Như những đóa hồng

Thứ Năm, 16/02/2023, 08:28

Minh Tâm vội vã mở cửa, nắm tay kéo bà Trưởng đoàn rời khỏi xe. Lúc này, ba chiếc máy bay phản lực lồng lộn lao tới gầm rít thị uy, chao lượn như đàn dơi trên bầu trời quanh khu vực nhà máy điện Uông Bí. Thấy khu vực đó không có cây cối hoặc vật che chắn, Minh Tâm lập tức ra lệnh cho mọi người nằm tại chỗ, rồi nhanh chóng nằm úp lên lưng, ôm kín người bà Trưởng đoàn khách nước ngoài.

Cướp , Cướp , Cướp…

Tôi chỉ kịp kêu được mấy tiếng rồi ngất xỉu.

Sau hơn hai giờ, được các bác sĩ bệnh viện Y học cổ truyền tận tình chăm sóc, băng bó vết thương, tôi đã tỉnh lại. Cũng còn may, trên trán bị bầm tím một chòm nhưng không bị chấn thương sọ não. Bắp chân phải tuy chảy nhiều máu nhưng không bị gẫy xương, chỉ “dính” ở phần mềm. Liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường, đã sáu rưỡi tối. Tôi giật mình, hoảng hốt: thôi chết, chiếc xe máy của mình đâu, không biết có còn không? Gói tiền mới lĩnh ở ngân hàng, chắc mất rồi? Mà ai đưa mình vào đây nhỉ?...

Bao nhiêu câu hỏi chẳng có lời giải làm đầu óc tôi cứ rối như tơ vò. Ngồi dậy, định chạy đi hỏi bác sĩ thì cái cẳng chân phải đang quấn bông băng trắng toát, nó “phản” lại tôi. Bất lực, tôi lại nằm xuống thở dài thườn thượt, trong lòng như có lửa đốt… Vừa lúc đó, nữ bác sĩ trực dẫn vào một người đàn ông đã luống tuổi, da ngăm đen, mặc trang phục Cảnh sát làm tôi ngỡ ngàng. Đi sau là một phụ nữ cao ráo, nước da trắng hồng, khuôn mặt khả ái. Đến đứng cạnh giường, người nữ bác sĩ chỉ tay vào tôi rồi nói với chú Công an:

- Báo cáo anh, đây là bệnh nhân Phùng Thị Ngọc, nạn nhân bị ngã xe máy trong một vụ cướp giật, mới được hai người dân đi đường đưa vào đây lúc bốn giờ chiều.

- Cảm ơn bác sĩ - Rồi chú Công an nhìn sang tôi, ân cần hỏi - Cháu bị cướp trong hoàn cảnh nào? Ở đâu?

- Dạ. Khoảng hơn ba giờ chiều, cháu từ Ngân hàng Công thương trên đường Nguyễn Trãi ra thì gió mùa Đông Bắc tràn về. Trời lất phất mưa bụi. Cháu vội treo chiếc túi xách vào chiếc móc ở cổ xe rồi phóng về. Khi rẽ sang đường Kim Giang được một đoạn, có hai thanh niên đi xe máy từ phía sau vượt lên ép xe cháu. Tên ngồi sau cúi người giật mạnh chiếc túi xách làm đổ xe, đè ngang chân cháu. Quá hoảng hốt, cháu chỉ kịp hô: “Cướp, cướp, cướp” rồi ngất xỉu, không biết gì nữa. Có lẽ lúc đó cháu bị choáng do đập trán xuống nền đường.

- Cháu đi xe đạp hay xe máy?

- Cháu đi xe máy, loại Hon Đa 50 phân khối, mang biển số 29- T1 32...

- Trong túi cháu có bao nhiêu tiền? - Chú Công an hỏi tiếp.

- Tròn một trăm triệu đồng gửi tiết kiệm, vừa rút ở ngân hàng chú ạ.

- Cháu gái chủ quan quá. Nếu cháu để túi tiền trong cốp xe hoặc buộc chặt vào giá để hàng trước yên xe thì bọn chúng khó có thể lấy được. Cháu nên nhớ, những người lĩnh tiền từ ngân hàng ra thường bị kẻ gian theo dõi, lợi dụng lúc họ sơ hở là lấy cắp, cướp giật hoặc trấn lột, nên phải cảnh giác khi đi qua những đoạn đường vắng. Rất may cho cháu, nhờ có chị Minh Tâm phát hiện - chú Công an chỉ vào người đi cùng - đuổi theo khống chế được hai tên cướp giải về Công an Phường Kim Giang, sớm thu hồi được toàn bộ tài sản cho cháu. Lẽ ra, chú mời cháu đến trụ sở cơ quan để nhận lại xe và số tiền bị cướp, nhưng biết tin cháu bị thương phải nằm viện, nên chú cùng chị Minh Tâm đến thăm và trực tiếp trao lại tiền cho cháu yên tâm. Riêng chiếc Hon Đa 50, một người dân đã đem đến giao cho Công an phường. Cháu cứ yên tâm điều trị, khi nào khỏi mời cháu đến lấy hoặc ủy quyền cho người nhà nhận hộ.

Trước khi về, chị Minh Tâm còn nán lại, lấy túi trái cây đặt trên chiếc tủ con đựng tư trang của tôi, dịu dàng nói:

- Nghe tin em bị ngã phải vào viện điều trị, chị có cân cam cho em đây, chúc em sớm bình phục sức khỏe.

- Chị nhiệt tình với em quá. Em không bao giờ quên sự cứu giúp và tình cảm của chị dành cho em.

- Có gì đâu em, bảo vệ tài sản và sự bình yên cho người dân cũng là trách nhiệm của bọn chị mà.

*

Năm ngày sau tôi được ra viện. Bác sĩ cấp thuốc về điều trị tại nhà, hẹn tuần sau đến thay băng và khám lại. Biết tin tôi bị tai nạn, Liễu - bạn gái thân của tôi từ khi còn học cấp ba trường huyện đến thăm tôi. Hồi ấy, tôi và Liễu cùng nộp hồ sơ để thi vào Trường Công an. Liễu cao ráo, xinh gái lại học giỏi nên trúng tuyển. Còn tôi “thấp bé nhẹ cân” nên bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, đành chấp nhận vào Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy học khác trường, nhưng tôi và Liễu thường xuyên liên hệ với nhau và trở thành đôi bạn tri kỷ từ đó đến giờ. Vừa bước chân vào nhà, Liễu đã trách tôi:

- Cậu tệ thật, bị bọn cướp giật làm đổ xe, gây tai nạn phải nằm viện gần tuần nay mà không báo cho tớ biết.

- Mình cũng đắn đo mãi, định báo tin cho cậu biết rồi lại thôi. Biết cơ quan cậu bận lắm, hết bảo vệ đoàn nọ lại đến hội nghị kia, nên tớ sợ làm phiền đến cậu.

- Đành là vậy, nhưng tớ vẫn bố trí thời gian đến thăm cậu được chứ. Cũng may, mình vừa đi công tác về, tình cờ được một chị cùng đơn vị cho biết, chị mới truy đuổi và tóm cổ được hai thằng cướp giật túi tiền của một phụ nữ đi đường. Tớ tò mò hỏi mới hay, chị ấy đã đến bệnh viện thăm nạn nhân của vụ cướp giật. Nạn nhân đó lại chính là cậu, nên tớ vội phóng xe đến đây luôn.

Tôi sửng sốt:

- Có phải tên chị là Minh Tâm không?

- Đúng rồi. Sao cậu biết?

- À, tối hôm tớ mới vào nhập viện, có một chú Công an Phường Kim Giang đến giới thiệu người phụ nữ đi cùng tên là Minh Tâm, đã trực tiếp bắt được hai tên cướp giật túi tiền của tớ. Lúc ngồi đối diện, nhìn kỹ khuôn mặt của chị có nét quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu rồi mà không dám hỏi.

2192ffcc88d0528e0bc1.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Chợt nhớ ra trong tủ có mấy tấm hình chụp cũng đã lâu, tôi vội tập tễnh ra mở ngăn kéo lấy tập ảnh, lật giở vài lần rồi rút ra một tấm chụp người phụ nữ vận trang phục vest đen lịch lãm, đứng cạnh một phụ nữ ngoại quốc đưa cho Liễu. Tôi chỉ vào hình người phụ nữ mặc bộ vest đen trong ảnh, hỏi:

- Có phải người này tên là Minh Tâm, cùng đơn vị với cậu không?

- Chính xác một trăm phần trăm - Liễu khẳng định - Thế cậu lấy đâu ra tấm hình này?

- Cậu không biết à? Hồi đoàn của phu nhân Quốc trưởng Norodom Sihanouk đến thăm làng hoa Ngọc Hà, tớ phải công phu lắm mới “chộp” được cận cảnh tấm ảnh này đấy.

- Ảnh rất đẹp. Có lẽ hồi đó mình đang tham gia bảo vệ hội nghị trong thành phố Hồ Chí Minh nên không đi cùng đoàn.

- Sao ở ngoài đời thật, chị ấy rất tươi tắn, vui vẻ, dễ gần mà nhìn trong ảnh lại lạnh lùng như đặc vụ Mỹ vậy?

- Cái “nghề” của bọn tớ nó vậy. Đa số phu nhân các Trưởng đoàn khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam, họ thường “đòi” đi thăm quan các vùng làng quê, các xóm bản người dân tộc thiểu số hay phố cổ…, nên công tác tiếp cận, bảo vệ khách của những nữ Cảnh vệ rất vất vả. Vừa phải quan sát các mối đe dọa xuất hiện từ xung quanh, tác động vào đối tượng mà họ làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa phải giữ được khoảng cách an toàn cho các yếu nhân, đồng thời tạo điều kiện cho các phóng viên, báo chí trong nước và nước ngoài chụp ảnh, đưa tin sự kiện. Không những thế, họ còn phải tạo không gian hợp lý để người dân bày tỏ sự thân thiện, mến khách với các vị khách quốc tế. Chắc bức ảnh cậu chụp khi Minh Tâm đang lúc tập trung cao độ vào công việc nên khuôn mặt chị ấy căng thẳng, nghiêm nghị.

- Tớ cứ tưởng lính Cảnh vệ bên cậu sướng hơn cánh nhà báo bọn tớ nhiều, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, có xe đưa xe đón.

- Cậu nhầm rồi, nhìn bề ngoài thì tưởng vậy. Cậu biết không, nhiều cuộc họp, hội đàm chỉ diễn ra trong vòng hai đến ba giờ, nhưng đối với các chiến sĩ Cảnh vệ thì phải làm nhiệm vụ trong suốt thời gian trước và sau sự kiện, nên thời gian đứng có khi đến năm, sáu giờ liền. Có những hôm đứng như vậy từ sáu giờ sáng đến mười một rưỡi đêm mới về đến khách sạn, ai nấy đều mệt bã người. Riêng những hoạt động bảo vệ điểm, bắt buộc phải có mặt từ hai đến ba giờ trước khi diễn ra sự kiện, nên các chiến sĩ nữ phải dậy từ rất sớm, tranh thủ trang điểm nhẹ, trang phục gọn gàng, chỉnh tề rồi lên xe. Có hôm sớm quá, khách sạn còn chưa kịp chuẩn bị đồ ăn, mỗi người đành cầm theo chiếc bánh mỳ và chai nước lọc lên ô tô, tranh thủ ăn sáng ngay trên xe…

*

Mới đó mà đã hai mươi năm…

Cũng hai mươi năm qua, tôi và chị Minh Tâm chơi với nhau thân thiết như người nhà. Những lần đến thăm, chị thường kể cho tôi nghe những mẩu chuyện thú vị khi tháp tùng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ra nước ngoài hay các đoàn khách quốc tế sang thăm nước ta. Có điều đặc biệt, chị không bao giờ tự nói về mình. Tôi biết do đặc thù công việc, đòi hỏi người chiến sĩ Cảnh vệ phải tuyệt đối giữ bí mật nên tôi cũng không gặng hỏi. Nhưng qua Liễu, tôi cũng biết được đôi điều về chị, mà cảm phục nhất là chuyện chị băng mình che bom bảo vệ người nữ Trưởng đoàn khách quốc tế…

Tối hôm ấy, chiếc xe ô tô bảy chỗ ngồi chở đoàn đại biểu Đảng cộng sản Venezuena do bà AlicaZanizet, ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn đi thăm tỉnh Quảng Ninh, trong lịch trình sang thăm và học tập kinh nghiệm đấu tranh, chiến thuật chiến tranh du kích của nhân dân Việt Nam. Để tránh máy bay địch oanh tạc, đoàn xuất phát lúc bảy giờ tối.

Các chiến sĩ Cảnh vệ được giao nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn khách này, trong đó chị Minh Tâm vừa giỏi nghiệp vụ, giỏi võ thuật, lại thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung nên được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp cận, bảo vệ bà nữ Trưởng đoàn. Khi xe chạy còn cách nhà máy điện Uông Bí khoảng hai trăm mét thì bất ngờ phát hiện tiếng máy bay phản lực gầm rú trên bầu trời.

“Dừng xe lại, có máy bay địch” - Chị Minh Tâm hô to gần như ra lệnh với người lái xe. Do phanh gấp, chiếc xe bẩy chỗ giật cục rồi theo quán tính, nó chồm lên lăn tiếp quá nửa vòng bánh xe thì dừng hẳn. Minh Tâm vội vã mở cửa, nắm tay kéo bà Trưởng đoàn rời khỏi xe. Lúc này, ba chiếc máy bay phản lực lồng lộn lao tới gầm rít thị uy, chao lượn như đàn dơi trên bầu trời quanh khu vực nhà máy điện Uông Bí. Thấy khu vực đó không có cây cối hoặc vật che chắn, Minh Tâm lập tức ra lệnh cho mọi người nằm tại chỗ, rồi nhanh chóng nằm úp lên lưng, ôm kín người bà Trưởng đoàn khách nước ngoài.

Trong khoảnh khắc, chiếc F-105 dẫn đầu hạ độ cao, bổ nhào xuống cắt bom. Liền sau đó là những tiếng nổ đinh tai, rung chuyển cả đất trời làm bà AlicaZanizet nằm phía dưới cứ run lên bần bật. Một quả bom rơi cách chỗ mọi người đang nằm khoảng hơn hai mươi mét, tạo thành một hố rộng và sâu như chiếc giếng làng, đùn lên cuộn khói đen khổng lồ, trùm kín một khoảng không gian rộng lớn. Đất đá bay rào rào tứ phía. Mùi khói bom khét lẹt cùng với cát bụi bay mù mịt làm mọi người ngột ngạt, khó thở.

Đột nhiên, không biết mảnh bom hay một vật gì đó vừa cứng, vừa nặng rơi giữa lưng làm Minh Tâm đau điếng. Nghĩ đến trách nhiệm phải bình tĩnh, để động viên mọi người trong đoàn an tâm, chị đã cố nén đau để không phát ra tiếng kêu. Sau khi cắt bom, chiếc F-105 chưa kịp ngóc đầu lên để chuồn thì bị trúng đạn pháo phòng không của ta bắn lên từ bốn phía, làm nó chúc đầu lao xuống một sườn núi phía Tây Nam thị xã Uông Bí và bùng cháy sáng rực một góc trời. Thấy vậy, hai chiếc máy bay phía sau hoảng hốt chuồn thẳng.

Hết tiếng pháo, Minh Tâm cùng mọi người trở dậy, lên xe định đi tiếp thì phát hiện phía trước, hố bom đã cắt đôi Quốc lộ 18. Chị đề xuất cho đoàn quay lại Hà Nội. Đi được khoảng 3km, chị yêu cầu cho xe dừng lại để kiểm tra tình hình sức khỏe của các thành viên trong đoàn. Minh Tâm rất mừng khi thấy trên người và tay, chân bà Trưởng đoàn khách không vết trầy xước. Các thành viên trong đoàn vẫn an toàn. Riêng cậu lái xe bị xây xước nhẹ ở bả vai.

Ngưỡng mộ và cảm phục trước hành động làm “lá chắn sống” xả thân che bom, đỡ đạn cho mình, bà AlicaZanizet dang hai tay ôm chầm lấy người nữ chiến sĩ Cảnh vệ mới hai mốt tuổi đầu. Bà âu yếm đặt lên má chị Minh Tâm những nụ hôn thắm thiết. Hai khóe mắt bà ngân ngấn nước vì xúc động… Mặc dù rất đau nhưng chị vẫn nở nụ cười tươi như bông hồng chớm nở lúc ban mai để đáp lại những tình cảm nồng thắm, thân thương mà bà Trưởng đoàn đã dành cho mình. Bà đâu có biết, khi dang tay ôm Minh Tâm xiết chặt, bà đã vô tình ghì vào vết thương phía sau lưng làm chị đau điếng. Chỉ đến lúc chị “được” yêu cầu kiểm tra, dưới ánh đèn pin, mọi người mới tá hỏa khi thấy phía sau lưng Minh Tâm có một vết thương vẫn đang rỉ máu.

… Tròn một năm sau, Minh Tâm bất ngờ nhận được thư của bà AlicaZanizet. Đọc thư, Minh Tâm càng ngạc nhiên hơn khi thấy bà gửi lời chúc mừng chị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, được lãnh đạo Bộ Công an thăng cấp bậc hàm trước niên hạn về thành tích lấy thân mình che bom cho bà năm trước… Những năm sau đó, cũng vào những ngày này, bà vẫn gửi thư thăm hỏi chị. Lần nào bà cũng nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc trong chuyến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu lòng mến khách. Minh Tâm không thể ngờ rằng, một việc làm bình thường, đương nhiên của người lính Cảnh vệ để bảo vệ khách quốc tế lại có tầm ảnh hưởng rộng lớn và gây ấn tượng mạnh mẽ đến thế đối với vị nữ Trưởng đoàn khách Venezuena …

*

- Cô em viết gì mà mải miết thế?

Đang tập trung chỉnh sửa lại bài ký để gửi đăng Báo Văn nghệ vào tuần tới, nghe có tiếng hỏi làm tôi giật mình. Ngẩng mặt lên, nhận ra người quen đang đứng trước cửa nhà, tôi reo lên:

- A chị Minh Tâm. Chị đến chơi mà không báo cho em biết trước. Mà sao hôm nay “rồng” lại đến nhà “tôm” thế này? - Tôi đùa chị.

- Em không nhớ hôm nay là ngày Chủ nhật à? Với lại… chị cũng nghỉ công tác rồi. Bây giờ thoải mái thời gian chị em mình tâm sự với nhau, tha hồ đi đây đi đó.

- Thế thì vui quá. Chị về hưu bao giờ vậy?

- Chị mới có quyết định nghỉ chế độ từ đầu tháng Ba vừa rồi em ạ.

- Mời chị ngồi ghế. Em đi pha cốc nước cam để chị uống.

Chị Minh Tâm xua tay:

- Thôi khỏi cần. Chị mới có khách, vừa uống ở nhà rồi. Khi khách về là chị đến đây ngay. Em ngồi xuống đây, chị em mình nói chuyện cho vui…

Đã lâu lắm mới được chị Minh Tâm dành cho tôi cả buổi chiều để tâm sự. Khi còn đương chức, phần vì bận, phần do yêu cầu giữ bí mật công tác nên những lần đến thăm chị, tôi cũng không dám hỏi nhiều. Hôm nay, sau khi thăm hỏi tình hình gia đình, chị đã “tiết lộ” cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện thú vị khi tháp tùng, bảo vệ các Nguyên thủ quốc gia, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài. Đột nhiên tôi hứng khởi cắt ngang lời chị:

- Chị sướng thật đấy, được chu du bao nhiêu nước, chứ như em chỉ tác nghiệp chủ yếu ở trong nước, ít khi được ra nước ngoài.

- Sướng gì đâu em, có những chuyến đi, lính Cảnh vệ bọn chị phải lo “bạc” cả mặt ấy chứ. Nhất là ở những nước có tình hình chính trị, xã hội phức tạp, đòi hỏi người chiến sĩ Cảnh vệ phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt khó và sử dụng kiến thức tổng hợp để xử lý nhanh nhậy, chính xác, kịp thời khi gặp sự cố bất ngờ hoặc những tình huống phức tạp phát sinh. Chị còn nhớ mãi chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại bốn nước châu Mỹ là Colombia, Mỹ, Braxin và Cuba. Trước khi đến Colombia, nước chủ nhà đã cảnh báo về tình hình hoạt động của bọn tội phạm, đặc biệt là tội phạm khủng bố, nên các đoàn đều phải thuê xe chống đạn cho Trưởng đoàn. Một tình huống phát sinh không có trong “lập trình” của đoàn Việt Nam. Ấy là việc không còn xe chống đạn để thuê, do đoàn tiền trạm của ta đến chậm.

- Thế sau đó xử lý thế nào hả chị? - Tôi sốt ruột hỏi.

- Trước tình thế đó, để đáp ứng yêu cầu của công tác cảnh vệ, chỉ huy đoàn đã điện xin ý kiến chỉ đạo trong nước, đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp với các bên liên quan. Giao cho Sứ quán ta tại nước sở tại thuê xe chống đạn từ Achentina, chở theo đường tàu biển sang Colombia, kịp thời phục vụ các hoạt động của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại nước này. Còn ở Mỹ, tình hình cũng phức tạp không kém. Một số nhân vật trong chế độ cũ đã di tản, các đảng phái phản động có thái độ rất cực đoan, thù địch với Đảng và Nhà nước ta. Do đó, công tác cảnh vệ phải lên nhiều phương án xử lý tình huống khác nhau, đề phòng các hoạt động phá hoại. Vì vậy, các phương án tác chiến đều được các chiến sĩ Cảnh vệ đưa vào “lập trình”. Em biết kết quả chuyến đi thế nào không? Do làm tốt công tác cảnh vệ nên mọi hoạt động của Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra suôn sẻ ngoài mong đợi, trước sự ngỡ ngàng và thán phục của phía An ninh Mỹ đi tháp tùng…

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ và bí quyết thành công trong sự nghiệp của chị, giọng chị ấm áp:

- Kỷ niệm thì nhiều lắm em ạ, nhưng kỷ niệm không bao giờ quên được là lần chị được gặp Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hồi ấy, đang đi công tác xa thì Phòng Nghiên cứu Tổng hợp báo tin chị về gặp Bộ trưởng gấp. Chị vừa mừng vừa lo, không biết Bộ trưởng gặp có vấn đề gì. Đến khi tiếp xúc, trước tình cảm thân mật và gần gũi của Bộ trưởng, mọi lo lắng của chị tan biến hết. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, Bộ trưởng cho biết, một đoàn khách cao cấp rất có thiện cảm với Việt Nam do Nguyên thủ quốc gia dẫn đầu sắp sang thăm nước ta. Mặc dù đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, họ vẫn tha thiết đề nghị được đến thăm một địa phương tuyến đầu của cuộc kháng chiến thuộc Quân khu Bốn. Bộ trưởng nêu yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là đảm bảo giữ bí mật chuyến đi, đồng thời bảo vệ an toàn tuyệt đối cho vị Trưởng đoàn khách cũng như các thành viên trong đoàn, và động viên chị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tự nhiên, nét mặt chị rạng rỡ “khoe" với tôi:

- Trước khi ra về, chị còn được Bộ trưởng tặng “quà” nữa, em biết là gì không? - Chị vừa hỏi lại tự trả lời - Đó là một khẩu súng ngắn siêu nhỏ em ạ. Lúc ấy, chị vừa bất ngờ, vừa hồi hộp và xúc động… Những tình cảm cũng như sự quan tâm, động viên của Bộ trưởng là động lực giúp chị vượt qua khó khăn gian khổ và nguy hiểm để phối hợp cùng đồng nghiệp bảo vệ thành công chuyến đi đặc biệt của đoàn khách này. Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, vị Trưởng đoàn khách nước ngoài rất phấn khởi, hết lời ca ngợi sự tài trí, đức kiên trung và tấm lòng nhân hậu của các chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam…

Tuy chưa gặp trực tiếp, nhưng qua mối quan hệ công tác, tôi cũng ít nhiều biết được tên tuổi và tài năng của vị chỉ huy rất có uy tín này. Với tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Công an lâu nhất, tôi nói với chị Minh Tâm:

- Vị “Tư lệnh” ngành bên chị hết ý đấy. Đứng đầu một lực lượng vũ trang trọng yếu với bộn bề công việc mà ông vẫn dành thời gian gần gũi và quan tâm đến người lính như chị khi ấy. Chắc chị đã được gặp Bác Hồ?

- Nở nụ cười rất tươi, chị vui vẻ trả lời:

- Chị có may mắn là nhiều lần được gặp Bác. Nói thật với em, trong cuộc đời của chị, những lần được gặp Bác là niềm vinh dự và hạnh phúc nhất. Chị cũng như các chiến sĩ Cảnh vệ khác được Bác ân cần chỉ bảo, dạy dỗ và dành tặng những tình cảm hết sức gần gũi, thân thương; được xem phim với Bác vào những tối thứ bảy; cùng các “diễn viên” biểu diễn văn nghệ cho Bác xem vào dịp Ba mươi Tết hàng năm mà chị vừa là người dẫn chương trình, được Bác khen ngợi… Những hình ảnh về Bác kính yêu đã in đậm trong tâm khảm và tiếp thêm nghị lực cho chị cùng đồng đội đi suốt hành trang sự nghiệp của mình.

- Thật tuyệt vời. Nhất chị đấy. Em cũng đã được nghe kể nhiều về Bác, nhưng được gặp Bác thì em mới thấy ở… trong mơ…

Tiễn chị Minh Tâm ra về khi ánh hoàng hôn đã dát lên bầu trời phía Tây một màu tím xẫm. Đã từ lâu, tôi luôn dành cho chị những tình cảm trìu mến và ngưỡng mộ. Lúc ra ngõ, tôi vẫn đứng ngắm nhìn và dõi theo cho đến khi chị đi khuất hai dẫy hàng rào dâm bụt đang bung nở những bông hoa đỏ thắm. Gần bốn mươi năm tận tụy, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp cao cả của ngành,chị vẫn trẻ trung, xinh đẹp, vẫn phong độ và tràn đầy sức sống. Chị thật xứng đáng với sự suy tôn của đồng đội là “Bông hồng thép” của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

Truyện ngắn của Trần Phúc Dương
.
.