Người không việc
Thuần giật mình khi thấy đám thanh niên choai choai chừng hai chục đứa, đầu tóc trụi lủi, tay chân cứ khua ngoặng hết cả lên, vừa đi vừa hát hò ầm ĩ. Bọn nó gặp chai đá chai, gặp cây thì cầm lên đập bồm bộp vào những gốc cây ven đường, cảm giác rất hưng phấn. Cả đám đi theo tên Dân cứ thế dàn hàng hết lối ra vào của cả khu phố.
Hôm nay là ngày đầu tiên Thuần đi làm ở quán karaoke Thâm Tình của ông Khải. Đồng phục của Thuần là chiếc quần tây xanh đen, áo sơ mi trắng. Nó cũng hợp với dáng người xù xì của Thuần, mặc cho làn da ngăm đen, đầu húi cua hơi chỏi một chút, nhưng tựu lại vẫn dễ coi. Ít nhất với một người mà hàng xóm láng giềng vẫn cứ gọi là “người không việc” thì hôm nay vẫn cứ là ngày quan trọng của Thuần.
Giữa phố Lây Tiêng, quán karaoke của ông Khải nằm ở góc nhỏ phía hẻm cụt ở đường Thi Sách, con hẻm dài sâu hun hút, cách đoạn lại có vài vũng nước, với chiều rộng cũng chỉ cho chiếc ô tô với chiếc xe máy vừa khít nhau. Mỗi ngày đi làm về khuya hoặc đầu giờ sáng thực sự là nỗi ám ảnh của không ít người. Thuần bắt đầu vào ca làm đêm từ năm giờ chiều. Có hôm khách về muộn, ở lại dọn dẹp xong thì ngày cũ cũng đã thành ngày mới tự lúc nào.
Công việc chính hằng ngày của Thuần là dọn rửa, tiếp đón khách ra vào. Những khách sộp trong tháng được Thuần nhanh chóng nắm bắt bằng cách luôn viết lại sở thích của họ một cách kỹ lưỡng. Cùng với thái độ lịch sự và tôn trọng khách, Thuần luôn được khách boa thêm mỗi khi tính tiền.
Vừa dựng chiếc xe Wave cũ kỹ, yên xe còn rách một đường dưới hầm giữ xe, Thuần đã nghe thấy tiếng vọng oang oang trên sảnh tầng lễ tân. Không biết có việc gì nghiêm trọng, nhưng tay Thuần đã bám dọc thành cầu thang trơn nhẵn, chạy thục mạng lên sảnh lễ tân.
Đập vào trước mặt Thuần là một tên béo bặm trợn, đeo xích đầu lâu to, hắn cũng chẳng cao hơn vai của Thuần là mấy. Theo sau hắn còn có thêm chục tên cao to lực lưỡng, mình mẩy xăm trổ như giang hồ trong phim ảnh.
- Mau! Mau gọi thằng Khải ra đây, đừng để tao nói nhiều.
Thuần đá mắt với Vân, sau đó cúi người đưa tay chỉ về hướng phòng VIP số 1 ở góc sát gần lễ tân nhất.
- Ông chủ có dặn đối với khách VIP thì cần lễ phép. Mời các anh vào phòng VIP nhất của bên em. Nhân viên bên em sẽ giúp các anh mát mẻ hơn ạ!
Thuần đưa đám người đấy vào phòng với một thái độ nhã nhặn lịch thiệp, sau đó lại bưng thêm ít đồ nhắm vào phòng. Khi cánh cửa phòng hát đóng lại thay vì cái mát mẻ của máy lạnh, cả Vân và Thuần đều rùng mình, rụt cổ, toát mồ hôi hột. Thu xếp ổn thỏa xong, Thuần nhấc máy gọi ngay cho ông chủ. Sau khi nghe sự việc được trình bày, ông Khải có vẻ cũng không hoảng hốt.
Cửa phòng 1A hé ra chút, nhìn dáng vẻ lom khom của ông Khải khi vào phòng, đám nhân viên cũng đoán biết được một phần sự tình nên chẳng dám thở mạnh. Tên đầu trọc vừa thấy Khải mở cửa liền cho đàn em thôi hát hò.
- Bây giờ anh có mối làm ăn mới, ngon lành, cần tiền gấp. Một là mỗi ngày anh tính lãi chú, chỗ anh em anh để chú hai đồng rưỡi một ngày của một triệu. Hoặc...
- Dạ, hoặc... hoặc gì vậy, anh Hoàn? - Khải lắp bắp.
- Hoặc là trong tuần sau có cho anh hai tỉ tiền anh góp vào quán chú. Chú chỉ được chọn một trong hai điều ấy.
- Dạ, nhưng... nhưng... - Khải vẫn đang lắp bắp chưa dám trả lời.
Đứng bên ngoài, qua khe cửa hẹp của phòng, Thuần cũng nghe được tiếng đập bàn lớn của tên Hoàn mập kia. Với một cái bóp lon, bọt bia tung tóe khắp màn hình tivi, Hoàn lớn giọng:
- Ký vào cái giấy ghi nợ này. Năm ngày nữa tao quay lại. Về.
Ông Khải chỉ biết cúi mặt, tay chắp trước bụng. Đàn em của Hoàn đẩy cửa, bên cạnh cửa suýt nữa thì Thuần cũng bị đập vào mặt. Một thằng đàn em của Hoàn chỉ mặt Thuần, lườm sau đó quay đầu.
*
Con hẻm từ quán về nhà Thuần trước giờ đã lạnh lẽo, nay xem ra còn vắng lặng hơn. Bao trùm lên những góc tường vàng vọt kia là văng vẳng bên tai Thuần những lời hăm dọa và dằn mặt của Hoàn. Vừa đi, anh chỉ biết vừa xoa tay cho ấm, hai hàm răng cứ va vào nhau như thể không có cách nào để dừng lại. Thi thoảng, từng làn hơi bốc trắng trùm qua cả đầu như hư không ảo ảnh giữa màn sương đêm lạnh giá.
Hôm nay là gần kề ngày dự sinh của Liêm - vợ Thuần. Nhưng, cũng đã bốn ngày kể từ ngày mà tên đầu trọc Hoàn kia đến gây chuyện. Thuần luôn linh cảm bất an trong người. Đi ra đi vào vẩn vơ, làm việc gì cũng không tập trung.
Những năm tháng bên nhau, Thuần chưa đem lại được sự yên tâm của mình đối với Liêm. Nhiều lần tâm sự với vợ về công việc của bản thân nhưng bao lần thâu đêm suốt sáng Thuần thì chập chờn giấc ngủ vì công việc, còn Liêm thì ôm những lo lắng vẩn vơ khi đứa con sắp đến ngày chào đời.
Hàng xóm vẫn bảo Liêm có chồng cũng như không, chẳng biết làm việc gì, cứ long nhong thế thôi, hỏi đến thì cứ thấy nhảy từ việc này sang việc kia, chẳng bao giờ ổn định. Cứ hở ra thì lại nghe thất nghiệp. Lắm lúc cứ thấy Liêm tồi tội một mình xoay xở mọi thứ. Chồng thì cứ rong ruổi tận đâu. Đã không việc lại còn không lo lắng cho vợ bầu sắp vượt cạn. Nghe người ta đồn thổi thứ đàn ông gì chẳng thể nói nổi. Những lời đấy vẫn âm ỉ chảy tràn vào tai vợ, tai Thuần trong nhiều lần Thuần đi ngang xóm nhỏ để về nhà.
Chiều hôm ấy, vừa đóng tiền viện phí xong, Thuần đã thấy thấp thoáng bóng của mẹ hối hả theo đường hành lang của viện tìm kiếm phòng con dâu đang nằm. Chuông điện thoại của Thuần lại reo lên. Giữa lúc vội vã, anh chỉ kịp chỉ phòng của vợ đang nằm rồi gấp gáp đón Grab để đến nơi làm việc.
Đôi mắt của mẹ Thuần đượm buồn nhưng cũng nói với theo con: Cứ cố gắng làm việc tốt đi con, có mẹ lo cho cái Liêm rồi!
Việc có thể làm của Thuần lúc này là tất cả lại phó thác nơi mẹ.
Cả quán karaoke như nín thở chờ đợi điều chẳng lành đến, không chỉ đối với quán mà còn có thể đến với bản thân và công việc của họ. Tiếng xe máy ầm ĩ ngoài góc phố rồi cũng đến, tiếng pô xe nổ rền vang rồi thi thoảng lại rít lên từng cơn nghiến như cơn giận dữ của đám côn đồ. Giữa con hẻm sâu hun hút chạy dọc hai bên tường nhà càng làm cho không gian bí bức đến nghẹt thở. Những tiếng cửa sắt của dãy phố cũng dường như đồng loạt vang lên.
Tên đầu trọc bặm trợn với đôi giày da đen bóng, trên cánh tay còn in hình xăm đôi hổ đang cào xé nhau, hùng hổ bước tới quán.
- Không. Tao không có tiền cho tụi bay bây giờ, về nói với ông Hoàn của tụi bây như thế. Trong biên nhận giao dịch không có điều khoản nào như thế khi góp vốn chung làm ăn.
Tên đàn em của Hoàn với sẵn chai bia thủy tinh trên tay đã sẵn sàng nện cho ông Khải một cái trời giáng thì hắn bỗng bật ngửa ra sau. Hắn vẫn chưa định hình cái quái gì vừa bay vào mặt mình thì chuông điện thoại lại vang lên. Thằng nhóc đi theo sau đưa điện thoại cho tên đàn em Hoàn. Sau khi nghe đôi lời, hắn chỉ vâng dạ, sau đó đập cái chai xuống sàn nhà rồi lại hăm dọa rồi quay đầu. Thấp thoáng góc phố vài cái bóng áo đen cũng biến mất dần trong màn đêm.
Ông Khải cũng cho nhân viên đóng cửa nghỉ sớm:
- Có lẽ vài hôm nữa quán cũng đóng cửa, mọi người nên chuẩn bị kiếm công việc khác trước đi!
Chuông điện thoại của Thuần lại vang lên. Trong loa anh nghe được tiếng khóc của vợ. Tiếng hối thúc Thuần quay về bệnh viện khiến anh rối bời tâm trí.
*
Mồi nhậu vừa đặt xuống bàn, chúng đã gắp lấy gắp để, rồi thằng nào thằng nấy ngửa cổ lên tu ừng ực.
Nốc cạn lon bia, Dân cũng tiết lộ chút bí mật kế hoạch của Hoàn với mấy thằng đàn em để ra oai rằng: chỉ hai ngày nữa, khi tình hình êm xuôi qua đợt kiểm tra định kỳ, ông chủ sẽ tiếp tục với những món nợ chưa đòi được, chúng cũng sẽ được chia chác, tha hồ ăn uống, tiêu xài. Mục tiêu trước tiên là cái quán karaoke mà ông chủ đã góp tiền.
Thuần đang ăn cạnh đó lẳng lặng ra quầy thanh toán. Chẳng biết thế nào thằng Dân lại nhận ra được Thuần, hắn nghiến răng, chỉ thẳng mặt Thuần.
- Tao nhận ra mày rồi. Tao nghi ngờ hôm trước mày là đứa ném cái chai vào tao đúng không? Lại đây xem nào. Tao thu nhận đồ đệ còn kiếm được miếng cơm. Đi theo ông chủ mày có ngày đói ngáp.
Thuần lẳng lặng không nói gì. Quay đầu. Vợ con đang còn nằm trong bệnh viện nên Thuần không muốn dây dưa với đám này nên vội cắm mặt đi.
Tiếng chai lọ rơi loảng xoảng, tiếng chửi rủa vang lên khắp một góc quán:
- Giết nó! Giết. Chặn tất cả góc lại, phải tóm được nó!
Mới lên xe chạy được hơn hai trăm mét, đến đoạn đường vắng phía sát bên bờ suối thì Thuần bị bọn chúng đuổi theo cận kề. Đàn em của Hoàn chia làm hai hướng chặn đầu. Những tiếng pô gầm rú khiến cho tim của Thuần đập mạnh hơn bao giờ hết. Thuần dúi tiền vào áo Grab rồi nhảy ra góc bụi phía đường. Giữa những góc phố mờ, một cuộc rượt đuổi đã bắt đầu. Thuần cũng cầm cho mình viên gạch bên vệ đường, khi xe của tên đàn em đến thì anh cũng lách sang một bên rồi nện một cái thật mạnh vào đầu tên cầm lái. Chiếc xe máy ngã chỏng quay, kéo dài cả vệt trên đường. Bất ngờ, phía sau tên còn lại đã kịp lao xe máy vào người anh. Thuần không kịp phản ứng, cũng đã phải ôm đầu với máu chảy phía sau. Chiếc xe máy kia cũng chuồi ra đường.
Thuần thấy thế liền nhanh chóng chạy vào góc hẻm, luồn lách qua những góc cua vuông góc để cắt đuôi ba tên kia. Thuần thở hổn hển, trời càng về đêm càng lạnh hơn, mồ hôi toát ra cũng bốc hơi thành khói ngay trên cánh tay với khuôn mặt anh. Tiếng la hét, chửi rủa vẫn vọng lại từ đằng xa. Phía bên đường vắng, trong góc tối, Thuần với chiếc đầu đầy máu bết của mình đã chui vào trong thùng rác. Những tên đuổi theo anh sau khi không thấy dấu vết của Thuần cũng đã bỏ đi. Trên tay anh vẫn là chiếc áo mỏng bết máu được trở mặt phủ lên người như tiềm thức bản năng.
Trong đêm, tiếng lao xao của cành lá, tiếng dế cũng im lắng hơn. Thuần chợt tỉnh giấc, không biết đã nằm đấy bao lâu rồi, việc đầu tiên anh làm cũng là nhấc điện thoại lên, màn hình chợt sáng, rồi lại chợt tối ngay. Giữa góc khuất của thùng rác nhựa lớn đen bóng bốc mùi đầy hôi thối, đâu đây một hơi thở hổn hển vẫn nín nghẹn không dám nấc lên thành tiếng của Thuần.
*
Những ngày qua là những ngày mà chuông điện thoại của Thuần vang lên liên tục không khác gì một giám đốc bận công việc. Mẹ Thuần vẫn hay nhắc anh qua điện thoại về việc quan tâm Liêm hơn. Dù công việc mang tính chất phải xa nhà của anh cả nhà ai cũng biết nhưng Thuần hiểu người thiệt thòi nhất vẫn là Liêm.
Ở bệnh viện, Liêm thì vẫn sụt sịt, bao ngày mới được ở gần chồng, nay mới đẻ, sức khỏe đang ốm yếu còn chưa về nhà được thì chồng lại đi xa nữa. Mỗi đêm, thi thoảng Liêm lại nắm chặt thành giường rồi thở dài. Những ngày tháng khó khăn như thế cứ đằng đẵng nối nhau đến với Liêm và chồng như một định mệnh. Từ lúc cưới nhau đến giờ, thực sự tiền lương của Thuần và Liêm cũng chỉ vừa đủ ăn, khi có được thêm công việc thì cũng chẳng dư dả hơn là bao nhiêu.
Cả tuần ấy, khi có họ hàng hay hàng xóm đến thăm, Liêm và mẹ đều cười trừ rồi lại nhìn thằng cu con đang lim dim mắt trên tay. Những lúc này đâu ai cần tiền bạc gì nhiều đâu, có đủ cả nhà xung quanh cạnh nhau như thế có lẽ là điều tốt hơn hết đối với hai người. Những lời an ủi qua đầu dây điện thoại không khiến cho những con người yêu nhau ấy vơi bớt đi nỗi buồn, quên đi được hoàn cảnh hiện giờ đang thực sự oái oăm không hồi kết.
Những lời động viên càng khiến cho cơn uất ức của gia đình ngày càng lên cao. Giờ đây, may ra chỉ có Thuần gọi điện được cho mẹ, còn Liêm thì chẳng có tâm trạng đâu để gọi cho anh.
Thuần khoác lên mình chiếc áo xanh bảo vệ, đầu đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang kín mặt, đứng đợi dắt xe ở góc xa, đối diện với con hẻm đi vào quán karaoke của ông Khải. Trước giờ ông Khải cũng đối xử rất ưu ái không chỉ với riêng Thuần mà nhân viên đều được ông quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ. Có lẽ vì thế, thi thoảng Thuần lại liếc mắt nhìn vào góc phố kia.
Dân là đàn em cứng của Hoàn nên những công việc hệ trọng hắn đều giao cho Dân đi xử lý. Hôm nay, theo đúng lịch của Hoàn là ngày hắn đi kiếm tiền. Theo cách gọi của bọn chúng là ngày đẹp, ngày mà có thể vơ vét tiền về cái túi tham của bọn chúng.
Tên Hoàn và Dân ngồi ở góc xa quán karaoke đối diện chỗ làm của Thuần. Thuần chỉ kịp nhìn thấy bọn chúng nói mấy câu không biết là gì. Sau đó Dân bật dậy, lên xe rú ga chạy một mạch.
- Theo tao, hết đêm nay, công mỗi thằng một triệu, xong việc lúc nào đưa tiền lúc đấy.
Chỉ cần thế là Hoàn đã gọi thêm được một đội quân của hắn để có thể dàn cảnh một cách hoành tráng hơn. Dễ bề thôn tính quán karaoke của ông Khải.
Thuần giật mình khi thấy đám thanh niên choai choai chừng hai chục đứa, đầu tóc trụi lủi, tay chân cứ khua ngoặng hết cả lên, vừa đi vừa hát hò ầm ĩ. Bọn nó gặp chai đá chai, gặp cây thì cầm lên đập bồm bộp vào những gốc cây ven đường, cảm giác rất hưng phấn. Cả đám đi theo tên Dân cứ thế dàn hàng hết lối ra vào của cả khu phố.
Có khách hàng trong tiệm của Thuần đang làm cũng bàn tán. Tay đấy đang làm mưa làm gió ở khắp vùng này. Tiền đẻ ra tiền một cách nhanh chóng nên chẳng mấy chốc đám lười nhác theo hắn cũng ngày càng đông đảo. Có lẽ, ông Khải cũng biết nhưng chưa thể lường trước được chiêu thức này mà Hoàn tung ra đối với ông.
Được hơn mười phút, những tiếng sắt va vào nhau, những mảnh vỡ ồn ào được cả dãy phố dỏng tai lên nghe. Bao nhiêu con mắt đổ dồn vào phía điểm nóng. Những người ở ngoài thì lại muốn được vào gần hơn, còn bên trong thực sự ai cũng muốn nhanh chóng thoát ra.
Những tiếng hét thất thanh vang lên rúng động cả khu phố. Những cánh tay điên loạn, những cái đầu nóng cứ thế lao vào nhau, khiến cho đám súc vật chó mèo của xóm cũng tán loạn lên. Không khí xung quanh sực mùi khói, mùi lốp xe mà đám côn đồ kia đốt. Đến Thuần hay ông Khải chắc cũng không thể nhận ra được quán của mình khi đám đàn em của Hoàn quay lưng.
Đang hăng say với những tiếng hét của nhân viên quán, đám côn đồ thực sự cảm thấy lạnh sống lưng, mắt bỗng nhiên cay sè, nước mũi cứ thế chảy ra, hai tai ù lên, Dân còn chẳng nghe thấy đàn em đang nói gì với hắn.
Hai quả lựu đạn khói và hơi cay luồn lách giữa đám đông một cách tài tình. Chẳng cần phải nói nhiều, chửi rủa nhiều, khi chưa kịp mở mắt định thần thì tiếng còi xe cảnh sát đã hú vang gần kề. Giờ mà có ba chân hay bốn cẳng thì thực sự Dân và đồng bọn cũng khó thoát khi con hẻm cụt đã bị chặn đầu bởi cảnh sát.
Trên trụ sở công an, đám cho vay nặng lãi và gây rối trật tự công cộng của Hoàn và Dân đang ngồi trình diện. Dân cũng không biết tại sao ông chủ không trực tiếp nhúng tay vào công việc đòi nợ nhưng vẫn bị bắt lên đây.
*
Khi vừa thấy Thuần về tới cửa, vết mắt bầm đen, sưng lên còn chưa đỡ và năm mũi khâu trên đầu, Liêm đã không giữ được cảm xúc của mình mà khóc to lên. Thuần cũng chỉ biết ôm vợ dỗ dành.
Những ngày sau đó trở nên yên bình hơn, Thuần nằm võng đung đưa giấc nghỉ trưa. Anh đưa tay cầm tờ báo mới mua sáng nay chưa kịp đọc vì xe cộ ra vào đông đúc. Thuần lại nhìn thấy ảnh của đám cho vay nặng lãi hôm trước trên báo. Chẳng biết anh nghĩ gì nhưng Thuần chỉ mỉm cười rồi tiếp tục đung đưa võng.
Tối hôm ấy, cả gia đình Thuần được một bữa liên hoan thật lớn vừa đầy tháng cu con nhưng cũng là chúc mừng cho gia đình Thuần đỡ vất vả hơn. Thấy được tờ báo mà chồng cầm trên tay, Liêm chỉ nhìn chồng cười, nói câu trêu đùa:
- Sao lại không có tên anh chỗ tin ấy thế nhỉ?
Cả hai đều cười phá lên. Thuần cũng biết chỉ có Liêm mới cảm thông được cho anh. Nếu vợ biết, ngay cả lúc chập chờn giữa tỉnh và mê khi bị đuổi đánh kia, Thuần cũng phải dằn lòng lại, kịp gửi những thông tin quý giá về thời gian, địa điểm cũng như cách thức đòi tiền cho vay nặng lãi và cả tờ giấy ghi nợ đang được tên Dân cầm. Rồi, anh ngất đi trong cơn choáng. Chập chờn trong màn đen kịt đó. Thuần nghe tiếng Liêm gọi. Thuần thấy cánh tay bé nhỏ đang vươn về phía mình. Thuần nghe tiếng bập bẹ gọi bố. Thuần nhìn nụ cười thiên thần ở phía xa xăm của màn đen. Nụ cười sáng từ một chấm nhỏ và từ từ nở ra thành một luồng phát quang thật mạnh. Thuần phải tỉnh. Thuần còn Liêm và còn con. Còn nhiều nữa những yêu thương đợi chờ.
Công việc của Thuần, lắm khi trăm tên, cũng có khi chỉ hai chữ: Ngoại tuyến. Nhưng, chí ít bây giờ Thuần là người có công việc hẳn hoi. Ai hỏi Thuần làm gì. Thuần sẽ trả lời: làm bố.