Sương trắng biên thùy

Thứ Năm, 25/05/2023, 06:43

“Đồi thịt băm”, từ sáng đến trưa, sương mù dày đặc. Thung lũng Nậm Ngặt sáng rực bởi đạn pháo. Pháo đối phương bắn như ngô rang không ngừng nghỉ. Những tiếng hô xung phong vang dậy khắp núi rừng trải dài dưới chân núi. Hai bên giằng co nhau từng tấc đất một… Tiếng pháo giật đầu nòng, một vùng trắng xóa nơi điểm cao 685 - “Lò vôi thế kỷ”. Những thân người râu tóc tua tủa như người rừng tung lên rồi rớt xuống. Những cái xác cháy đen quăng quật, những da thịt vương vãi khắp núi đồi…

1. “Anh lạnh lắm, chú đưa anh về đi, anh nhớ nhà lắm…”.

Bóng người nhập nhòa trong sương trắng mờ ảo, thấp thoáng bộ pêkô cũ rách, không rõ mặt…

“Anh là ai, anh ở đâu?”.

“Anh Toàn đây, Toàn nhà bà Lý - Tuấn đây, các chú sắp đến chỗ anh rồi, đưa anh về đi, anh lạnh lắm, anh đói lắm…”.

“Anh về nhà rồi cơ mà?”.

“Không, sai rồi, nhầm rồi. Bọn anh vẫn ở đây, lạnh lắm…”.

Bóng núi chót vót.

Sương trắng chập chùng.

Mưa rừng ào ạt.

Sấm chớp nhì nhằng, chói lòa.

Tiếng đạn pháo đì đùng, vang dội…

Vã vượi, chật vật, mơ màng, những phút giật mình thức giấc giữa đêm khuya.

Những giấc mơ chập chờn lặp lại, ám ảnh trong tôi suốt một thời gian.

2. Cạch…

Tiếng cuốc chạm nắp tiểu sành khô khốc.

Nghĩa trang đìu hiu.

Khói hương bảng lảng, quẩn quanh không chịu tan trong gió.

Tiếng mõ vang vang. Lầm rầm những lời cầu khấn.

Nắp tiểu bật lên. Những con mắt chăm chú. Chờ mong, khắc khoải, hy vọng…

Đất. Bùn. Những túi gói, lẫn lộn…

Xương, cốt??? Đâu rồi?

Gạch, đá. Còn đây…

Những tiếng khóc hờ.

Những giấc mơ chập chờn không rõ nét, những lời nhắn gửi xa xăm.

f9f8a0ed9d2a43741a3b3.jpg -0
Minh họa: Phạm Minh Hải

“Anh lạnh lắm, anh chưa được về đâu…”.

“Thế ai nằm trong nghĩa trang mang tên anh?”.

“Không ai cả, bọn anh vẫn nằm đây, rét lắm…”.

Những lời xôn xao, nháo nhác “Không ở đây, vậy ở đâu?”.

Tìm.

Mơ hồ. Rà soát. Lại hy vọng vào chút chỉ lối mơ màng trong đêm.

Những giấc mơ…

3. Tít...tít...tít...tít...

- Anh Công, có tín hiệu. Thằng Thông vừa rà rà cái máy dò vừa báo cáo.

- Được rồi, dò mở rộng ra xung quanh xem có gì nữa không rồi khoanh vùng xử lý.

Xẻng cuốc nhịp nhàng đào bới…quào…quào…cục…cục…

Những quả lựu đạn rỉ sét. Những chiếc bình tông móp méo. Chiếc xẻng bộ binh quen thuộc. Những người lính bảo vệ biên cương đã bao năm chưa được về quê mẹ.

Phân loại, gói ghém. Những lá quốc kỳ phủ đắp. Những nén hương trầm ấm thơm nồng. Đội quy tập lòng thành chắp tay cầu mong tìm nốt chút thông tin về những người nằm xuống.

Gió núi heo hút. Đỉnh núi mờ sương. Những miếng lương khô trệu trạo qua bữa. Những chiếc võng mắc tạm ngả lưng

Gió núi hiu hiu mơn man trên đôi mắt làm tôi đi vào giấc ngủ chập chờn...

Đỉnh núi cheo leo, heo hút gió…

Sương trắng mịt mùng.

Bóng người mờ xa, thấp thoáng.

“Các chú đừng bỏ lại anh ở đây, lạnh lắm, rét lắm, nhớ gia đình nhớ quê hương lắm… cho anh về cùng các anh ấy đi…”.

Nhập nhòa ba bộ hài cốt phủ quốc kỳ.

“Anh ở đâu trong số đó?”.

“Không có, chú đi theo anh…”. Cánh tay vẫy vẫy từ đám sương mờ… Dáng người mảnh dẻ, thư sinh quay lưng khuất dần trong sương trắng…

4. Mặt trận Vị Xuyên.

“Đồi thịt băm”, từ sáng đến trưa, sương mù dày đặc. Thung lũng Nậm Ngặt sáng rực bởi đạn pháo. Pháo đối phương bắn như ngô rang không ngừng nghỉ. Những tiếng hô xung phong vang dậy khắp núi rừng trải dài dưới chân núi. Hai bên giằng co nhau từng tấc đất một… Tiếng pháo giật đầu nòng, một vùng trắng xóa nơi điểm cao 685 - “Lò vôi thế kỷ”. Những thân người râu tóc tua tủa như người rừng tung lên rồi rớt xuống. Những cái xác cháy đen quăng quật, những da thịt vương vãi khắp núi đồi…

Trong một hang đá trên đỉnh một điểm cao. Tiếng quay máy điện thoại xè xè. Bốn con người da đỏ quạch màu đất, người nhòm ống nhòm, người ghi chép tính toán, người áp tổ hợp điện thoại vào tai, người ra lệnh. “Trận địa pháo binh địch, tọa độ X. Bắn”, “Bộ binh địch, tọa độ Y. Bắn”. Tiếng đạn pháo rít lên từ phía xa nổ chồng lên tiếng pháo của đối phương. Tiếng phản pháo gầm gào inh tai nhức óc….

5. ...Đang thiu thiu ngủ chợt có người vỗ nhẹ vai tôi thì thầm “này cậu, sao lại nằm đây, nguy hiểm lắm, dậy vào trong kia đi, pháo nó sắp bắn rồi đấy...”. Tôi giật mình tỉnh dậy. Trước mặt một người lính hao gầy, gương mặt vuông vắn cương nghị trong bộ đồ pêkô không cũ không mới đang nhìn tôi chăm chắm. Tiếng pháo nổ đầu nòng ở phía xa giật đùng đùng làm tôi lộn nhào xuống võng. Tiếng đạn pháo rít o o trên đầu rồi nổ ầm ầm ở sườn núi phía sau. Người lính cúi rạp người kéo tay tôi dậy hô to “nhanh, theo tôi...”.

Tôi lồm cồm bò dậy ríu chân chạy theo một hang đá trên đỉnh núi trong chút ánh sáng nhờ nhờ buổi sáng sớm, sương vẫn rải trắng khắp nơi. Bên trong có ba người nữa đang lom khom vừa quan sát bằng ống nhòm, vừa tính toán ghi chép, một người lầm bẩm: “sao nay nó bắn sớm thế nhỉ? Định tiến công sớm thế sao, mẹ cha chúng mày chứ, lên thì cứ lên đi, nhấm với nhứ...”. Tiếng quay máy hữu tuyến rồn rột rồi một giọng ồm ồm báo cáo: “Báo cáo sở chỉ huy, trận địa Pháo binh địch đã di chuyển sang tọa độ XX...YY, phát hiện địch bắn cả đạn thật và đạn bao tử, chưa có dấu hiệu bộ binh xung phong. Hết”, tiếng máy rèn rẹt rồi giọng ồm ồm lại vang lên “Rõ”. Tiếng đạn pháo lại chợt im bặt.

Thấy tôi đã hoàn hồn lại đứng ở cửa hang, người lính mặt râu quai nón dáng cao to như con gấu rừng buông tổ hợp điện thoại xuống hỏi: “Lính mới bộ binh lạc đường hả? Cứ ở lại đây với chúng tớ, khi nào đám hậu cần mang cơm lên thì bám theo chúng nó mà tìm đường về đơn vị...”. “Chúng dừng bắn rồi, kệ mẹ chúng nó, mình ăn tiếp thôi...”, người lính dẫn tôi về bảo mấy người còn lại và quay sang tôi hỏi" - “đói không, ăn tạm với bọn tớ chút chứ? Đợi bọn hậu cần mang cơm lên còn lâu và phập phù lắm”. Tôi chợt ngó thấy dưới đám lá rừng trải dưới đất mấy nắm cơm, ít lương khô đang gặm dở vứt chỏng chơ cùng ít muối ớt và một hộp thịt hộp khui dở.

Đây là một trong những tổ trinh sát pháo binh của lữ đoàn pháo binh chiến dịch được Quân khu tăng cường cho các đơn vị đang bám trụ nơi đây nhằm phá tan âm mưu của đối phương đánh chiếm ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang. Tổ có 4 người, một anh tổ trưởng phụ trách chung, đó chính là anh Quảng người Tuyên Quang, người đã dẫn tôi về đây; anh Thân, như con gấu rừng là người Hà Giang chuyên quan sát nắm tình hình; anh Toàn người Vĩnh Phú nhỏ nhắn mềm mại như con gái là trinh sát kế toán và anh Hoàng người Yên Bái là trinh sát đo đạc. Bốn người bốn quê cùng nhập ngũ theo lệnh động viên, ba người là lính cũ tái ngũ, chỉ riêng anh Toàn mới học xong Đại học Bách khoa cũng xung phong lên đường nhập ngũ, là người học giỏi nên được huấn luyện cấp tốc về kế toán pháo binh rồi cũng tham gia lên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ của tổ trinh sát là quan sát phát hiện trận địa pháo binh của đối phương, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh ta ngăn chặn các đợt tiến công của bộ binh đối phương và bắn phá vào các trận địa pháo binh của đối phương làm giảm áp lực các đợt tiến công vào trận địa của ta. Việc phát hiện các trận địa pháo của đối phương là rất quan trọng và yêu cầu thật chính xác, bởi trận địa pháo đối phương được ngụy trang rất kỹ, nếu không chỉ thị bắn trúng mục tiêu rất có thể đối phương sẽ tiến hành phản pháo ngay lập tức và hết sức chính xác sẽ gây thiệt hại ngược cho chính các trận địa pháo của ta.

Đợt này đối phương thay đổi âm mưu, thủ đoạn. Thay vì bắn pháo chuẩn bị dọn đường sau đó bộ binh mới tràn lên đánh chiếm các điểm cao của ta đang phòng ngự, có những lúc đối phương bắn đạn bao tử, bộ binh ta rút vào hầm tránh đạn thì cũng là lúc bộ binh đối phương tràn lên sát trận địa từ lúc nào. Việc phát hiện ra âm mưu, thủ đoạn của đối phương nhằm gọi pháo đánh chặn bộ binh đối phương cũng không hề đơn giản, nếu không bắn chặn được đối phương từ xa để chúng sáp đến sát trận địa của ta thì pháo binh cũng không thể chi viện nổi.

Tiếng pháo im đi được một lúc. Chiến trường đột nhiên im ắng, lính bộ binh tranh thủ củng cố hầm hào.

“Chú mày có sợ không?”, một câu hỏi vu vơ từ trong hang vọng ra, tôi đoán là hỏi tôi.

“Sợ. Các anh không sợ sao?”.

“Ban đầu cũng sợ vãi đái ra ấy chứ, nhưng rồi quen dần và rồi chẳng còn thấy sợ nữa, chỉ thấy căm giận. Ngẫm lại mới thấy chính những kẻ thù hiện hữu trực tiếp trước mắt không đáng sợ bằng kẻ thù lẩn khuất vô hình và nó ẩn hiện trong chính mỗi chúng ta, vẫn từng ngày từng giờ đâu đó mà ta không biết được…”. Một giọng nói nhỏ nhẹ phía trong.

“Dạo này bọn nó đánh ác liệt lắm, chả biết sống chết thế nào. Chú cầm anh lá thư này, nếu về được cứ theo địa chỉ đến bảo cô ấy đi lấy chồng đi, đừng chờ anh nữa, đời lính biết thế nào mà chờ…”. Một cánh tay vương đầy bụi đỏ nhưng vẫn thấp thoángnét gì đó như cánh tay con gái chìa ra một tờ giấy gấp vuông vắn, gọn gàng.

“…Em thân yêu…

…Trận chiến này còn chưa biết đến bao giờ kết thúc…

…Anh vẫn nhớ như in buổi chiều ấy, trên con đê cuối làng em đã tiễn anh lên đường nhập ngũ. Những kỷ niệm đẹp của một thuở ấu thơ vẫn mãi in dấu trong anh không bao giờ phai…

…Khi biên cương im tiếng súng, nếu anh trở về chúng mình sẽ lại đi bên nhau trên triền đê lộng gió…Còn nếu không, em hãy đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, đừng để lãng phí đi tuổi xuân thì của người con gái…

…Thế nhé. Anh yêu em!...Anh, Toàn….”.

Những dòng chữ nhạt nhòa thấm đẫm hơi sương mà thấy như nóng sực, đẫm tình…

6. Sương mù tan loãng.

Tiếng pháo lại rít lên từng đợt từ phía đối diện. Ta bắt đầu phản pháo. Nhưng pháo đối phương bắn càng lúc càng nhiều hơn, ta bắn một thì chúng bắn mười. Đạn trút như mưa lên các sườn của các điểm cao. Tất cả mọi ngườitai ù đặc vì tiếng pháo nổ, những cột lửa đỏ rực bốc lên khắp chốn.

Lệnh nổ súng chưa phát ra, bộ binh chỉ biết núp xuống trong những công sự vừa đào cách đấy ít phút, giữ cho thân mình khỏi bị những mảnh đạn văng phải. Đối phương như đã phát hiện ra đội hình của bộ binh ta, chúng căn chỉnh và dội pháo thẳng vào đội hình các chiến sĩ đang ẩn nấp bên những sườn dốc của “Đồi thịt băm”. Tình hình của bộ binh phía chân núi và sườn điểm cao phía trước có vẻ xấu đi, đã bắt đầu có thương vong và hy sinh, đâu đó có tiếng gọi cứu thương, những công sự được các chiến sĩ đào sẵn trước trận đánh cũng bị đạn pháo cày xới tung tóe, những đoạn chiến hào vỡ nát, bộ binh thương vong nhiều dần trên các tuyến hào, bê bết máu…

Lúc này, pháo của đối phương có vẻ như đã lắng xuống, nhưng đạn cối, và đủ các loại đạn khác lại bắt đầu dội xuống ầm ầm, nhiều hơn trước. Chúng bắn kiểu như không bao giờ sợ hết, đạn dược là vô tận. Một vài quả đạn rơi ngay trên đỉnh điểm cao của tổ trinh sát, đất, đá rơi qua cửa hang rào rào...

Tiếng một quả đạn pháo mồ côi rít lên o o đâu đó. Tiếng anh Quảng gầm lên như sấm át cả tiếng pháo “Nó bắn vào đây đấy, chạy mau…”. Tiếng hô chưa kịp dứt, một tiếng “ầm” vang lên, ba người bị đẩy bật ra hướng cửa, một người bị ép sâu vào phía trong. Hang đá đổ sụp. Khói bụi mịt mù…

Tôi đứng chết trân, mồ hôi vã ra như tắm… còn đâu đó như tiếng nhắc nhở “hãy nhớ đón chúng tôi về…”.

Tiếng mấy con chim rừng đuổi nhau cheng chéc làm tôi giật mình tỉnh giấc, lưng áo đẫm mồ hôi… Thì ra tôi đã thiếp đi và mơ một giấc mơ kỳ lạ trong lúc đoàn quy tập hài cốt chúng tôi dừng tay ăn trưa và nghỉ ngơi một chút giữa cánh rừng già.

Đứng trên đỉnh núi, tôi thấy thấp thoáng đâu đó phía dưới xa xa nhà cửa san sát, mái ngói đỏ au, xanh mướt màu cây cối, thấp thoáng những bản làng và những con đường mới được mở. Trong cảnh chiều tà thấp thoáng bóng dáng những người dân trở về sau một ngày lao động miệt mài trên nương rẫy.

Thanh bình đến lạ. Bất chợt thấy bâng khuâng, xao xuyến.

Cũng nơi đây những địa danh bất tử như “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”, “Ngã ba tử thần”… vẫn luôn hằn sâu trong ký ức nhiều người lính, những người lành lặn trở về và cả những người đã nằm lại nơi đây. Văng vẳng đâu đó những câu thơ như hòa tan trong gió:

"Những chiến sĩ con dân đất Việt

Tuổi xuân đâu tiếc

Lưng trần, cắp súng xung phong

Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt

Súng cầm tay rực lửa

Xông pha giữ đất biên thùy..." (*)

Nếu tôi không nhầm thì đây chính là nơi tổ trinh sát pháo binh nằm xuống, tôi giục cả đội quy tập “có lẽ vẫn còn người nữa, bới sâu vào trong…”.

Lại tiếng lục cục đào bới. Những giọt mồ hôi bám vào đá. Những quả đạn pháo khi xưa các anh còn không sợ, ngại ngần chi mấy cục đá hòn. Phía dưới kia dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm… Một bộ hài cốt cuối cùng trong hang núi đã được chúng tôi đưa ra…

7. Ánh trăng tan loãng. Những gương mặt lộ dần trong làn sương mù mờ ảo. Những tiếng nói vo ve như muỗi nhưng vẫn rành rọt như rót bên tai.

“Cảm ơn cậu đã đưa bọn anh về quê mẹ, từ nay bọn anh bớt cô quạnh hơn rồi, không còn trông ngóng vào những bữa cơm cúng cô hồn rằm tháng 7 hoặc những khi những người đồng đội còn sống nhớ đến mời về. Mong ngóng bao năm giờ mới được quy tụ… không còn cảnh bơ vơ vất vưởng như kẻ không nhà…”. “Đó cũng là trách nhiệm của những người còn sống… của thế hệ được sống trong hòa bình như chúng em…”.

“Cậu cũng nên nhớ rằng, cái giá cho hòa bình là rất lớn không gì đánh đổi được. Chiến tranh đã lùi xa, cái gì cần khép lại cũng nên khép lại nhưng cũng không nên quên những vết đau do chiến tranh để lại. Mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng của mình đối với đất nước. Việc nhắc lại quá khứ, nhớ về những vết đau thương mà chiến tranh để lại hoàn toàn không phải nhằm kích động hận thù, mà để biết trân trọng hơn giá trị của hoà bình, để bất cứ ai hôm nay cũng phải tỉnh thức, giữ gìn thành quả mà phải trải qua biết bao cuộc chiến, đổ máu xương mới giành được. Đối mặt với kẻ địch hiện hữu, với những viên đạn đồng, đạn sắt ầm ầm trước mắt dễ dàng hơn với kẻ địch giấu mặt sau những viên đạn bọc đường. Biên giới cứng bao giờ cũng dễ dàng giữ hơn so với đường biên giới mềm…Cậu hãy nhớ điều đó…”.

“Em hiểu…”.

“Vẫn còn những người đồng đội của tôi ra đi không toàn thây hoặc chưa được quy tập về, có thời gian các cậu hãy giúp họ, họ vẫn nằm đâu đó bên thung sâu, khe đá, lùm cây.... Nhưng cũng cần chú ý những bom đạn của kẻ địch còn sót lại, đừng để nguy hiểm cho bản thân…”.

“Đó cũng là trách nhiệm của đội quy tập chúng em…”.

“Thôi chúng tôi đi đây, sẽ không làm phiền đến cậu nữa. Khi nào có dịp về qua đây hãy thắp cho chúng tớ nén nhang…”.

Nghĩa trang tràn ngập khói hương vấn vít thơm nồng. Một cơn gió đâu đó ùa về nhẹ nhàng cuốn chúng đi bốc lên cao rồi tan loãng vào khoảng không bao la rộng lớn…

--------

(*): Một trong những vần thơ của một cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên.

Truyện ngắn của Nguyễn Công Đức
.
.