Thang nối lên trời

Thứ Bảy, 28/10/2023, 15:16

Tất cả những thông tin anh có về cô gái chỉ vỏn vẹn Mẻ, hai mốt tuổi nhà ở Tả Phìn. Ấy vậy mà như một cái duyên định mệnh, giữa thâm sơn cùng cốc rộng lớn với ít thông tin vậy nhưng Tuấn lên mạng vẫn tìm được homestay nhà cô và có được số điện thoại của Mẻ. Anh gọi điện cảm ơn Mẻ và hẹn mùa lúa chín vàng những thửa ruộng bậc thang sẽ lên thăm cô.

Không phải tuổi ngựa nhưng đôi chân Tuấn chẳng lúc nào thôi bồn chồn bởi đam mê xê dịch. Tuấn thấy mình giống con chim lạc đàn, hớt hải bay trên bầu trời để tìm kiếm một chốn an yên cho chính mình. Tuấn đi nhiều nhưng chẳng nơi nào anh ở lại lâu, từng vùng đất, từng con người cứ nhàn nhạt lướt qua đời Tuấn. Nhiều khi đến chính anh cũng hoang hoải, rốt cuộc trên tinh cầu hơn bốn tỷ năm tuổi này liệu có nơi nào thuộc về mình hay không?

Tuấn chẳng nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu khoảng trời cao xanh vời vợi, qua bao nhiêu dốc núi cheo leo, bao nhiêu đại dương trập trùng sóng nước. Cánh chim đơn độc cứ mải miết thiên di suốt những năm tháng trai trẻ trong tiếng thở dài của thầy, và giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt in hằn những nhọc nhằn một đời vất vả của u, sau những lần Tuấn gạt phắt đi ý định hỏi mối làng trên xóm dưới. Đã ngoài ba mươi chứ chẳng trẻ trung gì nữa, cứ lông bông theo những chuyến đi sao được. Thầy u không hiểu Tuấn, đến ngay cả Tuấn cũng chẳng hiểu nổi mình. Tuấn từng nghe ai đó bảo rằng cứ đi rồi sẽ đến, cứ tìm rồi sẽ thấy vậy mà suốt bao năm qua Tuấn vẫn chẳng tìm được ai đồng điệu với mình để rồi những chuyến đi cứ nối dài mãi trong những thắc mắc, hoài nghi chính mình.

*

Mẻ là cô gái Dao đỏ nổi tiếng xinh đẹp nhất Tả Phìn. Đôi má Mẻ ửng hồng, mắt đen láy như hạt nhãn, đôi môi đỏ mọng như quả chín trong rừng còn giọng nói thì trong như tiếng suối reo, mái tóc đen chảy dài chạm đến hông, nước da trắng ngần cùng hàm răng đều như hạt ngô nương khiến bao chàng trai say đắm. Nhà Mẻ có mở một homestay nhỏ phục vụ khách du lịch đến tắm thuốc. Homestay lúc nào cũng đông đúc người, khách đến bởi bài thuốc trứ danh gia truyền nổi tiếng trị các bệnh giảm đau nhức xương khớp, cải thiện mất ngủ, dưỡng da… cũng có mà để được ngắm con gái bà chủ cũng nhiều.

Nhà Mẻ có truyền thống nhiều đời hái thuốc lá. Từ ngày còn bé Mẻ đã theo chân bố mẹ vào rừng, lên núi tìm các loại thảo dược. Để làm ra được bài thuốc tắm có khi cần tới 120 loại thuốc khác nhau trong đó có nhiều cây thuốc quý nổi bật như liên đằng hoa nhỏ, màng tang, rễ cây hoa ông lão, cây chùa dù, cây cơm cháy… Những loại thuốc tốt chỉ mọc ở những nơi vách núi cheo leo, dốc cao thậm chí lên đến tận đỉnh Phan Xi Păng mới kiếm được. Mẻ được bố mẹ dạy cho từng loại cây thuốc, đặc tính, nơi mọc của chúng nên từ năm mười hai tuổi đã thành thạo các loại thuốc và quen thuộc việc đi rừng, leo núi hái thuốc. Từ hồi đó Mẻ đã có thể một mình leo lên đỉnh Phan Xi Păng để hái thuốc. Có những chuyến đi để hái đủ số thuốc mang về Mẻ phải đi mất mười ngày, nửa tháng nhưng chẳng hề hấn gì.

20517485835b54050d4a10.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Từ ngày mở homestay lượng thuốc dùng cũng nhiều hơn dù nhà đã trồng nhiều cây thuốc trong vườn nhà và phơi khô nhiều bài thuốc để phục vụ khách nhưng có một vài loài cây chỉ có thể tìm thấy sâu trong những cánh rừng. Hôm ấy nhà hết thuốc, Mẻ lại xách gùi lên núi hái thuốc về cho mẹ. Mẻ đi khi trời còn lẫn trong màn sương, rẽ cây vặt lá mà đi, Mẻ đã quá quen với còn đường lên đỉnh Phan Xi Păng nên chẳng có chút ngại ngần. Sáng hôm sau, dù Mẻ đã hái đủ số thuốc mẹ cần và trời thì đang rỉ rả những hạt mưa nhưng Mẻ vẫn chưa quay về luôn. Cô tiếp tục leo lên trên cao để ngắm những bông hoa đỗ quyên, mùa xuân về rừng Hoàng Liên chẳng gì đẹp bằng những bông hoa đỗ quyên nở ra từ những vách đá. Từ nhỏ Mẻ đã mê mẩn loài hoa này mỗi lần lên núi, bố kể cho Mẻ nghe về câu chuyện tình yêu cảm động liên quan đến loài hoa đẹp này.

Ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ nọ, tuy hoàn cảnh nghèo túng nhưng hai người hết mực yêu thương nhau trong một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi. Người chồng vào rừng sâu săn bắn, đốn củi người vợ ở nhà dệt vải, se lanh, tảo tần cơm nước, cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Bỗng một ngày chàng trai đi vào rừng nhưng mãi không về, cô gái ngóng chờ qua bao nhiêu ngày gà gáy, bao nhiêu hoàng hôn mặt trời khuất sau núi cũng không thấy chồng về bèn quyết định khăn gói vào rừng để tìm chồng. Cô đi mãi, đi mãi vượt qua bao nhiêu núi cao, vực sâu hoang hoải tìm tung tích chồng giữa chốn rừng thiêng nước độc nhưng chẳng tìm thấy bóng dáng người con trai cô yêu. Cuối cùng vì quá đau buồn và kiệt sức cô gái đã ngã khuỵu và chết nơi tảng đá. Từ tảng đá đó đã mọc lên một loài cây rất đẹp.

Người chồng mang theo rất nhiều thú vật săn bắn trở về nhưng không thấy vợ đâu, hỏi ra mới biết cô đã vào rừng tìm mình, anh vội vã đi tìm vợ, đi mãi, đi mãi cuối cùng khi đến tảng đá loài hoa đẹp kia anh gục xuống và hóa thành một con chim. Con chim chỉ hót vào lúc hoàng hôn, tiếng hót khắc khoải trong ánh chiều tà tựa tiếng kêu than. Tiên ông ở trên trời chứng kiến chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng nên đặt loài hoa là hoa đỗ và loài chim là chim quyên. Theo thời gian chẳng biết từ bao giờ người đời gọi loài hoa ấy là đỗ quyên, có lẽ bởi mong muốn cả hai mãi mãi gắn bó thủy chung với nhau. Khi nghe bố kể Mẻ đã khóc rất nhiều, thương cho loài hoa đẹp, thương cho số phận của đôi lứa yêu nhau. Càng thương Mẻ càng thêm quý hoa đỗ quyên nên mỗi độ xuân về thể nào cũng vài lần Mẻ lên đây.

Đỗ quyên nở ở độ cao từ 2.800m trở lên, những cây hoa rực rỡ trong sắc xanh đại ngàn làm Mẻ ngẩn ngơ. Đang chìm đắm trong hương sắc của loài hoa thì bỗng Mẻ nghe thấy tiếng hét thất thanh.

*

Dù không thiếu những người bạn để đồng hành cùng nhưng những chuyến đi của Tuấn bao giờ cũng chỉ một mình. Một người, một xe, một máy ảnh, anh lang thang trên khắp các cung đường từ miền núi đến miền biển. Cô độc giữa núi non mây trời, sông nước biển hồ cho Tuấn cảm giác mình đang được sống. Chiếc lồng dù có sơn son, thếp vàng với đủ đầy đồ ăn cũng chẳng bao giờ cám dỗ nổi một con chim mong cầu tự do. Bởi vậy công việc với mức lương ổn ở quê mà Tuấn dễ dàng có được với tấm bằng xuất sắc trong khi người khác phải thi thố, chạy chọt đủ kiểu chẳng được cũng không thể giữ chân Tuấn được quá ba năm.

Ngày Tuấn thưa với thầy u chuyện mình nghỉ việc trong bữa cơm chiều muộn, tưởng thầy u sẽ cấm cản nhưng Tuấn không ngờ thầy chỉ bảo, "con đã không muốn thì thầy u có cấm cũng chẳng được, con cũng lớn rồi chuyện tương lai của con, con tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, thầy u chưa bao giờ thôi tin tưởng con". Còn u không nói gì chỉ giục hai bố con ăn cơm đi cho nóng. Không dưng bữa ấy từng hạt cơm trệu trạo mà mặn chát trong miệng Tuấn, lúc đó Tuấn mới nhận thấy tóc thầy u đã chuyển màu muối tiêu từ bao giờ. Năm ấy Tuấn hăm hai, từ độ đó, Tuấn mải miết theo những chuyến đi, vừa đi vừa chụp, vừa viết bài để gửi mấy tờ báo anh cộng tác. Tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để anh thực hiện cuộc hành trình đi tìm chính mình.

Tuấn đến với Sapa lần đầu tiên để chinh phục đèo Ô Quy Hồ. Trong giới du lịch phượt như Tuấn không ai không biết đến "tứ đại đỉnh đèo" của miền Bắc là Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin và Ô Quy Hồ. Trong bốn đèo thì chỉ duy nhất có Ô Quy Hồ là Tuấn chưa đi nên lần đó dù chân mới lành sau vụ tai nạn ở chuyến đi miền Tây sông nước Tuấn vẫn quyết tâm chinh phục cung đường đèo này.

Ô Quy Hồ được mệnh danh là "vua đèo vùng Tây Bắc" bởi độ dài và những khúc cua tay áo uốn lượn trên độ cao 2.000m so với mặt nước biển. Không làm Tuấn thất vọng, Ô Quy Hồ lẫn trong làn sương mờ ảo, dù đã đi qua những cung đường đèo nguy hiểm với một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo, Tuấn vẫn choáng ngợp trước cảnh quan hùng vĩ của "vua đèo".

Sương giăng kín lối đi, sương che khuất mặt người tầm nhìn xa trong làn sương chỉ chừng hai mươi gốc chuối đổ lại. Tuấn phải về số cho xe chạy thật chậm để bò đi trong sương. Cảm giác lành lạnh, sờ sợ xen lẫn háo hức khiến Tuấn phấn khích vô cùng. Qua tầng sương mờ mặt trời nhô lên từ biển mây, những đám mây trắng tràn từ đỉnh núi chảy xuống như dòng thác bạc bồng bềnh trôi trong những miền xanh thẳm của núi rừng. Mây gần lắm, cảm giác như đưa tay ra có thể ôm trọn những đám mây trắng vào lòng.

Tuấn dừng xe đứng lại giơ máy ảnh chụp lia lịa như muốn gom chọn khoảnh khắc hùng vĩ của thiên nhiên vào trong ống kính. Anh hít hà cho đầy một bụng không khí mát lạnh nơi đây rồi hét vang giữa bốn bề rừng núi một cảm giác phóng khoáng và tự do tự tại vô cùng. Lần đó Sapa cũng chỉ níu chân Tuấn được hai ngày cả đi lẫn về, sau khi chinh phục được đèo Tuấn vội vã rời đi cho một chuyến hành trình mà anh đã lên lịch trước đó nhiều tháng. Sapa sau lần đó đọng lại trong Tuấn cũng mờ ảo như những làn sương mờ quanh năm vây lấy Ô Quy Hồ.

*

Sapa gọi Tuấn trở lại vào mùa đỗ quyên nở thắm dãy Hoàng Liên. Tuấn nghe nói từ trên đỉnh Phan Xi Păng nhìn xuống những vòm hoa đỗ quyên đỏ, hồng, vàng, tím, trắng xen lẫn giữa màu xanh của những thảm cây rừng tựa như chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ của nàng tiên đại ngàn được mẹ thiên nhiên tỉ mẩn dệt lên từ hàng ngàn chi tiết cầu kì, tinh tế.

Để lên đến đỉnh Phan Xi Păng có bốn cung đường, dễ dàng nhất và được nhiều du khách chọn nhất là đi trên cáp treo ba dây dài nhất thế giới để lên đỉnh Phan Xi Păng. Cung đường hai là leo núi từ Trạm Tôn lên đến đỉnh. Cung đường này được đánh giá khá dễ khi ít dốc, thoải và nhiều đường mòn, ít vắt. Cung đường ba nhiều dốc cao, ít đường mòn và phải di chuyển qua nhiều núi đồi xuất phát từ Sín Chải đến Trạm Tôn rồi lên đỉnh. Cuối cùng là cung đường xuất phát từ bản Cát Cát, đây là cung đường dài nhất và dốc nhất, hiểm trở và nhiều khúc quanh. Tuy nhiên đây cũng chính là cung đường có cảnh quan hùng vĩ và đa dạng nhất. Tuấn đã chọn cung đường khó khăn nhất này để thử thách chính bản thân mình khi anh đã từng chinh phục thành công các đỉnh Tà Xùa, Lảo Thẩn, Kỳ Quan San - Bạch Mộc Lượng Tử.

Sau khi ăn sáng Tuấn mang theo balo đồ nghề tiến hành leo núi, những dốc núi cứ cao dần theo từng bước chân đi, mùa xuân vẫn còn vấn vương trên những cành đào thắm nở muộn, những bông hoa mận bật bông trắng muốt trong tiết trời miền núi tháng ba vẫn còn lạnh căm. Cảnh vật hai bên đường như mê dụ đôi chân Tuấn bước đi. Sau 8 tiếng vừa di chuyển vừa nghỉ ngơi Tuấn đã đến được vị trí lán nghỉ qua đêm ở độ cao 2.150m.

Ngày thứ hai bắt đầu từ lúc sáu giờ sáng, mặt trời ló rạng chiếu những tia nắng xuyên qua tán lá rọi xuống những vệt tròn màu mật ong sưởi ấm cả khu rừng lạnh. Tuấn tiếp tục cuộc hành trình xuyên qua những con suối róc rách chảy, qua rừng thảo quả thơm ngào ngạt nép mình dưới những gốc cây cổ thụ hàng trăm ngàn năm tuổi. Xuyên qua khu rừng già đến rừng trúc, đường mỗi lúc một khó đi, có đoạn phải bám vào đá mà leo khi bên dưới là vực sâu hun hút, những phiến đá ẩm khiến Tuấn trơn trượt suýt ngã mấy lần.

Vắt dưới tàn lá mục thấy hơi người ngoe nguẩy những đầu vòi như chiếc kim để bám vào chân người. Dù đã bao bọc chân rất kỹ nhưng chẳng biết chúng làm cách nào mà vẫn bu đầy chân Tuấn, khi thấy ngứa nhìn xuống thì từ những chiếc kim ban đầu con nào con nấy lúc nhúc dưới chân to bằng cả ngón tay cái. Thể lực Tuấn cũng đã hao hụt nhiều sau nhiều giờ leo núi, vẫn biết cung đường mình chọn là khó nhất nhưng khi xuất phát Tuấn không nghĩ rằng nó lại hiểm trở đến thế này. Thế nhưng đã đâm lao phải theo lao anh phải tiếp tục hành trình của mình, cuối cùng anh cũng đến vị trí lán nghỉ ở độ cao 2.680m vừa kịp lúc trời tối.

Ngày thứ hai là một ngày mệt nhọc nhưng Tuấn rất phấn khích bởi chỉ mấy trăm mét nữa thôi từ độ cao 2.800m là lãnh địa của loài hoa đỗ quyên và 3.143m chính là nóc nhà Đông Dương nơi anh sắp chinh phục được. Đêm đó sau khi ăn xong bữa tối, Tuấn chìm vào trong giấc ngủ mê mệt, đêm đại ngàn ru Tuấn bởi những âm thanh của núi rừng, Tuấn mơ thấy những cánh hoa đỗ quyên bay trong gió cuốn Tuấn bay cao lên tít tắp những tầng mây.

Ngày thứ ba cũng là ngày cuối của chuyến hành trình, sau hai ngày thời tiết rất ủng hộ với nắng khô ráo, hôm nay khi tỉnh dậy trong cơn mộng đẹp Tuấn mới nhận ra trời đang mưa. Mưa không nặng hạt nhưng có vẻ sẽ còn rất lâu mới tạnh. Sau khi nạp năng lượng bữa sáng Tuấn quyết định mặc áo mưa và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Mưa, cỏ cây ướt át trong vẻ u buồn, bầu trời xám xịt và lối đi dường như khó khăn hơn rất nhiều. Tuấn cố gắng mon men từng bước đi một cách thận trọng, đá đất rất trơn chỉ cần sẩy chân là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Mưa, lạnh nhưng mồ hôi vẫn túa ra khắp trán Tuấn vì mệt. Bỗng Tuấn nhận ra những bông hoa đỗ quyên nở sáng bừng trong màn mưa bụi, những bông hoa nở từ những gốc cây già nua hàng trăm năm tuổi mọc cheo leo trên những vách đá núi. Mọi mệt nhọc trong Tuấn như theo làn nước mưa trôi đi, anh phấn khích nhảy lên mà quên mất mình đang đứng trên một tảng chênh vênh để rồi ngay sau đó là tiếng hét thất thanh vì đau đớn của Tuấn.

*

Tuấn quay lại Sapa sau hơn nửa năm điều trị, vẫn một mình với chiếc xe máy và chiếc máy ảnh trước ngực nhưng lần này ở Tả Phìn có người đang chờ sẵn Tuấn. Tuấn đến Tả Phìn đúng mùa nước đổ, những ruộng bậc thang như chiếc gương khổng lồ soi vào đó những đám mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh thẳm. Soi cả vào ánh mắt cười của người con gái làm Tuấn thổn thức. Lần đó nếu không nhờ có Mẻ chắc có lẽ Tuấn đã không còn cơ hội đến thăm Sapa lần thứ ba như này nữa.

Tuấn tỉnh dậy ngoài trời mưa đã ngừng rơi tự bao giờ, mơ màng không biết chuyện gì xảy ra vừa mở mắt thấy trước mặt mình là cô sơn nữ đẹp tựa nàng tiên nữ núi rừng. Trong vô vàn những vùng đất anh đặt chân đến, trong triệu triệu những khuôn mặt lướt qua cuộc đời anh, chưa bao giờ anh thấy người con gái nào xinh đẹp đến như vậy. Tuấn vô thức đưa tay lên định chạm vào đôi gò má của nàng thiếu nữ thì bất ngờ cơn đau từ đâu kéo đến làm anh hự lên một tiếng. Cô gái nhận ra anh đã tỉnh vội vàng trấn an, không sao đâu tôi đã gọi người đến cứu và đắp lá lên vết thương, tôi nghĩ anh chỉ bị gãy xương đùi thôi, may cho anh chỗ đó không quá dốc.

Tuấn lúc này mới tỉnh khỏi cơn mê man, khó nhọc nói lời cảm ơn cô gái và mặt bỗng đỏ ửng lên khi nhận ra đầu anh đang gối lên đùi cô. Anh cố gắng lách đầu sang một bên nhưng cô gái đã kịp ngăn lại và quay mặt đi tránh nhìn ánh mắt của Tuấn, anh cứ nằm yên mà nghỉ. Phải hơn một tiếng sau đội cứu hộ mới tới, họ đưa anh lên cáp treo rồi di chuyển về bệnh viện. Trước lúc xe cấp cứu rời đi Tuấn kịp tặng cho cô gái bông hoa đỗ quyên mà anh đã hái được trước khi trượt chân ngã, bông hoa anh vẫn nắm chặt kể cả trong lúc bất tỉnh.

Tất cả những thông tin anh có về cô gái chỉ vỏn vẹn Mẻ, hai mốt tuổi nhà ở Tả Phìn. Ấy vậy mà như một cái duyên định mệnh, giữa thâm sơn cùng cốc rộng lớn với ít thông tin vậy nhưng Tuấn lên mạng vẫn tìm được homestay nhà cô và có được số điện thoại của Mẻ. Anh gọi điện cảm ơn Mẻ và hẹn mùa lúa chín vàng những thửa ruộng bậc thang sẽ lên thăm cô. Cả hai vẫn giữ liên lạc, nhắn tin qua lại, trong những ngày Tuấn ở viện điều trị vết thương, Mẻ luôn quan tâm, động viên anh. Một người ham đi mà phải nằm trên giường suốt sáu tháng quả thật không dễ dàng với Tuấn. Những lúc chán chường Tuấn thường nhớ về cô gái với ánh mắt long lanh như gom vào những tia nắng của núi rừng Tây Bắc, rồi những ngày khó khăn với Tuấn cũng qua. Anh chẳng thể chờ khi triệu triệu bông lúa chín vàng vẽ lên nền trời xanh Tà Phìn bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên đất trời mà vội vã đến ngay khi đám rạ của vụ mùa cũ vừa kịp thối gốc.

*

Tuấn ở lại trong homestay nhà Mẻ, phụ cô phơi phóng mấy loại cây thuốc. Mẹ Mẻ thấy từ ngày có Tuấn con gái bà lúc nào cũng ríu rít hát ca như chú chim non thì hài lòng lắm. Ai đi con gái hai mốt tuổi rồi mà bao nhiêu mối hỏi đều không chịu. Tuấn quyết định chinh phục đỉnh Phan Xi Păng lần thứ hai, lần này Tuấn không đi một mình nữa mà có Mẻ đồng hành. Hình như có Mẻ đi cùng chặng đường như ngắn lại, dốc núi như thoải hơn, Tuấn chẳng còn biết mệt nhọc. Mẻ tranh thủ hái thuốc trong quá trình leo núi, Mẻ chỉ cho Tuấn về các bài thuốc để sau này có vào rừng còn biết hái trong những lúc cấp bách.

Mùa hè những cây hoa đỗ quyên chưa đến mùa nhưng bù lại là hương sắc của hồng cổ, hồng leo, cẩm tú cầu cũng rạng rỡ không kém. Mẻ kể cho Tuấn nghe về truyền thuyết của loài hoa đỗ quyên, Tuấn nghe xong bần thần một lúc rồi nói, vậy người ta tặng hoa đỗ quyên cho người yêu phải không? Mẻ không trả lời ngượng ngùng quay đi, Tuấn kịp nhìn thấy có mặt trời đỏ ửng hai bên má trắng hồng của Mẻ. Mẻ bảo nếu người con gái tặng lại người con trai hoa đỗ quyên thì có nghĩa là cô gái đồng ý làm người yêu chàng trai.

Chinh phục đỉnh núi lần hai đúng vào mùa mưa đường trơn và suối chảy xiết nhưng nhờ có Mẻ, Tuấn đã hoàn thành được ước nguyện dang dở của mình. Từ trên đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m phủ trắng bởi mây trời, Tuấn thấy lòng mình nhẹ tênh, thảnh thơi đến lạ kỳ, mọi muộn phiền tựa như mây trắng bồng bềnh và trôi theo gió.

Cả hai về Tả Phìn khi mặt trời gom nắng đổ về tây, cả một khoảng trời đỏ ối màu tiết gà. Xa xa từ mấy nóc nhà đồng bào Dao, Mông khói bếp nhà ai phả lên nền trời những bình yên dịu nhẹ như thôi thúc những bước chân trở về. Tiếng lục lạc trên cổ những con trâu theo chân đám trẻ về nhà ngân vang những âm thanh như hòa chung vào bản nhạc của núi rừng khiến lòng Tuấn thấy bình yên quá đỗi. Hình như Tuấn đã tìm ra thứ mà bao lâu nay anh vất vả đi tìm. Ai rồi cũng sẽ thuộc về một vùng đất để rồi từ đó đất nở những bông hoa thơm cho người quý nó. Có lẽ Tuấn thuộc về những đơn sơ mộc mạc nơi này, đủ bình yên, đủ bao dung và đủ cả những yêu thương.

Mẻ nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ của Tuấn khi chứng kiến cảnh hoàng hôn từ nhà cô, ngập ngừng một lúc cô mới lấy từ túi ra bông hoa đỗ quyên đã khô nhưng vẫn còn vẹn nguyên những cánh hoa mỏng manh. Mẻ đặt bông hoa cạnh Tuấn, nói lí nhí Mẻ tặng anh rồi vội đứng lên chạy vào nhà như sợ ai đó nhìn thấy mặt cô còn đỏ hơn cả mặt trời đang lặn dần sau núi kia. Nhận bông hoa đỗ quyên khô Tuấn nở nụ cười rạng rỡ chay theo Mẻ để lại sau lưng những giọt nắng cuối ngày rọi xuống những ruộng bậc thang mềm mại uốn lượn, từng tầng từng tầng trong ráng chiều như chiếc thang dài nối mãi lên bầu trời.

Truyện ngắn của Lê Đình Trung
.
.