Trả lại cho đời

Thứ Ba, 05/09/2023, 15:17

Sau lần đó, ông Mậu gần như phát điên. Người ta đồn do linh hồn những người ổng đưa đi vượt biên chết bất đắc kì tử ám nên kéo theo vợ con ông. Vợ con chết, vàng bạc tích cóp cũng không còn, chỉ còn lại khu đất. Ông Mậu cứ chèo ghe ra ngoài sông tìm kiếm xác chết bị vùi lấp đem về đây. Lúc đầu chỉ là những người vượt biên hay không người thân thích. Dần dà người dân ở gần cũng đem ra. Vậy là nơi này biến thành nghĩa trang.

Chợ nằm cạnh nghĩa trang hay nghĩa trang nằm cạnh chợ? Trầm tự hỏi khi ngồi trong quán nước nhìn sang. Ngớ ngẩn! Cô bật cười với suy nghĩ đó của mình. Có lẽ không ai đặt câu hỏi giống như Trầm. Nhưng không hiểu sao người ta lại họp chợ ở một nơi như thế này, dù đó chỉ là một khu chợ tạm đi chăng nữa? Nó làm Trầm nhớ câu chuyện ngày mình còn bé nghe bà kể về những người đi chợ lúc tờ mờ sáng vẫn thường gặp ma mua hàng và khi mặt trời lên thì tiền biến thành lá mít, vỏ sò,… Ở đây có ai từng gặp ma chưa nhỉ? Mà thời buổi nào rồi còn tin mấy chuyện ma cỏ.

Một người đàn ông bước vào quán cất giọng oang oang. Trầm hơi khó chịu trước cách nói chuyện của người đàn ông, làm như cái quán này chỉ có một mình ông không bằng. Cô đưa mắt nhìn. Dáng người thấp đậm, khuôn mặt có vài vết sẹo chạy ngang. Không một chút cảm tình.

Bà chủ quán không ngẩng đầu lên, vẫn chăm chú cho nước sôi vào mấy ly cà phê xếp thành hàng dài đặt trên khung sắt. Cà phê ở đây được pha sẵn như một cách tiết kiệm thời gian cho những vị khách không muốn đợi lâu. Gần chợ nên cái cách người ta thưởng thức cà phê cũng vội vàng gấp gáp, không ai ngồi lại quá lâu giống như Trầm.

31dd1ef3c65d14034d4c3.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Người đàn ông tiến lại quầy nói chuyện với bà chủ quán đâu chừng hai phút rồi đi ra. Trong câu chuyện của họ, Trầm lại nghe nhắc đến người tên "Mậu". Nãy giờ cô ngồi ở đây, ít nhất ba lần nghe nhắc tới. Ông Mậu là ai? Liên quan gì đến nơi này mà người ta hay nhắc? Trầm có chút tò mò.

Trời bắt đầu trưa, khách cũng vãn. Bà chủ quán bước ra ngồi trên chiếc ghế tựa gần chỗ Trầm, quay sang hỏi: "Con đang đợi ai à?"

"Không. Con chỉ tình cờ đi ngang qua đây và… ngồi lại". Trầm không muốn nhắc với bà chủ quán cái dự án có vẻ điên khùng của mình trước khi đặt chân đến đây nữa. Trồng rừng trong đô thị. Trầm tin rằng đô thị và các hệ sinh thái tự nhiên có thể tồn tại song song khi lá cây giúp lọc không khí, rễ cây hút nước thải và tán cây che bóng mát bằng việc tạo ra các khu rừng mini với các loài cây phát triển nhanh. Nhiệm vụ của Trầm và các thành viên trong nhóm là thăm dò chất đất, các loài cây bản địa thích hợp và sau đó dùng máy tính để tính toán mật độ cây phù hợp. Sau hai năm, nhóm của Trầm sẽ chuyển giao lại cho cộng đồng chăm sóc.

Nhưng có lẽ Trầm phải đến một nơi khác. Ở đây giá đất đang sốt lên từng ngày và không ai muốn bỏ ra cả trăm mét vuông để nhóm của Trầm thử nghiệm dự án, trước khi nó thành công có thể phổ biến rộng ra cộng đồng hay được chính quyền đồng ý.

Dù ai cũng biết lợi ích của rừng và mỗi ngày một diện tích rừng bằng 36 sân bóng đá trên trái đất lại bị biến mất đi chăng nữa.

Trầm thở dài, nghĩ lại chuyện đã qua…

*

Trước khi đến với dự án này, Trầm đã có vài năm làm việc cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc trong dự án tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi. Đó là quãng thời gian mà Trầm đã in dấu chân mình lên khắp các cánh rừng nơi miền tây xứ Nghệ; từ Con Cuông, Kỳ Sơn cho đến Hưng Nguyên, Quế Phong, Quỳ Hợp,... Thủy, đứa bạn thân nhất của Trầm luôn miệng nói, không ai dại như mày. Ở Sài Gòn không muốn lại muốn chui rúc lên rừng lên núi làm bạn với muỗi. Trầm chỉ cười. Thủy đâu có biết ngoài tình yêu với rừng còn có một tình yêu khác nảy nở trong cô. Là Phong, anh lính biên phòng mang nước da bánh mật có nụ cười tỏa nắng.

Lần đầu tiên Trầm gặp Phong là trong một buổi chiều mưa lớn. Con đường dẫn vào xã biên giới Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn ngập ngụa trong bùn đất. Trầm loay hoay không biết làm sao để đưa chiếc xe máy của mình vượt qua "đoạn đường đau khổ" này thì Phong xuất hiện như một vị cứu tinh. Anh giúp cô dắt xe, rồi đề nghị đưa cô về đồn biên phòng trú tạm.

Đêm hôm đó, Trầm không tài nào ngủ được. Mưa, nhiệt độ trong rừng xuống thấp làm chiếc chăn mà Phong đưa cho cô đắp không thấm tháp vào đâu, cộng với tiếng gió hú giữa rừng khiến Trầm thấy gai lạnh sống lưng. Cô nằm, chỉ mong cho trời mau sáng.

- Tối qua chắc cô không ngủ được? - Trầm hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của Phong.

- Thì có gì đâu lạ. Trước kia khi mới về đồn biên phòng này, tôi cũng như vậy mà. Nhưng thường ở rừng mưa vài ngày mới tạnh nên cô chịu khó ở đây ít hôm - Phong nói tiếp, không quên nhìn Trầm nở nụ cười khoe hàm răng trắng sáng. Trầm nhìn ra bên ngoài. Có lẽ Phong nói đúng. Trời như thế này thì còn lâu mới tạnh.

Mưa liên tục suốt năm ngày, cũng là năm ngày Trầm cùng ăn cùng ở với chiến sĩ biên phòng, hiểu rõ hơn về công việc họ đang làm. Một ngày mới ở đồn biên phòng bắt đầu bằng hiệu lệnh còi lúc 5 giờ sáng. Sau khi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, các chiến sĩ sẽ theo phân công mà tiến hành làm việc. Tốp đi tuần tra, tốp vào bản giúp bà con, tốp còn lại thì tăng gia sản xuất,... bất kể bên ngoài trời đang mưa gió. Phong bảo, bình thường rất ít khi quân số trong đồn đông đủ vì anh em phải thay phiên nhau đi tuần dọc theo địa bàn quản lý. Một chuyến đi có khi kéo dài cả tuần lễ. Mấy hôm nay có Trầm ở đây nên Phong được đặc cách ở lại đồn tham gia đội anh nuôi. Trầm bật cười khi nghe Phong nhấn mạnh hai tiếng "anh nuôi".

Ngày thứ sáu mưa tạnh. Trời mới bắt đầu hửng nắng. Trầm chào các anh em ở đồn biên phòng trước khi rời khỏi. Phong tiễn Trầm qua khỏi "đoạn đường đau khổ" mới quay lại đồn. Phong đi rồi, Trầm vẫn đứng tần ngần nhìn theo bóng lưng anh. Chỉ có mấy ngày ít ỏi mà dường như trong cô đã nhen nhóm một thứ tình cảm đặc biệt dành cho chàng Thượng úy biên phòng này.

Tình yêu dành cho rừng đã khiến hai trái tim trở nên đồng điệu và không mất nhiều thời gian để Trầm và Phong trở thành một cặp. Công việc khá bận, thỉnh thoảng Trầm và Phong mới gặp nhau còn chủ yếu trò chuyện qua điện thoại nhưng chừng đó cũng đủ để Trầm nghĩ đến việc an cư cùng Phong nơi miền biên viễn. Trầm sẽ cùng Phong hướng dẫn người dân trồng, bảo vệ rừng và thu lợi từ rừng một cách bền vững bằng cách kết hợp của việc trồng những cây dược liệu dưới tán rừng già. Chỉ khi có một nguồn thu ổn định thì người dân mới có động lực trong việc tái sinh rừng.

Nhưng ý định của Trầm còn chưa kịp thực hiện thì Phong lại ra đi, không kịp nói với Trầm một lời nào cả.

Trầm nhớ rõ. Hôm đó đang trong giờ làm việc thì Trầm nhận được điện thoại từ đồng đội Phong gọi tới báo tin anh mất tích. Phong bị lũ quét cuốn trôi khi cố gắng giúp đỡ người dân sơ tán. Chiếc điện thoại tuột khỏi tay cô rơi xuống đất. Trầm ngất lịm.

Tỉnh lại, Trầm đến ngay hiện trường trận lũ quét. Một khung cảnh tan hoang, xơ xác. Cả một vùng rộng lớn ngập ngụa trong bùn đất, rễ cây. Nhà sập. Heo gà bị vùi lấp. Trầm đứng trong lều cứu hộ dõi theo, nghe tim mình quặn lên sau mỗi lần rồ ga của chiếc máy múc. Tới chiều muộn, Phong được tìm thấy nhưng chỉ là thi thể. Trầm lại ngất đi.

Phong mất. Trầm nghỉ việc trở về thành phố. Cú sốc quá lớn khiến cô không thể chịu đựng thêm được nữa. Trầm chỉ còn cách rời xa rừng, rời xa những con đường ngoằn ngoèo nơi miền tây xứ Nghệ để nguôi ngoai. Nhưng rồi đêm đến, khi Trầm nhắm mắt lại, hiện trường của trận lũ quét kinh hoàng hiện ra và giọng nói lại văng vẳng bên tai: "Em không thể để cái chết của anh trở thành vô nghĩa. Em phải tiếp tục với sứ mệnh tái sinh rừng". Trầm giật mình tỉnh dậy. Phong phải không? Anh đang nhắc nhở em? Cô nhìn lên bàn làm việc, nơi đặt tấm ảnh chụp chung của hai người, thấy Phong cũng nhìn mình. Trầm bật khóc.

Phải mất gần một năm Trầm mới có thể xốc lại tinh thần để lại bắt đầu một hành trình mới, nhưng lần này là dự án "rừng trong đô thị". Trầm nghĩ, việc tái sinh rừng không chỉ ở miền núi mà cả trong đô thị. Ô nhiễm không khí, mật độ dân cư đông đúc nhưng chỉ với những mảng xanh hiếm hoi thì sự trả giá càng lớn, trong khi lại khó nhận ra. "Rừng trong đô thị" sẽ giúp mọi người ý thức bảo vệ và hạn chế sử dụng đồ gỗ có nguồn gốc tự nhiên khi tự tay mình chăm sóc. Khi đó rừng đầu nguồn ít bị tàn phá đi và sẽ không có trường hợp bị lũ quét giống như Phong.

*

- Con có cần thêm nước không? Dì châm… - Câu nói của bà chủ quán kéo Trầm trở về với thực tại. Cô ngước nhìn bà chủ quán trả lời:

- Con cảm ơn dì. Mà sáng giờ con nghe mấy người nhắc đến ông Mậu. Ông ta là ai vậy dì? - Hỏi xong, Trầm thấy mình hơi nhiều chuyện nên quay mặt lại nhìn sang hướng khác như sợ cái nhìn khó chịu từ bà chủ quán.

- À… Con thấy cái nghĩa trang và cái chợ bên kia đường không? Của ổng đó. Cả khu đất này nữa.

- Vậy ông ta chắc chắn là một đại gia rồi. Đất ở phố Sập này đang sốt xình xịch.

Bà chủ quán cười lớn, trả lời Trầm:

- Không. Ổng không giàu nếu không muốn nói là nghèo.

- Vậy… tại sao...? - Trầm đưa mắt nhìn bà chủ quán với vẻ khó hiểu hiện ngay trên khuôn mặt. Không có ai nghèo mà để cả khu đất rộng mênh mông như thế này cho người ta làm nghĩa trang, chợ và dãy hàng quán như thế này. Lạ thật!

- Chuyện là như thế này…- Bà chủ quán bắt đầu kể. Trời trưa. Người vắng. Cây bồ đề trồng trước cổng nghĩa trang theo gió khẽ đung đưa.

…Phố Sập trước kia vốn là vùng đất hoang với vài mươi gia đình sinh sống. Ông Mậu là một trong những người đầu tiên ở đây. Thế rồi những năm 80, dòng người lũ lượt kéo về. Họ không mặn mà gì với mấy đám ruộng nhiễm phèn, năm được năm mất mà chủ yếu là chờ cơ hội vượt biên sang nước khác. Bởi ngoài kia là sông, là đước, là bần chằng chịt kéo dài ra tận cửa biển nên dù bộ đội tổ chức cắm chốt dọc theo con sông cũng không làm sao ngăn được hết dòng người đang muốn rời đi.

Nắm thời thế, ông Mậu đóng ghe tổ chức cho người vượt biên. Cứ gom đủ mười lăm, hai chục người thì ông lại làm một chuyến "ra khơi", cho họ đi tìm vùng đất mới. Ông Mậu đưa người ra tới cửa sông thì có ghe lớn đón đi. Ông lại quay về chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp. Không biết những người lên ghe của ông Mậu, có bao nhiêu người vượt biển thành công sang trại tị nạn chờ cơ hội sang nước thứ ba, bao nhiêu người nằm lại dưới đáy sông đáy biển. Hồi đó, không cần ra tới cửa biển mà ở trong nhánh của con sông này, mấy người giăng câu vẫn thường thấy xác. Những trường hợp bị cướp giết hay chết bất đắc kì tử bị vùi đại dưới lớp bùn non trong rừng đước, sóng đánh lộ ra.

Người ta đi sao mặc kệ, chỉ biết ông Mậu thu được rất nhiều tiền. À không, là vàng mới đúng. Thời điểm đó mỗi người muốn vượt biên đều phải đóng cho ông Mậu cả mấy cây vàng. Vậy là chẳng mấy chốc ông giàu, rất giàu.

Khi người ta kiếm tiền dễ dàng thì cũng không nghĩ đến sinh mạng của hàng trăm con người mình đưa đi sẽ như thế nào? Việc ông, ông cứ làm. Mỗi ngày, ông Mậu vẫn miệt mài vớiviệc đóng ghe, tìm người, ngã giá, đưa đi. Nhưng rồi… Không biết trời xui đất khiến thế nào mà đang sống cảnh sung túc thì vợ con ông Mậu lại nằng nặc đòi đi. Ông cấm, ông cản nhưng cũng đành bất lực. Con người ta chỉ có thể giữ người ở lại chứ ai có thể giữ được tâm trí họ hướng về vùng đất khác. Bà Mậu cùng mấy đứa con gom số vàng tích trữ bao lâu nay của gia đình rồi lẳng lặng lên đường vượt biên. Cả nhà ra chưa tới cửa biển thì gặp cướp.

Ông Mậu chèo ghe đi tìm vợ con khi hay tin dữ. Mấy ngày mới tìm thấy xác bà Mậu và hai đứa con nằm trong rừng đước. Còn đứa út vẫn biệt vô âm tín. Ông Mậu đưa về chôn cất trên khu đất của nhà mình.

Sau lần đó, ông Mậu gần như phát điên. Người ta đồn do linh hồn những người ổng đưa đi vượt biên chết bất đắc kì tử ám nên kéo theo vợ con ông. Vợ con chết, vàng bạc tích cóp cũng không còn, chỉ còn lại khu đất. Ông Mậu cứ chèo ghe ra ngoài sông tìm kiếm xác chết bị vùi lấp đem về đây. Lúc đầu chỉ là những người vượt biên hay không người thân thích. Dần dà người dân ở gần cũng đem ra. Vậy là nơi này biến thành nghĩa trang.

Trầm nhìn sang những ngôi mộ xếp thành hàng kéo dài vài chục mét dọc theo con đường. Không đếm nhưng Trầm cũng đoán được tới vài trăm ngôi mộ. Trong này có bao nhiêu người đã mất vì hai chữ "vượt biên"? Tại sao người ta lại phải ra đi? Những câu hỏi không có lời giải, nhất là với những người sinh sau đẻ muộn giống như Trầm.

*

Trời càng lúc càng trưa. Trầm định đứng lên tính tiền chào tạm biệt bà chủ quán, hẹn một ngày nào đó có dịp sẽ ghé lại nơi đây, nhưng cô chưa kịp mở lời thì một người khách bước vào. Một ông già dáng dong dỏng cao, đôi mắt sâu hoắm. Nhất là những nét khắc khổ in hằn lên khuôn mặt. Rồi như có gì đó níu kéo khiến Trầm không thể nhấc chân lên, cô quyết định ngồi nán lại thêm ít phút.

Ông già ngồi xuống chiếc ghế phía bên tay phải Trầm, nhìn chằm chằm về phía nghĩa trang. Trong một khoảng thời gian nhất định, ông già gần như bất động, chỉ lâu lâu cơ mặt giật lên vài cái.

Bà chủ quán bưng cà phê ra đặt xuống bàn cho ông già. Ông ngước nhìn bà chủ quán lên tiếng:

- Hôm qua tôi lại ra sông...

Bà chủ quán thở dài:

- Lẽ nào ông lại không yên giấc?

- Ừ, Tôi lại mơ thấy thằng út về khóc lóc, than lạnh với tôi.

- Nhưng bây giờ ngoài đó đâu còn giống ngày xưa...

Ngày xưa tức là mấy mươi năm về trước khi những con lạch vẫn chưa bị bồi lấp, len lỏi qua cánh rừng rồi nhập lại với sông, xong đổ về biển cả. Ngày xưa tức là lúc những chiếc ghe nhỏ chở đầy người trong đêm tối ra sông, đánh cược phận mình với mong muốn đổi thay. Ngày xưa là lúc đứa con trai của ông già mất tích, giờ đang nằm đâu đó ngoài kia. Trầm hình dung ra câu chuyện, có chút đồng cảm, xót thương. Ông già bên cạnh Trầm là ông Mậu. Cả ông và cô đều mất đi người thân yêu nhất. Nhưng ít ra cô còn biết Phong nằm ở nơi đâu chứ không như ông. Có lẽ hành trình đi tìm kiếm đứa con út mất tích của ông đã kết thúc trong vô vọng.

Bà chủ quán bước lại ngồi cạnh ông Mậu chầm chậm nói tiếp:

- Bây giờ không ai nhận ra vùng này ngày xưa nữa. Mới hơn chục năm mà thay đổi hẳn. Đâu đâu cũng là nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng… Khu đất sát bên nghĩa trang, tôi nghe nói họ cũng sắp xây dựng cái gì đó. Cả cái nghĩa trang hình như cũng sắp di dời?

- Ừ. Họ cũng hỏi mua luôn khu đất của tui.

- Ông bán không? Chắc cả mấy mươi tỷ?

- Bán...? Bán để làm gì? Tôi già rồi. Không con không cái. Sống nay chết mai. Mấy mươi tỷ cũng không mang theo được. Tôi tính hiến cho Nhà nước phần đất bên này để làm trường học cho trẻ. Còn chỗ cái chợ bên kia tôi tính trồng rừng. Mấy mẹ con bả sinh ra từ rừng, chết đi giữa rừng, thì bây giờ nếu hương hồn còn lại ở đây cũng có rừng che mát. Cũng là cách để tôi trả lại cho đời.

- Trả lại cho đời - Trầm lẩm nhẩm câu ông Mậu vừa nói bất giác mỉm cười. Cái dự án tưởng chừng đi vào ngõ cụt của cô bỗng nhiên lóe lên hy vọng từ ông già Mậu. Cô sẽ gặp riêng ông trình bày dự án của mình. Nếu dự án này được thử nghiệm thành công sẽ mở ra cơ hội cho nhóm của Trầm triển khai thêm nhiều dự án “rừng trong đô thị” ở những nơi khác.

- Thôi tôi đi sang thăm mấy mẹ con bả kẻo vài hôm nữa không còn... - Tiếng ông Mậu lại vang lên. Trầm nhìn theo dáng liêu xiêu của ông già bước sang nghĩa trang bên kia đường. Trong đầu cô, một cánh rừng xanh tươi rậm rạp thấp thoáng hiện ra... 

Truyện ngắn của Quốc Việt
.
.