Nước đứng

Thứ Bảy, 09/11/2024, 15:48

Trận mưa đầu tiên thường rất ngắn. Nhưng, mùa hè mà, cứ phút chốc là lại mưa nữa thôi. Mưa thêm, mưa nữa, mưa hoài. Thằng Thủy giật mình, đã có một lúc mưa ngơi, nó thấy nước mắt cô gái men theo khóe chân chim rồi hòa vào dòng nước rỉ rả. Cô khóc thật. Tiếng thút thít nghe như gió thổi qua miếng liếp. Thằng Thủy lúng túng không biết làm sao, nhưng rồi như bản năng của thằng đàn ông vừa trưởng thành tức thì, nó đưa tay lau cho cô gái.

Thứ gió đi tràn lan trên mặt đồng lũ này miên man da thịt con người tới kỳ lạ. Lạnh ngắt, mướt mát, trơn tuột và đem theo hương vị ngan ngát của cả cánh đồng chìm sâu dưới mười tấc nước ngậm phù sa.

Thằng Thủy thấy lòng mình bay bay theo mấy cơn gió dờn dợn lăn tăn đó. Nó nhìn con nước ẩm ê, kéo dài tới tận chân trời, phản chiếu bóng hoàng hôn vần vũ màu đỏ cam. Bóng chiều tà mượn tấm gương nước đó mà nhân đôi cái đẹp não nề. Vẻ đẹp gì mà buồn hiu. Vài bóng chim chao nghiêng. Những cái đập cánh tạo ra âm ba, làm bóng chúng dưới nước trở nên nhạt nhòa chao đảo. Cả cánh đồng mênh mông hóa ra ảo ảnh, làm như đang nằm mơ chớ không có thật. Điều duy nhất còn hiện hữu là chiếc xuồng ba lá của thằng Thủy. Cọng lá tre đó trôi vô định theo một quỹ đạo của tâm tư người chèo. Nhịp chèo đơn đứt ngang. Thằng Thủy nhớ về chị.

Đây là mùa nước nổi thứ sáu nó theo xóm vạn chài đi rong đồng lũ. Những chuyến phong lưu đó đẩy nó trôi nổi vài nhánh đời có gió bấc. Cái xứ này, lũ tồn tại như một chinh nhân lâu lâu về nhà, rồi ở lì đó, ủ ê âm ấp, chờ ai tới xốc dậy mà sinh sống. Một năm, lũ nằm đó năm tháng. Năm tháng không trồng được cây, không thể tỉa lúa, không thể để heo, bò đẻ thêm vì sức chịu đựng của những gác chuồng có hạn. Trên những căn nhà sàn và mấy thanh ván bắt chằng chịt làm lối đi đó, con nít nhào lộn như trên đất bằng. Thằng Thủy thấy mình còn không bằng tụi trẻ nít, có thể vô tư thích ứng với bất kỳ loại thiên tai nào mà không hề e sợ. Nó thèm có sự vô tư đó, nhưng trễ rồi. Nó bắt đầu trưởng thành, mà con người sẽ yếu đuối dần lên từng ngày khi lớn.

Cơn lũ ngâm đất cát héo khô sau mấy mùa vụ trong phù sa. Khi lũ rút đi, đất đai coi như được rửa sạch nghiệp đời mà con người đã gieo lên nó. Rồi, lúa và cây sẽ xanh. Nhưng, trong năm tháng cơn lũ tồn tại, người ta sẽ sinh kế bằng cách nào? Dĩ nhiên là làm nghề cá. Người ta sẽ hóa thân thành những ngư dân thời vụ. Thằng Thủy theo xóm vạn chài, góp thêm một toa trên đoàn tàu ghép bằng những chiếc ghe có be thêm mái lá. Đoàn tàu đó chạy hình dích dắc trên những kinh mương, bắt đầu rong ruổi suốt từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Sau một chuyến du mục mấy tháng, dân vạn chài trở về nhà với bọc tiền tanh mùi máu cá, ướt át tiếng cười, say khướt mùi rượu đế và có khi còn dắt về theo một cô vợ. Những gia đình nhỏ đó rồi sẽ ẵm bồng nhau dấn thân vào cuộc trôi năm sau, và năm sau nữa. Nhưng, cuộc trôi hờ hững của thằng Thủy thì sẽ chảy về đâu?

Nước đứng -0
Minh họa: Đào Quốc Huy

Những chiều ngơi nghỉ, sau một buổi sáng và trước một buổi trắng đêm giăng lưới, đoàn du mục xóm vạn chài tụ lại. Ba bốn ghe neo vào nhau mà trở thành một mặt phẳng bấp bênh, ngăn cách nhau bằng kẽ nước. Nước đó để nấu ăn, tắm giặt, giải khát, tất cả. Thằng Thủy ngồi nốc rượu đế, giẻ miếng cá rô đồng trong tộ bỏ vào miệng, ráng dùng miếng mồi béo ngậy, thơm ngon đó mà che lấp đi sự thèm muốn một gia đình. Xung quanh nó là mấy lối xóm thân thuộc, năm nào cũng gặp. Nhà anh Ba với cô vợ nhỏ xíu tuổi, mới mót về sau chuyến trôi năm ngoái. Mười lăm hay mười sáu, nó đoán. Cô gái nhỏ có cái nết ngồi chồm hổm hớ hênh làm chéo áo bà ba, lồ lộ cái eo con kiến.

Hoặc, bên kia, chú Chín cứ say xỉn là choàng tay ôm bà vợ mỡ màng đã có bốn mụn con. Chú hôn vợ chong chóc bất kể trước mặt ai. Người đàn bà đậm đà phong tình, mặn mòi từng trải đó với những cái liếc mắt cùng cặp lông mi cong diễm lệ làm tim thằng Thủy đôi lần dộng lên thình thịch. Những đứa nhỏ trên mặt nước với mấy tràng cười ha há giòn tan phá vỡ sự mơ mộng của người lớn. Chúng quấn lấy cha mẹ, tạo nên tròn vẹn những gia đình. Vài người đàn bà đã hết biết thẹn thùng, cứ vô tư ngồi cạnh ông chồng say khướt mà kéo áo cho con bú. Những điều đó làm thằng Thủy - gã trai mới lớn, hừng hực nặng trĩu như bọng mây đen sắp vỡ ra trận mưa, vô cùng khó chịu. Nó trôi đơn lẻ, ký sinh sự cô độc của mình theo những người đề huề mái ấm.

Đã có năm nó đi suốt mấy tháng liền với một cô gái lạ hoắc lạ huơ, do một bà chị trong đoàn du mục dắt về.

- Bây làm mùa này với con nhỏ đi. Nó hiền, chịu khó, lại còn mơn mởn.

Thằng Thủy và cô gái đã đi qua mùa cá đồng lũ năm đó như một cặp vợ chồng son thật sự. Nó thấy cô ta có vẻ rất hạnh phúc. Bàn tay cô nâng niu chắp vá từng mắc lưới. Đôi môi chúm chím nêm nếm từng bữa ăn khẽ khàng. Những cái chép miệng hòa với một nụ cười nhẹ, đầy tràn thỏa mãn. Cô ta vừa ý với gia đình nhỏ trên mặt lũ, vỏn vẹn bốn mét vuông ghép bằng ba tấm ván. Nhưng, hơi ấm một mình cô tỏa ra thì không đủ sưởi ấm chiếc xuồng câu bé tẻo teo của thằng Thủy. Những cơn mây mưa nửa đêm rớt xuống chiếc xuồng con. Nhịp tròng trành ngắt ngang giữa chừng, rồi thằng Thủy nằm ngửa ra mà ngáy pho pho. Vừa nãy, khi cơn mưa nặng hạt, nó nhác thấy cô gái cười tươi hạnh phúc. Nó tiếc là vì sao cô không khóc như chị? Phải mà cô khóc, có lẽ nó đã yêu cô rồi. Thằng Thủy biết mình vô lý. Cô gái đó không phải là chị. Cuộc trôi của cô gái rẽ ngang ở một nhánh kinh. Và, cô sau đó chảy về đâu thì nó không biết.

Chị là ai?

Chuyến du mục trên nước đầu tiên của thằng Thủy năm đó, nó mới mười tám tuổi. Nó còn ngơ ngác, ngổn ngang, ngây ngấy mùi rơm rạ. Người mang nó vất ra đồng nước là thằng Sơn. Khi ấy, thằng Sơn vừa chia tay cô vợ thứ ba. Gã trai hoang đàng nhưng đậm đà nghĩa khí, vừa ngậm điếu thuốc rê to bằng ngón tay trỏ, vừa kéo chiếc lưới mắc đầy cá rô, khề khà ra chiều am hiểu.

- Bây nếm mùi đàn bà chưa? Dân tứ chiếng mà giờ này như con nít vậy thì hổng có được!

Thằng Thủy không biết người khác có quan niệm như thằng Sơn không, khi lấy đàn bà ra làm thước đo cho sự trưởng thành của đàn ông? Rồi, thằng Sơn bắt đầu xổ ra những câu chuyện về mấy người đàn bà đi qua đời nó, như kiểu vạch áo cho người xem sẹo, coi như chiến tích. Nó kể trong say đắm, chân thật và thật tới mức làm thằng Thủy nhộn nhạo. Thằng nhỏ mặt đỏ ké. Thằng lớn lại cười ha ha, coi bộ bữa nay trúng cá. Được rồi, bán xong mớ này anh cho mày thổi đèn dầu!

Ghe của hai thằng đàn ông niềm nở cắm sào ở một vàm sông mịt mờ sương đêm. Trong khi thằng Sơn nằm tréo nguẩy thản nhiên ca vài câu vọng cổ, thằng Thủy tim đập như trống trận. Thằng Thủy hỏi sao không kiếm chỗ nào dưới bóng cây mà neo, đậu chi giữa đồng lũ cho lạnh vậy anh? Thằng Sơn khêu cây đèn dầu cho rạng hơn, phì cười:

- Ở đây mới tỏ tường, sáng trưng cho người ta tới chớ!

Nửa tiếng sau thì “người ta” tới thật. Trong màn sương dập dờn mặt nước đen thui, có hai chiếc xuồng con kẽo kẹt nhịp chèo đôi lờ mờ xuất hiện. Hai chéo áo bà ba mấp mô theo sóng. Đôi đèn dầu họ treo trên cột chèo lủng lẳng liêu trai. Một trong hai cười rất tươi, nhảy ngay qua xuồng thằng Sơn mà quấn lấy gã đàn ông. Sơn chồm người thổi cho cây đèn dầu bên ghe cô gái phụt tắt. Gã tứ chiếng gỡ dây neo, hai chiếc xuồng buộc chặt vào nhau rồi tự do trôi tình tang ra giữa dòng. Trước khi biến mất vào sau tấm liếp lá dừa, gã quẳng lại cho Thủy cái nháy mắt ranh mãnh. Câu sau chót của cô gái bên kia rớt lại là “Sao lâu quá mới kiếm em?”.

Vàm sông chỉ còn lại thằng Thủy và người con gái mặc tà áo bà ba màu trắng ngà. Cô gái còn lại đó không hoạt bát như cô kia, cứ im lìm không nói. Hai chân mày cong lên, nhíu những cái rãnh xinh xắn trên sóng mũi. Thằng Thủy bất giác run như cầy sấy, mồ hôi rịn ướt lòng bàn tay. Nó nhìn cô gái lớn tuổi hơn mình, tóc búi cao, khuất sau vành nón lá. Sương đêm ướp trên da thịt cô tỏa ra một hương vị ủ ê. Cô gái đưa môi, tự thổi cho ngọn đèn dầu bên xuồng mình vụt tắt. Xong rồi, trong bóng đêm, thằng Thủy nghe ghe mình tròng trành một cái nhẹ. Lòng nó cũng tròng trành một cái nhẹ. Chiếc ghe của nó khẳm thêm vài phân xuống mặt lũ.

Cơn mưa rào đi qua bằng vài giây bức rức. Thằng Thủy phát hiện trong thứ ánh sáng lờ mờ của ông trăng hạ huyền, cơn mưa qua đời nó lần đầu tiên đẹp một cách lạ lùng. Đôi mày nhíu chặt khi nãy của cô gái dãn ra tự hồi nào. Những cái mấp máy miệng, âm thanh cuộn trào như một lời ca trước phần điệp khúc. Những mượt mà của nước chảy, những mềm mại của sóng ngầm. Mưa dần nặng hạt.

Trận mưa đầu tiên thường rất ngắn. Nhưng, mùa hè mà, cứ phút chốc là lại mưa nữa thôi. Mưa thêm, mưa nữa, mưa hoài. Thằng Thủy giật mình, đã có một lúc mưa ngơi, nó thấy nước mắt cô gái men theo khóe chân chim rồi hòa vào dòng nước rỉ rả. Cô khóc thật. Tiếng thút thít nghe như gió thổi qua miếng liếp. Thằng Thủy lúng túng không biết làm sao, nhưng rồi như bản năng của thằng đàn ông vừa trưởng thành tức thì, nó đưa tay lau cho cô gái. Dòng nước mắt cắt ngang bằng bàn tay chai, sứt sẹo sau trăm lần vá lưới cá. Nó không biết lau nước mắt cho cô gái ướp đẫm mùi sương đêm vầy là có đúng? Nhưng, sau đó thì cô gái ôm chầm lấy nó. Cái cổ thon ngà, mấy sợi tóc mai con con ùa vào đời thằng Thủy. Cô gái vỡ òa cơn ấm nóng, như cái bếp than âm ỉ được ai đó vừa châm thêm củi vào. Ngọn lửa hồng bùng cháy, liếm trọn nồi cơm nguội. Mùi gia đình bay bay.

Cơn mưa rào đầu mùa phút chốc hóa thành cơn dông. Cơn dông lay động cả vàm sông đêm xào xạc. Nhưng, mưa sẽ luôn biến mất vào sáng sớm. Khi chiếc xuồng câu tỉnh giấc, cái đèn dầu trên mặt sóng đã xa khuất tự bao giờ. Thằng Thủy bước ra mũi ghe, ngẩn ngơ hít vội mùi sương đêm còn đọng lại.

Và đó là chị.

Sáu mùa lũ đi qua, thằng Thủy chưa bao giờ gặp lại chéo áo bà ba trắng ngà đó lần nữa. Những khắc khoải nảy mầm trong dạ nó theo một lẽ tự nhiên thường tình. Thì cơn hạn gặp mưa rào mà. Nhưng, cơn mưa đó thấm sâu dữ, tới sáu mùa thiên di chưa thấy bốc hơi đi đâu hết. Sáu lần nước lên xuống, có lẽ thằng Thủy cũng lắm lúc tưởng chạm ngõ một gia đình. Nhưng không, những cô gái tới với nó đều không phải chị. Có khi họ nồng nàn và nhiệt thành, có khi họ lại rụt rè và nhún nhường.

Điểm chung của họ là đều mong muốn góp với nó một miếng liếp che, bắt chung một nồi cơm sôi, kho chung với nó một tộ cá. Họ xẻ chiếc xuồng câu làm hai nửa, một để phơi đời họ hây hây ra cho gió trời hong ráo, còn nửa kia, họ biểu nó cất giùm. Họ khác chị ở chỗ, chị không hề có chút ý mưu cầu hạnh phúc nào với nó hết. Đó là một cuộc mây mưa rỉ rả, cuồn cuộn, nhưng có đổi chác và chủ đích. Hết rồi. Xong rồi thì xuồng ai nấy trôi, đời ai nấy giữ. Chắc cái trái khoáy đó làm thằng Thủy nhớ chị hoài, không quên được. Thì phải mà, cơn mưa đầu đời của thằng trai tân.

Trên đồng lũ, như thằng Sơn có nói, rồi mày sẽ gặp hàng trăm chiếc ghe lùi lũi rẽ sóng mà đi, lủng lẳng cái đèn dầu giữa đêm như thế. Đó là dấu hiệu của họ. Họ bán thứ mày cần. Đừng nghĩ tới chuyện níu họ ở lại. Ít có cô gái nào chấp nhận chuyện chồng mình biết rõ mình ăn sương nhiều hơn ăn cơm gạo, dù đó là sự thật. Có thể những giọt sương đêm là thứ họ muốn chối bỏ và trốn chạy suốt cuộc đời mình. Cuối đời, thế nào họ cũng tìm cách móc họng cho ói ra sạch trơn sương đêm, xong lê tấm thân còn sót lại vô hòm, lăn xuống huyệt cho mà coi.

Đồng lũ xứ này mênh mông, vùng này nối tiếp vùng kia, liên miên bất tận. Những cuộc trôi sẽ chẳng có điểm dừng, cho tới khi nào dân du mục thấy đủ. Người vạn chài bắt đầu một ngày lúc hai giờ sáng, quầy quả tìm cá. Tới trưa, họ nghỉ tay, ngủ một giấc chập chờn, để rồi ba giờ chiều lại tiếp tục cắm đầu vào khoảng nước bạt ngàn nhưng cạn ìu đó. Nước ngập tới bụng, nhưng ướt đẫm tới đỉnh đầu. Những thứ như đẩy te, đẩy côn, úp lợp, giăng lưới,... họ rành sáu câu và xoay vòng công cụ mỗi khi thấy chán. Chim trời cá nước, với tay thì bắt được. Con nào giữ, con nào thả, cái đó thì tùy tâm. Thằng Thủy tự nhủ mình, chị có phải cá, chim đâu? Nên lỡ vụt bay luôn không cách chi níu lại.

Nó trôi theo đoàn vạn chài, có khi từ vùng cửa Lớn, men theo sông Khúc, rồi đóng cọc ở đồng Đước Đỏ. Cá ngơi, cả đoàn rẽ qua những con kinh đào Xuyên Sơn, xuôi dòng về xứ Chín Núi. Cá linh vùng đó bàng bạc óng ánh, chui rúc dưới những bụi điên điển vàng ươm khổng lồ. Cá vãn, họ lại hè nhau quẹo qua sông Nhỏ, tiến về vùng nước lợ Cà Ràng. Đoàn vạn chài như những chiếc lá tre thiên di, nối đuôi nhau tìm lũ. Đi rong ruổi muốn nát nhừ châu thổ, nhưng thằng Thủy dõi mắt hoài, chớ thấy đâu được bóng chị bao giờ. Đã đôi lần nó đón một chiếc đèn dầu lắc lư trên sương, vào một đêm tháng năm nào đó, mà tưởng rằng là chị. Nhưng, vừa thấy nụ cười hồ hởi của một đôi môi thắm, nó biết chắc rằng mình đã lầm người. Chị sẽ không bao giờ cười tươi như thế được. Nó quẳng chút tiền sang ghe bên kia, biểu “Thôi về đi”. Chiếc đèn dầu lạ rời xa, ngẩn ngơ không hiểu vì sao thằng đàn ông khỏe mạnh, cô đơn lại đi chê phấn hương giữa dòng như thế?

Vậy rồi, những cánh đồng lũ mênh mông vô định, tưởng chừng như chưa bao giờ có dòng chảy đó, lại cuốn trôi đời người ta túm tụm ở một chỗ. Nước ở đồng lũ đứng trân, đâu có ròng? Nước đó sẽ nối ra kinh, kinh sẽ chảy ra sông, rồi lúc đó mới có nước lớn ròng, tình tang kéo nhau ồ ạt về chợ ngã Tám. Nơi đó có tám con sông lớn đụng đầu, sau khi xẻ dọc ngang uốn éo rộng khắp miền đồng bằng châu thổ. Nơi đó nước đan xen mặn ngọt. Người từ khắp phương trời về đây học cách ăn uống, tắm giặt bằng thứ nước lờ lợ đục ngầu này. Đó là khu chợ đầu mối lớn nhất xứ, cũng là ngọn nguồn của mọi cớ sự trên đời được sinh ra từ nước. Tám dòng cùng tranh nhau xem thằng nào sẽ thắng thế. Có khi sông Khúc lấn át, có dạo kinh Định Hà đẩy mạnh.

Thậm chí, có lúc ở thượng nguồn xả lũ, con sông Nhỏ cũng gầm lên mà đè đầu bảy nhánh kia. Tranh qua đoạt lại, nước ở chợ ngã Tám đứng trân. Cái thế bất phân thắng bại rõ ràng. Sình lầy dưới lòng sông đùn lên mấp mô, tạo chỗ nấp cho kình ngư thủy quái, cũng làm nhiều ghe tàu mắc cạn. Ngay tại cái chỗ ta bà như thế, hàng ngàn người tụ tại trên mặt nước í ới, râm ran. Họ dựng ở đó những căn nhà nổi. Họ mở ra những nhà trọ ven sông, những xưởng đóng ghe tàu, những hàng quán nực nồng men rượu. Họ nuôi trên sóng những con chó không biết đất liền, hay giữ bầy trẻ bơi nhiều hơn chạy bộ. Đầu người chìm nổi giữa những ụ trái cây tú hụ. Mùi nhiệt đới bùng lên chút vị ngọt mát, chua lè hoặc thậm chí cay sè. Ngay tại cái nơi đầy đủ hỉ nộ ái ố đó, thằng Thủy gặp lại chị. Chính là chị.

Ban đầu, nó nhận ra dáng người đứng sau nhịp chèo đôi trong trí nhớ. Nó hoảng hồn, căng mắt nhìn cho rõ hơn, thì vướng phải cái nón lá thâm kim. Một luồng nóng đi ngang, cái nón lá được giở ra để phe phẩy cho bay bớt vài giọt mồ hôi đọng sau khóe mắt. Ký ức ngay lập tức bày liền ra đó. Đôi chân mày cong lên, nhíu lại những rãnh nhăn nhăn xinh xắn ở mũi. Một tiếng thở dài ẩm ê mùi sương đêm. Thằng Thủy khua chèo như điên, len qua những xuôi ngược của trăm thứ xuồng ghe mà ráng tiến gần đến chị.

Càng lại gần, nồng nàn của trận mưa đêm năm xưa càng len lỏi vào sâu trong tim nó. Đầu óc nó chạy liên hồi những câu hỏi, rằng vì sao chị đã khóc? Chị tên là gì? Chị từ đâu tới? Chị đã đi về đâu? Đã ăn sương đêm ở mấy vùng đồng trũng rồi? Chị có nhớ trận mưa ướt mem cuộc đời sáu năm trước không? Và... cuối cùng, nó cảm thấy không còn câu hỏi nào quan trọng nữa. Thứ duy nhất nó muốn nói lúc này là... Chị sẽ bước sang ghe nó một lần nữa chớ? Bước qua luôn và không trở về với cái đèn dầu. Nó sẽ quẳng cái đèn dầu đó xuống đáy sông ngã Tám. Cái đèn sẽ tắt mãi mãi.

Chợ ngã Tám đông đúc lắm. Đời cũng đông đúc lắm. Chật ních tới khó thở. Vậy đó, nhưng sẽ luôn có những khoảng trống đúng lúc. Tự nhiên, lúc đó, con nước như có linh tính, cuốn phăng hết loài người dạt sang hai bên, mở một mặt phẳng thênh thang từ ghe nó đến chị. Hai chiếc ghe song song nhau, nhưng ngược hướng mũi đi. Hai chiếc ghe bày ra rõ ràng những gì nó chứa đựng. Ghe thằng Thủy thì ủ ê mớ cá chưa kịp bán, còn ghe chị thì chở nguyên một con người nằm sấp. Con người. Nằm sấp.

Ông anh đó ốm như cây sào mà người ta hay dùng để chống xuồng len qua những bụi lục bình bất tận. Đôi mắt anh trũng sâu còn hơn vùng ngập mặn ở Đước Đỏ, còn lồng ngực thì hiện rõ những rẻ xanh xao. Anh nằm sấp, nhưng đầu ngóc lên thành một đường cong cong. Cái tay chìa ra trước mũi, quơ qua quơ lại xấp vé số như thằng giặc quơ cờ trắng chờ người ta tha mạng. Nhìn anh thảm hại tới tận cùng, nhưng nụ cười anh sao mà tươi như nắng ráo. Sao mà cười hạnh phúc đầy tràn như thế được? Chẳng lẽ, anh không biết thằng Thủy nhớ chị tới bây giờ chỉ vì chị chưa từng cười hay sao?

Chưa từng, suốt một đêm dài trên sóng nước. Anh cười như vậy, có lẽ vì đang ôm trên tay một đứa nhỏ chừng chín, mười tuổi. Đứa nhỏ khét nắng, lay láy màu mắt đen, thở phì phò bằng cái mũi thò lò. Nó bồng bềnh trên mặt chợ ngã Tám, như một đám mây lơ lửng nền trời. Thằng Thủy sững người, vội vàng lia mắt về chị. Chị thong thả đẩy đôi mái chèo. Nước trôi xuôi mạn ghe một cách an nhiên. Mặt chị bình thản không lộ ra cảm xúc, dù đôi mày vẫn còn cong lên trái khoáy. Nhưng... hình như đôi môi đó đang mỉm nhẹ. Rất nhẹ. Một nụ cười ẩn khuất khó lắm mới nhận ra. Chị đã ăn bao nhiêu trận sương đêm để chèo chống chiếc ghe đó vậy? Đổi cả đời ướt mem để mua lấy một nụ cười chua lè, mềm xèo, quay quắt đó thôi sao?

Nước ở ngã Tám đứng trân. Đứng cứng ngắc, cứng đơ, không lăn tăn, không dậy sóng, không sủi tăm li ti gì nữa. Đứng như một mặt phẳng, như miếng kiếng đục ngầu chẳng phản chiếu được chút ánh sáng vời vợi nào từ mặt trời. Thằng Thủy buông tay chèo. Chiếc xuồng câu không có lực đẩy mà tự nhiên trôi ngược hướng ghe chị, tít tắp. Nó cứ đăm đăm nhìn chéo áo bà ba màu ngà phe phẩy trong gió, không để ý câu hỏi cuối cùng lúc nãy muốn nói với chị đã rơi tõm xuống dòng sông mất tiêu rồi.

Bóng hình chị phôi phai. Cây đèn dầu nhạt nhòa. Hai chiếc ghe trôi ngược nhau rồi biến mất.

Đồng lũ mênh mang...

Truyện ngắn của Vương Đình Khang
.
.