Tâm vòng xòe

Thứ Năm, 10/10/2024, 11:47

Nắng mưa là việc của trời, việc nương rẫy là của con người, mùa gieo hạt không kịp là đói thối mồm. Lò Đôi cũng đang gấp gáp đốt cho ngon mấy nương ngô còn gieo nương mới. Chợt, nghe tiếng nổ như mìn phá đá, ngẩng lên đã thấy quả bom nước trên đỉnh nổ bung từ bao giờ. Lò Đôi quăng người như con trăn gió xuống chân núi.

Tôi vuốt mồ hôi, định trình giấy giới thiệu cho chủ tịch xã. Bỗng, ngoài cửa, bà Nênh chân đất, những ngón chân sần sùi như bấu vào đá, đi thẳng trước bàn nói trong tiếng khóc:

- Con dê đực làm giống của tôi mất rồi. Hu, hu...

Chủ tịch hạ kính lão thoáng bất ngờ, hết nhìn tôi lại nhìn người đàn bà. Người đàn bà áo xanh, lưng thêu hình vuông màu đỏ bằng hai bàn tay, thắt lưng nâu. Chắc bà từ bản Cang Cói từ xa đến đây. Tôi chưa đến nhưng biết tích Cang Cói từ nhỏ. Bố tôi bảo ở đấy có loài giống khỉ, giống vượn hay đười ươi, chưa tường mặt, những đêm khuya khoắt cất tiếng kêu “cang cói... cang cói...” liên hồi. Nghe tiếng kêu, người xưa mới đặt tên cho bản Cang Cói. Tôi cũng không lạ gì vùng cao, cứ việc to việc nhỏ đều nhờ chính quyền giúp sức. Nhìn sang bàn bên thấy tôi mặc sắc phục Công an, bà nấc lên:

- May gặp chú Công an, tìm dê cho tôi với!

Chợt nghe chủ tịch gõ bút vào cuốn sổ, ngẩng mặt nói rành rọt:

- Tìm con dê đã. Việc của cháu chú biết rồi, hôm trước Công an huyện đã gọi điện báo sẽ tăng cường cho xã một đồng chí Công an chính quy. Giờ giao việc này cho cháu luôn. Mời bà sang Tổ An ninh nói rõ đầu đuôi. Đi luôn.

Rồi, chủ tịch dẫn tôi sang phòng bên, trên cửa gắn biển “Tổ An ninh”. Trong phòng có dăm người mặc áo Công an viên đang hí hoáy làm việc. Chủ tịch giới thiệu tôi, dặn dò nhanh vài câu. Một người tên là Minh đứng lên hỏi con dê về đặc điểm, các nghi ngờ...

Bà ta thưa:

- Dê đực râu dài, lông đen, to như con bê, mất sáng nay, chắc mang đi chợ phiên.

Nghe xong, nhìn sang tôi, Minh nói:

- Chú đi làm với bọn anh - Minh cười ranh mãnh - Có Công an chính quy đi cùng thì lo gì. Chú Nếnh chuẩn bị làm nhiệm vụ.

Từ sáng tôi chưa ăn gì, bụng đói vã mồ hôi, lại lội bộ hơn mười cây số, nghe việc tôi cởi phăng quần áo thay đồ dân sự, thít chặt dây giày, cùng anh em tìm dê. Qua một con suối, vượt một con đèo đến bản Xá gặp người qua đường, Minh hỏi có gặp người dắt dê đực đen qua đây không. Người đi đường ậm ừ một lát, thấy có nhưng dê trắng. Lại quả quyết, dưới cằm dê chẳng thấy sợi râu nào, chắc dê cái. Hướng nào? Đi về chợ phiên.

Tâm vòng xòe -0
Minh họa: Phạm Hà Hải

Tìm nhím đã thấy đuôi, anh em giục nhau chạy tiếp. Qua hẻm núi đã thấy hai người dắt dê đi. Thoáng bóng Lò Lẻ nhà bản Nong Phụ cầm dây kéo dê đi trước. Người đi sau chưa biết tên cầm roi quất vào lưng dê, vẻ vội vàng. Đến nơi, anh em trố mắt nhìn con dê trắng từ mõm đến đuôi. Cằm dê quả không có sợi râu nào, nhưng hai quả cà to như quả dưa bở. Hỏi tại sao? Dê già rụng hết râu. Dê của ai, bắt đi đâu? Dê nhà chứ của ai, hôm nay chợ phiên, mang đi bán. Đúng không. “Men tè” (đúng rồi), Lò Lẻ nói. Tôi nhìn anh em, anh em nhìn tôi. Nhầm rồi, dê đực râu dài lông đen, sao lại trắng. Ngước lên đỉnh Nong Phụ, ông trời đã trốn từ lâu, anh em đành về nhà nghỉ tạm.

Gần tối về đến nhà, anh em đã dọn cho tôi một gian nhỏ ở gần Tổ An ninh, làm việc và sinh hoạt khá tiện. Đến bữa, anh em trong tổ bê ra một mâm. Minh nói trước cúng thổ công, sau ta thụ lộc. Minh nhìn tôi, tiếp: Chúc mừng chú An đến xã Phiêng Mựt nhập thổ công luôn. Mâm cơm có món lạp dê, nậm pịa, măng ngọt mà tôi ăn đắng ngắt. Chủ tịch giao cho tìm dê và tôi làm không xong. Công an chính quy chẳng hơn gì Công an viên bản học xong xóa mù chữ.

Đưa thìa nậm pịa dê vào miệng mà tôi muốn nôn, xin phép ra ngoài. Dưới gốc cây vả nhiều túm lông màu đen dính bết vào rễ cây. Lông con gì đây, trắng hay đen. Đích thực lông đen. Tôi nhặt một túm lông dùng lá gói lại đút vào túi. Vào mâm, sau chén rượu đồng khởi, tôi hỏi cậu Páo, Công an viên bản Mông làm bếp, thịt dê đâu mà tươi thế, dê đen hay trắng? Páo khoe có người nhà trong bản cho một tảng thịt dê trắng, còn cho cả ống bương nậm pịa anh ạ. Tôi hỏi lúc dội nước sôi cạo lông dê thì lông màu gì. Ôi trời dê trắng thì lông trắng thôi, mà cạo lông trời tối lem nhem ai biết trắng hay đen.

Tôi cười phạt, Páo hai bát đầy như mắt chuột. Ối, ối, sao phạt. Uống xong thì nói. Tôi lấy gói lông mở ra, anh em xem lông đen hay trắng. Mọi người há mồm nhìn nhúm lông. Páo nhanh mồm thốt lên: “Đúng là đen, đen một trăng phần trăng anh em à”. Bữa rượu sôi nổi hẳn lên, bao nhiêu giả thiết xoay quanh túm lông. Con dê đực cà lớn mà không râu. Mọi người đuổi theo một ý nghĩ. Cuối bữa, Minh quay sang tôi hỏi:

- Trưởng Công an xã chính quy nghĩ thế nào?

- Uống rượu không nói chuyện làng nương, ngủ với vợ không kể chuyện người tình. Đầu tuần giao ban ta bàn tiếp.

Minh tủm tỉm:

- Công an chính quy được học hành bài bản nên khôn hơn. Công an bản chúng tôi thì cứ nói thẳng ruột ngựa.

Thứ Hai, họp giao ban Tổ An ninh đầu tiên được tổ chức, chậm cả tiếng mới bắt đầu. Tôi nín nhịn cho anh em họp, đi thẳng về vấn đề tảng thịt dê. Chợt Páo, làm bếp hôm kia, như bị gai đâm vào chân đứng lên nói: “Biết rồi, tẳng thịt dê ăn hôm trước là dê len, ai đó đã lấy vôi nhuộm vào cho dê len thành trắng. Hôm qua tôi làm thử, ra chợ mua miếng da dê len nhuộm vôi, chờ khô dội nước sôi thành len xì, anh em ớ. Mà tôi cũng tức đến nghẹn phổi, chui vào bếp còn bị phạt rượu, chắc Công an chính quy xui tôi tìm ra sự thật. Chính con dê bắt gặp giữa đường là của bà Nếnh đấy. Nhưng, bọn thằng Lẻ đánh lừa ta, nhuộm vôi thành dê trắng. Lại vặt trụi râu dê, nên nhầm”. Nghe giọng ngọng líu ngọng lô của Páo, trong bụng tôi phì cười. Tôi tiếp: “Ý kiến của Páo khá hay, nhưng anh Minh cho tổ kiểm tra lại và triệu tập Lò Lẻ lên làm việc

Gần hết giờ chiều, Minh vào phòng tôi nói ngay: “Thằng Lò Lẻ giấu đầu hở đuôi, chối vào mắt. Anh vừa hỏi vài câu giờ, hắn ngáp vặt, nước mắt giàn giụa. Biết hắn nghiện, đã lên cơn, hắn khai hết: Trong đêm, hắn rủ thằng Chiến đến nhà bà Nếnh trộm dê đực lông đen đi bán. Hai đứa ranh ma vặt trụi râu dê nhẵn như chùi, dùng vôi nhuộm dê trắng phau. Thấy Công an chưa phát hiện ra, hai đứa mang dê vào rừng giết, mang thịt đi chợ phiên bán. Để trêu ngươi Công an xã, còn nhờ người nhà mang cho Tổ An ninh một tảng thịt đỏ lẫn lông trắng. Hu, hu... Bái phục Công an, xin tha cho”.

Thằng đểu, nước mắt cá sấu. Anh đập tay xuống bàn, hỏi to:

- Mày và thằng Chiến có nghiện không.

- Vâng có.

- Kí vào đây.

Tôi thở phào, bắt tay Minh rất chặt:

- Xong vụ dê đen. Chúc mừng anh! Tôi móc thuốc châm lửa. Minh nhả khói, nheo mắt ranh mãnh: “Được chưa, Công an chính quy?”. Tôi cười: “Được lắm!”.

*

Tốt nghiệp trường THPT nội trú tỉnh, tôi thi đỗ vào Trung cấp An ninh. Thời gian như ngựa lồng, chỉ hai năm sau tôi có mặt tại xã Phiêng Mựt đảm nhận chức Trưởng Công an xã.

Sau vụ dê đen - dê trắng, tôi đề xuất với chủ tịch làm một chuyến khảo sát vùng cao. Xã có mười bản thì chỉ có một bản Thái thuộc diện vùng thấp còn chín bản Mông vùng cao. Dân vùng cao sống bằng chăn nuôi, trồng rừng. Thời bao cấp có một nông trường cánh kiến, công nhân gần đến ngàn người, có nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ vùng phên giậu quốc gia. Trong rừng nhiều lán trại bỏ hoang của người chăn nuôi, cũng là nơi chiến khu của bọn tội phạm.

Dọc đường thi thoảng lại gặp hai, ba đôi nam nữ mặt tái, tóc dài, phi xe địa hình, hỏi đi đâu thì nói đi phượt, còn trợn mắt hỏi tôi biết phượt là gì không. Lại gặp đám mang theo đồ nghề bắt ong, bọn này thường bắt cả tổ lẫn mật để bán cho người Kinh. Chính thợ ong vẫn gây nên nạn cháy khủng khiếp đốt trụi mấy cánh rừng. Lại gặp bọn săn bắn hoang dã, bọn lâm tặc... Toàn những đối tượng làm cho Công an địa phương mất ăn mất ngủ.

Đi tiếp đến gần bản Tang Sỏn lại gặp những em bé chừng sáu đến mười ba, mười bốn tuổi, chân đất, quần áo lấm láp mang giỏ tre đi bắt ve sầu, bọ xít. Thường, bố mẹ chúng là người đi tù, đi cai nghiện ma túy nên trông các cháu nheo nhóc, lôi thôi.

Sau đợt công tác về, tôi băn khoăn phải quét sạch ma túy khỏi địa bàn. Làm cách nào, lấy lực lượng đâu chống lại bóng đen ma quỷ, Tổ An ninh chỉ có mười người, liệu có mỏng không? Tôi gọi Minh hội ý bàn bạc chu đáo, lật đi lật lại vấn đề. Xem chừng đã ổn, chúng tôi về phòng ngủ sớm mai lấy sức đi sớm.

Khoảng ba giờ sáng, thời tiết trăng lu, tôi và Minh mặc thường phục, đeo dao, vác máy cưa như bọn phá rừng. Đến ngã ba Đá Lăn, vị trí này hẹp, độc đạo từ Lào sang Việt và từ Việt sang Lào chỉ có một lối này. Một bên là núi đá, một bên là vực sâu. Dân bản nói ngã ba Đá Lăn vì thi thoảng không mưa không gió vẫn có đá to lăn khùng khục. Đá nhỏ thì bằng nắm tay, to bằng con trâu đực, nhiều người đi qua không may chết bất đắc kỳ tử. Tôi và Minh chọn chỗ phục kích cách đường mòn vài bước chân, có nguồn tin mật báo bọn ma túy sẽ từ Lào về Việt Nam hôm nay.

Giờ Dần, giờ Thìn, giờ Tị qua đi không một bóng người. Đến giờ Ngọ có ba người, hai nam một nữ bước tới, Minh nháy mắt cho qua. Đến giờ Thân có hai người cách nhau mười bước, cả hai người đều mặc áo khoác. Chờ chúng rơi vào ổ phục kích, Minh ra ám hiệu, tôi nhảy ra chặn đường, giơ cao súng bắn chỉ thiên: “Đứng im, chạy bắn ngay”. Bỗng nghe tiếng đất đá cành cây đổ rào rào, thằng đi đầu lăn ngay xuống vực.

Mất vài giây, tôi văng mình lao theo, kịp chồm lên người hắn. Hắn khỏe như con hổ bật dậy đạp thẳng vào mặt tôi. Cuộc tỉ thí tay không tiếp diễn. Tôi mặt mũi đầy máu, tay cầm súng buông thõng đau tận óc. Còn đôi chân, tôi ra sức bình sinh song phi vào bộ hạ đối thủ. Nghe rống lên như bò chọc tiết rồi hắn đổ sấp xuống, toàn thân lên cơn co giật liên hồi. Tôi dùng đầu gối đè lên lưng, móc còng khóa chặt thằng ma cô lại.

Nghe trên đường tiếng la thất thanh, lại tiếng súng nổ. Chết rồi, trong Tổ An ninh chỉ có tôi cầm súng. Tiếng súng nổ vừa rồi chắc chắn là của thằng buôn ma túy. Tôi vịn đá, vin cây dong được đối thủ lên đường, đã thấy thằng buôn ma túy bị còng vào gốc cây, Minh đang ôm ngực đầy máu. Nghe súng nổ, Tổ An ninh hộc tốc đến hỗ trợ chúng tôi. Khám người bọn chúng, anh em thu được mười bánh heroin, một khẩu súng ngắn, hai điện thoại di động và năm mươi triệu kíp tiền Lào.

Tại ủy ban xã hai tên này khai là buôn ma túy từ Lào về kiếm lời, một tên là người Lào, tên kia là dân địa phương. Cả hai được Tổ An ninh dẫn giải đến Công an huyện giam giữ. Còn tôi và Minh được xã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Theo bệnh án, tôi bị sai khớp tay, nguy nhất là phơi nhiễm HIV do vật lộn với đối thủ đã nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS. Còn Minh kết quả chiếu chụp bệnh án ghi đạn bắn vào phần mềm ở ngực.

Hằng ngày anh em trong tổ thay nhau đến thăm, cho biết nhiều vụ trộm cắp trong xã đang gây bức bối dân bản. Sau mười ngày điều trị, vết thương bên ngoài đã lên da non, cánh tay đã cử động. Tôi nói khéo với điều dưỡng nhận đủ số thuốc uống phơi nhiễm đút vào túi. Lần đến phòng Minh, tôi động viên anh an tâm điều trị còn tôi chuồn về xã trước.

Về đến xã tôi nói vết thương đã lành. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, chủ tịch mừng lắm. Ông nói thời gian qua, rừng chò, sát biên nhiều đối tượng lúc đi lẻ, lúc đông người mang theo cưa máy, dao búa, có cả nam lẫn nữ, có cả người nước ngoài, không ngoại trừ chúng sử dụng vũ khí nóng. Họ đi sâu vào rừng, ngủ trên lán nương nhiều ngày, có khi cả tháng trời. Họ mang theo chó săn, những con chó lai sói mắt đỏ, bắt hơi cực nhạy, ngoạm vào ai thì chết không nhả. Dân bản đi tìm trâu bò, đi săn, lấy thuốc đều lánh xa. Tổ An ninh tính sao?

Trong đêm. Tổ An ninh họp nhận định đây là cuộc đánh bạc, việc mang máy cưa, dao rìu là che mắt thiên hạ. Nhưng, phá án thì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Khó nhất là cách vô hiệu hóa đàn chó săn và không để bọn chúng kịp trở tay sử dụng đến súng ống. Cuộc họp loay hoay chưa tìm ta phương án tối ưu, trời đã khuya, tôi cho anh em ra về. Vừa đến nhà thì Páo, Công an viên bản Mông đẩy cửa, nói:

- Em định nói ra nhưng sợ anh em chê là mẹo vặt.

- Bắt được chuột thì mèo to, mèo nhỏ đều quý, vụ rừng chò chú có kế gì?

Páo ghé vào tai tôi nói bằng tiếng Mông như sợ ai nghe được lại chê cười. Tôi chú ý nghe, xong đập vai Páo nói to. Được, y án, Tổ An ninh sẽ phối hợp.

Năm ngày sau, vừa sáng tinh mơ, Tổ An ninh đã dong về mười lăm tội phạm. Người còng tay, chó rọ mõm xích cả đàn cùng máy cưa, dao búa được đưa về. Cả bọn tiu nghỉu chui vào “kho” tạm giam, chờ Công an huyện lên dẫn về, trong đó có cả hai người Lào cùng tham gia đánh bạc. Ông chủ tịch đến sớm, bất ngờ hỏi tôi:

- Chúc mừng Tổ An ninh! Cậu có mưu gì mà thắng lớn?

- Nghiệp vụ Công an thôi - Tôi nói nhỏ với chủ tịch - Cậu Páo, Công an viên vùng cao làm nội gián, cậu này mới hợp đồng Công an viên nhìn ngu ngơ mà ăn tiền, bọn chúng tưởng vặt được gà rừng. Có Tổ An ninh hợp đồng tác chiến, trong đánh ra ngoài đánh vào thắng là chắc, chủ tịch ạ.

Đầu tháng ba, người vùng cao có câu “ban nở thì gieo hạt”, tức là vào vụ nương mới. Cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa như trút nước, thoáng cái nghe tiếng nổ như bom, đó là bom nước từ trên đỉnh núi thốc xuống thung sâu. Không những bom nước mà lẫn cùng đất đá, cây cối, thú dữ, trâu bò. Khối bùn đặc quánh đen xì tanh tưởi thi nhau phi thẳng xuống tứ tung. Cán bộ nói là lũ quét, cái chổi của trời quả kinh khủng. Quét sạch rừng, sạch bản, sạch cả mạng người.

Nắng mưa là việc của trời, việc nương rẫy là của con người, mùa gieo hạt không kịp là đói thối mồm. Lò Đôi cũng đang gấp gáp đốt cho ngon mấy nương ngô còn gieo nương mới. Chợt, nghe tiếng nổ như mìn phá đá, ngẩng lên đã thấy quả bom nước trên đỉnh nổ bung từ bao giờ. Lò Đôi quăng người như con trăn gió xuống chân núi. Không chỉ có một quả bom nước mà vạt nương bên phải túi nước khổng lồ thi nhau đổ xuống cuốn Lò Đôi như chiếc lá chìm trong biển bùn, bể đá lộn nhào xuống vực sâu.

Trong cơn nguy biến, Lò Đôi chợt nghe tiếng người, miệng đầy bùn nhả ra cùng tiếng kêu: “Cứu noọng!”. Lò Đôi chỉ thấy cái tằng cẩu có gắn trâm cài bằng bạc nhấp nhô trong lũ cuốn. Đàn bà Thái. Người phụ nữ này tra hạt bên vạt nương Thù Hận. Bản Thái và bản Mông đã tranh chấp vạt nương này nhiều năm dẫn đến đổ máu, nên dân bản đặt vạt nương này là Thù Hận. Tạm thời, quyền canh tác thuộc về người Thái, nhưng người Mông cũng không vừa, gây sự phá phách hoa màu liên miên... Hai bản Mông, Thái thề đến chết không dung hòa. Nam nữ hai bên không lấy nhau... “Cứu noọng!”, tiếng kêu cuối cùng chìm trong cơn lũ quét nhói trong tim óc Lò Đôi. Lò Đôi rướn người, túm chặt lấy tằng cẩu đang lún dần trong bùn, gắng sức kéo lên trên mặt nước.

Như trêu ngươi, hơn một giờ sau trời lại tạnh dần, những tia nắng quái soi xuống những gốc cây còn lại te tua như xơ mướp. Trên mặt đất chỉ còn trơ sỏi đá, chút màu mỡ đã bị lũ cuốn sạch dưới dòng suối đang gầm thét. Hai bản Mông, Thái hốt hoảng tìm người. Bản Mông tìm người đàn ông, bản Thái tìm người đàn bà có tằng cẩu. Một điều kinh hoàng diễn ra trước mắt những người đi tìm. Hai xác người bị vấp vào bụi tre gai. Cả hai đã chết nhưng vẫn níu chặt vào nhau, tay người đàn ông nắm chặt cái tằng cẩu có trâm cài bằng bạc nhuộm bùn. Tay người đàn bà níu áo người đàn ông. Tiếng khóc than ai oán của hai bản át cả tiếng suối đang gầm thét dưới kia. Trong khi đó, hai cái xác được giữ nguyên hiện trường chờ Công an đến điều tra.

Người già hai bản lại chụm đầu soi xét cái chết oan. Nhưng, họ không họp chung, vẫn như xưa người Mông họp tại bản Mông, bản Thái họp tại bản Thái. Người Mông bênh người Mông vì cứu người mà gặp nạn. Chứng cớ đây, bàn tay người Mông vẫn nắm chặt tằng cẩu để vớt nạn nhân. Người Thái bênh người Thái vì oán thù nhân cơn lũ quét, người đàn ông Mông muốn dìm người đàn bà cùng bùn đất. Chứng cớ đây, bàn tay người Mông vẫn nắm chặt tằng cẩu không rời. Thầy mo hai bản cầu cúng thâu đêm bên mâm đầu trâu, rượu, xôi, hương khói mịt mù.

Việc ai người ấy, người già cứ họp, thầy mo cứ cúng.

Người nhà hai bản đau thương đưa người xấu số ra rừng ma. Người Mông đưa ma ra nghĩa địa bản Mông, người Thái đưa ma ra nghĩa địa bản Thái. Phí tổn đám tang của người đàn bà xấu số do gia đình người đàn ông Mông chịu hết.

Hết nạn thần thủy lại đến thần lửa, thủy của trời gây, còn hỏa là người làm. Do hận thù hằn sâu, cái chết của người đàn bà Thái bùng lên thành ngọn lửa. Trong đêm, một đám thanh niên Thái sau khi uống cạn chum rượu đến nhà người đàn ông Mông xòe diêm thiêu rụi ngôi nhà. Công an viên bản và Tổ An ninh đến thì chỉ kịp làm tường trình, chụp ảnh hiện trường hòa giải hai bên, dù trong bụng vẫn còn chứa nhiều khói lửa.

Mùa khô bắt đầu. Mùa khô Tây Bắc kéo dài, gió Lào khô rang rừng cây, khe suối. Lúa, ngô, đậu gieo xong không nảy được mầm, lại gieo tiếp. Con người tạm quên đi nỗi đau và thù ghét để lo cho mùa khô và nhiều cái lo khác. Giữa lúc dân bản đang nguôi ngoai thì Công an tỉnh về xã Phiêng Mựt công bố kết quả điều tra cái chết của hai người trong trận lũ. Người nhà hai gia đình, đại diện dòng họ, chính quyền và đoàn thể được mời đến tham dự.

Thì ra, trong cơn lũ quét, người đàn ông Mông đang ngụp lặn mong thoát thân, lại nghe yếu ớt tiếng kêu cứu của người đàn bà Thái đang chìm trong bùn đất. Anh ta đã kịp nắm lấy tóc (tằng cẩu) kéo lên, người đàn bà cũng kịp níu áo người đàn ông ngoi lên để thở. Nhưng, vì kéo theo người đàn bà nên cả hai bị dòng lũ cuốn đi tấp vào bụi tre gai. Cả hai người đều bị chết do lũ quét. Đây là chứng cớ điều ra hình sự có khoa học. Ông Công an cấp trên đưa ra trước mọi người tập hồ sơ dày cộp, hỏi người nhà hai bên cùng mọi người còn thắc mắc gì không.

Gia đình người đàn bà bản Thái bị nạn khóc nấc lên:

- Phà ơi! Xin vong hồn hai người tha lỗi cho chúng tôi!

Ông trưởng dòng họ Thái đứng lên, nói trong nước mắt:

- Trong cơn lũ quét, hai người Mông, người Thái vẫn níu lấy nhau mong được sống sót. Thế mà trời không cho qua cơn nguy khốn... Chúng tôi già rồi mà còn ngu dốt.

Nói đến đây, vầng trán vốn nhàu nhĩ vì hằn thù dai dẳng của ông già Thái bỗng dãn ra như miếng da trâu hong gác bếp được tưới nước, chỉ hai tay lên vạt nương Hận Thù gầm gừ:

- Vì vạt nương Hận Thù mà hai bản từ lâu không nhìn nhau, gây nên tội lỗi, đau thương. Nay, bản Thái hiến vạt nương Hận Thù cho xã trồng rừng.

Ông dòng họ Mông chạy tới nâng ông già Thái đứng lên, cũng nghẹn ngào:

- Ô dồ, dông thể dông thể (tốt lắm)!

Tôi đứng lên ôm eo hai ông già, giọng như muốn khóc:

- Từ nay đổi vạt nương Hận Thù thành rừng Đoàn Kết, dân bản nhé.

Mấy hôm sau, người già cùng thanh niên trong xã kéo nhau mang theo tre pheo, cuốc thuổng, cưa, rìu, chàng, đục. Mọi người hè nhau dựng nhà mới cho gia đình người đàn ông Mông quên mình cứu người. Gần một tuần nhà mới cất xong. Lúc tôi đang dán giấy vàng, túm lông gà trống đỏ lên bàn thờ, chợt chị chủ nhà quỳ xuống, giọt nước mắt long lanh:

- Mẹ con em côi cút, nhờ có Công an miệng nói tay nói, vận động dân bản dựng nhà cho. Chứ không thì chui vào rừng mà ở, bà... con... ơi...

Mùa thu vùng cao đẹp như phim, lúa ngô chín vàng sườn núi, dòng suối trong vắt lượn lờ qua chân núi, rừng thu đổi màu và gió hiu hiu. Bản mường đang tưng bừng ăn tết Khẩu Hó, chưa bao giờ tết Khẩu Hó ăn to như thế. Các tệ nạn xóa dần, nhà nhà bình yên, sung túc. Các bản Mông mở hội múa khèn, ném pao, bắn nỏ hết ba ngày. Tại sân bóng của xã tổ chức hội xòe có gần năm trăm người nhảy múa, thanh niên xã bên cùng dự vui. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát vang tận đỉnh núi.

Giữa tâm vòng xòe, bên mấy đống lửa than như pháo sáng, anh Trưởng Công an nổi lên trong màu áo vàng tươi. Vòng quanh anh, các cô gái bản lưng eo vú nhọn quấn xà tích bạc leng keng nhảy múa thâu đêm.

Truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ
.
.