Phong thủy
Chuyện nhà Thanh - Nga chưa đâu vào đâu thì đến chuyện nhà Minh - Phong đòi kéo nhau ra tòa li dị. Đúng là đến muối mặt với Tổ dân phố, với hàng xóm xung quanh. Mặc dù không mấy tin vào phong thủy bói toán nhưng thấy mấy nhà cứ liên tiếp có chuyện như thế, nhất là nhà Minh - Phong thì to chuyện thật, vợ chồng trẻ, yêu nhau như thế, quấn quýt như thế, học hành như thế, trải qua bao sóng gió như thế mới đến được với nhau giờ lại đòi li dị thì đúng là to chuyện thật rồi. Xét mọi nhẽ thì cũng chỉ biết đổ lỗi là do làm nhà không hợp phong thủy mà thôi.
Xóm ở ngay bên lở, người xưa nói "bồi ở lở đi", biết là thế, biết là chẳng hợp phong thủy nhưng sông có lở, đất có xấu thì cánh lính chúng tôi mới mua được đất ở thành phố. Nghe đâu mảnh đất này người ta đã rao bán từ lâu nhưng chả có ai mua vì ai cũng chê là không hợp phong thủy. Khi chúng tôi đến vào đúng mùa mưa, nước sông đang lên, đất đang lở nên người ta bán đổ bán tháo, thế là rủ nhau về quần tụ rồi dần hình thành xóm lính.
Trước khi chúng tôi đến ở, mảnh đất này cây dại mọc um tùm, là chỗ thuận lợi để cho mấy con nghiện tìm về hút chích, thỉnh thoảng tổ dân phố kết hợp với Công an phường xuống phát cây dọn cỏ cho quang, được một thời gian, cây cối lại mọc lên um tùm, rồi lại đâu vào đó.
Từ khi chúng tôi rủ nhau về đây mua đất, mấy cái nhà cấp bốn được xây lên, tuy cửa ngõ còn tuềnh toàng, đàn ông trong xóm đi ở thất thường nhưng được cái an ninh trật tự thì khỏi chê, đã đôi lần đôi vợ chồng trẻ Minh - Phong mải quấn quýt yêu nhau trong nhà, cả đêm quên cất xe máy vào, thế mà sáng mai chiếc xe vẫn cô đơn chịu rét ngoài ngõ không chạy trốn mất, nếu như trước đây, không khóa khẩm cẩn thận thì chưa đầy ba mươi giây sau "tất cả mọi vật đều có cánh và bay mất" - Bà Tổ trưởng dân phố nói vậy.
Để tăng thêm phần "uy lực", ngay đầu ngõ cậu Thanh - Cảnh sát hình sự - lại còn tếu táo cho treo tấm bảng nho nhỏ viết mấy chữ: "Nhận dạy võ ngoài giờ, nhiều chiêu thức "độc" của Cảnh sát hình sự".
*
Tuần rồi bố của Thanh ra chơi, khác với mọi bận là cụ đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, gặp ai cụ cũng chào, vào nhà ai cụ cũng kể chuyện, cứ một câu là: "Thằng Thanh nhà tôi…". "Thằng Thanh nhà tôi…". Và mỗi lần như thế thường thì nhà tôi sẽ là nhà cuối cùng cụ ghé vào để ngồi lâu hơn, những hôm Thanh đi công tác không về thì tôi thường mời cụ ở lại cùng tôi nhâm nhi vài chén rượu quê.
Trong mọi câu chuyện của cụ chung quy lại "Thằng Thanh nhà tôi" thế nào đi nữa thì vẫn chỉ là câu chuyện Thanh dù mẹ mất sớm, chỉ mình bố nuôi dạy nhưng ngày xưa học giỏi nhất lớp, ngoan ngoãn nhất trường và dễ thương nhất xóm. Học xong phổ thông bao đứa cùng trang lứa thi vào Bách khoa, Kinh tế, Thương mại… riêng Thanh dù học giỏi nhất huyện, dù thi đâu đậu đấy nhưng nó cứ nằng nặc đòi thi vào trường Cảnh sát.
Nó giống tôi, nó muốn đi theo cái nghiệp của bố nó, nhưng tôi đã nói với nó nhiều lần rồi, làm cái anh cảnh sát mỗi thời nó có mỗi cái khó của nó, thời của tôi ùng oàng súng đạn chiến tranh nhưng con người nó vẫn còn lành lắm, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng… còn thời này thì đạn đồng cũng nhiều mà đạn bọc đường cũng lắm, rồi ma túy, ma túy đá, thuốc lắc, rồi vũ trường rồi sa đọa, rồi ăn chơi… không khéo là đổ gục ngay. Không ngoan, không tu tỉnh, không chịu học hành là có ngày từ cán bộ chuyên đi bắt tội pham lại phải vào tù thế chân cho tội phạm ngay. Nhưng được cái may, thằng Thanh nhà tôi nó ngoan, học giỏi, nghe lời…
Tóm lại, có thể bố cục khác, diễn đạt với mỗi người nghe có khác nhau nhưng nội dung cơ bản là thế. Và ánh mắt của ông cụ, nói thế nào cho nó đúng nhỉ. Ánh mắt của một lão nông trước vụ mùa bội thu à? Hay của một người thợ chơi diều khi cánh diều của mình bay cao nhất và tiếng sáo đôi hay nhất làng. Không, không phải thế, là đứa bé con ngước lên nhận phần thưởng bé ngoan, là thằng cu Trí nằn nì mãi mới được mẹ gật đầu hứa cuối tuần bố về cho đi ăn kem Bờ Hồ. Không, không phải thế mà là tất cả những ánh mắt ấy: hân hoan, hãnh diện, hạnh phúc, đắc thắng… đều có trong ánh mắt của cụ - một người cha hạnh phúc khi nói về đứa con trai thương yêu của mình.
Nhưng lần này thì khác, cụ ra chơi đã hai ngày mà chỉ ngồi trong nhà xem tivi, mỏi mắt lại mở cửa đi ra một lúc, thấy ai sắp đi đến gần cụ lại đi nhanh vào nhà rồi vội vã đóng cửa lại.
*
Tình cảnh ấy đến ngày thứ tư thì ông cụ sang gõ cửa nhà tôi để chào về, đến khi ấy tôi mới có cơ hội mời cụ vào nhà uống chén trà. Cụ vừa ngồi xuống thì thằng cu Trí cũng theo vào bô bô:
- Đấy, ông nội thử hỏi bác Hùng xem có phải bố cháu bị kỷ luật đuổi khỏi ngành Công an không?
- Ơ cái thằng này - ông cụ vội quát để át đi - trẻ con biết gì, về nhà ngay.
- Nhưng bố cháu không bị kỷ luật thật mà - Thằng cu Trí lại gào lên, biết không còn có thể giấu tôi được nữa, ông cụ mắt buồn như lão nông thất mùa nói:
- Sang chào bác lần này chắc là lần cuối bác ạ.
- Cụ cứ nói thế, trông cụ đang vượng lắm, cuối là cuối thế nào, ít cũng phải đến khi thằng cu Trí cưới vợ lúc đó muốn đi thì cụ mới đi được.
- Bác nói vậy thì tôi cảm ơn bác, chỗ thân tình tôi nói thật, chẳng còn mặt mũi nào mà ra chơi nữa bác ạ.
- Ơ chả lẽ có chuyện gì hả cụ, cháu thấy chú Thanh, cô Nga và cháu Trí đều bình thường, không thấy to tiếng gì…
- Bác đừng có giấu tôi làm gì cho tội nghiệp, cháu Nga nữa, cũng giấu cái thân già này. Tôi bà nó mất sớm, chỉ có mình nó… giờ nó đổ đốn ra thế, hy vọng nhiều thì thất vọng lắm bác ạ. Núi cao thì vực sâu. Nó như thế thì làm sao tôi sống nổi.
- Bác nói sao cháu không hiểu ạ, cháu thấy cô chú ấy vẫn bình thường.
- Bác nói y cháu Nga. Bác thấy đấy, tôi đến đã mấy ngày mà nó có dám mò mặt về đâu. Cũng đúng thôi, mặt mũi nào mà dám mò về trông thấy mặt tôi nữa. Đau, tôi đau quá bác ạ.
- Thế cụ thể thế nào bác nói cháu nghe, thú thực là hàng xóm với nhau, nhưng dù gì cũng là chuyện riêng mỗi nhà, không nói ra thì cũng không thể biết được mà động viên bác ạ.
- Thế bác không biết thật à? Thằng Thanh bị ăn phải đạn bọc đường, bị kỷ luật, bị đuổi ra khỏi ngành giờ đang chạy xe ôm ở bến xe kia kìa. Bác thấy có nhục không? Gà trống nuôi con, cho ăn học nên người, làm anh cảnh sát đeo bốn cái sao trên vai rồi mà còn bị kỷ luật đuổi ra khỏi ngành. Nó là nó hơn hẳn tôi, tôi làm công an cả đời mà có được đeo cái sao nào trên vai đâu, Công an xã, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Gớm mất gà mất chó cũng kêu, say xỉn đánh nhau cũng kêu, vợ không cho ngủ cũng kêu anh công an xã… vậy mà tôi chưa một lần bị trên nhắc nhở nhé, gà trống nuôi con sức trai cuồn cuộn, trong làng có bao nhiêu cô chồng chán chồng chê, chồng đi bê, chồng tù tội nhé, bao nhiêu cám dỗ nhé mà tôi vẫn trong sạch nhé, vẫn nuôi được nó nên người. Bây giờ nó đại úy, vợ nó là giáo viên, hai đầu lương chỉ nuôi có một đứa con… vậy mà nó tham, nó bị ai bịt mắt mà đâm đầu vào bụi rậm hở giời?
- Chắc có sự hiểu nhầm thế nào ấy chứ, mà ai nói với cụ thế, nếu có chuyện ấy thì bọn cháu đã biết.
Nghe tôi nói đến hiểu nhầm, mắt cụ có sáng lên một chút rồi sau đó tối lại ngay, cụ nhìn tôi nói như đinh đóng cột.
- Nhầm là nhầm thế nào, chính mắt tôi thấy, khi tôi từ quê ra, mới xuống bến xe, thấy một anh xe ôm đội cái nón sùm sụp, tôi mới đi lại gần, bảo chở về đây, anh ta ngửng lên, bốn mắt nhìn nhau… nó thấy tôi, há hốc mồm rồi vội vàng dắt xe chạy một đoạn mới kịp nổ máy phóng vù đi. Từ hôm ấy đến giờ không thấy mặt mũi, không điện thoại…
- Cụ tận mắt thấy?
- Thì tôi đã đui mù gì đâu bác, thà tôi không thấy, không biết đi một nhẽ, đã thế con vợ nó còn giấu tôi, giờ đến bác, đau quá bác ạ. Nhưng thôi, nói được với bác thế là tôi xả rồi. Chào bác tôi về quê đây.
- Cụ à, theo cháu thì cụ nán lại ở chơi thêm ít ngày nữa chờ chú Thanh về, bố con nói chuyện cho ra ngọn ngành cụ ạ.
Mặc dù tôi nói thế nhưng ông cụ vẫn không nghe, cụ bắt xe ôm ra ngay bến xe để về quê luôn mặc cho thằng cu Trí cứ chạy theo này nì cụ ở lại.
*
Chuyện nhà Thanh - Nga chưa đâu vào đâu thì đến chuyện nhà Minh - Phong đòi kéo nhau ra tòa li dị. Đúng là đến muối mặt với Tổ dân phố, với hàng xóm xung quanh. Mặc dù không mấy tin vào phong thủy bói toán nhưng thấy mấy nhà cứ liên tiếp có chuyện như thế, nhất là nhà Minh - Phong thì to chuyện thật, vợ chồng trẻ, yêu nhau như thế, quấn quýt như thế, học hành như thế, trải qua bao sóng gió như thế mới đến được với nhau giờ lại đòi li dị thì đúng là to chuyện thật rồi. Xét mọi nhẽ thì cũng chỉ biết đổ lỗi là do làm nhà không hợp phong thủy mà thôi.
Hôm ấy tôi vừa đi làm về thì bà Tổ trưởng tổ dân phố lạch bạch sang nhà gõ cửa, biết là có chuyện, một là đóng tiền vệ sinh, hai là ủng hộ đồng bào lũ lụt… vân vân và mây mây. Nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng nên bà không đứng vịn tay ở cửa nói vóng vào nữa, mà bà lạch bạch nhưng vô cùng trịnh trọng vào tận phòng khách và ngồi xuống với cái thế ngồi cố thủ dài lâu. Chết tôi rồi, đã lỡ nhận lời bia cỏ buổi chiều với cậu Công an khu vực rồi, giờ bà làm cho vài tiếng thì bỏ bu rồi, được ngày vợ đi vắng mới được đi uống bia mà như thế này thì gay. Nghĩ là nghĩ thế, nhưng lãnh đạo địa phương đến thì mình phải chấp hành thôi, đất có Thổ Công, sông có Hà bá. Khi nước nôi đã ngọt giọng, bà Tổ trưởng bắt đầu lên tiếng:
- Chú Hùng à, đứng trên quan điểm lập trường mà nói, lực lượng vũ trang là kiên định nhất, đặc biệt là Công an các chú, lấy vợ lấy chồng là tìm hiểu ba đời, vậy mà nay bỏ mai bỏ là làm sao?
- Ơ! Chắc cô nhầm sao ấy chứ, vợ chồng cháu vẫn… bình thường mà, vợ cháu đang đi công tác.
- Tôi không nói đến gia đình nhà chú, nhà chú thì ổn rồi, tôi đang tính đề nghị lên trên làm thủ tục công nhận nhà chú là "Gia đình văn hóa" đấy.
- Cháu cảm ơn cô, muốn được "Gia đình văn hóa" thì vợ nói chồng nghe và chồng nói thì… chưa chắc vợ nghe là ổn cô nhỉ - Tôi đùa tếu táo để cho bà Tổ trưởng bớt "nghị quyết" đi.
- Thế chú chưa biết gì về chuyện vợ chồng chú Minh à? Chết thật, thế mà tôi đang tính bàn với đồng chí Bí thư Chi bộ bổ nhiệm chú làm Tổ trưởng Tổ Tự quản của cái ngõ này đấy.
Nghe bà Tổ trưởng nói, tôi cứ thấy vui vui, đúng là thế thật, đối với đàn ông muốn nhà yên cửa ấm thì ở ngoài muốn làm vương làm tướng gì thì tùy, về nhà cứ nghe theo vợ chỉ bảo là êm, về địa phương cứ phải là công dân gương mẫu. Ở cơ quan tôi là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng phòng, về địa phương đang vào tầm ngắm để quy hoạch, cất nhắc lên… Nhóm trưởng. Đang suy nghĩ vẩn vơ thì chuông điện thoại reo, cậu Công an khu vực giục ra ngồi bia cỏ, chắc phải khất thôi, lãnh đạo địa phương đến tận nhà, lơ tơ mơ ngày mai được nêu tên trên loa ngay. Tôi tắt máy và hỏi bà Tổ trưởng.
- Thật tình là cháu chưa biết ạ. Hay cô chú ấy sắp có tin vui, thì cũng đẻ được rồi.
- Vui gì, đang điệu nhau ra tòa kia kìa. Nói thật với chú nhé, đứng trên lập trường giai cấp nhé, tôi là tôi không tán thành nhé, chú thấy đấy, quanh làng quanh xóm đây, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp cơm không lành, canh không ngọt, nhưng có thấy ai lôi nhau ra tòa đâu. Các chú về đây tính làm hỏng, làm gương xấu cho bà con phỏng?
Chết thật, Công an mà lại đi làm gương xấu, gương mờ cho quần chúng nhân dân thì không thể được rồi. Ơ mà cái nhà cậu Minh không biết có chuyện gì mà lại kéo nhau ra tòa nhỉ…
- Bây giờ chú phải cùng tôi sang bên nhà chú Minh, chú phải lựa lời mà nói sao đó cho vợ chồng họ không bỏ nhau, xóm văn hóa, làng văn hóa mà bỏ nhau coi đâu có được.
- Ơ mà… nhưng mà có… có… Tổ hòa giải mà cô.
- Hòa rồi, giải rồi, làm hết rồi nhưng cái nhà cô Phong cũng ghê gớm quá cơ, cứ một mực "Tôi là tôi bỏ, đàn ông có tính trăng hoa thế là tôi bỏ". Mà cái nhà chú Minh nữa, đã có vợ rồi còn lăng nhăng, chú không báo cáo thì tôi cũng thay mặt Tổ dân phố làm cái đơn báo cáo lên đơn vị chú ấy, để đơn vị kỷ luật cho chú ấy sáng mắt ra. Vợ đẹp thế, trẻ thế, mới thế… mà còn thế này thế nọ, sau này vợ già thì còn ra làm sao nữa.
Đúng là chuyện to rồi, không còn là chuyện đùa nữa rồi, dù chưa biết nói chuyện gì với họ nhưng tôi vẫn phải cùng bà tổ trưởng sang gõ cửa nhà Minh - Phong. Khi nghe tiếng bà Tổ trưởng gọi, Minh ra mở và đứng chắn ngay cửa có ý không muốn cho chúng tôi vào. Đang chần chừ tiến thoái lưỡng nan thì Phong trong nhà lên tiếng:
- Cháu mời bà với bác Hùng vào nhà chơi ạ, xấu hổ ấy mà, không muốn ai đến nhà ấy mà - Vừa nói Phong vừa nguýt xéo Minh.
Miễn cưỡng Minh tránh sang một bên để tôi và bà Tổ trưởng bước vào. Vừa ngồi xuống ghế bà Tổ trưởng đã nói ngay:
- Tôi biết là chuyện riêng của cô chú, chuyện của hai người, nhưng tôi cứ thấy nó không ra làm sao, có gì thì đâu vẫn còn đó…
- Cháu là cháu không chịu được cô ạ, cô không phải nói nữa đâu, cháu bắt được tại trận, còn chối cãi gì nữa… - Phong chen ngang.
- Cô Phong chú Minh à - tôi nói - anh giờ cũng mới biết chuyện này, biết là chuyện riêng của cô chú, nhưng thôi thì anh đã biết cũng muốn biết cho nó tường tận vì thực sự anh thấy tiếc cho cô chú…nếu cô chú chia tay nhau.
- Bác Hùng đã nói thế thì em cũng chả giấu gì bác, em xem bác như bác cả trong nhà, thôi thì bác cứ xem cái này thì biết- Phong vừa nói vừa trao cho tôi một cái phong bì trong đó có nhiều tấm ảnh.
Tôi lật xem từng tấm và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thấy tôi xem ảnh, bà Tổ trưởng cũng muốn nghía sang xem ké nhưng tôi làm như vô tình đổi thế ngồi để bà Tổ trưởng không xem được. Khi xem đến tấm cuối cùng, vẫn giữ nét mặt "hình sự", tôi hỏi Phong:
- Ở đâu mà em có những tấm ảnh này?
- Bác tưởng chỉ các bác là có quyền theo dõi tội phạm à? Nhân dân cũng có quyền giám sát nhé. Bác thấy chưa, nét căng, còn chối được nữa không? Tình tứ với nhau thế cơ mà - Phong nói với tôi nhưng nguýt sang Minh.
Nhìn cái điệu ấy là chúng nó còn yêu nhau lắm, nhưng tôi vẫn muốn biết những tấm ảnh ấy từ đâu mà có. Từ một nguồn không rõ? Từ người trong đơn vị Minh? Từ bạn bè của Phong… phải xác định được nguồn ảnh thì mới gỡ được vụ này. Không chỉ gỡ việc đổ vỡ hôn nhân của cặp đôi Minh - Phong mà còn những vấn để to tát hơn, quan trọng hơn liên quan đến công việc của Minh. Tôi làm mặt lạnh hỏi Phong:
- Đã như thế này thì cô bỏ chú ấy là đúng thôi - tôi quay sang bà Tổ trưởng nói - cũng chả oan ức gì đâu cô ạ. Vấn đề là anh muốn biết ai đưa cho cô những tấm ảnh này, biết đâu họ ghép.
- Em đã nói rồi, các anh theo dõi tội phạm thì nhân dân theo dõi các anh. Cả tháng nay… cả tháng nay… hờ hững - Phong khóc- em nghi, chả bù cho ngày trước… về đến nhà chưa kịp cất xe, quên cả xe ngoài đường…
- Không biết xấu hổ … - Minh vặc vợ.
- Chú cứ để cho cô ấy nói hết.
- Đấy bác thấy, rành rành ra đấy mà còn cục súc. Em mất năm triệu bạc, thuê thám tử theo dõi cả tuần liền mới có được mấy tấm ảnh này đấy. Quá rẻ, năm triệu để biết được con người mình đã thế chấp cả cuộc đời vào đó. Con người mà mình đã bỏ cả cha, cả mẹ để đi theo không, con người mà vì hắn mà mình mang tội bất hiếu.
Nghe Phong nói thế, tôi thở phào nhẹ nhõm và nở một nụ cười kể từ đầu buổi đến giờ, còn Minh thì cứ ngồi trơ chịu trận. Đúng lúc ấy thằng cu Trí đi ngang trước cửa nhà Minh, vừa đi nó vừa rao câu muôn thuở: "Giữ gìn văn minh khối phố, không vứt rác bừa bãi, không để vật nuôi phóng uế ra đường… thực hiện nếp sống văn minh nơi đô thị… nào". Thấy tôi cười bà Tổ trưởng vặc:
- Chuyện như thế mà chú còn cười được, lại còn nói bỏ là đích đáng. Nào cái gì trong ảnh đưa tôi xem nào.
- Dạ không có gì đâu ạ. Thôi mình chả phải hòa giải nữa đâu cô ạ. Có gan ăn muống có gan lội hồ, cháu chả dám khuyên gì đâu. Thôi, cháu đi uống bia đây, mấy đứa bạn đang chờ. Minh đi cùng không? Đi thôi, uống vào để mà… sám hối. Hì bọn anh xin phép Phong bọn anh đi nhé.
- Em thì có quyền gì mà giữ anh ấy nữa, ít hôm nữa tha hồ mà đi uống nhé, chả còn ai cản.
Tôi và Minh cùng đi ra đầu ngõ, vừa đi tôi vừa nói với Minh:
- Thấy chưa, đến vợ nó còn thuê người theo dõi mình thì bọn tội phạm mình làm sao mà tránh được. Chú lộ vở quá, coi chừng ăn đòn. Hôm nay khi nghe Phong bảo thuê thám tử là tôi đã thở phào. Thôi đây cũng là bài học kinh nghiệm.
- Đúng là em không ngờ bác ạ, ai mà nghĩ ra Phong ghen đến mức như thế. Ai nghĩ 113 tóc dài nhà em nó quái đản đến thế. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh viết: "Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu".
- Có yêu thì cô ấy mới làm vậy, tóm lại lần sau phải chú ý cẩn thân hơn, còn bây giờ thì cứ cố mà hoãn binh, tất cả tập trung cho nhiệm vụ đã.
*
Tự nhiên xóm lính buồn hẳn, mấy ngày nay cả Thanh và Minh đêm đều không về nhà, tối tối mấy bà vợ lính vẫn chụm đầu vào "họp tổ", chẳng biết các bà nói với nhau những chuyện gì mà tối nào cũng "buôn" được. Nghĩ cũng tội, làm vợ lính là mòn mỏi chờ mong.
Cho đến một đêm khuya, tôi vừa buông cuốn sách ra để chìm vào giấc ngủ muộn thì nghe tiếng đập cửa và gọi thất thanh của Phong:
- Bác Hùng ơi, bác Hùng ơi, ra nhanh cho em nhờ.
Tôi vội vàng chạy ra cửa, thấy tôi Phong nói trong tiếng khóc.
- Bác làm ơn chở giúp em sang bệnh viện 19.8 anh Minh…
- Chú Minh bị làm sao… ai báo?
- Anh Minh nhà em bị… bị… bắn… đang cấp cứu ở bệnh viện 19.8.
Tôi vội vã mặc quần áo và chở Phong đi, thằng cu Trí nghe nói chú Minh bị người ta bắn cũng leo lên xe đi cùng, bị mẹ giữ lại nó vùng vằng:
- Người ta muốn đến với chú người ta cũng không được đi. Thế mới đau chứ lị.
- Chắc chú Minh không sao đâu, ngoan ở nhà, hôm sau bác cho theo.
Khi tôi chở Phong đến nơi thì thấy Thanh cùng mấy người trong đơn vị Minh đã đến và đang đứng trước cửa phòng hồi sức. Phong hớt hải xin vào, khi gần đến bên giường của Minh thì Phong bỗng đứng sững lại rồi nói nhỏ rít qua kẽ răng:
- Ái chà… Tôi không ngờ cô mặt dày đến thế, cả gan dám đến đây à?
- Ơ …ơ… chị là…- Cô gái nói.
- Cô tưởng chúng tôi bỏ nhau rồi nên vội đến đây chứ gì? Yêu nhau đến thế cơ mà.
- Chị nói gì em không hiểu?
- Khi cặp kè với chồng người ta thì cô có hiểu không? Đêm nào tôi cũng đưa ảnh cô ra để ngắm nhé, tôi mà không kìm nén thì cô không còn cái mặt câng cáo mà đến đấy nữa nhé.
Thấy vậy Thanh vội chạy đến bên hai người đàn bà phân bua:
- Phong, không phải như em nghĩ đâu, đây là cô Diệu Thi, cùng đội với anh và Minh.
- Cùng đội gì mà vào khách sạn với nhau, ôm eo nhau, hôn môi nhau… anh đừng có mà bao che, các anh đều là một giuộc với nhau cả.
- Phong, em bình tĩnh lại… em bình tĩnh lại đã, nếu hôm nay Diệu Thi không kịp bay đến đá văng khẩu súng trên tay thằng Tú khỉ thì Minh không chỉ dính một viên đạn đâu. Mất cả tháng nay bọn anh mới phá xong vụ này đấy.
Nghe Thanh nói thế, Phong dần dịu nét mặt nhưng cũng không quên nguýt Diệu Thi một cái sắc lẻm rồi khi ấy mới đến bên Minh. Minh trong người chưa hết thuốc gây mê nên vẫn nằm nhắm mắt như ngủ.
Thấy ổn, tôi đến bên Thanh nói:
- Thôi chuyện của Minh - Phong thế là OK rồi. Còn chuyện của chú: một là chú điện cho cụ, hai là về quê đón cụ ra chơi mấy bữa.
- Khỏi cần đón, ngày mai là cụ lại ra thôi bác, em bàn ở hẳn ngoài này thì chả chịu.
- Ai "hóa giải" mà chú bảo cụ mai sẽ ra.
- Đêm nào cụ chả xem ANTV hả bác, cụ yêu Công an nó vào trong máu rồi. ANTV chắc chắn là phát tin và hình ảnh vụ án bọn em vừa phá, thấy mặt em là cụ lại đi khoe khắp xóm rồi vội vã khăn gói ra thôi.
- Đợt này về phải chấn trạch lại thôi chú ạ, xem làm sao chứ đất mình ở chưa hợp phong thủy lắm và hình như anh em mình về ở chưa cúng kiếng đầy đủ, chú thì hóa trang thành xe ôm bị ông cụ bắt gặp, cũng là một chuyện hi hữu, còn Minh thì bị 113 tóc dài thuê thám tử theo dõi rồi giờ còn bị bắn. May mà thoát nạn.
- Cái nghề anh em mình nó thế, ra khỏi nhà là mặt trận rồi, nhiều khi mặt trận còn ở ngay trong nhà, trong dòng họ, trong làng, trong đơn vị nữa ấy chứ. Phong thủy gì đâu.