Nỗi lòng của dì Năm

Thứ Sáu, 01/04/2022, 09:11

Từ khi con gái theo về bên nhà chồng dì Năm chợt thành son rỗi. Thành son rỗi nên dì giữ được cái dáng như thời con gái. Người chắc lẳn, mái tóc dầy và đen. Mái tóc luôn được dì bới thành búi làm hở cái ót cao trắng hồng làm chết mê những cái nhìn của cánh đàn ông trong xóm. Dì góa chồng sớm. Chồng dì mất sau chuyến đi biển gặp nạn, ổng mất khi dì vừa sinh đứa con gái. Vậy là dì Năm đứng lại, ở vậy nuôi con trước bao con mắt ngó nghiêng cùng bao lời thầm thì sau lưng.

Đang ngồi trong nhà cố lạt nốt đòn bánh tét, mới nghe tiếng bước chân đi tới đầu ngõ rồi bước vô sân, dì Năm cũng biết đó là ai. Mọi bữa thì dì đã đứng dậy đẩy rộng cánh cửa nhưng hôm nay dì làm như không hay. Dì ngồi xây lưng ra cửa, đầu cúi xuống, giả bộ mải miết.

Tiếng bước chân tới giữa sân thì dừng lại. Dì Năm nghe rõ tiếng bập bập kéo liên tục mấy hơi thuốc. "Ghiền nặng vậy đâu có khỏe" dì Năm nghĩ trách và lại làm bộ chẳng hay gì, đầu dì cắm cúi làm vẻ mải miết hơn.

Tiếng bàn chân di di, vẻ chùng chình nửa định bước vô tiếp, nửa chừng như kiểu cố ý để thay tiếng hắng. Khói thuốc tỏa nhẹ, xuôi chiều gió, xông thẳng vô nhà đủ cho dì Năm biết đó là loại thuốc gì. Dì biết đó là thứ thuốc lá Zet, loại bao mềm, mùi khen khét và nằng nặng "Thuốc đó ổng chắc ghiền ngày cả gói".

Mặt trời lên chừng tới ngọn dừa, bóng ngọn dừa cùng cái bóng của người đứng ngoài sân đổ dài xuống sân. Đổ qua ô cửa, đổ vào tận nền nhà. Dì liếc mắt nhìn cái bóng người đang ngọ ngọ nguậy nguậy cái đầu mà phát cười. Dì chỉ cười mỉm, cười giấu, chứ nhỡ mà cười thành tiếng người ta lại tưởng chọc quê người ta thì phiền phức. Cái bóng bước thêm bước nữa và giờ đã đổ sát ngay chỗ dì Năm ngồi. Từ cái bóng ngọ nguậy cái đầu, dì Năm thấy làn khói thuốc nhả ra liên tục. "Quái sao hôm nay có gì mắc cỡ vậy", dì Năm thầm hỏi. "Mọi bữa mới tới đầu ngõ đã rôm rã cất tiếng chào, bữa nay hẳn có chuyện rồi?".

Nỗi lòng của dì Năm -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Thấy ngồi mãi như vậy không tiện, vả lại cứ xây lưng vầy cũng thấy mỏi. Dì Năm lại giả bộ như đã làm xong việc, dì đứng lên ngoái ra cửa "Ủa anh sui. Anh tới hồi nào mà... mà lẹ vậy?". Câu hỏi kiêm câu chào của dì Năm khiến người mới tới mắc cỡ, đầu đang ngọ nguậy lại thêm ngọ nguậy. Miệng đang nhả khói thuốc lại thêm nhả khói thuốc. Thì chính người đó đang đứng ngoài sân mà nhìn vào, ánh nhìn của người đó ngỡ đến nóng rát cả cái ót cao trắng hồng của dì Năm.

Như bị bắt thóp đúng mạch người vừa tới lúng búng. "Tui... Tui qua xem chị sui có mạnh không?". "Không mạnh chớ bộ - dì Năm nói dỗi - Thì anh sui đã tới thì vô nhà uống miếng nước. Mà nếu tôi không mạnh liệu.....". Dì Năm kịp dừng lại. Suýt nữa thì dì đã nói "Mà nếu tôi không mạnh chớ bộ anh sui có tới chăm tui không?". Dì chợt đỏ mặt cũng y như người kia bị bắt thóp. Mặt dì đỏ ửng như vừa từ bếp chui ra, mồ hôi ướt táp vài lọn tóc.

"Vợ chồng thằng Hai cứ cách mấy bữa lại gọi điện về biểu tui. Tụi nó biểu tui phải năng qua lui thăm chị sui". Người mới tới nói có vẻ hơi khó khăn nhưng được cái nói cũng liền mạnh như kiểu trẻ học thuộc bài vậy, nói như không nói hết nói đủ sẽ bị quở trách vậy. Dì Năm im lặng, dì đang mải nghĩ đến ý định nói ban nãy của mình "Thì mình là chi của người ta mà muốn người ta chăm mình?". Dì cười lấp đi "Mời anh sui vô nhà. May có anh sui qua. Tui định trưa mai luộc xong nồi bánh thì qua bển. Tôi qua biếu anh sui đòn bánh tét ăn Tết". Dì ngừng lại, bàn tay nâng đòn bánh tét vừa lạt lên ý là dì nói thực. "Mấy lại cánh đàn ông đâu có để ý. Tết nhất đến nơi rồi mà bánh trái không có coi không được", dì Năm nghĩ chừng vậy, dì kéo chiếc ghế, dì muốn người mới tới ngồi chơi chờ dì xóc dây lạt để ngoắc đòn bánh tét.

*

Dì Năm tuổi bốn mươi tròn. Bà con trong xóm hay đùa dì: "Coi kìa, gái một con như rầy thiệt hết chịu nổi". Dì cười chống chế, cười mà thấy thích trong lòng. Quả thật ở vào cái tuổi đó rồi mà dì Năm đã có rể thì thực là quá trẻ. Dì còn trẻ thiệt chứ bộ. Mười tám tuổi lấy chồng. Mười chín tuổi sinh con.

Từ khi con gái theo về bên nhà chồng dì Năm chợt thành son rỗi. Thành son rỗi nên dì giữ được cái dáng như thời con gái. Người chắc lẳn, mái tóc dầy và đen. Mái tóc luôn được dì bới thành búi làm hở cái ót cao trắng hồng làm chết mê những cái nhìn của cánh đàn ông trong xóm. Dì góa chồng sớm. Chồng dì mất sau chuyến đi biển gặp nạn, ổng mất khi dì vừa sinh đứa con gái. Vậy là dì Năm đứng lại, ở vậy nuôi con trước bao con mắt ngó nghiêng cùng bao lời thầm thì sau lưng.

Thực ra dì cũng đôi lần nghĩ ngợi trước những câu nói sau lưng. Nhưng nghĩ ngợi mãi lại quấy quá qua đi vì dì thương con nhỏ thiếu bàn tay cha từ lúc mới lọt lòng. Dường như có bao tình cảm dì dành hết cho đứa con gái mồ côi cha. Dành hết cho tới hồi cuối năm rồi, con Hai, đứa con gái duy nhất của dì đi lấy chồng. Nó lấy chồng vậy nên dì mới thành sui gia với người mới tới.

"Vợ chồng nó gọi điện về biểu tui Tết nhất đến nơi rồi qua thăm rồi tiện thể xem xem chị sui mần lo Tết đến đâu rồi". Lần này thì người mới tới nói liền mạch hơn. Giọng nói cũng đỡ ngập ngừng hẳn. Dì Năm hết mắc cỡ: "Thì từ hồi đó tới giờ anh sui vẫn năng tới đó thôi". Dì nói chữa ngượng giúp người mới tới.

Sáng nay xóm vắng. Sáp Tết rồi nên xóm vắng. Mọi người mải lo sắm Tết nên đi làm cả thành thử tiếng là nhà nằm ngay đầu xóm mà bữa nay lối ngõ vắng trơn vắng trọi. Vắng trơn vắng trọi làm dì tự dưng thấy ngại. Từ bữa con Hai nhà dì lấy chồng, chồng nó là thằng Hai con trai của người mới tới, nhà đã neo lại thêm vắng. Cộng với ngày sáp Tết nên cái vắng như nhân đôi. Việc anh sui tới chơi mừng thì mừng thật nhưng cũng ngại. Ngại nhất là bà con ngang qua cửa. Ngộ nhỡ họ nhìn vào thấy kỳ lắm. Rồi bàn tán nữa.

Dì Năm đưa cho người mới tới ly nước. Vô tình bàn tay của dì chạm vào bàn tay người mới tới. Chút chạm nhẹ nhưng nó khiến dì thẫn thờ. Bao năm rồi dì mới có cảm giác chạm tay người khác giới như thế. Người mới tới cũng rụt tay lại, hình như người ta cũng thấy cảm giác là lạ giống như dì.

*

Ông sui về rồi dì Năm mới thấy trống trải. Dì ngồi bần người ra mà nghĩ đâu đâu. "Kể thì hoàn cảnh anh sui nghĩ thấy tội. Quê mãi tận ngoài Quảng Ngãi. Đi bộ đội rồi sang Miên đánh K. Loằng ngoằng thế nào lại làm rể Kiên Giang. Bị thương rồi phục viên ở lại quê vợ. Ngày vui chưa được bao lâu thì bà vợ không may lâm bệnh rồi mất, bả mất cũng mấy năm rồi. Nhà chỉ có hai cha con. Con đi lấy vợ nên giờ anh sui chắc cũng tủi?". Dì Năm nghĩ lung tung. Mỗi lần nghĩ là thêm một lần mặt dì đỏ lựng lên. Dì Năm biết vậy. Dì ngỡ như anh sui vẫn đang đứng đó, đứng ngay sau lưng dì, ánh nhìn đến bỏng rát cả ót. Ngỡ vậy nên dì luống cuống kéo tấm khăn rằn đang vắt ngang vai lên che ngang miệng như sợ ai đó trông thấy.

"Người đâu mà hiền khô". Dì Năm vừa nói tới anh sui. Anh sui hơn dì đúng một con giáp. Vậy là dì với anh sui cùng tuổi. Những người cùng tuổi lại có hoàn cảnh giống nhau, vừa nghĩ tới thế là dì Năm lại đỏ mặt thêm lên. "Chưa gì mà đã vơ vào" dì tự mắng mình vô duyên. Càng mắng mình dì lại càng thấy có cái gì đang lấn cấn trong bụng.

Nhà anh sui ở cuối xóm. Dì Năm nghe nói, ở bên Rạch Giá anh sui được tỉnh đội cấp cho một căn nhà tuy tàm tạm nhưng được cái ở sát lộ nên khá thuận cho việc kinh doanh nhì nhằng nhưng anh sui không ở. Cưới vợ cho con trai xong là anh sui giao nhà cho vợ chồng chúng nó. Anh sui có lần bảo "Lo vợ cho con xong rồi tui về vùng quê ở cho có làng có xóm. Ở với vợ chồng nó không tiện". Anh sui nói thanh minh vậy thôi chứ thiệt ảnh đâu có về lại quê mình. Chắc là do vợ chồng tụi con nó mách nên anh sui tới làng của dì, ảnh mua mảnh đất con con, dựng nếp nhà nho nhỏ.

Có lần dì Năm hỏi thằng Hai, tức là thằng con rể của dì, sao cha nó lại về xứ này để ở một mình cho cực thân. "Ở một mình khổ lắm" dì đã ở một mình mãi nên dì biết những ai ở một mình đều khổ cả. Thằng con rể của dì chẳng hiểu nó nói vui hay nói thật "Thì cha con về đây cho gần má mà". Cái thằng, nói gì không nói lại đi nói vậy?

*

Nắng lên cao. Cái nắng cuối năm khô khô làm dì Năm thấy bứt dứt. Hôm con Hai về nhà chồng nó cứ khóc hoài. Dì phải mắng nó "Bay định ở giá với má sao?". Mắng vậy mà dì cũng tui tủi. Nó đi lấy chồng thành ra giờ nhà chỉ còn mỗi mình dì. Đến lúc này dì mới thấy hẫng hụt. Từ ngày chồng mất ngoài biển dì có suy nghĩ gì đâu xa. Nghĩ chút ít lại thương con nhỏ mà gắng. Nay nó yên bề mừng cho nó mà dì lại thấy tủi?

Dì Năm đứng dậy. Không lẽ cứ ngồi mãi vậy mà nghĩ ngợi lung tung. Dì đứng dậy bước ra ngoài sân. Tự dưng bên tai dì như còn nghe rõ tiếng bàn chân di di ngoài sân, tiếng bàn chân chùng chình nửa đi tiếp nữa tính quay lui. "Anh sui lạ thật. Người đâu lại cứ mắc khổ vào mình?".

Có tiếng con chim chuyền lách chách trên tán lá dừa. Tiếng chuyền lách chách như nó nói với dì Năm rằng nó cũng biết chuyện dì đang nghĩ thương anh sui. Nó cũng biết rằng dì cũng đang thương chính mình. Ở cái xóm vắng ven biển này mọi thứ đến ầm ào rồi qua đi cũng ầm ào như những cơn sóng biển. Nhưng cái chuyện "tự dưng" anh sui về đây ở và lại hay qua thăm sui gia thì chẳng ầm ào chút nào. Dì Năm ngoái mắt nhìn xa hơn. Ý như dì trông đợi điều chi ở đâu đó. Hồi chồng dì mất ngoài biển dì cũng ngóng mắt nhìn ra xa như trông chừng biết đâu chồng dì sẽ quay về như chuyện cổ tích. Dì ngóng như thế vài năm rồi cũng nguôi ngoai. Vậy mà lâu lắm rồi dì mới thấy lại cảm giác đưa mắt mà ngóng xa xa. Ngóng trông chừng điều gì đó?

"Sáp Tết rồi?" Dì Năm phân vân không hiểu Tết này "Anh sui sẽ ăn uống ra sao? Ổng ở một mình. Một mình trong ngày Tết đã cực lại thấy khổ". Dì Năm ngóng con mắt ra xa hơn. Dì nhớ lần gần đây vợ chồng con Hai đảo vội về thăm nhà. Con rể nói vu vơ "Hai ông bà già này sao cứ người đầu xóm, người cuối xóm nhỉ?".

Cuối tháng 1 năm 2022

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn
.
.