Người đi từ bến sông Hoàng

Thứ Năm, 24/04/2025, 22:16

Tuy còn trẻ nhưng Đính luôn là một chiến sĩ "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...". Hăng hái, năng nổ và trách nhiệm lắm. Do vậy, hằng năm Đính vẫn luôn được anh em bình bầu đạt danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng. Quê cậu là một làng ở bên bờ sông Hoàng Long. Một con sông của quê hương Đinh Bộ Lĩnh. Một con sông nổi tiếng hàng ngàn năm nay với truyền thuyết "rồng vàng cõng đế vương qua sông".

Đính, họ tên đầy đủ là Đinh Văn Đính. Tính cậu cởi mở, vui vẻ, cũng hay khôi hài nên anh em vẫn thường đùa gọi là Đinh Sắc, Đinh Sắc Đính, Đinh Sắc Thuốc... Hằng ngày, anh em gọi tắt là "Đinh Sắc". Lâu dần thành như tên cậu...

Buồn cười, một hôm, ông thủ trưởng chính trị tiểu đoàn xuống thăm đơn vị, gặp Đính cũng cười, hỏi: "Đồng chí tên là Đinh Sắc à? Sao nghe như bút danh một nhà thơ trào phúng ấy?" làm anh em ôm bụng cười bò. Dáng cậu trắng trẻo, thư sinh mà trông lại thật rắn rỏi. Người tầm thước, mái tóc "bò liếm" tạo cho cậu một nét riêng khó lẫn với mọi người. Nhanh nhẹn. Tháo vát. Cũng có nhiều tài vặt. Đủ cầm, kỳ, thi, họa...

Hồi còn ở "A", đơn vị luyện quân, Đính luôn giữ chân "chủ bút" tờ báo tường đại đội, kiêm tất mọi việc viết bài, kẻ vẽ trình bày... Lần nào đi thi báo tường trên tiểu đoàn, báo đại đội, cậu cũng đoạt giải nhất. Nhiều bài viết cậu hay ký bút danh là "Đinh Sắc" nên anh em cũng còn hay gọi Đính là "Nhà báo... tường". Đính lại tỏ ra khoái...

Tuy còn trẻ nhưng Đính luôn là một chiến sĩ "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...". Hăng hái, năng nổ và trách nhiệm lắm. Do vậy, hằng năm Đính vẫn luôn được anh em bình bầu đạt danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng. Quê cậu là một làng ở bên bờ sông Hoàng Long. Một con sông của quê hương Đinh Bộ Lĩnh. Một con sông nổi tiếng hàng ngàn năm nay với truyền thuyết "rồng vàng cõng đế vương qua sông".

Cậu yêu và tự hào với quê hương lịch sử của mình lắm. Bài ca dao xưa "Trần ai ai biết ai đâu/ Hoa Lư có trẻ chăn trâu anh hùng/ Cờ lau một ngọn vẫy vùng/ Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang..." thì luôn là bài tủ của cậu. Các buổi sinh hoạt văn nghệ, Đính vẫn hay đọc, có khi còn ngâm và chuyển sang hát chèo. Vì thế mà các chiến sĩ những vùng quê khác vẫn hay hỏi về lịch sử quê hương Đính. Ai cũng háo hức nghe và trầm trồ khen ngợi... Rồi lại hẹn bao giờ hòa bình trở về nhất định sẽ đến thăm vùng quê Đính.

Sau giải phóng miền Nam một năm thì Đính được vào diện ra quân về Bắc. Biết tin Đính sắp được về, ngày nào anh em cũng đến chơi chật phòng.

Ai cũng chúc mừng, rồi giơ sổ tay ra đòi ghi địa chỉ, ghi lưu bút. Tỏ ra thích nhất là các chiến sĩ đồng hương tỉnh, huyện, xã... Người thì nhờ cầm hộ lá thư về. Người thì gửi chút quà tặng người yêu. Lính tráng chả có gì nhiều. Những anh em nhon nhặt chút phụ cấp thì dành mua con búp bê "mắt nhắm, mắt mở" về cho các em, các cháu, hoặc chiếc radio về tặng bố, hoặc bộ khung xe đạp ở chợ Trần Quốc Toản, Sài Gòn về lắp... thì cồng kềnh, nặng không dám gửi. Thích nhất là những anh gửi ảnh. Nào là ảnh ôm vai nhau chụp ở Thảo Cầm Viên. Nào là đứng trước cổng chợ Bến Thành. Oai nhất là những chiến sĩ đứng hiên ngang dưới cổng Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ... Anh nào cũng tươi vui, rõ là những người chiến thắng.

z6536376042695_4f4b58fcca3073f2ec0de9a68f0ec831.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Một hôm, anh em đang quây quần chuyện trò vui vẻ thì anh trung đội trưởng bước vào, tươi cười nói với mọi người:

- Chiều nay... xin đóng góp tùy... túi... Ta ra nhà hàng Bông Mai Vàng, ngã tư Thủ Đức làm một chầu liên hoan tiễn chân thằng Đính nhá.

Mọi người vui vẻ gật đến sái cổ.

Rồi, trung đội trưởng đến vỗ vai Đính:

- Sướng rồi nhé! Ba năm chiến trận, còn mang được "cái gáo lành" về cho bố mẹ, cho người yêu rồi nhá! Chỉ tiếc rằng cậu về cưới vợ mà anh em đơn vị không về dự được. Nhưng, thôi... đành chịu vậy. Khi nào về chúng tớ sẽ đến mừng sau. Chúc cậu sang năm vợ chồng có một thằng cu bế bồng... Hỉ?

Anh em vỗ tay rôm rốp. Tiếng nói cười lại rộ lên. Ấy thế mà Đính chẳng vui lên được. Thì cuộc chia tay nào chả thế. Kẻ ở, người đi. Kỷ niệm chiến trận đạn bom, sinh tử có nhau thì lại nhiều. Nhớ đơn vị, nhớ anh em, ai mà không lưu luyến, bịn rịn... có người còn khóc thật sự ấy. Cái cảnh "người lên ngựa, kẻ chia bào..." xưa nay vẫn thế. Mà không, hình như Đính còn băn khoăn, suy tính điều gì khác nữa. Nhiều người đã thấy hơi là lạ. Cậu này tính vẫn kín đáo thế. Có điều gì là cứ trầm tư, suy tưởng, chả vội bộc bạch với ai... Chiều ấy, Đính lặng lẽ một mình quyết định lên gặp thủ trưởng tiểu đoàn.

Ông đại úy, tiểu đoàn trưởng thấy Đính đến thì vui vẻ bảo vào uống nước. Ông cũng chúc mừng Đính sắp được về. Nhưng, thấy Đính không vui, ông mới hỏi. Đính ngần ngừ, có vẻ khó nói. Lâu lâu một chút, Đính mới mạnh dạn lên tiếng:

- Dạ... báo cáo thủ trưởng... Em mới vào "B" cuối năm 1973, mà tháng 3, sau Hiệp định Paris quân Mỹ đã phải cuốn xéo hết... nên đến mặt thằng Mỹ ác ôn như thế nào cũng không tường. Rồi, cầm súng mới qua mấy trận thì miền Nam đã giải phóng rồi... Cũng tiếng là đi chiến trường mà đánh đấm chưa được là bao...

Ông thủ trưởng vẫn chưa hiểu ý Đính định nói gì:

- Thế thì có làm sao?

- Dạ... Thưa thủ trưởng... em còn băn khoăn lắm...

- Cậu còn băn khoăn điều gì?

- Dạ... Dạ...

Ông thủ trưởng lại cười:

- Chắc còn băn khoăn là chưa có chiến công nào ấy gì?

Đúng là một người từng dạn dày chỉ huy chiến trận. Ông đến là hiểu tâm tư chiến sĩ của mình. "Thực bất hư truyền...". Điều anh em kính phục ông lâu nay quả không sai. Nghĩ vậy, Đính càng thấy kính phục ông hơn. Nhưng, Đính chưa kịp nói gì thì ông đã nói tiếp, vẻ rất thân tình:

- Điều cậu băn khoăn là đúng. Đã khoác súng đi chiến trường, ai mà chẳng mong lập công. Nhưng, cậu cũng biết đấy. Đi bộ đội, mỗi người một nhiệm vụ. Có người trực tiếp. Có người gián tiếp. Ai hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng đều là có công đánh giặc. Như chiến sĩ nuôi quân chẳng hạn, suốt ngày lửa khói, xoong nồi, bếp núc. Các chiến sĩ quân y ngày đêm tận tình cứu chữa thương, bệnh binh. Chiến sĩ công binh bắc cầu, làm đường ra trận. Chiến sĩ vận tải thì đêm ngày vượt đèo, vượt dốc thồ lương, tải đạn ra chiến trường... Và, còn bao nhiêu chiến sĩ làm những nhiệm vụ thầm lặng khác nữa... Cũng quan trọng, cần thiết lắm chứ. Mọi chiến công đều là sức mạnh tổng lực của bao nhiêu con người, bao nhiêu binh chủng, bao nhiêu lĩnh vực. Tiền tuyến đã vậy, còn hậu phương nữa...

Đính tỏ ra ngoan ngoãn gật đầu:

- Dạ, qua học tập các đợt chỉnh cán, chỉnh quân, em cũng đã hiểu vậy ạ!

- Thế cậu còn lấn cấn điều gì?

Thấy thủ trưởng cởi mở, vui vẻ, Đính mạnh dạn dần. Cậu thong thả rồi thành thật nói:

- Dạ... Thưa thủ trưởng. Chả giấu gì thủ trưởng. Hồi ở nhà em có một cô bạn cùng làng học cấp 2, cấp 3 với nhau, xinh nhất nhì trong làng đã hẹn hò. Cô ấy thề sắt son, chung thủy lắm ạ! Hôm tiễn em đi chiến trường, cô ấy nắm tay em nói rất nghiêm chỉnh, cứ như giao ước thi đua với nhau là: "Ở nhà em quyết tâm thi đỗ đại học. Còn anh ra trận phải có được chiến công về đấy...". Em xúc động lắm, nhưng cũng trêu lại:

- Nếu không thì sao?

- Thì sao à? Liệu chừng. Anh mà "B quay", mà chiêu hồi, chiêu hàng hoặc chẳng có chiến công nào thì đừng có mà vác mặt về làng, đừng có mà mong gặp nhau. Ngày nào chúng ta đã cùng xem phim "Người thứ 41”, anh thấy rồi đấy... thì cứ là phải thế.

Đính nhìn thủ trưởng mỉm cười rồi nói tiếp:

- Không ngờ người đẹp mà sắt đá như thế đấy, thủ trưởng ạ!

Ông thủ trưởng trầm tư suy nghĩ. Có lẽ ông cũng thật xúc động trước câu chuyện của Đính. Ông bảo:

- Cô ấy tuyệt vời nhỉ! Mừng cho cậu có một người bạn như thế. Nhưng, bây giờ giải phóng, hòa bình rồi... còn đánh đấm gì đâu mà mong lập công nữa. Mặt khác, hoàn thành mọi nhiệm vụ xuất sắc thì cũng là những chiến công chứ sao?

Thì đúng là như vậy. Thủ trưởng chả nói sai điều gì. Tuy vậy, Đính vẫn ngần ngừ như còn muốn nói thêm nữa. Thấy vậy, thủ trưởng nhìn Đính rồi hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Dạ... Thưa thủ trưởng... Còn điều này nữa. Là làng em có ba chiến sĩ cùng ở đơn vị ta. Ba anh em tuổi ngang nhau, trẻ như nhau mà hai bạn kia đều vẻ vang cả. Cậu Huy "Dũng sĩ diệt cơ giới", từng bắn cháy xe bọc thép địch, diệt được năm tên. Cậu Thủy "Dũng sĩ đánh tàu chiến", một đêm phục kích đã bắn chìm tàu quân sự địch trên sông Đồng Nai, diệt tới hai mươi lăm tên giặc. Trong khi đó em thì chả có gì đáng kể. Về làng, chúng nó kể với dân làng, em thì biết kể gì, xấu hổ với mọi người, với dân làng lắm mà có khi cũng chẳng dám gặp cô bạn kia nữa đấy ạ!

Ông thủ trưởng lại trìu mến nhìn người lính của mình. Cậu ta trẻ mà có những suy nghĩ hồn nhiên, trong sáng, những mong ước đến là cao đẹp. Anh em chiến sĩ mình tuyệt vời đến thế đấy. Tuy nhiên, điều này trong những năm chỉ huy, gần gũi lính, ông cũng đã được nghe các chiến sĩ của mình bộc bạch nhiều. Vậy mà bây giờ, trực tiếp nghe Đính nói, ông vẫn thấy xúc động vô cùng. Ông thấy yêu thương chiến sĩ mình thêm bội phần. Ông suy tư một chút rồi động viên:

- Thì... từ ngày cậu về đơn vị đến nay cũng đã có bao nhiêu thành tích rồi đó thôi. Chứ bây giờ trở về rồi, còn thời cơ đâu mà lập những chiến công như xưa nữa. Và, như trên anh (ông bỗng chuyển cách xưng hô là anh em với Đính, thân tình như hai người anh em tâm tình với nhau chứ không còn khoảng cách cấp chức), anh đã nói đó cũng là những chiến công, cũng xứng đáng ghi nhận, cũng tự hào lắm chứ? Thôi, em đừng có băn khoăn, lấn cấn gì nữa.

Chộp được mấy tiếng "không còn thời cơ" thủ trưởng vừa nói, đôi mắt Đính bỗng sáng lên, cậu lập bập nói ngay:

- Dạ... Thưa thủ trưởng... Cũng còn thời cơ đấy ạ.

- Thời cơ?

- Dạ... Như thủ trưởng biết, chúng em nghe đài, đọc báo cũng đã biết...

- Biết gì nào?

- Dạ... biết là... tình hình chiến sự ở biên giới phía Nam, phía Bắc hiện nay lại rất căng thẳng rồi ạ. Ở phía Tây Nam thì bọn Pôn Pốt đêm ngày tràn sang ta, xông vào các làng, ấp thẳng tay giết người, cướp của. Nghe nói bọn này còn dã man hơn cả thời trung cổ. Chúng bắt bớ, giết người toàn bằng gậy gộc, dao kiếm, vồ đập... Phụ nữ có thai, chúng giẫm lên bụng cho phọt thai ra, hoặc mổ bụng, moi gan. Trẻ em thì chúng quăng vào lửa rồi đứng nhìn hô hố cười như trước một trò chơi.

Ở bên nước chúng mà chúng còn đánh đập, giết chóc cả cha mẹ, anh chị em ruột, người thân không hề run tay... Chúng còn muốn diệt chủng cả dân tộc của chúng. Chúng là loài lang sói, là quỷ dữ đội lốt người. Chúng còn định xâm chiếm miền Nam ta và đảo Phú Quốc nữa. Chúng em được biết hiện nay quân đội ta đã sẵn sàng tình nguyện sang giúp bạn diệt trừ bọn Pôn Pốt, cứu nguy cho đất nước Campuchia anh em... Nhiều đơn vị chiến sĩ ta đã hăng hái trở lại biên giới tiếp tục cầm súng chiến đấu rồi ạ...

Đến đây thì ông thủ trưởng lại thêm một lần ngạc nhiên trước Đính. Ông không ngờ những chiến sĩ trẻ như Đính mà lại rất quan tâm và nắm rõ tình hình thời sự đến thế. Ông nâng chén nước uống một hớp rồi suy tư và ngần ngừ hỏi:

- Thế... Ý của em là?

Đính điềm nhiên trả lời:

- Dạ... Thưa thủ trưởng. Em xin đơn vị cho em ở lại ạ!

- Em ở lại?

- Dạ... Em muốn ở lại và xin được tiếp tục cầm súng lên biên giới chiến đấu tiêu diệt bọn Pôn Pốt ạ!

Ông thủ trưởng gật gù rồi hỏi như muốn "nắn gân" Đính:

- Bọn này hung hăng, liều lĩnh lắm. Em không sợ à?

Đính mỉm cười:

- Dạ thưa... Ta từng đánh Pháp, đánh Mỹ còn chả sợ nữa là bọn này.

Được đà, Đính nói một thôi một hồi:

- Bọn này là một lũ lính tráng "vơ bèo vạt tép" ấy mà. Toàn một lũ trẻ ranh mười lăm, mười sáu tuổi, "vắt mũi chưa sạch", học hành chưa ra làm sao đã bị chúng xua vào lính. Được cho ăn, cho gái gú, rồi bị ấn vào tay một cây súng, bảo sao làm vậy ấy mà. Đó là loại thú đầu không có óc, là loài lang sói, vô nhân tính. Nhưng, cũng là loại tham sống sợ chết. Chỉ cần nghe nói quân giải phóng ta tấn công là đã quăng súng chạy như vịt rồi...

Ông thủ trưởng gật đầu, cười:

- Đúng vậy đấy. Hồi ở bên Công-Pông-Chàm, anh cũng đã biết bọn Khơ me đỏ như vậy... Nhưng mà thôi, em ạ. Quân đội ta có thêm một tay súng cũng tốt. Song, bây giờ quân ta trùng trùng điệp điệp... cũng đã dư sức chiến đấu rồi. Đất nước đã hòa bình, rất cần những trí tuệ, tài năng trên những lĩnh vực khoa học, văn hóa... để tiến vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Em về, tiếp tục thi vào đại học là để tạo nguồn cho tương lai đất nước. Em lại ở diện được trên quan tâm là bố mẹ già yếu, gia đình khó khăn, đã có một người anh liệt sĩ, rồi còn có cô bạn sắt son chung thủy đang mong đợi từng ngày... Theo anh, em nên về!

Nghe thủ trưởng nói chí tình chí nghĩa như thế mà Đính vẫn không vui lên được. Khi Đính chưa kịp nói gì thì thủ trưởng đã đứng dậy, bước đến, thân tình đặt tay lên vai Đính bảo:

- Đợt này em về tổ chức. Anh chưa về được. Thôi, tiện đây (vừa nói ông vừa rút ví đưa cho Đính năm mươi đồng, tiền ngày mới giải phóng gần bằng tháng lương của ông) cho anh gửi mừng hạnh phúc các em. Rồi, khi nào về, nhất định anh sẽ đưa cả chị và các cháu sang thăm gia đình, thăm quê hương em. Một miền quê lịch sử, mà hồi làm cán bộ khung luyện quân ở Nho Quan, anh chưa đi thăm được, dù nghe nói quê em có rất nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt vời...

Nghe thủ trưởng nói vậy nhưng Đính vẫn lắc đầu không nhận quà mừng và khăng khăng:

- Không. Em xin cảm ơn thủ trưởng. Nhưng, xin đơn vị xem xét cho em được ở lại và được tiếp tục đi chiến đấu. Cuộc chiến này em tin chắc chắn không lâu đâu. Rồi, bao giờ đất nước Campuchia giải phóng, em về cũng chưa muộn.

Thấy Đính vẫn một ý chí sắt đá như vậy, ông thủ trưởng cũng cảm thấy khó thuyết phục. Cuối cùng, ông nắm chặt tay Đính, nói:

- Vấn đề này anh cũng chưa quyết được ngay. Ngày mai anh sẽ đưa ra ban chỉ huy họp bàn đã. Thôi, em hãy chờ...

Đính nhìn thẳng thủ trưởng và vẫn nói khá mạnh mẽ:

- Các thủ trưởng mà không cho em ở lại, em sẽ viết đơn tình nguyện...

Ông thủ trưởng lại như thêm một lần xúc động trước ý chí và nguyện vọng cao đẹp của người chiến sĩ trẻ. Không biết nói sao nữa, ông lặng lẽ bước sóng đôi cùng với Đính một đoạn. Đến khi chia tay, Đính đi đã xa, ông còn đứng lặng nhìn theo và khẽ lắc đầu lẩm bẩm một mình:

- Đúng là người lính, một người con của vùng quê lịch sử, lòng lúc nào cũng tràn đầy khí phách của một con người "Thép đã tôi...". Cụ Nguyễn Trãi từng nói "Có nhân, có chí, có anh hùng..." quả thực không sai. Với những chiến sĩ như vậy, ông tin tưởng và hy vọng lắm.

Chuyện ấy chả mấy chốc đã loang khắp đơn vị. Anh em lại náo nức kéo đến vui trò chuyện với Đính. Đính thì vẫn từng giờ nóng lòng chờ đợi quyết định của đơn vị. Và, cậu cũng thấy nôn nóng, thấy hồi hộp y như ngày chờ đợi quyết định nhập ngũ ở Bắc vậy...

2/2025

Truyện ngắn của Thanh Thản
.
.