Thân tặng nhà báo Trần Phương Hoa, Đài Phát thanh, Truyền hình Bắc Ninh

Quê cha

Thứ Sáu, 05/01/2024, 18:01

Tuổi thơ Quảng chạy qua những cơn đau nhớ về người cha đã chết vì bom đạn của giặc, trên cánh đồng quê đang vào vụ vàng chới. Hôm đó, giữa trưa nắng như sôi. Hai cha con xách giỏ đi bắt cua. Quảng chạy sau, cha một tay xách giỏ, tay kia kéo theo cậu. Bóng cha tròn sải bước, bóng con lũn cũn. Hai cái bóng thu vào một nỗi nhọc nhằn xứ cát bỏng. Bỗng thình lình, xung quanh Quảng bầu trời như sụp xuống vỡ tan tành, bàn tay nhỏ bé của cậu bị giằng khỏi tay cha.

Chiếc xe khách 45 chỗ đang đổ đèo ngon trớn thì khựng lại, rầm, rầm, kính vỡ loảng xoảng, trong phút chốc, tất cả mọi người bị đẩy bật ra khỏi ghế ngồi, nhanh đến nỗi chưa ai kịp nhận ra điều gì đã xảy đến với họ. Nháo nhào, hoảng loạn, người gào khóc, người tìm kế thoát thân. Tất cả như bầy ong vỡ tổ. Chiếc xe gặp nạn nằm chết gí một chỗ, hành khách, người bị thương thì vào bệnh viện, người xây xước nhẹ lại tiếp tục hành trình ở xe khác.

Đó là mùa hạ 1996, Nguyên và Hoa đã đi chuyến dài nhất của tuổi 19!

Ấy thực sự là chuyến đi bão táp, đến giờ đã gần 50 tuổi, nhắc lại kí ức Nguyên vẫn trập trùng đèo dốc. Về Quế Sơn, chỉ ba chữ ấy thôi, mà cơn háo hức vô vàn đã chảy tràn trong huyết quản hai cô sinh viên năm 2. Lục mãi cũng không còn chút gì cho cái bắt đầu, chỉ nhớ, hai đứa lên chiếc xe 45 ghế và bị dồn xuống cuối xe. Tất cả đã bị delete, kí ức gọi dậy từ đoạn cả xe bị lùa xuống ăn cơm tù, đâu như 20 nghìn một suất mà cơm sinh viên hồi đó chỉ dám gọi 2 nghìn một bữa.

Ông Quảng đi nốt những xá bừa ngọt quánh. Dưới lưỡi sắt từng lớp bùn ngấu lên mùi hoai mục của gốc rạ và cỏ dại. Bùn sánh đặc như một dải lụa dày, ôm lấy bắp chân gân guốc, cháy nắng của ông. Con trâu như đã nhớ bữa, không còn răm rắp nghe lời chủ, thi thoảng quay lại, cái đuôi ve vẩy, tròng mắt nâu nhìn ông vừa tha thiết vừa uể oải. Ông chợt nhớ đến con trâu đã kéo cả tuổi thơ nhọc nhằn của mình. Đôi mắt nó nâu ướt như một chấm sao rơi vào bầu đêm thăm thẳm.

14aed25ebd3e16604f2f1.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Tuổi thơ Quảng chạy qua những cơn đau nhớ về người cha đã chết vì bom đạn của giặc, trên cánh đồng quê đang vào vụ vàng chới. Hôm đó, giữa trưa nắng như sôi. Hai cha con xách giỏ đi bắt cua. Quảng chạy sau, cha một tay xách giỏ, tay kia kéo theo cậu. Bóng cha tròn sải bước, bóng con lũn cũn. Hai cái bóng thu vào một nỗi nhọc nhằn xứ cát bỏng. Bỗng thình lình, xung quanh Quảng bầu trời như sụp xuống vỡ tan tành, bàn tay nhỏ bé của cậu bị giằng khỏi tay cha.

Người ta đặt cha lên giường, hai bàn chân vẫn ngậm bùn, hai bàn tay cũng vậy. Tay trái mở ra hụt hẫng. Cha thường dắt Quảng bằng tay trái.

- Sao cha không nắm tay con bằng tay phải?

- Vì tay trái gần trái tim hơn con ạ.

Quảng nhìn thấy bàn tay phải của cha nắm chặt quai giỏ. Chú Ba lấy chậu nước lá thơm lau người cho anh trai. Lau đến đâu, bùn rã đến đấy, lẫn cả vệt máu đỏ tươi. Chú gỡ mãi mới lấy được quai giỏ bện bằng sợi mây ra khỏi tay trái của người anh trai vắn số. Cô Lành rũ sạch quần áo gỡ trên người anh trai rồi mang về phía chái bếp, vừa đi vừa sụt sịt. Quảng chạy theo cô, hốt hoảng.

- Để lại cha cho con.

- Cha con đi theo ông bà nội rồi mà.

Cô ghì chặt thân hình còm nhom của đứa cháu dại vào lòng. Quảng không khóc, bới tung mớ quần áo của cha, nhặt lấy quai giỏ mây có đoạn đã cháy xém. Đôi mắt nó đỏ ngầu. Trong đầu nó bóng cha lồng lộng cả bầu trời đỏ ối.

Những cung đường qua vuông kính cứ dài ra như vô tận, cây loang loáng, người và xe cộ lướt qua lướt qua như họa đồ trong game. Thế rồi bỏ lại sau lưng thành phố tấp nập ồn ã. Xe trôi vào khúc ruột miền Trung. Đoạn Đèo Ngang đường hẹp vanh, tưởng như hai xe đối đầu chỉ sơ sểnh là ngã. Thình lình từ rặng phi lao ven đường hiện ra một cụ già râu tóc phất phơ tất cả đều nhuộm trắng phau phau, lưng còng, gậy dắt tay, tay kia huơ nón. Chưa hiểu ra sự tình, đã thấy chiếc xe khách rùng mình rồi khựng lại, anh phụ xe nhảy xuống, kính cẩn bỏ vào nón ít bạc lẻ. Cánh lái xe còn truyền nhau giai thoại: nếu phỉ báng hoặc không cho họ, xe sẽ gặp nạn. Sau này có tuổi Nguyên mới thấm câu ca: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày”.

Qua đèo Hải Vân mới thấy cái hùng vĩ và hắt hiu tráng lệ của thiên nhiên. Bên trái vách núi dựng đứng bị lưỡi dao thời gian băm thành những nét đứt gãy tự nhiên, bên phải biển xanh màu ngọc lam phẳng lặng đổ ụp vào hành khách một cảm giác rợn ngợp, dưới mé đường, xác ô tô hoen gỉ chồng lên nhau. Đoạn đường vòng vèo quanh co rút cục đồng hồ vận tốc chỉ đo được vài ba ki lô mét.

Rồi cũng hạ cánh an toàn tại nhà ga, hai cô sinh viên đi thêm một chặng xe ôm lẫn với bụi đỏ nữa mới về đến Quế Sơn.

Cũng từ ấy, mỗi mùa hạ về, nắng hun cát bỏng rãy, nắng ở lì trong cả giấc đêm của người, uốn tàu dừa khô khốc. Nắng hạ với Quảng thật buồn vì ấy là ngọn nắng mồ côi cha, là mỗi đêm má thao thức giữa căn nhà lá, ánh trăng khuya như soi tỏ cả nỗi buồn người. Sáng ra, rửa mặt, Quảng thấy bể nước vơi đi một nửa. Hình như đêm qua, giữa những cơn mơ chập chờn, nó nghe thấy tiếng dội nước của má.

Hai bên đường đất loi thoi những cụm xương rồng. Đất ở đây bị thiên tai gạn lọc đến kiệt cùng màu mỡ, nên đi đến đâu cũng chỉ thấy rặt một loài cây gai góc này. Ngõ quê nhỏ, cát bụi buổi chiều quẩn vào chân hai đứa. Quê nhà ghì chặt hai cô sinh viên trong vòng tay. Trước tiên là tắm gội cho sạch bụi đường. Nước giếng trong vắt tận đáy, mát rười rượi. Bữa ăn nhiều món lạ lẫm. Nhà lá vừa đủ ở. Nhà nào cũng thả vài bụi dừa cao vút. Xung quanh những hàng rào làm bằng các loại rau nom rất lạ mắt, không tốt bượp như ngoài Bắc mà úp xúp, nho nhỏ nhưng vẫn cần cù chiu chắt.

Hoa dẫn Nguyên đến nhà họ hàng, ai cũng chằm bặp yêu mến. Có bao nhiêu nhớ, dồn hết vào những câu chuyện của người nhà lâu ngày mới gặp! Nhìn vào những nếp thời gian trên khuôn mặt vóc dáng, giọng nói, từng người, Nguyên lại tưởng ra ông Quảng - người cha già của Hoa. Mỗi bận hai đứa về đến ngõ, thế nào ông cũng ra cửa đón:

- Con Hoa, con Nguyên đã về đó hả?

Bao năm giọng quê vẫn lắng trong ông không hề đổi thay.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta, vào ngày 7/5/1954, đã giáng một đòn chí mạng vào “con nhím bằng thép”- “pháo đài bất khả chiến bại”, như thực dân Pháp từng xưng tụng, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về Đông Dương được kí kết. Vĩ tuyến 17 đã trở thành giới tuyến quân sự tạm thời để Quân đội Nhân nhân Việt Nam tập kết ra miền Bắc, quân đội Pháp ở lại miền Nam. Quảng có mặt trong số chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Cây cầu Hiền Lương đã chứng kiến cuộc chia tay thứ hai trong trái tim chàng lính trẻ. Lần thứ nhất, là khi Quảng vừa tròn 18 tuổi. Tuổi 18 bước ra khỏi ngôi làng heo hút ở miền Quế Sơn, bước ra khỏi lòng mẹ, Quảng nhập vào đời quân ngũ. Mẹ tiễn con trai ở đầu ngõ cát, nước mắt mẹ nhỏ xuống cát bỏng thành những vệt sao dưới bàn chân gầy guộc không mang dép. Nhưng nước mắt mẹ không mạnh bằng cái chết tức tưởi cha, trong tuổi thơ cậu bé Quảng.

Quảng hì hục cuốc nốt góc vườn sát mé cổng. Từng nhát cuốc bổ vào đất trơ khấc, đôi lúc vấp viên sỏi gan gà, lưỡi cuốc tóe lửa. Quảng cặm cụi làm, mồ hôi chảy từng dòng xuống tấm lưng trần vạm vỡ, cán cuốc đã lên nước vàng óng, có lúc tưởng như trượt khỏi lòng tay anh. Quảng mới sực nhớ ra, có lần anh đòi thay cán cuốc, bà Tư gàn:

- Cha bay, tao cuốc có sao đâu.

Thì ra những vết chai trên tay má đã giữ chắc cán cuốc. Và từ đó, trong những ca trực chiến trên cái chòi cao, giữa tiếng vượn hú và bóng cây cổ thụ từ cánh rừng già đổ ập vào đêm sâu, trong lòng Quảng chỉ đầy những vết cứa từ bàn tay chai sần của má.

- Để đó, mai má cuốc nốt cho, vào ăn miếng cơm chẳng nguội, con.

Nghe má gọi bằng “con” mà lòng Quảng chùng xuống, bởi mỗi lần gia đình có việc hệ trọng, má mới gọi con trai như thế.

Quảng mở chiếc hòm cá nhân ở chân giường, lấy ra một cái bọc vải hình vuông. Thận trọng lật từng lớp vải nâu, để lộ ra một chiếc hộp gỗ xinh xắn có ổ khóa nhỏ xíu, anh vặn to ngọn đèn dầu rồi xoay chìa khóa. Bên trong hộp lót lớp vải lụa màu đỏ, trên đó là chiếc quai giỏ bện bằng mây, hai đầu đã xém lại, những sợi mây lởm chởm chạm khe khẽ vào lòng tay anh. Quảng đặt chiếc hộp lên ban thờ, thắp nén hương trước di ảnh cha, thì thầm:

- Cha, mai con tập kết ra Bắc, cha ở nhà thương má và Út em giùm cả phần con nghen, phù hộ cho con chân cứng đá mềm, khi nào nước nhà thống nhất con sẽ trở về.

Mùi hương trầm quện lại, thơm ấm gian nhà nhỏ, vài sợi khói dùng dằng huyền mờ rồi tự dưng quẩn vào chiếc hộp gỗ đã mở nắp sẵn.

Khi trăng vẽ một vệt mơ hồ, mỏng tang như làn sương thu trên cây dừa cao nhất ngoài đầu ngõ, Quảng khoác balo ra đi. Không tiễn chân con trai, bà Tư ngồi ở bậu cửa, nhìn hút vào tấm lưng của Quảng. Quảng quay lại, trong gian nhà lá, ngọn đèn dầu được khêu, cái bóng hao gầy của má hắt ra tận ngoài sân, lồng lộng. Ngực anh cất đầy bóng má. Gà quanh xóm đã gáy te te, con Mực thấy chủ mừng quẫng lên. Mùi đất quê ngai ngái, lẫn với mùi sương mai, thổi vào anh một luồng rân rân. Con đường đang ngái ngủ, thấy bước chân Quảng, bỗng mở choàng mắt, tàu dừa đung đưa, đung đưa thay lời chào tạm biệt chủ nhân. Vẫn con đường đã đưa anh đi từ nhà ra cánh đồng ngút ngát gió, đến chiến trường và nay tiễn chân người đến một vùng đất mới, tất cả, khiến Quảng chộn rộn.

Quảng được điều động về huyện đội Thanh Liêm, ở Hà Nam làm cán bộ tuyên huấn. Công việc cuốn đi, dù trong anh vẫn dằng dặc nỗi nhớ thương quê Nam. Bao nhiêu thời gian xa quê, là bấy nhiêu tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam” của Quảng. Vào một ngày mùa hạ thắp lửa rực trời, trong chuyến đi thăm người anh con bác ruột, ở Hà Bắc, số phận đã run rủi cho anh gặp Thêm, cô gái làng Đạo Sử duyên dáng, chất phác.

Vào những buổi chiều, khi vòm trời đã rơi xuống ngọn dừa cao vút trước ngõ, bọn trẻ lại dẫn Nguyên và Hoa vào rừng. Hai đứa men theo những con đường đất đỏ, thấp thoáng hai bên, vạt cỏ xanh lạ lẫm mấp mô, lá nhòn nhọn, mùi hăng hăng như cỏ gấu ngoài Bắc. Rừng hiện ra trước mặt, không hùng vĩ như qua phim ảnh, ban đầu Nguyên hơi thất vọng vì cửa rừng nhẵn nhụi bởi vết chân người. Trong trí tưởng của cô, rừng phải hoang vu và tráng lệ. Nhưng chỉ sau vài bước chân, đã hiện những bụi sim lỡ cỡ. Hai cô cầm theo vỏ lon sữa bò, tỉa đầy lại đổ vào cái giỏ mây đeo bên hông. Có quả sim chín mọng vỡ ra, vệt tím loang lòng tay Nguyên như giọt mực học trò thuở nào.

Con chó nhỏ màu hung hung, ve vẩy cái đuôi bám sát Nguyên. Hôm đầu tiên vừa thấy cô, nó lao ra, ngửi ngửi rồi liếm láp gót giầy bụi bặm, cô cúi xuống khẽ vuốt dọc lưng nó. Cả hai bắt nhau ngay. Nó liếm kẹo trong lòng tay Nguyên, nhai gau gáu, ăn xong lại sủa ăng ẳng vòi vĩnh.

Rừng rất nhiều cụm hoa vàng li ti bám đầy gấu quần, tỏa ra một mùi gì đó hoang sơ, dìu dịu, hăng hăng, mùi riêng của đất Quảng Nam, cái mùi mà đêm nào cũng chập chờn trong giấc mơ quê hương của người cha già nơi mảnh vườn Đạo Sử. Nay Hoa đã mang nỗi nhớ ấy về chia cho mỗi nếp nhà Quế Sơn. Nguyên đi sâu vào rừng, ngắm những bụi sim, mua lúp xúp, nhìn mãi lên những tàng keo cao vút xanh miên man mà tự hỏi với lòng mình về thời thơ ấu đã trôi qua của người lính tập kết. Cho đến khi, chiều đã choàng lên mảnh rừng quê vạt tím mỏng manh, con chó đi bên giật giật gấu quần lem bụi như nhắc nhở, hai đứa mới trở về. Mùi ổi chín, mùi sim, mùi cây dại thơm nồng, dỗ dành khứu giác, ôm đầy lồng ngực, con chó chạy trước, đuôi cẫng lên, thi thoảng ngoái nhìn Nguyên bằng con mắt nâu loáng ướt.

Quảng bén Thêm rất nhanh, đến nỗi, có ngày nghỉ là anh về Đạo Sử. Con đường nối giữa nơi công tác của anh với miền đất có người con gái anh thương, tưởng chừng xa, nay trở nên gần gụi. Tình yêu thật kì diệu, rút ngắn mọi khoảng cách.

Xế trưa, nắng như rang trên đầu, gió lặng phắc, giữa cánh đồng rộng, một tấm lưng áo nâu tròn lẳn cúi xuống cắm những đường mạ tăm tắp. Màu xanh mạ non trải rộng như một vạt xuân vừa hừng lên. Quảng lội bì bõm đến cạnh Thêm. Cô thôn nữ im lặng, giấu niềm vui vào gò má ửng hồng. Bàn tay vụng về của Quảng khiến những cây mạ ngả nghiêng. Thêm thấy thế, che miệng cười khúc khích. Cái nắng gay gắt, mà Quảng lại thấy dịu dàng. Nhưng đột nhiên anh thấy gót chân nhói buốt như đạp vào mũi dao, cơn đau chạy dọc bắp chân, lan đến phần hông phải. Anh thận trọng rút chân khỏi bùn, máu đỏ tươi lẫn với bùn óng ánh nhểu xuống ruộng từng giọt, từng giọt màu nâu đỏ. Phía gót chân anh, mảnh kim loại sắc lẻm, nhọn hoắt nhô ra. Thêm hốt hoảng dìu anh vào bờ ruộng.

Thì ra cái mảnh kim loại cố thủ trong vết thương của Quảng là một mảnh bom nhỏ nhưng rất nhọn. Thêm khéo léo gỡ nó khỏi chân anh, máu theo mảnh sắc vọt ra. Cô tháo chiếc khăn trên đầu, xé tạm một mảnh lau sạch vết máu, nhổ vài cây hoa cứt lợn mọc bên bờ ruộng, nhai nát, cầm máu. Mảnh khăn còn lại, cô dùng để băng gót chân cho anh. Sự đụng chạm nhẹ nhàng ấy, như một liều giảm đau tức thì, Quảng thấy như mình chưa hề bị thương. Di chứng sót lại của chiến tranh đã ít nhiều làm đau nhịp sống đời thường, nhưng nhen lên những yêu thương. Hạnh phúc hiện hình từ nỗi đau.

Đêm chạy qua chiếc chõng tre đơn sơ ở giữa ngôi nhà ba gian tuềnh toàng. Một đêm mùa hạ mát lành và thẫm lại như chiếc khăn, mẹ thường dùng để thấm mồ hôi cho Quảng. Trăng xanh biếc, chênh chênh soi tỏ ngọn cây cau rủ bóng xuống cái bể nước xây bằng gạch chỉ. Con chó nhỏ nằm chẫu ở bậu cửa ngủ lăn lóc. Bọn gà trống choai lục tục trong chuồng đã im hơi, thi thoảng cất lên tiếng gáy chiêm bao. Vết đau ở chân, anh không còn cảm thấy nữa, chỉ hình dung ra bờ vai tròn và mái tóc đen óng đổ xuống tấm lưng mềm mại của Thêm. Trong mơ, Quảng thấy mình chạy chân trần dưới cánh đồng gió, mùa hè choàng vào anh từng vạt nắng vàng chói. Quảng được gặp cha, được chạm vào những sợi tóc ram ráp thân thuộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, miền Nam là tiền tuyến lớn, thì miền Bắc là hậu phương vững chắc, giơ cao khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Ngôi làng Đạo Sử hòa mình vào không khí náo nức ấy, dòng sông uốn quanh làng sáng trong như một tấm gương trời, đã có bao đêm thao thức trong niềm vui hậu phương lớn. Thêm tham gia vào phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”. Ban ngày bươn bả ngoài đồng, tối về một tay vun xới vườn, chăm chút con lợn nái và bầy gà.

Khi hàng xóm chìm sâu vào giấc ngủ, vườn, bếp bặt tiếng, chỉ còn tiếng côn trùng gặm đêm rỉ rả, Thêm trở vào buồng, khêu ngọn đèn dầu trên cái hòm gỗ ở đầu giường say sưa học. Bởi có lần nản chí, cô tính buông hết sự học, Quảng động viên:

- Em phải học để trở thành lực lượng nòng cốt ở hậu phương. Anh tin, ngày đất nước thống nhất không còn xa nữa, nhưng kẻ thù của chúng ta chưa bao giờ từ bỏ tham vọng.

- Nhưng học khó lắm, em đi cấy dễ hơn.

- Em chịu khó học hết chương trình Bổ túc, sẽ có nhiều cơ hội cho tương lai của em.

Thêm đỏ mặt, giấu cái cười khúc khích sau vai áo. Sau lần đó, Quảng về thăm, quà cho cô là rất nhiều sách, truyện, báo. Nhưng cô quý nhất là cuốn truyện “Thép đã tôi thế đấy” của Nicolai Ostrovsky. Nó mở ra một thế giới mới lạ trong trí tưởng của cô. Và đôi khi, trong cuộc trò chuyện giữa hai người, Quảng say sưa nói về khát vọng và tương lai, khi nước nhà thống nhất, cô thấy Quảng ít nhiều giống như nhân vật Pavel Korchagin, tràn đầy lý tưởng trong truyện.

- Anh sẽ học Trường Hàng hải, sẽ theo những con tàu vượt khơi xa để làm giàu cho Tổ quốc và về thăm má.

Anh nói, tay vung lên trán và đôi mắt ánh lên niềm hân hoan.

- Còn em sẽ học hết chương trình Bổ túc, rồi nộp đơn vào ngành sư phạm.

- Em dốt lắm, sợ không làm được.

Thêm ngượng ngùng nói, tay vén những sợi tóc lòa xòa trước trán.

Bệnh viện Đa khoa Gia Lương nằm khiêm tốn ở khu Táo Đôi, gần cửa hàng thực phẩm, nơi Hoa cất tiếng khóc chào đời. Được thư báo của gia đình, Quảng mừng lắm. Hai lần trước, Thêm sinh cho anh hai thằng cu kháu khỉnh. Trong lòng mẹ, đứa bé ngỡ ngàng đón những tia ánh sáng đầu tiên trong buổi bình minh cuộc đời. Nó cố thủ trong cơn đau của mẹ hai ngày một đêm, bởi mấy vòng dây rốn quấn cổ. Con gái tròn ba tháng Quảng mới được nghỉ phép. Ôm con trong tay, anh nghĩ đến ngày cả gia đình về thăm quê nội.

Nhưng mong ước ấy Quảng mới chỉ thực hiện được một lần, trong chuyến đi của vợ chồng anh và hai cậu con trai. Hoa khi ấy còn quá bé, nên đành gửi lại cho bà ngoại. Rồi sau đó, phần vì công việc, phần vì đường xá xa xôi, tàu xe cách trở, nhiều dự dịnh cho quê hương đành gác lại. Quảng gửi niềm mong mỏi ấy, vào những lần tư lự nửa đêm gần về sáng. Ngồi dưới hàng hiên, ngước nhìn vì sao xa xôi giữa bầu trời mênh mông, những vệt nước mắt của mẹ nhỏ xuống ngõ cát buổi sớm nào khi anh ra trận, bỗng như một nỗi nhói buốt tận tâm can. Hoa khi ấy đã học lớp 3, mỗi lần thấy cha im lặng, nó không nói, chỉ đến bên cạnh, tay xoa vào vết sẹo ở gót chân cha. 

Rất nhiều đêm giao thừa trôi qua, Hoa thức cùng cha. Cứ sang canh là ông Quảng lại trịnh trọng bê cái hộp gỗ nhỏ ra bàn uống nước, đôi mắt ông như dán vào, rồi ông đặt nó lên ban thờ, châm vòng hương trầm, thì thầm khấn vái. Hoa thấy lúc đó cha khác lắm. Vòng hương trầm cháy đỏ, từng sợi thơm len vào tâm trí hai cha con những khoảnh khắc thiêng liêng.

Ông Quảng dắt tay con ra ngoài cửa. Đêm trừ tịch diệu huyền, đất trời bừng thức nghinh xuân. Ông chỉ lên bầu trời:

- Con có nhìn thấy màu xanh ở trên cao kia không?

Với Hoa, vũ trụ và cánh đồng kí ức của cha, khi ấy là một cõi bí mật và vô tận. Mắt nó chớp chớp, căng ra trước một vệt xanh nhưng nhức.

- Con thấy rồi, xanh biếc như nước biển cha ạ.

- Không phải đâu con, đó là màu xanh cánh đồng tuổi thơ của cha.

- Đám mây kia như một vạt lúa sắp chín cha ạ.

- Ông nội đang thăm lúa đấy con.

Ra khỏi ngõ cát, Nguyên và Hoa còn ngoái lại, những ánh mắt người thân nhìn hút theo hai đứa giữa ban mai trong veo. Bàn tay Hoa nắm chặt chiếc lọ nhỏ, đựng cát trắng ngõ quê. Những hạt cát như reo lên giữa lòng tay Hoa. “Cha ơi, con đã mang quê nội về cho cha đây” - trong cô dậy lên những tiếng thầm thì như thế.

Ông Quảng run run đỡ lấy chiếc lọ cát từ tay con gái. Khuôn mặt ông như dãn ra, đôi mắt đã mờ đục chợt nhíu lại, từ khóe mắt ứa ra những giọt lệ hiếm hoi. Trong ông hiển hiện trọn vẹn khoảnh khắc mẹ già đứng bên ngõ cát, những giọt nước mắt lóng lánh của người nhỏ xuống bàn chân tựa như những chấm sao rơi. Ông cẩn thận mở chiếc hộp kí ức, trang trọng đặt chiếc lọ cạnh cái quai giỏ bằng mây. Quê nội tròn đầy, điền vào tim ông nỗi bồi hồi.

Chuyến đi tuổi 19 ấy, Nguyên và Hoa đã vượt bao dặm trường, về Quế Sơn, để được xoải mình dưới vòm trời nôn nao, cồn cào niềm nhớ khắc khoải của trái tim người lính già. Khi dội những gáo nước trong veo, vụn vỡ ánh trăng giữa bầu trời nhập nhòa đom đóm từ tấm vách nhà tắm dựng bằng lá dừa, Nguyên lại nhớ bể nước bên mảnh vườn táo trĩu nhà Hoa, nơi hai đứa từng lon xon chân trần từ thuở lớp 5 trường huyện. Mà những đêm ở đó tầu dừa xao xác thế, trăng non nhú lên từ vòm trời bình yên. Tất cả đã lùi về quá vãng sao đâu đó trong Nguyên và Hoa vẫn dậy lên mùi quê thơm hăng, dìu dịu và ánh trăng chảy tràn quá đỗi trên ngõ cát.

Quê hương không thuộc về ta mà là nơi ta thuộc về.

Truyện ngắn của Nguyên Tô
.
.