Thanh xuân thành phố
Trở về thành phố, mang theo cảm xúc còn nguyên vẹn sau chuyến đi, band "Ngũ Long" muốn đánh dấu cuộc hội ngộ của mình, đánh dấu bước trưởng thành của band, cả năm người quyết định sẽ cùng chung nhau, bắt tay thực hiện dự án làm phim truyện. Một phim nói về tuổi thanh xuân của những người trẻ Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh, như một cách ôn lại và lan tỏa truyền thống yêu nước, trung kiên, bất khuất trong lịch sử cách mạng của thành phố.
1.
Không biết có phải tình cờ, hay một sự sắp đặt ngẫu hứng bất ngờ, 15 năm sau ngày chia tay vào mùa hè cuối cùng của thời học sinh, họ gặp nhau trong chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật về Khu Trung ương Cục ở Lò Gò - Tây Ninh. Mà thật lạ, khó tin, khi họ vẫn ở chung một thành phố, vẫn luôn biết những thông tin thành công thành đạt, nhưng kể từ ngày tạm biệt nhau trong buổi học cuối cùng, họ chưa một lần tụ lại đầy đủ như thế này.
Họ vốn là một band "Ngũ Long" đình đám gồm ba nữ hai nam, cùng sinh năm Rồng, của ngôi trường có lịch sử hơn thế kỷ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thành tích học tập đến thành tích trong các hoạt động ngoại khóa về nghệ thuật, không chỉ rất nổi trong khối mà còn cực hot ở trường, chẳng kém cạnh nhóm học sinh trong "Vườn sao băng" đỉnh phim drama thanh xuân học đường Đài Loan, Hàn Quốc, như Bigbang của giới học trò tuổi 15-17 ở Việt Nam thời ấy, nhất là khi họ đoạt được giải phim ngắn quốc tế dành cho học sinh. Năm người, gặp nhau từ năm lớp 10, và rất nhanh, họ gắn với nhau, dù tính cách khá khác biệt.
Hoàng lớp trưởng, tính tình điềm đạm, chiều cao như siêu mẫu, gương mặt tuấn tú, ngoài chuyện học giỏi các môn tự nhiên thì Hoàng còn là một tay guitarist có kỹ thuật chơi chấm dây và quét dây khá đỉnh, đám học trò nam trong trường ngưỡng mộ như Idol - thần tượng. Bảo lớp phó học tập, mũm mĩm như cục bột, nhưng tính nết như con trai, năng động và khá cứng rắn, từng thủ khoa thi học sinh giỏi môn Lịch sử toàn thành dành cho học sinh Trung học cơ sở. Diệu tổ trưởng, mảnh mai, điệu đàng, giỏi môn văn, từng có thơ văn đăng trên báo Hoa học trò, Mực tím, Áo trắng. Thu lớp phó phong trào, duyên dáng, thông minh, là người luôn tổ chức thành công các hoạt động văn nghệ, thể thao của lớp. Phước tổ trưởng, từng đoạt giải nhất học sinh giỏi Anh văn thành phố, gương mặt thanh tú như con gái, đặc biệt nhanh nhẹn, xốc vác, không từ nan.
Band "Ngũ Long" vốn sẵn có năng khiếu nghệ thuật, lại luôn có nhiều ý tưởng vừa chơi vừa học, được sự cổ vũ giúp đỡ của các giáo viên chủ nhiệm và bộ môn đã lên ý tưởng "sân khấu hóa" trong lớp, cùng làm các tiểu phẩm dựa vào tác phẩm văn học, sự kiện - nhân vật lịch sử trong chương trình. Và đó là khởi đầu cho rất nhiều chương trình mà "Ngũ Long" tạo thủy triều tràn cảm hứng đến các khối lớp khác trong trường.., rồi mang đi giao lưu với các trường bạn trong thành phố, trở thành mô hình sáng kiến trong học Ngữ văn, Lịch sử….
Và khi đọc trên mạng có cuộc thi phim ngắn đề tài bảo vệ môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã, Hoàng rủ rê cả nhóm, vừa thử sức vừa muốn góp tiếng nói bảo vệ môi trường. Sẵn nhà có cái máy quay Sony HD mini của ba, và cũng vài lần được ba cho nghịch chơi, Bảo đảm đương việc quay phim, Hoàng lên kịch bản và Thu đạo diễn, Diệu biên tập, Phước lãnh nhiệm vụ khó khăn nhất là khâu dựng và hoàn thiện. Cả nhóm đã mất mấy chủ nhật, giăng nắng, thức đêm, cùng bí mật quay cảnh bẫy chim, rồi sau đó Phước và Hoàng lên mạng tự tìm hiểu kỹ thuật dựng phim, bắn phụ đề song ngữ …
Kể ra thì có vẻ đơn giản, nhưng khó khăn không thể vài lời, thật sự "Ngũ Long" đầu tư cả tâm trí và sức lực khá nhiều cho phim, vì tất cả mọi cái đều tự lực cánh sinh, tự mày mò từ con số "0". Giải thưởng đã như một sự khích lệ cho band "Ngũ Long", để sau này khi vào đại học, họ mang theo ước mơ, khát vọng đẹp, học tập và trưởng thành, người là nhà báo, người là đạo diễn phim, người là nhà biên kịch, người là nhà văn…, và đều có những thành công, tạo dựng chút tên tuổi được ghi nhận.
2.
Khó có thể nói hết được niềm vui của "Ngũ Long" khi tụ họp đủ cả 5 người. Không nói gì, chỉ là những cái ôm mà như cả một trời thương trời nhớ, hoài niệm thuở học trò ùa về, như chưa từng có 15 năm không một lần tụ hội. Ừ, mà sao kỳ ha, có phải xa xôi cách trở gì đâu, người nào cũng có số điện thoại, thậm chí còn biết cả cơ quan làm việc, nhà của nhau, vậy mà 5 đứa mình từng ấy năm không có một lần hội đủ band "Ngũ Long". Thật ra, họ đều biết thông tin về nhau, biết cả những thành công của nhau, nhưng hình như có một cuộc tranh đua ngầm trong từng ấy năm, họ đều gắng làm sao có được thành công hơn và chưa khi nào cảm thấy là được, mỗi người đều có những niềm tự hào và kiêu hãnh riêng của mình, sâu xa ẩn giấu trong đó còn là những ghen hờn, giữa hai anh con trai và ba cô gái đã từng có những rung động đan chéo nhau thuở học trò, để rồi cho tới giờ vẫn lơ lửng… khi cả năm vẫn độc thân…
Và rồi, trước mắt là cánh rừng bạt ngàn xanh với những cây cổ thụ cao tít tắp như chạm tầng mây trong vắt đã hiện ra. Thêm một vài quãng đường đất đỏ ngoằn ngoèo, cả đoàn đã đến được "tâm" của khu rừng Chàng Riệc - Tây Ninh, nơi đặt bản doanh của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
Với "Ngũ Long", không phải là lần đầu họ tới đây, nhưng sao cảm giác lần này có gì đó thật đặc biệt. Không hẳn những âm thanh rừng từ tiếng ve ngân râm ran miên man khá ồn ào cả buổi trưa như một dàn đại hòa tấu một bè nghe xao xác buồn. Hay tiếng chim hót ríu rít nhiều giọng điệu giống một bản giao hưởng nhiều cung trầm bổng trong buổi ban mai, phấn khích kỳ lạ để không thể ngủ nướng, mà phải vùng dậy ngắm những tia nắng đầu tiên trong ngày ở rừng đẹp ngất ngây. Đến tiếng rền rĩ, rỉ rả, âm âm của các loại côn trùng cất tiếng đầy hoang ảo trong đêm đặc quánh, che giấu bao bí ẩn của khu rừng già… Mà có lẽ từ cái đêm lửa trại, trong ánh sáng bập bùng, trong giai điệu của những bài ca cách mạng đi cùng năm tháng, trong cái hư hư thực thực khi màn sương đêm ở rừng buông xuống trắng mờ, có lúc tưởng chừng như đang xuyên không về nửa thế kỷ trước, đang ngồi bên những người chiến sĩ Giải phóng quân… Và trong lúc lửa tàn, cả khu rừng như chìm trong một màn đen huyền hoặc, thấp thoáng những bóng người tan vào phía sâu hút rừng đêm trong ánh trăng non…
Có một luồng sóng điện, "Ngũ Long" nhìn nhau, nắm tay nhau, nhưng không ai tỏ vẻ sợ. Cùng lúc, không hẹn, cả năm cùng chung ý nghĩ: Đêm nay, chúng mình đi "bắt ma", để có thể gặp được những linh hồn bất tử của các liệt sĩ nơi này, để nghe họ kể lại câu chuyện chiến tranh năm xưa, kể về họ những năm tháng cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp chống quân xâm lược, mang lại hòa bình và thống nhất đất nước…
3.
Diệu đã có một giấc mơ kỳ lạ, không phải ở khu rừng Chàng Riệc - Tây Ninh, mà là ở Sài Gòn, vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Trong mơ, cả năm người của "Ngũ Long", như đang đứng ngay bên cạnh quan sát những gì diễn ra, từ việc đi lấy vũ khí cho đến trận đánh ba ngày đêm vào Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn của một đơn vị biệt động mang bí số N13.
Chiều 30 Tết, Sài Gòn tấp nập người đi sắm Tết muộn, mua mai, mua trái cây, mua bánh mứt …, và trà trộn trong đó là mấy chiến sĩ biệt động, họ đến ngôi nhà ở dưới chân cầu Kiệu… Bật cái nắp ngay giữa nền nhà, một miệng hầm hiện ra, hai người chui xuống, lần lượt đưa lên, hàng chục cây AK, K54, lựu đạn, một cây B40… Lại thấy họ tiếp tục về tận Trung Chánh - Hóc Môn lấy thêm một cây B41 và vài chục trái lựu đạn… Bỗng nhiên thấy xuất hiện bốn cần xé cam to tổ chảng, một chiếc taxi ghé sát đuôi vào cửa nhà, rồi cả đám vũ khí đạn dược súng ống lựu đạn như biến mất, chỉ thấy bốn cần xé cam chất sau thùng xe… Xe chạy, có tới năm trạm kiểm soát, nhưng có một nữ biệt động rất đẹp ngồi trên xe, tới mỗi trạm, cô xuống xe, nói vài câu, gởi chục trái cam cho mấy chú lính ăn lấy thảo, gặp một trạm có lính quân cảnh Mỹ, cô xổ một tràng tiếng Mỹ, thấy bọn lính cười vui vẻ, cô lại mang cả chục cam đưa cho, thế là xe đi trót lọt.
Gần Giao thừa, khoảng ba chục người đi từ cầu Kiệu tới cổng số 4 Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn bằng một chiếc xe khách loại nhỏ, thêm một chiếc xe hơi mang biển số của Cảnh sát Sài Gòn, trên chở toàn bộ số vụ khí vừa lấy về. Tiếng súng nổ, một loạt đạn găm về phia lính gác cổng, chiếc xe còn lại chạy qua cổng một đoạn rồi dừng lại, từng người triển khai đội hình chiến đấu. Lúc này toàn thành phố cũng vang lên tiếng súng, pháo, ĐKB ở khắp các hướng quanh thành phố. Cả Sài Gòn tiếng nổ rầm trời, các tòa nhà cao tầng rung chuyển như động đất.
Một giờ, hai giờ… cả ngày mùng Một, các chiến sĩ biệt động đã chống trả với hàng chục đợt tấn công của đám lính Quân đội Sài Gòn. Tới trưa ngày mùng Hai thì tiếng súng của các chiến sĩ biệt động thưa dần vì sắp hết đạn, một số người đã bị thương. Phía Quân đội Sài Gòn, sau mỗi đợt phát loa gọi đầu hàng lại tập trung các cỡ súng từ AR15, đại liên, M.79, M.72 và cả trực thăng bắn vào những nơi các chiến sĩ biệt động đang núp. Khẩu đại liên đặt ở trên một sân thượng bắn về phía các chiến sĩ biệt động như đổ đạn, chiến sĩ bắn B41 do bắn quá nhiều quả đạn bị sức ép đã điếc đặc và lả đi, số chiến sĩ thương vong đã tăng lên, chỉ còn lại ít người cầm cự…
Giật mình tỉnh dậy, người toát mồ hôi, lồng ngực như bị ai đè nặng trĩu muốn ngợp thở. Quờ tay lấy điện thoại, mới 3 giờ sáng. Nhưng Diệu không thể ngủ lại. Chỉ là một giấc mơ mà sao cảm giác như vừa chứng kiến thật từng chi tiết trận đánh hơn nửa thế kỷ trước, khi Diệu còn chưa ra đời… Bỗng muốn đứng tim khi trong tranh tối tranh sáng của căn phòng, giọng Thu tỉnh rụi:
- Diệu… Đêm qua bà có mơ thấy gì không?
- Sao bà biết là tui mơ?
- Có phải mơ thấy các ông bà Giải phóng không? Thấy họ chiến đấu và hy sinh?
- Trời. Sao tui thấy rởn ốc lành lạnh… Hổng biết bà mơ có giống tui không. Nhưng đúng là thấy họ đang chiến đấu…
- Tết Mậu Thận 1968?
Cũng chưa tới trời sáng, đã nghe tiếng Bảo rồi lát sau là Hoàng và Phước lao xao trước cửa phòng. Diệu ra mở cửa, nhìn ba đứa bạn gương mặt có vẻ hoang mang..
- Đêm qua bọn bay nằm mơ thấy mấy ông bà chiến đấu Tết Mậu Thân?
Cả ba nhìn lom lom Diệu, rồi đồng thanh
- Bà cũng mơ thấy à? Con Thu thì sao?
- Nó mơ y hệt.. Hổng lẽ các ông bà linh vậy? Đêm qua, tụi mình mới có ý định "bắt ma", đi tìm linh hồn họ…
- Bữa nay chương trình của đoàn mình là tới công viên Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, dâng hương hoa tưởng niệm. Đây là nơi an nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Chúng mình sẽ cùng nhau hứa làm một điều gì thật ý nghĩa nha.
Hoàng, vẫn như ngày xưa, vẫn phong thái "thủ lĩnh", chốt hạ, và cả band xem như là "lệnh" để cùng nhất trí với nhau. Một niềm xúc động như chợt ào tới, y hệt năm xưa khi "Ngũ Long" còn thuở học trò, có chút gì trong trẻo hồn nhiên, có chút gì như đang nhen nhóm ngọn lửa nhiệt huyết năm xưa… Và với "Ngũ Long" thì đây là dịp để làm một việc có ý nghĩa, như một sự tri ân với cuộc đời, với thành phố.
4.
Trở về thành phố, mang theo cảm xúc còn nguyên vẹn sau chuyến đi, band "Ngũ Long" muốn đánh dấu cuộc hội ngộ của mình, đánh dấu bước trưởng thành của band, cả năm người quyết định sẽ cùng chung nhau, bắt tay thực hiện dự án làm phim truyện. Một phim nói về tuổi thanh xuân của những người trẻ Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh, như một cách ôn lại và lan tỏa truyền thống yêu nước, trung kiên, bất khuất trong lịch sử cách mạng của thành phố.
Câu chuyện phim bắt đầu từ giấc mơ mà cả năm người đều cùng mơ trong một đêm ở rừng chiến khu Tây Ninh. Đầu tiên là những chuyến đi khảo sát các địa chỉ "đỏ" theo cuốn sách lịch sử của thành phố, và ở mỗi nơi, "Ngũ Long" đều có cảm giác rất lạ, giống như đang xuyên không trở về hơn nửa thế kỷ trước, tham gia vào những trận chiến xảy ra trên đường phố. Hoàng, như một thư ký hiện trường, liên tục ghi ghi chép chép, trong khi bốn đứa tôi cũng chăm chú quan sát từng cái cây, góc phố, con đường, những căn nhà.., tưởng tượng ra, nơi này một tổ ba người biệt động đang bắn trả về phía mấy chiếc xe thiết giáp Mỹ, góc phố kia là cuộc chiến không cân sức giữa một biệt động với cả đại đội lính Quân đội Sài Gòn… Rồi con hẻm nọ là cuộc đấu súng của tiểu đội nữ biệt động với hàng trăm lính Sài Gòn và lính Mỹ. Tất cả hiện lên sống động, như chưa từng có hơn 50 năm đã qua..
Rất nhanh, "Ngũ Long" bắt tay vào phần kịch bản, xây dựng kịch bản chi tiết, hoàn chỉnh, rõ ràng về cấu trúc của truyện phim, tính cách hành động của các nhân vật, toàn bộ các đoạn thoại và phong cách chung của phim.
- Này, chúng mình phải cho vào phim vài phân đoạn lãng mạn chứ toàn đánh đấm súng ống đạn dược, dù có những cảnh thoát hiểm trên đường phố thót tim thế này, nhưng coi bộ chưa đủ hấp dẫn - Hoàng lên tiếng. Thu tiếp lời:
- Đúng đó, phim thanh xuân gì mà hổng có lấy một miếng tình yêu, ai mà xem.
- Vậy giờ mình chia cặp, cho cặp thì yêu thắm thiết, cặp say nắng nhau… Diệu góp vào.
- Mình phải cho người này yêu đơn phương, người kia yêu người nọ, người nọ lại yêu người khác, người khác lại yêu người này… - Phước chêm vào.
- Trời, yêu gì mà lòng vòng không đầu không cuối, rối nùi vậy - Bảo cười thành tiếng
- Mà sau cùng họ hy sinh hết, thôi, để cho họ yêu trọn vẹn đi. Trong đời thực không biết họ đã từng được nếm hương vị tình yêu chưa, nhưng trong phim, ít ra mình nên cho họ được hưởng chút xíu ngọt ngào tình yêu - Hoàng xuống giọng.
- Ờ, tự dưng thấy thương nhân vật của chúng mình - Diệu cũng trầm giọng..
- Mà nè, cho họ gặp nhau và yêu nhau ở trong khu rừng chiến khu Tây Ninh. Mình lấy bối cảnh đó tuyệt nhất. Dưới những tán bằng lăng cổ thụ, mùa hoa nở, sau mỗi cơn gió, hoa rụng xuống như mưa tím, hai người nắm tay nhau trong không gian đó… Thu mơ màng…
Không biết có phải do các linh hồn liệt sĩ phù trợ, hay chính vì cái tâm của "Ngũ Long" quyết làm phim mà kịch bản được duyệt nhanh chóng, được thành phố đầu tư sản xuất, không những thế, còn để cho "Ngũ Long" đảm nhiệm vai trò đạo diễn, cũng như tham gia casting diễn viên, một tiền lệ chưa bao giờ có với những phim được thành phố đầu tư, bởi họ muốn chính những người trẻ làm phim về những người trẻ, như một phép thử với phim đề tài truyền thống lịch sử cách mạng. Khỏi nói, niềm vui cứ lâng lâng ngấm ngầm sướng nguyên mấy ngày. Và "Ngũ Long" cũng tự hiểu là cả năm người phải thật cố gắng, mang hết tâm trí để làm sao cho phim phải đạt được sự mong mỏi và tin tưởng của mọi người.
Trước ngày khai máy, "Ngũ Long" quyết định trở lại khu rừng Chàng Riệc - Tây Ninh, nơi đóng quân của Trung ương Cục miền Nam thời chiến tranh, không chỉ tìm cảm hứng, mà như một chuyến đi báo cáo với các linh hồn, chặng đầu của cuốn phim - là kịch bản đã hoàn thành, và sẽ tiếp tục để phim hoàn thành thật tốt. Lần trở lại này, "Ngũ Long" dừng lại lâu hơn ở mấy khu lán trại phục dựng căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày xưa, xin phép ban Quản lý di tích, cho phép ngủ một đêm trong rừng, để cảm nhận thêm những gì đã diễn ra vào ngày xưa ở nơi đây. Hoàng còn tỉ mỉ hơn, đã ghi âm những tiếng bom pháo, tiếng nổ các loại vũ khí cá nhân của Mỹ, của quân Giải phóng…
Cũng không phải mọi việc xuôi lọt, ngay từ khâu casting diễn viên đã gặp khó. Rất nhiều diễn viên chuyên nghiệp, từng diễn xuất trên sân khấu hay truyền hình đến thử vai. Nhưng khi cầm đọc kịch bản và những phân cảnh để chuẩn bị vào vai diễn thử thì một số từ chối casting, vì vai diễn chiến sĩ biệt động khó quá, số khác nhận casting, nhưng không cảm nhận được vai diễn, nên diễn trớt quớt. Sau, "Ngũ Long" quyết định tới trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố, casting sinh viên Khoa Diễn viên Kịch - Điện ảnh. Và một dàn diễn viên trẻ, đầy tiềm năng diễn xuất, được hóa thân vào những chiến sĩ biệt động tràn đầy thanh xuân năm xưa…
May mắn tiếp theo cho "Ngũ Long", trong khi làm phim, đã được sự giúp đỡ của Quân Khu 7, Bảo tàng miền Đông Nam bộ, nên các phân cảnh chiến đấu, đã được phục dựng đầy hiệu quả. Mỗi ngày trên phim trường, là một ngày dài hơn 24 giờ, với những cảnh quay gần như không nghỉ, cả ekip phim miệt mài làm việc không biết mệt. Những cú máy long - shot, one - shot, những cảnh giao chiến ác liệt…, không làm khó mọi người mà chỉ làm cho sự phấn khích tăng thêm, tất cả đều để tâm vào công việc của mình để hoàn thành xuất sắc.
Không thể quên cảm xúc của "Ngũ Long" khi được xem những bản in đầu tiên. Và như một cơn địa chấn niềm vui với "Ngũ Long" khi những thước phim sau cùng được thực hiện hoàn hảo, những ngày hậu kỳ, đến khi những trailer phim được tung lên mạng và những TVspot phát sóng truyền hình giới thiệu phim… Cảm giác ngắm nghía bộ poster phim được tung ra các rạp, đợi chờ buổi chiếu đầu tiên cho truyền thông và bạn bè, tất cả cứ ngợp lên với "Ngũ Long". Họ nắm tay nhau, mắt lấp lánh.
5.
Khu rừng Chàng Riệc - Tây Ninh mùa hoa dầu song nàng rụng, giống từng trái cầu lông nâu thẫm xoay tít trên cao bay xuống, nhẹ nhàng chạm vào thảm lá khô, chỉ nghe xào xạc rất khẽ. Bầu trời hình như cao hơn xanh hơn, gió cũng lãng đãng hờ hững chạm vào những ngọn lá, ánh nắng tỏa xuống như rắc phấn, làm không gian cứ bàng bạc liêu trai trong giấc ban trưa. "Ngũ Long" chọn nơi này để nghỉ sau những ngày làm phim quên giờ giấc, cũng là tự thưởng cho thành công của phim.
Thu thích thú lượm từng cánh hoa bỏ vô chiếc nón lá, miệng không ngớt:
- Trời, nhìn khủng thế này mà như một món đồ mỹ nghệ thần tiên đẹp bất ngờ.
Bảo thì lo nhìn đám rễ chằng chịt của cái cây kơnia cổ, tay vuốt trên đám rêu úa vàng phủ mượt bộ rễ:
- Làm sao mà tìm được đâu là chiếc rễ cái đầu tiên ha.
Diệu ngồi mơ màng, ngước mắt lên nhìn đám lá trên cao…
- Bây giờ mà có một chiếc lá ước… ước gì chúng mình cứ thế này mãi…
Phước đang nằm gối đầu lên một gốc cây, hứ một cái.
- Bà cứ thế chứ tui không à. Giờ tầm này tuổi, cả lũ ế không lo…
Hoàng nằm bên cạnh Phước, ngồi nhỏm dậy:
- Hỏi thiệt, chứ lúc đó tim có rung rinh ai không nè? Thu tới bên ngồi xuống, cắc cớ hỏi Hoàng.
- Thì hồi đó tim tui rung hết ba bà. Có thằng Phước chứng.
- Phước tui cũng rung rinh cả ba bà. Nên giờ ế nè…
- Phải vậy rồi mấy ông trốn tụi tui mất biệt, không thèm gặp cho tới giờ? - Diệu đãi giọng hờn mát.
- Đâu có, các bà ra trường, ai cũng nổi, tui chìm lỉm, không dám ngoi gặp, mắc cỡ.. Đợi luyện thêm vài thành công mới ló mặt. Phải không Phước. Ông thì nổi sớm hơn tui - Hoàng tưng tửng
"Ngũ Long" cứ thế trêu chọc nhau, ôn chuyện xưa, tính chuyện tiếp, cùng những trận cười liên miên làm cả khu rừng như chộn rộn hẳn lên. Thanh xuân đang độ chín, "Ngũ Long" lại nắm tay nhau, hẹn tiếp tục những tác phẩm mới. Giữa họ là cuộc đua ngầm, là sự cống hiến thật nhiều những giá trị chân - thiện - mỹ cho thành phố của mình. Phía trước đang chờ đón những thành công của họ.