Tha thứ
Ngó quanh ngôi nhà, bỗng nhiên tôi thấy chột dạ khi bước đến phòng ngủ. Cảnh tượng tan hoang không kém gì phòng khách, một chiếc ghế nằm lăn lóc trên giường còn nguyên vết máu đỏ. Nhưng… Sao khung cảnh này lại quen đến thế? Trong lúc xô xát, tôi cũng đã vơ mọi thứ trong phòng để đáp trả hắn, hắn sợ hãi bỏ chạy. Con dao trên tay Hải cũng chính là con dao mà tôi đã cầm để đâm chết anh ta, kết thúc những căm hận trong lòng mình!
Lúc hai mẹ con tôi đang ở nhà bà ngoại xếp đồ để chuẩn bị quay về thành phố thì bác Thương đến, mang theo túi quà gửi cho cháu nội và bác nói nhiều lắm, tôi ậm ừ dạ vâng cho xong chuyện rồi cất đồ, tạm biệt bố mẹ ra đi. Sở dĩ tôi chẳng mặn mà câu chuyện với bác không phải vì tôi quá bận bịu, chỉ là tôi ghét việc phải gặp gỡ hay liên quan gì đến Hải. Tôi còn đang định mở nhạc thật to rồi cùng con trai ngân nga hát cho quãng đường về nhà thật thi vị, thế nhưng vừa nhắc đến cái tên ấy là tôi lại chẳng còn chút cảm hứng. Hay là tôi vẫn còn quá nhỏ nhen khi cứ để chuyện cũ trong lòng mãi chăng?
Hải là con út và cũng là con trai duy nhất của bác Thương, người chị gái ruột của mẹ tôi. Anh ta hơn tôi tám tuổi. Từ nhỏ, Hải đã được bố mẹ chiều chuộng, con nhà nông nhưng chẳng phải động tay vào bất cứ việc gì, còn thoải mái la cà chơi bời khắp nơi. Nếu như chỉ có vậy thì tôi cũng chẳng có gì phải ghét bỏ anh ta, thế nhưng có chuyện này xảy ra khiến tôi hận hắn mãi.
Đó là một ngày hè khi tôi lên bảy tuổi, ngôi nhà cũ của gia đình chúng tôi được bố mẹ phá đi một nửa để dành đất xây ngôi nhà mới. Tôi cùng anh trai chen chúc nhau ngủ trên gác xép chật chội và nóng hầm hập như một cái nồi hấp không có lối thoát hơi. Vừa uể oải thiếp đi sau nhiều giờ lăn lộn trên nền chiếu thì trời mưa to, chúng tôi lại phải dậy để tìm đồ hứng nước dột, cứ nửa tiếng lại phải đổ đi một lần. Đến nửa đêm thì mưa dần ngớt, bọn tôi không còn phải thức để canh đổ nước nữa. Nhưng lúc bố mẹ tôi lên gác xem chúng tôi lần cuối và quyết định đi ngủ hẳn thì Hải đến gọi cửa xin ngủ nhờ.
Từ trên gác xép, anh em tôi lúi húi mở tấm riđô ngó xuống xem. Hải lê dép xoèn xoẹt vào ngồi trên chiếc ghế gỗ, để lại những vũng nước lớn trên nền nhà. Anh ta ướt như chuột lột, bộ quần áo màu đen dính chặt lấy người, rỉ nước xuống tí tách, trên tay vẫn còn cầm theo một vài quyển vở đã ướt nhẹp. Hắn nói vì mải chơi game nên quên giờ về và bị mắc mưa nên giờ mới ra khỏi quán được. Mẹ tôi mắng cho anh ta thêm vài câu. Bố tôi lấy chiếc quần đùi của anh tôi cho hắn thay rồi bảo anh ta lên gác ngủ.
Đêm ấy cả nhà thức khuya, mắt ai cũng díp lại, không còn sức bận tâm nhiều nữa nên rất nhanh đều chìm vào giấc ngủ. Đến gần sáng, những lỗ hổng trên mái nhà đưa những tia nắng sớm rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi xoay người né tránh thì cảm nhận rõ dưới thân mình từng đường gân chiếu ướt lạnh. Cảm giác ấy rất lạ. Mở mắt ra xem, tôi hốt hoảng không tin nổi vào mắt mình: chiếc áo trên người tôi đã bị tốc lên đến ngang ngực, còn thân dưới của tôi, chiếc quần dài đã bị tuột ra đến đầu gối!
Tôi bật mình ngồi dậy, mau mải kéo lại quần áo trước khi bị ai đó nhìn thấy. Tôi tự hỏi chuyện này là sao? Tôi đã nằm mơ và tự làm ra cái việc đáng xấu hổ này ư? Sao có thể như vậy được! Ở bên góc phản, anh tôi vẫn gác chân lên chiếc rương gỗ ngáy đều đều. Nhưng trước mặt tôi, thùng quần áo động đậy như có một con vật nhỏ đang nghịch ngợm bên trong. Hóa ra cái vật đang lấp ló kia là một chỏm tóc và hai cánh tay đang quờ quạng lục tìm thứ gì đó. Tôi thấy kỳ lạ liền hỏi:
- Anh làm gì thế?
Ngừng một lúc, Hải thò hẳn mặt lên, đôi mắt liếc ngang liếc dọc, ấp úng trả lời:
- À, anh… anh nóng quá không ngủ được ấy mà, em ngủ đi.
Tôi đang không hiểu chuyện gì xảy ra thì gã anh họ tụt người xuống, thò hai chân ra mặc quần, hành động vụng về để lộ cơ thể lõa lồ - trên người hắn không có một mảnh vải che thân! Tôi kinh hãi chạy xuống nhà, vào nằm cứng đờ như pho tượng bên cạnh mẹ tôi cho đến khi mọi người thức dậy cả. Sau đó, gã anh họ tôi làm ra cái vẻ mặt bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Tôi không dám kể chuyện đó cho ai biết. Mỗi lần chạm mặt hoặc thậm chí chỉ cần nhắc đến Hải là cảm giác sợ hãi lại chiếm lấy toàn bộ tâm thức tôi. Dường như biết được điều đó, Hải càng tự nhiên thể hiện tình cảm “anh em” với tôi trước mặt mọi người. Những câu trêu đùa, những cái bẹo má làm nên cho hắn hình ảnh một cậu thiếu niên vui tính và yêu quý trẻ con. Chẳng ai biết những lần cậu ta kín đáo và chớp nhoáng rờ tay vào những nơi khiến đứa em gái nhỏ giật mình. Hay những lần cậu ta lẻn vào phòng em gái rồi chốt cửa lại, chỉ khi cô bé bật khóc mới mở cửa và vờ rằng chỉ đang trêu. Mãi cho đến khi học cuối cấp hai, kiến thức từ sách vở mới cho tôi hiểu được câu chuyện trong quá khứ. Tôi thấy kinh tởm và căm hận cái người mà tôi gọi là anh họ ấy vô cùng.
Chuyện đó đã qua từ rất lâu, cả tôi và anh ta đều đã trưởng thành và có gia đình, đáng lẽ tôi nên quên đi. Nhưng thật khó cho tôi khi giờ tôi với anh ta lại sống trong cùng một thành phố, các con chúng tôi học chung lớp, lại vốn là anh em họ hàng nên tôi với anh ta không thể tránh khỏi những lần gặp gỡ, va chạm. Tôi cứ phải tận mắt nhìn thấy cái vẻ bề ngoài trí thức, đàng hoàng giả tạo của hắn; phải chứng kiến kẻ xấu xa ấy thênh thang bước đi trên con đường rải sẵn hoa hồng. Điều đó mới khiến tôi càng thêm khinh ghét anh ta và hằn sâu thêm vết thương trong lòng mình.
*
Nhà Hải cách nhà tôi chẳng bao xa nhưng phải đến một năm rồi tôi không ghé qua đó. Hải lấy vợ không lâu thì mua đất xây nhà. Đó là may mắn của hắn: Vừa mới đi làm, hắn quen biết thế nào lại lấy được cô vợ đẹp, con nhà có của; có bố vợ hậu thuẫn, công việc của hắn cũng thăng tiến rất nhanh. Hắn lại có một đứa con gái. Thật nực cười và khó hiểu là một gã đàn ông như Hải lại rất yêu chiều con gái. Anh ta đi đâu cũng muốn đưa con đi cùng, con bé giống như một món đồ trang sức đắt giá của hắn vậy. Nhiều lần tôi tự hỏi người cha như hắn thì sẽ dạy cho con gái những gì? Liệu hắn có biết dặn con phải cảnh giác với đàn ông, nhất là những người có vẻ đẹp đẽ, tử tế như bố không nhỉ? Nghĩ vậy, lần nào tôi cũng bất giác phì ra khỏi miệng một tiếng cười nhạt.
Tôi dừng xe lại trước một ngôi nhà to đẹp nhất phố, ngôi nhà hai tầng màu trắng có dàn hoa giấy nở rực rỡ trước cổng, nhưng gọi mãi không có ai ra. Trong nhà, mấy người đàn ông đang tranh nhau nói về một vấn đề gì đó, lâu lâu lại phá lên cười rồi thưởng phạt nhau bằng những chén rượu. Tôi đoán đó là những nhân viên của Hải. Thi thoảng đi đón con gặp vợ Hải, chị ta vẫn nhắc đến những cuộc nhậu như thế.
Một cậu thanh niên nghe thấy tiếng tôi thì chạy ra mở cổng, tươi cười nói:
- Chị ạ, chị Hương đang ở cửa hàng, còn anh Hải thì đưa con gái đi học múa, chắc cũng sắp về rồi ạ.
Tôi chẳng quan tâm lắm đến việc đi hay ở của vợ chồng này, vốn định đưa được túi đồ là sẽ đi luôn. Nhưng mái tóc vuốt ngược và cái mụn ruồi ở cằm của cậu thanh niên đối diện bỗng cho tôi một cảm giác rất quen, tôi đã thấy ở đâu đấy mà nhất thời không thể nhớ ra được, bèn hỏi thăm xã giao:
- Hình như chị gặp em ở đâu rồi thì phải, trông em quen lắm.
Cậu trai trẻ nhìn tôi với ánh mắt đăm chiêu một lúc rồi há miệng to, đôi mắt sáng lên như phát hiện điều thú vị:
- À, em nhớ ra chị rồi, chị là phụ huynh học sinh lớp 2A Trường tiểu học Trung tâm Thành phố phải không?
- Đúng rồi, con em cũng học lớp đó à?
- Dạ không, em mới đi làm từ đầu năm, làm gì đã có vợ hả chị, là em đi họp cho cháu Ngọc Anh đấy chứ ạ. Hôm đó cả anh Hải và chị Hương đều bận nên không đi họp được. Chị không để ý chứ, em vẫn thường xuyên đón Ngọc Anh lúc tan học đấy ạ.
Hóa ra là vậy. Hôm ấy họp giữa kỳ, cậu ta là một trong những phụ huynh đến muộn nhất trong lớp. Còn tôi thì có đứng lên phát biểu vì nằm trong ban đại diện phụ huynh học sinh, chắc vì thế mà cậu ta mới nhận ra tôi. Cậu ta mới vào cơ quan chưa lâu mà Hải đã nhờ đưa đón và đi họp phụ huynh hộ thì chắc hẳn là hắn phải rất thân thiết và tin tưởng người này.
Không ngờ con trai tôi cũng biết cậu thanh niên ấy, vừa quay xe đi, nó liền leo lẻo miệng nói:
- Mẹ ơi, con biết chú này, chú này mua cho chị Ngọc Anh nhiều đồ lắm mẹ ạ.
- Sao con biết?
- Lần trước lúc tan học, con rủ chị Ngọc Anh về cùng nhưng chị ấy bảo đợi chú Dương đón, chú ấy đưa đi mua giày múa mẹ ạ.
- Thế lần nào đón chị chú cũng mua quà cho à?
- Vâng ạ.
Giọng thằng bé trả lời cao vút, tôi biết nó đang thèm được như thế lắm nhưng tôi vẫn kiên định quan điểm không phung phí tiền bạc vào những thứ đồ không cần thiết, bèn phủ đầu ngay:
- Trẻ con không nên vòi quà người lớn con nhé. Hôm nào con bảo chị Ngọc Anh, chú mới đi làm không có tiền, không được đòi chú như thế.
- Con cũng bảo chị suốt ngày đòi, nhưng chị ấy bảo chú có nhiều tiền, thích gì thì chú đều mua cho, chỉ cần chơi với chú ấy là được.
- Chơi cái gì với chú ấy?
- Chơi trò chơi chăm em bé mẹ ạ. Chú ấy mua cho chị Ngọc Anh con búp bê em bé nằm trong cái xe đẩy. Có hôm chị ấy giấu trong cặp mang lên lớp, bọn con gái tranh nhau bế xong thay quần áo, cho ăn sữa buồn cười lắm mẹ ạ.
Tôi thấy có gì đó sai sai. Một nam thanh niên có thể yêu trẻ đến mức thích chơi với búp bê sao? Hay chuyện cũ làm cho đầu óc tôi không thể nhìn nhận mọi thứ trong sáng bình thường được như mọi người? Tôi lắc đầu xua tan ý nghĩ bắt đầu trở nên phức tạp khi nhận ra mình chỉ còn một buổi tối để thư giãn cuối tuần.
*
Tôi đang dở tay dọn dẹp sau giờ cơm tối thì chuông điện thoại vang lên không ngớt. Là chị Hương, vợ Hải gọi. Mới chiều nay chị ấy gọi cảm ơn tôi vì đã mang giúp đống đồ từ quê lên, không biết có việc gì mà giờ lại gọi tiếp. Tôi nhấc máy nhưng chưa kịp mở lời, đầu dây bên kia đã vang lên tiếng la hét, đổ vỡ. Một người đàn ông nói giọng gấp gáp:
- Cô là người nhà chị này hả? Cô đến đây ngay, đang đánh nhau ở đây này.
Sao, chị Hương đi đánh nhau? Trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi nhưng người đàn ông chỉ nói địa chỉ rồi lập tức cúp máy. Quả thực tôi rất ngại việc va chạm, nhất là lại liên quan đến Hải. Nhưng ngoài tôi ra, vợ chồng Hải không còn ai là người nhà ở đây cả, tôi lại càng không biết bạn bè, đồng nghiệp của cả hai nên không thể gọi cho ai khác được. Tôi cũng không thể làm ngơ, nhỡ nhà ấy có làm sao, thế nào bố mẹ tôi ở quê cũng sẽ trách tôi ở ngay gần mà không đến giúp. Thế thì tôi thà nhờ chồng đi cùng một lúc cho xong chuyện.
Lần theo địa chỉ, vợ chồng tôi đi vào một con đường nhỏ ở ven thành phố mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Đây là khu vực mới quy hoạch, chưa có đèn cao áp, không gian xung quanh tối và vắng vẻ. Con đường gồ ghề sỏi đá và bụi bặm dẫn vào một xóm nhỏ có vài ba ngôi nhà nằm rải rác giữa những đồi lau sậy. Cách một đoạn xa, tôi đã nghe thấy tiếng chó sủa inh ỏi. Ở ngôi nhà cuối xóm, người ta xôn xao đồn đoán về câu chuyện liên quan đến tiếng chửi bới và đập phá bên trong.
Từ đám đông ấy, hai người đàn ông, người kéo, người đẩy một người cởi trần, chân đất chạy ra. Hắn bước đi loạng choạng, người rũ xuống như một cành cây chết héo, đầu tóc rũ rượi, máu lã chã rơi từ khuôn mặt cúi gằm. Gần đến chỗ chúng tôi, hắn ngửa đầu lên, máu me loang lổ khắp mặt và cổ. Nhưng đây chẳng phải cậu thanh niên có nốt ruồi dưới cằm tôi mới gặp ban chiều đó sao, sao lại ra nông nỗi ấy?
- Tao phải giết mày thằng khốn nạn! Tao phải giết mày!
Hải từ trong nhà lao ra, trên tay lăm lăm một con dao thái sắc lạnh, gương mặt đỏ phừng phừng, đám đông hô hào nhau tản ra xa. Nhưng may mà Hải cũng đang say lắm, hắn chạy không nổi, chân trước đá chân sau ngã dúi dụi. Hắn đứng lên, rồi chạy, rồi ngã tiếp. Có người giật được con dao trên tay hắn ném đi. Mấy người đàn ông xông lại giữ Hải. Họ giữ hắn như giữ một con gấu bị thương đang gầm gào. Con vật có vẻ yếu nhưng nó sục sôi trong người cái máu nóng như lửa đốt và cặp móng sắc nhọn chỉ cần với đến là con mồi không thể thoát được. Nhưng con mồi của Hải đã chạy ra đến ngoài đường lớn rồi, hắn tức điên lên, vùng vằng, gào thét:
- Bỏ ra, tao phải giết nó, hôm nay nó phải chết!
Chồng tôi chạy đến khuyên giải:
- Thôi anh Hải, đánh nó thế được rồi, mai tỉnh táo rồi gặp nó nói chuyện.
Hải xô đẩy muốn thoát ra nhưng đám người vẫn không nhúc nhích, hắn lúc này như một con côn trùng mắc kẹt giữa mạng nhện, tự làm mình kiệt sức đi rất nhanh. Khi không còn sức gào thét nữa, hắn nhìn mặt từng người và cố gằn giọng nói như đã tỉnh rượu:
- Chú bỏ anh ra, hôm nay anh phải cho nó chết! Bỏ ra!
- Nó chết rồi thì sao? Thì anh phải đi tù! Thế vợ con anh để cho ai?
Nghe nhắc đến vợ con, Hải bỗng im lặng, gương mặt đỏ gay dần nguội ngắt và cau lại trắng bợt. Hắn ngồi thụp hẳn xuống đất, hai tay ôm bịt lấy trán, miệng hít sâu rồi thở hắt ra như nín nhịn một cơn đau đang quằn quại. Hắn cứ như vậy im lặng, không ai hiểu hắn đang nghĩ gì.
Đám đông từ đằng xa đã di chuyển ra đến vây quanh Hải, mỗi người một câu khuyên nhủ hắn. Bỗng một người phụ nữ kéo tôi quay ra nói nhỏ:
- Chị là người nhà anh ấy đấy hả? Chúng tôi thấy anh chồng đánh người ta dữ quá, bảo chị vợ gọi cho người nhà đến đưa về nhưng chắc sợ quá nên cứ ngồi khóc, thế là chồng tôi mới giật lấy điện thoại gọi luôn. Bây giờ hai mẹ con vẫn ở trong nhà kia kìa.
Tôi vội theo chân người phụ nữ vào trong ngôi nhà nhỏ, nơi còn nguyên dấu vết của một cuộc hỗn chiến: bàn ghế, kệ sách, bàn làm việc bị đập vỡ, đồ dùng sinh hoạt bị quăng hết xuống đất. Tôi cẩn trọng nhón chân đi vào chỗ ghế sô pha, nơi hai mẹ con chị Hương đang ngồi ôm nhau trong thinh lặng. Thấy tôi đến, con bé ngơ ngác nhìn tôi, rồi lại quay sang mếu máo gọi mẹ. Nhưng chị Hương vẫn như một bức tượng ôm chặt con vào lòng, đôi mắt đỏ sưng mọng nhìn vô định vào không gian.
- Có chuyện gì vậy chị?
Tôi ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên vai chị hỏi. Như chỉ đợi có thế, nước mắt chị lã chã tuôn rơi, mãi sau mới cất được giọng nghẹn ngào:
- Thu ơi!... Chị phải làm sao?
- Có chuyện gì chị cứ nói cho em nghe.
Chị lắc đầu hu hu khóc, tiếng khóc bức bối, ấm ức dồn dập khiến chị như không thể thở. Tôi bỗng thấy đồng cảm, hóa ra chị cũng có một nỗi đau ở trong lòng giống như tôi, không muốn cho ai biết. Lâu nay, ác cảm với Hải khiến tôi không thể gần gũi với chị. Tôi hiểu lúc này không nên gặng hỏi gì thêm, cái chị cần chỉ là có người bên cạnh, an ủi. Tôi bùi ngùi vỗ về chị và tự hình dung về sự việc đã xảy ra.
Ngó quanh ngôi nhà, bỗng nhiên tôi thấy chột dạ khi bước đến phòng ngủ. Cảnh tượng tan hoang không kém gì phòng khách, một chiếc ghế nằm lăn lóc trên giường còn nguyên vết máu đỏ. Nhưng… Sao khung cảnh này lại quen đến thế? Trong lúc xô xát, tôi cũng đã vơ mọi thứ trong phòng để đáp trả hắn, hắn sợ hãi bỏ chạy. Con dao trên tay Hải cũng chính là con dao mà tôi đã cầm để đâm chết anh ta, kết thúc những căm hận trong lòng mình!
Những ngày tháng ấy hiện lên trong trí nhớ tôi rõ mồn một, hai chân tôi bủn rủn không thể đứng vững. Cũng trong một căn phòng ngủ, tôi đối mặt với Hải, một mình và hết lần này đến lần khác. Chẳng có ai nghe thấy tiếng tôi gọi! Không ai an ủi khi tôi khóc. Trong mắt mọi người, tôi chỉ là một con bé khó ở, hay vô cớ cáu giận. Tôi hận anh ta đến nỗi muốn giết chết anh ta. Và tôi đã làm thế thật, tôi cảm thấy vui biết mấy. Nhưng khi tỉnh giấc, anh ta vẫn xuất hiện, vẫn là một người anh hiền lành và vui tính, vẫn tự tin, đạo mạo thách thức tôi.
Tôi đã từng kiên nhẫn sống qua những ngày cô độc chỉ để chờ đến ngày mình đủ can đảm biến những hình ảnh trong giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Nhưng may mắn cho tôi, bạn bè và công việc đã kéo tôi quay trở lại. Tôi nhận ra cuộc đời này vẫn còn nhiều điều tươi đẹp đáng tận hưởng, hơn là cứ bận tâm đến người như anh ta. Tôi đã tha thứ cho hắn sao? Không hẳn. Nhưng tôi đã tin rằng chuyện kinh tởm ấy đã biến mất mãi mãi cùng với quá khứ của tôi. Vậy mà trước mắt tôi là gì đây? Một bé gái, một căn phòng lạ và trò chơi chăm em bé… tôi cần ai đó nói rằng linh cảm của tôi là sai!
Tôi cầm lấy con búp bê hình em bé sơ sinh đang há miệng chờ được ăn sữa, lồng ngực nhói lên từng cơn. Nhìn con bé Ngọc Anh đang nép mình vào ngực mẹ, tôi lấy hết can đảm đi đến tìm lời giải đáp:
- Ngọc Anh, con búp bê này… con chơi trò gì với chú vậy?
Con bé mếu máo trả lời:
- Chú dạy con thay quần áo, cho búp bê ti, nhưng con không thích làm búp bê đâu, chú cứ bắt con làm búp bê, con đau lắm cô ơi! - Con bé khóc lu loa, nỗi sợ hãi hiện lên trên gương mặt non nớt tội nghiệp - Mẹ ơi con không về cùng chú nữa đâu, chú đánh con đau lắm!
Người mẹ ôm mặt con tì xuống ngực, chị ngước mặt lên khóc như một đứa trẻ, từng lời xin lỗi thốt lên thống thiết và đau đớn. Tôi nghe có tiếng sét đánh ngang tai, đôi chân khụy xuống. Trong vòng tay mẹ, cháu gái tôi nhỏ bé và xinh xắn như một nàng búp bê. Tại sao luôn có những kẻ xấu xa chực chờ dẫm đạp lên một nụ hoa tươi thắm còn chưa kịp nở? Tôi kéo chiếc áo khoác che lại tà váy rách tả tơi trên người con bé. Bàn tay tôi run run nâng niu lấy cặp má phúng phính còn in hằn năm ngón tay to bè dập đỏ, không thể kìm được nước mắt cứ thế tuôn rơi. Tôi ôm chặt lấy hai mẹ con và an ủi con bé mà như tự nhủ với chính mình:
- Nín đi con, đừng sợ! Sẽ không có ai dám làm vậy với con nữa đâu!
*
Tôi buộc lại mái tóc gọn gàng trước khi cô giáo Chủ nhiệm tuyên bố kết thúc cuộc họp phụ huynh cuối cùng của năm. Nhưng cô lại nói tiếp với vẻ mặt rất nghiêm túc:
- Thưa các vị phụ huynh…
Tôi kín đáo liếc mắt nhìn về phía Hải thăm dò. Anh ta vẫn ngồi yên lặng, khuôn mặt không một biểu cảm. Buổi họp kết thúc khá muộn, chỉ trong chốc lát, sân trường đã sạch bóng người. Thật may khi tôi có điều muốn nói với Hải thì lại thấy anh ta một mình lững thững bước đi.
- Anh Hải!
Hải quay lại, khá bất ngờ. Có lẽ vì đã lâu lắm tôi không chủ động bắt chuyện với anh ta. Tôi ngập ngừng hỏi:
- Tại sao anh lại kể chuyện đó cho nhà trường biết?
Hải cúi xuống thở dài, nói như một người ăn năn hối lỗi:
- Cô Thu, những kẻ như thế không xứng đáng được tha thứ.
Là Hải đang nói đó sao? Tôi gần như không tin nổi những gì mình vừa nghe được. Hóa ra thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ, khiến con người thức tỉnh và nhận ra cái sai của mình. Tôi từng rất muốn Hải phải nếm trải cảm giác đau khổ mà hắn đã gây ra cho tôi, nhưng bằng cách này thì tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi biết nỗi ám ảnh ấy sẽ không bao giờ có thể biến mất hoàn toàn trong trí nhớ của Ngọc Anh, cho dù sau này con bé có đủ vị tha để bỏ qua tất cả. Nhìn dáng người tiều tụy và vẻ mặt u buồn của Hải, tôi bỗng thấy tội nghiệp cho anh ta.
Tôi không thể nói rằng tôi may mắn hơn con gái hắn, nhưng tôi nghĩ câu chuyện của tôi còn giữ được bí mật có khi lại là tốt hơn, ít ra là chỉ có một mình tôi tổn thương vì nó. Chẳng có gì đau đớn hơn với người làm cha, làm mẹ khi biết đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra lại bị một người mà mình thân thiết, tin tưởng làm hại. Tôi biết Hải đang đau lắm, nhưng vết thương ấy sẽ lành lại thôi vì Dương đã bị bắt, sắp phải đền tội trước pháp luật, và vì thời gian còn khiến người ta bao dung, vị tha hơn hẳn, giống như tôi lúc này.
- Em nghĩ anh nên cho cháu đến dự buổi liên hoan chia tay của lớp. Chỉ có hòa nhập với cộng đồng mới giúp cháu sớm vượt qua nỗi ám ảnh và lấy lại sự tự tin anh ạ.
- Ừ.
Hải đáp ngập ngừng, gương mặt buồn rười rượi. Tôi từ biệt anh ta đi về phía cổng. Bỗng anh ta gọi từ phía sau, dè dặt nói:
- Cô Thu, tôi cảm ơn… và cũng xin lỗi cô!
Tôi quay người lại khe khẽ gật đầu rồi nhanh chân bước đi. Dưới những tán phượng vỹ đỏ rực, những tiếng ve đầu mùa bắt đầu vang lên. Một năm học nữa lại trôi qua, chẳng mấy chốc mà tuổi thơ non nớt sẽ khép lại để các con bước vào tuổi dậy thì ẩm ương, khó bảo. Nhưng tôi nghĩ giờ thì mình đã sẵn sàng làm một người mẹ mạnh mẽ và khôn ngoan để cùng con tạo nên những kỷ niệm đẹp, êm đềm trong cuộc đời nó.