Những mảnh đời của phố
Đôi khi, Nhiên chạnh lòng, chỉ muốn sang nói chuyện, động viên bà Lan dăm câu, tâm sự đôi điều cho bà vơi bớt nỗi buồn, cho bà bớt đi cảm giác cô đơn. Nhưng cô lại sợ, sợ mình dễ gợi nhiều chuyện quá khứ buồn đau cho bà ấy. Thà như, cứ để yên cho nỗi đau lắng xuống, có khi bà Lan còn thanh thản sống tốt hơn.
-Tội nghiệp thằng Giang. Đứa con trai 6 tuổi của nó vừa mới bị con chó nhà nó cắn cho rách hết mặt, mấy chục mũi khâu. Con chó nó còn lôi một mắt ra ngoài. May con mắt kia chưa bị lôi ra thì người nhà kịp thấy - Bà Bình chủ quán trà đá dưới gốc cây xanh nói như nghẹn giọng. Nhiên cảm giác đau tức ở ngực, thốt lên:
- Trời ơi! Kinh khủng vậy bác? Sao lại để con chó cắn đứa bé như vậy trời ơi!
- Bắn chết con chó ngay lập tức. Sao lại để con chó nó cắn đứa bé như vậy? Đấy. Đấy là lí do mà tôi không bao giờ nuôi chó mèo hay bất cứ con gì trong nhà hết. Ông Tư nhà tôi là cứ thích chó mèo. Tối nay về mà nghe chuyện này xong cho ông nuôi chó chắc ông cũng vái cả nón - Bà Minh hàng xóm của Nhiên khua tay, gay gắt.
- Khổ cái là con chó này nó vừa đẻ, bảy con con, mới được có mấy ngày. Bây giờ mà đập chết nó, ai nỡ - Bà Bình lắc đầu.
- Ôi trời. Lại là chó đẻ. Thế thì đúng rồi. Sao lại đi trêu chọc chó đẻ như vậy chứ? Không ai dạy bảo đứa bé sao? Chó đẻ là tuyệt đối không được lại gần - Bà Minh kêu lên vẻ bất lực.
- Khổ thân thằng Giang. Nhà nó tận đâu đó huyện gì gì Trung ở Thanh Hóa. Nó lên đây làm thuê ở xưởng rửa xe này. Chăm chỉ mà ngoan lắm. Ông bà chủ ở đây yêu quý nó lắm nên giữ lại làm bao nhiêu năm rồi. Làm quần quật đấy nhưng vẫn chưa đủ điều kiện đưa vợ con cùng ra đây. Vợ bán rau ở chợ nhưng cũng mới sinh đứa thứ hai là con gái, được 6 tháng tuổi. Thằng lớn gửi về ông bà nội trông hộ. Con chó cái ông bà nhà nó nuôi năm năm nay rồi. Bỗng nhiên có chửa. Nghe nó kể, bình thường thằng bé hay chơi đùa với con chó mỗi khi đến ông bà. Lần này nó về ở với ông bà được mấy tháng. Không hiểu sao thằng bé nó chơi ở dưới sân lại mò vào ổ chó đẻ. Nó bế một con chó con lên thế là con mẹ xông ra cắn xé mới ra cái nông nỗi đó. Ông bà vào kịp thì một mắt thằng bé bị con chó cái nó ngoạm mất rồi. Khủng khiếp quá - Bà Bình nghẹn ngào, lấy tay chấm chấm giọt nước mắt sắp rơi.
Nhiên chẳng còn tâm trạng đâu nữa để ngồi uống nốt cốc trà đá. Cô cảm giác như câu chuyện đang xảy ra với người thân của mình vậy. Giang dù chỉ là một người làm thuê trông coi ở bãi gửi xe nhưng cô vẫn luôn trân trọng con người hiền lành, chất phác ấy. Chẳng mấy khi có một buổi chiều thảnh thơi như hôm nay, cô nghĩ rằng mình sẽ được nhâm nhi cốc trà, ngồi ngắm nhìn những tán lá cây xanh sống hơn nửa thế kỷ đang chở che cho cái quán trà đá chắp vá cùng những thân phận người trong mảnh xóm nhỏ bé này. Thế mà những câu chuyện lại khiến tâm hồn cô chống chếnh những nỗi buồn.
Cô về con phố này cũng được mười năm có lẻ. Con phố này thực ra đều là những ngôi nhà tập thể cũ kỹ. Khi xưa Nhà nước xây dựng để dành cho các cán bộ trong ngành lực lượng vũ trang có gia đình mà chưa có nhà để ở. Riêng ngõ xóm nhà cô, tuyền cán bộ thuộc Bộ tư lệnh Công binh. Họ đều là những con người luôn khiến cô kính trọng. Ít nhất, họ đã từng là những con người vào sinh ra tử - họ đã góp phần máu xương của họ, người thân của họ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, để cho lớp trẻ như Nhiên có được một cuộc sống bình an, không lửa khói như bây giờ.
Dù cô không sinh ra ở đây, nhưng cái mười năm có lẻ sinh sống trong con phố này, đã khiến cô thực sự gắn bó và cô không muốn đi đâu nữa. Vốn dĩ mang trái tim nhân hậu từ khi mới sinh ra, cô lại là một nhà giáo, vậy mà cuộc sống của cô luôn luôn phảng phất nỗi buồn - nỗi buồn không đến từ cá nhân cô, cuộc sống của gia đình cô, mà nỗi buồn từ nhân tình thế thái.
Nhiên từng khóc khi bác bán bánh mì đầu ngõ nhà cô kể chuyện. Vợ chồng bác ấy muộn mằn mới lấy nhau, có được hai mặt con, một trai một gái. "Hai bác yêu chiều các con lắm. Bố nó chưa bao giờ mắng con lấy một câu. Bởi thế nên con gái bác mới ngây ngô, dại dột thế, Nhiên ạ!". Bác ấy kể với đôi mắt đẫm nước. Con gái lớn của bác học xong cấp 3 thì sa vào cuộc tình với người đàn ông đã có vợ và hai con. Cô bé mang thai và sinh con.
Gia đình người tình không thừa nhận đứa cháu. Áp lực từ người vợ và gia đình, người tình của cô bé đã tìm cách tuyệt giao với cô bé, rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm làm cha đứa bé. Cô mang con về nhà cho bố mẹ nuôi. Bằng cấp không có, trình độ không có, đến cả một công việc tay chân như rửa bát thuê, cô cũng chẳng làm được. Với kiểu cách cuộc sống của một đứa trẻ sung sướng từ tấm bé, nắng mưa chưa bao giờ tới chân tới đầu. Vậy nên, chẳng ai muốn tuyển dụng cô cả. Và thất nghiệp, cô lại được bố mẹ nuôi mình như thuở còn lên ba. Cô chỉ biết, vào ra điểm phấn, ra vào tô son. Một ngày trôi qua như bao nhiêu ngày khác vậy. Cậu em trai của cô đẹp như một bông hoa, da trắng, môi hồng, nhưng bị tự kỷ. Mẹ cô vẫn bán bánh mì mỗi sáng sớm. Cha cô vẫn đi xe ôm mỗi chiều. Bước chân tập tễnh, mười năm, lưng còng, mái đầu bạc phếch cùng những đứa con lớn lên theo cách mà họ không hề mong muốn.
Nhiên thương họ, thương gia đình người bán bánh mì với nỗi niềm luôn canh cánh. Rất nhiều lần, cô định nói chuyện và khuyên nhủ đứa con gái lớn của họ. Thậm chí, cô sẵn sàng dạy tiếng Anh miễn phí cho cô bé ấy. Nhưng cô cứ ái ngại, cứ chần chừ mãi. Cô sợ họ nghĩ cô tọc mạch, can dự vào cuộc sống riêng của gia đình họ. Bởi vậy, dự định giúp đỡ con gái bác bán bánh mì của Nhiên không thể trở thành hiện thực. Cô luôn cảm giác áy náy trong lòng mình. Giả như mười năm trước, cô cứ cởi mở, tiếp cận và chơi cùng cô bé ấy, thì cuộc đời của hai bác bán bánh mì, biết đâu sẽ bớt đi nhiều buồn bã, phiền muộn như ngày hôm nay?
Cái sự chần chừ của Nhiên, đôi khi cũng chẳng biết sai hay đúng. Nhiên chẳng biết mình nên bắt đầu từ đâu cho tấm lòng nhân hậu, trắc ẩn của mình. Cách nhà Nhiên một cái ngõ, là gia đình bà Lan, gia đình một Đại tá quân đội. Câu chuyện của họ, cũng như thể là câu chuyện chỉ có thể xảy ra ở những bộ phim trên truyền hình vậy. Bà Bình bán trà đá kể Nhiên nghe rằng, bà Lan có một anh con trai và một cô con gái thứ. Cả hai anh chị ấy đều lớn tuổi hơn Nhiên.
Bà Lan xưa kia làm kế toán cùng cơ quan của chồng mình. Nhưng người chồng vắng nhà suốt. Nhiệm vụ chính trị quan trọng và trách nhiệm lớn lao, đã lấy đi hầu hết thời gian của chồng bà. Mang tiếng chồng là Đại tá quân đội, nhưng hầu hết thời gian, bà Lan phải chăm sóc, nuôi dạy con một mình trong khi công việc cơ quan, đoàn thể bà cũng phải đảm đương. Hai đứa trẻ con nhà bà Lan cũng như những đứa trẻ khác trong thời điểm ấy, đều phải tự cố gắng học hành, ăn ngủ.
Nhiên cũng không hiểu được, trong hoàn cảnh không thiếu ăn, thiếu mặc ấy, mà con trai của họ lại không đủ những hiểu biết, trí khôn để trở thành một con người bình thường như bao người khác. Anh con trai lớn của bà Lan trong một cơn nghiện, đã sốc thuốc mà chết. Năm đó, anh tròn hai mươi tuổi. Người cha đang công tác, hay tin, đau đớn mà đột quỵ ngay tại cơ quan. Ông trở nên yếu bệnh. Ba năm sau thì chết.
Nhà không còn đàn ông. Bà Lan vừa làm cha, vừa làm mẹ đối với đứa con còn lại. Con gái lớn đến tuổi theo chồng, nhà rất xa Hà Nội, một năm được đôi lần về với mẹ. Bà Lan cứ sống lủi thủi một mình, cô quạnh như vậy. Những cái giỗ chồng, giỗ con trai, cứ theo bà hàng mấy thập niên. Bây giờ chạm mốc gần tám mươi tuổi rồi, nhưng những tiếng cười trong ngôi nhà bà Lan là điều vô cùng xa xỉ.
Đôi khi, Nhiên chạnh lòng, chỉ muốn sang nói chuyện, động viên bà Lan dăm câu, tâm sự đôi điều cho bà vơi bớt nỗi buồn, cho bà bớt đi cảm giác cô đơn. Nhưng cô lại sợ, sợ mình dễ gợi nhiều chuyện quá khứ buồn đau cho bà ấy. Thà như, cứ để yên cho nỗi đau lắng xuống, có khi bà Lan còn thanh thản sống tốt hơn.
Và suốt mười năm có lẻ, Nhiên chỉ mới bước vào nhà bà Lan chỉ mới duy nhất một lần. Còn bình thường Nhiên chủ yếu bắt gặp bà ở trong ngõ phố hay một cuộc họp xóm nào đó mà thôi. Nhiên cũng chỉ hỏi thăm, chào bà được một đôi câu. Có hôm ngồi quán trà đá dưới gốc cây đa, Nhiên thấy bà Lan mặc chiếc áo dài màu đỏ rất đẹp, cô khen bà hôm nay đẹp thế. Trông bà cười hạnh phúc như được quà vậy.
Thế mà hôm kia, trước khi nghe tin cậu con trai nhà Giang bị chó cắn, cả xóm xôn xao tin bà Lan mất vào rạng sáng trong giấc ngủ đơn côi. Cô con gái ở xa, phải mất đến một ngày mới có thể trở về bên mẹ mình, chỉ là để tiễn mẹ một chặng đường ngắn ngủi nữa, để bà có thể sang thế giới bên kia.
Nhiên thấy trong lòng xót xa và tiếc nuối. Giá như Nhiên đừng ngần ngại giữ khoảng cách, mà thăm hỏi, gần gũi bà Lan nhiều hơn, thì có lẽ bà ấy sẽ cảm giác được an ủi, được hạnh phúc nhiều hơn. Biết đâu, bà sẽ không ra đi sớm như vậy. Biết đâu, nếu có muốn giã từ trần thế thì bà chắc cũng sẽ thanh thản mà không có nhiều cảm giác tủi buồn. Cô đã không thể trở thành một người hàng xóm đầy ân tình khi cô còn có thể. Nhiên chỉ biết thở dài cho sự ngần ngại, loay hoay mãi ấy. Cô thấy mình đôi khi như sống trong ảo tưởng vậy, toàn là những ảo ảnh của những suy nghĩ không bao giờ trở thành thực tế.
Hôm nay, đứa con của Giang được bố mẹ đưa ra Hà Nội làm phẫu thuật cho con mắt còn lại. Họ đang mong đợi con mắt còn lại ấy sẽ phục hồi, có nghĩa là đứa con của họ có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Tất cả mọi người trong ngõ phố ấy, hầu như ai cũng biết Giang bởi sự nhiệt tình, chất phác mà chịu khó của cậu ấy. Nhà ai có việc, Giang đều có mặt. Có lẽ vì thế mà chuyện của gia đình Giang xảy ra, mọi người trong ngõ phố đều cảm thấy một phần trách nhiệm của họ.
Nhiên cũng vậy. Mỗi người góp một ít trong khả năng, với mong muốn giúp cho đứa trẻ có được một ca phẫu thuật thành công. Ai cũng cầu nguyện cho đứa trẻ có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Giang sẽ tìm cách đưa vợ con ra Hà Nội. Họ sẽ sống trong căn phòng nhỏ được dựng tạm trong bãi xe ấy. Dù thế nào đi nữa, vợ chồng, con cái họ sẽ được ở bên nhau.
Nhiên định chiều nay sẽ nói với Giang, rằng cô sẽ mở một lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bé trong ngõ phố này. Nhiên sẽ nói với Giang rằng, Nhiên sẽ kèm cặp cho con của cậu ấy miễn phí, cho tới khi cô hết kiến thức để dạy cho con của cậu ấy thì thôi. Hân hoan niềm vui vì mình đã có một quyết định đúng đắn, cô ra bãi xe ô tô để nói về buổi học đầu tiên sẽ bắt đầu vào đầu tháng sau. Khi cậu bé ổn định sức khỏe lúc nào, thì sẽ được cô dạy cho lúc ấy.
Bãi xe rộng, toàn xe ô tô, xe máy đủ loại. Nhiên chào bác trông xe lớn tuổi và hỏi thăm Giang. Bất chợt cô thấy một cậu bé đang chơi đùa bên một người phụ nữ. Nhiên tới gần chào hỏi. Đấy là vợ và con trai Giang. "Cô chào cậu bé!". Cậu bé không trả lời, tiếp tục lao đầu về phía chiếc ô tô trắng đang đỗ. Mẹ cậu nỗ lực níu tay cậu lại, đáp trả Nhiên "Cháu chào bác ạ!". Khi người mẹ ôm được cậu bé vào lòng và nựng: "Con yêu. Không nghịch xe kẻo bác mắng đấy. Con ạ bác đi nào!". Cậu bé ngước nhìn Nhiên, cười mếu. Khuôn mặt ngơ ngác tội nghiệp. Khuôn mặt chằng chịt vết thương bị chó cắn. Những vết khâu phẫu thuật đủ hình thù. Một con mắt nhắm hoàn toàn. Một con mắt mở nhưng mờ đục, vô định. Cái đầu nghẹo một bên, môi hơi trề ra. Chân em cứ nhún nhảy, thân hình lắc lư. Người mẹ cứ ôm lấy cậu, sợ cậu lao ra phía Nhiên một cách vô lễ.
Trong thẳm sâu lòng mình, Nhiên như muốn ứa máu. Cảm giác đau đớn trong Nhiên tựa như chính Nhiên là người mẹ ấy. Hình ảnh hai đứa con của cô thoáng hiện trong đầu. Cô có hai đứa con trai bé bỏng cũng hơn cậu bé này vài tuổi. Chúng may mắn làm sao được sinh ra trong sự lành lặn và hạnh phúc. Cô cảm thấy cuộc đời mong manh quá. Phút chốc những tự tin, những viên mãn vốn đang tồn tại trong cuộc đời cô, trở nên giá trị hơn bao giờ hết.
Cậu bé này khiến cho cô cảm thấy, cuộc đời cô sao quá may mắn. Cô có một gia đình, với hai cậu con trai xinh ngoan, mạnh khỏe. Một người chồng thành đạt yêu thương cô hết mực. So với người mẹ này, cô may mắn và hạnh phúc hơn trăm ngàn lần vậy. Cô đứng ngây ra nhìn cậu bé một phút. Người mẹ như chợt hiểu cái nhìn của vị khách, cô trải lòng:
- Cháu sinh ra bình thường bác ạ. Nhưng lúc gần được một tuổi, bố mẹ đi làm, cháu ở nhà với ông bà. Ông bà cũng yêu thương, chiều cháu lắm. Nhưng hôm đó, lại vướng ngày mùa, ông bà mải thóc lúa vì sợ cơn mưa chiều, nên không để ý cháu ngủ trong nhà. Hôm đó cháu lại đang bị sốt vi-rút. Sốt cao quá mức, nên cháu đã bị co giật. Lúc ông bà phát hiện, thì cháu dường như ngất xỉu rồi. Sau đó, thì… cháu đã không còn bình thường nữa rồi bác ạ!". Người mẹ nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe. Nhiên xúc động bỏ kính cận, lấy tay gạt giọt nước mắt đang lăn trên gò má:
- Cố lên em! Dù sao, mình cũng hạnh phúc là có được một đứa con. Dù thế nào đi nữa, cũng là con của mình. Mình sẽ yêu thương con hơn bội phần em ạ. Chị ở gần đây, có gì cứ gọi chị nhé. Chị giúp được gì, chị sẽ giúp. Đừng ngại ngần gì em nhé.
Nhiên xoa lên đầu cậu bé như một cử chỉ của tình yêu thương mà cô có thể bày tỏ lúc này. Người mẹ bé nhỏ lam lũ ấy, khiến cho Nhiên cảm thấy, cho dù có mười lớp học tiếng Anh miễn phí đi chăng nữa, cũng không thể xoa dịu nỗi đau mà cô ấy đang phải chịu đựng, huống gì Nhiên chẳng bao giờ có được cơ hội để mà dạy học cho đứa trẻ ấy. Trong lòng Nhiên trống trải. Đâu dễ dàng để mình có thể giúp ai đó bớt đi nỗi bất hạnh cuộc đời. Càng không bao giờ dễ dàng để được một đứa trẻ như em bé ấy cảm nhận được tình thương yêu của mọi người dành riêng cho nó.
Nhiên lững thững bước đi trên con phố nhỏ bé nhưng rất Hà Nội ấy. Những quán ăn, những cửa tiệm sáng sủa cứ tiếp tục sứ mệnh của chúng, mang đến cho con người những giây phút ấm no, hạnh phúc của bữa cơm hàng ngày. Những quán cóc xen lẫn những gốc cây già, trẻ, cùng tựa vào nhau mà sống, mà tồn tại giữa phố phường của thời đại. Những gốc cây già nua tỏa những lá cành ra hai bên con phố nhỏ bé, như muốn góp phần mở ra những năng lượng tươi tốt cho cuộc đời.Và chúng mặc nhiên thả hồn sống vào từng khô cạn nước mắt thương đau những phận đời mà chẳng có những ngần ngại, những đắn đo hay nuối tiếc điều chi. Chúng hoàn toàn tự nguyện, trong sáng và bản năng cho đi. Cho đi những điều tốt đẹp.
Bất giác, Nhiên cảm thấy nhớ mẹ vô cùng. Tuần trước, mẹ cô gọi điện, trách thầm rằng lâu quá, không thấy cô sang thăm mẹ. Mà quãng đường có bao xa, mười lăm cây số cô đi vèo là tới. Thế mà, cô cứ lần lữa hết ngày này sang ngày khác. Rằng công việc quá bận, khiến cô cứ túi bụi không còn chút thời gian, ngay cả cho chính mình. Rồi cũng đến gần cả hai tháng, cô chỉ gọi điện hỏi thăm mẹ qua loa vậy thôi. Không biết tóc mẹ bây giờ thêm bao nhiêu sợi bạc? Cô lại liên tưởng đến bà Lan. Đã phải cô đơn như thế nào trong cuộc sống và đến cuối đời, bà cũng chẳng thể nhìn thấy được con gái của mình lần cuối.
Giật mình, cô sợ hãi. Ôi mẹ! Con thật là vô tâm. Cô không đợi nữa. Không đợi ngày mai, ngày kia, hay cuối tuần, hay tháng sau gì nữa cả. Cô sẽ về với mẹ ngay bây giờ. Cô không thể chần chừ mãi được. Cô không thể cứ mãi suy nghĩ như việc cô sang với bà Lan hàng xóm. Cô cũng không thể ngần ngại với con gái bác bán bánh mì hay những hàng trăm, hàng nghìn sự lần lữa, ngần ngại trong quá khứ cuộc đời đã đi qua của cô. Không thể mọi thứ chỉ cứ mãi là ý định ở trong đầu. Cô yêu mẹ, cô thương mẹ rất nhiều. Vậy cô sẽ không thể để tình yêu thương đó trong lòng được. Cô phải đưa tình yêu thương đó đến với mẹ. Tình yêu thương của cô để mẹ có thể được sống với nó hàng ngày, là thực, là hiện tại chứ không phải là của ngày mai, của tương lai.
Cô chợt bừng tỉnh. Đúng vậy. Ngày mai thì sẽ muộn. Cô không muốn phải tiếc nuối thêm một điều gì trong cuộc sống nữa, dù đó chỉ là những câu chuyện hàng ngày xảy ra ở xung quanh cô. Cô cần cho đi, trái tim cô vốn dĩ rộng lớn vô cùng. Tại sao cứ phải giấu kín trong lòng như thế? Cô sẽ mở toang cánh cửa, để trái tim có thể đến được với nhiều người. Có gì đâu. Chỉ là những lời tâm tình nho nhỏ, những động viên, quan tâm lẫn nhau. Chỉ là những cái nắm tay ấm áp, những câu chào, thăm hỏi đời thường. Chỉ thế thôi cũng có thể cứu được những tâm hồn khô nẻ, trống vắng, cô đơn. Cô ước gì thời gian có thể quay trở lại. Cô sẽ mở rộng trái tim mình với cuộc sống này nhiều hơn.
Và mình sẽ yêu thương chồng con nhiều hơn nữa. Mình sẽ về với mẹ nhiều hơn nữa. Mình sẽ mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong xóm. Mình sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng. Tình thương yêu sẽ góp phần xóa đi những ưu phiền, đau khổ. Sẽ chẳng có những ngần ngại, những đắn đo hay nuối tiếc. Mình cứ tự nguyện, trong sáng và bản năng cho đi. Cho đi những yêu thương, cho đi những điều tốt đẹp! Mình sẽ luôn như thế!