Ở trong thành phố
Công việc tưởng không là gì, nhưng tiếng ồn và nhịp độ khiến ông lão xây xẩm. Hai người bạn già cũng chung cảnh ngộ. Họ vừa làm quen nhau, hôm nay, chỉ kịp một hai câu chào đã vô giờ làm. Ở ngoài thành phố, họ sống khá xa nhau. Mà giờ không phải lúc nghĩ đến điều đó. Cố làm cho kịp tiến độ đã. Nếu năng suất liên tục giảm, có thể chưa tới ba tháng, đã bị đẩy ra khỏi thành phố. Muôn đời vẫn vậy mà, câu cửa miệng của mọi người, càng nhiều cơ hội càng đào thải mạnh mẽ.
- Ngày mai là sinh nhật con, ba có thể nghỉ một ngày không? - đứa nhỏ rụt rè bên cửa, ở ranh giới giữa sáng và tối khiến mặt nó như chẻ làm đôi.
- Ba bận, con.
- Con sẽ mua một ngày làm việc của ba. Giá bao nhiêu ạ? - đứa nhỏ đi đến, đặt con heo đất đang ôm khư khư xuống bàn.
- Không được, con trai à. Nếu ba không chăm chỉ, một ngày kia ba sẽ bị đuổi khỏi thành phố. Lúc đó không chỉ một ngày, mà mãi mãi, ba con mình cũng không thể gặp nhau.
*
- Nói rồi mà, đeo kính vô! Gió rát lắm chảy nước mắt luôn rồi kìa! - tiếng người giục giã, chen với tiếng gió xé gọi Hậu bừng khỏi kí ức.
Hậu vô thức đeo kính vào, như cỗ máy được nhận lệnh, định thần ghi nhận xung quanh. Cậu đang ở lưng chừng trời, trên chiếc trực thăng đi khảo sát vòng ngoài thành phố. Không có những tòa cao ốc ngất ngưởng, chỉ có những căn nhà thấp lè tè, bầu trời càng rộng rãi mặc sức bọn gió chạy giỡn. Thật là, đang làm việc tự nhiên lại nhớ chuyện hồi nhỏ.
- Sao không kiếm đề tài nào dễ dễ để làm, cậu thạc sĩ? - giọng nói ban nãy, người lái trực thăng, anh lính có nhiệm vụ thống kê số người ngoài thành phố và cũng là người đang hướng dẫn Hậu, rống lên như sợ cậu không nghe rõ - Ghi chú kĩ vô nha, phía Bắc 100 nhà, 100 người.
- Em… thích thử thách.
- À. Ai cũng muốn trở vô thành phố, qua cuộc thi mỗi quý một lần. Với họ, gia đình ở trong thành phố. Họ sợ nếu ở chung ngoài này, tình cảm gắn bó, họ không thể dứt khoát quyết tâm thi được - Anh lính nhếch miệng, nửa như cười, nửa như giễu - Đó là tôi nghe kể vậy.
- Vậy… anh có người thân ngoài này không? - Hậu liếm môi, thấy miệng và mắt khô ran. Có lẽ do gió cào, hoặc cậu sợ câu hỏi làm anh lính phật ý.
- Có. Mà không. Tôi rà danh sách mấy lần, không có tên ông ta tham gia thi. Ông ta còn chẳng thèm cố gắng - Anh lính hình như vừa nhún vai - Dù ông ta hứa, trong sinh nhật lần thứ mười một của tôi, sẽ trở lại sớm.
- Ai ạ?
- Ông nội của tôi.
Hai từ "ông nội" lần nữa gọi Hậu về sự mê man của kí ức. Đêm tối tăm, mưa bám chặt cửa kính nhểu nhão như chất nhầy của những con quái vật khổng lồ đổ xuống. Cậu nhỏ Hậu, mười tuổi, mếu máo nắm ống quần ba:
- Sao ba bán ông nội, sao ba bán ông nội… Trả ông nội cho con…
- Hậu! - người đàn ông nạt - Là ông nội tự nguyện đi. Lớn lên con sẽ hiểu thôi.
- Con không biết, con không biết! Trả ông nội cho con!
- Nếu ông nội ở lại, thì ba hoặc mẹ sẽ phải đi. Con chọn ai?
Tiếng khóc nhỏ dần, thay vào đó là sự ngơ ngác và bối rối. Đứa nhỏ cứng đờ, quên cả hờn giận, trước câu hỏi lựa chọn lớn quá mức chịu đựng của nó. Não nó căng ra, ầm ĩ như có hàng trăm bầy ong nhảy múa, mà mỗi con là một kí ức. Nó không thể tưởng tượng, và chưa lớn kịp để hiểu, cuộc sống sao lại ép buộc con người tàn bạo đến vậy. Không thể có tất cả sao?
*
"Kể từ ngày năm XXX, dân số bắt đầu bùng nổ. Sự phân bố dân cư lệch trầm trọng. Để đảm bảo sự phát triển của nhân loại, toàn dân thống nhất phân bố lại dân cư. Chỉ dân số trẻ được ở trong thành phố. Khi tới 4X tuổi, công dân buộc phải rời thành phố ra ngoài sinh sống.
Để tạo cơ hội cho những công dân có mong muốn cống hiến, và góp phần phát triển thành phố, cứ ba tháng sẽ có một cuộc thi tuyển cho dân cư ngoài thành phố. Những người đủ điều kiện sẽ được trở lại thành phố, tiếp tục sống và làm việc trong ba tháng. Sau ba tháng, những người này vẫn phải thi cuộc thi tiếp theo, để đảm bảo công bằng cho mọi người.
Chỉ những người đủ điều kiện mới được sống trong thành phố".
Hậu lẩm nhẩm đọc lại thứ quy định khắc nghiệt trên miếng giấy vàng viền tím, mô phỏng lại bảng vàng được đặt trang trọng khắp những trạm gác bên ngoài thành phố. Nơi cuộc thi diễn ra mỗi quý. Cuộc tiếp theo sắp đến rồi.
Cậu đã soạn xong tờ rơi cho cuộc thi, mai sẽ cùng mọi người đi phát bên ngoài thành phố. Họ, rất thích điều đó, cảm giác như vị thần ban phát hy vọng cho cư dân ngoài kia: Ai không chờ mong cơ hội trở vào này. Cậu thì không. Cứ tưởng tượng tờ rơi ấy sẽ bay khắp nơi, đậu xuống mộ của ông nội, trong một khu vườn hẻo lánh thưa người, làm cậu thấy toàn thân đầy dòi bọ.
Hậu chọn tham gia phụ tổ chức cuộc thi, dù ba cậu ngăn cản. Ông muốn cậu tập trung vào việc học. Thật giỏi. Kiếm một ghế ngon trong tòa thị chính, làm việc hết mình. Để đến lúc già còn được ở lại thành phố, như một cách thành phố trả lương hưu cho những người xứng đáng. Nhưng khi cậu nói việc tham gia tổ chức cuộc thi sẽ giúp cậu có thêm dẫn chứng và thông tin cho luận án, ba cậu đồng ý liền. Vì, cuối cùng thì, nó góp phần giúp cậu ở lại thành phố.
Còn ba cậu, vẫn mải miết với công ty cơ khí, để kiếm cho đủ tiền đóng vào ngân sách thành phố. Một món tiền khổng lồ, thứ ngoại lệ cho những người già được ở lại thành phố. Thứ mà ông nội cậu không có, nên phải rời đi.
Hậu đã biết năm mười tuổi, câu trả lời đã được định sẵn. Ba cậu chỉ hỏi, để ngắt ngang sự bướng bỉnh của cậu. Như cách người ta ngắt đọt để cây trổ thêm lá, thay vì cao lên. Ông nội sớm hay muộn cũng phải đi, nhưng ông chọn cách rời sớm hơn, để giảm chi phí sinh hoạt phần ông lo cho bệnh tình mẹ của Hậu.
Vậy mà, mẹ vẫn không cầm cự được lâu. Tới lượt phải rời đi, không phải ra ngoài mà sang hẳn bên kia thế giới, mẹ biến Hậu thành chiếc kim la bàn, luôn chỉ về hướng Bắc thánh thần mệnh lệnh:
- Ráng ở lại thành phố, nha con.
*
- Chấm được ai chưa? - anh lính lái trực thăng hôm trước huých vai Hậu.
- Rồi anh. Số báo danh NNN - Hậu rà danh sách đang cầm trên tay - Gia đình gồm con trai, con dâu, một cháu trai, một cháu gái. Thể lực tốt, phù hợp công việc nặng. Sức bền tốt. Rời thành phố một năm trước cùng người bạn già, mối tình thanh mai trúc mã không thành nhưng họ chọn làm bạn - đây là thông tin bên lề em khai thác thêm được. Một minh họa hấp dẫn đầy chiều sâu, quá hợp cho luận án của em.
- Ờ. Mà sao cậu không đợi họ thắng rồi hãy chọn? Mà lại chọn trước? Lỡ ông ta rớt, không phải cậu mắc công chọn lại sao?
- Em thích thử thách mà anh!
Cậu đang dối trá một cách thật thà. Những điều cậu nói, chẳng qua là hình thức. Thứ cậu chấm ông lão số báo danh NNN, là vì ông quá giống ông nội cậu. Như song sinh, dù rằng chẳng có liên hệ nào. Cậu đã cố gắng kìm nén, nhưng vẫn rú lên kinh ngạc, khiến mọi người giật mình khi lần đầu thấy hình ông lão trong danh sách thi đấu. Cậu chọn trường hợp này, không hẳn vì luận án, mà vì để trả lời cho những câu hỏi ngồn ngộn bên trong cậu. Dù rằng, chúng đều mơ hồ, và nhòe nhoẹt, như những bức tượng đất sét tắm quá nhiều mưa bão.
- Liệu em có thể thuyết phục ông ấy cho em gắn camera giám sát không anh? - đây là điều khiến Hậu lo nhất. Để có đủ thông tin, cậu cần phải theo dõi ông lão 20/24 tiếng. Trừ giờ vệ sinh riêng tư.
- Cái này thì - anh lính cười quái đản - Cậu có những đặc quyền riêng, quan trọng là cậu biết sử dụng nó.
- Em hiểu rồi.
*
Ông lão liếc nhìn cái camera nhỏ xíu bay theo mình, như một con ruồi. Nó không phiền phức như ông nghĩ. Hơi mất tự do một chút, nhưng cái giá cậu ta trả cho ông, quả thật xứng đáng.
- Con được phép cho ông điểm cộng, khi ông chịu cho con gắn camera theo dõi. Và nếu ông muốn, con sẽ nhờ ba con hạ điểm sàn của công ty, lần nữa, nếu chẳng may ông thiếu điểm. Công ty cơ khí của ba con có tham gia tuyển chọn nhân công đợt này.
Và nhờ sự đồng ý đó, ông vào được thành phố. Đỡ trầy trật hơn. Ông chỉ việc lơ cái camera đi, như cách bọn động vật hoang dã lơ thiết bị theo dõi. Dù gì cái cậu Hậu đó chỉ giám sát, chứ không hề can thiệp cuộc sống của ông. So với niềm vui được vào thành phố, nó nhỏ y như kích thước của nó.
Ông lão cất suy nghĩ đi, trở lại thưởng thức niềm vui. Bữa cơm chúc mừng hơi thiếu chút gì đó. Chắc chắn là ngon rồi, con dâu ông lão đặt từ nhà hàng có tiếng của thành phố, nhân dịp ông chiến thắng và trở lại. Những món óng dầu, nồng gia vị, đặt xuống theo từng tiếng con dâu thả ra, ăn nhiều đi ba lâu lắm ba mới được ăn đồ thành phố ha.
Con trai ông lão khui chai rượu ủ mười năm, rót hờ chút xíu ra ly cho ông, vui vẻ cụng cùng ông. Mọi người ăn khá nhanh. Hai đứa con ông nhìn đồng hồ liên tục, chắc tranh thủ trở lại làm việc. Thằng An cháu trai ông cũng buông đũa sớm, trở lại phòng với những ván game căng não, theo như cách nó nói. Con Ny cháu gái theo mẹ về phòng, học tiếp bài cho kịp ngày mai.
Chỉ còn ông lão ngồi lại giữa ê hề đồ ăn, trước ánh nhìn ái ngại của con dâu:
- Ba cứ ăn cho no đi nha ba. Khi nào xong ba kêu một tiếng, con xuống dọn.
Ông lão ừ ừ để tụi con yên tâm, trệu trạo nhai một miếng gân bò. Nước thịt ứa ra một chút, chỉ vậy, đòi hỏi gì thêm với hàm răng sắp nghỉ hưu. Chắc cuối tuần ông nhờ con trai chở đi nha sĩ, làm bộ răng giả. Chứ phiền con cái nấu đồ ăn riêng cũng kì. Tuổi này chỉ ưa mềm ướt.
Ông lão nhìn vào những cái ghế trống đã nguội ngắt hơi người. Gió lạnh từ điều hòa ngấm thẳng lồng ngực, tê cóng và chới với. Ông lắc khẽ ly, còn chút rượu, đưa lên ực hết. Hơi nóng an ủi ông.
Ông lão tưởng tượng, nếu có bà lão ở đây, bà sẽ lại rầy ông cho coi. Bà sẽ nói ông lão tính kì, được trở lại mừng còn không hết, ở đó suy nghĩ mấy chuyện không đâu. Ơi hỡi biết bao nhiêu người muốn ngồi chỗ ông, ăn món ông đang ăn; hoặc thậm chí được ngồi đâu đó trong thành phố ăn mì gói còn không được. Ông lão ờ ờ, cười khì, đồng tình với tưởng tượng của mình.
Thằng An xuống bếp lấy nước uống và đồ ăn vặt, thấy ông lão ngồi cười một mình, mặt nó tái đi, trợn mắt. Nó đi như chạy, hối hả.
Ông lão chỉ biết thở dài, ăn tiếp những món lạnh tanh nồng mùi dầu nhợn nhợn cuống họng. Ông đưa ly nước lọc về phía camera, làm động tác như cụng ly. Ít nhất thì, cũng có ai đó đang dõi theo ông.
*
Sự can thiệp của cậu Hậu dừng lại bên ngoài nhà máy. Phân xưởng không có sự ưu ái cho ông lão. Bởi không đủ số lượng để mà đạt được sự ưu ái. Phải chừng mười người, mới dễ sắp xếp công việc. Đằng này có ba. Cũng phải, lao động tay chân khó ở lâu. Phần lớn những người trụ được ở thành phố là bên những mảng khác, nhiều nhất là dạy học. Người già nhiều kinh nghiệm mà, nếu họ chưa kịp quên đi.
Công việc tưởng không là gì, nhưng tiếng ồn và nhịp độ khiến ông lão xây xẩm. Hai người bạn già cũng chung cảnh ngộ. Họ vừa làm quen nhau, hôm nay, chỉ kịp một hai câu chào đã vô giờ làm. Ở ngoài thành phố, họ sống khá xa nhau. Mà giờ không phải lúc nghĩ đến điều đó. Cố làm cho kịp tiến độ đã. Nếu năng suất liên tục giảm, có thể chưa tới ba tháng, đã bị đẩy ra khỏi thành phố. Muôn đời vẫn vậy mà, câu cửa miệng của mọi người, càng nhiều cơ hội càng đào thải mạnh mẽ.
Giờ giải lao tới. Ba ông lão ừng ực nước lạnh, xong mới buông người thẳng xuống sàn nhà mà nghỉ.
- Trời đất ơi, ai mà biết bây giờ cực dữ. Mới có ba tháng, thay đổi dữ thần ôn. Công nhận mấy đứa nhỏ giỏi ghê, chịu nổi nhiêu đó việc mỗi ngày - ông Bình ngao ngán, đẩy đẩy hai vai cho đỡ mỏi.
- Ừa, tập luyện hùng hục còn hổng mệt bằng. Mà tui sáu tháng mới trở lại - ông Thường duỗi duỗi tay, lục kiếm mấy viên kẹo cà phê ăn cho tỉnh người, chia cho hai ông bạn - còn ông nhiêu?
- Cả năm… - Ông lão cười cười.
Ba ông không nói gì nữa. Cũng không biết nói gì. Nói cũng mệt. Nghỉ ngơi trên hết, chớp mắt sẽ vô giờ làm liền thôi.
*
Ông lão bị tiêu chảy. Con dâu khoái nấu mấy món Tây, nhiều bơ sữa, tụi nhỏ ưa nhưng bụng ông thì kị. Ông lão xin nghỉ một ngày, ngay buổi chiều đã nhận thư nhắc nhở. Mỗi tháng ông chỉ được nghỉ ba lần. Đành chịu, sáng ông đã cố đi, nhưng mất nước chút nữa ngất tại chỗ.
Thằng con nhìn ông lão cứ soi soi hoài thư nhắc nhở, chắc cũng lo giùm. Giữa bữa cơm, nó đề nghị ông chuyển việc.
- Hay ba đăng ký học một khóa giúp việc. Có chứng chỉ rồi ở nhà lo chăm cháu với thay vợ con giữ nhà. Tháng sau cổ cũng lên chức, bận bịu lắm ba.
Bàn tay trắng nõn đang thoăn thoắt đút cơm cho bé Ny khựng lại, con dâu ông lão cười hơi sượng, con thấy ảnh nói cũng phải đó ba.
Ông lão ừ ừ, để ba coi. Ông đang cân nhắc. Đó giờ ông chỉ quen làm việc chân tay nặng nhọc. Ông không ngại gì hết, chỉ ngại thi rớt. Lỡ không đạt chứng chỉ, muốn quay lại làm việc cũ cũng khó. Phải thi lại. Ông biết sức mình đang giảm, bởi ăn không đủ. Đợi có lương, chắc ông mua mấy thực phẩm chức năng bổ sung. Loại nào rẻ rẻ. Thôi thì thà học hành thi cử lu bu, ông ráng tiếp cũng được. Hồi trai trẻ ông chịu cực tróc da bầm thịt còn được, nhiêu đây nhầm nhò gì. Nghĩ vậy, ông lão lại hề hề cười.
Thằng An ngó nhìn ông lão dáo dác, buột miệng:
- Ông nội cười như bị điên.
Mẹ nó chặn miệng không kịp. Ba nó tái mặt đi. Đũa chén loảng xoảng. Khóc rống. Tiếng chân chạy.
Ông lão thấy mọi thứ như được phủ màn, mờ và xa. Tim ông lên cơn, giẫy giụa như con cá mắc cạn. Ông nhấc người khỏi ghế, quờ quạng đi tìm thuốc. Tiếng cãi cọ xa dần.
*
Hậu định tắt màn hình. Nhưng lại thôi. Thứ gì đó đã tẩm dầu, và bắt đầu nổi lửa nướng tim cậu. Nóng rát, đau đớn.
Ông lão ngất xỉu một lần. Cậu hốt hoảng định gọi điện báo cứu thương. Cũng may mọi người phát hiện kịp. Cậu thật sự không hiểu, sao ông lão có thể bám trụ mãnh liệt như vậy. Thành phố này, từ bao giờ trở thành thứ thuốc phiện khiến người ta mê đắm chẳng cai nổi?
Ba Hậu bước vào phòng, cậu bất ngờ vài giây, định đưa tay tắt màn hình theo dõi nhưng ba ngăn lại. Có lẽ, ông cũng đã quen trước hình ảnh ông lão, người giống ba mình như tạc. Hậu không biết khi ông nhìn ông lão, ông có cảm giác gì. Có hối tiếc không, có xót xa không? Hay mừng thầm, vì ông nội Hậu đã không phải chịu cực khổ như vậy? Hay là tất cả cảm xúc đó trộn lẫn? Hay một thứ gì khác?
Ba ngồi trên giường, Hậu vẫn ngồi tại bàn, hai người chăm chú nhìn vào màn hình, không nói gì. Không gian như tấm lưới thủng lỗ chỗ, vướng víu khó chịu, và lằng nhằng. Vừa giãn dài, vừa dai dẳng, như thách thức sức chịu đựng con người.
- Họ giảm mức thuế cho người đóng gộp một lần - Ba Hậu lên tiếng trước - Lần này nữa thôi, cố hết sức, ba sẽ được ở lại thành phố cho đến ngày mất. Rồi ba sẽ có thời gian cho con. Ba chỉ báo cho con mừng thôi.
Ở trong thành phố, người ta có mọi thứ cho sự phát triển. Nhưng, đã nhiều lần Hậu tự hỏi và cũng tự lãng quên, phát triển để làm gì? Hay đúng hơn, cậu cần sự phát triển đó để làm gì?
- Ráng ở lại thành phố, nha con.
Hậu như nhìn thấy mẹ nằm trên giường, đôi mắt đã nhắm vì không thể chịu nổi cơn đau, dồn hết sức cho câu nói cuối cùng.
*
- Uống ba cái đó bệnh chết! - ông lão tính giựt chai nước tăng lực khỏi tay ông Bình, nhưng đã bị ông Bình trừng mắt.
- Tui nói kệ tui.
- Thì kệ ông. Không giữ sức sao ở lâu được.
- Giữ đặng như ổng hả?
Hình như ông Bình đi mua thêm nước tăng lực. Ông lão lắc đầu chịu thua. Chỉ còn hai ông lão. Ông Thường chịu không nổi, bị đẩy ra ngoài thành phố chỉ sau một tháng. Không kịp chia tay, luật là vậy. Đến và đi, nhanh gọn, dứt khoát.
*
Phân xưởng còn mình ông lão đến từ bên ngoài thành phố. Ông Bình đi rồi, ngay ngày ông lão xin nghỉ phép, đâu kịp nhìn mặt lần cuối.
Người ta thấy thương, chỉ cho ông lão coi chỗ ông Bình trút hơi thở cuối. Cho ông lão thêm mười lăm phút thương tiếc bạn trước khi vô ca làm.
Đây nè, chỗ nền xi măng sẫm màu ngấm máu. Lát thôi, đội vệ sinh sẽ tới, bứt khỏi đất dấu vết cuối cùng còn sót lại của một người đến từ bên ngoài thành phố.
Cũng tại ông Bình không nghe lời ông lão. Uống tăng lực nhiều quá đau đầu, té trong khi đang vác đồ trên cao. Mặt đất ở đây bê tông cốt thép, phải êm ái như ngoài kia phủ cỏ xanh. Ông lão cố rặn một giọt nước mắt, khóc cho bạn mình.
- Tới giờ rồi, vô ca!
Giọt nước mắt bị hù, ra được nửa chừng chui ngược lại mắt. Đau điếng. Ông lão chưng hửng, chân vẫn nhấc đi theo thói quen. Tay vẫn làm theo thói quen.
Mà lòng trống rỗng, tiếc hoài hột nước mắt chưa kịp ngấm chung chỗ máu bạn mình.
*
Bữa cơm của ông lão luôn trễ. Ông mệt. Khát nhiều hơn đói. Khi những chiếc ghế đã lạnh, ông mới bắt đầu ăn. Hôm nay có món hầm mềm mềm. Còn may.
Nhưng khác mọi ngày, bữa nay bé Ny ở lại. Ông lão thấy vui vui, móm mém cười, nhìn nó hỏi:
- Con chờ ông nội ăn xong hả?
Bé Ny gật gật đầu.
Ông lão mừng rỡ, vươn tay tính ôm lấy nó. Ny rụt người lại, như con rùa cố chui vô vỏ tránh kẻ thù. Ông lão tê cứng, thả người trở lại ghế, ừ chắc tại cả ngày làm việc mình có mùi nên con nhỏ chê.
- Con chờ ông nội chi nè? - ông lão lượm nụ cười lên, phủi bụi, gắn lại vào môi. Nó hơi trầy trụa và xiêu vẹo một chút.
- Con tính hỏi ông nội…
- Hỏi gì, con hỏi đi - ông nhớ lại, từ ngày trở lại thành phố, đây là lần đầu nó nói chuyện nhiều với ông như vậy.
- Chừng nào ông nội mới đi? Trả phòng cho con để búp bê với thú bông.
Đứa nhỏ ngây thơ, mắt trong veo, đòi như đang đòi kẹo. Ông lão bị màn mờ mịt phủ chụp. Ông run rẩy đưa tay, cố lấy ly nước. Tay ông dài hơn những gì mắt ước lượng, quật đổ ly nước, quẹt trúng bé Ny.
Con bé gào lên, uất ức:
- Mẹ ơi ông nội đánh con!
*
Ông lão đứng tần ngần, nhìn xuống. Họ dọn sạch thật rồi. Từ đây chỉ thấy màu xi măng xám lạnh, như bất kì chỗ nào khác. Không còn gì gợi nhắc ông Bình, ngoài những kí ức nhòe dần trong đầu ông lão.
Ba mươi phút giải lao chỉ đủ để quá khứ giương vuốt cào rách người đang nhớ. Mốc thời gian càng gần càng bạo liệt. Đêm qua.
Hai vợ chồng con ông cãi nhau. Tiếng chì chiết lanh lảnh, tới mức hàng xóm qua đập cửa than phiền, có ông lão không quản được thì đuổi ra ngoài đi.
Cãi nhau quanh chuyện con trai muốn ông đi học khóa giúp việc, vợ nó thì không. Tiền đó, theo vợ nó, dư sức mướn người giúp việc có nghề cả năm. Ông lão còn có mấy tháng. Biết đâu tới đó thi rớt, tốn tiền vô ích. Tiếng bạt tai rát rạt. Khui nổ tiếng tru tréo. Ông lão bịt tai, trốn xuống gầm giường, nhưng không trốn được. Nếu lúc đó ông mà có đôi cánh, ông đã nhảy qua cửa sổ, bay đi.
Nhưng ông lão đâu có cánh. Nếu nhảy, ông chỉ nằm bẹp như ông Bình. Dù cách nào thì, họ cũng đưa ông ra ngoài thành phố.
Ông lão nhớ bà lão. Hôm qua con Út bà lão có ghé qua, nói bà dạo này yếu nhiều. Nó tính ra ngoài thành phố sống với bà, để chăm sóc cho tiện. Nó cũng chán nản cuộc sống xô bồ ở đây, thèm những bình dị ngoài kia.
Những lời gọn hơ mà có sức công phá của đại bác. Của chuỗi những tràng súng liên thanh nã thẳng vô tim. Thì ra là vậy. Không có quy định nào cấm người trong thành phố ra thăm người nhà bên ngoài. Nhưng, không có cuộc viếng thăm nào cả. Chỉ có bên ngoài tha thiết gặp. Cũng chẳng ai cấm người bên trong dọn ra. Họ chỉ cấm người bên ngoài.
*
Ông lão chưa quỵ ngã, nhưng ba Hậu thì đã. Công ty thua lỗ nặng. Ba vội vàng kí những hợp đồng, cho kịp khoản tiền đóng quỹ. Thứ thuế quyết định vài năm nữa ông sẽ ở đâu, bên ngoài hay được tiếp tục cạnh con. Mơ ước đẹp đẽ đến chói lòa, khiến ông không nhìn ra những bong bóng tulip dễ vỡ.
Cuối cùng, ba Hậu nằm đó, kiệt sức sau cơn đau tim. Cú sốc quá lớn khiến ông không gượng dậy nổi. Ông nằm đó, không nói năng gì, dường như chỉ còn có thể lắng nghe. Bù cho khoảng thời gian bận rộn trước đây ông không có thời gian lắng nghe con mình ư? Cay nghiệt quá, sự bù đắp này.
Ông lão đến, xin phép nghỉ. Ông quyết định ra khỏi thành phố, trước sự ngạc nhiên của Hậu. Và có lẽ, cả của ba cậu, người dành gần hết cuộc đời cố mua một vé ở lại, nhưng gương mặt cứng đờ khiến cậu không đoán cảm xúc được.
- Con có thể giúp ông xin việc khác! -cậu đề nghị.
- Cảm ơn cậu trai trẻ - ông lão lắc đầu - Cậu quá tốt với ông rồi.
- Sao ông quyết định vội vậy? - cậu thắc mắc - Đây là ước mơ của ông mà?
- Đã từng thôi cậu - ông lão vò cái nón trong tay, mắt cụp xuống như nhìn thứ quá khứ đã được chôn cất đang chờ phân rã dưới lòng đất - Thật ngại ghê, già cả mà không khôn ra, đi cả vòng lớn để cuối cùng tôi mới biết thứ tôi muốn là gì. Ở ngoài thành phố, có một người đợi tôi.
- Con nghe bạn con nói, bà không còn nhiều thời gian? - cậu liếm môi, nấn ná những dự định.
- Ra con út của bả là bạn cậu hả? Hèn gì tôi cứ ngờ ngợ đã từng gặp cậu ở đâu - ông ngẩng lên, cười nhẹ - Ừ, bà ấy yếu quá rồi. Cũng may còn kịp.
Còn kịp? Câu nói của ông lão bỏ lại như tiếng pháo hoa bắn lên đêm mịt mù. Khi ông đi rồi, khoảng không tĩnh lặng sau đó ngột ngạt khiến người ta thèm nghe lại.
Hậu nhìn ba, thở dài. Nếu ba nói được, ba sẽ kêu cậu yên tâm. Khoản tiền còn lại đủ để cậu sống tiếp ở thành phố. Sau đó, hoàn thành việc học cậu sẽ có việc làm. Cứ vậy, tiếp tục cống hiến, ở lại đây mãi mãi.
Giờ, quyết định là ở Hậu. Có còn kịp không?