Rượu xuân tình
Chai rượu ngâm rễ cây có cái tên rất lạ: - rễ cây “Xoắn tình” đã gần cạn. Thế nào mà gần sáng nó biến thành hai chai rượu xuân “xoắn tình” nhau hừng hực, hổn hển, ngầy ngậy hương xuân bất chấp ngoài kia tuyết trắng rơi ngày một dày nặng. Ngọn lửa trong này chấp tuyết lạnh ngoài kia nhé.
Trên này chả cần tủ lạnh đâu. Một năm có tới 9-10 tháng có sương giá buốt đến tức ngực. Thậm chí có băng tuyết. Thấy bảo người thành phố lên đây xem tuyết? Nó buồn cười lắm. Tuyết thì có gì mà xem? Có bà Tiên nào ở trên mây đập rũ chăn bông. Bông bay trắng trời trắng đất là thành tuyết thôi. Có tuyết khổ lắm. Hơn hai trăm gốc ngô đang trổ cờ chết rét đấy. Làm sao mà mặc áo cho ngô được? Bà Lử mẹ chồng cứ gào những thanh âm trầm trầm trong cổ họng, giọng lạnh còn hơn tuyết:
- Lò Mì Dò. Mày lười quá. Không xuống sông cõng nước lên à. Lấy gì đun nước nóng ngâm chân? Còn đồ mèn mén nữa. Lười quá thì như người Kinh bảo “chảy thây” ra đấy...
Có phải nó chảy thây ra đâu? Sáng và chiều hai lần xuống sông cõng nước lên. Mà phải bước bộ 730 bậc đá đấy. Hai lần là 40 can nước to đấy. Nhưng nước không có chân mà nước vẫn đi đâu mất? Bò ngựa uống này. Tắm giặt này. Dê gà chó cũng phải uống chứ? Còn nấu ăn? Bà mẹ chồng bắt đun nước sôi, pha ấm, bỏ nhúm muối vào, vừa ngâm vừa rên khè khè.
- Dậy đi chồng ơi. Mặt trời lên cao rồi. Bỏ nương cho cỏ dại múa à. Rồi lấy gì mà ăn?
Thằng Sùng Văn Sướng càu nhàu:
- Tối qua rượu với mấy bạn về thăm. Tay chân nhão ra rồi. Không đi được. Mai tôi làm bù. Vợ đừng lấy kim chọc vào tai như thế...
Thế có chán không chứ? Chồng nó khỏe như con ngựa đực. Chịu khó lam làm. Tài hoa nữa. Nó thổi sáo Mèo nghe cứ ngọt chui từ lỗ tai xuống trong ngực, rồi lan ra hai bầu vú. Tiếng sáo mơn man. Thích lắm. Chỉ ghét có mỗi tội hay rượu quá thôi.
Cách đây hai năm, Lò Mì Dò đi chơi chợ. Cũng chẳng có tiền đâu. Cùng đứa bạn gái ngồi bán tổ ong khoái lấy được trong rừng. Chờ mãi mới có khách mua. Chỉ trả có 60 ngàn. Biết là rẻ đấy. Cũng phải bán thôi. Gần trưa mà bụng kêu ột ột như tiếng con ếch kêu trong bụi cây sau chuồng bò ý. Hai đứa định rủ nhau đi mua bánh mì thì nghe tiếng sáo Mông. Không biết người ta đổ rượu lạnh vào ống sáo từ bao giờ. Nghe rồi say rồi buồn chảy nước mắt. Ngồi thụp xuống. Lấy tay che mặt. Người ta mà nhìn thấy hai tia rượu trong veo chảy ra từ mắt thì ngượng lắm. Mà cái người thổi sáo sao mà khỏe đẹp thế. Bắp chân bắp tay cuồn cuộn thừng chão. Ngực căng vồng. Mắt to nhìn thẳng nhé: Mẹ ở nhà dặn chọn chồng phải chọn người mắt to nhìn thẳng. Mắt bé mà nhìn trộm là không tốt đâu!
- Anh mời hai em đi ăn thắng cố cùng anh nhé. Anh trả tiền mà. Bán được mấy con Nhím. Nhiều tiền nhé!
- Không. Bọn con gái chưa được ăn thắng cố bao giờ. Không đi đâu...
- Thôi mà. Trai gái bình đẳng mà. Mồm nào chả là mồm. Anh mời. Nhá. Người núi mình không biết nói dối đâu
Cứ như bị thôi miên ấy. Nhất là mắt có lửa và cái mùi lạ lắm. Chưa gặp bao giờ. Ngửi vào cứ đỏ mặt. Đỏ hơn cả hoa dong riềng đỏ rồi.
Lần đầu tiên hai đứa ăn hai bát thắng cố. Rồi uống rượu ngô bằng bát với Sùng Văn Sướng. Đứa bạn thân uống hết ba bát là ngồi khóc rồi gọi mẹ ơi. Chỉ có nó uống hơn chục bát với Sướng. Càng uống càng xinh nhé. Sướng bảo:
- Mặt em tròn hơn cái trứng nhện. Trắng ngần hơn bánh đa không vừng. Uống rượu thì hợp anh lắm. Em mong lấy chồng là người như thế nào?
- Không biết. Biết cũng không nói đâu...
Cúi đầu. Biết má mình đỏ lắm. Người trai ấy học Trường Dân tộc Nội trú tỉnh có khác. Nói khôn lắm. Biết nuôi nhím, lợn rừng, hươu sao đem bán là giỏi lắm đấy..
Chiều mất rồi. Em phải về đây. Muốn ngạt thở khi người ta ghé sát đầu, nói thầm:
- Phiên chợ tới đi một mình thôi. Anh vẫn thổi sáo chờ em ở đây. Không đến là anh không về. Thổi sáo cho mòn trăng nhé?
Quay đầu nhìn thẳng vào mắt người ta rồi gật đầu. Rồi vừa chạy vừa hát bài dân ca nổi tiếng của quê mình:
Anh là lửa em làm bó rau rừng
Anh nấu em chín thơm đêm nay
Em là dây lanh bền, anh là bó cây ngô thơm mát
Em buộc địu anh về kệ đường xa...
Đứa bạn đuổi không kịp hét lên:
- Mày ăn phải mật gấu à mà chạy khỏe thế. Hai chân tao biến thành hai sợi bún rồi..
Dò quay đầu lại. Sướng vẫn đứng nhìn theo. Bãi chợ tàn vốn buồn sao hôm nay vui thế? Những lều quán xám ngắt lạnh teo giờ rung rinh như muốn hát. Đường về bản lúc chiều tối vốn như con rắn to chết lạnh nằm đuồn đuỗn ra. Giờ con đường như câu dân ca bay theo gió, như dải thổ cẩm trải dài, nối nhà Sướng với nhà Dò. Bật đuốc lên thắp hồng con đường, thắp hồng một bài hát lạ cứ cựa quậy trong ngực, đòi chui ra múa cùng lửa đuốc.
Đêm ấy Lò Mì Dò không ngủ được. Nghe cái máng nước đầu nhà tí tách nói chuyện cùng hòn đá to dành cho người ngồi giặt quần áo. Nghe mưa đêm hát suốt trên vòm cây dẻ khổng lồ sau nhà. Bọn bò, dê, lợn sao cũng mất ngủ, cứ lịch kịch, be be, ò ò, ủn ỉn vui thế chứ!
Sau hai phiên chợ hò hẹn, cả hai đã đi đến quyết định: - phiên chợ tới, Dò sẽ ra chỗ hẹn để Sướng cướp về làm vợ, sau khi đã viết thư gửi lại để bố mẹ khỏi lo lắng. Mỗi lần nhớ lại đêm đầu tiên bên nhau ấy, Dò lại đỏ không chỉ mặt mà cả cổ nữa.
Sau khi cúng ma xong, nhà trai hỉ hả ăn thịt uống rượu, Dò được đưa vào phòng tân hôn. Cứ gọi theo người Kinh thế cho đẹp chứ thực ra là phòng cũ, chăn màn mới thôi mà… Vừa sợ vừa ngượng, vừa đói, cô ngồi chờ mãi mà Sướng không vào. Anh còn mải cạn từng chén to rượu men lá. Tự nhiên Dò thèm rượu quá. Chẳng lẽ cô dâu lại chạy ra xin rượu uống? Xí hổ chết! Mãi rồi Sướng cũng vào giường, say bét nhè, hì hục vật cô xuống. Đang bực mình, Dò đạp mạnh, chồng lăn quay lơ xuống đất. Tức thế không biết! Đã định khóc òa thì phát hiện Sướng cầm vào một chai rượu và miếng thịt dê luộc bằng bàn tay. Thôi thế cũng cho là người có lương tâm! Tạm tha thứ cho chồng đấy.
Đêm hôm sau mới chính thức động phòng. Cửa buồng thì mỏng tang. Cha và em chồng ngồi uống rượu ngay bên ngoài. Ngượng chết đi được. Sướng đưa tay bịt miệng cô, phì phò: - Đừng... đừng thở to quá thế..., nhưng chính anh thở to gấp đôi cô. Bố mà nghe được thì biết làm sao?
Từ ngày về bên nhau, Sướng chăn thả gấp đôi lợn rừng, hươu sao, nhím... Anh còn nhận trồng, bảo vệ hai héc ta rừng. Dò thành lập tổ Dệt thổ cẩm. Ông trưởng thôn Lò Văn Páo cười khùng khục:
- Bấm tử vi rồi. Hai đứa này hợp tuổi hợp mệnh. Không giàu có ú ụ mới lạ đấy....
Nhưng vẫn có chuyện buồn đấy. Hai năm bên nhau rồi, cái bụng của Dò vẫn phẳng lì như hồi chưa chồng. Cả hai nhà cùng mong. Gặp là cứ nói gần nói xa suốt. Dạo này Sướng lại làm tổ trưởng tổ An ninh của bản nên đi suốt. Có hôm về đã ba giờ sáng. Mệt thế còn làm ăn gì nữa mà mong bụng to lên!
Giàu nhất bản này là nhà Lò Văn Quai. Không làm ăn gì mà giàu vùn vụt. Thế mới lạ?! Dò ghét lão Quai ấy, mặt cứ như dái trâu. Mắt thì vừa lồi vừa trắng dã, nom sợ lắm. Hôm tình cờ gặp ngoài nương ngô, lão ỡm ờ:
- Muốn có con ngay thì gặp thầy Quai nhé. Cứ kéo váy lên. Nhắm mắt lại. Chữa một lúc là có đấy...
Ghét thế không biết. Dò cầm con dao quắm mổ mổ về phía lão: - Có chữa thì hỏi con dao này nhé...
Thế mà dạo này Sướng lại thân với lão Quai. Hợp vì rượu mà. Có hôm mang nhung hươu ra cắt, pha với rượu mạnh uống, đêm về vần vợ tới sáng. Nói thẳng với chồng, hai môi của Dò chu lại, nhọn hoắt như búp măng tre.
- Đi cùng ma lâu rồi thành quỷ nhé. Cái mặt dái trâu ấy không tốt được đâu...
Sướng cười hề hề:
- Đừng mê tín thế. Nhỡ mặt quỷ bụng Phật thì sao?
Chán. Chả buồn nói nữa, ba hôm nay Sướng lăn lộn giúp đám ma nhà lão Quai. Bố lão chết già. 90 tuổi mà mồm vẫn đầy răng chắc như răng hổ. Sướng ngả trâu, làm cỗ khéo lắm. Thịt trâu mà nấu được đến 7 món là giỏi đấy. Lại còn gói giò trâu, nấu Thắng cố trâu... Ấy thế mà chiều nay trưởng thôn Páo qua cổng gọi vào:
- Xuống nhà Quai mang chồng về đi. Say quá đánh nhau với người ta. Giờ bò bốn chân rồi đấy..
Nhục quá. Nhưng xót chồng, Dò chạy thục mạng sang, Sướng đang nằm còng queo ngoài ngõ, mặt đầy máu, nôn ra bẩn hết cả ngực áo. Nặng quá. Không dìu không cõng được. Đành sang nhà hàng xóm mượn xe trâu chở chồng về. Trên đường về, mấy người đi ngược chiều trêu rồi cười hô hố:
- Ông tổ trưởng an ninh bị cảm à? Sao nằm như chó ốm vậy?
- Chắc vừa đi bắt cướp về? Mặt đầy máu nhé. Phong anh hùng thưởng huy chương nhé...
Tức quá. Dò òa lên khóc như bị đòn oan vậy. Con trâu cái già kéo xe cũng xì một cái, thối lắm.
Tức mình. Ba hôm sau Dò lên chợ, vào đúng quán ngày xưa gặp gỡ lần đầu, mua rượu uống say mềm, cô vừa uống vừa lầm bầm:
- Chỉ có đàn ông biết uống rượu à. Đàn bà cũng biết uống nhé. Còn uống giỏi hơn nhé. Mang bát Thắng cố ra đây uống để người biến thành con vật xem có thích không?!
Khi được tin Dò say nằm ngủ ở quán rượu, đập vỡ mất hơn chục cái bát nhà người ta, Sướng hớt hải chạy lên chợ đón vợ về. Trả tiền rượu thịt, đền tiền bát vỡ, đường xa, trời lạnh, Sướng đành mượn cái xe rùa đặt vợ lên, đắp cho hai cái bao tải, chở vợ về nhà. Thấy Dò cong queo, thiêm thiếp, Sướng bật khóc ồ ồ.
Sau hôm ấy, thấy Sướng vẫn qua lại thân thiết với lão Quai, Dò đóng cửa buồng “cấm vận” chồng. Nhiều đêm nhìn trộm qua khe cửa, thấy chồng quấn chăn ngủ ngoài cửa buồng vẫn run lập cập, Dò đã toan mở cửa buồng mấy lần lại thôi. Thương thì vẫn thương lắm chứ. Nhưng hôm nọ thề độc rồi:
- Nếu còn mê mẩn lão Quai dê già thì đừng có chạm vào người tôi. Tôi sẽ lên rừng để có con với Đười ươi...
“Cấm vận” chồng thành cấm vận mình hơn nửa tháng rồi. Cùng nhau khổ mà. Gần Tết rồi mà rét hơn, có tuyết phủ trắng bản làng. Đêm đêm tuyết gõ ngoài cửa buồng cửa sổ. Trong người như có ba cái lò rèn đang nổi lửa rừng rực mà không thể mở cửa. Để thua thì chồng theo kẻ xấu đi xuống vực đấy. Nghe đồn lão Quai còn mang thuốc phiện từ bên kia biên giới về bán bên này. Căm ghét lắm mà chưa biết làm sao?
Còn ba hôm nữa là tết thì có con chim Khách chuyên báo tin vui, về hót trên cây dẻ. Rồi Sướng dẫn Công an về khám xét, chỉ đúng mấy chỗ lão Quai cất giấu heroin và thuốc lắc. Lão bị bắt cùng mấy tay sai nữa. Các anh Công an tuyên dương, nói Sướng lập công to, làm “nội gián” với “khổ nhục kế” gì đấy?!
Cả bản ngạc nhiên rồi mừng cho Dò có người chồng tài giỏi. Trưởng thôn Páo cười to như máy nổ:
- Về tẩm bổ, xin lỗi rồi đền cho nó đi. Vì dân bản mà Sướng nó chịu khổ nhiều đấy..
Nhiều người trêu lắm. Mặt Dò lại đỏ như đêm tân hôn ấy. Tối nay nấu cơm, xào thịt lợn rừng, mua rượu cho cả nhà liên hoan xong, Dò ngượng ngập kéo tay chồng:
- Rét lắm. Sắp Tết rồi. Những người giận nhau phải làm lành thôi. Chai rượu thuốc đặc biệt này là bác ruột em gửi cho anh đấy...
Hình như mùa xuân đã rón rén về trong phòng, chui vào gầm giường. Kệ tuyết lạnh ngoài kia, những gốc cây trong bếp cháy âm thầm, đỏ lựng, ấm lừng. Có tiếng thở to lắm. Kệ đi, mùa xuân đang thở nồng nàn đấy.
Chai rượu ngâm rễ cây có cái tên rất lạ: - rễ cây “Xoắn tình” đã gần cạn. Thế nào mà gần sáng nó biến thành hai chai rượu xuân “xoắn tình” nhau hừng hực, hổn hển, ngầy ngậy hương xuân bất chấp ngoài kia tuyết trắng rơi ngày một dày nặng. Ngọn lửa trong này chấp tuyết lạnh ngoài kia nhé.
Dưới sàn nhà, lợn, gà, dê ủn ỉn ninh ních lạch cạch thậm thịch không ngủ được. Mấy con dê đực cà sừng vào then cửa chuồng. Trâu bò gõ móng thậm thịch trên nền đất. Lợn ủn à ủn ỉn rinh rích chen vai cọ mông nhau thỉnh thoảng lại kêu ré lên.
Con chim khách dậy sớm cứ chĩa mỏ vào buồng của Sướng và Dò hót thánh thót. Cây lềnh si thả hoa đỏ như mưa ngoài cửa buồng. Mưa xuân lất phất rây ngọc lên đám ngô nếp non trên ruộng mạ. Mặc kệ những tia nắng xuân nhảy nhót trên bức vách. Dò và Sướng sau một đêm làm lành long trời lở đất, đang ôm nhau ngủ mê mệt như cây xoắn tình.