Nỗi nhớ tháng 7

Thứ Sáu, 28/07/2023, 10:00

Sau khi vết thương đã lành, Thanh trở về đơn vị cũ. Đại được cấp trên sắp xếp cho một công việc ở tuyến sau. Thanh mải mê chinh chiến, lúc rỗi rãi, anh ngồi viết thư thăm gia đình và Đại trên chiếc hòm quân dụng. Ngoài lán, những cây bị thương đã bắt đầu hồi sinh. Từ những vết bom đạn chém, mọc ra những nhánh xanh non. Nắng chiếu xuống, từng tán lá lấp lánh như tráng bạc.

Ông Vân ngồi ở phản, chiếc đài bán dẫn vặn cỡ to, từ đó phát ra tin tức về chiến sự miền Nam. Bỗng có tiếng dựng chân chống xe đạp của bác bưu tá. Thấy vẻ mặt bác rất khác với mọi ngày, linh tính sự chẳng lành, ông gọi bà.

- Bà Tín ơi.

Bà Tín lật đật từ bếp chạy lên.

Một khoảnh khắc im lặng như là bất tận chạy qua tim 3 người. Rồi bác bưu tá tay run run đưa bức thư đã sờn mép cho ông.

- Thưa 2 bác, đây là thư của bạn em Hương gửi về gia đình mình, còn tin báo tử xã đã nhận được rồi ạ.

Lặng người đi, khuôn mặt thất thần, bà Tín gieo mình xuống giường như một chiếc lá héo. Còn ông Vân cố an ủi vợ.

- Nó mới 19 tuổi thôi, nhưng bạn nó, con trai ông Dậu còn nhận giấy báo tử từ năm ngoái, không ai vui lẻ được bà ạ. Con mình đã hy sinh vì Tổ quốc.

Cái Nguyên lũn cũn theo bà Tín ra đồng. Khắp các thửa ruộng, ngô đã vào vụ, những thân cây vàng hườm đã đẫy bắp, rễ sậm lại, đám rau khúc chen chúc, xanh um, hoa trắng ngà. Tay nhổ, miệng bà gọi cháu. Chẳng mấy chốc, đã đầy rổ, đến chiều bà sẽ có món xôi khúc đãi cả nhà.

Khi trăng đã vun đầy như đống thóc vàng rượi trên tít đỉnh ngọn tre, Nguyên xăm xắn dọn mâm trên chiếc chiếu cói ở giữa sân, ông Vân khêu ngọn đèn. Trên mâm, cá diếc kho tương nhừ, bát canh cua nấu rau tập tàng, mấy quả cà pháo giòn tan, bát mắm cáy vắt chanh sủi bọt lẫn vào màu đỏ au của vài lát ớt.

- Thằng Hương thích nhất món canh cua của bà.

- Còn thằng Thanh, thì ăn đến căng rốn món cá diếc ông kho.

Bỗng vai áo bà Tín động đậy, Nguyên chộp lấy một con châu chấu rất to, mặc áo xanh biếc. Bà chậm rãi.

- Tháng 7 rồi, bác Hương về đấy, chết trẻ thiêng lắm con à.

Xòe tay ra, con châu chấu đứng im, nhìn nó bằng đôi mắt tí hon tròn xoe, rồi đập cánh bay sang vai áo ông Vân.

Từ khi còn là cậu trai 15 tuổi, Vân làm liên lạc cho cách mạng. Vốn rất ham học, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Vân lại học lên, được dạy ở Trường Đảng. Cuối đời công tác, ông được cấp trên cử về phụ trách Trại cá Quốc doanh sông Ngụ, khi ấy bố mẹ cái Nguyên đã yêu nhau và chuẩn bị làm đám cưới. Cả đời làm việc, ông không tơ hào của công, dù chỉ là cây kim sợi chỉ. Mỗi lần ông đi họp, bà thường đong mấy bát gạo ăn đường, kèm theo lọ muối vừng.

Thanh Nam tiến, sau anh Hương 2 năm. Khi ấy chiến trường miền Nam như một chảo lửa, giặc điên cuồng trút bom như rải thảm để thị uy và vãn hồi danh dự. Anh được biên chế vào một đơn vị rất nhiều tay súng lão luyện. Bữa tối đầu tiên ở chiến trường của Thanh là một vắt cơm trắng với muối, một hộp thịt lợn, ưu tiên lính mới. Thanh khui hộp thịt mời đồng đội - anh Đại, quê ở Nghệ An. Đại nhìn Thanh chăm chú.

46a4c64a4354900ac9456.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

- Em ở Trừng Xá, Gia Lương, Hà Bắc?

- Sao anh đọc lý lịch em trúng phóc vậy?

- Tại em rất giống bạn anh, 19 tuổi anh ấy đã hy sinh, ở trận Quảng Trị. Bố anh ấy, vừa biên thư, kể con trai thứ 2 của ông mới nhập ngũ.

Thanh đang ngồi, chợt nhảy dựng lên.

- Em là Thanh, em anh Nguyễn Đình Hương đây.

Chiến tranh và tình yêu, luôn là những câu chuyện bất ngờ.

Trận Khe Sanh, giặc tung hỏa lực mù trời. Cả cánh rừng toàn những thân cây cổ thụ bị bom giặc cày xới không có cây nào không bị thương. Máy bay giặc sà thấp xuống, gió thổi bạt những tàng cây nghiêng ngả, khắp mặt đất khét lẹt mùi thuốc súng, có những thân cây bật rễ, nằm ngổn ngang. Từ tay Đại, những viên đạn xé nòng thép, lao thẳng lên trời. Thanh bắn yểm trợ. Bọn giặc lái phải vọt lên cao. Chúng bay một vòng, rồi trong một khoảnh khắc bất ngờ, thả bom điên cuồng. Bỗng Thanh thấy tối sầm, Đại ở bên cạnh, chỉ kịp chồm lên, lấy cả thân hình vạm vỡ che cho đồng đội.

Thanh tỉnh dậy trong trạm quân y dã chiến, đầu băng trắng xóa, mắt trái không nhìn thấy gì. Đại bị thương nặng, cụt một chân và mất bàn tay trái, được đưa về tuyến sau. Buổi chiều, khi đã tỉnh táo, Thanh lần túi áo ngực, trong đó vẫn còn mảnh giấy ghi địa chỉ của Đại. Bỗng anh chạm tới một vật gì tròn tròn và lạnh, vội móc ra, trong lòng tay là ngón tay cái đã xám lại, dính đất, vệt máu đã khô, phần gắn vào bàn tay, bom tiện ngọt như một vết chém. Lẽ nào một phần thân thể của người đồng đội, lại kí thác vào anh một cách kì lạ như thế?

Cô y tá lấy cồn rửa sạch ngón tay người đồng đội, rồi thành kính như một nghi lễ, quấn băng bên ngoài, đưa vào một lọ thủy tinh trong suốt. Cô đặt chiếc lọ trên bàn phẫu thuật trải ga trắng toát. Xung quanh, những người lính bị thương và các chiến binh áo trắng trong trạm quân y, đứng nghiêm trang, tay đưa lên chào theo lối nhà binh, tiễn biệt một phần thân thể người đồng đội mình. Chiếc lọ được chôn dưới gốc cây săng lẻ trước lán.

*

Khi thấy người mình yếu, ông Vân gọi Thanh dặn dò.

- Chắc chỉ tuần nữa là bố theo các cụ. Anh con hy sinh rồi, con thay nó lo hậu sự cho bố và chăm sóc mẹ con chu đáo.

Thanh quỳ xuống, ôm chầm lấy bố.

- Bố đừng gở, bố phải sống đến khi cháu Nguyên lấy chồng chứ.

Ấy vậy mà đúng một tuần sau ông Vân trút hơi thở cuối cùng. Trước đó, ông vẫn tỉnh táo dặn dò con cháu,sắp xếp mọi sự cho cuộc đi. Có người bảo ông ăn ở phúc đức, nên trời cho chết tiên. Bà Tín không khóc, nhưng khi Nguyên hỏi.

- Sao bà không khóc khi ông mất?

- Làm sao phải khóc, ông ấy chết sướng thế cơ mà. Ôi dào, bà cũng chỉ mong được chết dễ như ông con thôi.

Nói đoạn, bà thở dài, đưa mắt lên ban thờ.

- Mà lúc ông con còn sống, sáng nào cũng chỉ ăn một gói mì tôm. Bà mắng vì tội ông ấy tiết kiệm quá.

Người già thường sống bằng kí ức.

Chẳng ai chiều nó như bà. Bố đi công tác xa, vài tháng mới về thăm nhà, trong căn hộ tập thể lợp bằng giấy dầu, chỉ có 2 mẹ con. Đã thành lệ, mỗi lần đi chợ, bà ghé vào đón cháu. Con bé đã chờ sẵn, tự nhét vài bộ quần áo vào túi, tay le te cắp cái mũ nan. Khi bà vừa hạ quang gánh xuống cửa, là Nguyên vội vàng nhảy tót lên một bên quang, bên kia bà để sẵn 3 viên gạch phồng và ít hàng hóa. Ngồi trong thúng, mắt nó hau háu nhìn ra xung quanh, thi thoảng có cái xe bò ngang qua. Con bò thong thả gõ móng xuống đường sỏi đỏ au, hàng cây bạch đàn rì rào nói chuyện với gió.

*

Sau khi vết thương đã lành, Thanh trở về đơn vị cũ. Đại được cấp trên sắp xếp cho một công việc ở tuyến sau. Thanh mải mê chinh chiến, lúc rỗi rãi, anh ngồi viết thư thăm gia đình và Đại trên chiếc hòm quân dụng. Ngoài lán, những cây bị thương đã bắt đầu hồi sinh. Từ những vết bom đạn chém, mọc ra những nhánh xanh non. Nắng chiếu xuống, từng tán lá lấp lánh như tráng bạc.

Ông Vân ngồi đọc báo, chiếc đài bán dẫn phát đều đều. Nghe tin tức miền Nam, khiến ông có cảm giác được gần hơn với Thanh, đứa con trai đang chiến đấu ở Khe Sanh. Bỗng vang lên giọng truyền cảm của cô phát thanh viên.

- Đồng bào chú ý, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất…

Chạy vội ra sân, bà Tín đang ngồi thái dọc khoai cho lợn, ông gọi lạc giọng.

- Chiến thắng rồi, thằng Thanh sắp về.

Thấy sự lạ, bà ngẩng đầu lên, tỏ vẻ khó hiểu.

- Ông nói gì thế?

Bà hỏi, tay chậm chạp buộc lại cái khăn sờn.

- Chiến thắng rồi, thằng Thanh sắp về.

Ông Vân lặp lại như cái máy.

Đêm đi rất sâu, tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái uôm oạp ngoài bờ ao. Ông Vân vặn nhỏ đài, giường bên, bà Tín trở mình liên tục. Bà nhớ thằng con trai đã hy sinh. Nếu còn, sau trận mưa rào như đêm nay, thế nào nó cũng trở dậy đi soi cá. Gần sáng, nó rón rén trở về để bà đỡ mất giấc ngủ. Nhưng khi nghe tiếng con trai kéo cái cổng tre, là bà bật dậy, thằng Thanh cũng chạy theo. Hương lấy cái nồi rộng, dốc từ trong giỏ tre ra. Cả một thế giới dưới nước ngồn ngộn, cá rô giương vẩy, cua kềnh mốc thếch giơ càng, mấy con ếch lưng xanh, tôm bật càng tanh tách.

Bỗng có tiếng gọi giật giọng từ ngoài cửa.

 - U ơi con về rồi đây.

Bà choàng dậy ngơ ngác, hay hồn thằng Hương. Lập cập châm đèn, định thắp nén hương trên ban thờ, nhưng tiếng đập cửa càng dồn dập hơn. Bà vội vặn to ngọn đèn, lóng ngóng mở cửa. Một thân hình cao lớn ùa vào nhà, ôm chầm lấy bà, rối rít.

- Con, Thanh đây.

Giường bên, ông Vân bật dậy, lấy tay dụi mắt. Khi định thần lại, ông ôm chầm con trai, vỗ vỗ vào lưng.

- Về rồi hả con, tốt rồi, tốt rồi.

Cắt phép 3 ngày, Thanh lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. Anh được điều về công tác ở Binh đoàn Trường Sơn. 7 tháng sau anh cưới vợ, cô y tá bệnh viện huyện, Nguyên là con gái đầu lòng, cũng là cháu nội đầu tiên của ông Vân.

Trong ngôi nhà cấp 4, mới được dựng lên từ mảnh đất cũ, bà Tín thắp hương, lầm rầm trò chuyện với con trai.

- Hương ơi, em con đã cưới vợ. Thầy u, vay mượn, cố dựng nếp nhà cho rộng rãi. Con sống khôn thác thiêng phù hộ cho gia đình con nhé.

Trong trí nhớ non nớt của Nguyên vẫn thoáng qua hình ảnh ngôi nhà xưa. Mái tranh cũ kĩ bạc như cái nón bà thường đội đi làm đồng. Khi mẹ nó mua nón mới cho bà, ông bèn cắt phần rách đi, chuốt thêm cái vanh, buộc lại quai bằng cái dây hoa đỏ sặc sỡ, cho nó đội. Mé chái bếp là cái cối xay thóc, cứ mỗi lần nhà hết gạo là nó chạy ù ù. Theo mỗi vòng cối, tấm áo nâu với vài miếng vá lỗ chỗ của bà thấm bết mồ hôi. Bà mải làm, vòng khăn trên đầu tuột xuống, mái tóc đổ dài, trắng như những cụm mây. Khi ấy, bà sẽ dừng tay, quấn lại tóc. Nguyên tranh thủ sà vào lòng bà, một tay lau mồ hôi trên trán bà, tay kia xoa trên cái tay cối đã lên nước bóng loáng. Nhưng được ở nhà mới của ông bà, Nguyên còn thích hơn. Nó chạy nhảy tung tăng, ôm từng cái cột gỗ, hít hà mùi tường vôi mới. Tò mò nhìn khung nhà bằng gỗ khắc những chữ hình thù kì lạ. Khi ấy ông sẽ sàng giảng giải.

- Trên kia là dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” con ạ.

- Ông ơi, tự do là gì ạ?

- À, tự do phải đánh đổi bằng xương máu của bao người đấy con.

- Như bác Hương phải không ông?

- Đúng rồi, cháu ông giỏi quá.

Tết năm nay dường như đến sớm hơn. Gió như cắt vào da thịt, rét ngọt đến tận xương. Hàng ngày, sau giờ đồng áng, bà Tín lại tranh thủ bắt thêm con cua, con cá. Phần để ăn, phần còn lại bà đưa ra chợ, thêm thắt để sắm sanh cho sự sum vầy đầy đủ hơn. Đêm 30, Nguyên thức bên nồi bánh cùng ông bà. Nó chờ đến nỗi cái ngủ rơi xuống mắt, nhưng cứ khăng khăng không chịu lên giường, chỉ tới lúc ông vớt chiếc bánh nhỏ xíu, có xâu thêm sợi lạt mảnh, dành riêng cho cháu nội, Nguyên mới an tâm đi ngủ. Bà Tín vẫn bận bịu với món chè kho, ngọt lừ, đậu xanh quện lẫn vào lát gừng, cúng tổ tiên. Tất bật với công việc, nhìn lên bàn thờ, kim đồng hồ đã chỉ sang canh, ông Vân se sẽ lay gọi Nguyên. Thắp nén hương vọng nhớ người xưa, ông đánh diêm, đốt một bánh pháo nhỏ, treo trên cái sào ngoài hiên. Rồi trở vào nhà, ông trịnh trọng pha trà, mừng tuổi cho nó.

Buổi sáng đầu tiên của năm mới, bà cẩn thận đổ nồi nước mùi già ra cái thau tráng men màu xanh mà ông được tặng hồi còn công tác. Khi bà nhẹ nhàng lấy khăn mặt lau cho cháu gái, Nguyên nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, mùi thơm ngào ngạt khiến nó nhớ đến những lần ra vườn xem bà dùng liềm cắt mùi già lúc ông trời thả cái rét lạnh như đá, đến độ, nó liên tục xòe bàn tay bé xíu ra để hà hơi cho ấm. Rồi nó háo hức diện cái áo hoa mới và cái quần xanh chéo mẹ vừa tỉ mỉ khâu xong tuần trước, tấp tểnh định lao ra ngoài ngõ. Bà Tín khẽ khàng.

- Con không được đi xông nhà khác, kẻo dông cả năm.

Nó phụng phịu nhìn ra hàng hiên, thấy ông đang đốt pháo. Xác pháo rắc hồng ngoài ngõ. Ông đứng dưới cây đào phai đang cười với gió đông, Nguyên thấy trên vai áo đại cán của ông, mấy cánh đào rơi xuống, màu phơn phớt. Lòng nó rộn ràng.

*

Mùa hè năm 1999, Nguyên đã tốt nghiệp đại học. Tháng năm cho thêm và lấy đi, tháng năm dài rộng vô chừng, chạy qua bao nhiêu cuộc đời và biến thiên giữa cõi nhân sinh. Bà Tín trở nên lặng lẽ từ sau sự ra đi của chồng. Khi chiều vắt qua bụi tre ngoài ngõ, bà thường ngồi dưới bóng hàng hiên, hoàng hôn đọng từng vốc trên đôi vai gầy. Chiều nay, về thăm bà, từ xa, Nguyên thấy dáng ngồi quen thuộc của bà bên bậu cửa. Nguyên vẫn hình dung ra cái ngày còn thò lò mũi, trong những buổi chiều vàng bình an, nắng trải mật trên những mái rạ đơn sơ, bà ngồi ở cầu ao, trên cái bệ đá to vớt nước kì cọ. Nguyên nhớ như in tấm lưng mỏng, cong, trắng nổi gân của bà được giấu qua loa trong chiếc yếm nâu đã nhợt màu, sờn rách. Bàn tay bé xíu của Nguyên, khi đó sẽ xoa cho bà và tò mò, rưng rưng chạm ngực bà. Bà quở.

- Còn bé lắm đấy.

Kí ức tuổi thơ bao giờ cũng vậy, đi suốt đời người.

Ông Vân về trời đâu chừng hơn 10 năm, thì bà Tín cũng theo ông trong một ngày mưa tầm tã. Nguyên lấy kem, son bôi lên mặt bà, vẫn da thịt ấy mà sao lạnh như đá. Sự sống và cái chết chỉ khác nhau một hơi thở.

Nắng tháng 7, như thiêu như đốt, khi đang lui cui dọn vườn, anh Thanh chợt nghe tiếng gọi.

- Anh Thanh ơi, có khách đến thăm này.

Vội vàng không kịp rửa tay, anh Thanh chạy ra mở cổng. Ngoài đó, chiếc xe ô tô trắng đã đợi sẵn, cửa xe mở, một chiếc chân giả bước xuống, cánh cửa được khép lại dứt khoát bằng một bàn tay giả. Đi vào cánh cổng đã mở sẵn, là người đàn ông trạc tuổi anh Thanh, vẫn còn vẻ khỏe khoắn. Anh Thanh đứng như trời trồng. Người đàn ông kia thì reo lên.

- Nhận ra anh không?

Anh Thanh nhào tới, nắm chặt cánh tay giả của người đàn ông, rồi xoa xoa dọc bên chân kia.

- Anh Đại, anh Đại.

Hai người đồng đội ôm chầm lấy nhau, hai bờ vai rưng rưng.

Anh Thanh trịnh trọng thắp hương trước ban thờ, còn anh Đại thì lầm rầm khấn vái.

- Hương ơi, tao đã về nhà mày rồi đây, em Thanh, em của chúng mình đã giữ cho tao một ngón tay. Và ngón tay tao, có lẽ đã gặp mày ở đâu đó, giữa cánh rừng săng lẻ Khe Sanh năm nào rồi. Mày an vui nhé.

Ngoài kia, cái nắng tháng 7 như chói chang hơn. Lẫn trong mùi hương trầm, bóng hồn người năm cũ như hiện về.

Truyện ngắn của Nguyên Tô
.
.