Ông Hợi

Thứ Bảy, 05/07/2025, 18:49

Ông Hợi nhăn mặt, ôm lấy đầu. Một cơn đau buốt đang chạy khắp bán cầu não khiến ông run lên như tê dại. Nhưng kỳ lạ thay, cơn đau buốt nhanh chóng biến mất như chưa từng tồn tại. Có lẽ, số phận chính thức buông tha người đàn ông tội khổ.

1.

Làng Hậu Chánh nằm cô quạnh giữa một thung lũng ở phía Tây. Để vào được làng, người ta phải băng qua con đường duy nhất chừng ba chục cây số từ đường cái. Ngày nắng, con đường ám đầy những lớp bụi đỏ. Ngày mưa, nó lầy lội, loang lổ những ổ gà, ổ vịt, thách thức mọi nỗ lực xâm nhập vào thung lũng.

Trước đây, vùng này là chiến trường khốc liệt, chứng kiến sự giằng co của quân đội hai phía. Chiến tranh qua đi, để lại một bãi chiến trường đổ nát, cây cối um tùm, rậm rạp trên nền đất bazan khuất lấp bom mìn sót lại. Sau năm 1975, nhiều người dân theo “kinh tế mới” đến đây, góp thêm với dân địa phương, khai hoang phục hóa, lấy đất làm rẫy, quây quần từ đó mà nên xóm, nên làng.

Trong số đó, có ông Hợi nhà ở cuối làng. Năm 1986, ông Hợi đưa vợ và hai đứa con trai từ vùng Tây Bắc đến làng Hậu Chánh định cư. Nhà ông có một rẫy cà phê mấy chục hecta, nhờ chịu thương chịu khó nên cũng dần ăn nên làm ra.

Cuộc sống ngỡ sẽ bình lặng trôi cho đến một ngày, cậu trai cả cùng một số người rủ nhau khai hoang gần vùng giao tranh ác liệt trước đây. Nhát cuốc oan nghiệt chạm vào trái bom sót lại đã cướp đi sinh mạng của chàng trai trẻ. Cú sốc quá lớn khiến vợ ông suy sụp rồi qua đời sau đó. Hai nỗi đau liên tiếp ập đến quật ngã người đàn ông già hốc hác. Ban đầu là những cơn buốt óc khiến ông hú hét như điên dại mỗi đêm, rồi một ngày nắng oi ả, ông Hợi vớ lấy lá cờ trước cổng mà chạy khắp làng hô lớn:

“Xung phong! Xung phong!”.

Sau cái ngày hôm ấy, ông Hợi hóa điên thật. Tâm trí ông bị kẹt lại ở đâu đó, nơi cuộc chiến với bom đạn ác liệt vẫn đang còn diễn ra, nhưng thân xác ông lại vật vờ lạc nhịp nơi ngôi làng đìu hiu giữa thời bình. Cũng từ ấy, ông Hợi điên và cảnh ông vác cờ chạy khắp làng đã trở nên quen thuộc với mỗi thế hệ người dân làng Hậu Chánh, đặc biệt là đám trẻ con.

“Ông Hợi kìa!”.

“Ông Hợi vác cờ đánh trận giả kìa!”.

Lũ trẻ vây quanh ông, trêu chọc. Tiếng cười ríu rít đầy hồn nhiên nhưng cũng vô cùng tàn nhẫn. Ông Hợi nhìn chúng bằng nụ cười nham nhở, hàm răng vàng khè, lởm chởm, cái trồi cái trụt, như chính cuộc đời ông: cái còn, cái mất, cái nhớ, cái quên…

“Bọn ranh! Cút mau!”.

Tiếng người con trai vang lên. Những hòn đất bay đến tới tấp, vỡ ra, nát vụn dưới chân. Lũ trẻ túa ra như ong vỡ tổ. Ông Hợi lại đuổi theo tụi nó: “Xung phong! Xung phong!”. Người con út cũng lại tất tả chạy theo. Cứ như vậy, chiều nào người trong làng cũng chứng kiến màn rượt đuổi như thế. Ban đầu người ta còn hiếu kỳ, nhưng lâu rồi cũng thành quen.

Thương ông bệnh tật, người làng ai có gì cũng đem qua cho ông. Khi thì củ khoai, củ sắn, khi bát cháo, lúc nắm xôi, lúc ốm lúc đau người làng đều đùm bọc che chở. Người con út thương cha nên cũng ở vậy, không còn nghĩ đến chuyện vợ con. Mà dẫu có khát khao tìm người bầu bạn, ai chịu lấy anh khi trong nhà có một người điên phải chăm sóc.

Cuộc sống vẫn cứ thế. Buồn bã và trầm lặng bên căn nhà ọp ẹp giữa cái thung lũng xa xôi. Thấm thoắt đã hơn chục năm trôi qua. Cho đến một ngày, từ con đường độc đạo xuyên rừng, một chiếc xe U-oát đang bì bõm vượt qua những ổ gà lởm chởm…

“Ông Hợi điên bị tông xe mọi người ơi!”.

2.

Chiếc xe tăng M-41 gầm lên, tiếng động cơ vang rền giữa thung lũng khô khốc. Lớp bụi đỏ bazan cuộn lên dưới bánh xích khi nó rẽ qua một mô đất, ánh kim loại trên thân xe loang loáng dưới vạt nắng gay gắt. Đám lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chậm chạp theo sau, một vài tên cố vượt lên, bám thật sát chiếc xe tăng mặc cho khói bụi đã hắt đầy lên mặt. Những ngón tay đặt sẵn lên cò súng và những cặp mắt dáo dác liên hồi đầy thận trọng. Tiếng động cơ ù ù của chiếc chiến xa khiến chúng không thể nghe được những âm thanh khác khi tiến vào trận địa. Cho đến khi một thứ âm thanh lớn hơn, đầy chết chóc chuẩn bị ập tới.

Ông Hợi -0
Minh họa: Đặng Tiến

“Ầm!”.

Từ bìa rừng phía xa, quả đạn B-40 lao đi như ánh chớp, cắm thẳng vào sườn chiếc xe tăng đang lầm lì cuốn xích. Khối sắt khựng lại ngay tức thì, trước khi một khối cầu lửa khổng lồ nuốt chửng lấy nó trong tích tắc. Lửa và khói đen phụt ra từ chỗ trúng đạn, bụi đất và những mảnh thép bắn tung tóe như mưa. Thân xe rung lắc dữ dội, vỏ thép dày bị toạc ra như giấy mục. Sức ép của vụ nổ khủng khiếp đến mức hất văng cả mấy tên lính gần đó ra tứ phía trong nỗi kinh hoàng.

“Chết mẹ! Bị phục kích rồi!”.

Tiếng ai đó hét lên. Khản đặc giữa những tiếng nổ chói tai và những tiếng đạn xé gió. Từ trong chiến hào mới dựng, những người lính Giải phóng được lệnh nổ súng. Những loạt AK bắn ra tới tấp, chia cắt đội hình quân địch. Những tên lính đi đầu ngã rạp xuống như những cây chuối bị phạt ngang bằng nhát rựa lạnh lùng.

Qua chiếc ống nhòm, Đại đội trưởng Lê Trung Mẫn hết sức tập trung theo dõi mọi diễn biến. Đơn vị của anh được giao nhiệm vụ đánh nghi binh để cánh quân chủ lực vòng ra phía sau, tiêu diệt một căn cứ quân sự trọng yếu của Mỹ - ngụy ở phía Tây sông Pôkô, vùng Bắc Tây Nguyên. Với ưu thế bất ngờ, đại đội của Mẫn đã khiến cho quân địch choáng váng ngay từ những phút đầu nhập cuộc. Hai chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội. Địch vội vã dạt ra, cố gắng chống đỡ. Nạp mình sau chiếc xe tăng bị bắn, viên chỉ huy quân Mỹ vội vã điện về căn cứ, thông báo vị trí tọa độ.

“Kill all them! Kill all them! Now!”.

(Giết sạch bọn chúng! Ngay bây giờ!).

Hắn gào lên giận dữ. Từ dưới chân ngọn đồi, các khẩu pháo của Mỹ bắt đầu khai hỏa theo tọa độ được cung cấp. Những viên đạn rít lên trên không trung rồi bổ nhào xuống đất. Cả ngọn đồi run lên bần bật, đất trời như ngả nghiêng, chao đảo. Những tiếng nổ lớn như muốn xé rách màng nhĩ, tựa như những mũi kim đâm buốt tận óc. Đạn pháo xới tung cả chiến hào, xé toạc mọi thứ mà nó đã đưa vào tầm mắt, từ đất đá, cây cối cho đến con người. Những quả cầu lửa lần lượt bùng lên dữ dội, tô điểm thêm cho bức tranh chết chóc của lửa, khói và máu.

Thế rồi. Tiếng pháo bỗng im bặt.

Những chiếc xe thiết giáp M-113 ở phía sau được lệnh tiến lên. Loạt đạn pháo tạm ngưng để quân địch tổ chức lại đội hình hòng tái chiếm trận địa.

Lê Trung Mẫn cố gạt lớp đất đá hất lên người. Một nửa đại đội đã hy sinh sau đợt pháo kích. Có người thân thể hóa cát bụi ngay trong loạt pháo đầu tiên. Có người bị hất văng ra khỏi chiến hào, dập nát hết tay chân. Có người mới kịp chồm lên đã hứng trọn mảnh sắt găm vào lồng ngực, ánh mắt kinh hoàng. Trắng đục và đau đớn.

Mẫn nghiến chặt răng, cố kìm lòng hết sức có thể. Thời gian chẳng đủ cho anh thương khóc những người đồng đội đã ngã xuống.

“Các đồng chí! Đánh bật chúng nó ra!”.

Những tay súng còn lại tiếp tục nhả đạn. Quân địch bị đánh bật ra lần thứ hai. Dẫu vậy, số vũ khí chống tăng của đại đội đã bị phá hủy gần hết, những xạ thủ tốt nhất cũng hy sinh khiến cho hỏa lực của đơn vị yếu hơn hẳn so với lúc mở màn. Nhận thấy không còn bị tấn công bằng đạn chống tăng, quân địch lại cho xe tăng M-41 và thiết giáp M-113 xung trận. Lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiếp tục nấp sau những chiếc chiến xa lầm lũi, dần dần áp sát mục tiêu. Những khối sắt di động tỏ ra hiệu quả trong việc che chắn cho đám lính trước những tia đạn AK rực chói.

“Ầm!”.

Chiếc xe tăng đi đầu khai hỏa. Lê Trung Mẫn ngã bật ra sau, choáng váng. Làn khói đen tan ra, để lại một mảnh đạn găm vào sườn trái. Máu rỉ ra, ướt đẫm cả áo nhưng anh không cảm thấy đau đớn một chút nào.

“Anh Mẫn bị thương rồi!”.

Mẫn nhận ra tiếng của Lò Văn Hợi. Cậu lính trẻ măng quê ở Điện Biên mới được bổ sung mấy tháng trước. Lúc mới vào đơn vị, cái mặt cậu ta nom non choẹt, da dẻ lại trắng trẻo, mịn màng như đứa con gái. Dáng người thì ẻo lả, tay chân thì lóng nga lóng ngóng. Ngày nhận quân, Mẫn ngán ngẩm, nghĩ thầm không biết cậu chàng người miền núi này sẽ trụ được bao lâu ở cái nơi mà người ta ngã xuống còn dễ hơn ngắt một cái lá rừng đã héo.

Ấy vậy mà sau mấy tháng khói lửa trận mạc, cùng cái nắng cái gió của dải đất Tây Nguyên, khuôn mặt cậu ta nhuộm kín cả một màu đen sạm đến mức chẳng còn ai nhận ra đó là mặt người nếu không có hai con ngươi trắng dã đảo qua đảo về. Cũng chính cậu tân binh khiến Mẫn ngán ngẩm ấy hôm nay đã vác B-40 bắn cháy xe tăng của địch mở màn cho trận đánh của đại đội.

Giọng của Hợi còn chưa sõi, âm sắc địa phương còn khá nặng, mỗi lần nói chuyện, anh em trong đơn vị đều phải nhăn mặt nhăn mũi mà đoán ý, nhưng không hiểu sao, lần này, giữa khói đạn  mịt mù, Mẫn lại nghe rất rõ từng lời.

“Mặc tôi! Bắn đi!”.

Mẫn rít lên. Vớ lấy khẩu AK siết cò. Thế nhưng, băng đạn rỗng khiến anh khựng lại. Cậu lính trẻ nắm lấy tay anh, cương quyết:

“Vết thương nặng lắm. Anh phải về tuyến sau ngay!”.

“Không được! Tôi là chỉ huy, làm sao có thể…”.

Một tiếng nổ nữa lại vang lên, cắt ngang lời của Mẫn. Dẫu vậy, Hợi vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh:

“Mau đưa Đại đội trưởng về tuyến sau! Tôi sẽ ở lại chặn bọn nó!”.

Một người lính khác lao đến vác ngược Mẫn lên vai, mặc cho anh giãy giụa phản đối. Cơn sốt rét rừng hành hạ suốt hai tháng trời khiến anh chỉ còn da bọc xương, người lính kia vác ngược lên dễ dàng như vác cái chiếu không bị cuộn lại.

“Thả tôi xuống mau. Lò Văn Hợi! Cậu giỏi lắm! Tôi mà xuống được là cậu chết với tôi… Tôi mà xuống được, tôi sẽ đá nát cái đít nhọn toàn ghẻ của cậu…”.

Hợi mỉm cười, nhìn Mẫn lần sau cuối.

Mắt rưng rưng.

“Đại đội trưởng!Nếu em mà còn sống, anh muốn đá đít em mấy cái cũng được”.

Từ phía ngọn đồi, những quả đạn pháo lại xé gió lao đi nhằm hủy diệt mọi sự sống đã đưa vào tầm ngắm.

3.

- Hợi ơi!

- Tiếng ai đó?

- Hợi ơi! Hợi ơi!

- Ai gọi tôi đó?

- Hợi ơi! Hợi!... Còn đó không? Hợi ơi!

- Ai…Ai đó? Ai gọi tôi đó?

Ông Hợi dần mở mắt. Luồng gió bỏng rát từ cánh quạt trần trong căn buồng trạm xá phả xuống khiến ông nhận ra mình còn sống. Sau lớp màng mờ mờ ảo ảo, ông Hợi dần nhận ra những gương mặt có chút quen thuộc và những khuôn mặt lạ lẫm. Một người đàn ông trong bộ quân phục Thiếu tá và một người đàn ông nước ngoài.

- Tôi… đang ở… đâu đây?

Những tiếng hỏi rất chậm nhưng nó khiến người con trai sững sờ.

- Bố tỉnh rồi?… Bố tỉnh rồi phải không? Con đây… thằng Sừ đây… thằng Sừ con út của bố đây! Bố nhận ra con không?

Ông Hợi nhăn mặt, ôm lấy đầu. Một cơn đau buốt đang chạy khắp bán cầu não khiến ông run lên như tê dại. Nhưng kỳ lạ thay, cơn đau buốt nhanh chóng biến mất như chưa từng tồn tại. Có lẽ, số phận chính thức buông tha người đàn ông tội khổ. Đôi mắt mờ đục chằng chịt những tia máu đỏ ửng bỗng run rẩy khi hướng về cậu thanh niên trước mặt. Từng đường nét rất giống người con trai út của ông. Nhưng sao nó lại lớn thế này. Cũng phải, ngày ông hóa điên, thằng bé mới có mười mấy tuổi. Ông Hợi mấp máy môi, ánh mắt chưa hết mơ hồ:

- Con… là… Sừ…?

Chàng trai siết lấy tay ông thật chặt, môi run run như sắp khóc:

- Con Sừ đây bố ơi!

Không kìm nén được nữa, hai cha con ôm chầm lấy nhau. Vỡ òa. Nức nở. Tiếng khóc hạnh phúc bị dồn nén sau hơn chục năm điên dại của kiếp người khiến cha con họ ở bên nhau mà như xa cách đến nghìn trùng. Những giọt nước mắt ướt nhòe hai gò má khiến những người ở trong trạm xá cũng lặng đi vì xúc động.

Người đàn ông mặc quân phục hai mắt cũng đỏ hoe, ầng ậng nơi khóe mắt. Ông nắm lấy đôi tay gầy gò, nhăn nhúm của người mà ông tìm kiếm bấy lâu. Dẫu trong lòng chất chứa biết bao điều muốn nói, ông vẫn cố kìm nén, cất lời thật chậm, như sợ ông Hợi chẳng thể nghe rõ từng lời của mình.

- Hợi ơi! Anh Mẫn đây! Lê Trung Mẫn - Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 đây! Em còn nhớ không? Hợi ơi! Anh tìm em suốt mấy chục năm qua, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người…

Đoạn, ông Mẫn không kìm được lòng, ôm chầm lấy người đồng đội đã xa cách bao năm. Cái ngày hôm ấy, nếu Lò Văn Hợi không quyết liệt đưa Đại đội trưởng rời khỏi chiến hào thì có lẽ, ông cũng đã nằm lại cùng đồng đội dưới lớp đất bazan của Tây Nguyên nắng gió, đâu có thể được sống đến ngày toàn thắng. Đời lính trận, hoặc là xanh cỏ, hoặc là đỏ ngực. Xanh hay đỏ, sống hay chết, vinh quang hay nằm lại, tất cả cũng chỉ nằm trong cái chớp mắt mà số phận ban phát.

- Tôi đúng là Lò Văn Hợi, nhưng không phải là người ông cần tìm… vì tôi thuộc đơn vị của Sư 308… Và cũng không có chỉ huy nào của tôi tên là…Lê Trung Mẫn cả…-  Ông Hợi ái ngại đáp.

Niềm hạnh phúc mong manh vỡ ra trên khuôn mặt của người đại đội trưởng. Một thời gian dài, ông đã rong ruổi trên mọi nẻo đường để tìm đồng đội nhưng không có kết quả. Thế rồi một tia hy vọng lóe lên khi có một người quen báo rằng đã tìm được người có thông tin trùng khớp. Nhưng số phận thật biết trêu ngươi.

Nhìn vẻ mặt nặng trĩu của ông Mẫn, người đàn ông nước ngoài hiểu ra vấn đề. Ông chính là viên chỉ huy quân Mỹ đã đụng độ với đại đội của Lê Trung Mẫn năm đó. Ba mươi năm trước, ông đến Việt Nam với tư cách là một kẻ xâm lược trong một cuộc chiến phi nghĩa. Ba mươi năm sau, ông trở lại Việt Nam để cùng hàn gắn những vết thương cho mảnh đất này và cho cả chính những cựu binh Mỹ như ông.

- Không phải khi nào số phận cũng mỉm cười! - Người cựu binh Mỹ cất lời.

Lê Trung Mẫn trầm ngâm đáp lại:

- Nhưng người đàn ông này cũng là đồng đội của tôi. Tôi phải có trách nhiệm với ông ấy.

4.

Làng Hậu Chánh hôm nay náo nhiệt hơn mọi ngày. Giữa hội trường nhà văn hóa, ông Mẫn trong bộ quân phục màu cỏ úa đang say sưa kể lại những kỉ niệm đáng nhớ của ông về những người đồng đội trẻ và dũng cảm trong chiến tranh chống Mỹ, trong đó có ông Hợi.

- Ôi ông Hợi hôm nay oách quá! Bao nhiêu câu chuyện lần đầu tiên bà con làng mình được nghe về ông Hợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đám trẻ con ở dưới xì xào. Một tiếng suỵt khẽ khàng vang lên.

- Bác ấy là anh hùng chống Mỹ cứu nước!

Lũ trẻ ngơ ngác rồi im lặng hướng về sân khấu. Người cựu chiến binh vẫn say sưa kể chuyện, như sợ rằng đó là lần cuối cùng ông được nói về những năm tháng hào hùng mà mình đã đi qua cùng người đồng đội thân thương.         

Quảng Bình, ngày 15/6/2025

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Tuấn
.
.