Sông dài

Thứ Năm, 12/08/2021, 15:58

Năm năm sau câu chuyện buồn thương đó, tôi tốt nghiệp đại học, xin được việc làm, cưới Nguyệt và đưa mẹ tôi lên thành phố sống để giúp chúng tôi trông con nhỏ. Thế rồi vài năm sau nữa, tôi đưa được bố và em trai lên sống cùng. Gia đình tôi chính thức giã từ sông nước. Cũng từ đấy tôi ít về làng, ký ức về Hoài cũng bị những lo toan bận rộn chèn lấp. Nhưng mỗi khi nhớ đến Hoài, lòng tôi vẫn nhói đau, nỗi nhớ vẫn dắt tôi về cái bến sông có vườn cải luôn tốt nhất, đẹp nhất làng của cô ấy.

Trăng sáng vằng vặc. Cây si già bên bờ sông vẫn cao lớn sum suê. Một cái quán nhỏ mở ngay dưới tán cây lấp lánh ánh trăng. Tôi bước vào, đặt cái ba lô nhỏ lên chiếc ghế trống, thở dài mỏi mệt khi nghĩ đến chuyến xe buýt cuối ngày chạy mấy chục cây số từ thành phố về đây.

- Thắng phải không? Dễ có gần chục năm rồi cháu không về làng?

Tôi chào bà chủ quán, gượng cười và lục lọi trong trí nhớ. Bà ấy nhìn quen quá, rõ ràng là một người làng, nhưng tôi không thể nhớ ra là ai. Chẳng lẽ mới chạm ngõ bốn mươi mà trí nhớ đã tàn tạ đến thế, hay là bà ấy đã đổi thay quá nhiều…

Rót một cốc chè xanh còn ấm nóng, bà chủ quán nhìn tôi thân mật:

- Chắc cháu không nhớ ta, nhưng hồi còn ở làng ngày nào ta cũng nhìn thấy cháu.

- Dạ phải. Lần gần nhất cháu về, cô chưa mở quán, đây còn là bãi đất hoang…

Cổ họng tôi như vướng phải một cọng cỏ khô, ứ lại. Hồi đó, trên bãi đất hoang sau gốc si này, tôi đã chứng kiến người ta đặt xác Hoài - người yêu đầu đời của tôi - trên cỏ biếc. Hoài bị đuối nước dưới sông Mơ, điều mà rất hiếm với người làng. Và, chuyện lại xảy ra trước khi hai chúng tôi vào thành phố học đại học.

Năm ấy cả làng chài xôn xao vì tôi và Hoài cùng đỗ đại học. Hồi đó, thi đại học là một sự kiện đặc biệt ở làng. Bố tôi luôn bảo chẳng phải học hành mà làm gì, chỉ cần ở nhà cũng kiếm được cơm ăn áo mặc. Bao đời nay dân làng này đều không cần học mà có chết đói đâu. Là vì, trước nhà tôi có một dòng sông chảy qua, người ta gọi là sông Mơ, bên hông nhà cũng một dòng sông khác, tên gọi sông Đào. Nhà tôi ở đầu làng, làng tôi nằm ở ngã ba sông.

Sông dài -0
 Minh họa: Lê Trí Dũng

Ở làng tôi, đám trẻ con đứa nào cũng biết bơi, biết chèo thuyền trước khi biết chữ, và chẳng đứa nào lên đại học, cho đến thời điểm ấy. Không ai học cao, nhưng nhà nào cũng tường xây ngói đỏ, xe máy chạy vù vù ở những con ngõ làng tôi trước khi chúng phổ biến ở khắp các ngả đường liên thôn, liên xã khác. Tất cả là nhờ hai dòng sông, nhờ cá tôm luôn ăm ắp lòng thuyền mỗi sớm mai cập bến.

Nhưng, phải có gì đó thay đổi chứ. Tôi không muốn cả đời tôi, cả đời con cái chúng tôi đều dậy từ ba giờ sáng, dẫu mùa đông lạnh giá hay trời hè mát rượi, bước ra khỏi nhà, xuống bến và ì oạp chèo thuyền kéo lưới bắt cá thu tôm. Thế nhưng, mới nghe tôi manh nha ý định rời khỏi làng lập nghiệp, bố tôi đã làm ầm lên. "Ở cái làng này không có đứa thanh niên nào hư hỏng như thế cả, trừ con Hoài. Tại mày chưa nứt mắt đã yêu đương, yêu ai không yêu, lại yêu nó, nên mới đổ đốn như thế".

Bố tôi không ưa Hoài, vì cô dẫu sinh ra, lớn lên ở làng, nhưng cứ như một ni cô đạo hạnh, suốt ngày chúi mũi đọc sách, đi chợ bán cá giúp bà mẹ cũng không nên hồn, và lại còn không biết bơi lội. Mẹ Hoài, khi mang thai Hoài đã không còn chồng nữa. Chồng bà ấy chết trong đợt lũ lịch sử đã ngâm ngôi làng của chúng tôi trong nước một tháng trời. Nghe nói ông ấy bị cảm, chết trong ngôi nhà giữa biển nước mênh mông, bỏ lại người vợ dại và cậu con trai nhỏ. Người làng đồn trước khi có bầu Hoài, bà ấy bảo đêm đêm cứ có người đàn ông lạ lắm, người rất tanh, đến ngồi ở đầu giường.

Ôi! Đàn ông lạ chỉ đến ngồi ở đầu giường thôi mà cũng chửa, thì thiên hạ này chửa hết mà không cần có chồng. Thế là các bà vợ trong làng loạn cả lên. Những ông chồng của họ ai mà chẳng có mùi tanh, vì quanh năm ngày tháng họ thu tôm bắt cá, cái mùi tanh của loài thủy sinh đã ám vào bất cứ ai trong làng, đến nỗi chính họ cũng không hề nhận ra. Rốt cuộc ông nào cả gan dám tằng tịu với người ta đến nông nỗi bí bầu nặng nhọc nhường kia. Đáng nghi nhất là …bố tôi, họ nói vậy, vì quanh đi quẩn lại, chỉ có ông mới hay sang nhà bà ta nhất, khi giúp cái nọ, khi phụ việc kia, với danh nghĩa láng giềng tối đèn tắt lửa.

Hoài lớn lên, cùng tôi đi học. Xóm giềng lại dè bỉu "anh em một nhà". Tôi hỏi mẹ Hoài: "Lớn lên chúng con lấy nhau nhé". Mẹ Hoài cười: "Ừ, thế thì còn gì bằng".

Tôi hỏi thế, vì dò la việc Hoài có phải là con gái ngoài giá thú của bố tôi không, ngờ đâu là mẹ Hoài lại rất vui vẻ bằng lòng, thế là từ yêu thử, tôi đã yêu Hoài thật.

Cái bến thuyền trước cửa những ngôi nhà trong làng luôn được phù sa của sông Mơ bồi đắp. Mùa nước cạn, người ta trồng rau ngay trên những dải đất xuống bến. Thành ra cái bến thật là thơ mộng. Hoài cũng gieo cả một vườn cải bên sông, mảnh vườn thoai thoải theo triền đất, cải xanh mướt và trổ ngồng trong những ngày đông tháng giá. Tôi và Hoài thường lén hẹn hò bên ruộng cải trong những đêm trăng sáng và đọc thơ Nghiêm Thị Hằng: "Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông…". Rau cải gieo nhiều không ăn hết, Hoài chia cho xóm giềng và cô bạn thân nhất, là Nguyệt, vợ tôi sau này.

…Tôi về làng lần này là vì việc bên nhà vợ. Hôm trước anh trai vợ tôi báo tin đứa con nhỏ của anh bị người ta đẩy ngã chết. Bận bịu với trăm công ngàn việc, cuối cùng vợ cũng đẩy trách nhiệm về thăm viếng cho tôi.

Tôi không thích đến những đám ma. Đương nhiên không ai muốn đến đám khóc, chỉ muốn đám cười, nhưng người ta luôn không được lựa chọn vĩnh hằng tồn tại. Với tôi, đám ma đem lại những nỗi buồn dai dẳng. Có thể, khi tôi còn là một người trẻ, đang yêu say đắm, và đang thăng hoa với niềm vui, niềm hãnh diện lớn đầu tiên trong đời, thì bị đời ném toẹt vào một nỗi đau khủng khiếp. Mất Hoài, tôi tưởng kiếp này tôi vĩnh viễn không thể yêu thương ai khác.

Trên cỏ biếc, người ta đặt xác Hoài. Cô nằm đó, như đang ngủ dưới một cơn mưa sũng nước. Người ta không cho mẹ, anh trai của Hoài vào nhìn xác cô, cũng không cho tôi lại gần. Ba bốn cậu thanh niên dùng hết sức mình giữ tôi lại, cứ làm như thể chỉ cần thoát khỏi tay họ là tôi sẽ lao xuống sông trẫm mình chết cùng người yêu. Mà lúc đó, nếu có thể, tôi đã lao xuống sông thật, với một niềm đớn đau và căm phẫn vô bờ. Dòng sông vẫn vô tư chảy, như chẳng hề gây ra một nỗi đau nào. Lúc đó, cũng trên cỏ xanh, cách xa chỗ Hoài nằm một đoạn, một số người khác xúm quanh một cô gái đang run rẩy, là Nguyệt. Chiều hôm đó Nguyệt rủ Hoài lên thuyền kéo tôm, không biết sự cố nào khiến thuyền lật, cả hai cùng ngã xuống nước. Dù bơi lội giỏi, Nguyệt cũng không tự cứu được mình, phải nhờ có một người đàn ông kéo lên, và đương nhiên cũng không cứu được bạn.

Khi đó sông đang vào mùa nước lớn, cơn mưa đêm trước đưa lũ từ thượng nguồn xuôi về, ngầu đục, nhưng không dữ dội đến mức hại chết người, đặc biệt là dân chài lưới, vậy mà...

Tôi đau khổ vì cái chết của Hoài đến nỗi không còn tâm trạng nào chuẩn bị cho chuyến nhập học. Khi ấy, Nguyệt thường xuyên đến thăm tôi, an ủi. Dầu sao, tôi cũng phải sống vì ước mơ của cả Hoài nữa.

Năm năm sau câu chuyện buồn thương đó, tôi tốt nghiệp đại học, xin được việc làm, cưới Nguyệt và đưa mẹ tôi lên thành phố sống để giúp chúng tôi trông con nhỏ. Thế rồi vài năm sau nữa, tôi đưa được bố và em trai lên sống cùng. Gia đình tôi chính thức giã từ sông nước. Cũng từ đấy tôi ít về làng, ký ức về Hoài cũng bị những lo toan bận rộn chèn lấp. Nhưng mỗi khi nhớ đến Hoài, lòng tôi vẫn nhói đau, nỗi nhớ vẫn dắt tôi về cái bến sông có vườn cải luôn tốt nhất, đẹp nhất làng của cô ấy.

"Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đương thì con gái/ Đợi tôi chưa lấy chồng". *

Có lần, giữa đêm khuya trăng lạnh, Nguyệt chợt đọc mấy câu thơ mà tôi và Hoài thường cùng nhau đọc trên bến sông trước nhà. Hoài thích bài thơ lắm. Nhưng còn Nguyệt, Nguyệt chưa bao giờ thích thơ, chưa bao giờ đọc thơ, và, tôi cũng chưa từng cùng Nguyệt ngồi ngắm sông trôi trên bến bao giờ.

- Chuyện này, chẳng biết thế nào, hay là báo ứng? - Bà chủ quán lại rót thêm nước chè xanh vào cốc của tôi, nhìn tôi, ánh mắt dò xét.

Tôi nhìn ra đường, tránh ánh mắt lạnh lẽo như phán xét, như buộc tội của bà chủ quán. Mới khoảng chín giờ tối, ngoài đường ít xe cộ chạy qua. Hai mươi năm trước, vào những buổi tối trăng đẹp như thế này, đám thanh niên lại tụ tập tán tỉnh và trêu đùa ở chính nơi đây, cái gốc cây si giữa ngã ba sông, nơi những tán lá của nó xòe ra, ôm lấy một bờ sông Mơ, một bờ sông Đào.

"Bây giờ đám trai gái trong làng chẳng ai ra gốc si hay bờ sông ngồi cho muỗi đốt, và cũng chẳng biết chúng tìm hiểu yêu đương nhau từ đời nào, có thấy đến nhà nhau bao giờ đâu, mà đùng một cái đã có bầu và đòi cưới nhau cho bằng được. Vui thế còn gì".

Tôi quay người lại nhìn bà chủ quán, nhưng bà ấy đã bỏ đi đâu từ lúc nào. Phía sau quán, dòng sông Mơ rì rầm chảy, gió luồn từng cuộn vi vút. Nơi ấy, cách đây hai mươi năm, trước khi chìm sâu xuống cái đáy đầy rong tóc tiên xanh biếc của sông Mơ, hẳn là Hoài đã tuyệt vọng lắm trước cuộc sống tươi đẹp đang vĩnh viễn biến mất. Người ta nói Hoài đuối nước, nhưng không hề uống nước. Có lẽ người cha thủy thần của cô đã đón cô về thủy phủ. Cho đến tận bây giờ, Hoài là con của ai, vẫn không có người cha dương thế nào đứng ra nhận.

Trong điện thoại báo tin buồn, giọng anh vợ tôi đau xót và đầy cay nghiệt: "Thằng cháu con anh trai cái Hoài ấy, nó đã đẩy thằng bé nhà mình ngã đập đầu vào gờ đá…".

Chỉ là đám trẻ cùng nhau chơi đùa trên bờ sông, chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn… Nguyệt lặng đi hồi lâu, rồi gục đầu xuống bàn rưng rưng khóc.

Sống với nhau hơn mười năm, có hai mặt con, cùng chung vượt khó, tôi không lạ với tính cách kiên định, lạnh lùng của vợ. Khác với Hoài luôn ân cần, tha thiết, Nguyệt dứt khoát và đầy toan tính. Song nhờ có Nguyệt, tôi đỡ phải gánh vác kinh tế gia đình rất nhiều.

Vậy mà, chính những quãng thời gian tôi cảm thấy bị vợ bỏ rơi giữa công việc làm ăn của cô ấy, thì cô lại như một người khác hẳn. Có những lúc Nguyệt nhìn tôi rất lạ. Ánh mắt thiết tha, nồng nàn, mà vào khoảnh khắc ấy, trái tim tôi rộn ràng, bùng cháy với những cảm xúc ngọt ngào đầu tiên của đời trai trước người yêu dấu. Cảm giác ấy, tôi từng nghĩ chỉ có thể có trước Hoài.

- Này!  Chú ơi!

Tôi giật mình, bứt ra khỏi luồng suy tư. Một cậu choai đứng bên chiếc xe còn đang nổ máy pành pành nhìn tôi chằm chằm. Ánh đèn đường gần đó hắt lại, loang trên gương mặt cậu những vệt sáng tối đầy hư ảo.

- Sao chú ngủ gật ở đây?

Bên vệ đường, chỉ cách ngôi nhà cũ của tôi một quãng ngắn, tôi ngồi tựa lưng ghế đá đặt dưới gốc si. Phía sau thân cây xùm xòa to lớn vẫn là bãi đất trống. Một ngôi miếu nhỏ được lập từ lúc nào, lạnh lẽo khói hương...

Cậu choai trèo lên xe và phóng vút vào làng, khi tôi từ chối đi cùng. Đứng lặng dưới gốc si, tôi nhìn dòng sông lấp lánh sáng từ ánh trăng vằng vặc, thứ ánh sáng mà đã lâu lắm rồi tôi không còn được đắm chìm. Ngày ấy, khi khoác ba lô lên thành phố, tôi để lại chốn cũ những đồn đoán về cái chết của Hoài. Nhưng một niềm canh cánh tôi vẫn mang trong lòng bao nhiêu năm qua. Chưa bao giờ tôi hỏi Nguyệt, vì sao trong buổi chiều ấy, khi được đưa lên bờ, rất lâu sau Nguyệt mới nói: "Còn một người nữa ở dưới sông…".

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy
.
.