Thiền đào
Đừng dối lòng mình nữa, Lãnh biết mình đang nhớ nàng quay quắt, và sự hiện diện của nàng trên các trang báo như là tra tấn. Chàng muốn đem nàng ra từ khung cửa sổ, muốn chạm vào bờ môi nàng dưới ánh mặt trời, muốn nắm chặt tay nàng chạy dọc theo bãi cát bồi bên sông, muốn được nghe nàng khoe “Hoa đào bữa nay đã sắc thắm lại, thời gian rồi cũng sẽ thích nghi thôi, lòng người nên nhẫn nại...”.
“mùa đông dậy thì trong im lặng
để giấu đi nụ cười mới gãy
ngày hôm qua bén lại trên chiếc lá còn run run gió
bụi và tiếng bụi
lẫn vào từng tòa nhà xiêu vẹo
mùa đông dậy thì trong im lặng
sự may mắn chỉ vừa mới bắt đầu
khi đôi cánh là hạt sương rớt nghiêng bức tường xám
cái xác con quạ queo quắt hệt như mớ màu bị quên lãng
cây lơ lửng phía ngọn đồi
bóng tối bên ô cửa lập dị dần biến mất
mùi cơn mưa nở ra không báo trước
câu hứa trào ngược lên cùng đàn chim bay nhanh về phía biển
kéo nỗi nhớ kịp di căn đến giữa mười ngón tay
những kẻ cô đơn vẫn thiếu một nỗi buồn lộng lẫy
đám cúc vàng khản giọng
phác họa ánh sáng bên ngọn đèn cầy đang tan chảy
một bình minh mơ hồ hiện ra”
*
“Là nàng”
Lãnh đặt cuốn tạp chí xuống bàn, thật lâu lắm rồi, trên gương mặt bình thản ấy mới xuất hiện một nét cười nhếch bên khóe miệng. Lãnh thầm nghĩ, nếu chàng không rời đi thì liệu có một đám cưới xảy đến?
Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi và đôi mắt của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là Dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
“Để tao xem rốt cuộc có thuần phục nổi nó hay không?”.
Bố chàng vừa nói vừa lum khum khuân những cội đào mà ông đã dành rất nhiều thời gian và tiền của để đi gom nó về. Là giống đào cổ thất thốn, được mệnh danh là đào tiến vua ngày xưa. Cây đào có dáng thấp lùn, cứ bảy thốn là chia nhánh, gốc cây nổi ụ xù xì, lá to và dài gấp ba bốn lần lá đào bình thường. Điều đặc biệt là hoa của nó có thể mọc ra bất cứ đâu ở thân cây, ở nhánh, ở dưới nách lá non... vì cây trổ ít bông nên lại càng thêm quý. Sắc hoa đỏ đậm, nhiều lớp cánh, nhụy vàng, mùi thơm thoang thoảng dễ chịu. Có điều, đến dịp rằm tháng Giêng hoa mới nở, đó cũng là sự “tiếc nuối” cho những người trồng và chơi hoa thất thốn.
“Phải nở đúng Tết mới có giá trị”. Đó là lý do mà nhiều năm qua bố chàng đã dốc lòng dốc sức để thuần phục cho được giống đào cực kỳ ưa sạch, khó tính này. Thêm nữa, thổ nhưỡng hợp với đào thất thốn nhất là phải được trồng ở trong Dinh, nay vùng đất này lại bị thu hẹp dần để nhường chỗ cho quy hoạch đô thị, bãi đất bồi ven sông làm sao thích hợp cho giống đào thất thốn?
Ông nhìn những luống đào bích, đào phai... sắc hoa không còn thắm, những cánh hoa phai nhạt dần, từng lớp cánh cuốn tung mịt mù khi có gió thổi qua. Cánh đồng đào xơ xác, thiếu sức sống. Ông là đời thứ hai duy trì nghề trồng đào, từng kinh qua trận mạc, chẳng nhẽ giờ lại đầu hàng trước những khó khăn, thử thách? Không đời nào!
Từng luống đất vun cao, được phơi nắng, khử chua, bón đầy đủ những dưỡng chất, hệ thống kênh rạch thoát nước chuẩn bị kỹ lưỡng... vậy mà những ruộng đào vẫn cứ héo hon không bật lên nổi, chắc phải mất vài năm để thích nghi với môi trường mới. Giống đào bích, đào phai... dễ sống nhất mà còn vậy thì đào thất thốn phải làm sao đây?
Ông trở về nhà, nhìn những gốc đào trong chậu đang héo dần đi, tất cả chúng đang rời bỏ ông. Đúng như tên gọi “thất thốn”. Đêm, giấc ngủ chập chờn, những nụ đào thất cứ liệng qua liệng lại trong tâm trí. Ông ngồi dưới gốc đào, tay phe phẩy quạt, từng dòng nước mát thấm dần xuống bộ rễ, đám rêu nhợt nhạt phủ một lớp xanh mờ dọc khắp thân nhánh.
Đột nhiên, ông bật chồm dậy, hai tay ôm choàng lấy gốc đào. Một luồng gió mạnh thổi thốc tới bốc đám lá lên cao. Duy nhất cây đào thất thốn cuối cùng trong đám đó còn sống sót. Ông nhất định phải bảo vệ nó, tim ông đập nhanh, tay chân lẩy bẩy, ông hét gọi con trai hãy đem cây vô lán, cái lán che ông đã dày công dựng hồi chiều. Mồ hôi nhễ nhại, đầm đìa. Ông tỉnh dậy, vẻ mặt thất thần, qua khe chỉ nhỏ giữa hai mí mắt sưng sụp thoát ra một nỗi buồn hoang liêu, xa vắng.
Bố của ông, tức ông nội Lãnh, là một thư sinh nho nhã, ông thuộc nhiều thơ Đường và có phong thái chơi hoa rất điềm tĩnh. Những nhánh cây trơ khấc, khô xác tủa ra, không có dấu hiệu của sự sống, vậy mà ông vẫn thư thái nhấp từng ngụm trà. Thi thoảng, ngón tay ông khẽ chạm vào các nhánh và mỉm cười. Chơi hoa phải có cốt cách của một người quân tử, phải có tâm thiền, tâm nhẫn... chớ nên cưỡng cầu, dục tốc thì bất đạt, lẽ ấy vốn thường tình.
Quả nhiên, Tết năm đó, lần đầu tiên trong đời ông được chiêm ngưỡng đào thất thốn nở đúng dịp, chỉ vài bông thôi mà đến cả một thập niên dài đẵng bố ông dày công chăm sóc, nâng niu chờ đợi... những bông đào thất thốn hội tụ tất thảy tinh hoa của đất trời. Chúng làm thân tâm ông dịu lại, làm dãn nở những nếp nhăn trên gương mặt. Giá như ông giữ được cái thái độ này trong suốt thời gian chung sống thì gia đình ông đã không tán gia bại sản.
Năm đó, vì quá mê đào, vì cái tôi quá lớn, ông đã bỏ mặc cả vợ con, một mình lên miền núi cao, hoa ưa khí hậu lạnh thì ông sẽ chiều theo hoa, ông không tin rằng sẽ không thuần phục được nó. Thế là đi, mặc dầu ở quê nhiều hộ gia đình vốn trồng đào lâu đời cũng đã bỏ cuộc với giống đào thất thốn, họ chỉ chuyên tâm với những loại đào thường. Dễ trồng, dễ chăm, lại hiệu quả kinh tế. Riêng ông đời nào chấp nhận sự thất bại.
Từng mảnh đất ông bán đi, cho đến khi chỉ còn một rẻo đất nhỏ viền xung quanh nhà. Chẳng ai ngăn cản được và ông vẫn luôn tin chắc rằng sẽ có một ngày ông thành công trở về và phục dựng lại giống đào tưởng chừng như “thất truyền” này theo kỹ thuật chăm mới của ông. Và, ông sẽ là người lưu giữ “quá khứ” hào hoa và tôn quý của dân tộc. Nếu cuộc đời suôn theo dòng suy nghĩ thì đâu có những mất mát khổ đau, “nhân sinh như mộng, kiếp người tựa kiếp phù vân”. Bao mùa hoa đào nở rồi lại rụng mà thất thốn vẫn cứ muộn màng. Đời người cũng nhẹ trôi theo kiếp hoa đào.
*
Kỷ niệm bủa vây, nỗi nhớ càng đè nặng trái tim chàng. Đôi mắt trở nên miên dại khi nhớ đến nàng. Chiếc mũi nhỏ xinh kề lên hoa và ngửi. Nhưng, chàng thật không ngờ, nàng đã ngậm nó và cắn. Đó là bông đào thất thốn đầu tiên sau mấy năm trời mới cho hoa. Chăm nó còn khó hơn mấy lần chăm trẻ sơ sinh. Khi ông ấy phát hiện chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình cho coi. Quá hiểu điều này nên Lãnh là người đã chịu trận thay cho nàng.
Ôi, ánh mắt nàng khi ấy. Lãnh cảm thấy có gì đó kiêu hãnh dâng lên ở trong lòng khi nhận về ánh mắt hàm ơn và sự quan tâm sâu sắc. Đã nhiều năm trôi qua nhưng Lãnh không thể quên đôi mắt ấy. Đôi mắt bám riết cuộc đời chàng. Có lẽ, Lãnh đã quá nhạy cảm khi nghe tin từ hội chơi cây cảnh, rằng nàng đã được hứa hôn với con trai một ông chủ vườn đào rộng lớn nhất nhì ở thành phố này. Tự dưng, Lãnh thấy tự ái, thấy mình như một kẻ bị nàng đem ra trêu đùa, ánh mắt nàng nhìn Lãnh như thế để làm gì, cả nụ hôn mà nàng dành cho Lãnh ở vườn đào nữa, nếu nàng không thích ta thì cớ sao làm vậy?
Lãnh cảm thấy ghét tất cả những thứ xinh đẹp thuộc về nàng và rùng mình khi hình dung đến một thằng đàn ông khác cũng chạm lên nàng, như Lãnh đã từng. Càng nghĩ càng thêm điên tiết. Lãnh cố gắng hết sức để kiềm chế những thớ gân đang sục sôi và có thể là một cuộc ẩu đả xảy ra.
Hôm cuộc thi cây cảnh toàn thành phố diễn ra, con trai ông chủ vườn đào về nhất và không ngần ngại tặng gia đình nàng cây đào cổ có dáng long phượng giao cảm, tượng trưng cho sự hạnh phúc, gắn kết và thịnh vượng... giới thưởng thức hoa ở đây sẽ sẵn sàng chi trả với giá vài trăm triệu.
“Ôi, nụ cười của nàng lúc này thật giễu cợt làm sao”. Lãnh muốn phỉ nhổ vào sự tham lam của nhà nàng. Nàng chấp nhận sự ban tặng này ư? Phải rồi, trông nàng hạnh phúc đến bật khóc thế cơ mà. Thật lãng xẹt!
Lãnh đi không lời từ biệt. Là sự trừng phạt của chàng dành cho nàng hay sự ra đi này với nàng càng thêm rảnh mắt, suy nghĩ đó khiến cho Lãnh càng thêm điên đầu. “Đừng có ở đây nếm sự thất bại nữa”, câu nói trong lòng vang lên chạm vào tự trọng của Lãnh.
*
Con dốc mù sương uốn cong như cánh võng, ánh nắng như thanh kiếm sắc xiên lên đỉnh núi. Lãnh đến đây từ sớm, khi mặt trời chưa lên, sương mù không quá dày để che lấp tầm nhìn và cũng không quá mỏng để khi bình minh lên sẽ làm tan loãng ra.
Lãnh nhắm hờ mắt, hít sâu vào lồng ngực một làn hương thơm thiền định của núi rừng. Chàng cảm nhận khắp dọc sống lưng một dòng sinh lực chảy qua và vô thức niệm thơ nàng.
“ngược vào bên trong
như khi kéo lên cái se lạnh của mùa đông
chắc hẳn sẽ có cơn mưa rơi đến tay
nếu khoảng trống vén sẵn một luồng gió
thôi thì ngồi xuống
mà đun sôi ấm trà
lấy ô cửa ra xem
nơi ta vừa thấy mình đi ngược vào bên trong
đứng dưới vòm trời rộng
nơi ẩn náu của con chim trắng buốt lặng yên đến kì lạ
gợi cho ta những tàn tích cháy đen
người từng có một vết nứt quanh trái tim
với họa tiết nỗi buồn được tô thêm sắc nét
nên ta nhớ rõ khoảnh khắc ấy
một lời tự thú, một cánh đồng
một hủy hoại, một hồi sinh
một màu gì rất mới
và bằng cái cách nào đó
giữa buổi sáng dày mưa như thế này
có câu hát tìm đường quay trở lại
dính trên mặt con suối nhỏ
qua dáng ngồi rất nghiêng”.
Đừng dối lòng mình nữa, Lãnh biết mình đang nhớ nàng quay quắt, và sự hiện diện của nàng trên các trang báo như là tra tấn. Chàng muốn đem nàng ra từ khung cửa sổ, muốn chạm vào bờ môi nàng dưới ánh mặt trời, muốn nắm chặt tay nàng chạy dọc theo bãi cát bồi bên sông, muốn được nghe nàng khoe “Hoa đào bữa nay đã sắc thắm lại, thời gian rồi cũng sẽ thích nghi thôi, lòng người nên nhẫn nại...”. Những câu chuyện lộn xộn không đầu không cuối của nàng đều sẽ khiến chàng càng muốn được trở về Dinh đào thuở mười ba, muốn được ăn viên kẹo đầu tiên khi nàng trả ơn. Chàng cũng muốn khoe với nàng rằng “chàng đã thay cha làm được và muốn dành tặng hết cho nàng”.
Chiếc cổng gỗ màu nâu trầm ấm áp gác dưới ngọn đồi là lối dẫn lên vườn đào của Lãnh. Những cội đào trên dưới hai mươi năm mà Lãnh đã mang đến từ khi rời làng đi. Hoa cũng như người, phải thấu hiểu và bao dung thì đời mới nở hoa, hoặc có thể nói một cách văn vở hơn là nở đóa từ bi. Nếu như Lãnh từ bi hơn với nàng, thấu rõ hoàn cảnh nàng lúc đó, người mẹ ngàn cân treo sợi tóc, thấu rõ sự nhẫn nhục của nàng thì có lẽ...
Lãnh sục đôi bàn tay vào mớ tóc rối, chàng cảm thấy sự hèn hạ dâng lên. Chàng cười mình một cách khinh bỉ. Nhìn vào cứ ngỡ rằng là một họa sĩ thủy mặc thích sống ẩn dật trên núi cao, tìm nơi thanh tịnh để có nguồn cảm hứng sáng tác..., nhưng chàng đang tự thấy mình là một kẻ lẩn trốn, chỉ thiếu nước trang bị một chiếc váy để biến hình.
“Vườn đào thất thốn sau nhiều năm trôi nổi tưởng như thất truyền nay đã bắt đầu xuất hiện trở lại”.
Lãnh đặt tờ báo bên cạnh bàn trà nguội ngắt, đầu cúi thấp hết cỡ xuống gốc đào. Chàng nhìn chằm chằm vào những cục u nổi cộm, sần sùi như những chiếc mụn nhọt chưa được rút mủ, đau nhức âm ỉ.
“Là của tôi hay của thằng đó”, Lãnh gỡ tay nàng một cách lạnh lùng, mặc cho nước mắt nàng ướt thấm lưng, van xin rằng hãy tin nàng. Sự lạnh lùng của Lãnh đã giết chết một trái tim chân thành. Nàng chạy khuất lẫn giữa vườn đào sậm ngắt. Sông đã không thu nhận nàng. Tỉnh dậy, nàng thấy mình nằm dưới luống đào. Những nụ đào e ấp ẩn mình dưới nách lá, mùi đồng nội ngập tràn tim phổi nàng. Trên đầu nàng, từng mảnh trời xanh được chia cắt bởi những nhánh đào ken vào nhau. Có đôi chim họng nâu đang thè chiếc lưỡi dài và mỏng thi nhau hút mật.
Nàng cảm nhận cơ thể mình bắt đầu búng lên những cử động nho nhỏ. “Hãy nhẫn nại như người xưa đợi chờ đào thất thốn nở, ba năm, bảy năm, mười năm, hay cả một đời...”, nàng tự động viên mình. Thực ra, tận cùng của niềm đau là sự hồi sinh, nàng biết thế qua từng lần đổi thay của từng mùa hoa đào tàn nở.
“Năm tháng dài rộng, phất tay một cái trà đã lạnh, người tản kịch tàn, thôi cứ nhẹ nhàng mà vui sống, tha thứ cho người âu cũng là tha thứ cho mình”. Nàng gấp sách, ngồi nhìn ra, nụ cười phớt nhẹ trên môi. Nàng như cành đào hồi xuân, run rẩy nở những đóa hoa hiền lành, dịu dàng trước gió. Một bức tranh sống động. Một thực tại tròn đầy, là chính bản thân nó chứ không phải là cái gì khác.
Đứa con gái xinh yêu của nàng nghiêng mái tóc dài bên hoa, nét cọ đưa lên đưa xuống thật nhanh và dứt khoát nhằm bắt lấy tinh thần ngay trong dòng vận động. Cô gái để mặc cho những vết mực loang một cách tự nhiên trên tấm giấy, chỉ cần dùng tay miết một đường dích dắc là thân cây hiển hiện. Một nụ đào đỏ đậm duy nhất phun ra từ thân cây có dáng dấp “quân tử” che chắn cho nụ đào e ấp, tinh khiết, nguyên sơ.
- Bố sẽ trở về đúng không mẹ?
- Ừ, khi đào thất thốn nở thì bố sẽ về. Nàng treo bức tranh thủy mặc cô con gái vừa vẽ lên gian phòng sát hiên. Đây là gian phòng nhiều gió và không gian thoáng nhất để ngắm rõ vườn đào. Nàng đã trở thành nghệ nhân đầu tiên thuần phục được giống đào thất thốn nở đúng dịp Tết. Sự nhẫn nại, yêu thương và thấu hiểu của nàng cuối cùng cũng được đền đáp.
Nàng cũng thầm cảm ơn người ấy đã để nàng được tự do, được sống một cuộc đời mà nàng muốn. Toàn tâm toàn ý với hoa đào.
“Sẽ không nơi nào đẹp hơn bằng nơi nó thuộc về. Dinh đào thuở xưa, dù giờ vương bóng. Nhưng, ít nhất cái nôi này cũng là điểm tựa để cho đào thất thốn được hồi sinh”. Lãnh bước chậm rãi trên con đường quen thuộc, màu nâu thâm trầm bao lấy hồ nước. Chỉ ít thời gian nữa thôi, nhánh nâu kia sẽ bung nở những đóa hoa tươi rực rỡ. Sắc hồng nhuộm thắm mặt hồ. Lãnh dừng lại trước lối đào khi xưa, trên cây một bức họa đang chờ khô mực. Bông đào thất thốn lăn trôi trên nền giấy trắng. Trôi vô hồi vô định, trôi mãi đến không cùng. Tâm ý của bức họa như được khởi từ suối nguồn tâm linh.
Chất thiền bàng bạc đã rót sang chàng khi đối diện tự thân trong im lặng tịch mặc. Một tâm hồn thuần khiết và tự tại đang được kết nối. Lãnh xúc động đi nhanh về phía ngôi nhà cũ. Chợt sững, dưới vườn đào có bóng người đang ngồi thiền, mi mắt khép hờ, khuôn ngực thanh xuân vươn thở... Một trường năng lượng sâu lắng nhẹ nhàng lan tỏa. Nàng không hề già đi và thiếu nữ bên cạnh là hiện thân trước kia của nàng. “Ôi, con gái yêu quý”, giọng chàng thầm run lên. Một sự xúc động khó diễn tả.
Dẫu biết rằng lời xin lỗi có muộn màng, nhưng muộn còn hơn không. Lãnh đứng chôn chân ngắm nhìn hai mẹ con nàng thật lâu, cho đến khi hoàng hôn phủ xuống vườn đào một màu đỏ sậm. Bóng ba người khuất dần trong ngôi nhà nhỏ. Một lọn khói len lên.