Những ngày bình thường

Thứ Sáu, 04/10/2024, 18:36

Tay thợ sơn ấy hơn Quyên 3 tuổi, mới từ quê ra, ngày nào đi làm về qua cửa hàng của mẹ, hắn cũng xách theo mấy bịch mì tôm. Mẹ thương hại gọi hắn vào cho mượn ít tiền mua nồi cơm điện, lại dúi cho vài cân gạo bảo nấu cơm mà ăn. Cứ thế hắn lân la sang chơi, hắn đã để ý chỗ giấu tiền của mẹ từ khi nào, tính toán kỹ đường đi nước bước.

Quyên dốc hết sức mà chạy. Ngay ngã tư cô liệng người lách vào giữa hai tấm tôn rào chắn của công trường xây dựng rồi dựa vào tấm tôn thở dốc, bố và ông chú vừa vụt qua. Trời chang chang nắng, công nhân đang giờ nghỉ trưa. Quyên luồn ra sau dãy nhà điều hành công trình, ở đó mấy cục nóng máy lạnh xả nóng rát. Cô kéo tấm tôn cũ gần đấy đặt xuống chỗ khuất rồi ngồi xuống kéo áo xem vết thương lằn đỏ trên vai, đầu óc ngổn ngang.

Ánh sáng quét qua mắt, tiếng đàn ông sang sảng, ai đó đá vào chân cô, tiếng bước chân đạp lên tấm tôn lạo rạo. Mắt chưa kịp quen với ánh sáng, Quyên đưa tay che mặt. Cô đã thiếp đi từ chiều đến tận tối mịt.

- Bụi đời ở đâu lẻn vào đây, công trường không phận sự miễn vào.

Giọng đàn ông còn trẻ, gần như quát. Hai ông bảo vệ cầm đèn pin soi vào mặt cô, lố nhố mấy kỹ sư đội mũ bảo hộ trắng.

- Cho cháu ở đây làm việc với!

Quyên đứng dậy, cúi đầu như kẻ trộm vừa bị bắt quả tang. Nhìn đứa con gái bộ dạng đáng thương, mặt mũi hiền lành, những người đàn ông không nỡ đuổi mắng.

- Ăn gì chưa, ở chỗ anh em đổ bê tông có bánh mì với trà đường, đến mà lấy.

906f8a2b659dc3c39a8c30.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Nghĩa - kỹ sư giám sát chỉ ra công trình, nơi những chiếc xe bồn chở bê tông tươi đang chờ bơm bê tông lên sàn. Có lẽ đã quá quen với những tình huống này, hoặc đủ từng trải để có thể rộng lượng với nhiều phận người đã gặp nên tình cảnh trớ trêu của Quyên lại được giải quyết nhẹ nhõm đến không ngờ. Mọi người tản dần, ai vào việc nấy, Quyên nhìn theo Nghĩa, anh thoăn thoắt đi vào vận thăng lên sàn, ở đấy hai đội đổ bê tông người ôm cần bơm, người đầm dùi, người cán mặt, tiếng bông lơn, hét gọi chỉ đạo, cãi cọ ồn ào.

Chừng ba giờ sáng thì đổ xong, xe bồn lần lượt rời công trình, công nhân tản hết. Toán kỹ sư người về nhà trọ, người đã đi vào nhà điều hành đóng cửa, tắt điện. Quyên ngồi co ro cạnh mấy chiếc xe rùa để chỏng chơ, đèn pha, đèn cẩu tháp sáng rực, công trình nằm sừng sững như gã khổng lồ vừa làm xong công việc nặng nhọc. Tiếng ếch nhái bắt đầu rộ lên ri ri. Con chó nhỏ đứng từ xa dè chừng, Quyên đưa tay vẫy nó, nó giật mình rồi chạy biến ra sau đống giàn giáo.

Sáng sớm, kỹ sư an toàn kiểm tra lỗ mở, hệ thống bao che, huy động nhân công ngồi họp trước nhà ban điều hành. Mấy trăm công nhân của các tổ đội tập trung nghe phổ biến, huấn luyện kỹ năng an toàn, những người đàn bà bịt kín mít mặt mũi đầu tóc chống nắng. Một người thợ xây già uống vội viên thuốc giảm đau tợp nước đánh ực, chép miệng với người bên cạnh: “Không uống thuốc giảm đau nhức mình làm không nổi”. Họp xong, Nghĩa gọi Quyên và một tay thầu phụ đến. Anh nhìn cô hỏi:

- Công việc nặng nhọc lắm, làm nổi không.

Cô gật đầu, Nghĩa quay qua gửi gắm:

- Ông phân công cho em nó việc gì phù hợp, cho nó bộ đồ bảo hộ, cái mũ. Chậm tiến độ lắm rồi, tuần sau đổ sàn tầng chín, chủ đầu tư ép bọn tôi cả tháng nay, vài hôm nữa lại có đoàn kiểm tra đấy.

Hôm ấy nắng to, người ta xịt nước bảo dưỡng bê tông liên tục. Nắng phết lên những tấm lưng cắm cúi bóng như quang dầu. Dân công trình - da người ta cứ thế mà dày dần lên. Quyên lắp dựng thép, những ngày đầu lòng bàn tay cô rớm máu. Hoài cho cô ở cùng trong căn lán tạm. Dãy lán tạm khung đỡ bằng cừ tràm, vách tôn lợp bạt chia làm ba ngăn.

Một cặp vợ chồng người Quảng Bình, ngăn của Quyên và Hoài ở ngoài cùng, kẹp ở giữa là ngăn của Đông hộ pháp. Ngăn của Hoài rộng chừng hơn bốn mét, đủ để kê tấm phản ghép bằng mấy tấm ván khuôn phủ phim, cái ghế nhựa đặt bình nước, một cái rương đặt trên phản có khóa, sợi dây thép giăng sát vách vắt nhủng nhẳng vài cái áo cũ. Bên hông có phi đựng nước, nồi niêu chén bát chỏng chơ khi nào đến bữa ăn mới rửa. Bụi bặm quá có muốn thu xếp cho ngay ngắn cũng khó lòng.

Ngày đầu tiên về chung lán với Hoài, lúc chị tháo đôi găng tay, bộ đồ bảo hộ và khăn che mặt đứng rửa ráy bên phi nước, thấy Quyên nhìn chằm chằm hai cánh tay chằng chịt sẹo của mình, Hoài cười chua chát:

- Vết bỏng mười mấy năm làm đậu đấy em ạ. Rồi thì nó còn đánh cho lần lâu lần mới.

Nó ở đây là chồng chị, sau này trong những câu chuyện rời rạc chị kể, Quyên mới biết chị có hai đứa con gái đang ở quê với bà ngoại. Cũng từng có vợ có chồng mà khi xây được nhà mới thì hai gò má chị đã nhô cao, da sạm, tóc thưa, nhìn vào đâu nó cũng không thương nổi. Ngày chị gửi hai đứa con cho mẹ để đi làm xa, bà cứ khóc mãi, giữ chị ở nhà có cháo ăn cháo có cơm ăn cơm.

- Cuộc đời ấy em ạ, đàn bà xấu thì không có quà đâu, lúc đi hăng hái lắm, cứ nghĩ mình sẽ trở thành một điều gì đó ghê gớm vung vinh, mình sẽ khiến cho thằng chồng cũ tha hồ tiếc nuối. Nhưng giờ thì… Mới đầu buôn ve chai cũng ổn, sau chả ăn thua. Có đợt làm công nhân may một thời gian nữa, ngồi mát nhưng không ăn bát vàng đâu. Cắm đầu cắm cổ, cơm canh, cá kho lõng bõng nước, những lần gãy kim tìm mũi kim mỏi mắt mà quản lý nó chửi cho bằng đầu bằng cổ em ơi.

Thi thoảng vài cô bạn thợ may vẫn đến thăm Hoài, mang theo thùng bia, mấy con chim cút quay với chục cặp chân gà. Ai cấm đàn bà nhậu đâu. Họ rủ chị về chuyền may làm cho có chị có em, đàn bà con gái ai lại cứ lăn lóc hết công trình này đến công trình khác. Chị bảo không chịu được mùi máy lạnh, bệnh viêm xoang hít bao nhiêu bụi vải lử khử quanh năm. Ở công trình nắng mưa một tí nhưng làm mệt ngả lưng là lại sức. Những lần thu gom sắt vụn, ông chỉ huy trưởng cũng mắt nhắm mắt mở để giá rẻ cho chị đem đi bán kiếm lời.

Đông hộ pháp nói: “Bây giờ làm công nhân xây dựng cũng đỡ vất vả nhiều rồi, máy móc gánh gần hết những phần nặng nhọc, ngày xưa phải đứng trộn bê tông, khiêng vác è cổ, giờ thì bê tông tươi, cần bơm lên đến tận sàn. Ngày trước mấy anh phụ hồ giống như diễn viên xiếc, người tung người bắt gạch nhịp nhàng, trượt tay một cái có khi nằm viện”. Đông ít nói, ai khích bác rượu chè gã cũng chỉ cười trừ, thân hình cao quá khổ, vai rộng như Từ Hải mà mông lép kẹp. Mấy gã đàn ông bông lơn tục tĩu rằng Đông có đến ba bốn đời vợ mà không bà nào chịu nổi ba đêm. Ngày trước ở quê, gã thường đi kéo xe bò thuê chở bàn ghế bát đĩa cho đám ma đám cưới. Đường quê trèo đèo lội dốc, sức gã phăm phăm, đám xá nào gã cũng có mặt. Người ta mát mẻ gã có họ với cả xã cả huyện. Miếng ăn là miếng tồi tàn.

Công trình đang thi công phần thô, triền miên những ngày lắp dựng thép sàn, thép cột, vận chuyển gạch lên vận thăng. Tiếng búa gõ cốp pha chát chúa, tiếng va chạm của kim loại, tiếng hét gọi vận chuyển vật tư, tiếng máy hàn, máy cắt, tiếng động cơ của xe đào, xe xúc, xe đổ cát đá ầm ầm từ sáng đến chiều muộn. Hai cẩu tháp đứng sừng sững cần mẫn cẩu vật tư lên sàn.

Hoài bảo: “Công trình mà giống như bàn cờ thì chị em mình là mấy quân tốt chạy lăng xăng, ai sai gọi gì làm nấy, nhanh nhẹn thì tốt, chậm chạp cũng chẳng sao. Biết quân tốt là gì không, là cấp thấp nhất đấy. Thợ xây, thợ sơn khá hơn, lương cao nhất thì ít nữa nếu còn làm ở đây sẽ thấy đội thợ đắp phào chỉ, chi tiết trang trí. Đội đó toàn người Huế. Nghe nói công trình này phong cách châu Âu gì đó, nhìn bản vẽ phối cảnh dán ngoài cổng đẹp thấy mê. Hết tháng lãnh lương hoặc cũng có thể lãnh theo tuần. Cần tiền tiêu đỡ thì lấy tạm của chị”.

Ngày làm việc nặng nhọc, đêm ngả lưng là say giấc, người ta lười biếng nghĩ về những điều canh cánh trong lòng. Ở công trình, dễ chịu nhất là những ngày nắng nhẹ. Chiều tan làm Quyên thường dạo một vòng qua khoảng đất trống sau này xây khuôn viên bố trí cây xanh. Ở đấy lớp cỏ vừa cắt khô dần trong nắng quái tỏa ra hương thơm nhẹ nhõm. Chim cu, chim chích không còn chỗ trú bay là là sát mặt đất, đậu chới với trên những lùm cây xấu hổ bền bỉ ra hoa.

Những ngày mưa, lán dột, ngồi trong công trình nhìn ra màn mưa trắng xóa, hơi đất bốc lên mùi hồ, mùi cát đá đặc trưng, Quyên mới thấy nỗi buồn rỉ rả thấm vào lòng mình lạnh buốt, cô nhớ thiết tha ngôi nhà ở quê cậu em trai đang ở cùng ba con chó. Nhà nằm tựa lưng vào núi, cây hồng bên giếng đá mùa này chắc đã chín đỏ au, một hàng chè sau nhà mùa xuân nở hoa trắng muốt. Quyên thi trượt đại học, theo cha mẹ lên thành phố vừa phụ bán hàng vừa luyện thi.

Hôm ấy, Quyên đang ngồi ôn bài trên cái bàn gấp thì mẹ kêu lên thất thanh.

- Mất hết rồi con ạ, nó lấy hết tiền nhập hàng của nhà mình rồi.

Tay thợ sơn ấy hơn Quyên 3 tuổi, mới từ quê ra, ngày nào đi làm về qua cửa hàng của mẹ, hắn cũng xách theo mấy bịch mì tôm. Mẹ thương hại gọi hắn vào cho mượn ít tiền mua nồi cơm điện, lại dúi cho vài cân gạo bảo nấu cơm mà ăn. Cứ thế hắn lân la sang chơi, hắn đã để ý chỗ giấu tiền của mẹ từ khi nào, tính toán kỹ đường đi nước bước.

Sợi dây cao su vút lên lưng lên đầu hai mẹ con. Quyên chạy, tất cả những điều dồn nén bấy lâu bật lên như lò xo, thôi thúc cô phải bỏ trốn, phải biến mất. Thi thoảng, đêm đến, biết chắc bố mẹ đã dọn hàng, Quyên tìm về nhà, ngồi áp tai vào vách tôn được bắn chồng lên mấy hàng gạch xây tạm bợ nghe ngóng. Có hôm, tiếng bố cô lầm rầm chửi mẹ đến hai ba giờ sáng. Đám muỗi bâu kín chân, Quyên đi như vô định về công trình, sương xuống dấp dính trên tóc trên má. Chị Hoài bảo: “Trông mày như ma bắt mất hồn”.

Mẹ gọi, nói bố nguôi ngoai rồi, hiểu cho ông ấy, khổ quá nên mới ác. Ngày bé bị bà nội đánh mắng, bố cũng toàn phải đi ngủ bờ ngủ bụi, lúc đống rơm, khi thì chuồng trâu nhà hàng xóm, đói quá mới mò về.

Đến tháng lãnh lương, Quyên ghé về, dúi vào tay mẹ món tiền lương đầu đời cô kiếm được rồi đi ngay. Mẹ chạy với theo nhét vào tay cô cái túi vải đựng quần áo, mấy cuốn sách luyện thi, vài quả cam vỏ héo queo héo quắt. Đông hộ pháp kéo dây điện, bắt cái bóng đèn sáng trưng, hàn bốn thanh sắt làm khung, đặt lên tấm ván khuôn vuông vắn làm thành cái bàn học kê bên ngoài lán. Xong xuôi, gã vỗ bồm bộp lên mặt bàn nói cụt lủn: “Cho đó”.

Cuối thu rồi, ban ngày nắng hanh, ban đêm gió đã se se lạnh. Buổi tối, anh em kỹ thuật tập trung làm hồ sơ thanh toán trong văn phòng điều hành. Văn phòng điều hành là nhà container lắp ghép, kê đủ một dãy bàn đặt máy tính, hai cái tủ đựng hồ sơ, tuyệt không có một món đồ trang trí. Nghĩa bước đến chỗ Quyên ngồi đọc sách, cầm cuốn Địa lý trên tay lật giở, anh hỏi:

- Ôn thi khối C à, khối C thì cứ chăm chỉ là được. Có cần thông tin tuyển sinh hay kiến thức gì trên mạng thì cứ vào văn phòng. Anh cho mượn máy tính.

Hoài ngồi vắt vẻo ở cửa lán, cất giọng lanh lảnh:

- Em ơi, tuổi trẻ là tài sản đấy, chị làm ở đây cả năm trời đã bao giờ được ai mời vào văn phòng đâu.

Đông nằm trong lán nói vọng ra:

- Bà này ác, để cho anh em nó tự nhiên chỉ bảo nhau.

- Vâng thì tôi ác, tôi xấu, tôi ngu.

Hoài dỗi, kéo cửa lán xuống đi nằm. Lúc Quyên vào, thấy chị thút thít khóc. Quyên bảo: “Có tí thế mà đã dỗi. Chị thích chú Đông chứ gì”.

Hoài nghèn nghẹn: “Không, tại chị nhớ mấy đứa con quá. Chị mà ở nhà, ban ngày tranh thủ việc đồng áng, tối bưng một chậu quần áo lên hiên giặt tận dụng chút ánh sáng ở cái bàn học hắt qua cửa sổ. Em có biết vì sao bàn học bao giờ cũng sáng không? Không phải từ bóng điện đâu, ánh sáng tỏa ra từ những trang sách đấy”.

Mấy hôm sau, có hai người đàn ông đến xin ở nhờ trong lán của Đông. Người đàn ông ngoài 40 tên Thuận có vết sẹo dài trên mu bàn tay, người em họ tên Sơn tốt nghiệp Cao đẳng ngành Cơ khí. Họ trong đội thi công mái hiên, làm một thời gian ngắn tiếc tiền thuê nhà trọ nên xin ở ghép. Chị Hoài bảo “Ba ông to như hộ pháp, rúc vào cái lán bé như lỗ mũi sao trở được mình”.

- Lòng người hẹp mới sợ, lán hẹp sợ gì cô em.

Người đàn ông đưa đẩy. Hoài chửi thầm, dặn Quyên:

- Nhìn mặt rõ dê. Con gái con đứa phải cẩn thận.

Chị lấy bạt che thêm hai lớp lên vách lán, bảo: “Để cho mùi đàn ông đậm đặc đỡ bay sang bên này”. Đêm hôm ấy, cơn giông ập đến, gió lộng đem theo hơi nước lạnh buốt. Đông hộ pháp chép miệng: “Mưa này khủng khiếp đây”, nói đoạn rồi kéo đến một tấm bạt rộng phủ trùm lên mái lán. Mưa đến rất nhanh, ầm ào, nặng hạt, gió thúc vào lán liên hồi. Sáng ra, công trình lênh láng nước, ba cái máy bơm được huy động, công nhân dựng lại góc giàn giáo bị gió quật ngã, mâm, thanh chéo giàn giáo ngổn ngang khắp nơi.

Trời mát lạnh, gió mang theo hơi nước âm ẩm, vừa cắt thép theo bảng detail, Sơn vừa kể chuyện những ngày còn đi học, được đi tham quan cảng biển ở Vũng Tàu, thăm khu phức hợp sản xuất ô tô ở Quảng Nam, thiết bị lắp đặt ở đó hiện đại, môi trường xanh, sạch. Ở những nơi như thế lao động trí óc và lao động chân tay gần như không có khoảng cách. Đấy là nơi làm việc mơ ước của những người như Sơn.

Công trình triển khai công tác xây dựng tường bao, thợ phụ xách vữa, vận chuyển gạch, khoan tường cấy thép râu, toàn những việc nặng nhọc. Nghĩa dặn tay thầu phụ để Quyên vệ sinh mặt bằng. Thuận lên tiếng mát mẻ: “Sơn ơi, rút ngắn khoảng cách giữa lao động trí óc và lao động chân tay là như cậu Nghĩa với em Quyên đây phải không”.

Đông ở gần đấy mắng át đi: “Lo việc của mình đi ông nội”.

Hoài gắt: “Nó bằng tuổi con tuổi cháu ông, ai cũng em với út”.

Tối muộn hôm ấy, cơm nước xong xuôi, hai chị em ghé nhà điều hành nhờ Nghĩa tìm và in giúp Quyên ít tài liệu luyện thi. Đang bấm xấp tài liệu thì Nghĩa có điện thoại ở nhà gọi đến, mặt anh tái mét đi, giọng chùng xuống:

- Mẹ bình tĩnh, con đến ngay.

Nói rồi anh mặc vội chiếc áo khoác, nhét laptop vào balo, dắt xe nổ máy, Hoài dúi vào tay Quyên chiếc mũ bảo hiểm bảo đi theo anh, đêm hôm thế này. Quyên không nghĩ ngợi gì nhiều, cô ngồi lên sau xe, Nghĩa hơi sựng lại nhưng không phản ứng. Anh nổ máy lao ra cổng, Hoài gọi với theo:

- Đi chậm lại em ơi.

Xe chạy nhanh, Quyên im lặng ngồi sau lưng Nghĩa. Đây là lần đầu tiên cô ngồi sau lưng một người con trai. Người ta lại ấm áp, rộng lòng, điềm đạm. Cô từng ao ước có một người anh trai biết bao, để có bất cứ chuyện gì cũng có thể kể cho anh trai nghe mà anh không cả nghĩ, khổ tâm như mẹ. Để mỗi lần cơn thịnh nộ của người cha kéo đến có một cánh tay vững chãi giữ lấy ông, cất giọng cứng rắn nói ông dừng lại. Để có một nơi vịn vào mỗi lần gia đình chới với, lao đao. Lúc này ngồi sau lưng Nghĩa, cảm nhận thật rõ mùi dầu gội đầu, Quyên hơi rung động. Nhưng rất nhanh cô nhận thấy tình cảnh trớ trêu của mình, nhà anh có việc, việc gì, cô là gì của anh ấy. Cô bước vào không gian của người thân trong gia đình anh với lý do gì. Một người đồng hành thì cô còn non nớt quá. Một người em thì e rằng mình đã vội vơ vào. Những thứ lãng mạn hơn cô không nghĩ tới.

- Nghề này không hợp với em đâu. Cứ học hành thi cử hết sức mình, nếu không đậu được đại học, có xin làm công nhân thì hãy xin vào những khu công nghiệp. Ở đó công việc ổn định, có bảo hiểm, sau này còn có lương hưu.

Nghĩa lên tiếng, giọng buồn bã. Anh dừng xe, cởi áo khoác đưa cho Quyên, anh lấy chiếc ba lô ở bụng xe đeo lên trước ngực. Đêm lạnh quá. Xe chạy vào đoạn đường mới trải nhựa chưa gắn đèn đường, trời tối đen như mực. Ánh đèn xe máy yếu ớt loang loáng quét qua những bụi cây ven đường. Hai người đến bệnh viện lúc 3 giờ sáng. Nghĩa đưa chiếc ba lô cho Quyên, dặn cô giữ giúp anh. Quyên nhìn với theo, mẹ và em gái gục lên vai anh. Bố anh bị đột quỵ, thật may đã đến bệnh viện kịp giờ vàng. Chiều hôm sau, Nghĩa chở cô về công trình sắp xếp công việc và xin nghỉ phép. Lúc đi thì thấy xa vô định, lúc về quãng đường như gần hơn. Quyên nói thật nhỏ sau lưng anh:

- Nhìn em gái anh, em cũng muốn có anh trai quá!

Nghĩa nói như đang cười:

- Anh không là anh trai thì chẳng lẽ lại là anh gái của em à!

Công trình nhá nhem tối, Hoài chờ sẵn bảo Quyên có bố đến tìm. Ông ấy vẫn ngồi chờ ở quán nước ngoài cổng. Chị đẩy Quyên bảo đi đi. Cô vô thức với lấy chiếc mũ bảo hộ lao động đội lên đầu rồi tần ngần bước ra cổng công trình. Bố cô đang ngồi xoay lưng lại, dưới ánh đèn nhàn nhạt cô nhận ra chiếc áo kẻ sờn cũ, mái tóc đã bạc, vai ông chùng xuống. Quyên nhớ tấm lưng của bố chi chít những nốt sẹo mẩn ngứa vì phải ngâm mình giữa đầm riu tép những đêm đông, dáng người khắc khổ kia từng đạp xe mấy chục cây số mùa nào chở thức nấy sau lưng. Cô cũng từng tập bơi trên tay bố, lớn lên trên vai bố. Ông xoay người lại, bước đến trước mặt con gái:

- Về với mẹ đi, đêm nào bà ấy cũng khóc. Bố về quê, mấy năm nay chuối tiêu được giá, mấy sào vườn nhà mình lại đang bỏ không.

Quyên thấy cổ họng mình đắng ngắt. Cô dặn bố về trước, cô thu xếp đồ đạc, xin lãnh lương rồi về. Nhìn dáng bố lầm lũi, nước mắt Quyên trào ra.

Hoài bịn rịn lắm, dặn dò như người mẹ dặn con gái đi xa. Đông hộ pháp đứng bên cạnh an ủi:

- Thôi để em nó về, mình sẽ đến thăm sau.

Quyên khoác ba lô lên vai cười nói:

- Hai người rất xứng đôi, chị Hoài thích chú đấy.

Nói rồi Quyên bước nhanh ra cổng, cô ngoái lại khu nhà điều hành, Nghĩa vẫn đang nghỉ phép. Quyên về đến nhà thì bố đã về quê, cô ôm mẹ ngủ, mẹ cứ vân vê mãi đôi bàn tay đầy vết chai của con gái. Sáng hôm sau Quyên dậy muộn, mẹ nói: “Có một anh tìm tới, cậu ấy gửi cho con xấp tài liệu và mấy cuốn sách luyện thi”.

Quyên ôm mấy cuốn sách trên tay, mùi giấy mới tỏa ra thơm quá! 

Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền
.
.