nay, không khí trong nhà ngột ngạt. Dượng và mẹ cứ tất bật lo lắng, cả ngày đi biền biệt, hễ về đến nhà là gọi những cuộc điện thoại van lơn cầu cứu. Có hôm mẹ và dượng nói chuyện rì rầm suốt đêm. Hình như mẹ vướng vào vụ lùm xùm gì đó mà dính dáng đến cả pháp luật. Con loáng thoáng nghe thấy giọng dượng dỗ dành thuyết phục còn mẹ thì rấm rứt khóc. Loáng thoáng nghe thấy cả các từ “bán nhà”, “ly hôn”, “chết”. Sáng hôm sau, con dậy sớm đi xuống bếp, thấy mẹ ngồi trầm ngâm bên bàn ăn, cặp mắt sưng mọng. Mẹ nói nhỏ nhưng giọng đanh lại: “Có khi mẹ chuyển lại con ra Bắc…”. Con bặm môi ngẫm phận mình như quả bóng, ai đá phương nào thì lăn hướng đó. Im lặng. Bần thần.

Sinh nhật mười tám tuổi của con, mẹ đi dã ngoại cùng với lớp Bin Bon. Chiều con đi học về, dượng đón con ngay ở cửa bảo chuẩn bị lên đồ để cùng dượng đến dự buổi tiệc với một đối tác quan trọng, là một Tiến sĩ giáo dục học, con đi để nghe họ tư vấn định hướng nộp hồ sơ đại học. Dượng ngây nhìn cái váy trắng muốt của con, con bối rối bảo rằng muốn về sớm để làm bài tập, dượng như sực tỉnh vỗ vai con cười giả lả: “Ừ, đi một lát thôi...”.

Chưa bao giờ con ưa điệu cười của dượng. Có lần con tâm sự với mẹ về những dự cảm chông chênh ấy, mẹ mắng át đi, bảo rằng nên cảnh giác với người lạ nhưng không nên hoài nghi về những người thân, dượng đã cứu vớt cuộc đời mẹ và nhất là chưa một lần trách cứ con về chuyện của Quý. So với cái giọng xoe xoé và ánh mắt sắc lẻm của bác Liên thì ánh nhìn và điệu cười của dượng cũng có phần ấm áp hơn. Con cung cúc theo dượng ra xe, vớt vát một tia hi vọng về niềm vui mơ hồ cho ngày tròn tuổi…

Sau bữa ăn, đầu con váng vất. Rồi trong trạng thái lơ mơ bồng bềnh, con thấy mình đang ở trong một căn phòng nhờ nhờ sáng và thoang thoảng mùi hoa oải hương. Điện thoại của con chợt rung lên. Có tin nhắn mới. Là của dượng. Một dòng tin vỏn vẹn mười chín chữ như một bức tối hậu thư khiến con bừng tỉnh. Ngực con đập thình thịch. Con ngỡ ngàng hiểu ra tất cả. Bản án mười năm của Quý, những rắc rối mà mẹ đang gặp phải, tất cả sẽ được hóa giải bằng một đêm thanh tân của con trong căn phòng kín bưng này.

Cánh cửa bật mở. Ông tiến sĩ loạng choạng bước vào ngồi vật xuống chiếc sô-pha góc phòng rồi châm thuốc hút. Đốm lửa lóe lên trên tay ông ta đỏ rực như một hạt máu. Con co rúm người lại mà đầu như muốn nổ tung. Dưới ánh sáng phơn phớt của chiếc đèn chùm, tà váy trắng muốt của con bỗng hóa loang lổ, nhàu nhĩ. Vị tiến sĩ nhìn con chòng chọc qua cặp kính trắng trễ nải. Chân con run bắn, con quỳ khuỵu xuống, muốn cất lên một lời van xin mà sao cổ họng cứ nghẹn ứ lại.

Con dáo dác kiếm tìm. Trên bàn chỉ có một bình hoa lụa màu vàng sậm. Cảnh máu me nhoe nhoét, tiếng hú inh ỏi của xe cứu thương và ánh mắt man dại của Quý chợt dội về tâm trí con. Con ôm mặt òa khóc tức tưởi. Ông tiến sĩ lại rít một hơi thuốc rồi đột nhiên cười khùng khục và lảo đảo đứng dậy. Con co rúm người lại. Nhưng ông ta không tiến về phía con mà đi ra mở hé cánh cửa rồi phẩy tay: “Đi đi!”. Con ngỡ ngàng một giây. Rồi như bừng tỉnh, con vội vàng lao ra khỏi phòng, chạy xuống bốn tầng cầu thang mà chân như không bén đất.

Hôm sau dượng và mẹ lại đi từ sớm. Buổi tối khi con đang cho Bin và Bon tập viết thì dượng gọi Facetime về, giọng van vỉ nhưng ánh mắt vằn lên sắc lạnh: “Con đành lòng nhìn mẹ con vào tù sao?”. Rồi một tin nhắn. Lại là bức tối hậu thư ấy. Tay con run bắn. Chiếc điện thoại rơi xuống sàn. Tắt ngấm.

Đêm trắng. Hoảng loạn. Chập chờn. Con cố lục tìm trong chuỗi kí ức mờ nhạt của mình. Người đàn ông đó con đã gặp ở đâu rồi nhỉ? Trong đám cưới mẹ? Không phải. Trong những chuyến du lịch mà mẹ và dượng cho con theo? Cũng không phải. Trong những chuyến đi ấy, con phải trông chừng Bin Bon cho mẹ và dượng uống rượu với khách khứa. Có lúc nào con được ăn uống thư thả, được ngẩng mặt lên nhìn mọi người đâu. Thi thoảng có người hỏi đến con, dượng cười đưa đà và bảo “đây là đứa con gái thứ hai”, nụ cười cầu tài và ánh mắt thì xoáy vào má vào ngực con, nhồn nhột.

Con chợt nhớ ra tập album ảnh mà có lần cùng mẹ dọn nhà, con toan mở ra xem thì mẹ vội vàng giật lấy với lời thanh minh vô lý: “Ảnh ngày xưa của mẹ xấu lắm!”. Lúc ấy con chẳng dám hỏi thêm điều gì. Còn bây giờ, có một nỗi hoài nghi chợt cồn lên trong con. Con lục lọi mấy ngăn tủ mới tìm ra tập album ấy. Con lần giở từng trang, bần thần ngắm nhìn những tấm ảnh cưới mẹ cười rạng rỡ. Gần cuối tập ảnh có một bức chân dung, ánh mắt mẹ buồn thăm thẳm. Một dấu hiệu bất thường. Con run run lần tìm đằng sau tấm ảnh ấy. Đây rồi. Đôi kính trắng lấp loá. Mái tóc loăn xoăn bồng bềnh lãng tử. Thanh xuân của mẹ. Ngọn nguồn bi kịch của cuộc đời con. Là người đàn ông ấy. Ánh mắt ấy. Nụ cười ấy. Không thể lẫn vào đâu được.

Con từng nghe bà ngoại than thở về “phận má hồng” của mẹ. Nhưng ít ra mẹ còn được yêu, được tận hưởng niềm hạnh phúc hiến dâng, được mơ tưởng và khao khát. Còn con giờ đang đứng trước bờ vực thẳm của sự tan hoang vì cuộc thương lượng phũ phàng. Con muốn gào lên nhưng lại sợ tất cả sẽ bị xới tung, sợ mẹ đau lòng, sợ dượng sẽ sỗ sàng nói toạc ra sự đánh đổi với bản án mười năm của Quý. Mười năm hay một đêm cũng là cả thanh xuân. Con đâu có quyền so đo vì biết mình chỉ là một thân cỏ bợ dập dềnh giữa những chìm nổi trái ngang của cuộc đời.

Mẹ ơi! Giá như mẹ đừng dại khờ dâng hiến. Giá như con đừng cựa quậy đánh thức bản năng thiêng liêng nhất của mẹ vào đúng thời khắc bà bác sĩ già khó tính nheo mắt nhìn cái xilanh đầy thuốc gây mê và bên cạnh cô hộ lý loảng xoảng panh kéo. Giá như con cứ tan ra và trôi theo dòng lũ đỏ ối, để mẹ chỉ đau một lúc thôi rồi có thể rũ sạch mọi thù hận mà rảnh rang bước sang một trang đời mới sạch sẽ hơn. Tại sao con lại cố bám víu vào cõi sống làm gì để bây giờ trở thành quân cờ đắc ý trong tay dượng, như một hình nhân thế mạng trong tình cảnh éo le này?!

Con đóng chặt cửa phòng mình, ngồi như hoá đá, mắt trân trân nhìn vào cái ổ điện ngay đầu giường. Chỉ cần cắt một mẩu vỏ nhựa ở dây đèn học, cắm vào ổ điện, rồi đưa ngón tay trắng xanh chạm vào chỗ vừa cắt ấy. Chỉ một giây thôi, cả bầu trời pháo hoa sẽ loé sáng và con sẽ được bay lên. Nhẹ bẫng. Giải thoát. Nhưng pháo hoa chỉ dành cho những khoảnh khắc hân hoan rực rỡ, làm sao có thể dùng để kết thúc một nỗi đau?

Con lại run run mở ngăn kéo lấy ra hơn hai mươi viên thuốc ngủ bị cắt rời rạc. Số thuốc này con mua gom ở năm hiệu thuốc khác nhau, đến đâu con cũng phải nói dối rằng mua cho bà ngoại, cố giãn cơ mặt cười thật tươi: “Cô nhìn cháu phơi phới thế này cơ mà, làm gì có chuyện cháu nghĩ dại…”. Chỉ cần dốc nắm thuốc này vào miệng rồi uống một ngụm nước, tất cả sẽ trôi đi trong miên man. Bồng bềnh. Tan biến. Nhưng con không làm được. Cổ họng con nghẹn ứ lại. Thuốc an thần để đưa người ta vào trạng thái nghỉ ngơi và đến với những giấc mơ. Mà giấc mơ thì thường mang sắc màu mộng ảo đẹp đẽ chứ đâu đắng chát như thực tại mà con đang phải đối mặt.

Con mở cửa lang thang đi trong vô định. Dòng người xe hối hả ngược xuôi. Bao nhiêu gương mặt xa lạ mang những sắc thái hỉ nộ ái ố của dòng đời cuồng quay. Nhìn đâu con cũng thấy mái tóc loăn quăn lãng tử. Nhìn đâu cũng thấy cặp kính trắng lấp loá. Mắt con nhòa đi. Như trong cơn mộng du, con lật đật băng qua đường. Có tiếng phanh cày xé mặt đường. Có tiếng la hét. Tiếng chửi thề. Hỗn loạn…

*

- Nguyệt ơi! Con có đói không?

Tiếng bà ngoại gọi khe khẽ. Đầu óc con lơ mơ, chân tay nặng trịch như bị buộc chặt vào phiến đá tảng. Ánh trăng suông lấp lóa khung cửa sổ căn phòng hướng Đông quen thuộc. Chiếc nệm dưới lưng con mềm và ấm, tấm ga phủ giường màu hồng phấn dìu dịu chứ không phải là chiếc băng ca trắng toát lạnh lẽo. Tất cả như một cơn mơ. Bẽ bàng. Đắng đót.

- Nghe mẹ con điện, bà phải bay vào luôn. Con bị gãy đùi, mất máu nên choáng ngất đi thôi chứ mặt mũi không bị xước xát gì cả. Con gái giữ được gương mặt lành lặn xinh xắn là may mắn lắm rồi. Phẫu thuật xong mà con cứ lơ mơ suốt cả tuần khiến mọi người lo quá. Ở bệnh viện ngột ngạt, chiều nay thấy con tỉnh lại, dượng và mẹ đưa con về nhà tĩnh dưỡng, mỗi ngày bác sĩ sẽ ghé qua thăm khám một lần.

- Vâng, mọi người thấy con may mắn vì vẫn giữ được khuôn mặt nguyên vẹn. Còn trái tim non nớt của con bị trầy xước thì chỉ mình con biết đau. Con sẽ phải tập tễnh bước tới tương lai bằng đôi chân không lành lặn và niềm tin vụn vỡ. Con nhớ lại buổi tối định mệnh ấy và nhận ra rằng vị tiến sĩ kia là “người sang” mà dượng mới được quen qua một “cầu” khác, dượng không hề biết đó là người đàn ông đầu tiên của đời mẹ. Còn người đàn ông ấy liệu có linh cảm được con chính là một giọt máu rơi của ông ta không? Khi bước vào căn phòng sực mùi hoa oải hương ấy, ông ta đã ở trong trạng thái say mềm bất lực hay là ông ta còn một chút nhân tính nên đã để cho con đi? Bao nhiêu câu hỏi cứ ngằn ngặt xa xót quặn xoáy tâm trí con.

Dượng đi vào phòng, khẽ khàng đặt lên bàn hộp sữa, ân cần dặn mẹ và bà ngoại cách chăm sóc vết thương cho con. Con quay mặt vào trong tránh ánh nhìn của dượng. Dượng đi ra ban công nghe điện thoại, giọng hồ hởi “dạ vâng”, lát sau quay vào bảo mẹ: “Việc kia của em xong xuôi rồi đấy. Còn việc của thằng Quý chỉ có thể trông vào thái độ tích cực của nó…”. Dượng và mẹ thở phào vì qua được kiếp nạn. Một nước cờ cao tay của dượng mà mẹ không hề rõ ngọn ngành, chỉ biết hỉ hả xuýt xoa khen dượng khéo thu xếp. Con bần thần, cố thở ra nhè nhẹ. Dù sao mọi chuyện cũng đã qua…

Ngoài cửa sổ, trăng lấp loá qua tấm kính trong suốt. Bàn tay nhăn nheo của bà ngoại làm ấm dần những ngón tay xanh xao của con. Con khẽ thì thầm: “Ngoại ở đây đợi con thi xong rồi cho con ra Bắc cùng ngoại nhé!”.

Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải
.
.