Nhìn mặt đất từ bầu trời
Ông Tư bị chấn thương nặng, hôn mê sâu do sức ép từ quả bom nổ bên cạnh làm căn nhà lầu sập xuống trùm lên. Đơn vị rút lui và tưởng ông đã chết. Hai ngày sau, lữ đoàn dù của Mỹ tái chiếm cứ điểm này và phát hiện ông còn sống nên đem về bệnh viện dã chiến. Sau khi điều trị bình phục, chúng đưa ông vào Trại giam Buôn Ma Thuột rồi Trại tù binh Pleiku. Ngày 18 tháng 4 năm 1968, địch đưa ông Tư ra nhà tù Phú Quốc.
Ngày nghỉ lễ, chúng tôi tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ra đảo Phú Quốc. Về hưu hơn chục năm trời mà đã có lúc nào được nghỉ ngơi đâu. Hết nuôi con rồi lại nuôi cháu. Bao nhiêu công việc gia đình, tổ tiên, dòng họ, xóm làng, toàn những việc không tên.
Sân bay Đồng Hới trời se lạnh. Đến gần trưa mặt trời mới ló dạng xua tan màn sương trắng mỏng tang. Đây là lần đầu tiên đi máy bay nên chúng tôi lặng lẽ làm thủ tục theo sự hướng dẫn của một cô giáo về hưu làm trưởng đoàn. Cô có ba đứa con gái làm công nhân may mặc trong khu công nghiệp Tân Bình. Cô ra vào thành phố Hồ Chí Minh như cơm bữa.
Chiếc Boeing 787 Vietnam Airlines chạy vào đường băng chờ đợi, một lát sau nó khẽ rùng mình rồi bốc lên cao. Những con đường, làng mạc, đồng ruộng nhỏ lại, mờ dần. Máy bay khẽ tròng trành khi đi qua những đám mây, chiếc ghế tôi đang ngồi lắc mạnh, nghiêng chao mấy lần. Hai bên mang tai tôi đã nghe tiếng ong ong. Cái cảm giác gần giống như lúc lặn sâu dưới nước. Máy bay đã vượt lên trên mấy tầng mây. Nhìn qua ô cửa sổ, tôi thấy từng lọn mây trắng xốp bồng bềnh trôi phía dưới. Trên màn hình thông báo máy bay đã vào tới Nha Trang, đang ở độ cao 8.968 mét, nhiệt độ bên ngoài thân máy bay là âm 35oC. Càng lên cao càng lạnh.
Tôi ngỡ ngàng, một bầu trời tuyệt đẹp lộn ngược dưới mặt đất. Một bầu trời xanh mây trắng lấp lóa nắng. Tôi rướn cổ nhìn lên phía trên cánh máy bay, một màu xanh dương trong vắt. Tôi gí chiếc điện thoại vào sát cửa sổ chụp mấy kiểu ảnh rồi buột miệng: “Sự tán sắc của ánh sáng”. Người đàn ông ngồi cạnh tôi lên tiếng: “Chắc anh mới đi máy bay lần đầu”.
Tôi ngoái sang. Người đàn ông đội chiếc mũ tai bèo với bộ quân phục Tô Châu bạc phếch. Dáng ông thấp đậm nhưng luôn toát ra một vẻ cương nghị, rắn rỏi. Ông đeo chiếc kính râm màu đen. Một vết sẹo xiên chéo chạy từ trán ông băng qua chân mày trái kéo đến mang tai. Trong khoang máy bay đa số hành khách đều đang ngủ. Có người lim dim đôi mắt mơ màng bất chợt mở ra nhìn quanh. Nhiều người ngủ gà, ngủ gật vì đang giữa giấc ban trưa. Tiếng cô hướng dẫn viên nhắc mọi người là máy bay đang hạ thấp độ cao để xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi như đang rơi vào trạng thái không trọng lượng. Cánh tà máy bay bung ra để tăng sức nâng và giảm tốc.
Xuống cầu thang, mồ hôi tôi đổ ra như tắm. Trời miền Nam sao mà nóng thế. Chỉ hơn hai tiếng đồng hồ mà khí hậu khác nhau một trời một vực.
Chiều. Chúng tôi bay sang Phú Quốc. Chỉ 1 giờ 10 phút là tới. Mọi người nhanh chóng vào khách sạn nhận phòng. Sau khi rửa ráy qua loa, chúng tôi đi ra bãi biển. Trước khách sạn là một hồ bơi hình bán nguyệt, nước trong veo màu xanh lam. Hai bên đường ra bãi biển có hai hồ bơi dài uốn lượn như hai con suối nhưng nước không chảy, núp dưới bóng dừa xanh mát. Một vài cây giáng hương xen giữa rừng dừa, hoa nở thành chùm vàng rực, những bông hoa li ti đan xen trong kẽ lá. Tôi bắt gặp lại người đàn ông ngồi cùng dãy ghế ban trưa. Ông có tên là Tư. Ông Tư đi cùng cô con gái. Con gái ông chào tôi và nhoẻn miệng cười. Ông cùng tôi ngồi xuống một chiếc võng xích đu treo vào thân hai cây dừa để ngắm cảnh hoàng hôn, mặt trời đang lặn trên biển. Hai chúng tôi trở nên thân thiết.
*
Ông Tư là người Thái Bình, sinh vào năm Ất Dậu, cái năm mà cả nước có 2 triệu người chết đói. Gia đình ông chết gần hết. Mẹ ông bế đứa con còn đỏ hỏn theo dòng người chạy vào miền Trung.
Hai mươi tuổi, đang học năm thứ nhất đại học, ông Tư lên đường đi bộ đội. Tết Mậu Thân, đơn vị ông đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ta với địch giành giật nhau từng mục tiêu. Trưa ngày mùng ba Tết, địch đổ hai Trung đoàn 45 và 53 xuống sân bay, chiếm lại các mục tiêu đã mất. Ngày mùng bốn, Lữ đoàn dù 173 của Mỹ ở Pleiku vào để hỗ trợ quân ngụy. Lực lượng ta chuyển sang đánh địch ở vùng ven.
Ông Tư bị chấn thương nặng, hôn mê sâu do sức ép từ quả bom nổ bên cạnh làm căn nhà lầu sập xuống trùm lên. Đơn vị rút lui và tưởng ông đã chết. Hai ngày sau, lữ đoàn dù của Mỹ tái chiếm cứ điểm này và phát hiện ông còn sống nên đem về bệnh viện dã chiến. Sau khi điều trị bình phục, chúng đưa ông vào Trại giam Buôn Ma Thuột rồi Trại tù binh Pleiku. Ngày 18 tháng 4 năm 1968, địch đưa ông Tư ra nhà tù Phú Quốc.
Tôi buột miệng: “Theo lịch trình, ngày mai chúng tôi cũng sẽ được đi tham quan nhà tù Phú Quốc”.
Ông Tư khẽ gật đầu: “Mình dựng lại hình ảnh mô phỏng nhưng chưa lột tả hết cảnh địch tra tấn dã man tù binh đâu, anh ạ. Phải nói là hơn cả “địa ngục trần gian”. Đây là cái nhà tù lớn nhất của bọn Mỹ - ngụy. Nhà tù nằm ở phía Nam đảo, gồm 48 phân khu. Ngày đó số tù binh nhiều hơn dân số trên đảo bây giờ. Mỗi thằng chúa ngục thực sự là một con ác quỷ. Bọn cai ngục đã áp dụng 45 hình thức tra tấn như chích điện, dùng lửa đốt cháy bộ hạ. Chúng đốt lửa nướng chín lưỡi của tù nhân. Chúng cho tù nhân đứng trong thùng phuy đầy nước rồi một thằng lấy tay dìm đầu người tù xuống để thằng khác lấy dùi vồ dộng vào cho đến lúc thủng màng nhĩ. Rùng rợn nhất là chúng dùng búa đóng những cái đinh dài từ trên đỉnh đầu xuống xuyên qua hộp sọ, hay qua gót chân, đầu gối. Ngày nay, khi cất bốc hài cốt, ta vẫn thấy những cái đinh dài gỉ sét. Có người, chúng trói lại, quẳng vào chảo nước đang sôi, luộc chín. Họ giãy giụa la hét cho đến chết. Đã có hơn 4.000 người tù cộng sản và yêu nước bị sát hại bằng những đòn tra tấn dã man này”.
“Anh có biết tên Trần Văn Nhu từng làm Trưởng giám thị khu 2? Tôi nghe nói thằng này là một ác quỷ khét tiếng với việc đục răng người tù” - tôi hỏi.
“Thằng Bảy Nhu thì ai chẳng biết. Ngày đầu tiên đến nhậm chức Trưởng giám thị ở khu A2, hơn một nửa số tù binh hắn gọi đi thẩm vấn hôm ấy không về nữa. Những người trở về được thì máu me đầy người. Nhờ phát minh ra 24 ngón đòn tra tấn mà hắn được cố vấn Mỹ và chính quyền Thiệu khen thưởng. Hắn thường lấy tính mạng tù binh ra làm trò đùa. Hắn tập trung tù binh lại và sai đám thủ hạ bắn vài quả đạn cối vào giữa cho chết rồi vứt xác ra bìa rừng. Nhiều lần hắn sai đám “đồ tể” cắt da chỗ kín của người tù, nhét đỉa sống vào rồi khâu lại. Thú vui của hắn là được đục răng người rồi bắt phải nuốt và liếm cho kì hết không để một giọt máu nào dính trên sàn nhà. Ông Vũ Văn Tằng, người Bí thư Chi bộ của chúng tôi đã tổ chức cho gần 100 người vượt ngục thành công, bị hắn bắt ăn cơm chấm với phân người và máu tươi. Hắn nói: “Mày mà để sót lại một giọt máu nào, tao sẽ vứt xác mày xuống biển”. Hắn đủng đỉnh lấy 9 cái răng nhét vào miệng bắt ông Tằng nuốt. Ông Tằng đã bới phân mình lấy ra 8 chiếc răng giắt trong cạp quần gần chục năm trời. Còn một cái răng sứt mẻ cắm vào dạ dày không lấy được. Sau ngày trao trả tù binh theo Hiệp nghị Paris, ông đem theo răng về. Ba mươi năm sau, tôi và đồng đội khuyên mãi ông Tằng mới chịu hiến 8 cái răng ấy cho Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày''.
*
Tối, tôi không đi chơi ở khu chợ đêm với mọi người mà đến phòng của ông Tư nghe ông kể chuyện đào đường hầm vượt ngục.
Đêm 18 tháng 7 năm 1971, ông Tư là người đầu tiên được giao nhiệm vụ đào đường hầm. Mùa mưa, đất mềm, dễ đào. Dụng cụ đào hầm chỉ có một que sắt chữ V được đập bẹp một đầu. Các dụng cụ để xúc đất chỉ là cái cà mèn hay cái thìa ăn cơm. Sau khi đường hầm được khoét ra một cái hố vừa lọt đủ thân người, đầu ông đang còn nhô trên mặt đất thì bọn quân cảnh tới. Đồng đội vội đè đầu ông xuống và đậy nắp hầm lên. Khi bọn địch rút đi, anh em kéo lên thì ông đã ngất xỉu do thiếu không khí. Phải làm động tác hô hấp nhân tạo hồi lâu ông mới tỉnh.
Cuối tháng 11, đường hầm dài 80 mét đã đào qua hàng rào dây thép gai cuối cùng, sát với bãi cỏ tranh. Nhân dịp lễ Noel, bọn địch say sưa nhậu nhẹt, Đảng ủy nhà tù quyết định ngày 23 tháng 12 khui cửa hầm để thoát ra. Ba chiến sĩ đặc công được phân công đi trước để gỡ mìn và giăng dây nilon định hướng cho người theo sau.
Đúng 4 giờ sáng, người cuối cùng vừa thoát ra khỏi đường hầm thì bị quân cảnh phát hiện. Chúng đuổi theo đoàn tù nhưng lúc đó đã quá muộn. Phần lớn tù binh đã đi xa. Bọn địch la ó, bắn loạn xạ. Những chiếc xe Jeep, xe nhà binh rú ga chạy ầm ầm, mìn phát sáng, đèn pha chúng chiếu về phía đường hầm, cố vấn Mỹ và sĩ quan ngụy rầm rập chạy tới. Trên đầu có gần một chục chiếc trực thăng lồng lộn, bắn xuống các khu rừng mà chúng nghi là tù binh đang ở đó. Các chiến sĩ nhằm về phía Bắc chạy miết. Phía Bắc đảo là căn cứ, khu du kích của ta. Ông Tư là người đi cuối cùng nên bị địch bắt lại cùng 8 chiến sĩ khác.
- Thằng nào bày trò đào hầm vượt ngục đầu tiên? - Bảy Nhu cầm cái “gậy biệt ly” giơ ra giữa mặt ông Tư đe dọa. Đó là một cái ống sắt dài, dụng cụ đục răng của hắn, mà mới nghe ai cũng phải chết khiếp. Mỗi lần hắn gõ búa vào đầu gậy là một cái răng của tù nhân bay ra.
- Mày phải không? - Hắn quắc mắt nhìn ông Tư.
Ông Tư vẫn điềm nhiên đứng trân trân không trả lời.
- Nói! - thằng Bảy Nhu quát lớn, ông Tư vẫn im lặng. Thấy thế, hắn cầm cái gậy sắt quất tới tấp vào mặt ông Tư. Cái “gậy biệt ly” kéo một vệt dài từ trán ông xuống, máu chảy ra lênh láng. Ông Tư nghiến chặt răng nhìn hắn trừng trừng.
- Mẹ mày! Còn dám mở mắt chòng chọc nhìn ông à! Ông sẽ móc mắt của mày ra - Hắn lao vào ông Tư đấm đá liên hồi. Vẫn chưa hả, hắn dùng những móng tay dài sắc nhọn móc mắt ông, rồi kéo ông vào trong phòng biệt giam. Ông Tư lột kính râm cho tôi xem cái sẹo trên mặt.
*
Năm 1973, thực thi Hiệp định Paris, tại phi trường Lộc Ninh, “Thủ đô kháng chiến”, ông Tư được đồng đội dìu lên một máy bay AC-130 của quân đội Mỹ chở đi trao trả. Loại máy bay này cùng với trực thăng có nhiệm vụ chở tù binh. Ngoài ra, nó còn chở các sĩ quan giám sát ở Trại Davis và đại diện giám sát của các đoàn Canada, Ba Lan, Hungary, Indonesia. Ông Tư muốn nhìn xuống mảnh đất đau thương của mình bị chiến tranh tàn phá nhưng không thể nào nhìn được. Kẻ thù đã cướp đi ánh sáng của ông. Ông về quê thì người yêu đã lấy chồng. Gia đình nhận được giấy báo tử cuối năm 1968. Sau ngày giải phóng, ông được đồng đội hiến tặng giác mạc và Bệnh viện Mắt Trung ương đã cấy ghép thành công.
- Anh đã lần nào gặp lại Bảy Nhu chưa? - Tôi hỏi ông Tư về đối thủ của mình một thời máu lửa.
- Nhiều chứ! Tôi bắt hắn chỉ các hố chôn người tập thể để quy tập hài cốt các đồng đội của mình. Lần đầu tiên gặp lại tôi, hắn run lẩy bẩy như cầy sấy. Hắn quỳ mọp xuống dưới chân tôi xin tha mạng. Kẻ gieo rắc cái chết lại luôn sợ chết. Hắn nói tại vì thằng Mỹ, thằng ngụy bắt hắn làm chứ hắn không muốn thế. Những ngày cuối đời hắn ăn chay, tụng kinh niệm Phật sám hối cho những tội ác của mình. Ừ! Thế là vẫn còn may. Vẫn còn một chút lương tâm của con người sót lại.
Đi cải tạo về, Bảy Nhu không dám sống ở Tháp Mười, quê hương của hắn. Tội ác của hắn đã bị họ hàng, quê hương nguyền rủa. Hắn ra đảo Phú Quốc sống biệt lập để tránh gặp gỡ. Hắn nơm nớp lo sợ tù binh sẽ trả thù. Hắn được Đảng, Nhà nước ta đối xử nhân đạo như bao nhiêu tên lính khác của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vậy mà vẫn cài cả mìn xung quanh hàng rào vì sợ bị sát hại. Hậu quả là thằng con trai của hắn bị vướng mìn, cụt mất một giò. Đã mấy lần hắn vượt biên nhưng đều bị bắt trở lại. Hắn vẫn không tin vào tấm lòng vị tha, nhân ái của những người cộng sản.
*
Ngày hôm sau đoàn chúng tôi đến tham quan chùa Hộ Quốc. Tôi gặp một ni cô đang bế một bé gái mới 2 tháng tuổi ai bỏ lại nơi cửa Phật. Thầy Thích Trúc Thông Kiên - trụ trì chùa Hộ Quốc nói nơi đây cứu rỗi những linh hồn lầm lạc, những số phận con người cay đắng nhất. Sau chiến tranh, có những kẻ từng gieo rắc tội ác đến đây ăn năn hối lỗi nhưng không hề thấy Bảy Nhu. Ông ta xa lánh con người.
Đến nhà tù Phú Quốc, đoàn chúng tôi gặp lại đoàn du lịch của hai cha con ông Tư. Ông cùng đồng đội thắp hương tại nhà tưởng niệm những liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất này. Họ là những người sống sót trở về sau chiến tranh. Chúng tôi đến sau cũng đứng chỉnh tề, nghiêm trang trước ban thờ. Có cả hai người ngoại quốc. Một bà mẹ và một chàng trai. Chàng trai có nước da đỏ au, mũi cao, mắt sáng, mái tóc màu bạch kim. Cậu ta nhìn hai cha con ông Tư. Cô gái con ông hồn nhiên đến bắt chuyện:
- Where are you from? (Bạn đến từ đâu?).
- I am in the United States of America. My mother and I went to visit the beautiful country of Vietnam. (Tôi đang ở Hoa Kỳ. Mẹ tôi và tôi đi thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp).
- Do you know how many people here have fallen to protect that beautiful land? (Bạn có biết ở đây có bao nhiêu người đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất xinh đẹp đó không?).
- My father also went to fight in this land. But on the other side of the battle line. (Cha tôi cũng đã đi chiến đấu ở vùng đất này. Nhưng, ở phía bên kia chiến tuyến).
- That's someone who steals someone else's country. (Đó là kẻ cướp đất nước của người khác).
- Right! My father wanted me to apologize to Vietnam: "During my time in the army, there were too many crimes". (Phải! Bố tôi muốn tôi xin lỗi Việt Nam: “Thời gian trong quân ngũ, tôi đã phạm quá nhiều tội ác”).
Chàng trai đã cùng mẹ đến thay cha để có một lời xin lỗi. Ông ta đang nằm liệt giường những ngày cuối đời. Tôi chợt nghĩ: Thế hệ trẻ ngày nay ai cũng đều mong muốn hòa bình, con người xích lại gần nhau hơn. Di tích tội ác chiến tranh còn đó để nhắc nhở mọi người. Thế sao ngày nay vẫn còn thế lực thù địch muốn chống lại đất nước đã sinh ra mình. Ngày 1 tháng 4 năm 2024, đọc trên Báo Yên Bái có bài “Việt Tân trả lời đi” tôi mới biết Việt Tân đăng bài của Nhàn Lê trơ tráo bịa đặt: “Cái di tích ấy đâu có thật, nhiều người nói đó là do họ dựng lên, có ít xuýt ra nhiều...”.
Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Truyền thống nhân ái của dân tộc ta là vậy. “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Ai không tin thì hãy cứ đến gặp ông Tư. Và, đây nữa, Trần Văn Nhu cố sống đến năm 2024 để làm nhân chứng cho tội ác của chúng ở nhà tù Phú Quốc. Đừng chỉ đứng dưới mặt đất đoán mò rồi vội quy kết, phán xét. Hãy đứng từ trên cao nhìn xuống, muốn thấy rõ mặt đất phải nhìn từ trên bầu trời nữa đấy, các bạn ạ.