Trăm năm một giọt huê tình
Tết năm nay, bà Cầm sẽ bước sang tuổi chín mươi. Tuổi ấy được tính bằng tuổi hạc. Những người cùng thời với bà đã lần lượt cưỡi hạc về trời. Mỗi buổi chiều quê khi hoàng hôn ngang qua cửa sổ, bà thường lẩm bẩm câu gì mà người khác không nghe thấy nhưng chính bà thì lại nghe rất rõ: "Sao chim hạc chưa đến đón tôi về, tôi muốn ngồi trên đám mây ngũ sắc, tôi muốn đi trên cầu vồng bảy màu, tôi sống đã lâu, sao tôi chưa chết, tôi còn khổ đến bao giờ?". "Khổ tận đến ngày cam lai".
Bỗng tiếng hạc kêu trong mây âm âm đáp lời. Mỗi tiếng kêu rơi xuống đọng lại thành một vũng nắng trên sân như huyết thổ. Bà Cầm dụi mắt trông ra chẳng thấy có bóng hạc nào, chỉ thấy một vùng mây trắng vân du. Mắt bà đã nhoèn có thể không trông thấy bóng hạc, nhưng tai bà chưa đến nỗi điếc để không nghe thấy tiếng hạc đập cánh ràn rạt như tiếng gió thổi từng hồi vào lũy tre đầu ngõ. Bà quên xỏ dép, chân đất lập cập chạy ra sân, sợ không kịp thì chim hạc bay mất.
Chim hạc bay mất từ bao giờ. Ở hướng chim bay đi, trên nền trời còn một vệt ráng vàng lấp lánh trang kim trải dài mãi tận cuối làng. Những đám mây trắng rủ nhau trôi đâu hết, chỉ còn một mình bà đứng chơ vơ giữa sân gạch, tóc trắng hơn mây. Gió đã bắt đầu thổi mạnh khiến những sợi tóc trong khăn vấn xổ ra và sương rơi nặng hạt làm cho vai áo bà Cầm ướt đẫm. Có tiếng chị Mơ léo nhéo từ trong bếp mù mịt khói rơm vọng ra: "Đứa nào không cài cửa, để bà ra ngoài sân đứng thế kia, ốm ra đấy thì chỉ khổ cái thân tao thôi, đã thế lại không trông để đàn gà vào phá nát vườn cải rồi. Thằng Khoai đâu, Khoai ơi". "Dạ". "Mày mang cái dạ về đây cho tao".
Thằng Khoai đang chơi ô ăn quan ở ngoài ngõ với mấy đứa hàng xóm hớt hải chạy về, nó huầy huầy mấy cái khiến đàn gà trong vườn chạy tán loạn, xong nó bước tới bên bà, nắm lấy bàn tay đồi mồi nhăn chỉ còn da bọc xương, làn da mỏng manh đến nỗi nhìn rõ từng đường gân xanh vất vả của bà khẽ nói: "Chim hạc bay qua thôi chứ chưa đến đón bà về đâu. Bà vào nhà đi không mẹ cháu lại mắng cháu. Bà ơi, bà kể cho cháu nghe chuyện về hoàng tử Đĩnh nhé". Bà Cầm vuốt mái tóc khét nắng vàng hoe thằng Khoai nở một nụ cười đen nhức rồi âu yếm gật đầu. Thằng Khoai nhìn vào đôi mắt bà nội, đã thấy trong mắt bà ngập đầy hoàng hôn.
Thằng Khoai đã dắt bà Cầm vào tựa trên thành chiếc giường dẻ quạt kê cạnh cửa sổ. Hoa cau theo gió thoảng vào khi mờ khi tỏ như bà Cầm tuổi hạc lúc nhớ, lúc quên, nhưng chuyện về hoàng tử Đĩnh thì bà vẫn nhớ. Thằng Khoai ngồi yên lặng, nhưng vẫn không giấu được vẻ mặt háo hức như mới nghe bà kể chuyện lần đầu. Chuyện kể rằng, đời nhà Trần, có hoàng tử Trần Quốc Đĩnh...
*
Năm Cầm lên sáu tuổi, một hôm Cầm theo mẹ đi chợ bán mấy nải chuối xanh, vài quả chanh đào để mua ít vàng mã, hương nến để cúng, chẳng là sắp đến ngày giỗ ông nội. Mẹ cất cái thúng trên đầu xuống nền đất, đặt cái mẹt rồi bày chuối và chanh lên. Mấy nải chuối xòe ra như ngón tay xanh biếc của Quan Âm Bồ Tát đỡ vài quả chanh như vài viên xá lợi vàng ửng. Người quen thấy mẹ bày bán liền đùa rằng người dịu dàng, nết na mà bán chuối chát, chanh chua. Mẹ cười má chợt ửng hồng trong nắng sớm.
Năm đó, mẹ chưa đến ba mươi mà đã có Cầm là con cả, và một em nữa đang nằm trong bụng mẹ, người ta vẫn bảo gái một con trông mòn con mắt, mẹ sắp hai con mà còn đẹp lắm, dáng còn thắt đáy lưng ong và tóc còn mượt óng. Mẹ cho Cầm mấy xu bạc lẻ để đi ăn bánh rán bà Nhự. Cầm nhảy chân sáo qua những lối đi chật hẹp giữa các lều quán cột tre liêu xiêu và mái rạ lè tè.
Cuối tháng ba, trong chùa, ngoài đình đã hết cả những hội hè đình đám. Rét nàng Bân theo gió từ cánh đồng thổi vào ngăn ngắt khắp lều chợ. Những người đàn bà thôn quê váy áo rách rưới vá chằng vá đụp, trùm khăn mỏ quạ kín mít, cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt vì đói ăn chỉ trông thấy to hó có hai con mắt và sương khói phả ra từ khuôn miệng có hàm răng va vào nhau lập cập khi họ cất lời mua bán. Mưa bụi bay phơi phới không làm ướt áo của những người đi chợ, nhưng mái rạ vẫn sũng nước và rỏ từng giọt long tong xuống lối đi đầy bùn lầy lẫn với vỏ bưởi, bã mía và lá đề.
Chào mào, sáo sậu, sáo đen từ bờ sông rủ nhau bay về đậu trên ngọn cây gạo cổ thụ đang thắp lửa giữa chợ. Cây gạo như một bó đuốc khổng lồ đang cháy rừng rực, từng đàn chào mào, sáo sậu, sáo đen cứ bay vào bay ra như những tàn lửa mù mịt. Tiếng hót thảng thốt của chúng làm cho cây gạo già giật mình thỉnh thoảng hoa rụng xuống từng loạt, đỏ cả một khoảng mái rạ và lối đi. Người quét chợ cần mẫn gom lại một đống nhưng không xuể, người đi chợ vẫn vô tình giẫm lên những xác hoa đỏ bầm như máu ứa. Gió rét vẫn thổi, đàn chim vẫn hót, mưa bụi vẫn rơi và hoa gạo vẫn nở.
Cầm đi về phía cây gạo. Dưới gốc gạo có một người đàn bà hát xẩm. Người đàn bà ăn mặc tiều tụy như bao nhiêu người đàn bà thôn quê khác, cũng áo sồi, yếm đũi, váy chúc bâu bạc sờn, cũ kĩ đến từng mảnh vá. Người đàn bà trông rất khó đoán tuổi, đã già hay chưa già mà cái sự nghèo khổ, lam lũ khiến bà ta chóng già đi hơn tuổi.
Người đàn bà đã ngồi đó, trong một cái lều quán bỏ không cả trăm hay nghìn năm, mặc kệ xung quanh là gió rét, chim hót, mưa bụi và hoa gạo bởi vì bà ta bị mù, đôi mắt trắng dã hấp háy qua cặp kính đen trễ mũi đeo hờ trên khuôn mặt nhàu nhĩ vết chân chim. Bàn tay gầy guộc, lấm tấm vệt đồi mồi chạm khẽ trên dọc nhị như mơ hồ, còn tay kia đang kéo đẩy cung vĩ mềm mại như múa như lượn, một bàn chân Giao Chỉ tõe ngón trên cái cẳng chân dựng đứng đặt lên hồ nhị để giữ, còn chân kia khoanh gối xếp tròn.
Từ đôi bàn tay và cây đàn nhị đó những tiếng tơ vang lên cùng lời xẩm. Những tiếng tơ cồn cào như gió rét cứa vào da thịt người ta một buổi sớm mai. Những lời xẩm ríu ran như chim hót, tan tác như hoa gạo thì đọng lại trong vũng nước, và rụng đỏ dưới nền đất. Cầm bỗng thấy những lời xẩm rụng đỏ dan dãi như hoa gạo, mỗi lời xẩm là một bông hoa gạo, bao nhiêu lời xẩm là bấy nhiêu bông hoa gạo, cả một vùng hoa gạo rụng xuống theo lời hát xung quanh người đàn bà đang thổ tận can tràng mà rút ruột nhả tơ, và phận đàn bà trong câu hát như hạt mưa bụi sa xuống, biết nơi nào vườn hoa đài các, biết nơi nào ruộng cày đồng xa.
Bên cạnh người đàn bà, một cậu bé đang gõ sênh theo từng nhịp hát, mặt mũi tuy nhếch nhác nhưng đôi mắt thì trong sáng lắm. Trước mặt cậu ta là cái nón mê rách tơi rách tả, bên trong đựng vài xu bạc lẻ có lẫn mùi hồ hôi, nước mắt, rau dưa, tôm cá mà những người nghe bỏ vào đấy. Những người đi chợ xếp thành một vòng xung quanh đứng nghe, mấy người bán hàng gần đấy cũng nghiêng tai nghe hát. Một người nghe đặt đồng xu vào cái nón giọng trở nên hồ hởi: "Hát xẩm huê tình đi cho đời nó vui, bà Nguyệt ơi".
Người đàn bà nghe hơi ngẩng đầu lên về phía có ai gọi tên mình, đoán chừng người đó hãy còn trẻ nên thủng thẳng đáp: "Đời thì có gì mà vui hả chú". Nhưng để chiều lòng người nghe, người đàn bà liền kéo những giai điệu vui tươi của xẩm huê tình, làn môi bà nhếch lên bằng một phần mấy nụ cười để cất giọng cong cớn ngay từ đầu câu hát, câu hát đậu trên làn môi người đàn bà rồi bay vào tai, chui vào miệng người nghe đang muốn nuốt lấy từng lời, những lời xẩm thơm như hoa nhài cuối hạ, ngọt như mật mía đầu thu "Dứa dại không gai/ Chúng anh nghĩ rằng cây thì dứa dại nó không gai/ Không ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông/ Em nói dối anh em chửa có chồng/ Nói dối anh em chửa có chồng/ Hỏi con đâu cô mình bế mình bồng trên tay/ Hỏi cái gì lù lù trước ngực cô nàng bay/ Oản tẻ hay cặp bánh dầy, vừa trắng vừa xinh/ Nhác thì quay qua anh nom thấy nó hữu tình/ Nhác thì quay qua anh nom thấy nó hữu tình/ Ướm hỏi các cô mình, của lạ hay là của quen?/ Em nhích vào đây cho anh bóp cái anh xem/ Anh cứ khuyên em chớ để nó mà làm gì/ Lỡ một mai xốc xa xốc xếch, xộc xà xộc xệch thì sẽ chả còn gì là cái thì xuân xanh/ Em cứ nghe anh chơi cho mát ruột nó lại lành/ Nam bức mành mành thoả lược cho các cô mình xem/ Anh cứ chơi cho gãy khoá long then/ Chơi cho oản tẻ đi tìm lấy cậu chuối xanh/ Cho nên tôi lại tung hoành".
Một ai đó hỏi "Bà Nguyệt ơi, thế oản tẻ và bánh dày cái nào ngon hơn hở bà?". Bà Nguyệt nguýt dài: "Oản tẻ thì trắng, mà bánh dày thì tròn, món nào cũng ngon cả, thế anh muốn xơi món nào", mọi người ồ lên. "Cháu muốn xơi cả hai bà ạ" - Anh ta lém lỉnh trong lúc mấy cô gái mặt đỏ bừng và tay che miệng cười. Một người khác lại hỏi: "Thế còn chuối xanh là cái gì đấy bà Nguyệt ơi". Bà Nguyệt càng nguýt dài hơn giọng sắc lẻm: "Biết rồi còn giả vờ hỏi vậy, là cái ấy chứ còn là cái gì nữa" khiến cả góc chợ được một phen cười hả hê.
Chờ cho tiếng cười lắng xuống, Cầm rẽ đám đông đi vào đặt tấm bánh rán nóng hổi gói lá chuối vừa mua xuống cái nón mê. Quả tim trong ngực Cầm đập thình thịch. Cậu bé ngừng gõ sênh, ngước đôi mắt trong sáng lên nhìn Cầm. Vài giây im lặng, người đàn bà hát xẩm mặt ngây ra không hiểu. Cầm bước đi, lòng nửa buồn nửa vui. Mưa phùn đậu trên tóc tơ và gió rét lùa trong áo mỏng. Một bông hoa gạo vừa rụng, đỏ đến nhói lòng, Cầm vội cúi xuống nhặt, sợ gót chân của những người đi chợ giẫm lên. Bông hoa gạo đỏ như lời hát xẩm của bà Nguyệt vẫn vang lên sau lưng Cầm.
*
Đêm dài như nỗi nhớ. Cầm vừa chợp mắt được một lúc đã nghe thấy tiếng gà gáy tàn canh ba từ thôn xa vọng lại xao xác. Cầm trở mình quay ra phía cửa sổ khép hờ. Giọt sương rơi trên tàu tiêu nghe rõ từng tiếng lộp bộp. Hương móng rồng theo gió lẻn qua khe cửa quyện với mùi nhang bài mẹ vừa mới thắp bay khắp ba gian nhà ngan ngát. Từ ngày thầy mất, mẹ ít ngủ và thường trở dậy nửa đêm thắp nhang bài. Cầm nghe rõ tiếng mẹ khấn lầm rầm trong đêm tĩnh mịch. Gió thổi làm rung rinh hai cánh màn nhiễu đỏ và lung lay ngọn đèn dầu hạt đỗ trên bàn thờ.
Bóng mẹ đổ dài kéo mãi ra thành những hình thù kì quái nhảy nhót trên bức tường vôi trắng. Cầm bỗng thấy lạnh và trong lòng hơi run sợ, vội kéo chăn chiên trùm kín đầu. Giấc mơ chập chờn gọi nhau về. Cầm mơ thấy hoàng tử Đĩnh dung mạo khôi ngô tuấn tú khác thường, đầu đội khăn vấn, thân khoác hoàng bào, chân xỏ hài thêu, vai khoác cây nhị đang nắm tay Cầm chạy trên đê sông Vân về phía mặt trời mọc. Cầm trông hoàng tử quen lắm mà chưa nhớ ra. Cầm bước theo sau thở muốn đứt hơi, quả tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, chân trần trắng nõn đang trôi trên cỏ ướt, gấu váy găm kín cỏ may và dính nhiều sương móc.
Rồi Cầm thấy không thở được nữa thì thân hình bỗng nhẹ bẫng như khói từ từ bay lên. Đê sông Vân ở dưới chân, cỏ ướt cũng ở dưới chân Cầm. "Chúng ta đang đi đâu, thưa hoàng tử Đĩnh" - Cầm lễ phép hỏi. "Chúng ta đang bay về phía mặt trời mọc, ở đó chỉ có hai người..." - Hoàng tử bỏ lửng câu trả lời rồi quay lại nhìn Cầm, đầy âu yếm và mến thương. Cầm chợt nhận ra hoàng tử Đĩnh mang khuôn mặt Dũng, người con trai dám cả gan chặn đường lúc Cầm đi chợ về để nói mấy lời gan ruột khiến Cầm ngượng chín mặt. Cầm nép sát vào Dũng - như khói tan vào nhau thành một đám mây ngũ sắc rồi bay về phía mặt trời sắp mọc lên trên đỉnh núi Dục Thúy.
*
Cầm bừng tỉnh mở mắt ra thì nhìn thấy những nuột lạt mái rạ. Cầm đang nằm trên cánh phản trong buồng uể oải trở mình. Cánh cửa sổ đã khép nhưng Cầm vẫn nghe rõ cơn gió già đang thổi những cái lá mít khô như từng mảnh nắng non trên sân gạch bay ào ạt trong tiết cuối xuân. Mẹ ngồi ở đầu phản, lấy vạt áo nâu tàng đưa lên khẽ chấm nước mắt rồi sụt sịt nói: "U van con. Con có thương u, thương thầy con ở nơi chín suối thì con gật đầu mà làm lẽ ông Nhang Kì cho đời u đỡ tủi nhục. Để có tiền làm đám cưới u, thầy con đã phải vay tiền nhà Nhang Kì, bao năm qua mà chưa trả được, lãi từ con nghé đã lớn thành con trâu. Thầy u nào muốn ép gả duyên con, u biết lòng con đau xót lắm, nhưng con ơi mỗi cây mỗi hoa, gia cảnh nhà ta nó khác. Hôm qua u cũng đã nhận sính lễ nhà người ta rồi. U có tội với con, con tha tội cho u con nhé".
Mẹ bỗng gào lên trong tức tưởi, nghẹn ngào. Cầm choàng dậy ôm lấy mẹ, nước mắt từ khóe mắt rỉ ra ướt đầm vai áo mẹ, nức nở thưa: "U ơi, u đừng khóc nữa. Con nhận lời. Phận làm con chưa báo đáp công ơn thầy u sinh thành, dưỡng dục. Thôi thì thầy u đặt đâu con xin ngồi đấy". Nói xong mấy câu ấy, Cầm rũ ra như tàu tiêu héo hơ lửa, quả tim trong lồng ngực như có ai cầm con dao nhọn chọc vào, nước mắt chảy tràn xuống gối thêu và mái tóc đổ ào xuống bóng tối căn buồng. Mái tóc và nước mắt có chảy cùng chiều với nỗi buồn. Nỗi buồn có theo nước mắt mà chảy ra không hay nỗi buồn còn ở lại trong lòng mà khóc nhiều vẫn còn buồn đến thế?
Sáng hôm qua, nhà ông Nhang Kì đã nhờ bà mối mát tay nhất bên thôn Trung đánh tiếng từ trước để chọn ngày lành tháng tốt đem sính lễ sang nhà Cầm. Đám dạm ngõ thuê ba chiếc đò ngang qua sông Vân. Mùa này sông Vân cả gió thổi bay phấp phới những mảnh lụa điều phủ trên mâm đồng. Những cái mâm đồng phủ điều chất cao như núi Thúy, nào là thủ lợn, trầu cau, chè thuốc đi trước rồi tới ngũ quả, lại có cả bánh phu thê, bánh cốm, và bánh gai buộc lạt nhuộm phẩm hồng đi sau được các cậu trai tơ bưng khệ nệ, cậu nào cậu nấy mặc áo lương trắng còn thơm mùi hồ, mặt búng ra sữa với vẻ phớn phở khác thường, tay ai cũng cầm một cái phong bao đỏ chót in chữ song hỉ vàng rực.
Trẻ con đứng trên đê Vân đếm cả thảy có bảy mâm tất cả. Chúng chạy trước giăng chỉ màu chặn đường đám rước miệng ê a đọc: "Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè đám cưới/ Cô dâu ngồi khóc/ Vì lấy chồng xa/ Chú rể thì già/ Mặt vui như tết/ Họ hàng về hết/ Đám cưới buồn thiu/ Buồn thiu ấy mà buồn thiu...". Ông Nhang Kì đầu đội khăn xếp, mặc áo chùng thâm giơ cái ba toong đầu rồng chỉ về phía bọn trẻ con chửi đổng: "Chỉ láo thây. Ông thì ông đốt cả nhà chúng mày".
Bà mối cầm quả thuốc sơn đen, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay còn lại quết mép một cái rồi thong thả nói: "Kìa cụ, cụ cứ để mặc tôi". Nói xong, bà ta lần cái ruột tượng thắt ngang cạp quần lụa bạch ra mấy đồng trinh chia cho mỗi đứa một đồng, rồi vuốt tóc và đẩy lưng một đứa khẽ bảo: "Lần sau đám cưới ông Nhang Kì thì đọc bài khác, nghe chửa. Thôi đi chơi". Bà mối quay lại nói với đám rước bằng giọng kẻ cả trên làn môi cắn chỉ mỏng dính: "Nào, ta tiếp tục lên đường".
Đám rước rẽ xuống vệ đê vào một con đường đất đỏ như son. Ven đường trồng những cây xoan đào thành hàng. Hoa xoan tim tím bay trong mưa bụi giăng giăng. Hoa xoan đã nát dưới gót giày. Bây giờ đang giữa tháng ba. Đường này rẽ vào thôn Thượng. Bên kia là thôn Chính. Ngoài hàng xoan là cánh đồng Diệc Mạ lúa thắt đáy lưng ong đang thì con gái.
Qua cánh đồng Diệc Mạ là đến cầu ông Cai Long, có một cái miếu rêu phong dưới gốc bàng cổ thụ, ngày rằm, mùng một hương bài khi mờ khi tỏ. Gần cầu ông Cai Long là vườn mùi nhà bà Hào Khiết, tháng chạp nở mây trắng xóa. Đi một đoạn là vườn thị nhà bà Phó Lý, mùa thu quả chín trăng rằm, hồi bé trẻ con nghe bà kể mùa thị chín có ma về hái ăn, hạt và vỏ vứt đầy dưới gốc.
Qua vườn thị nhà bà Phó Lý là đến nhà Cầm, đằng sau nhà Cầm trồng chuối tiêu, người làng vẫn hay đến xin về gói bánh trùng, bánh rợm, đằng trước trồng hàng cau liên phòng đón ngọn đông phong, dưới có vại sành Hương Canh bắc máng hứng nước mưa, xung quanh là vườn trồng kín mấy luống rau đay trắng, rau dền đỏ và giàn mồng tơi tía. Cầm vẫn gánh rau đi bán chợ làng. Trông ra xa kia là ao bèo, ngõ tối, đêm sâu lập lòe đom đóm.
Dũng đang ngồi tựa lưng dưới một gốc thị trong vườn thị nhà bà Phó Lý nhưng hồn thì đã đi theo đám rước sắp chạm ngõ nhà Cầm. Người hâm hấp sốt, đầu gục xuống gối, Dũng khép mắt lả đi. Dũng không biết đã ngồi trong vườn thị bao lâu. Khi Dũng sực tỉnh, mồ hôi trên trán đã khô từ bao giờ, gió thổi mát rượi. Dũng nuốt nước bọt, cậu thấy cổ họng nghẹn đắng. Tiếng cười nói từ trong nhà Cầm vọng ra đã bớt huyên náo nhưng vẫn còn nghe rõ lắm.
Bây giờ chắc đã qua giờ Ngọ. Người ta ăn uống xong đang lục tục kéo nhau về. Mấy người đàn bà răng đen hạt na, quết trầu nhểu ra khóe mép, tay cầm gói lá chuối buộc rơm lấy phần vừa đi vừa khen cỗ to quá các bà ạ. Những người đàn ông mặt đỏ hơi men chân nam đá chân chiêu liêu xiêu tản về các ngõ, có ông vén ống quần đái một bãi ngay cạnh bụi tre gai mặc kệ chó nhà ai thò mõm ra sủa ăng ẳng. Tiếng dọn dẹp bát đĩa, nồi niêu va vào nhau loảng xoảng.
Một chị vận áo cánh gụ đang quét ngõ, tiếng chổi rễ trên nền gạch lát nghiêng lạo xạo. Dũng cảm thấy cái chổi rễ trên tay chị kia đang quét trong gan, trong ruột mình, đau đớn và nhức nhối. Sáng mai thôi, nhà trai sẽ đến rước dâu. Cầm sẽ soi gương, chải lược ngà vấn trần mái tóc, tai xâu ngọc trai, cổ đeo kiềng bạc, vận áo đồng lầm, mặc quần lĩnh tía, chân xỏ hài nhung bước xuống đò sông Vân về bên kia thôn Chính theo chồng. Còn Dũng vẫn đang nằm đây, chết nửa con người.
Hôm kia thôi, Dũng còn dắt tay đưa Cầm chạy trốn về phía mặt trời mọc, ở đó chỉ có hai người. Chạy hết con đê sông Vân, thì Cầm dừng lại, ngã vật ra cỏ, nước mắt giàn giụa. Cầm bảo: "Em làm sao mà bỏ u ở lại một mình. Em không thể mang tội bất hiếu với thầy u. Em nỡ lòng nào hưởng hạnh phúc mà để cho u khổ cực hở anh". Dũng còn biết phải nói gì với Cầm bây giờ. Sông Vân chảy hay nước mắt của Cầm đang chảy. Cầm không bao giờ nín được nữa rồi. Dũng im lặng như hóa đá. Cầm bên cạnh mà Dũng thấy xa cách quá chừng. Hồn Dũng bay như mây trên dòng nước mắt sông Vân.
*
Nhà ông Nhang Kì có ba cậu con trai. Người ta vẫn bảo tam nam bất phú, đấy là đối với nhà nào chứ nhà ông thì chẳng phải, vẫn giàu nứt đố đổ vách đấy thôi. Nhà ngói dưới bóng cây mít, tường hoa bao quanh sân gạch, ngõ lát đá xanh gót chân đi không dính đất, có cái giếng đá ong to như giếng đình, trong nhà nuôi cả chó béc giê lẫn con sen và thằng ở. Cậu cả đã thành gia thất, ra ở riêng ngay đầu làng. Cậu hai học Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương tận trên Hà Nội. Cậu ba đúng bằng tuổi Cầm, ở nhà chơi bời lêu lổng, cậu có sở thích đánh tổ tôm và chơi gái. Nghe nói cậu còn hút thuốc phiện trong nhà cô đầu Đốc Sang ngoài phố huyện kia. Hôm rước dâu về, Cầm nhác trông thấy cậu ba bỗng giật mình, quen lắm, đã gặp ở đâu đó rồi, nhất là cặp mắt một mí ti hí mắt lươn đưa đi đưa lại rất nhanh trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt.
Một buổi chiều đông. Trời nặng như chì sà thấp xuống mặt sông Vân. Gió thổi như hàng nghìn mũi dao ai phóng quá giang chỉ chực găm vào da thịt. Con đò gối bãi dưới lũy tre trễ nải sang ngang theo tiếng gọi đò của Cầm. Con đò của ông lão râu tóc bạc phơ đang khua nhẹ mái chèo chở gió bấc hiu hắt và nỗi buồn nặng trĩu trong lòng Cầm.
Cầm đi đám ma bà Nguyệt - người đàn bà ở chợ phiên năm nào đã dạy Cầm hát những câu xẩm và kéo những tiếng nhị đầu tiên. Để rồi Cầm nối nghiệp tổ đi hát khắp chợ cùng quê, lấy lời ca, tiếng đàn làm kế sinh nhai. Miếng cơm chan giọt xẩm xoan, manh áo vá sợi nhị hồ. Bà Nguyệt cả đời thương vay khóc mướn cho thiên hạ, nhưng đám ma bà thì người thương, kẻ khóc thử hỏi có mấy ai. Ông lão rút sào chống con đò quay mũi. Gió nổi lên như bão.
Cầm lê từng bước khó nhọc lên dốc đê, bỗng có bóng người nhảy vụt ra khỏi lũy tre tiến về phía Cầm rất nhanh. Cầm hét lên một tiếng thất thanh rồi bị bóng đen đè ra khiến cô trượt chân ngã ngửa trên vạt cải. Cầm bị bàn tay bịt miệng, ú ớ giơ tay về phía con đò vừa rời bến, nhưng con đò đã ra giữa sông. Cầm ngất đi, lúc tỉnh dậy trời tối đen như mực, không gian tỏa mùi cay xè, mùi của vạt cải vừa bị giày xéo đến bầm dập. Cầm thấy lòng nứt toác như một con đò bị thủng. Lá tre rụng phủ lên tấm thân trần của cô thành một tấm chăn. Cầm muốn quên buổi chiều đông năm ấy, nhưng càng quên thì lòng lại càng nhớ, nhất là cặp mắt một mí ti hí mắt lươn đưa đi đưa lại rất nhanh trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt.
Cầm đang mải suy nghĩ thì ông Nhang Kì vừa đẩy cửa buồng vào thẽ thọt: "Khuya rồi, ta cởi áo đi nằm thôi mợ" rồi thổi tắt phụt ngọn đèn dầu đặt trên cái bàn con kê ở đầu giường. Trong lúc yếm váy bị tốc lên, Cầm vẫn thấy mùi vạt cải bị giày xéo cay xè tỏa ra sực nức và cặp mắt ti hí mắt lươn đưa đi đưa lại rất nhanh hiện ra chập chờn trong đêm tối.
Tuổi xuân của Cầm được tính bằng những đêm ông Nhang Kì trườn bò lên bụng. Cầm đã đi hết tuổi xuân của mình trong tiếng hắng giọng e hèm và tiếng trở mình cót két của bà cả ở gian ngoài. Nào ai người đắp chăn bông? Nào ai kẻ thức lạnh lùng?. Trong cái ấm lạnh chồng chung vợ chạ ấy, một đứa con gái được sinh ra từ trong giấc mơ. Bà đặt tên cho nó là Mơ. Mơ bao giờ chẳng hơn là thật. Mơ đi con, dù cõi người còn nhiều khổ đau và cay đắng. Hoa gạo tháng ba đã rụng xuống để cho câu xẩm chợ phiên bay lên. Đời người đàn bà hát xẩm có đếm được có bao nhiêu mùa hoa, bao nhiêu câu hát mà chớp mắt thôi đã thành một bà già ngồi bên cửa sổ đợi hoàng hôn ngang qua một buổi chiều quê xa vắng như chiều này.
*
Chị Mơ bảo giá ngày ấy mẹ không giả vờ bán con cho nhà bà Chánh Đạo hàng xáo thì cũng chẳng sống nổi với bà cả mẹ nhỉ. Bà cả ác lắm, lúc mẹ đi hát, bà ta vơ lấy đũa cả gõ vào đầu con túi bụi, rồi dẩu môi đay nghiến mày là con vợ lẽ thì cơm thừa, canh cặn cũng chẳng có phần đâu. Nói rồi bà ấy cạo cháy nồi gang roàn roạt, đổ cả bát canh cần còn dở cho chó mẹ ăn lấy sữa. Con vừa và cơm vừa khóc, bà ấy lại trợn mắt bảo mày có ăn mau đi không, hay để tao đổ nốt cho chó nó xơi. Mắt bà ấy toàn lòng trắng thôi, con sợ lắm. Con không làm sao mà nuốt trôi hết bát cơm mẹ ạ. Bát cơm ấy mặn lắm, vì chan cùng nước mắt của con.
Bà Chánh Đạo tốt thật, ở bên ấy con được ăn no, được học sàng sảy, nhưng con đâu biết rằng đó là cơm gạo mẹ gửi sang nuôi con. Nửa đời người rồi, con mới nhận ra trong cuộc đời này chẳng có ai tốt bằng mẹ hết. Bà Cầm nghe chừng cũng hiểu, khẽ gật đầu, từ trong kẽ mắt kèm nhèm bỗng rỉ ra mấy giọt nước mắt mờ đục. Ngoài kia tiếng hạc vẫn kêu thảng thốt trong sương chiều...