Sát chồng

Thứ Năm, 28/10/2021, 16:06

Phường nhạc Nhã Tranh là một trong bốn phường nhạc lớn ở Hàng Châu, chủ nhân của phường nhạc này là Lưu Ôn Hồng một người chơi đàn tranh giỏi nhất Giang Nam. Mỗi khi phường nhạc này biểu diễn luôn thu hút các quan lại quyền quý đến nghe và không ngờ sau buổi biểu diễn trong đêm Trung thu thì gặp tai họa, Lưu Ôn Hồng bị đánh  rồi bị dìm chết trong đầm sen, hung thủ còn lấy đi một viên ngọc bội. 

Thời nhà Thanh, Tổng đốc Lương Giang, Vu Thành Long được Hoàng đế Khang Hy gọi là “Thiên hạ đệ nhất thanh liêm”, ông không chỉ nổi tiếng về tính chính trực mà bởi còn có tài phá các vụ án. 

Khi đó Giang Nam đang là thời kỳ thái bình thịnh vượng cuộc sống phồn hoa và nền âm nhạc cũng vô cùng hưng thịnh. Không lâu sau khi Thành Long nhậm chức Tổng đốc Lương Giang thì ở phường nhạc “Nhã Tranh” nổi tiếng ở Hàng Châu đã xảy ra một vụ án mạng. 

Phường nhạc Nhã Tranh là một trong bốn phường nhạc lớn ở Hàng Châu, chủ nhân của phường nhạc này là Lưu Ôn Hồng một người chơi đàn tranh giỏi nhất Giang Nam. Mỗi khi phường nhạc này biểu diễn luôn thu hút các quan lại quyền quý đến nghe và không ngờ sau buổi biểu diễn trong đêm Trung thu thì gặp tai họa, Lưu Ôn Hồng bị đánh  rồi bị dìm chết trong đầm sen, hung thủ còn lấy đi một viên ngọc bội. 

Vụ án mạng đã làm chấn động cả thành phố Hàng Châu. Quan Tổng đốc Thành Long đích thân dẫn nha dịch đi điều tra vụ án. Khi đến phường nhạc, ông thấy vợ của Lưu Ôn Hồng là Vương Thị đang khóc lóc thảm thiết, đầu tiên ông bái lạy linh cữu của Lưu Ôn Hồng ba vái rồi hỏi Vương Thị: “Phu nhân, hãy nén đau thương, trong vụ án này tôi còn có một số nghi vấn mong bà có thể giải đáp cho tôi”.

Sát chồng -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Vương Thị mời Tổng đốc vào nhà khách, Vương Thị độ hơn 30 tuổi, nhan sắc bình thường, Vương Thị vừa rót trà vừa nói: “Tổng đốc đại nhân, mong ông minh xét, ông nhà tôi chết không được rõ ràng”. Tổng đốc nói: “Bản quan muốn hỏi phu nhân là khi còn sống, Lưu nhạc sư có thù oán với ai không hoặc là gần đây có tranh chấp gì với ai không? Viên ngọc bội đã tìm thấy chưa?”.

Vương Thị ngập ngừng một lúc đột nhiên quỳ xuống nói: “Đại nhân, ông nhà tôi sống rất cởi mở không có thù oán gì với ai cả, viên ngọc bội là của tổ tiên truyền lại có giá trị hàng vạn lượng... Trước Tết Trung Thu ông nhà tôi từng đánh một đệ tử vì không chịu khó  học tập, có thể là nó tức giận mà trả thù...”.

Nghe đến đây, Tổng đốc lập tức cảnh giác: “Đệ tử nào?”.

Vương Thị vừa khóc vừa nói: “Là tên đệ tử nhỏ nhất của nhà tôi là Trương Luân, tính nó ương bướng nhưng vì ông nhà tôi thấy nó tư chất thông minh mới thu nhận ... Hôm nay nó cũng không đến chịu tang”. 

Nghe đến đây, Tổng đốc hét lên: “Người đâu, đi bắt ngay Trương Luân cho ta!”. Khi Tổng đốc vừa rứt lời thì có một người đàn ông chít khăn tang đi vào quỳ xuống nói: “Quan Tổng đốc, đệ tử Trương Luân đã treo cổ tự tử ở nhà hắn rồi”. 

Người đàn ông vừa nói là Lý Phục, đệ tử của Lưu Ôn Hồng, anh ta thấy Trương Luân không đến chịu tang thầy nên mới đến nhà anh ta để bảo anh ta nhưng khi đến nhà thì không ngờ anh ta đã treo cổ tự tử. Dưới sự dẫn đường của Lý Phục, Tổng đốc và nha dịch đến nhà Trương Luân thấy anh ta treo cổ trên xà nhà chết. Tổng đốc lệnh cho nha dịch kiểm tra căn nhà của Trương Luân, một lúc sau nha dịch báo với ông rằng đã tìm thấy viên ngọc bội gói trong một miếng vải trắng ở dưới gầm giường của Trương Luân. Vương Thị nhìn thấy viên ngọc bội khóc rống lên, vừa khóc vừa nói: “Ông ơi, ông chết thật thảm hại, may mà quan đại nhân đến tra án kẻ xấu Trương Luân sợ vội mà tự sát. Viên ngọc bội đã trở về nguyên vẹn, ông xuống mồ được bình yên...”.

Tổng đốc liếc nhìn Lý Phục, anh ta đứng bên cái bàn, nét mặt không hề tỏ ra đau buồn, một tay để trên mặt bàn, các ngón tay không ngừng gõ theo một nhịp điệu. Tuy động tác của anh ta rất khẽ nhưng Tổng đốc nhìn thấy tất cả, ông đằng hắng rồi nói: “Vụ án này đến đây coi như kết thúc, hung thủ Trương Luân đã tự sát, viên ngọc bội là vật chứng tạm thời mang về quan nha để kết án. Bây giờ bản quan cáo từ về phủ, ngày an táng Lưu nhạc sư, bản quan sẽ đến đưa tiễn ông đồng thời mang trả lại viên ngọc bội”. Nói xong, Tổng đốc cùng bọn nha dịch đi về phủ ngay.

Khi về đến phủ, viên thư ký không nhịn được hỏi quan Tổng đốc: “Đại nhân, theo tiểu nhân vụ án này có nhiều điểm đáng ngờ sao đại nhân lại vội vàng kết thúc vụ án?”.

Tổng đốc bật cười nói: “Ngươi đừng nên hỏi nhiều, ta hỏi ngươi kẻ giết người chưa bị lộ liệu có tự nhiên sợ tội mà tự sát không?”.

Viên thư ký nói: “Khi vụ án chưa được điều tra mà Trương Luân đã chết thì thật là vô lý”.

Quan Tổng đốc gật đầu nói: “Trương Luân chết tất tưởi quá, ta nghi có người sát hại và viên ngọc bội cũng do hung thủ đặt ở dưới gầm giường để đổ tội cho Trương Luân cho nên ta cố tình kết thúc vụ án để hung thủ buông lỏng cảnh giác... Ta cũng đã xác định được hung thủ, đợi cho đám tang qua đi vài ngày, ta sẽ đi bắt hắn”.

Bảy ngày sau là ngày an táng Lưu nhạc sư, cả phường nhạc là một màu vải trắng người thân và đệ tử khóc lóc thảm thiết. Các quan lại nhiều bạn bè của Lưu nhạc sư ở Hàng Châu đến dự lễ an táng rất đông. Vương Thị mặt mày phờ phạc, nước mắt ròng ròng có a đầu dìu đi chào khách đến dự lễ tang. Khi đám tang đến nơi an táng đang chuẩn bị hạ huyệt thì đột nhiên một nha dịch phi ngựa đến rồi xuống ngựa cung kính: “Vương phu nhân, quan Tổng đốc đã mang viên ngọc bội đến trả !”. Và ngay sau đó, một đội quân hộ tống kiệu của Tổng đốc và một chiếc giá gỗ được quây kín vải đen, trên cái giá là viên ngọc bội và một cái đàn tranh.

Quan Tổng đốc xuống kiệu bảo nha dịch đặt cái giá quây vải đen trước quan tài của Lưu nhạc sư, viên ngọc bội và cái đàn tranh trên cái giá đã thu hút những ánh mắt của mọi người. Quan Tổng đốc khom người trước quan tài vái ba vái rồi chắp tay nói: “Lưu nhạc sư, bản quan tra án của ông nay đã kết thúc, hung thủ đã khuất phục trước pháp luật nếu ở dưới suối vàng có biết thì ông được yên lòng!”.

Không ngờ khi quan Tổng đốc vừa ngẩng đầu thì bỗng nhiên những dây đàn của cái đàn tranh rung lên cất lên tiếng kêu réo rắt, mọi người thấy vậy vô cùng kinh ngạc như có quỷ thần xuất hiện.  

Quan Tổng đốc tiếp tục nói: “Lưu nhạc sư, vì sao đàn lại tự đánh hay là ông chết không nhắm được mắt? Nếu có gì oan uổng thì không ngại khiếu nại với bản quan!” .

Lúc này, tiếng đàn càng ngày càng dồn dập đánh một giai điệu đau buồn. Nghe giai điệu này, ánh mắt mọi người đổ dồn về phía Vương Thị vì khúc nhạc phát ra là một làn điệu dân gian “Vợ ác giết chồng”. Nhìn thấy nét mặt tái mét của Vương Thị, quan Tổng đốc lấy tay vỗ mạnh vào chiếc quan tài thét lên: “Vương Thị, hôm nay thần linh tái hiện giúp ta xử án, có phải là ngươi đã giết chồng không?”.

Vương Thị nghe tiếng đàn ai oán, tinh thần bỗng nhiên suy sụp, vội quỳ xuống nói: “Ông ơi, là tôi đã hại ông làm ông chết không nhắm được mắt...”.

Đúng lúc này, quan Tổng đốc nhìn thấy Lý Phục chui ra khỏi đám đông nên vội hô nha dịch bắt hắn lại. Lý Phục kêu lên: “Đại nhân, tôi có tội gì?”.

Quan Tổng đốc cười nhạt nói: “Lý Phục, ngươi mắc tội tư thông với Vương Thị giết hại sư phụ?”. Lý Phục vẫn ngoan cố chối cãi: “Đại nhân, tôi bị oan...”. Quan Tổng đốc nói với mọi người: “Ngươi oan cái gì? Ta hỏi ngươi, hôm đó ở nhà Trương Luân ngón tay ngươi gõ gõ gì ở cái bàn?”. Lý Phục vẻ sợ hãi nhìn quan Tổng đốc, Tổng đốc nói: “Ta cũng là người thông thạo âm nhạc nên hôm đó ta đã nghi người là hung thủ, lúc đó sư phụ của ngươi đã chết, sư đệ bị kết tội, các ngón tay ngươi không ngừng gõ điệu nhạc “Vịt trời đùa nước” nếu như ngươi là người có hiếu thì ngươi còn tâm trạng để gõ như vậy được chăng? Ngay hôm đó ta đã cử người theo dõi ngươi và không ngờ lại biết được ngươi và Vương Thị hẹn hò ở vườn hoa thề thốt với nhau... Ta đã điều tra biết được lúc Trương Luân bị hại, ngươi không có mặt ở tang lễ”.    

Nghe quan Tổng đốc nói, Lý Phục sợ run người đứng không vững, hắn không ngờ Tổng đốc lại biết rõ sự việc như vậy, càng không ngờ rằng khi tang lễ sắp kết thúc thì tiếng đàn thần linh lại vang lên. Vương Thị cũng ngã nhào xuống đất vì biết đêm Trung thu, thị và Lý Phục hẹn nhau ở vườn hoa, khi bị Lưu Ôn Hồng phát hiện hai người đã giết hại ông để chiếm đoạt gia sản rồi bàn nhau đổ tội cho Trương Luân...

Đúng lúc này, quan Tổng đốc vỗ tay mấy tiếng thì tiếng đàn bỗng ngừng bặt chỉ thấy một thiếu nữ ôm cái đàn từ trong tấm vải trùm quanh cái giá đi ra, đây chính là người đã đánh đàn khúc nhạc “Vợ ác giết chồng”. Nguyên là quan Tổng đốc mời thiếu nữ là một nhạc công trốn ở dưới cái giá được trùm vải đen che kín để đánh đàn, còn những dây đàn biết rung động là do một nha dịch đứng ở đằng sau giật sợi dây được giấu kín...

Nguyễn Thiêm (dịch)

Hoa Đăng Hỷ (Trung Quốc)
.
.