Siêu lừa vẫn bị lừa
Người dân trong thôn tôi ít đi ra ngoài, thường chỉ đến phiên chợ họ mới lên thị trấn mua hoặc bán thứ gì đó. Chợ thị trấn rất náo nhiệt do có các cửa hàng bán quần áo, bán cây giống, bán thuốc nông dược, bói toán, v.v…là chợ mà cái gì cũng có.
Hôm đó, tôi theo ông chú tôi đi chợ, thấy phía trước có đông người vây quanh chúng tôi len vào xem, hóa ra là có một người trung niên giới thiệu cái bình sứ cổ, ông ta ăn mặc áo sơ mi trắng, quần tây, đeo kính mát gọng vàng trông như một trí thức. Chiếc bình sứ của ông ta rất đẹp và có vẻ cổ kính.
“Tôi từ Phúc Kiến đến đây sưu tầm đồ cổ, bất cứ cái gì cổ là có thể mua. Ở nhà vợ tôi sắp sinh tôi định về quê nhưng tiền tôi để trên xe bị mất cắp không còn một xu nên không về được đành phải bán chiếc bình cổ này để có tiền. Đây là đồ rất quý nhưng không còn cách nào khác nên tôi đành phải bán nó đi. Đúng là rất tiếc”. Người trung niên nói xong móc ra một que diêm rồi quẹt nhẹ lên thành cái bình, que diêm bùng cháy ngay. Mọi con mắt tròn xoe nhìn ông ta kinh ngạc, người trung niên tỏ ra rất đau xót nói: “Tôi bỏ ra 6 ngàn tệ để có được cái bình này nếu mang được đến Quảng Châu phải bán được hàng chục ngàn, hôm nay vì bí quá tôi phải bán 5 ngàn tệ để lấy lộ phí”.
Những người đứng xem hầu hết là nông dân, bình thường mua cái gì giá 10 đồng còn phải đắn đo, suy nghĩ nên khi nghe cái bình giá 5 ngàn tệ thì lắc đầu, lè lưỡi tản đi ngay. Ông chú tôi như bị cái bình sứ cổ cuốn hút nên ngồi xuống xem cái bình rất kỹ. Người trung niên lại lấy ra mấy que diêm đưa cho ông chú để ông chú thử, đúng là ông chú quẹt que diêm vào thành cái bình là que diêm bùng cháy ngay. Miệng ông chú tôi không ngừng lẩm bẩm “Đúng là thần kỳ!”.
Người trung niên nói: “Không thần kỳ thì không phải là đồ cổ, quẹt diêm cháy chứng tỏ chiếc bình này đã chôn ở dưới đất hàng ngàn năm rồi, người ta không biết hàng nên tôi mới mua được 6 ngàn tệ, nếu không thì hàng chục ngàn người ta cũng không bán, còn tôi thì bí quá mới phải bán nó đi”.
Ông chú tôi ngẩng đầu lên nói: “Tôi không có nhiều tiền như thế, ông có thể giảm bớt không?”.
Người trung niên nói: “Tôi đã phải bán lỗ vốn rồi, ông biết đấy? Ông mua về thành phố chỉ sang tay nhẹ nhàng cũng được chục ngàn”.
“Nhưng cả nhà tôi bây giờ chỉ có 3 ngàn tệ, ông không thể giảm bớt à?”.
Tôi nghe chú tôi nói mà lo quá, ông chú tôi là nông dân chất phác thật thà nhưng không thể thật thà như thế được. Tôi là học sinh trung học mà nhìn cũng thấy cái bình này có vấn đề nên kéo áo chú tôi đi ra chỗ khác nhưng ông chú tôi không chịu đi còn nói với tôi cẩn thận không làm vỡ bình của người ta thì không có tiền đền đâu. Ông chú tôi cứ ngồi mặc cả cái bình nhưng người trung niên nhất định không giảm giá nên ông chú đành đứng lên nói: “Không bán thì thôi, vợ ông sắp sinh rồi mà ông không chịu bán”. Nói xong quay người đi. Dường như câu nói cuối cùng của ông chú đã khiến người trung niên cảm động, ông ta gọi chú tôi lại nói: “Tôi có thể bán cho ông cái bình này với giá 3 ngàn tệ nhưng ông phải hứa với tôi một điều?”.
“Điều kiện gì?”, Ông chú tôi hỏi.
“Nếu trong vòng một tháng ông chưa bán được nó tôi sẽ mang tiền đến chuộc lại thì ông không đươc lấy hơn 6 ngàn tệ đấy nhé!”.
Ông chú tôi thấy có vẻ hợp lý gật đầu đồng ý và nói người trung niên ở đây đợi ông về nhà lấy tiền. Vừa đi được mấy bước nhưng chợt nghĩ có điều gì đó không đúng nên ông chú quay lại nói với người trung niên: “Nhỡ may tôi về lấy tiền ở đây ông lại bán cái bình cho người khác thì tôi mất công toi”.
Người trung niên thề rằng sẽ luôn giữ chữ tín nhưng ông chú tôi không chịu, ông chú tôi yêu cầu người trung niên đưa cho ông chú tôi 100 tệ tiền cược thì ông mới yên tâm về nhà lấy tiền. Người trung niên suy nghĩ một lúc rồi lấy ra 50 tệ nói là đây là gia tài cuối cùng của ông ta. Ông chú tôi cầm tiền nói là 30 phút ông sẽ quay lại.
Ông chú tôi vừa ra khỏi cổng chợ thì bà thím tôi vội chạy theo nói với ông chú: “Lừa được người ta 50 tệ không chạy nhanh kẻo người ta đuổi thì chạy không kịp đâu? …”.
Nguyễn Thiêm (dịch)