Phía con sông yêu kiều
Tôi suýt bật khóc trước mặt Thương. Nhìn ra xa, rừng cò vạc vẫn vẽ bức tranh yên bình. Nước mắt đã chắt trên má một gã trai là tôi, không biết vì mừng vui vì được ở bên Thương, hay do những áp lực mà thi thoảng gia đình gửi tới. Hay vì tôi tủi lòng trong khi mới chuyển đến một nơi còn thiếu thốn đủ bề? Hay tại chiều hôm trước, Hân gọi điện xin lỗi.
Mưa ào ạt xối xả. Tôi lựa một góc, ngồi nhìn những hạt mưa không biết toan tính, ngân vang theo cách của chúng, xuyên qua không gian để về hợp với dòng nước. Mưa khác hẳn cảm giác buồn vui lẫn lộn pha vị đắng trong tôi. Tôi phải lựa chọn ở Bắc Ninh hoặc về lại miền Trung. Viện nghiên cứu thành lập văn phòng ở Hà Nội, cũng để tiện nghiên cứu những tỉnh, thành phố khu vực, trong đó có vùng Kinh Bắc, cũng là mở rộng đề tài nghiên cứu, mối quan hệ và khẳng định tầm ảnh hưởng.
Sếp muốn tôi ra cùng ba cán bộ gây dựng văn phòng, đặt nền móng cho sự phát triển mới, với lời nhắn: “Ngoài đó đất đai rộng lớn, phì nhiêu, các cậu tha hồ tung tẩy, cống hiến”. Câu nói gọn như một khúc nhạc, nhưng để tung tẩy ở nơi lạ nước lạ cái đâu phải đơn giản. Những câu động viên bao giờ cũng đầy hứng khởi nhưng thực tế, người ta phải đấu tranh với cả mớ khó khăn vừa có tên vừa không tên. Bên kia, Nguyệt Thương ngồi nhìn ra dòng sông Cầu và vẽ một bức tranh cò nhỏ, đôi cánh tinh khôi nhưng huyền hoặc, làm cho buổi chiều sinh động. Tôi đã có cớ để quen một người đồng sở thích.
Cuộc đời có cái sự thích nhau nhanh như cái chớp mắt và cũng có thứ tình yêu sét đánh. Có cuộc gặp thật buồn, có cái duyên phơi phới vui. Nguyệt Thương đã tạo ấn tượng về một tâm hồn rộng mở, rất hợp với một nhà... nghiên cứu sinh thái và động vật hoang dã. Tôi khá bất ngờ với vốn hiểu biết về môi trường sinh thái của em, những tác động từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học phục vụ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của con người đối với hệ thực vật. Lúc tôi nói, Thương không ngừng hưởng ứng bằng những câu chuyện nhỏ nhưng khá hài hước.
Tôi gặp Thương như thế. Sau cà phê, tôi di chuyển đến chỗ mấy người bạn mới ngồi nhậu. Họ đang cố gắng rót niềm cảm hứng cho tôi ở môi trường mới này bằng sự nhiệt thành. Bây giờ đường sá đi lại dễ dàng, nhưng đôi chân vẫn cảm giác thần thừ ngại ngùng. Tim tôi còn mưng một vết thương chưa lành do người yêu cũ gây ra, mà mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn nhói buốt, nhiều ý nghĩ bị sự tiếc nuối trùm lên.
Bố tôi cũng từng đau đớn với quá khứ nhưng ông cân bằng rất nhanh bằng công việc và bằng tình yêu chân thành với mẹ. Bố vẫn giục con trai mau chóng yên bề gia thất, còn mẹ đã thất vọng khi ba lần nhờ người làm mối cho tôi không thành. Mỗi khi đối diện mẹ, tôi thường che giấu nỗi buồn bằng những nụ cười gượng. Tôi từng bỏ cơ hội công việc lương cao, để gắn bó với viện nghiên cứu, bù lại, được gần và yêu Hân trong vườn hoa tình nồng rực rỡ. Đó là một sự đánh đổi khắc nghiệt mà ít gã trai ngày nay dám làm.
Yêu Hân, tôi yêu công việc của mình và dần dần tình yêu ấy lớn hơn cả sự cuồng si. Gần thiên nhiên, “nghe” thiên nhiên kể chuyện, các bài nghiên cứu, đánh giá của tôi về đa dạng sinh học thêm sức sống, giàu thực tế. Nhưng, lòng dạ Hân ngày càng khó nắm bắt, cũng như thiên tai ngày thêm khó lường. Một hôm, Hân trút vào tôi cả núi nỗi buồn và làm trái tim dại cuồng tôi rỉ máu. Tôi mất Hân, cơ hội làm việc lương cao và mất luôn mối lương duyên có thể đến cuộc đời mình, biết đâu.
Hân bỏ viện, bỏ công việc nghiên cứu vốn tỉ mỉ để theo một người đàn ông khác và thế giới thực dụng. Hân là người trồng hoa trong vườn tôi, rồi cũng chính cô nhẫn tâm dùng đôi tay thon ấy bẻ ngoéo từng đóa rực rỡ, để tôi ngẩn ngơ, ôm một quả tim mộng mị trống hoác thất tình. Đông, anh bạn cùng cơ quan, người nhiều lần chúc phúc cho cuộc tình tôi, thốt lên: “Hân biến thành Hận rồi. Sao cô ta nỡ làm vậy với một người tử tế như chú!”.
Tôi đã chẳng thể định lượng tình cảm của Hân như làm khoa học. Lúc ấy, tôi ước gì mình có thể đến một nơi thật xa, trầm mình vào môi trường có thể thật vui, có thể thật buồn cho nguôi vơi nỗi đau. Rồi lãnh đạo viện nghiên cứu cho tôi cơ hội đến vùng Kinh Bắc và Hà Nội. Tôi tạm biệt sự ủ ê và dòng sông buồn quá vãng để ra đi.
*
Vị cà phê lan tỏa, gió sông Cầu nhàn tản có chút buồn. Buồn và đẹp. Sông Cầu còn có tên Như Nguyệt, không thề thốt nhưng luôn đối đãi chúng ta bằng tất cả sự hào sảng. Người Bắc Ninh ứng xử với dòng sông không chỉ như với một dòng nước đơn thuần hay một nguồn lợi từ thiên nhiên. Họ coi sông như là một chứng nhân lịch sử với bao trầm tích văn hóa. Lịch sử đã chứng minh biết bao chiến tích của con sông anh hùng. Giờ tôi và đồng nghiệp nghiên cứu hệ thống sông Cầu, sông Đuống, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê... Đó đã chẳng phải lần đi lướt qua đời nhau.
Sau hôm đầu gặp, tôi vẫn thường thả hồn với trạng thái của sông sau những giờ làm việc căng thẳng với từng con chữ, những mẫu phân tích hoặc những cuốn sách tham khảo khô cứng. Quán cà phê cho tôi cơ hội gặp Thương và trò chuyện để rồi trong đôi mắt em có chút ngưỡng mộ, nể trọng dành cho tôi.
Tôi ngỏ lời yêu Thương vào một ngày đẹp trời và nhận về ánh mắt đồng ý cùng một cơn gió mát lành. Mỗi lần đến, tôi nghe sông gọi mình bằng sự trìu mến. Cũng như tình cảm của Nguyệt Thương dành cho tôi, không phải bằng những lời hoa mỹ mà là sự trong sáng đến thánh thiện. Có lần, em hỏi nhìn sông anh thấy gì? Tôi bảo, thấy ánh mắt hiền dịu của em. Tôi hỏi lại, còn em thấy gì? Thương trả lời, thấy sự chân thành, nhưng có lúc, sông đổi màu, màu khiêm nhường.
Phải. Ước gì mọi thứ trên đời đều giản dị như thế. Con người muốn được như sông cũng đâu có dễ. Nhưng, cơn bão toan tính luôn thốc vào đời sống và buộc người ta phải chạy nhanh hơn. Có kẻ phồng má trợn mắt, thậm chí chà đạp lên người khác để bản thân được lợi. Thì tôi, đang được hưởng sự trợ lực từ một quả tim ngoan hiền. Chính Thương đã neo tôi lại nơi đô thị nghĩa tình này, tìm hiểu sinh thái vùng đồng bằng rộng lớn. Từ đây, tôi có thể thi triển khả năng của mình để có những bài khảo sát, công trình khoa học.
Làm công việc nghiên cứu, người ta vẫn gọi là “bắt mạch” sinh thái, ngoài tính chính xác, cần lắm sự nhạy cảm để có thể đưa ra những nhận định đúng đắn cho một vấn đề vốn rất trừu tượng hoặc mù mờ. Suốt bao năm qua, khả năng của thiên nhiên vẫn vượt xa tầm hiểu biết của con người. Có lần, em đùa: “Anh “bắt mạch” được rất nhiều hiện tượng môi sinh quanh anh, nhưng còn lâu mới “bắt mạch” được em”. Tôi bảo: “Lòng em hiền từ như sông phù sa, rực rỡ như vườn hoa, anh đọc được mà”. Em cười phá lên. Quán cà phê ven sông sáng ấy như thể rực rỡ gấp hai lần, bình minh xốn xang, ánh mặt trời dát vàng trên mặt sóng gợn nhẹ.
Mẹ gọi điện, bảo có một mối, gia đình tử tế, con về nom mặt. Tôi cố bình tĩnh để nghe mẹ nói một tràng một chuỗi giới thiệu: “Này con nhé, mẹ gặp con bé này rồi. Tốt nết phải biết! Gia đình gia giáo, đúng chuẩn nhà mặt phố, bố làm to. Ông bố nghe đâu là quan chức bên lĩnh vực môi trường. Đúng ngành con đang làm. Con mà làm rể thì tuyệt, kiểu gì ông ấy chẳng cất nhắc...”.
Tim tôi thình thịch đập. Lúc đó, tôi cùng Thương ngắm bầy cò vạc lượn lờ trên tàng cây ở khúc sông. Những cánh cò tạo thành rừng dập dờn như vẽ trên nền mây, thật đấy mà ảo diệu quá. Tôi lấy tay ra hiệu cho Thương là mình đang nghe điện thoại của mẹ.
Mẹ lại hỏi công việc, ăn uống, sinh hoạt. Thì tôi nói thật với mẹ. Ngoài những lúc bạn bè, tôi chuyên cơm hàng cháo chợ, bạ đâu ăn đó. Sinh hoạt thì có lúc mải đọc, làm thí nghiệm, đứng lên thì trời đã khuya, vậy là bỏ qua tắm rửa, ăn một gói mỳ tôm, rồi lên giường. Mẹ thốt lên: “Ôi dồi ôi, sao đến mức ấy?”. “Con lớn rồi mà mẹ”. “Về, về Bắc mà làm đi. Mọi thứ có sẵn, sao sung sướng mà con không biết đường... Con đi đày ở đó có đáng không?”. “Mẹ ơi, con đang hẹn với dòng sông”. Mẹ thảng thốt: “Trời ơi, con bị như thế từ bao giờ? Có sốt không? Mẹ hỏi mà con trả lời lơ mơ gì thế?”. Tôi giải thích với mẹ một hồi, rồi mẹ gắt, rốt cục có về không? Miệng tôi cứng đơ. Sau cùng, mẹ cúp máy.
Tôi suýt bật khóc trước mặt Thương. Nhìn ra xa, rừng cò vạc vẫn vẽ bức tranh yên bình. Nước mắt đã chắt trên má một gã trai là tôi, không biết vì mừng vui vì được ở bên Thương, hay do những áp lực mà thi thoảng gia đình gửi tới. Hay vì tôi tủi lòng trong khi mới chuyển đến một nơi còn thiếu thốn đủ bề? Hay tại chiều hôm trước, Hân gọi điện xin lỗi. Cô nói mình đã mù quáng, chạy theo sự hào nhoáng để rồi phụ bạc tôi, rồi bị kẻ đó phụ bạc. Hân đã mất tất cả. Cô xin tha thứ, xin tôi quay về. Tôi nghẹn đắng không nói nên lời, lúc đó quả tim lay động, tôi đã suýt tha thứ cho Hân. Tôi đã từng yêu Hân hơn bản thân mình và khi mất cô tôi đã tưởng mình chỉ còn đường chết. Hân biết điểm yếu của tôi. Nhưng, tôi không muốn chan thêm nước mắt cho cuộc đời mình. Giữa tôi và Hân giờ là một khoảng trống. Cô hãy quên tôi đi. Đừng bao giờ gặp, đừng gọi điện, đừng là gì hết. Tôi cúp máy, lạnh lùng.
Thương không biết tôi đang khóc, hay em chẳng muốn làm òa vỡ con đập nước trong lòng tôi đang gằn lên chống đỡ tai ương? Em nở một nụ cười, có màu sắc của những đám mây nhẹ thênh thang nhàn tản. Vậy thì làm sao tôi nỡ làm nhòe đi nụ cười ấy. Tôi ôm và hôn nhẹ lên trán em khi đàn cò đang tán dương nhau bằng những tiếng kêu khéc khéc...
*
Buổi tối ở nhà Thương, giữa làng tiến sĩ Kim Đôi, bữa ăn có lẩu cá sông. Bố em hát quan họ, giọng chậm nhưng thấm. Ông nồng hậu và ân cần. Ông uống hơi nhiều. Uống mềm, ông hát say sưa hơn. Lúc ngừng hát, ông chỉ tay vào Thương: “Chú giao con bé cho cháu đó. Con chăm sóc cẩn thận giúp nhé”. Tôi dạ vâng, gật đầu. Tôi chưa kịp chúc thì chú lại rót thêm, mời. Trong từng câu nói đầy tâm sự của ông, tôi thấy sự mộc mạc nhưng đầy hy vọng. Thương liếc sang tôi, cười nhẹ, em đùa bố: “Bố đừng làm anh ấy khó xử, con đâu xứng!”. Bố em xua tay: “Nhìn bọn con tướng phu thê lắm”.
Mẹ Thương mất từ gần chục năm trước, do bọn săn cò ở bên sông bắn trúng. Từ đó Thương và em gái mồ côi. Từ đó bố Thương sống lặng lờ trầm buồn, như khúc sông qua làng. Đàn cò trú ở tán cây bên sông cũng bỏ đi nơi khác tìm chỗ trú ngụ. Thương về Hà Nội, trầy trật học hành và lập nghiệp. Chính cái chết của mẹ ở vườn cây đã khiến Thương ao ước được làm trong một tổ chức có thể cất tiếng nói bảo vệ chim chóc. Thương luôn thấy mẹ trong mơ, luôn thấy những cánh cò bị bắt giết tàn bạo. Một thời gian dài, hễ thấy cò vạc là em thấy máu nhòa trước mắt. Em sợ gặp cò. Nhưng, em lại thích sông Cầu quê mình nên cứ phải gặp cò vạc. Sau thời gian chữa trị và một ngày đẹp trời, trong một buổi thiên thanh êm đềm, trong màu xanh của cây cối, đàn cò vây quanh em bằng những đôi cánh bền bỉ và dịu dàng, giúp Thương xua nỗi sợ hãi. Thương dang cánh tay ra, như thể muốn bay lên cùng đàn cò.
Tốt nghiệp ngành kế toán nhưng em xin được việc ở một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại Hà Nội. Thương vẫn thường nói về mẹ, rằng cả đời lành hiền, chỉ biết đứng ra làm việc tốt. Mẹ cố giữ chim chóc, những ca sĩ của bầu trời bên dòng sông quê thì có gì sai mà phải chịu chết! Sao cạm bẫy không giăng ra với bọn tận diệt thiên nhiên? Trước em, tôi không thể nói cặn kẽ về những hiểm nguy trong đời sống đầy bất trắc. Khi cái no đủ bị pha loãng ra, nó đóng cặn thành sự rửng mỡ.
Giờ tôi và em cùng làm công việc liên quan đến nhau. Em vẫn đi lại giữa Hà Nội - Bắc Ninh. Tôi và em đang gồng mình lên để sống, làm việc, hòa nhập. Thương phụ bố lo cho em học đại học. Tôi phải gây dựng thêm mối quan hệ, xin tài trợ, tổ chức các chương trình thiện nguyện, gây dựng uy tín văn phòng phía Bắc. Ngày lại ngày trôi đi. Tôi không có thời gian tĩnh lại kiểm đếm mình đã gặp bao nhiêu người, cả người bản địa và dân tứ xứ. Nhưng, tôi tin mình đang được làm một công việc yêu thích.
*
Tỉnh dậy sau những ngày làm việc mải mê, kiệt sức, tôi về quê. Bố tôi ốm nặng. Bước vào nhà thì đã thấy Hân ở đó, bố cũng ngồi đó. Hóa ra bố không ốm. Mẹ nói dối cốt để tôi về miền Trung gặp Hân. Cô đã thuyết phục được bố mẹ tôi và khiến họ nghĩ rằng mối quan hệ của hai đứa có thể cải thiện được. Bố Hân là người có thể quyết định sự tiến xa hơn của doanh nghiệp mà bố tôi đang là phó giám đốc. Người kế nhiệm bác Thắng giám đốc, sau ít tháng nữa nghỉ hưu là bố tôi.
Ngồi trước bố mẹ và Hân, tôi không nói nên lời. Bố và mẹ đang phân tích những lợi lộc khi tôi bỏ qua tất cả cho Hân. Đầu óc tôi dần dần quay cuồng và chẳng thể nghĩ được gì. Sao cô ta không buông tha cho tôi? Tiếng mẹ khóc khiến tôi bần thần. Tại sao lại cứ phải là tôi? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, bao nhiêu người được sống cuộc đời của họ, bao nhiêu người vì người khác và bao nhiêu người sống chẳng vì cái gì cả? Họ cứ bạc nhạc trước dòng đời. Tôi muốn sống cuộc đời của mình, trong sự xô bồ mà tình yêu là thứ dễ bị mai một và lòng người dễ bị tha hóa. Tôi xin bố mẹ. Hãy cho con được quyền tự quyết. Con muốn làm công việc của con.
Trước sự dứt khoát của tôi, bố gật gật đầu, lặng lẽ đứng lên. Mẹ nhìn tôi và Hân, khóc thành tiếng. Đứng trước lằn ranh của tình, tiền, lợi lộc, sao có lúc con người ta lại khó xử, lúng túng đến thế. Bữa cơm bên bố mẹ thật lặng lẽ. Tôi ở lại nhà ít ngày, gặp vài người bạn. Điều làm tôi lo lắng lúc này là gọi Thương nhiều lần không được, điều chưa từng xảy ra. Tôi kính chào bố mẹ để ra Bắc Ninh, nơi tôi sẽ lại đối mặt với cảnh cơm hàng cháo chợ, làm việc cật lực như đã từng bị hạ đường huyết phải nằm nghỉ mấy ngày. Bù lại, được sống theo cách của mình. Không thể liên lạc được với Thương, tôi đến cơ quan ở Hà Nội tìm em. Đồng nghiệp nói Thương đang nằm bệnh viện. Tôi vượt dòng người kìn kìn trên phố đến với em.
*
Thương bị thương vì bảo vệ cò. Hôm đó đi chợ, em nghe thấy dân bán cò nói người ta săn được rất nhiều chim chóc từ đoạn sông Đuống, gần bến Bình Than. Em muốn tìm hiểu khu vực đó ra sao để có cách kiến nghị cứu cò vạc. Chiều đó, Thương cùng một đồng nghiệp đi thuyền vào khảo sát. Lúc trở ra thì trời bất ngờ đổ mưa. Thuyền bị lật. Em vừa đuối nước, vừa bị mỏ vịt của thuyền chém vào đùi và ổ bụng. Cũng may, chàng đồng nghiệp đã mưu trí, dũng cảm cứu được và gọi người giúp đỡ. Em được đưa vào bệnh viện, giờ đã qua cơn nguy kịch. Đồng nghiệp của Thương kể, trong hôn mê, em cứ hét lên gọi tên sông, tên tôi.
Nắm tay em, tôi đã khóc. Bên tôi, khuôn mặt nhợt nhạt của em trở nên hồng lại. Thương an ủi tôi bằng nụ cười sáng đến tinh khôi: “Em không sao rồi mà”. Ừ. Thật may quá. Cuộc sống vô thường. Cả em và tôi đều tìm thấy niềm vui trong công việc và cũng gặp những trở ngại, hiểm nguy từ công việc. Tôi và em không cô đơn, nếu không gặp nhau cũng vẫn còn có những người bạn, đồng nghiệp, luôn thắp niềm lạc quan và trồng những đóa hoa trong cuộc sống còn nhiều bon chen này. Tôi chỉnh lại bó hoa, loài hoa mà em thích. Màu hoa tinh tuyền ấy nhắc cho tôi và em về những chuyến đi trong tương lai. Trìu mến bên hoa, em hỏi: “Anh sẽ vẫn cùng em ngắm bình minh và hoàng hôn trên sông chứ?”. Tôi nắm tay Thương chặt hơn: “Em phải chịu khó ăn, mau chóng bình phục. Những con sông yêu kiều vẫn đợi đó”.