Sương lạnh đổ đèo
Văn mở khóa cổ chân, đẩy Chín Trẻo xuống xe. Anh dẫn tên cướp tới ngôi nhà gần nhất. Căn nhà nhỏ hai gian có vườn, trước trồng vài chục cụm tiêu đều tăm tắp, đằng sau mấy trăm gốc cà phê thấp lè tè, chắc năm nay là bói hạt. Ông già chủ nhà tuổi ngoài tám mươi đang ken tấm phên nứa ở hiên. Thấy hai người lạ đi vào ngõ. Ông đứng dậy suỵt con chó nằm im, rồi bước ra sân mở rộng cánh cổng ghép bởi vài thanh gỗ cong queo thấp đến ngang người.
...Chín Trẻo trừng trừng nhìn những người xung quanh rồi hậm hực nện bàn chân nặng trịch về phía chiếc xe U-oát đỗ bên kia vạt đồi bạt ngàn thông non. Hắn bị khóa cứng vào thành ghế. Xe rồ máy chui qua vạt rừng cao su, băng qua vài ba trảng ruộng thiếu nước bỏ hoang cỏ mọc tốt um rồi theo con đường đất thấp tìn tịt lầm bụi dẫn ra đường lớn.
Chiếc xe chở Chín Trẻo nhắm hướng Lăng Đô tăng tốc.
Ra khỏi thị xã A Jul chừng 40 cây số trời bắt đầu nhá nhem tối. Từng cơn gió biển hiếm hoi vượt qua đèo Mă-Ya đập ràn rạt vào kính chắn trước. Thỉnh thoảng vài chuyến xe đò chạy ngược chiều lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc trên nóc. Mấy cậu phụ xe trẻ măng đu mình ngoài cửa như làm xiếc. Vừa đu, vừa đưa tay lên huýt sáo miệng vang cả đoạn đường. Chiếc U-oát bỗng oằn mình chệnh choạng láng khỏi mép đường.
"Bể lốp".
Văn, Nam “trố” lái xe cùng thốt lên. Mặt Chín Trẻo dãn ra.
Hai bên đường thưa thớt mươi ngôi nhà đã lên đèn.
Văn mở khóa cổ chân, đẩy Chín Trẻo xuống xe. Anh dẫn tên cướp tới ngôi nhà gần nhất. Căn nhà nhỏ hai gian có vườn, trước trồng vài chục cụm tiêu đều tăm tắp, đằng sau mấy trăm gốc cà phê thấp lè tè, chắc năm nay là bói hạt. Ông già chủ nhà tuổi ngoài tám mươi đang ken tấm phên nứa ở hiên. Thấy hai người lạ đi vào ngõ. Ông đứng dậy suỵt con chó nằm im, rồi bước ra sân mở rộng cánh cổng ghép bởi vài thanh gỗ cong queo thấp đến ngang người.
- Chúng con dẫn giải tên tướng cướp. Xe bể lốp, phiền chú nghỉ đỡ. Chú có cơm cho bọn con ăn với.
- Ủa... Người đàn ông như không tin vào mắt mình. Anh công an trắng trẻo, trông thư sinh lại dẫn giải tên cướp to lù lù. Khoảng sáng của ngọn đèn Hoa Kỳ trong nhà hắt ra vừa trùm đủ bóng Chín Trẻo. Ông già bỗng sởn người. Chính là thằng cướp mà công an phát lệnh truy nã trên tivi cả tháng nay.
Ông lão quay vào nhà hối vợ thổi cơm, còn mình tong tả ra góc vườn, nơi có mấy cây đu đủ quả sai trĩu trịt, lựa hai trái thật to vừa chín, đem vào, bổ bày la liệt lên cái mâm bằng gỗ bị nứt một đường to đút vừa ngón tay.
Văn thong thả lại bờ giếng đất, thả chiếc gầu bé xíu xuống. Phải ba lần kéo anh mới đổ đầy cái chậu sành cô con gái chủ nhà đem tới. Anh khoan khoái ấp khuôn mặt mệt mỏi, bụi bặm vào chậu nước mát lạnh. Người tỉnh hẳn.
Chín Trẻo bị khóa vào chiếc ghế băng dài kê sát mé hông nhà, chiếc ghế oằn đi vì sức nặng của tên tướng cướp. Chốc chốc, mắt trái Chín Trẻo chùng xuống, hắn nghiêng người giật giật chiếc xích níu chân. Văn thả lưng trên cái ghế tựa kê giữa nhà. Mỗi lúc Chín Trẻo giật khóa, anh lại lặng lẽ nhìn ra. Anh và đội cơ động đã quá mệt mỏi và ngán ngẩm con thú hoang này.
Tin Chín Trẻo bị bắt và đang ở nhà ông Dự như làn điện xẹt lan đi khắp mấy ngôi nhà trong xóm. Mọi người kéo nhau đến đứng chật khoảnh sân hẹp ngó tên tướng cướp. Ông già Tám Tưởng cao gầy, nước da đen đúa, cũng qua. Nhà ông nhìn xéo cách mảnh vườn trồng mấy trụ tiêu là tới nhà ông Dự. Khác với mọi người, chú Tám Tưởng chỉ kín đáo ngắm nhìn anh công an dẫn giải tên tướng cướp. Khuôn mặt chàng trai phảng phất sự gần gũi... mũi thẳng, cao, đôi mắt hiền dưới đôi lông mày xanh rậm. Vầng trán?... Không. Thằng bé cỡ tuổi này nhưng nó sinh ra ở Hà Nội. Nói giọng Bắc cơ mà.
Ngoài đường cái. Nam “trố” hì hục mãi mới tháo được chiếc lốp xe bị bể bằng chiếc mỏ-lết mòn vẹt, long sòng sọc. Vứt phịch chiếc lốp xẹp lép xuống sân, Nam “trố” lau đôi bàn tay đầy dầu lửa, vừa lau, vừa thủng thẳng:
- Để tôi kêu xe ôm đưa lốp lại thị xã làm. Có lẽ mất vài ba tiếng.
Ông Tám Tưởng tiến lại phía Văn rồi hắng giọng:
- Cho tui hỏi anh người đâu ta?
- Dạ, con Tuy Hòa, chú.
- À vậy.
Chú Tám Tưởng nói nhỏ. Chắc không phải, thiên hạ nhiều người giống nhau, cứ gì, nghĩ vậy, nhưng không hiểu sao lòng chú cứ xốn xang, không yên.
Vừa nghe được tiếng Văn. Chú Tám Tưởng thất thần. Bằng linh cảm trỗi dậy từ xa thẳm, chú Tám tin đứa con trai độc nhất của người bạn tù Côn Đảo ngày xưa đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt chú. Thằng bé, mười năm nay chú lặn lội nhiều nơi, nguyện tìm bằng được.
- Có phải má con tên Huệ?
Giọng ông Tám Tưởng hối thúc.
Khuôn mặt Văn đờ ra, anh không hiểu chuyện gì, tại sao người đàn ông có nước da sạm nắng gió kia lại biết lai lịch của anh?
Ông già giơ hai cánh tay gầy guộc hướng về phía chàng trai.
- Chú đây con. Tám Tưởng đây. Chú với ba con cùng tù Côn Đảo.
Mắt chú Tám nhòa lệ. Ông ôm chầm lấy người thanh niên như ôm con trai ruột của mình. Mọi người trong nhà, cả bà con trong xóm đều thấy bất ngờ.
Chín Trẻo ngồi im không giật giật chiếc xích chân nữa. Hắn đã chứng kiến nhiều người khóc mỗi khi băng cướp Xe Reo đem tai họa đến, nhưng chưa bao giờ hắn thấy một ông già khóc nhiều đến thế.
Ông Dự nhẹ nhàng giơ tay chỉ vào chiếc ghế salon làm bằng gỗ cà te.
- Mời. Mời anh Tám.
Văn dìu ông Tám Tưởng ngồi xuống chiếc ghế chính giữa nhà. Anh đưa chiếc khăn mặt vẫn đang vắt ở vai cho chú Tám. Ông già lóng ngóng chấm chấm những giọi nước mắt lăn trên gò má nâu sạm. Đôi vai ông so lại trong tấm áo bà ba rộng thùng thình.
Mọi người chẳng còn chú ý đến tên tướng cướp nữa. Chín Trẻo mặc kệ. Hắn lim dim đôi mắt, lơ đễnh hết nhìn Văn lại nhìn ông Tám Tưởng.
Không gian ắng lại. Chỉ còn giọng Quảng Đà đượm buồn.
- Anh Tám vô trong này làm ở tổ điệp báo trừ gian an ninh thị Tuy Hòa...
...Đêm cuối năm 66... Sáu Thanh cùng đội công tác Hòa Thắng luồn xuống vùng địch, tập kích bọn biệt chính bình định nông thôn, diệt chín tên, trong đó có hai tên cố vấn. Trở về đến xóm 4 Thạnh Hòa Quang thì nghẽn lại bởi bọn Đại Hàn đổ quân càn quét khu căn cứ Gò Sân Suối Cái. Anh em phân tán vào các hầm bí mật có sẵn từ trước ở vùng giáp ranh. Sáu Thanh nhường hầm cho Lộc “ngọng” và Tư Sâm - cán bộ an ninh huyện tăng cường, nhường luôn cây AK báng gập. Anh theo suối Ré lội xuôi xuống vùng sâu. Tới cầu Tám Đông, nơi mấy khóm khoai môn lưa thưa, Sáu Thanh nép gọn mình. Kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch cho Sáu Thanh biết, sơ sài lộ diện, gần nách địch chính là nơi chúng không thể ngờ.
Trời tảng sáng. Từ mé thị xã Tuy Hòa ba đại đội Đại Hàn, chia hai mũi tiến ra. Bọn lính trang bị tận răng nhưng ăn vận xộc xệch và ô hợp. Thằng nào cũng nhai kẹo Chewing gum, vừa đi vừa chửi thề. Có đứa bồng súng nghênh ngang thỉnh thoảng lại xả từng loạt đạn vào bất cứ vật gì trước mặt, thằng thì xách ngược AR-15 như xách valy, lạch bạch theo sau tựa người thi chạy việt dã bị đuối sức. Một cánh từ mé Phong Niên tiến lên Đồng Toại, cánh kia từ Hòa Trị nhắm hướng cây Da Tiểu nống ra, hợp nhau trên Đồng Toại. Bất biết có chạm cộng sản không, chỉ cần hai cánh quân gặp nhau là coi như vùng tam giác mười mấy cây số vuông bình định xong xuôi, báo công lãnh thưởng!
Mới sáng sớm nhà ai đã thả đàn vịt ăn ngoài vệ ruộng. Mấy con vịt đồng gầy, lông xơ xác. Nhìn thấy đàn vịt, bọn lính cười hô hố rồi thi nhau đuổi bắt. Cuộc càn quét vô tình thành trò rượt vịt. Thật trớ trêu, bầy vịt tóe xuống suối Ré, vài con vọt núp vào các đám khoai môn rìa cầu Tám Đông.
Sáu Thanh đứng thẳng người tung đồng thời hai trái lựu đạn. Năm xác lính Đại Hàn đổ vật, mấy chục tên khác ngơ ngác chẳng hiểu điều gì. Thế rồi, cuộc chiến tay không, không cân sức diễn ra. Sáu Thanh bị bắt, đưa về trại khai thác ban an ninh huyện Tuy Hòa 1. Ba bốn ngày liền anh chịu đủ cực hình tra tấn... và mười ngày sau Sáu Thanh bị áp tải ra Lăng Đô lên tàu đi Côn Đảo, tới cái địa ngục khổng lồ giam giữ tù cộng sản.
Giọng ông già Tám Tưởng trầm buồn nhưng không kém phần hào khí. Văn như uống từng lời chú Tám kể về người cha kính yêu, những điều anh và mẹ chưa hề biết.
Từ nãy tới giờ Chín Trẻo vẫn cắm mặt vào tô cơm. Vừa ăn, hắn vừa nghe người tù già kể chuyện. Thỉnh thoảng Chín Trẻo lại ngoáy đầu rắc rắc cho đỡ tê cứng cái cổ to bằng bắp vế. Mọi người trong xóm như quên sự có mặt của tên tướng cướp bởi cuộc hội ngộ bất ngờ. Chín Trẻo tự nhiên thấy mình lẻ loi, cô độc... Từ lâu lắm rồi, hắn chưa có cảm giác này.
Giọng ông Tám Tưởng vẫn đều đều.
- Đầu năm 76 chú có ra khu phố Khâm Thiên, nơi nhà con ở, nhưng không ai nhớ rõ mẹ và con đi đâu sau trận oanh tạc 1972. Chú cũng xuống Tuy Hòa nhưng chỉ gặp cô con - bà Chín. Bả chẳng biết điều gì về hai mẹ con.
Văn nhỏ giọng. Như tâm sự với cha mình:
- Ông ngoại khuyên con và mẹ ở Hà Nội, cũng bởi mẹ là út. Với lại, ngoài đó sẽ thuận lợi việc học của con. Mẹ tính hoài rồi quyết định vào Tuy Hòa, trong đó còn phần mộ của nội. Mẹ muốn giữ nhang khói bàn thờ họ. Ngày đầu khó khăn lắm, sau nhờ cô chú ở Trung đoàn Cơ động miền giúp, cuộc sống cũng tàm tạm. Mẹ tăng gia, nuôi thêm lợn, rồi dạy nữ công gia chánh ở phường. Giờ mẹ con yếu rồi. Con muốn mẹ nghỉ nhưng can hoài chẳng được.
Ông Tám Tưởng xốc lại cổ áo, trịnh trọng đứng lên.
- Con chờ chú một chút.
Ông già lật đật đi ra cửa, bóng liêu xiêu đổ dài xuống nền sân đất. Độ vài ba phút, ông quay lại, trên tay cầm gói giấy hồng điều và một thẻ hương.
- Anh Sáu cho tui mượn cái bàn.
Ông già Tám Tưởng trịnh trọng đặt gói giấy hồng điều lên chiếc bàn con kê giữa sân. Chú Tám châm ba cây hương rồi phủ phục.
- Anh Tám ơi. Tui có lỗi với anh... Giờ thằng Văn nó về. Tui biết anh sống khôn chết thiêng mà.
Nước mắt ông già Tám lăn dài, giọng ông nghẹn lại. Văn và mọi người đều không cầm lòng. Trời cao nguyên vời vợi, những đám mây trắng như hình vảy cá chồng lên nhau trông như một tòa tháp. Từng vòng khói hương từ chiếc bàn chảy ngược lên. Văn phủ phục theo chú Tám. Anh mờ mờ hiểu được, trong gói giấy hồng điều chắc là vật gì quý báu của cha mình.
- Khấn ba đi con.
Ông già Tám nghẹn ngào. Không gian lắng lại, cảnh vật xung quanh bồng bềnh. Chú Tám Tưởng từ từ mở gói giấy hồng điều. Đôi tay ông run run giở từng nếp gấp. Đôi mắt người con trai chăm chú nhìn theo những ngón tay ông già.
Tấm áo tù màu xanh nhạt, lỗ chỗ rách.
Ông Tám Tưởng trịnh trọng nâng tấm áo trao cho Văn. Giọng ông thiết tha đứt quãng.
- Ngày ở biệt giam, ba con mặc chiếc áo này. Ba với chú một ô. Một đêm, khi chú đang mê man do sốt rét. Chú mang máng thấy ba con bị dẫn đi. Trước đó ba ngồi xuống, cởi tấm áo đắp lên mình chú. Trong cơn mê sảng, chú nghe rõ mồn một: "Tui đi trước nghe anh Tám...". Năm ngày sau chú mới tỉnh. Có lẽ nhờ tấm áo này mà chú qua lần sốt đó. Mộ của anh Tám lẫn trong muôn vàn nấm mộ vô danh ngoài đảo. Chú trao lại tấm áo, con đem về cho mẹ. Thư thả vài bữa chú sẽ qua Tuy Hòa thăm chị Tám.
Thật không ngờ, lần lên cao nguyên bắt tên cướp nguy hiểm, Văn được gặp người bạn tù sống với cha anh quãng ngày oanh liệt cuối cùng. Hai cánh tay run run, Văn đón nhận hơi ấm người cha kính yêu từ chú Tám Tưởng mà lòng bâng khuâng, xa xót.
Sương núi buông xuống ướt đầm con đường đất dẫn ra đường cái.
Chín Trẻo lầm lũi bước tới chiếc xe chở hắn đến nhà tù.
Tâm trạng Chín Trẻo rối bời, bao xúc cảm dâng lên. Cái ngày chấm dứt cuộc sống tội lỗi cũng là ngày hắn chứng kiến câu chuyện cảm động về người cảnh sát cơ động trẻ dẫn giải hắn. Hắn lờ mờ hiểu được điều gì. Ý nghĩa cuộc đời, hay lòng nhân ái đây. Chín Trẻo cũng chẳng biết nữa. Hắn chỉ thấy những con người, cả đã mất và đang sống kia, những người mới đây thôi hắn chỉ xem là "đồng loại", có điều gì trong, cao vòi vọi. Thứ, cả cuộc đời hắn chưa thể nào tới được. Lúc này, Chín Trẻo thấy trong tâm khảm, từ đâu đó xa lắm, một nguồn ấm sáng le lói cứ loang rộng, loang rộng...
Chiếc xe U-oát của Văn chở tên tướng cướp đổ đèo Mă-Ya.
Sương sớm tràn buốt thót.
Tấm áo kỷ vật của cha kính yêu, ấm sực nơi ngực trái người cảnh sát cơ động trẻ.
Cẩm Giàng - Mùa hạ