Qua mùa Pơ thi

Thứ Bảy, 01/06/2024, 10:05

Doen như trôi đi trong cõi người ma lẫn lộn. Doen tham lam đưa tay chạm vào tượng gỗ. Da tay bỏng rẫy như nhúng phải dầu sôi. Bầy chim ác đậu trên đầu tượng đưa cặp mắt hung dữ chòng chọc nhìn Doen. Doen thấy trên đỉnh đầu, hai hốc mắt, thấy mỗi nơi trên da thịt như bị những cặp mỏ nhọn hoắt chọc thủng, vỡ toang, máu ồ ạt chảy. Doen muốn kêu cứu, nhưng đôi mắt đen của Y Thông thờ ơ, dân làng thờ ơ, những pho tượng nhìn Doen thờ ơ như nhìn kẻ ác bị trừng trị.

Doen về tới đầu bon vừa lúc nhập nhoạng tối. Bến nước đầu bon hoang vắng dưới trời chiều tím thẫm. Mảnh trăng sớm chiêng liêng trên nền trời mùa khô gai gai lạnh khiến tiếng đàn chim vỗ cánh rơi xuống hoang hoải. Doen ngơ ngác tự hỏi mình có đi nhầm không. Có thể lắm. Lâu rồi Doen không trở về, bàn chân quên lối đi lạc, mắt nhận nhầm nơi khác. Hay là Doen lẫn lộn trí nhớ.

Những tiếng cười sơn nữ trong vắt, tiếng trẻ cười đùa cắt ngang mặt nước mát rượi, những người mẹ ngồi nghỉ dưới gốc cây sau một ngày lên nương nhọc nhằn chỉ là những hình ảnh trong mơ không có thật. Như Doen lúc này, bước chân chạm vào đất mà chẳng biết mình đang mơ hay tỉnh. Tiếng đập cánh của bầy chim phân vân trong trời chiều rồi mất hút theo ngọn gió hoang cứ xoáy tròn trên đỉnh trời vì không tìm được nơi trú ngụ. Vạt rừng xanh nhưng nhức trải dài như vô tận trong ký ức của Doen cũng chỉ còn co lại, trơ ra những ngọn đồi xám xịt, cúi đầu ủ rũ.

Vừa dợm quay lại, Doen gặp người quen. Tiếng reo ồ ồ như nước chảy qua ống tre “Doen, Doen phải không? Yang ơi, đúng Doen rồi”. Tại hơi sương từ núi đùn lên làm mắt Doen nhòe đi, Doen không nhận ra ai đang gọi mình. Đôi mắt đen như vách nhà dài hun lửa khẽ cụp xuống. Thông mà Doen không nhận ra sao. Cũng đúng, người già bảo giờ Doen thành đạt lắm. Doen muốn đưa ra lời giải thích mà sao tiếng nói cứ nghẹn ứ trong ngực. Doen đành bảo, Y Thông, dẫn mình nhé. Tối rồi, mình không quen đường, sợ lạc.

Nói xong, tự Doen cũng thấy ngượng. Lâu không về, bon mình đổi thay nhiều quá. Doen tự bào chữa bằng lý do mà chính Doen còn thấy chẳng có sức thuyết phục. Lời nói của Doen đi ngược với lời dặn của Ama lúc tiễn Doen đi. Đi đi Doen. Đi để học lấy cái khôn, cái khéo. Đi để biết sau cánh rừng này có những gì, qua cái lưng của ông bà tổ tiên mình là mảnh đất nào, con người ta sống ra sao. Nhưng, phải đứng thẳng lưng, phải ủ ngọn lửa sáng soi lòng mình, không bao giờ được để ngọn lửa ấy tắt. Phải nhớ nơi mình sinh ra những căn nhà không bao giờ đóng cửa vì lòng ai cũng sống thẳng ngay.

8a0c26655a5ffa01a34e3.jpg -0
Minh họa: Đào Quốc Huy

Cũng may, Y Thông chẳng nói gì nữa mà cắm cúi bước ở phía trước, Doen theo sau. Thông sải bước dài, Doen chúi đầu gần như chạy mới theo kịp. Tiếng chiêng trống từ bốn phía từng là rừng vọng lại, gấp gáp, vội vã. Doen không dám hỏi nữa, cố vắt óc nghĩ ra dịp gì mà bon đánh chiêng. Tự nhiên Doen thấy mình trống rỗng. Doen hiểu, chẳng phải trí nhớ của Doen không tốt mà là vì Doen đã tự biến mình thành đứa con xa lạ với bon làng, với nguồn gốc của mình.

Y Thông đưa Doen về tới tận nhà. Nhà Doen nằm gần hồ. Chiều buông, hơi nước từ lòng hồ bốc lên dày đặc, quyện vào sương rồi tan loãng trong khoảng không mênh mông, cao vợi. Phía sau nhà, con đường đất ngoằn ngoèo như sợi chỉ đỏ chạy tuốt lên đỉnh đồi rồi biến mất trong vạt rừng xanh thẫm còn sót lại. Cỏ tranh rậm rì, khua xào xạc theo những cơn gió thổi về từ phía rừng, chen lẫn với đám lau nhưng nhức trắng. Y Thông chào Doen:

- Doen vào nhà đi. Ama Doen tới nhà mồ rồi. Thông cũng đi đến đấy. Đêm nay là lễ bỏ mả Ama Nhức, Doen à.

Đến lúc này thì Doen sực nhớ ra. Phải! Điều này vừa hay có liên quan tới mục đích trở về của Doen. Đang mùa Pơ thi, mùa tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, để người sống thôi nhớ thương mà tiếp tục cuộc sống của mình phía trước. Ngày bỏ mả Amí, Doen còn bé tí. Chỉ nhớ tiếng cồng chiêng dồn dập xoáy vào lòng mình đến giờ như vẫn còn ngân.

Ngày Ama Nhức mất, Ama có gọi cho Doen, hỏi có về không. Doen từ chối vì bận công việc. Mỗi lần về rồi đi, Doen đều thấy mình như bỏ quên một thứ gì, đánh mất một thứ gì. Nhưng, Doen không cố công tìm hiểu. Cuộc sống vội vã, hối hả, đứng lại một chút thôi sẽ thành tụt hậu. Vậy nên cái gì quên được thì cứ cố quên. Bởi vậy, tất cả mọi thứ về bon làng, về những cánh rừng, về bến nước đầu bon trong Doen đều mờ nhạt, huống hồ là một con người.

Doen không nhớ nổi khuôn mặt Ama Nhức, dù rằng bao đêm bên bếp lửa, Doen ngồi nghe Ama Nhức hát sử thi, nghe Ama Nhức dặn dò những điều được truyền lại từ thời ông bà. Làm người bon mình thì đừng làm người xấu. Ai mà lấy thứ gì không thuộc về mình thì bị cả bon làng xa lánh, chẳng ai muốn nói chuyện, cây cối, muông thú cũng không muốn đụng phải. Ai mà có ý nghĩ xấu xa, sau này chết đi, thành linh hồn không nơi trú ngụ, vất vưởng lạc loài, chỉ có nước trở thành Thần ác đi gieo rắc tai ương, đến đâu cũng bị người ta xua đuổi.

Lửa hun da người đỏ au, soi sáng lên lời răn dạy. Từ thuở xin được lửa thắp sáng, người bon mình không bao giờ đóng cửa nhà. Ngày mưa cũng như ngày nắng, từ sớm tinh mơ cho đến khi bóng đêm bao trùm lên vạn vật. Nhà giàu nhiều chiêng ché, rượu cần, nhiều lúa gạo, thịt sấy trên bếp cũng như nhà nghèo chỉ có tấm khố che thân, cửa lúc nào cũng mở rộng, nhìn vào là thấy bếp lửa ấm nồng. Tham những thứ không phải của mình, cõi người hay cõi ma đều không dung thứ.

Doen cất đồ, men theo bóng lưng Y Thông đến bon A-tâu (*). Lửa đã cháy lên mà Doen vẫn thấy rờn rợn. Điệu xoang xoay tròn bên ánh lửa bập bùng bập bùng. Cồng chiêng ngân cà rập... cà rùng... cà rập... cà rùng..., tiếng trầm như vọng lên từ đất, vọng ra từ những thân cây cổ thụ được khoét để đặt người chết. Già trẻ gái trai uống rượu cần với ma nốt những đêm Pơ thi này, múa hát với hồn hết những đêm Pơ thi này, ôm mặt rưng rức khóc tiễn biệt hết đêm này rồi cắt đứt nhớ thương mà sống tiếp. Hồn cũng yên lòng mà ở cõi ông bà.

Ngày Ama Nhức hết kiếp người, Doen đang tất bật khai trương quán cà phê hát với nhau mang âm hưởng Tây Nguyên. Hoang dã, ồn ào, náo nhiệt. Quán nằm ở vị trí đắc địa, có tiền cũng chưa chắc đã giành về được. Doen nhắm mắt trao đổi, vì ước vọng cháy bỏng thiêu đốt tâm can mình bắt đầu từ tháng ngày rời bon làng về phía thành phố văn minh, hào nhoáng.

Doen đẹp. Sắc đẹp của Doen thành lời ca ngợi băng qua những ngọn núi, bay khắp các cánh rừng để đến với các bon làng Tây Nguyên. Người già bảo Doen được thừa hưởng sắc đẹp của Amí. Ngày xưa Amí cũng đẹp nhất làng, bao nhiêu chàng trai mong được Amí bắt làm chồng. Amí đẹp đến mức đàn voi về phá nương mía, thấy Amí ngượng quá, co vòi chạy trốn vào rừng. Amí soi mình xuống suối, đàn cá ngơ ngẩn ngừng bơi. Con chim ktía chuyên ăn cắp lúa rẫy, thấy Amí, quên bay rơi xuống bụi cỏ. Đẹp nên Yang bắt về sớm. Đẹp nên chỉ có tiếng hát của Ama Doen mới xứng với nhan sắc ấy.

Giọng hát Ama là giọng hát Yang thương. Chuyện về Ama già làng kể, Doen nghe say sưa như nghe kể chuyện cổ tích. Ama Doen sinh ra vào lúc khắp các bon làng Tây Nguyên chìm trong chiến tranh ác liệt, đâu đâu cũng thấy sợ hãi, lo lắng. Cọp trong rừng không dám gầm. Bầy chim đêm xuống chẳng dám tìm về ngọn cây đậu lên mà ngủ. Ngày ấy bon làng nằm trong rừng già, Ama Doen vừa tập nói đã biết hát, vừa biết đi đã biết múa, đánh đàn thánh thót như tiếng chim hót, tiếng hát khi trong vắt như tiếng suối reo, lúc ào ạt như thác tuôn bọt ầm ì, khi rủ rì như tiếng nước nhỏ giọt ở đầu bon.

Lớn lên, Ama Doen vác đàn lên vai đi, lang thang qua các bon làng cất lên những khúc tình ca. Tình yêu trai gái, yêu rừng, yêu ngọn thác, dòng sông, con suối, yêu con nai gọi bạn trong rừng, con chim phí bay ngang bầu trời, yêu những pho tượng co gối ngồi hứng sương đêm nghĩ ngợi về cõi vô cùng, vô tận. Người Tây Nguyên khắp các bon làng nghe những bản tình ca mà thấy lòng rạo rực tình yêu với từng cánh rừng, từng dòng suối, thác nước, từng bon làng, cái cây, ngọn cỏ, đứng dậy cầm cung tên, giáo mác đánh giặc bảo vệ tự do của núi rừng. Những người theo giặc, nghe tiếng hát của Ama ôm súng quay về với cách mạng.

Đêm ở rừng buông xuống nhanh như cái sập cửa. Trâu bò đã được dắt đến cột vào những cây cọc gỗ cắm thật sâu xuống đất. Chúng giương cặp mắt nhìn, chấp nhận chờ phút giây hiến tế. Doen cố gạt nỗi sợ, nhìn những tượng gỗ xung quanh nhà mồ như cũng đang nhảy nhót trong ánh lửa. Bây giờ, tượng nhà mồ đã được thương mại hóa, bỏ tiền ra là có. Nhưng, chúng vô hồn. Vô hồn như những món hàng Doen bày bán, cố khoác lên ý nghĩa mỹ miều bảo tồn văn hóa để che giấu cho những mục đích toan tính bên trong, che giấu mục đích kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền.

Doen thừa hưởng sắc đẹp của Amí. Và, vì không có chàng trai nào có giọng hát xứng với sắc đẹp ấy nên Yang cho Doen được thừa hưởng cả giọng ca của Ama. Mười sáu tuổi, tiếng hát của Doen bay đến các thành phố lớn. Mười sáu tuổi, Doen rời bon làng. Ama dặn, giọng hát của Yang cho nên chỉ khi lòng vô tư, tiếng hát mới chạm đến lòng người. Y Thông tiễn Doen ra đầu bon, ngập ngừng dặn Doen thi thoảng nhớ về thăm, uống ngụm nước đầu bon để không bao giờ quên cái lưng ông bà. Thông còn định nói gì nữa mà tận đến lúc Doen lên xe vẫn không dám nói. Chỉ có ánh mắt đen thẫm như rừng đêm sâu thẳm dõi theo vệt bụi đỏ quạch cuốn theo vòng xe.

Doen từng nhớ lời Ama, từng nhớ ánh mắt thiết tha của Y Thông, nhưng đèn sân khấu lấp lánh, đường thành phố náo nhiệt đã khiến lời Ama như cái lá cây bị nước cuốn trôi khỏi tâm trí của Doen, ánh mắt của Y Thông như hạt mưa rơi xuống lòng đất khô nẻ biến mất không tăm tích. Tiếng hát của Doen bay ra khỏi bon làng, đi xa bến nước đầu bon để cất lên trên sân khấu lộng lẫy làm sững sờ người nghe.

Doen kiếm được nhiều tiền. Doen muốn đón Ama lên sống cùng, nhưng Ama bảo không rời xa được lửa, không rời xa được rừng. Rời xa ánh lửa nhà dài, lòng Ama nguội ngắt, cái lạnh len qua từng tế bào làm đông cứng các mạch máu, khiến Ama đổ bệnh. Rời xa rừng, Ama thấy lòng mình vấy bẩn. Mỗi năm có vài tháng, Ama vào rừng để làm thanh sạch tâm hồn, để tâm hồn mình được vô tư như rừng. Doen không thuyết phục được Ama, chỉ có thể gửi tiền về cho Ama bớt nhọc nhằn.

Chị Tâm bảo Doen, nhan sắc có thì, giọng hát cũng thế. Nhan sắc rồi sẽ tàn phai, giọng hát nghe mãi sẽ thấy nhàm. Phải tranh thủ trước khi hết thời. Doen miệt mài khắp các sân khấu, chịu khó đi khắp các tỉnh, thành. Nhưng, càng ngày giọng hát của Doen càng như vô hồn. Doen hát như một cái máy được lập trình sẵn, chỉ chờ ấn nút là nhả chữ. Lắm khi đang hát trên sân khấu bỗng khựng lại, kiệt sức. Khán giả la ó. Ông bầu cau có. May có nhan sắc rực rỡ, hoang dại của núi rừng níu lại chút sức hút. Chị Tâm lại chỉ cho hướng đi mới. Bảo, tranh thủ còn đẹp thì kiếm vốn mà kinh doanh. Doen nhắm mắt, đổi nhan sắc của mình lấy cơ hội.

Người ta bảo quán cà phê của Doen mang đậm hương vị Tây Nguyên. Không khí sôi động, những khúc ca hoang dại, cà phê đậm đà được tuyển chọn từ thứ cà phê chất lượng nhất của cao nguyên. Không gian trước quán trưng bày những tấm thổ cẩm Ê đê, Mnông, khách có nhu cầu may đồ từ thổ cẩm sẽ được may đo ngay tại chỗ. Rồi những gùi mây, túi vải, cườm tay sặc sỡ, những bức tượng nhỏ mô phỏng tượng nhà mồ. Vài tháng một lần, Doen còn cho phục dựng lễ hội để khách khứa tham quan, vui chơi.

Một vài tờ báo viết bài, phỏng vấn, ca ngợi Doen là chim họa mi cao nguyên, là đứa con của núi rừng, đau đáu với ước muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, truyền bá những nét đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên bí ẩn và quyến rũ. Doen mặc trang phục truyền thống đồng bào mình, cười tươi trên các tạp chí, trên truyền hình, xúc động khi nhắc đến bà con ở bon làng yêu quý mình như thế nào. Nhưng, sâu thẳm trong lòng, Doen biết, mình đã nhận thứ không thuộc về mình, tham lam thứ không phải của mình. Ngay từ lúc Doen chấp nhận đánh đổi để thỏa mãn giấc mơ giàu sang, nhung lụa, Doen cướp người đàn ông là chồng, là cha của một gia đình khác. Từ ngày ấy, Doen không dám về bon.

Trăng lên cao tít giữa đỉnh trời. Sương đọng thành vũng dưới chân người. Đoàn người đang đi hay lướt xung quanh nhà mồ đánh lên khúc cồng chiêng, trầm như tiếng nước ngầm, bổng như tiếng lửa reo, vang vọng khắp không gian mênh mang huyền bí. Tiếng cồng mùa Pơ thi dồn dập xoáy vào tai, vào mắt, vào lòng, vào óc người những ý nghĩ tâm linh mơ hồ, chẳng thể nào cắt nghĩa. Sau đêm này, hồn sẽ nhập vào pho tượng nào trong bao nhiêu pho tượng lớn nhỏ đứng ngồi ngổn ngang quanh đây. Hồn đã trải qua bảy kiếp, thành hạt sương tan siêu thoát hay hồn là Yun dih (**) tối tăm. Y Thông đã hóa trang thành hồn ma để dẫn linh hồn người khuất về với tổ tiên. Người và ma hòa vào nhau không phân biệt được.

Doen thấy mình lạnh ngắt, mồ hôi vã ra như tắm. Lửa nhập nhòe. Chiêng trống nhập nhòe. Vòng xoay nhập nhòe. Xung quanh Doen, bầy tượng nhà mồ rùng mình đội đất đứng lên. Tượng cao, tượng thấp lô nhô, ngày hứng nắng mưa, đêm ngấm sương mù hoang lạnh. Tượng người chết trẻ, tượng mẹ địu con, tượng bào thai chưa kịp làm người, tượng người già thấu hết lẽ nhân sinh mà vẫn buồn vời vợi. Những mắt gỗ trải qua bao gió sương nắng mưa vẫn trừng trừng thức để thấu hết những điều của cõi nhân gian. Những mắt tượng sầu như sương đọng lá khô xoáy vào Doen cái nhìn nhức nhối. Cái nhìn như muốn phá tan sự câm lặng từ nghìn đời nay để bật lên câu hỏi rằng sao lại phải mang kiếp tượng mà không được hóa kiếp người. Tượng khát thèm được sống trên đời, được cất tiếng nói loài người dẫu là lời đắng cay, cơ cực. Doen muốn khóc quá. Kiếp người cũng có sung sướng gì đâu.

Mắt tượng xoáy sâu, khoét vào lòng Doen vết thương mưng mủ. Cái nhìn mỉa mai. À. Kiếp người không sung sướng. Kiếp tượng cũng khổ đau. Vậy, tại sao đứa con gái sinh ra từ bon làng, ăn hạt gạo được trồng trên rẫy, tắm nước lá rừng hòa nước suối, uống nước đầu bon mà lớn, được Yang thương cho nhan sắc, được Yang thương cho giọng hát, lại định trở về định cướp tượng khỏi nhà mồ, nhổ tượng rời xa nơi tượng hoàn thành một vòng tròn từ thời huyền sử để biết đâu kiếp sau thành kiếp người, được nói, được cười, được vui, được khóc. Vì lẽ gì?

Ngực Doen như đá ghì nặng trĩu. Một bên bầy tượng chòng chọc cái nhìn mỉa mai và thấu suốt, một bên bầy chim ác chờ đợi bằng mỏ nhọn vuốt sắc. Loài nanh nọc rỉa thịt uống máu đè trên đầu trên cổ những bức tượng im lìm, cam chịu chờ dịp phanh thây mổ xác chết. Tượng ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối đứa con gái đã tham lam từ suy nghĩ đến lời nói, đã xấu xa, nhơ nhuốc những việc làm. Ruột gan Doen cào lên quặn thắt. Cõi A-tâu cũng sẽ chẳng đón Doen. Chốn các Yudih ngoảnh mặt làm ngơ khi Doen đến. Có lẽ Doen sẽ biến thành Yang Ybriêng (***) khắp nơi xua đuổi. Doen muốn khóc. Nhưng, nước mắt nào có thể gột sạch những nhớp nhơ.

Chủ tế đã dứt lời khấn. Tiếng cồng chiêng im bặt. Đoàn người ngồi thụp xuống bưng mặt cất tiếng khóc thương. Tiếng khóc tiễn biệt một lần sau cuối. Rồi từ ngày mai, nhà mồ sẽ bỏ hoang. Tượng lớn nhỏ tự ôm nhau khóc cười rồi mục ruỗng với thời gian, chẳng còn ai ngó ngàng đến. Nếu Doen lấy đi chỉ một pho tượng, chắc cũng chẳng ai biết.

Lời ca tụng ngợi khen chưa dứt, mùa dịch ào qua cuốn phăng mọi thứ. Những hào nhoáng, xa hoa rực rỡ thoáng chốc như vỡ vụn, nhường chỗ cho xám xịt tang tóc thê lương. Nỗi đau giăng phố, phố bầm giập những vết thương chằng chịt. Nằm trong phòng kín, có lúc Doen ngỡ mình như phát điên khi nghe tiếng còi xe cứu thương hú suốt ngày đêm. Ama gọi điện lên, giọng qua điện thoại mà nghe rõ những lo lắng, trăn trở. Có lúc như ngạt thở, Doen nghĩ, không biết mình có được làm lễ bỏ mả không.

Người đàn bà từng đến gặp Doen, cầu xin Doen gỡ bùa mê để con mình còn có bố, còn có một mái nhà nguyên vẹn không thể vượt qua mùa dịch. Tin nhắn ông gửi đến vào nhập nhoạng tối khiến Doen nổi gai ốc. Trùm kín chăn trong phòng mà Doen thấy như có hàng trăm cặp mắt phán xét dõi theo mỗi bước đi của mình. Ban ngày Doen tỏ ra bình thường, nhưng đêm về Doen mất ngủ.

Rồi mùa dịch cũng qua, cuộc sống quay về thường nhật. Ai cũng bạc mặt bơ phờ trong nỗi mưu sinh, còn thời gian đâu để ý cà phê, đêm nhạc, để ý những thú vui lạ lùng khoác lên mình cái mác văn hóa. Quán thu hẹp. Thứ cà phê bán ra vẫn phải khoác lên mình cái mác đặc sản phố núi nhưng bên trong đã phải trộn đủ kiểu để giảm chi phí. Những tấm thổ cẩm đan vội, có tấm còn làm cho cũ đi và bịa đó là tấm dồ mua được từ một buôn xa xôi. Tấm dồ người mẹ dùng địu bảy, tám đứa con, ngấm bao nắng gió bụi xứ cao nguyên huyền thoại. Biết là gian dối, nhưng lương nhân viên, vốn duy trì, rồi tiền thuốc cho những đêm mất ngủ, tiền chữa cái cổ họng tự nhiên khản đặc không cất nổi lời ca đã khiến Doen tặc lưỡi.

Vậy nên, khi người đàn ông chẳng biết nghe ai bày, đề nghị Doen mang đến cho ông một pho tượng, một pho tượng nhà mồ thứ thiệt, một pho tượng đã thấm đẫm gió sương, một pho tượng được lột ra từ gỗ bằng chiếc rìu trên tay người bỗng được Yang chọn lúc trong bon có người chết đi, dùng để an ủi linh hồn người vợ, Doen đã gật đầu đồng ý. Sau cái chết của vợ, người đàn ông hồi tâm chuyển ý, quay về chăm sóc con thay phần vợ, cắt đứt với Doen. Ông không lấy lại cửa hàng, coi như bù đắp. Về phần pho tượng, ông sẽ trả một món tiền lớn đủ để Doen xoay xở, duy trì cho qua đợt khó khăn này.

Doen như trôi đi trong cõi người ma lẫn lộn. Doen tham lam đưa tay chạm vào tượng gỗ. Da tay bỏng rẫy như nhúng phải dầu sôi. Bầy chim ác đậu trên đầu tượng đưa cặp mắt hung dữ chòng chọc nhìn Doen. Doen thấy trên đỉnh đầu, hai hốc mắt, thấy mỗi nơi trên da thịt như bị những cặp mỏ nhọn hoắt chọc thủng, vỡ toang, máu ồ ạt chảy. Doen muốn kêu cứu, nhưng đôi mắt đen của Y Thông thờ ơ, dân làng thờ ơ, những pho tượng nhìn Doen thờ ơ như nhìn kẻ ác bị trừng trị.

Tiếng hát của Ama kéo hồn Doen đang chấp chới bên bờ vực trở về. Ama hát khúc dân ca đưa tiễn. Giọng Ama vẫn trong vắt. Bài hát trầm buồn, tha thiết. Từng giai điệu thấm đẫm trong huyết quản Doen. Những khúc ca hoang dã, sôi động, những giai điệu cuồng nhiệt người ta gán cho Tây Nguyên lúc này thật kệch cỡm. Người Tây Nguyên vô tư, rừng Tây Nguyên minh triết, nhạc Tây Nguyên da diết kéo Doen về. Doen vươn đôi cánh tay, cất lời. Tiếng hát của Doen hòa tiếng hát Ama rưng rưng nỗi nhớ thương sau cuối dành cho Ama Nhức. Ama nhận ra Doen, khẽ gật đầu. Những mắt tượng lại chìm vào suy tưởng. Bầy chim ác tức giận đập cánh tan vào đêm.

Và, mặt trời lên. Mặt trời mấp mé ở ngọn núi phía Đông bao bọc bon làng. Bắp tay trai tráng vồng lên đập trâu bò hiến tế. Rượu cần ngả nghiêng say để sau đêm này vĩnh viễn chia tay. Mùa Pơ thi sắp cạn...

*

Doen rời bon. Ama và Y Thông lại tiễn Doen ra đầu dốc. Chiếc gùi sau lưng Y Thông đựng đầy những cây non xanh mởn, mỗi chiếc lá bé xinh nhìn như một chiếc môi cười. Lần này, rất nhanh thôi, Doen sẽ trở về. Doen đi trả lại những gì không thuộc về mình để về bon, cùng Ama, cùng Y Thông trồng lại những cánh rừng. Khi những ngọn núi trở lại màu xanh nguyên thủy, khi bầy chim thôi phân vân tìm chỗ nghỉ đêm, lòng Doen sẽ lại thanh sạch, vô tư, trái tim Doen sẽ lại có ngọn lửa tường minh chiếu sáng rực rỡ.

----------

* Nghĩa địa.

** Những linh hồn không còn cơ hội đầu thai làm người.

*** Thần ác.

Truyện ngắn của Đào Thu Hà
.
.