Ráng chiều mênh mang

Thứ Sáu, 09/09/2022, 12:02

Người Cảnh sát già bồi hồi đứng trong ráng chiều vàng ối phía khúc quanh của con sông lớn, nơi bạt ngàn lau trắng vươn mình đu đưa nhè nhẹ, khắc lên mặt trời một bức họa thẫm buồn. Phía trên cao, cây cầu bắc qua sông thay thế cây cầu cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc vút cong đường bệ, uy phong như thể nhấn mạnh về sự giàu có, lạnh lùng của sự phát triển trong thời công nghệ.

Bao giờ cũng thế, cứ chiều muộn, tâm trạng không tốt là ông lại xuống trảng cát ven sông nhìn lên cây cầu ngẫm nghĩ sự đời. Hôm nay hơi khác một chút, bởi ông có thêm cảm giác phải chia xa. Ngày mai ông chính thức nghỉ hưu.

Thị trấn hai bên bờ sông lác đác đã có nhà lên đèn. Những đốm sáng nhỏ xíu như những dấu tích tĩnh lặng, đẩy mọi ồn ã, xô bồ của cuộc đời ra hẳn bên ngoài ô cửa. Phía xa, từ ngôi chùa cổ, tiếng chuông chiều vang vọng âm thanh trầm mặc như gieo vào không gian âm điệu bình yên, êm dịu. Ông vẫn chưa muốn về, cứ nấn ná ngồi lại. Dù sao, đây cũng là nơi gắn bó bằng quá nhiều dấu ấn đặc biệt của cuộc đời, là nơi ông từng níu lại biết bao mạng người và cũng chứng kiến nhiều cái chết vô cùng đáng sợ. Công việc đặc biệt đến nỗi nhiều khi ông dường như trở thành nhà tâm lý, người thuyết giáo hơn là một Cảnh sát Giao thông.

- Ông chờ tôi sao?

Gã đàn ông người Pháp đến bên cạnh ông từ lúc nào, lặng lẽ ngồi xuống cất tiếng hỏi. Ông cười nhẹ:

- Quả là có ý đợi ông thật. Chắc ông biết ngày mai tôi không còn ở đây nữa.

- Vậy là kết thúc công việc. Cái gì kết thúc cũng gây một cảm xúc đặc biệt thật. Không có ông để đấu trí cũng buồn. Thú thực là tôi không thích sự bình lặng. Đời trôi mãi thế cũng nhàm chán, bởi vậy mà tôi thích thử thách sự kiên nhẫn và trí tuệ của ông. Ai chẳng biết để làm một Cảnh sát, độ nhanh nhạy, kỹ năng là phải hơn người.

Hắn khục khục trong họng như một thói quen cố hữu, chòm râu vàng rực, xoắn tít che lấp nửa khuôn miệng lúc nào cũng chực cười khẩy. Cả hai im lặng bên nhau nhìn ra mặt sông, vô thức gắn điểm nhìn lên đầu con sóng lan man xô dần ra phía tít tắp.

*

Tròn 49 tuổi, cuộc đời bỗng ngoắt một cái, phũ phàng đẩy ông sang hướng khác. Vợ bỏ vì lí do suốt ngày chồng mải mê theo đuổi các vụ án, đến cái quạt trong nhà bám bụi, cái máy giặt hỏng cũng phải gọi người đến sửa, vợ tự làm đàn ông được nên không cần đàn ông nào khác nữa. Ông để lại hết nhà cửa, con cái, nhờ vợ chăm sóc, xin cấp trên cho chuyển ra làm Cảnh sát Giao thông ở đoạn đường là điểm nóng này. Công việc không cân bằng được tâm trạng, ngược lại nó cuốn nỗi buồn vào tận tâm can theo một cách đặc biệt khác, cô đặc, bám dính, dai dẳng và đắng ngắt.

Cứ lặp đi lặp lại là việc điều khiển giao thông. Cuộc sống với ông đều đặn trôi như vòng bánh xe quay chậm, ngay cả việc anh em nói rằng ở đây chẳng ngày nào được yên thì cũng chưa từng thấy. Lắm lúc ông còn tự cho rằng, hẳn là mình đã già và đủ chín để bình tâm trước mọi sự kiện, cho đến ngày, một người đàn bà bán hàng rong chạy con xe Jupiter cũ hớt hải lao đến trước mặt ông nói nhanh trong hơi thở dồn dập:

- Chú Cảnh sát ơi, đằng kia có người muốn tự tử.

Ráng chiều mênh mang -0

Ông vội vàng phóng chiếc mô tô chuyên dụng, bấm còi lao thẳng đến nơi. Nắng cuối ngày vẫn gắt gỏng nảy chi chít những vòng tròn ngũ sắc bật thẳng vào con ngươi đến tức mắt, đám đông ồn ào túm vòng trong vòng ngoài, xe cộ dần ùn lại bấm còi inh ỏi. Không khí như bị cô đặc, hầm hập phả hơi nóng ken đến từng kẽ hở của không gian. Một cậu thanh niên mặt còn búng ra sữa, đang trong tư thế một chân gác qua lan can nhưng tứ chi vẫn quắp chặt lấy thành cầu, mặt mũi đỏ lựng, nước mắt, nước mũi cùng với mồ hôi chảy ướt sũng đám râu tóc lún phún, dính bết lên mặt. Thấy ông đến, cậu thanh niên có vẻ lúng túng, chân tay loạng quạng chực ngã. Cả đám người nhao lên gào thét. Ông ra hiệu im lặng rồi từ từ tiến đến hỏi:

- Cậu có nhất thiết phải nhảy xuống kia không?

Cậu thanh niên trừng mắt gào lên:

- Ông hỏi buồn cười bỏ mẹ! Không nhảy tôi lên đây làm gì?

Từ đám đông nhừa nhựa, loang loáng, lùng bùng những thanh âm bỗng xuất hiện một gã đàn ông ngoại quốc, loáng một cái đã đứng chắn trước mặt ông và cậu thanh niên rồi cất tiếng cười và lơ lớ nói:

- Thật, hỏi buồn cười!... Thế…, chú mày có nhảy không?

Cậu thanh niên ngọ ngoạy vẻ cực kỳ khó chịu. Ông rướn người lên cất giọng nghiêm nghị, không giấu nổi lo lắng:

- Anh là ai? Đề nghị anh ra chỗ khác cho tôi làm nhiệm vụ.

- Nhiệm vụ gì?

Gã đàn ông lại cười. Nhìn trực diện kẻ phá bĩnh mới thấy, hắn cao lớn, mặc trên người bộ quần áo kaki dạng quân nhân hơi sờn vải, bên gò má có một vết sẹo chạy xéo lên gần đuôi mắt khiến con ngươi màu ánh xanh của hắn bị rúm lại, kéo xệch xuống rất đáng sợ. Hắn gằn giọng:

- Ông là Cảnh sát Giao thông, nhiệm vụ chỉ là điều tiết cái đám xe hổ lốn đủ các loại kia, liên quan mách gì đến việc một thằng thanh niên hóa rồ nhảy lên cầu định tự tử vậy hả?

Như có một ma lực nào đó, gã thanh niên và cả ông đều bị cuốn vào những gì hắn nói. Ông cố gắng kiềm giọng nhỏ đi chỉ muốn gã ngoại quốc nghe được:

- Nhiệm vụ của Cảnh sát Giao thông lý là thế, nhưng tình thì không thể làm ngơ được. Nhà Phật dạy “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp”, anh có hiểu không?

- Ồ! Phật ư? Tuy tôi là người Pháp nhưng tôi ở trong chùa đã lâu, tôi biết “pháp môn bất nhị”, lý và tình của ông là thế nhưng trong trường hợp thằng bé kia muốn kết thúc cuộc đời đau khổ của nó thì lý hay tình cũng là nên chết để được giải thoát chứ?

- Chà! Là người Pháp ư? Vậy hẳn ông biết người Pháp có câu: “Hạnh phúc thường lại là điều duy nhất mà chúng ta có thể đem cho đi khi chúng ta không có nó và chúng ta có thể nhận về khi chúng ta cho đi?”. Văn hóa Pháp bao dung, còn ông đang làm điều ngược lại đấy! Cuộc đời có khổ đến mấy thì được sống một lần vẫn hơn là chết, huống hồ sau cái chết này người thân đau đớn, người lạ chê cười, hẳn là cậu chàng kia không hề nghĩ đến nó mới hành động vậy.

Ông nói rành rọt, nhấn mạnh như thể để riêng cho gã thanh niên kia nghe. Cậu ta bấu thành cầu lâu có vẻ quá mỏi tay nhưng vẫn lập cập gào lên:

- Tôi không có người thân, mắc mớ gì sợ họ khổ? Bạn làm ăn thì lừa hết tiền, người yêu thấy thế cũng bỏ. Nói như ông Tây kia, tôi tiếp tục sống chỉ khổ nhục thêm…

Ông biết lúc này càng kéo dài thời gian bao nhiêu, càng làm cậu thanh niên bình tĩnh bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu nên dịu giọng thủ thỉ:

- Cháu ạ! Thanh niên trẻ măng như cháu sợ gì không làm lại được. Tiền có thể tiếp tục làm ra, còn người yêu bỏ lúc khó khăn thì chứng tỏ không yêu cháu. Nếu yêu thì sướng khổ phải bên nhau, vậy cháu chết có đáng không? Nó sẽ không vì thế mà thương đâu, có khi còn thấy nhẹ nợ ấy!

Gã người Pháp lại chen vào:

- Thôi, ông đừng văn vở nữa! Chết rồi thì làm được cái mẹ gì nữa mà cầu ai khóc thương. Thôi, chú mày nhảy đi cho vui! Dưới kia mát lắm!

Gã sấn tới đưa tay toan đẩy cậu thanh niên thì ông lao đến kịp. Rất nhanh chóng sau đó, vài người đàn ông chạy đến giúp kéo được cậu ta vào. Trong đám đông nhốn nháo, ông vẫn thấy đôi mắt xanh và cái miệng cười mỉa mai của hắn thấp thoáng.

*

Thời đại 4.0 khác hẳn thời tuổi trẻ của ông. Người ta giàu có, sung sướng hơn nhưng người ta cũng bớt trân trọng các giá trị truyền thống hơn và người ta nhiều trăn trở, nhiều bi kịch hơn. Bởi vậy mà hơn chục năm gắn bó với cây cầu, không ít lần ông phải đối mặt với những người chán đời, đến đây tìm cái chết. Mỗi cảnh đời là một câu chuyện khác nhau, trong nỗ lực của mình, ông cũng không thể cứu hết được tất cả.

Và rất lạ, vụ nào cũng có mặt gã người Pháp đáng ghét kia, hắn luôn kiếm cớ phá đám, việc xong là mất dạng đến nỗi ông chẳng bao giờ kịp hỏi gì thêm. Chỉ riêng hôm nay hắn đến khi chẳng có vụ gì nghiêm trọng. Hắn dường như có tâm trạng nên nói với ông toàn những câu chuyện không đầu không cuối. Rằng cây cầu cũ kia nhiều dấu tích thời gian, chẳng biết tồn tại được đến khi nào. Cái mới toàn chăm chắm đè bẹp hoặc phá hủy cái cũ. Rằng nước ông mà không có chiến tranh với những vụ kẻ đi sau thường phá hủy thành tựu của người đi trước kiểu như vua Lê đốt sạch cung điện họ Trịnh thì giờ ngành du lịch tha hồ hái ra tiền nhờ cho khách đi tham quan cố cung ấy chứ. Rằng trên cây cầu đó ngày xưa có trận chiến khốc liệt lắm, lính Pháp chết nhiều, họ hầu hết đã được đưa về cố quốc, chỉ những người rơi xuống lòng sông thì vĩnh viễn ở lại. Rằng hắn cứ đối đầu với ông vì muốn chứng thực thiện ác cái nào sẽ thắng.

Ông tích nhiều đức mà đời vẫn buồn, chả hơn gì hắn, nhưng đó là số kiếp, chỉ có số kiếp mới giải thích nổi tại sao những kẻ xấu xa vẫn sống nhởn nhơ ngoài kia, còn những người đã khổ thì lại khổ đến tận cùng. Rằng nốt hôm nay hắn sẽ không gặp ông nữa, hắn đã ngộ ra cuộc đời vốn dĩ đã trôi rất lạnh lùng, mặc cho ai xấu ai tốt, hắn hay ông cũng chẳng thay đổi được gì. Và rằng ngôi chùa kia có giá trị tâm linh ghê lắm, ở đó tâm an yên, trái ngược hẳn với dòng người xô bồ, đầy cảnh khổ ở đây.

Bỗng có tiếng phanh xe rít lên đến xóc óc vọng lại, theo phản xạ, ông quýnh quáng ngược lên phía trên cầu. Phải gần 20 phút cho tốc độ chạy bộ nhanh nhất mới đến được hiện trường. Đám đông nhường chỗ cho vị Cảnh sát già bước vào, cảnh tượng trước mắt là điều mà dẫu được sống đến vạn kiếp ông cũng không bao giờ muốn chứng kiến. Người đàn bà gầy gò vẫn dắt đứa con gái đi nhờ xe trên cầu vào mỗi buổi tan tầm nằm sõng soài trên vũng máu, giữa vòng phấn trắng, cả khuôn mặt biến dạng trông cực kỳ thê thảm. Cậu Cảnh sát hiện trường nói nhanh:

- Nạn nhân chết rồi ạ! Sếp cứ để bọn em xử lý. Em đưa sếp về nghỉ ạ!

Ông xua tay:

- Cậu cứ mặc tôi. Có thấy con bé con đâu không?

Cậu Cảnh sát đưa mắt về phía đám đông. Con bé đang được một anh Cảnh sát trẻ bế trên tay mà cứ nhoài người về phía người đàn bà. Tiếng gọi mẹ xé lòng của nó bị át bởi tiếng xe cộ qua lại và những tiếng bàn tán ầm ĩ thành một hợp âm rền rĩ. Cả bầu không khí trên cây cầu trở nên sền sệt, u tối màu tang tóc. Ông tiến đến đón con bé, bàn tay non nớt còn dính đẫm máu của mẹ nó vồ vập lấy cổ tay ông như thể tìm thấy người thân duy nhất giữa một biển người xa lạ. Phía tay bên kia buông thõng xuống, chiếc áo rách tươm để lộ làn da trắng xanh, mỏng manh với một vệt sát dài đau đớn. Tội nghiệp, chắc nó hoảng sợ lắm! Con bé ôm chặt lấy ông, ngước đôi mắt ầng ậc nước lên mếu máo:

- Ông ơi! Hồi nãy mẹ vừa bảo cuối tuần cho con về thăm bố và các chị. Mẹ bảo mẹ mệt lắm rồi, mẹ muốn được nghỉ ngơi… Thế sao mẹ lại nằm kia hả ông? Con gọi mãi mẹ cũng không thưa! Hu hu…

Không ngờ ngày cuối cùng đi làm của ông lại buồn đến thế. Người phụ nữ ấy vẫn dắt con đi nhờ xe từ đầu cầu bên này sang cầu bên kia rồi lại quay lại, hy vọng được ai đó rủ lòng thương giúp đỡ. Ban đầu ông gọi đến toan nhắc nhở thì bà bán quán nước gần đấy chạy ra một hai sống chết xin giùm, rằng vẫn biết là phạm luật nhưng vì tình xin chú cho mẹ con cô ấy được làm thế vì nó khổ quá rồi, chẳng có nơi bám víu mà sống nữa.

Rồi bà kể lể, cô ấy không nói rõ quê ở đâu, chỉ biết có tuổi rồi mới cưới ông chồng già ở cuối làng vì ông ta bị tật ở chân nên không ai lấy. Trò đời, đã thế còn không biết trọng người, thấy vợ đẻ toàn con gái nên đến đứa thứ tư thì chằn hắt, cố được mấy năm lại bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đứa con mới ba bốn tuổi, sợ chồng không chăm nổi nên cô ấy bế theo nó ra khỏi nhà. Khổ nỗi con thì bé, sức lại yếu chẳng ai thuê, lay lắt mãi rồi dạt ra đây. Tôi vẫn cho tiền và cho ngủ tạm buổi tối trong quán đấy!

Vừa hôm trước nó nói cực chẳng đã mới phải dắt theo con, mà hình như nhờ đứa bé nên nhiều người thương tình hơn, giúp nhiều hơn. Cô ấy chỉ mong được sống thêm vài năm nữa cho con bé cứng cáp, tự lo được cho bản thân thì đưa về cho bố, còn mình thì chết ở đâu cũng được. Vậy mà…, trời vẫn không thương. Ông thở dài. Phận người cùng cực đến thế thì thôi, nào có ai làm khổ ai ngoài chính những người thân yêu của mình đâu. Vậy là lần đi này là lần cuối mất rồi, chẳng bao giờ người đàn bà khổ cực ấy có thể trở về được nữa.

*

Người đàn ông già thọt chân đến nhận vợ sau khi cơ quan Công an đã hoàn tất các thủ tục chôn cất cho nạn nhân vô danh, nhưng lại tỏ ý không muốn nhận con vì nghèo quá, không nuôi nổi. Ban đầu còn kiếm cớ dè dặt, về sau thấy con bé bám ông thì sống chết đùn đẩy và đổ thừa rằng phải có tình ý thế nào ông mới tốt đến thế. Nghĩ đưa cho bố nuôi thì sợ chẳng thành người, còn gửi vào trung tâm bảo trợ trẻ em thì không nỡ, ông quyết định làm thủ tục nhận nuôi con bé rồi đưa về quê mình cho nó đi học.

Một năm sau, vào ngày giỗ đầu mẹ nó, ông dẫn con bé đến chùa. Vị sư trụ trì biết ông nhận nuôi đứa bé mất mẹ trong buổi tai nạn kinh hoàng trên cầu hôm nào thì tỏ ra yêu quý hơn hẳn, cứ một mực mời ông sang khu “Kỷ niệm đường” xem lịch sử của ngôi chùa. Ông bước theo nhà sư đến tiền sảnh. Phía trên tường treo rất nhiều ảnh, ông bỗng bị hút vào bức ảnh đen trắng với nhiều vết xước ngang dọc, in hằn dấu vết thời gian. Nhà sư thấy ông có vẻ chăm chú thì nhiệt tình thuyết minh:

- Bức ảnh này là di vật quý giá, ghi lại sự việc nhà sư trụ trì thời Pháp thuộc tự thiêu để phản đối chính sách ác độc của chúng. Phía mé bên trái này là đám lính đang sững sờ nhìn nhà sư bình thản nhắm mắt thiền định. Sau đó, trong trận chiến khốc liệt mà quân ta chiến thắng rất vẻ vang, đám lính đó bị chính bom của chúng cài trên cầu nổ hất xuống sông, nhiều kẻ không tìm được xác. Gã râu rậm này là Phó chỉ huy của bọn chúng. Hắn là một trong số những kẻ mất xác dưới lòng sông kia… Thật may, năm ngoái có một nhiếp ảnh gia người Pháp mang đến tặng nhà chùa bức ảnh, nhờ đó mà chúng ta có minh chứng cho một sự kiện lịch sử có giá trị.

Ông bỗng nhớ câu gã người Pháp nói hôm ấy:

- Vẫn biết nhìn từ bên ngoài sẽ không thể biết ai xấu, ai tốt, nhưng tự trong tâm không ai có thể lừa dối được chính mình. Từ nay tôi sẽ ra khỏi bến mê, ở yên cõi Phật để tịnh tâm. Cái kiếp đời không ra gì của tôi đã bị chính tôi kéo quá dài rồi.

Hoàng hôn buông nhanh, quầng mặt trời dần nhạt, ráng chiều trải mênh mang, êm đềm đến lạ thường. Ông nắm tay con bé thật chặt và bỗng thấy bình yên như thể lòng sông sâu thẳm ngoài kia. Trong gian chính cổ tự, các nhà sư bắt đầu buổi tụng kinh, miên man niệm “nam mô a di đà Phật” cùng với tiếng gõ mõ đều đều, lan tỏa theo các lớp sóng bạc lăn tăn xô dần ra tít phía xa xa.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Việt Hằng
.
.