Người dưng…

Chủ Nhật, 06/08/2023, 15:29

Mình không thể nào hiểu nổi bản thân mình. Mình cảm thấy tình yêu là thứ thuốc độc mà ai cũng phải uống dù sớm hay muộn nhưng mình không thể uống nếu như nó được mang đến từ người con trai mà mình gắn bó nhất. Cậu ta không đẹp trai, ok, không sao cả vì đó chỉ là hình thức. Cậu ta còn nghèo, cũng ok không vấn đề gì vì ai cũng sẽ giàu. Nhưng, cậu ta lờ nhờ một tình cảm vừa thương vừa quý, vừa ghen tuông thì không sao rung động nổi.

Tự nhiên, tôi lại chẳng biết nói gì với em.

Tôi trở lại sau những ngày thật sự đã đổ vỡ như một hàng cốc pha lê bị xô lệch, rớt xuống thềm. Không ai có thể ngăn nổi sự gục ngã của sự trong suốt, những thực thể sinh ra là để tin vào ánh sáng. Có người nói rất hay, pha lê cũng như sành sứ, sau khi đã không còn nguyên dạng “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre” thì mảnh vỡ mãi mãi thuộc về bóng tối. Có phải vì thế mà tôi không biết phải nói với em như thế nào.

Tôi như một người ngủ quên đang chạy đuổi theo mặt trời. Ngày cứ thế diễn ra, chẳng đợi ai, sự tàn nhẫn và khốc liệt của thời gian chẳng được ai nhắc đến. Tôi không biết khuôn mặt mình ở cái tuổi bốn mươi ấy như thế nào, có đáng tin hay hèn hạ như có người phụ nữ thường nhắc đến không như trán tôi thì va đến đốp vào cửa kính.

Tôi như một con thiêu thân lao vào ánh nến sinh nhật từ bên ngoài building. Cú va đập ấy đau thì ít mà ngỡ ngàng thì nhiều. Tai tôi ù đi như thể đang đứng trong chiếc thang máy rơi tự do, trước khi được khai mở bởi tiếng diễn giả đang vang lên.

Đó là một vị giáo sư có cái đầu hói, còn vương lại ít sợi tóc bạc trên khuôn mặt đen. Thời còn dạy chúng tôi, tóc ông dài, xõa phía sau lưng cộng thêm dáng người cao to, trông ông khá giống một nam diễn viên điện ảnh. Chúng tôi kháo nhau đến giờ chắc vẫn có không ít cô gái trẻ mê đắm ông. Họ sẽ tự an ủi cho sự buông thả của mình bằng vẻ đẹp trai và tri thức đó.

Thức nhét cái đầu lọc thuốc ba số đang cháy dở vào kẻ nứt của thân cây, nhét một cách cẩn thận rồi phủi tay, ngồi bệt lên vỉa hè, lắc đầu:

- Không bao giờ tôi tin vào những lời giảng ấy, tôi đến để lấy tấm bằng chứ không phải để tin ai?

Chúng tôi đã đi về phía mặt trời đang đỏ rực phía Tây thành phố, mặc Thức ngồi đấy chờ xe bus đi về hướng Nam. Có cái gì đó giống các cuộc chia ly của tráng sĩ ra đi vì đại nghĩa. Nhưng giờ là thời nào, xã hội đang vận hành nhịp nhàng, mấy kẻ viển vông lộn ngược ruột túi quần không có nổi năm mươi ngàn và đầu óc viển vông thì có thể làm được gì? Chiều nào cũng thế, không khí vừa trang trọng, vừa mỉa mai, cho đến một hôm, tôi cũng lao vào lớp như con thiêu thân muộn màng tìm ra ngọn lửa.

e9012d1685f756a90fe610.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

- Chúng mày biết sao Bích… không? - Thức nói mà như hét lên.

Tất cả những cái miệng như bị đông đá lại trước sự xuất hiện của tôi. Bàn tay Thức cáu bẩn, đen đúa và trần tục vỗ lên bờ vai hai mươi tuổi đầy ước mơ của tôi mà ngỡ như cả quả núi đè xuống:

- Thế quái nào. Bích đang là người yêu ông mà.

Không ai nói thêm gì, một sự giải tán lạnh lùng tàn nhẫn đối với tôi. Trái tim tôi như kẻ bị thương cứ lê lết bò về mà không được một viên đạn kết liễu. Bích có thai với thầy thật. Nhưng trước đó ba tháng, ông đã ly hôn với người vợ già cùng quê. Tôi bật dậy túm lấy cổ áo Thức trong sự can ngăn của mọi người:

- Chính mày đưa nó đến với ông ta. Rồi thì họ ấy ấy… mày đứng ngoài cuộc chơi nhưng mày cũng chả làm được gì đâu. Đời nó thế, bọn con gái nó luôn thực tế và lớn trước chúng ta cả thế kỉ. Rõ chưa đồ trẻ em to xác…

Đấy, từng câu của Thức vẫn hằn lên trong đầu tôi nhưng giờ thì tôi lại đang nhếch mép cười ngồi nhìn ông. Hai mươi năm nhanh quá chỉ như hai mươi phút ra chơi. Có hai điều kì diệu tôi vừa nhận ra. Một là không hiểu sao trái tim tôi lại lê lết sống được đến giờ và điều còn lại là nhìn ông tôi không còn mảy may một chút oán hận nào. Bích giờ như một khối rubic hỗn độn sắc màu.

Đã có những người lảo đảo bước ra ngoài tìm chỗ hút thuốc hoặc lấy một ly cà phê. Nhưng cũng khá đông người vẫn đang hướng lên phía diễn giả. Nội dung hôm nay vẫn là câu chuyện về ứng xử và giao tiếp. Có ai đó buột miệng phía hàng ghế bên trên:

- Thà loài người cứ hú hú như khỉ, vượn có khi lại nhẹ đầu.

Cả đám ngồi xung quanh cười khùng khục trong những cái cổ họng đã già nua. Không ai muốn hỏi thêm gì. Chắc họ thấy không cần phải hạ mình làm một thằng nhóc như thế. Ở vào một hoàn cảnh như thế này khôn ngoan cũng là một sự ngớ ngẩn sao? Tôi bắt đầu thấy cơ thể nóng lên. Từ sau khi nhiễm thứ virus làm điên đảo cả nhân loại, tôi bắt đầu nhận ra những cơn bốc hỏa kì lạ ở cơ thể mình. Mọi khi, nó sẽ kéo theo ngứa cổ, ho và khó thở. Nhưng lần này, nó chỉ làm tôi thấy nóng mặt, mặc dù trong đầu tôi mọi thứ đang lạnh tanh.

Tôi bật nút ON lên, ngón tay tôi đã chính thức khiêu chiến với cả ba trăm con người đang liếc đồng hồ khi mặt trời đã sắp tắt trên bãi biển. “Thưa thầy, tôi từng là học trò của thầy hai mươi năm trước. Vâng, khi đó, tôi học lớp… khoá… tôi còn nhớ thầy đã dạy chúng tôi một câu thế này…”. Cả hội trường im lặng như chờ một đáp án. Trong đầu tôi thì đang trống rỗng, mọi suy nghĩ, tri thức đều bay biến hết như một cuộc tháo chạy. “Thầy nghĩ gì về sự phản bội?”. Sau câu hỏi tôi vừa ném vào tĩnh lặng, phải mất một, hai, ba, bốn… không có kim đồng hồ nào chạy chậm đến thế, tất cả mới ồ lên ngạc nhiên thay vì buồn cười hay bức xúc.

- Câu hỏi của anh thật sự ấn tượng. Tôi nghĩ anh là người đã lắng nghe và tiếp thu hiệu quả nhất ở đây.

Một sự phủ đầu hay xoa dịu, tôi sửa lại cổ áo, đưa tay lên vuốt mái tóc. Hai mươi năm rồi, giờ là lúc cần nghe mọi thứ bằng tâm thế dửng dưng phó mặc mọi trách nhiệm.

- Tôi xin được trả lời câu hỏi của anh bằng một câu chuyện như thế này…

Tôi lướt nhìn khắp hội trường. Những người quen của tôi đang lắng nghe. Vâng, họ lần đầu tiên được nghe dù họ đã không còn trẻ. Tôi gặp những khuôn mặt lạ. Họ sinh ra sau tôi vài năm nhưng chắc chắn có đường công danh may mắn hơn tôi. Có cả những ông anh, bà chị có khuôn mặt đã “nhàu” đi sau hai năm dịch dã. Đó, nghe đi, giờ thì cả khán phòng đã bị tôi đánh lạc hướng. Tôi chẳng hằn học, cay cú gì ông đâu, thưa ông thầy nhiều chữ và lắm lí do. Tôi cũng chẳng phải kẻ say mê học hành gì thưa các vị. Tôi đang tìm một người nào đó đang dửng dưng cũng như tôi. Đi đến đâu tôi cũng cố tìm một người dửng dưng như thế.

Năm ấy, cũng đã qua rằm tháng Tám, bọn trẻ con bắt đầu thấy se lạnh vào mỗi sáng đến trường nhưng có vẻ cha mẹ chúng vẫn chưa hạ những cái sọt có nắp đậy treo ở trên sào xuống. Ở vùng này, áo rét là một thứ bảo bối như thế. Hoặc là nó đã cộc lốc, hoặc họ đang cố kiếm những đồng tiền lẻ để sắm áo mới cho con cái. Tôi cũng phải xoa lấy, xoa để hai bắp tay đang sùi lên những lỗ chân lông như một con sâu róm.

Tôi được xếp ngồi gần một đứa con gái. Bộ bàn ghế của trường cấp II quá khổ so với tôi. Tôi ngồi mà hai chân đu đưa chưa chạm đất. Suốt cả buổi học hôm ấy, đứa con gái ấy chả nói gì, mặt nó quay đi, dù tôi cũng chả có ý định nhìn. Thầy giáo dạy Toán bước vào lớp. Ông đi dọc từ trên xuống, hỏi han đứa này sao không có giấy nháp, đứa kia sao không có dụng cụ học tập. Sắp đến lúc thầy kiểm tra hình vẽ, tôi không tìm thấy thước kẻ, tôi quay sang đập đập vai nó. Nó vẫn im lặng. Tôi nói với nó rằng tôi muốn mượn cái thước một chút. Nó vẫn im lặng. Sao có đứa con gái lì lợm đến thế. Thầy bắt đầu quát nạt mấy đứa phía trên, cả lớp bắt đầu xôn xao. Thầy lại đi xuống dãy bàn phía trước tôi, bất chợt nó quay lại, một gương mặt trắng hồng, đôi mắt to và đen nhìn tôi và đang đỏ bừng lên. Thầy bước xuống nhìn chăm chăm vào mặt nó, tôi thấy cái gì đó chạm nhẹ vào tay mình. Nó đã tráo cái giấy nháp có hình vẽ cho tôi nhanh như một cơn gió. Tôi thì cứ “ơ ơ” một cách quá ngốc ngếch.

Đêm ấy, tôi lục sục mãi không biết sao mình không thể ngủ được sau một chiều mệt nhoài trên nương. Cơ thể tôi như lên cơn sốt, những bắp thịt như được nướng trên than, đầu óc mụ mị chỉ nghĩ đến thân thể đứa con gái đó. Suốt những năm sau, tôi sống trong cơn sốt đó khi có mặt Bích. Nó thì cứ vô tư, coi tôi ngẫu nhiên như cái cây, hòn đá mặc cho tim tôi có lúc thắt lại khi thấy bỗng dưng có một đứa con trai nhìn nó.

Cuối cùng, tôi với nó cũng vào đại học cùng nhau. Nó được tuyển thẳng còn tôi chật vật thi mới đủ điểm chuẩn. Điều an ủi tôi là suốt những năm tháng đó Bích luôn giữ một khoảng cách với đám bạn mới. Học xong, nó sang nấu ăn với tôi, đi đâu nó cũng gọi tôi đèo đi nhưng tuyệt nhiên khi chỉ có hai người nó đã im lặng.

Trong cái lần sinh nhật lần thứ hai mươi, chúng tôi quyết định dành toàn bộ tiền tiết kiệm đến đặt một căn phòng gác hai trên quán café sang trọng nhất dãy phố gần trường. Có một chiếc bánh sinh nhật, hai mươi ngọn nến và một chai vang, hai cái ly nhỏ. Trước khi thắp nến lên, Bích bảo tôi tắt điện và im lặng. Tôi hỏi, nó không nói gì, im lặng như một thách thức. Tôi cảm nhận được nó muốn gì, cảm nhận được bóng tối kia không hề vô tình. Nhưng khi tôi bước đến, chạm nhẹ vào vai nó đã đẩy tay tôi ra. Tôi hoảng sợ lùi lại một bước. Một tiếng sét bất ngờ loé lên hắt vào từ cửa sổ soi rõ khuôn mặt đang biến sắc của Bích. Tôi đâu biết đấy là giây phút cuối cùng Bích thuộc về tôi…

“Sự phản bội đôi khi là một chân lý” - ông thầy đã nói vậy vì ông giải thích rằng nó sẽ xác lập một trật tự mới. Tôi đứng dậy vỗ tay, với lấy điện thoại, túi xách và đi ra ngoài. Phía Tây, vầng mặt trời đang đỏ ối. “Bích lúc này có nhìn thấy vầng mặt trời đó không?”- Tôi tự thốt lên.

- Bích đã mất sau khi sinh đứa con gái của tôi.

Ông thầy đang đứng phía sau lưng. Tôi bàng hoàng, tôi buộc phải dửng dưng mà bước về phía trước nhưng ông đã gọi:

- Làm một ly nhé, tôi mời, có quán phía kia.

Khi cô bán hàng nước bày ra hai li cà phê đen quánh. Ông lấy cặp và lôi một cuốn nhật kí

- Tôi biết, nếu cứ đi giảng một ngày nào đó sẽ gặp anh ở đâu đó. Tôi đã mang theo nó suốt mười năm qua. Tôi cứ mang thôi, có thể chỉ để an ủi bản thân mình.

Tôi nhận lấy cuốn sổ và mở ra:

Ngày… tháng… năm…

Mình không thể nào hiểu nổi bản thân mình. Mình cảm thấy tình yêu là thứ thuốc độc mà ai cũng phải uống dù sớm hay muộn nhưng mình không thể uống nếu như nó được mang đến từ người con trai mà mình gắn bó nhất. Cậu ta không đẹp trai, ok, không sao cả vì đó chỉ là hình thức. Cậu ta còn nghèo, cũng ok không vấn đề gì vì ai cũng sẽ giàu. Nhưng, cậu ta lờ nhờ một tình cảm vừa thương vừa quý, vừa ghen tuông thì không sao rung động nổi.

Mẹ mình từng kể ngày xưa bà lấy bố mà không hề dùng đến tình yêu. Nên nhớ là “dùng đến” nhé vì họ chỉ cần nghĩ đến việc có người duy trì nòi giống về sau và chăm sóc lúc tuổi già. Họ đã ở với nhau như sự cộng sinh lâu dài nhất giữa hai sinh vật qua mấy chục năm mà không hề thấy đau khổ và tiếc nuối. Mình có thể phải sống như họ, cũng sinh con như họ nhưng tình yêu thì không, mình phải được yêu dù đó là ai? Là người đàn ông của mình hay chồng, người tình một ai đó khác. Mình có thể không cần ích kỷ như thế vẫn làm một người tỏ ra hạnh phúc nhưng lại lừa dối chính mình.

“Hắn”, “hẳn” là người mình đã vô cùng kính trọng như cha, như chú, như những người nông dân quê mình. Sự tôn trọng từ các bài giảng, các câu chuyện mà “hắn” kể. Một ngày mình nhận ra hắn không như sự tưởng tượng ấy mà đằng sau bộ vest kia cũng ranh mãnh, cũng đầy sắc dục thèm khát. Có thể lúc trẻ “hắn” cũng như mình, phải giấu con người thật bên trong sự khát khao đó. Cho đến một ngày nó chẳng còn ăn khớp nữa. Mỗi thứ có một quyền năng riêng, một con đường riêng. Bất luận “hắn” là ai, mình cần bản năng của hắn, hắn cũng vậy, một sự đối thoại của thân thể mặc dù cái miệng của địa vị câm nín. “Hắn” không dám sờ mó, vuốt ve mình nhưng mình lại cho “hắn” cái quyền chiếm đoạt, điều mà anh ấy đã không thể làm được trong cái khoảng tối giữa đô thị ngập ngụa ánh sáng. Anh ấy sợ thứ trách nhiệm ngoài sáng kia, sợ đồng lõa với mình nhưng lại muốn thâu tóm cuộc đời mình…”.

Tôi đọc đến đây cảm thấy máu trong huyết quản mình đang ngừng chảy. Bích của tôi là một ả khốn nạn thế sao? Từ ngày còn bé, tôi đã thấy cái thân thể của nó trong dòng suối khi cả lũ trốn học đi bắt cá cờ, đi vào rừng đào măng… Ai đã đưa nó đến thành phố này để nó nghĩ những điều điên rồ đó?

- Không, chẳng có ai bắt cô ta làm thế cả? Tiếc là Bích không còn sống trên đời này để tôi có thể thanh minh cho em vào sự phản bội trong mắt cậu - ông thầy nói với tôi như thế mà như đang độc thoại.

Tôi rót một ly, nâng lên, cạnh vào chiếc ly của ông và tưới lên cát. Bà bán hàng có vẻ ngơ ngác vì thấy một gã đổ rượu đi mà chưa hề say. Đúng, Bích đã nói đúng, cái vai diễn xã hội đã kết thúc và em đã tự thoát ra sự tù túng của chính mình như tôi hôm nay lần đầu biết đổ đi li rượu của mình.

- Thầy nghĩ thế nào về một người đàn ông?

Ông thầy với mái đầu đã lưa thưa tóc, vầng trán như một hòn đá nhẵn bóng khẽ dùng chiếc ly hất về phía biển ra hiệu cho tôi nhìn về phía ấy. Một người đàn ông đang cởi trần, tay cầm một mảnh lưới đã rách đi đến gần người đàn bà và đứa trẻ. Bà ta đang hỏi gì đó, vẻ như có ý thắc mắc hay ca cẩm. Ông ta ném tấm lưới rách xuống cát, đạp lên nó rồi tiến đến ôm chầm lấy đứa con, hôn hít thật lâu rồi kéo tay vợ. Bà vợ có vẻ còn lưu luyến tấm lưới, họ đi về phía mặt trời đang lặn xuống, lúc ấy, tôi còn kịp nghe người đó nói rất to như để át đi tiếng sóng: “Đi, đi thôi”.

Tôi chưa phải là một người đàn ông dù đã không ít lần làm những người tình chớp nhoáng phải bỏ đi những cái thai. Có lẽ khi tôi chưa dám quyết định một điều gì cho cuộc đời này, tôi không có quyền đặt câu hỏi cho ai khác? Làm một người dửng dưng trong cuộc đời này là như thế đó, cứ sống dông dài để chứng kiến hết những điều này đến điều khác cho đến khi tự biết vứt bỏ và bước thật nhanh cho kịp đến với bản ngã của mình.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
.
.