Viết tặng cho nỗi buồn đẹp hơn nước mắt

Thiên điểu về trời

Thứ Hai, 23/09/2024, 16:47

Quân đón Nguyên sang thăm nhà. Sao đêm ấy, vườn nhiều trăng thế. Từng luồng sáng lấp lánh chảy tràn trên lối đi, rắc hào phóng ánh vàng trên những tàu cau đẫm sương đêm, những cánh thiên điểu chơi vơi trong trăng khuya, trên cao gió hát. Quân mang đèn pin ra soi, cẩn thận chọn lấy 5 cành thiên điểu đẹp nhất, thêm 4 cành chuối Nhật, bó thành một ôm hoa tặng Nguyên.

Quân ra hất nốt xẻng đất cuối cùng ấp vào gốc chuối góc vườn, trăng đêm rót vào những tàu chuối như thếp vàng. Mảnh vườn rộng, gió chạy bốn phía reo vui với thành quả của ông chủ. Vậy mà đã 8 năm, anh chuộc lại chính mảnh đất tổ tiên mình từ tay gã Chủ tịch xã, sau những làm ăn thất bại. Gã hét món tiền lớn gấp mấy lần giá trị thực của mảnh đất, khi vô tình chạm ánh mắt Quân, đứng ngó nghiêng từ bờ tre rào sơ sài vào mỗi buổi chiều cuối tuần. Gã biết, không phải chỉ mua đất, mà Quân muốn tìm lại hồn vía tổ tông. Gã ôm món tiền hời vào Sài Gòn lập nghiệp, lập thân chưa thấy, chỉ nợ nần đeo bám gã như một thứ nghiệp.

Còn Quân từ ấy, cứ mỗi cuối tuần lại phóng xe thẳng từ cơ quan về quê. Có vẻ như anh nâng niu mảnh đất ấy hơn cả cuộc hôn nhân của mình. Ngót 10 năm, bàn tay anh dày lên những vết chai, mảnh vườn thì rậm rạp như một khu rừng và cuộc hôn nhân của anh trở nên sơ sài như một bữa cơm nhạt nhẽo. Ngôi nhà là sinh mệnh của người đàn ông trung niên.

Ra khỏi tòa án, Quân lên xe, dốc thẳng chai nước vào cổ, dù chẳng thấy khát. Xế bên, một người đàn ông lịch lãm mở cửa chiếc xe bóng loáng, Lan bước lên, chiếc xe lao đi, thả một vệt khói trắng mơ hồ trước mắt Quân. Trở về nhà, Quân như một người xa lạ trong cái im lìm, trống tênh, lâu lắm rồi, anh đã đi vắng trong chính ngôi nhà của mình. Chợt điện thoại báo tin Zalo:

- Bố chuyển tiền học kì này cho con nhé.

Quân soạn lệnh, vài thao tác là xong món học phí cho con trai đang du học ở Úc.

- Ok bố. À bố mẹ giải quyết xong rồi chứ, quyền lợi của con bố phải đảm bảo đấy nhé. Con chúc bố sớm có hạnh phúc mới.

f0cf873e0c4daa13f35c10.jpg -0
Minh họa: Hà Huy Chương

Quân chấm vào dòng tin của con một trái tim đỏ như chảy máu. Quân ở hẳn cơ quan, đóng cửa ngôi nhà trên phố. Nó đứng im lìm, giương ánh mắt uể oải nhìn những dòng xe cộ nối đuôi nhau từ sáng đến đêm không hề mệt mỏi. Còn Quân, trái tim như dốc cạn cho mảnh vườn quê. Yêu nó hay đó là cách chạy trốn cuộc hôn nhân thất bát, cho đến giờ Quân cũng chẳng có câu trả lời rành rẽ.

Khỏa chân xuống mặt ao, ánh trăng vỡ vụn tan ra rồi chụm lại, mặt nước như tấm gương đêm phẳng lặng soi bóng lẻ của Quân. Trên bầu thinh không quạnh vắng, một cánh chim thảng thốt chao đêm, rồi mất hút vào bụi tre um tùm ngoài cổng. Quân rọi đèn pin vào những tán cây um xùm trước mặt, những bông chuối rừng đẫm sương đêm, đỏ rọi dưới luồng sáng, đáp lại anh bằng cái nhìn ngái ngủ. Đồng hồ thong thả gióng chuông, đã 1 giờ sáng, đêm từng miếng tan dần, tan dần.

Lan tô son, xức nước hoa, cái váy đỏ đi đi lại lại trước mắt Quân, phô bờ vai tròn lẳn:

- Em chẳng hiểu cái xó đầy muỗi dĩn ấy có gì hấp dẫn, mà tuần nào anh cũng bỏ vợ con để về.

Quân nắm tay Lan:

- Đợi anh nhé, rồi em sẽ hiểu.

Lan vùng vằng:

- Tay anh làm xước cả váy của em rồi này.

Quân xòe bàn tay, một sợi đỏ mỏng mảnh nằm lại trong bàn tay thô ráp, sần sùi. Lan đóng sập cửa phòng ngủ bằng vẻ bực tức, mùi nước hoa xộc thẳng vào mũi Quân xa lạ. Ở mảnh vườn quê, anh đã thả một giàn thiên lý rất thơm. Lần nào giỗ chạp hay có việc ở quê, khi đến lối ngoặt đầu tiên vào làng, bên mảnh đất rộng, những bóng cây trên đất thả vàng xao xác xuống thềm vắng, ông Tư cũng nhắc con dừng xe. Đưa ánh mắt như là tiếc nuối, ông đặng hắng:

- Chỗ cầu ao kia, bố thái bèo lợn, có lần rơi dao xuống, phải ngụp để tìm, dao cứa tay chảy máu ròng ròng.

Quân từ bé thường hay sờ vào vết sẹo trồi lên trên ngón trỏ của bố.

- Còn gốc tre này, mỗi khi đi làm đồng về, ông nội con hay cho trâu nghỉ. Mé hiên nhà, có cái cối đá, bà thường giã cua nấu canh với rau tập tàng, hay giã vừng. Góc vườn kia, ông nội trồng rất nhiều hoa thiên điểu, ông bảo đó là loài hoa biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự thủy chung. Làm người, ai cũng cần hai phẩm chất ấy con ạ.

Lần nào cũng vậy, những câu chuyện của ông Tư và cách dừng xe đều đều, lặp đi lặp lại, ngần ấy thứ. Khi ấy ánh mắt ông vui, buồn chan chứa, tiếng thở dài kìm nén từ lồng ngực của bố, thôi thúc Quân bằng mọi giá phải chuộc lại mảnh đất hương hỏa tổ tiên.

Mải mê tỉa cây, Quân không nhìn ra sự khó chịu của vợ. Lan vốn là tuýp phụ nữ hiện đại. Cô không bỏ thời gian cho vườn tược, cũng xa lạ với những truyền thống. Những cuộc vui bạn bè, những bữa tiệc đầy âm thanh và rượu ngoại luôn hấp dẫn cô. Trong khi Quân là người luôn muốn gìn giữ những giá trị căn cốt. Vì anh hiểu văn hóa là sự hằng biến. Trước đó vợ chồng đã bất hòa, cộng thêm việc Quân mải mê với mảnh đất hương hỏa, cả hai đã trở nên xa lạ. Mảnh vườn càng tươi tốt thì hôn nhân của họ càng héo úa.

Chạp họ vào đúng dịp Quân đi công tác. Ông bà Tư đưa nhau đi sắm sanh. Chợ Tết người đông như nêm. Lựa được cành đào phai ưng ý, ông Tư thấy phơi phới, lòng vui như những đêm tết ngày trước khi được cận kề song thân. Bà Tư chọn từng món hoa quả, vàng mã và hương trầm. Năm nào cũng vậy, đã thành lệ, ra hàng hoa thủy tiên, bà lựa một giò. Loài hoa báo tin xuân ấy đã khiến trái tim bà chất đầy kí ức ấu thơ, trong ngôi nhà nhỏ trên mặt phố cổ. Mưa cuối năm lây phây, thừa rét buốt, để nhen lên khao khát đoàn viên, ngày đã đi những khắc cuối cùng của năm, người đã đón tuổi xuân tràn lộc biếc trên khắp lá cành.

Bà Tư vẫn nhớ như chạm vào tim, người mẹ thận trọng trong nghi lễ, bao sái từng chi tiết khắc gỗ của ban thờ bằng nước thơm. Rồi cụ cắt tỉa củ thủy tiên đưa vào cái lọ thủy tinh trong suốt, kiêu hãnh, những chùm rễ trắng muốt, lá xanh mơn như tóc thiếu nữ xuân thì, hứa hẹn bừng lên đóa hoa tinh khôi vào đêm trừ tịch. Xuân như một ân điển để bà trở lại đứa trẻ thơ ngây trong vòng tay ấm êm cha mẹ.

Ông Tư vui vẻ xách đồ vào nhà, theo sau ông là cái dáng thong thả của bà. Một bức tranh viên mãn của tuổi già.

- Ôi, bố mẹ cứ cầu kì làm gì, con gọi síp một câu là xong.

Ông Tư ôn tồn:

- Thắp hương các cụ không cần phải cầu kì biện lễ to, cốt là ở tấm lòng con ạ.

- Con chỉ thấy mất thời gian thôi ạ.

- Việc tâm linh mà qua loa thì tổn phước đấy con. Mỗi năm mới có một lần, đó là cách để ta hướng về nguồn cội.

Ông Tư chưa nói hết câu, Lan đã chạy lên tầng 2. Ông bà nhìn hút theo con dâu, rồi nhìn nhau, nén tiếng thở dài.

Có chút vốn liếng Nho học, tết năm nào ông Tư cũng tự đi xe đến phố Ông Đồ cho chữ. Chữ ông chứa đựng khát vọng của đời người. Trong bữa ăn ông thường giảng giải cho vợ con. Một bức thư pháp đẹp không chỉ nằm ở kiểu chữ mà còn mở ra bức tranh phong cảnh tâm hồn người cho chữ. Đó chính là phần hồn của bức thư pháp. Người viết có cái tâm bình đạm, thì nét bút thể hiện sự ổn định, nhu cương khoan hòa. Một thư gia có tâm hồn nhân ái, thiện lương, kiên nhẫn, đều hiển hiện ra nét bút qua độ đậm nhạt, hay tốc độ viết. Vì thế thư pháp không chỉ là nghệ thuật mà còn là thư đạo. Một phép tu dưỡng thân tâm. Có lần, ông vừa soạn sửa bút mực, thì có một người trung niên béo tốt, đến hất hàm hỏi:

- Ông già, cho mua chữ “tài lộc”.

- Chữ của tôi không đem bán ở chợ đời, mà chỉ trao tặng những người hiểu biết chữ nghĩa.

Nghe ông Tư đáp lại khí khái, bình thản như vậy, gã kia đỏ mặt bỏ đi. Từ ấy ông trở nên nổi tiếng ở phố Ông Đồ. Nhiều người còn cất công đến tận nhà xin chữ ông.

Tối đó, khi cả nhà vừa dùng xong bữa, có vị khách xách giỏ quà đến thăm ông Tư. Người này lạ lắm, gầy nhưng rắn rỏi, đi theo là một chàng trai khuôn mặt anh tú.

- Dạ bố con con đến cảm tạ ơn cụ. Năm đó nếu cụ không ban cho chữ “nhẫn” thì chẳng hiểu gia đình con giờ phiêu bạt nơi nào.

- Tôi không còn nhớ, vì đã cho chữ rất nhiều người rồi.

- Dạ, khi ấy vợ con vừa ở tù ra, thằng bé này thì ngỗ ngược, nhà chẳng còn bát ăn. Con đi chợ sắm tết mà lòng rối bời. May sao được cụ gọi vào, cụ tặng cho chữ “nhẫn” và giảng giải điều hơn lẽ thiệt. Cụ còn mừng tuổi cho thằng bé.

- À, tôi nhớ rồi.

- Con trai con ra trường, đi làm có thu nhập, vợ con làm may, còn con ban ngày chạy xe ôm, tối bán nước chè đầu ngõ cũng có đồng ra đồng vào.

Ông Tư nghe chuyện vui lắm, khuôn mặt ông như trẻ ra mấy tuổi.

Quân mải mê đào hố, đặt cây. Mồ hôi thấm bết lưng áo, nghĩ đến nét cười rạng rỡ của bố, anh không còn thấy mệt nữa. Mỗi nhát cuốc chăm xới mảnh đất, tựa hồ lật tung kí ức, bóng người xưa hiển hiện trước mắt anh. Quân tưởng tượng ra ông nội mỗi chiều thong dong dắt trâu về nhà. Con trâu thành lệ, cọ sừng vào bụi tre đằng ngà vàng óng, giương đôi mắt nâu như chấm sao khuya nhìn chủ tha thiết. Anh thấy bố ngồi thái bèo ở cầu ao, thi thoảng lại dừng dao vẩy nước trêu cá. Những dải nước màu bạc óng ánh rơi trên mặt ao như mưa mùa hạ, đậu lại ở cánh lục bình, trong suốt và lóng lánh như lệ vỡ. Từng cụm dây tơ hồng quấn quýt trên giậu cúc tần xoải mình dưới vòm trăng lộng lẫy. Quân lạc vào cõi xưa, thấy mình trôi theo ánh đêm lẩn khuất, bỗng chân anh đau nhức nhối.

Quân tỉnh dậy giữa căn phòng trắng toát. Anh thấy chân nặng như đeo đá.

- Ôi anh tỉnh rồi ạ - Nguyên reo lên mừng rỡ.

Quân nhìn Nguyên ngơ ngác, ý chừng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Sáng nay em đi làm sớm, thấy anh nằm ở luống hoa thiên điểu, cạnh bụi tre trước cổng. May cho anh, thiên điểu mọc dày khít, như một tấm áo che sương, chứ không chẳng biết bây giờ anh ra sao.

- Ôi, anh tệ thế ư?

- Vâng, cái cuốc nằm bên cạnh vẫn dính máu, chắc vết thương ở chân sâu quá, khiến anh ngất đi.

Quân xin một cuộc gọi từ điện thoại của Nguyên để báo cáo và xin phép lãnh đạo.

Nắng tháng 7 oi gắt như xé rách bầu trời, thì khi đêm buông, thành phố Quy Nhơn lại trở về trong sự bình dị vốn có. Ánh đèn vàng soi tỏ từng góc phố nhỏ, người và xe chầm chậm trôi trong nhịp thở thong thả vừa nồng nã lại rụt rè như một cô gái quê trước cơn lạ lẫm phố thị. Lan ngồi đếm từng giọt cà phê, người đàn ông bên cạnh nhìn cô trân trối, nửa như dò hỏi, nửa như muốn khám phá. Đêm thành phố tuy nhỏ nhưng cũng đủ mênh mang với những cơn gió hổn hển từ biển, để hai kẻ xa nhà dạt vào nhau.

- Hợp đồng với đối tác anh đã xem kĩ, mai chúng ta chốt lại những vấn đề cơ bản rồi kí là xong việc. Em có muốn ở lại ngắm biển không?

- Ơ, mai đúng ngày rằm anh ạ.

Trong đầu Lan thoáng hiện về những thủ tục cầu kì tuần tiết của bố mẹ chồng, nhưng hình ảnh đó nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho sự trống trải trong cô. Đã từ lâu, căn phòng chứng kiến bao đêm hạnh phúc của vợ chồng cô thiếu vắng bóng Quân. Đến cái mùi mồ hôi dìu dịu và cách anh dụi dụi cánh mũi âu yếm vào vai cô cũng trở nên mờ nhạt, xa lạ. Cô chẳng nhớ nổi bức tường được dựng lên giữa hai người từ bao năm, hình như từ trước ngày Quân chuộc lại mảnh đất quê. Dốc vốn để làm tròn đạo hiếu, bỏ bê trách nhiệm người chồng, trong khi cuộc hôn nhân đã quá chênh vênh. Anh rót đầy trong cô sự tổn thương.

Tâm hồn cả hai bị lưu đày vào lạnh lùng, dửng dưng. Lan như kẻ tật nguyền niềm hạnh phúc, bao đêm khất thực quá khứ, để một ngày, đến cả giận hờn Quân rồi cũng biến mất trong cô. Lan sợ hãi sự thản nhiên của chính mình. Con người bản năng là cô đơn, mỗi người đều mang vác cây thập tự thân phận. Nhưng bất hạnh lớn nhất của người đàn bà là cảm giác chỉ có một mình khi trong tay vẫn cầm tờ giấy giá thú.

- Em nghĩ đi đâu thế? Không thấy anh đang ngồi cạnh em sao?

Người đàn ông ngước đôi mắt nhìn vào cô, vừa ngập ngừng vừa tha thiết. Bàn tay anh tìm tay Lan, mềm ấm chứ không chai như tay Quân. Một niềm thảng thốt chạy vào Lan. Cô thấy gió từ biển thổi vào bời bời. Đêm ấy Quân đưa nhát cuốc định mệnh trong hư ảo, lưỡi cuốc ăn vào bàn chân phải, đẩy bật anh ra khỏi cuộc hôn nhân, mà trước đó bao người mơ ước. Quân xuất viện, vết thương chưa lành hẳn, anh vẫn đi cà nhắc. Mà kì lạ, chỗ anh đưa nhát cuốc chiêm bao đêm ấy, cây thiên điểu bị thương nay đã kiêu hãnh trổ lá, một đóa hoa vén lá đón bình minh, vàng chói, như một cánh chim đang bay trong cơn gió xanh. Ngôi nhà được Nguyên quét tước sạch sẽ, cây lá đón chủ vui xôn xao.

Lan dọn đến ngôi nhà mới cách công ty chừng 2km, ra khỏi hôn nhân, cô hạnh phúc trong tự do, nhưng mỗi buổi chiều cuối tuần, nhất là khi heo may bàng bạc thở than trên từng tàng cây se sắt, mùi nồng nàn của mùa chín, những ấm áp của lứa đôi cô vô tình gặp dọc triền đời, trong cô vẫn dấy lên một niềm trống trải mơ hồ. Quân nhiều áp lực hơn Lan. Gia đình anh là gia đình kiểu mẫu. Ông Tư là công chức cấp Bộ về hưu, bà Tư cũng hưởng chế độ hưu trí, Quân là một phó giám đốc uy tín, trong dòng tộc anh lại là trưởng chi, vợ đẹp, con khôn. Thế mà sau niềm vui chuộc lại mảnh đất tổ tiên, lại là nỗi buồn hôn nhân. Cuộc đời là thế, nếu tròn đầy đã chẳng sinh ra thân phận.

Lan dọn đi, nụ cười cũng ra khỏi ngôi nhà. Sợ Quân buồn, ông bà Tư đều cố vui, nên thành ra gượng gạo. Khuôn mặt ông điền thêm nếp nhăn từ cuộc hôn nhân thất bát của đứa con trai duy nhất. Bữa trưa hôm đó chỉ có 3 người, chị giúp việc xin về quê ăn cưới đứa cháu. Ông Tư điềm đạm bảo Quân:

- Sang tuần, anh đưa bố mẹ về quê ở nhé, phố xá có lẽ không hợp với người già. Mà anh bao năm nay tuần nào cũng ở quê đấy thôi.

Biết tính bố, ít nói nhưng đã nói là không thay đổi, Quân lễ phép:

- Vâng, bố mẹ để con thu xếp.

Lá rụng về cội. Ai chẳng đau đáu giấc hương quan, về để ngủ giữa mênh mông cỏ biếc. Cái sự về của ông bà Tư nhẽ mà chậm hơn, nếu hôn nhân của con trai viên mãn. Hạnh phúc của con, là niềm vui của cha mẹ. Người già sống đơn giản, dễ thích nghi, hơn nữa không khí trong lành của quê đã phần nào cất đi gánh nặng trong lòng ông bà Tư.

Hôn nhân, với người này là hạnh phúc, kẻ khác lại là bất hạnh, nước mắt là phần dành cho Nguyên. Có tí cước sắc, chồng cô ăn chơi đàng điếm. Vì con, Nguyên cắn răng chịu đựng và tha thứ, nhưng hết lần này đến lần khác, cú chốt ngoại tình của gã chồng với ả nhân ngãi sêm sêm tuổi đứa con trai, đã hất xẻng đất cuối cùng chôn cất cuộc hôn nhân èo uột. Chưa hết, tại tòa, gã chồng tuyên bố không nhận trách nhiệm nuôi con, vì con đã trên 18 tuổi, tự lập được cuộc sống. Hôn nhân tan vỡ không đau đớn bằng cách gã chồng từ chối quyền làm bố trước phiên tòa, từ ấy hai mẹ con Nguyên coi như đoạn tuyệt mọi quan hệ với gã đàn ông mà thuở hàn vi cô từng mặn nồng.

Phép trừ hạnh phúc đã khiến Nguyên luôn đề phòng, keo kiệt cả ước mơ. Cặm cụi làm việc, nuôi con, nỗi mất mát đã khiến cô can trường. Nguyên đủ mạnh mẽ để vùi lấp những đêm đàn bà khắc khoải. Cô nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mình bằng cách gửi trí tưởng tượng vô biên vào trang viết. Đó là cách cô bước ra khỏi nỗi buồn đau của mình để bay lượn trong những phương trời viễn mộng. Cô thấy mình luôn là kẻ độc hành. Có lúc cô bơ vơ trong sự tẻ nhạt. Đôi khi cô vùng thoát khỏi số mệnh bằng cách nếm trải cái cảm giác không một mình. Nhưng sau đó Nguyên hiểu, cô chỉ nên sống khoảnh khắc ở cái không ấy.

Quân đón Nguyên sang thăm nhà. Sao đêm ấy, vườn nhiều trăng thế. Từng luồng sáng lấp lánh chảy tràn trên lối đi, rắc hào phóng ánh vàng trên những tàu cau đẫm sương đêm, những cánh thiên điểu chơi vơi trong trăng khuya, trên cao gió hát. Quân mang đèn pin ra soi, cẩn thận chọn lấy 5 cành thiên điểu đẹp nhất, thêm 4 cành chuối Nhật, bó thành một ôm hoa tặng Nguyên.

- Sao anh không cắt thêm đi, em thích thiên điểu.

- Ơ, em phải để dành hoa cho đất nữa chứ. Cắt hết hoa, đất buồn lắm đấy em.

Quân dắt tay Nguyên ra chiếc ghế đá mé hiên nhà. Trên đầu họ, gió như ru, dưới đất, tiếng lá khô vỡ nhè nhẹ như từng mảnh đêm đang tan ra. Mùi mộc lan vương vấn, giục giã. Quân nắm tay Nguyên, một luồng ấm áp rân rân trong ngực và trên mặt Nguyên.

- Em mặc áo hoa đúng không?

- Thế áo anh mặc màu gì vậy?

- Nó tiệp màu với áo em, áo cũng có hôn nhân đấy em.

Lặng đi, Nguyên không còn thấy anh nói nữa, chỉ nghe thấy một hơi thở dịu và nóng hổi lướt qua vai cô. Trên bầu trời đêm mênh mang, trăng đang lướt qua mây.

Ông Tư ốm đã một tháng, bà Tư ngày nào cũng cặm cụi săn sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng. Ông đau lắm, ngực như có một ngọn lửa thiêu đốt, cứ ran ran từng cơn, kèm theo những trận ho rũ rượi. Vừa ăn được chút cháo, cơn ho lại đẩy bật ra ngoài. Bệnh đường hô hấp đã trở thành mạn tính, cứ mỗi cuối năm lại hành hạ ông. Áp tết năm nay, khi gió bấc thổi bạc trắng những tàu cau ngoài vườn, sương muối khiến những vồng cải sắt lại, cây đào phai đã chúm chím nghinh xuân, không đi chợ được như mọi năm, ông nhắc con trai.

- Cuối tuần được nghỉ, con nhớ mua về mấy khóm thủy tiên. Cái bình thủy tinh mẹ con vừa đánh rửa sạch sẽ đấy.

Rồi ông ra vườn, lấy con dao rựa sáng loáng, tay run run chặt cành đào. Ông tỉa bớt lá úa, hơ cuống, tự tay đổ nước vào lọ, trịnh trọng để lên ban thờ, cắm cành đào vào đó, đặt bên lọ hoa thiên điểu. Bà Tư trong tấm áo lụa trắng, đầu vấn khăn nhiễu đen, chăm chú gọt thủy tiên, mùi hương trầm ấm cúng phảng phất. Trong nếp nhà xưa đã phong kín vị tết.

Sáng chủ nhật, Quân dậy từ rất sớm, như thường lệ, anh sang phòng vấn an song thân. Anh giật mình, vì thấy bố mặc bộ quần áo lụa vàng, tính ông vốn kĩ; trong việc trọng thường mặc chỉn chu. Quân lay lay người bố, thấy mặt ông đã trắng như sáp, nhưng hai mắt vẫn mở, nắm tay con trai, giọng ông như nhòe đi.

- Hôm nay ông bà về đón bố đi rồi, con ở lại lo cho mẹ chu đáo. Tang lễ của bố làm đơn giản, không nhận lễ phúng viếng của mọi người. Cuốn sách Hán tự của bố, con nhớ cất giữ cho cẩn thận nhé. Cái Nguyên ngoan nết đấy con ạ…

Câu cuối ông thốt ra nhẹ như một hơi gió, ngực ông phẳng lạt, lặng tờ. Đôi mắt khép lại, khuôn mặt giãn ra bình thản. Một cây thiên điểu đã về trời.

Ra giêng, cái rét vẫn hanh hao trên gò má xuân thì, như thêm thương nhớ vị xuân đặc trưng của miền Bắc. Cỏ xanh miên man, tiết ẩm ướt như một cơn đạm tưới cho đất trời bừng nhựa sống. Quân và Nguyên ra thăm mộ ông Tư. Trong ảnh, người đàn ông cương nghị đang nhìn Quân, nửa âu yếm nửa như nghiêm khắc. Quân thành kính đặt bó thiên điểu trên mộ bố. Cụm thiên điểu anh mới trồng dạo trước nay đã bắt đầu xanh. Khói hương quấn quýt, bầu trời hơi sẫm lại, những dải nước li ti như sợi chỉ rắc trên tóc Nguyên một màu trắng mờ. Quân âu yếm nhặt một cánh hoa dại vương trên tóc cô. Trên trời, từng đàn chim di trú đã bay về.

Truyện ngắn của Nguyên Tô
.
.