Như một vòng tròn
Dậu thức giấc, đưa tay sang trái tìm nàng. Dậu nhớ lại chuyện xảy ra đêm hôm qua khi nàng xuất hiện trước mặt hắn trong bộ đồ bó sát tôn lên đường cong của cơ thể, cộng với ánh đèn mờ ảo rọi vào khuôn mặt càng khiến nàng thêm quyến rũ và cả sự cuồng nhiệt của nàng khiến hắn ngất ngây. Đúng là nàng sinh sống ở nước ngoài, không giả vờ e thẹn như những cô gái trẻ khác.
Dậu đáp chuyến bay tới Đà Nẵng vào chiều muộn bằng một lý do không thể dở hơi hơn được nữa: Về thăm quê. Đành rằng, Đà Nẵng là quê hương của hắn, nhưng đã hơn 20 năm hắn chưa một lần về thăm quê cũ. Ở đó không còn ai thân thiết, ngoại trừ một vài người bà con xa mà theo như hắn là “đại bác bắn ba ngày chưa tới”. Dẫu mỗi lần những người bà con đó vào đây thăm thú, Dậu vẫn ân cần tiếp đón, âu cũng chỉ để cho người ta thấy hắn chưa quên cội quên nguồn.
Ngân, vợ hắn dường như không tin vào lý do của chồng nhưng cũng như hàng chục lần trước đó, chỉ lặng lẽ gật đầu. Nhiều lúc Dậu không biết phải vui hay buồn cho cái sự tự do mà mình có được. Trong khi đám bạn của Dậu chỉ cần bước ra ngoài đã nghe tiếng điện thoại reo réo thì với hắn cứ gọi là “mát trời ông địa”. Lúc đầu, Dậu cũng thấy tự hào với đám bạn nhưng riết rồi lại đâm chán. Mà cũng kì, người ta chán vì bị kìm kẹp, còn hắn chán vì quá tự do.
Ngân có bồ? Dậu cũng từng nghĩ. Nhưng nhìn lịch trình của vợ bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Sáng đưa con đi học, rồi đi làm. Chiều về lo cơm nước. Tối đến lướt phây hay săn đồ giảm giá. Chấm hết. Không tìm được điểm khả nghi, Dậu đành giải thích theo cách của mình rằng, Ngân bị lãnh cảm và thứ mà Ngân quan tâm là tiền lương Dậu đem về mỗi tháng hơn là cái thân xác đã gần năm mươi có phần xập xệ của hắn.
Nhưng Ngân không quan tâm thì hắn sẽ tìm người khác. Đàn ông mà.
Người đầu tiên Dậu nhắm tới là một nữ đồng nghiệp. Một ả trạc tuổi, da trắng, mắt ướt, có chồng là thủy thủ. Không mất quá nhiều thời gian để hắn thiết kế một cuộc hẹn trong nhà nghỉ với ả đàn bà đang đói tình dài hạn. Nhưng khổ nỗi, đàn ông tuổi này như khẩu pháo hoen rỉ thì ngược lại, đàn bà cứ hừng hực hồi xuân. Cuộc tình công sở nhanh chóng đến hồi kết thúc khi trào lưu “săn Hồng Hài Nhi” bắt đầu nổi lên và ả nhanh chóng tìm được người thay thế, không quên ném lại cho hắn câu nói có phần mai mỉa: Chỉ được hai phút, cũng đòi…

Dậu không buồn không tiếc nhưng câu nói của ả chạm vào tự tôn của một thằng đàn ông. Phải đổi gió. Hắn không tìm một người đàn bà dạn dày kinh nghiệm nhưng ba vòng bắt đầu chảy xệ nữa, mà là một cô gái đang độ tuổi xuân thì. Biết đâu sự tươi trẻ và đầy đặn sẽ giúp hắn kéo dài thời gian hưng phấn.
Thành phố đón nhận hàng loạt những dự án đầu tư lớn. Các công ty, xí nghiệp nhanh chóng mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo hàng vạn người từ nơi khác về đây làm việc là mảnh đất màu mỡ cho cánh thợ săn như hắn tìm “mồi”. Cuộc sống buồn chán khi xa nhà, ngày tăng ca, tối về ru rú trong căn phòng trọ chật chội, cộng với đồng lương công nhân eo hẹp của các cô gái trẻ là điểm yếu mà hắn có thể tận dụng. Bởi vậy chỉ qua vài lần gặp gỡ, dăm ba món quà, cộng thêm một ít tiền hứa sẽ chi ra mỗi tháng, Dậu nhanh chóng thiết lập “phòng nhì”. Một cô gái mới ngoài 20 tuổi, quê miền Tây lên đây làm công nhân cho một công ty may mặc. Mà thực tình những thứ đó Dậu cũng không để ý, thứ mà hắn cần là đều đặn một tuần hai lần đến phòng trọ, xong việc lại rời đi. Tất nhiên chuyện này phải hoàn toàn bí mật.
Đúng là gái trẻ mang lại sự tươi mới nhưng cái “hai phút” của hắn vẫn không thể nào thêm hơn được nữa, cho dù đã thử nhiều cách. Sau vài tháng, hắn cũng dứt tình gái trẻ.
Những tưởng Dậu sẽ trở về làm người chồng ngoan ngoãn thì đùng một cái, nàng xuất hiện.
Nàng đẹp. Tất nhiên rồi. Mặc dù Dậu mới chỉ nhìn thấy nàng trên “phây”. Nhưng thứ làm cho hắn ấn tượng lại là cái tên của nàng: Hàn Thủy. Ngắn gọn và súc tích, mà theo như lời nàng giải thích: Hàn Thủy là nước của sông Hàn. Dậu bật cười thích thú. Hóa ra giữa nàng và hắn cũng có chút liên quan. Hắn quê ở Cẩm Lệ, nơi bắt đầu của con sông Hàn trước khi chảy qua thành phố rồi đổ ra biển.
Những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại từ nàng làm Dậu như bị thôi miên. Dễ đâu tìm được một người vừa tâm lý vừa chu đáo, lại biết lắng nghe như nàng. Như cái bữa Dậu bị ông sếp mắng vì chưa hoàn thành dự án. Lỗi không phải của mình nhưng hắn vẫn phải nín thinh. Bực bội. Hắn đành tìm nàng để trút, dù biết nàng đang bận, rất bận. Cuộc sống của một người mẹ đơn thân như nàng ở “xứ sở cờ hoa” không dễ dàng nên phải làm nhiều công việc để kiếm sống. Ấy vậy mà nàng vẫn chịu ngồi nghe hắn kể lể hơn nửa tiếng đồng hồ kèm theo những lời động viên an ủi. Rồi những đêm khi Dậu đang làm việc thì nhận được tin nhắn từ nàng: “Em chuẩn bị đi làm. Anh ngủ sớm nhé. Không lại ảnh hưởng đến dạ dày”. Lâu rồi hắn mới thấy có người quan tâm mình như thế.
Từ quen biết, Dậu chuyển sang thích, rồi yêu lúc nào không rõ. Bởi vậy lần này Dậu quyết định về quê cho bằng được khi biết tin nàng sẽ ghé Đà Nẵng phiên dịch cho một đoàn khách Mỹ, nhưng sẽ tới sớm hơn một ngày để dành cho hắn.
Quãng đường từ sân bay về trung tâm thành phố, nơi Dậu đặt trước khách sạn chưa đầy 6 cây số nhưng với hắn lúc này là 60 cây. Dậu chỉ muốn nhanh chóng về nơi ở, tắm rửa rồi lên kế hoạch cho cuộc gặp tối nay. Hắn tưởng tượng cảnh mình sẽ đưa nàng ăn tối, dạo trên bãi biển Mỹ Khê, đi qua cầu tình yêu, xem một bộ phim tình cảm và điểm cuối cùng, tất nhiên là khách sạn.
Tiếng chuông điện thoại đổ dồn, chưa cần rút ra khỏi túi quần, Dậu cũng biết nàng gọi.
- Anh nghe đây.
- Chuyến bay bị “delay” nên chắc 10 giờ đêm em mới tới Đà Nẵng được. Anh cứ ăn tối trước đi nhé, có gì lát nữa em gọi.
Dậu cúp máy, lầm bầm chửi rủa hãng hàng không nào đó. Những chuyến bay bị hoãn không có gì bất ngờ với những người thường xuyên di chuyển như hắn. Có hàng ti tỉ lý do để những chuyến bay không cất cánh đúng giờ. Do thời tiết xấu, do lỗi kỹ thuật, hay tế nhị hơn là các hãng hàng không muốn dồn chuyến để tiết kiệm chi phí. Nhưng tại sao không phải là chuyến bay nào khác mà lại chuyến bay có nàng?
Không còn vội nữa. Dậu kêu tài xế chở mình chạy dọc theo tuyến đường ven sông. Đà Nẵng đã lên đèn, như khoác thêm lên mình chiếc áo kiều diễm của cô gái tuổi đôi mươi. Nó khác xa hình ảnh hơn 20 năm về trước, lúc đó Đà Nẵng chỉ là những vệt cát trắng ven biển thay vì đại lộ, những nhà chồ nhếch nhác trên sông chứ không hề thơ mộng và tuyến đường Bạch Đằng cũng chưa sầm uất như bây giờ. Xe chạy đến gần cuối đường Bạch Đằng, bất giác hắn buộc miệng: Không biết ông già còn sống hay không? Người tài xế tưởng Dậu đang hỏi mình nên hơi ngoái đầu lại. Hắn khoát tay ra hiệu “không có gì” rồi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa kính, trầm ngâm.
*
Dậu muốn từ giã đời độc thân của mình bằng một chuyến đi. Nhưng đi gần thì không hứng thú, còn đi xa thì không đủ khả năng. Suy đi nghĩ lại, hắn quyết định về quê, một công đôi việc, vừa có thể du ngoạn, vừa có thể thăm thân. Nhưng ra tới Đà Nẵng, hắn mới biết mình đã lầm. Tháng 11, miền Trung đang mùa mưa lũ. Mưa triền miên không dứt. Dậu chỉ biết lòng vòng qua nhà mấy người bà con, rồi lại về nhà của một người bà con khác ngồi nhìn ra ngõ.
Phải đến ngày thứ tư mưa mới ngớt. Không thể ngồi đây mãi. Dậu thuê một chiếc xe xích lô chở ra phố. Lòng vòng qua vài con đường, ra bãi biển... Dậu không thấy có gì mới. Nó cũng hệt như thành phố biển nơi hắn đang sinh sống. Thứ duy nhất mà Dậu chưa nhìn thấy những dãy nhà chồ nằm trên sông. Hắn kêu người đạp xe xích lô thả mình xuống đoạn đường phía trước. Hắn muốn ra nhà chồ.
Nhà chồ thực chất là những lán trại tạm bợ của dân vạn chài dựng ngay trên dòng thủy lưu. Cột nhà bằng gỗ, vách và mái che bằng tôn, còn sàn được làm từ những miếng ván ép. Mỗi nhà chồ đều có một cây cầu ván cũng gập ghềnh, tạm bợ để nối với bờ. Mưa. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến sông Hàn trở nên đục ngầu, hung hãn, nước xâm xấp mé bờ. Không biết bơi, Dậu cảm thấy hơi sợ nhưng vẫn đánh liều bước lên cầu ván.
Ùm. Mấy tấm ván trơn trượt cùng với đôi chân đang run lẩy bẩy làm Dậu không giữ được thăng bằng, rơi tõm xuống sông. Hắn chới với, chỉ kịp kêu vài tiếng “cứu, cứu” trước khi chìm nghỉm.
Dậu tỉnh lại, thấy mình nằm trong nhà chồ, trước mặt là một ông già. Cũng may cái số hắn chưa chết nên lúc rơi xuống nước thì ông già đang ở gần đó nhìn thấy, cứu kịp. Còn đang mệt sau khi uống no một bụng nước sông, hắn phải ở lại làm bạn bất đắc dĩ với ông già trong buổi chiều hôm đó.
Ông già tên Tứ, tuổi đã ngoài 60, dáng hình gầy gò, khắc khổ, đôi mắt trắng đục đã nhuốm màu thời gian. Ông già không phải người ở đây mà ở Duy Xuyên. Sau ngày đất nước thống nhất, ông già dẫn vợ con ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai. Giấy tờ tùy thân thất lạc do chiến tranh, con chữ cũng bỏ lửng, không biết làm gì nên đành dựng tạm nhà chồ trên sông Hàn sống bằng nghề đánh cá.
Nghe ông già nhắc đến vợ con. Dậu đảo mắt nhìn quanh. Một cái chõng tre, bộ ấm trà, vài ba cái nồi, mấy bộ quần áo cũ của ông già, chẳng có dấu hiệu gì của một người phụ nữ đang sống ở đây. Dậu tò mò:
- Nãy giờ con không thấy vợ con của ông đâu?
Khuôn mặt ông già Tứ giật giật lên vài cái nhưng vẫn cố tỏ vẻ thản nhiên:
- Có còn ai nữa mô. Bả thì bệnh chết. Thằng con trai thì đi biển bị lật ghe. Còn mỗi con Thắm, cháu nội thì cũng theo mẹ hắn vô Nam rồi.
- Vậy ông sống ở đây có một mình?
- Một mình mô mà một mình. Ban ngày có mấy bạn già ở nhà chồ quanh đây. Ban đêm đi ngang qua Cồn Bồi thả lưới lại được nghe “mấy ảnh” rù rì.
- “Mấy ảnh”?
- Thì mấy anh lính đặc công của ta với lính Cộng hòa tử trận năm Mậu Thân ở chỗ cái cồn nớ. Chừ đất nước thống nhất đã hai mươi mấy năm rồi, có chi mô nữa mà thù hằn nhau miết, phải ngồi lại uống trà nói chuyện chớ - ông già tếu táo.
- Gặp “mấy ảnh” mà ông không sợ hả?
Ông già Tứ bật cười:
- Mình ăn ngay ở thẳng thì có chi mô phải sợ.
Chiều xuống dần, thủy triều dâng, gió từ biển thổi vào tạo thành những cơn sóng đánh vào mấy cây cột chống làm nhà chồ rung lên từng đợt. Ông già thấy vậy, vội vàng nhảy xuống nước, dùng mấy sợi dây thừng đã chuẩn bị từ trước níu lại. Dậu nhìn ông già ngụp lặn giữa dòng nước đục, rồi nhìn những căn nhà chồ bên cạnh, hệt như những tổ chim mong manh, dễ dàng bị xé ra từng mảnh tan tác, trong lòng dâng lên một chút thương cảm.
Một lúc sau, dường như đã xong việc, ông già leo lên nhà chồ, bảo Dậu về đi kẻo muộn. Hắn khẽ gật đầu, móc trong túi ra một ít tiền để cảm ơn nhưng ông già nhất quyết không nhận, đi nhanh xuống bếp. Dậu nhìn theo bóng lưng ông già vừa đi vừa nghêu ngao: “Con cò lặn lội bờ sông/ Cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù/ Bãi xa, sông rộng, sóng to/ Vì lo cái bụng đi mò cái ăn”, tự nhủ lần sau hắn sẽ lại đến thăm.
*
Dậu thức giấc, đưa tay sang trái tìm nàng. Dậu nhớ lại chuyện xảy ra đêm hôm qua khi nàng xuất hiện trước mặt hắn trong bộ đồ bó sát tôn lên đường cong của cơ thể, cộng với ánh đèn mờ ảo rọi vào khuôn mặt càng khiến nàng thêm quyến rũ và cả sự cuồng nhiệt của nàng khiến hắn ngất ngây. Đúng là nàng sinh sống ở nước ngoài, không giả vờ e thẹn như những cô gái trẻ khác.
Không thấy nàng. Chắc có lẽ chênh lệch múi giờ khiến nàng khó ngủ nên dậy sớm, ra khỏi khách sạn để đi dạo hay ngắm bình minh trên biển. Phụ nữ vẫn thường như vậy. Hắn mỉm cười khi nghĩ tới hôm nay sẽ thêm một ngày tuyệt vời nữa với nàng.
Nhưng… Có gì đó không đúng lắm. Chiếc ba lô của hắn rõ ràng nằm trong ngăn tủ thì bây giờ đang nằm dưới sàn nhà. Dậu ngồi bật dậy, mở căng mắt nhìn trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng. Tim hắn đập mạnh. Điện thoại, đồng hồ, ví tiền, và cả sợi dây chuyền mà hắn tính tặng nàng cho lần đầu gặp mặt cũng biến mất, hệt như sự biến mất của nàng.
Hắn thất thần.
Phải mất một lúc khá lâu Dậu mới lấy lại bình tĩnh. Hắn đi xuống quầy lễ tân để nhờ điện thoại gọi cho “người thân trợ giúp”. Gọi cho Ngân? Không được! Nếu Ngân biết chuyện thì cho dù ít quan tâm tới gã cũng khó lòng chấp nhận, khéo lại tan cửa nát nhà. Gọi cho mấy đứa bạn? Cũng không xong! Ai có thể tin được để chuyển tiền khi số điện thoại và tài khoản ngân hàng không phải của gã. Bí lối, hắn cố nhớ số điện thoại của chú Ba Luôn, một người bà con xa ở Đà Nẵng vừa gọi cho hắn cách đây vài ngày.
Lần thứ nhất. Nhầm số.
Lần thứ hai. Không đúng.
Hắn kiên trì gọi tiếp mặc kệ cậu lễ tân đang nhìn với ánh mắt vừa thương hại, vừa khó chịu vì bị làm phiền. Phải đến lần thứ năm gã mới gọi được.
- Ai rứa? Ba Luôn nghe đây.
- Chú Ba. Con là Dậu…. - Hắn ấp úng.
- Dậu đó hả con? Có chi mà gọi cho chú giờ ni rứa?
- Con đi công tác Đà Nẵng. Ở khách sạn, không may bị trộm hết tiền.
- Rồi rồi, chừ con đang ở mô đó? Chờ chút, chú tới liền.
Xong cuộc điện thoại với chú ba, Dậu ra sảnh ngồi chờ, bên tai vẫn nghe tiếng rầm rì của hai người đứng trực ở quầy lễ tân: Lại thêm một ông ham của lạ để bị lừa.
“Lại thêm”, tức không chỉ riêng mình hắn. Thì ra cũng có khối kẻ như hắn, cứ nghĩ mình là gà hóa ra lại là thóc trong cuộc chơi tình ái, để đến khi bị lừa mới sáng mắt ra. Mà chắc gì đã sáng mắt, khi lòng tham vẫn còn hiện hữu và những cái bẫy được thiết kế tinh vi đang chờ sẵn con mồi.
*
"Mi tệ thiệt. Hơn 20 năm mới chịu về quê". Câu nói của chú ba làm Dậu cảm thấy xấu hổ. Ừ, đúng là hắn tệ. Nếu như không có vụ “tai nạn” thì chắc hắn chẳng gặp ai khác chứ đừng nói ở lại hai ngày để thăm hết họ hàng. Chỉ còn mỗi ông già Tứ. Hắn muốn tìm gặp trước khi bay vào lại.
- Ông già Tứ hả? Chết mấy năm ni rồi. Chừ căn nhà mà nhà nước cấp cho ổng hồi nớ để lại cho con dâu ở - Người đàn bà bán nước nhanh nhảu trả lời khi nghe Dậu nhắc tới ông già.
Theo tay bà bán nước, hắn bước tới một ngôi nhà…
- Chú tìm ai? - người đàn bà ra mở cửa nhìn Dậu với ánh mắt dò xét.
- Em ở miền Nam ra. Trước có chịu ơn ông Tứ, biết ông mất nên muốn ghé nhà thắp cho ông nén nhang - Dậu thiệt tình.
Người đàn bà đưa Dậu vào nhà, ngoái đầu lại dặn:
- Chú cứ lại bàn thờ thắp hương đi. Để tui ra sau pha ấm trà.
Thắp nhang xong, Dậu lại bàn ngồi đúng lúc người đàn bà khập khiễng trở ra với một khay ấm chén. Đặt khay xuống bàn, người đàn bà hỏi:
- Chú ra một mình hay với ai? Có bà con chi ngoài ni không?
- Em có bà con trên Cẩm Lệ. Mà chị sống có một mình hả? Thấy chị đi lại khó khăn quá.
Người đàn bà thở dài:
- Có hai mẹ con đứa con gái nữa. Đứa cháu ngoại đi học chưa về, còn đứa con gái thì cũng không biết hắn đang làm cái chi mà có khi mô thấy mặt ở nhà.
Người đàn bà nói xong đưa tay chỉ lên bức hình nằm ở góc tường. Dậu nhìn theo tay người đàn bà. Đột nhiên, hắn thừ người ra, khuôn mặt trở nên tái nhợt.
Người đàn bà dường như thấy khuôn mặt của hắn có gì đó không ổn nên lên tiếng hỏi:
- Chú bị răng rứa?
Hắn lắp bắp:
- Không… không có gì… đâu chị…
Nói xong, Dậu đứng dậy chào người đàn bà rồi đi nhanh ra cửa. Trời nhá nhem tối. Bước chân chệnh choạng của hắn cố lẫn trong đám đông như sợ ai đó nhìn thấy.
*
Cuộc đời con người ta luôn cần có những bước ngoặt để thay đổi. Dậu cũng không rõ bước ngoặt của hắn đến từ đâu nữa. Là Đà Nẵng hay là Hàn Thủy? À không, là Thắm mới đúng. Nếu là nàng không lẽ hắn phải biết ơn? Biết ơn nàng một, hắn phải biết ơn Ngân tới mười. Hắn gối đầu lên ngực, đưa tay vuốt ve cái bụng của vợ. Những vết rạn nham nhở, sần sùi đã từ lâu hắn không buồn ngó tới thì tự nhiên bây giờ lại làm hắn thinh thích. Những lằn vạch đó là dấu vết cho sự hy sinh thầm lặng của Ngân trong ngần ấy năm trời.
Ngân dường như cũng nhận ra sự thay đổi của hắn sau chuyến đi Đà Nẵng trở về nhưng không nói gì, chỉ mỉm cười.
Ừ, đã là duyên có xa cách mấy cũng gặp, còn đã là nợ có trốn tránh cũng chẳng thể thoát ra. Khởi đầu ở đâu thì kết thúc cũng ở đó. Như một vòng tròn.