Thảm kịch từ lao phổi

Thứ Sáu, 01/11/2024, 10:45

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng ho từ phòng bên cạnh. Tiếng ho phát ra từ phòng các con tôi, âm thanh khô khốc, gay gắt và bắt đầu trở nên dữ dội. Tôi giật mình bật dậy và đi vào phòng bọn trẻ. Trong ánh sáng le lói của đèn ngủ, tôi có thể thấy các con nằm trên giường với khuôn mặt đỏ gay. Tôi đưa tay lên sờ trán con bé, cảm thấy nóng như lửa đốt.

-Bác sĩ! Tôi đã sẵn sàng để nghe sự thật. Hãy cho tôi biết liệu tôi có bị lao phổi hay không. Nghĩa vụ của ông là phải thẳng thắn với bệnh nhân và tôi có quyền được biết chính xác tình trạng của mình.

Vị bác sĩ hơi do dự, đẩy ghế bành ra sau và đáp:

- Anh tự cởi áo được không?

Người đàn ông cởi áo, để lộ khuôn ngực trần đáp:

- Tôi sẵn sàng rồi.

ae884a360be7b3b9eaf68.jpg -0
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Vị bác sĩ bắt đầu khám cho anh ta. Người bệnh cẩn thận dõi theo quá trình khám, chăm chú lắng nghe trong lúc đứng, gót chân chạm vào nhau, hai cánh tay buông thõng, cằm ngước lên. Trong căn phòng im lặng, chỉ có tiếng hít thở vang vọng như một giai điệu rỗng tuếch. Khi khám xong, vị bác sĩ vỗ nhẹ vai người bệnh và mỉm cười:

- Anh mặc áo lại đi. Nhịp tim hơi nhanh gây cảm giác bồn chồn, nhưng tôi có thể cam đoan rằng sức khỏe của anh không có vấn đề gì cả… Anh không vui khi nghe tin này sao?

Người đàn ông đang mặc áo bỗng dừng lại, anh ta ngước lên với ánh mắt sắc như dao cạo. Anh ta đáp với nụ cười nửa miệng:

- À có, tôi vui chứ... Rất vui là đằng khác.

Trong khi người đàn ông tiếp tục mặc áo trong im lặng, thì vị bác sĩ bắt đầu kê đơn. Người đàn ông ra hiệu cho bác sĩ dừng lại: “Thôi khỏi cần đâu, bác sĩ!”.

Người đàn ông lấy từ trong túi ra một đồng vàng và đặt lên góc bàn, anh ta mở lời bằng giọng hơi run:

- Mười tám tháng trước có một bệnh nhân đến đây yêu cầu ông khám cho anh ta. Ông đã chẩn bệnh và bảo rằng anh ta mắc lao phổi, tình trạng rất nguy kịch. Đừng chối cãi làm gì, tôi không hề nói sai đâu. Ông còn bảo may mắn là anh ta chưa lấy vợ và có con, không thì khổ cho gia đình.

- Tôi không nhớ nữa - Vị bác sĩ lẩm bẩm - Có thể đúng là như vậy. Bởi lẽ tôi đã khám cho rất nhiều bệnh nhân. Nhưng tại sao anh lại nhắc tới chuyện này?

- Bởi tôi chính là người bệnh nhân đó. Khi cánh cửa phòng khám đóng lại sau lưng, thì ông làm gì bận tâm suy nghĩ thêm về tôi lần nào nữa? Tôi chẳng qua cũng chỉ là một trong hàng nghìn những bệnh nhân lao phổi bất hạnh của ông. Tuy chẩn đoán của ông chẳng lấy đi mạng sống nhưng đã biến cuộc đời tôi thành địa ngục.

Người đàn ông nuốt khan rồi nói tiếp:

- Tôi đã nói dối với ông rằng mình độc thân. Tôi từng kết hôn, từng là chồng, là cha của những đứa con. Khi về nhà, vợ và con gái đang chờ tôi. Lúc ấy mùa đông nhưng trong nhà lại ngập tràn hơi ấm từ ngọn lửa lớn cháy rực nơi lò sưởi. Tôi luôn yêu những giây phút được cùng vợ con quây quần. Tôi yêu cái ôm của vợ, nụ hôn của các con. Cả ngày tôi chỉ trông chờ đến khoảnh khắc đó để được tự do, để cùng gia đình quên đi những lo âu trong cuộc sống.

Nhưng kể từ ngày được ông chẩn bệnh, tôi từ chối nụ hôn của vợ, tôi xua đuổi con gái khi chúng chạy đến gần. Tôi cố giấu nỗi buồn của mình, trái tim tan nát khi nghĩ đến những người thân yêu mà tôi sắp phải lìa xa, gia đình sắp mất đi trụ cột, những đứa trẻ phải lớn lên mà không có cha.

Dù bị kết án tử, nhưng khi được ôm ấp, áp chặt vào tim của những người thân yêu thôi thì đó vẫn còn lại niềm an ủi, sự hạnh phúc gọi là đền bù. Nhưng còn tôi thì sao? Một hiểm họa đối với bất cứ ai mà tôi đến gần. Tuy vẫn còn sống, nhưng tôi không còn quyền để tận hưởng niềm vui như bao người sống khác.

Khi đến giờ đi ngủ, các con lại xúm quanh tôi như thói quen. Tôi lại đẩy chúng ra. Miệng tôi, cái miệng khủng khiếp của tôi sẽ không bao giờ được đến gần chúng nữa. Rồi mọi thứ trở nên yên ắng cả trong nhà và ngoài phố. Tôi tắt đèn và trằn trọc nằm cạnh vợ, nghe thấy tiếng thở khẽ của cô ấy. Một đêm không ngủ mệt mỏi trôi qua. Tôi đưa hai tay lên ngực, dùng ngón tay lần mò những chỗ đau trong phổi. Tuy không cảm thấy gì, nhưng tôi lại hoàn toàn tin vào phán quyết mà ông đưa ra. Thế rồi tôi nghĩ có khi ông bác sĩ đó bắt sai bệnh thì sao? Mình nên tìm khám một bác sĩ khác.

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng ho từ phòng bên cạnh. Tiếng ho phát ra từ phòng các con tôi, âm thanh khô khốc, gay gắt và bắt đầu trở nên dữ dội. Tôi giật mình bật dậy và đi vào phòng bọn trẻ. Trong ánh sáng le lói của đèn ngủ, tôi có thể thấy các con nằm trên giường với khuôn mặt đỏ gay. Tôi đưa tay lên sờ trán con bé, cảm thấy nóng như lửa đốt. Nó tiếp tục ho và quay qua quay lại không yên. Tôi ở lại bên cạnh nó một lúc lâu, trong đầu hình thành nên một ý nghĩ khủng khiếp, con bé đã bị nhiễm lao phổi từ tôi. Và tôi tin ngay vào điều đó như một chân lý.

Ngày hôm sau, tôi không dám nói với vợ rằng con bị bệnh. Tôi không có can đảm để mời bác sĩ về nhà. Tôi sợ người bác sĩ ấy sẽ biết được và nói ra nguyên do gây bệnh chính là tôi. Tôi tự hổ thẹn với chính mình và im lặng một cách hèn nhát.

Tôi nhớ về sự đáng sợ của lao phổi. Rồi lần lượt vợ và các con gái nhỏ của tôi sẽ chết dần chết mòn, cuộc đời bị đày đọa cho đến khi trút hơi thở cuối. Nỗi sợ đó ngày càng ám ảnh tôi và rồi, tôi quyết định bản thân phải có nghĩa vụ chấm dứt sự đau đớn không thể tránh khỏi này. Tôi phải gánh trên vai trách nhiệm của số phận, đưa ra cái chết nhẹ nhàng nhất để cứu những người thân yêu khỏi số kiếp đầy bi kịch.

Đúng vậy, chính tay tôi đã giết vợ và các con mình. Ông nghe rõ chưa? Việc đầu độc tiến hành nhanh gọn và êm ái. Ban đầu tôi đã định tự sát, nhưng như thế thì quá nhẹ nhàng, tôi đáng bị trừng phạt. Tôi đáng bị một mình chịu đựng sự dày vò đau đớn của căn bệnh lao phổi quái ác. Đó chính là hình phạt nặng nhất mà tôi có thể áp đặt cho mình.

Nhưng vài tuần sau khi giết vợ và các con mình, tôi cảm thấy khỏe trở lại. Bên mạn sườn không còn đau và những trận ho ra máu hoàn toàn chấm dứt. Tôi ăn uống ngon miệng và bắt đầu có da có thịt. Lúc đầu tôi tin rằng, vì một lý do nào đó mà căn bệnh đã chững lại tạm thời để rồi sau đó trở lại dữ dội hơn. Nhưng sau vài tháng, tôi buộc phải nhìn vào sự thật rằng mình đang khỏe lên, tôi đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng liệu có thật ngay từ đầu tôi đã mắc lao phổi hay không?

Suy nghĩ này ban đầu rất mơ hồ nhưng dần dần nó trở nên rõ ràng. Ông có hiểu điều đó có nghĩa gì không? Nếu tôi bị lao phổi thì việc sát hại vợ con là cần thiết, nhưng tôi vẫn khỏe mạnh như thế này, chẳng phải tôi đã giết những người mà mình yêu thương nhất vì một sai lầm rất ngớ ngẩn sao?

Và rồi tôi tin chắc rằng ông đã chẩn bệnh sai, tôi không hề bị lao phổi. Tim tôi như thắt lại. Tự tay tôi đã hủy hoại cuộc đời mình, của những người thân yêu. Tất cả là vì sai lầm của ông. Và hôm nay tôi đến đây để nghe chính miệng ông thú nhận sai lầm ấy!

Vị bác sĩ lắp bắp:

- Chúa ơi, tôi đâu phải lúc nào cũng đúng... Gần đây bệnh lao phổi đã trở thành nỗi ám ảnh, nó len lỏi vào mọi thứ trong cuộc sống... Nó thật sự đã tác động đến tôi một cách vô thức… nên có thể là tôi đã sai... Những thầy thuốc vĩ đại nhất cũng đã từng chẩn bệnh sai cơ mà? Thôi để tôi khám lại cho anh lần nữa vậy…

Người đàn ông phá lên cười man dại:

- Khám lại? Ông cho tôi là loại đồ ngu nào chứ? Ông đã tự mình gây ra nghiệp chướng và cho rằng có thể thoát tội bằng lòng nhân từ khám lại cho bệnh nhân sao? Tôi chẳng bị bệnh gì sất! Ông đã bảo tôi như vậy mà. Lần này cũng thế, tôi sẽ chấp nhận phán quyết của ông mà không thắc mắc gì. Ông đã biến tôi thành kẻ sát nhân, ông chính là đồng phạm. Thế nên nghĩa vụ của tôi là phải đưa ra phán quyết, kết án và thi hành án!

Hai phát súng vang lên. Khi người ta vội vã chạy vào thì phát hiện ra hai cái xác nằm chồng lên nhau.

Hiếu Nghiêm (dịch)

C. P. Donnell (Anh quốc)
.
.