Ngôi nhà mái đổ tường rêu

Thứ Sáu, 30/08/2024, 14:26

Mồng không thể hiểu được anh trai mình. Từ ngày cô Tân về sống cùng, anh như biến thành một con người khác. Có lẽ tình yêu cao cả của Kiếm đã giúp cô Tân trở thành một người bình thường. Con đường vào nhà nếu không có vợ chồng anh trai ra sức làm từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt mờ thì chưa thể xong ngay được. Tường ngôi nhà được thay áo mới, những viên ngói cũng được đảo lại. Từ ngoài nhìn vào những viên ngói âm dương màu đỏ tươi phơi mình giữa trời xanh.

Mồng không thể nhớ được chính xác ngôi nhà anh Kiếm đã bao nhiêu ngày bếp không đỏ lửa. Từ ngày vợ Kiếm bỏ nhà theo người đàn ông mới quen trong lần đi bốc hàng đông lạnh ở biên giới, Kiếm trở thành một con người khác hẳn. Có ngày Kiếm ngồi thất thần như người mất hồn trông chẳng khác gì một pho tượng gỗ, có bữa anh tự nói chuyện lầm rầm một mình, có khi lại cười, khóc hu hu như một đứa trẻ.

“Phải trông chừng anh mày đấy, giờ nó trở thành người tâm thần rồi, có ngày nó nghĩ quẩn phóng hỏa đốt nhà như chơi đấy”. Người làng nói với Mồng. Trời, anh Kiếm đã thảm đến mức này rồi sao? Dạo này cả tháng trời Mồng không nhìn thấy bóng dáng anh trai rồi. Cửa trước cửa sau khóa im ỉm. Mùng một, hôm rằm Mồng muốn vào nhà nhóm bếp châm hương thắp cho tổ tiên nén hương mà không sao vào được. Anh Kiếm đã đi đâu? Điện thoại thì tắt máy không gọi được.

Mồng cảm thấy lo lắng. Mồng không hợp tính anh trai, đã không ít lần cãi cọ, đánh nhau rồi. Nhưng dù sao cũng máu mủ ruột thịt, nói bỏ mà không thể bỏ, từ mặt đâu thể từ lòng. Làng trên xóm dưới đã có người vào rừng ăn lá ngón, treo cổ vì nghĩ quẩn, lẽ nào cái đầu của anh Kiếm cũng không nghĩ được lối thoát trong cuộc sống mà tìm đến cái chết bờ chết bụi đâu đó không ai vuốt mắt, chải đầu.

Vợ bỏ đi thì mình cũng hóa điên hóa dại theo nó thì hỏng. Sao cứ nhìn cuộc sống hạn hẹp như cái lỗ kim, phải nhìn lên cái đồi Luông kia, cây chịu bao nhiêu mưa dập gió vùi, mùa này gãy đổ mùa sau lại xanh tươi. Mồng thấy buồn cho anh trai, cái nhìn thì hẹp, cái nghĩ thì ngắn, lòng thì rối hơn cả tơ vò.

19761cfdde9e79c0208f9.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Gần chục người cùng nhau tìm kiếm khắp khu rừng, núi quanh bản nhưng không thấy bóng dáng của Kiếm. Cả những con chó tinh ranh nhất trong bản cũng được huy động kiếm tìm nhưng cũng không có kết quả. Nghe đàn chó sủa inh ỏi ở khu rừng Phja Pay, những người tìm kiếm vội vàng chạy đến. Đàn quạ đen thấy nhiều người đến cũng vội vàng bay đi chỗ khác. Lẽ nào Kiếm lại chạy đến chỗ này để tử tự sao? Đã có người nghĩ như thế. Nhưng đến nơi thì thấy một con nai bị rơi xuống hố quặng chết. Con nai đã bốc mùi, nhưng đám người tìm kiếm vẫn quyết đem về làm thịt.

“Của rừng trời cho vứt đi thì phí lắm. Đem về làm lông, ngâm ướp rượu, gia vị vào, thịt lợn làm sao sánh được”. Anh Vương, anh họ của Mồng nói. Không tìm thấy thằng Kiếm nhưng chúng ta lại có được bữa thịt nai thật tuyệt. Mồng ạ, chúng ta không nên tìm kiếm thằng Kiếm nữa, tao tin chắc nó dở dở ương ương nhưng không đến mức nghĩ quẩn mà tìm đến cái chết đâu. Thằng này máu gái chắc nó đang cặp kè với con đàn bà nào đó cũng nên - Vương nói. Anh tự tin với nhận định của mình.

Nhà đối diện nhau, cách vài chục bước chân, mỗi sớm dậy Mồng đều nhìn về phía nhà anh trai, mong cánh cửa nhà bật mở, khói từ bếp thoát lên mái nhà chui qua kẽ ngói âm dương thoát lên trời để người trong bản nhìn thấy ngôi nhà Kiếm vẫn đỏ lửa. Nhưng lần nào Mồng cũng thất vọng. Lối đi đến nhà Kiếm lá tre, vầu rụng đầy, cỏ mọc lên xanh. Tường nhà loang lổ rong rêu. Mái ngói thiếu hơi lửa, hơi ấm người sinh sống đã chuyển sang màu rêu trắng. Người qua đường nhìn lên mái ngói đổi màu rêu trắng thì phán “gia đình này sắp tới sẽ có người chết”. Họ đâu biết rằng ngôi nhà bỏ hoang lâu ngày nên ngói mới đổi màu.

Hai đứa con còn nhỏ, Mồng đang mắc bệnh gan vì rượu nhưng anh vẫn lạc quan để sống. Anh Kiếm thì việc gì phải lo lắng, vợ bỏ đi mà nghĩ quẩn? Thằng Ắn đã học hết phổ thông đi làm công nhân kiếm được tiền tự lo được cuộc sống của riêng nó rồi. Việc gì Kiếm phải suy nghĩ nhiều. Phía trước có phải là núi đá cao sừng sững chắn ngang lối đi mà anh phải buồn. Màn đêm buông xuống, nhà một mình không ai nói chuyện thì quạnh hiu, nhưng thiên hạ còn nhiều người hoàn cảnh hơn, ăn bữa nay phải lo bữa ngày mai, nhà không có mà ở mà họ vẫn lạc quan sống, tin ở tương lai tốt đẹp.

Cha mẹ sinh con trời sinh tính, mỗi người có cách nghĩ của riêng mình. Mồng không thể nghĩ thay cho Kiếm được. Mồng còn có nhiều thứ phải lo lắng. Anh lo sức khỏe của mình sẽ không được tốt, đã bao nhiêu lần vào nằm viện, tiền bạc đổ vào thuốc thang để đổi lấy sức khỏe thì nó đắt đỏ lắm, thấm lắm, đau lắm. Đau nhưng vẫn phải làm, giả dụ Mồng ra đi lúc này, giữa đường đứt gánh, hai con sẽ ra sao khi sức khỏe mẹ nó cũng không được tốt. Đất đai đấy mà mẹ nó thì không biết cày máy. Nhờ người bản thì được mấy bữa.

Anh Kiếm chắc không bao giờ suy nghĩ được như thế. Anh chưa bao giờ hỏi han sức khỏe của em mình, bỏ mặc bố mẹ già để cho vợ chồng em trai chăm sóc. “Chúng mày có đôi có cặp thì việc gì phải lo lắng, như tao một thân một mình mới phải lo lắng thôi. Không nghe các cụ ta nói, một cái đũa thì không thể gắp được thức ăn bỏ vào miệng à?”. Mồng cảm thấy buồn cười khi anh trai nói ra câu đó. Anh Kiếm chỉ biết nói chứ không biết người ta vận dụng câu nói trong hoàn cảnh nào thì hợp lý.

*

Mồng luôn suy nghĩ về câu nói của chị Thảo trưởng bản. Bản ta còn có đường vào nhà chú Kiếm, chú Mồng là chưa được bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm cần phải được bê tông hóa, kênh mương thủy lợi được đầu tư, đường điện có cột bê tông để an toàn đảm bảo cho người dân sử dụng hiệu quả. Bản Nà Rây ta điện, kênh mương, đường nội đồng đã hoàn thành, còn đường ngõ xóm là chưa hoàn thiện thôi.

Xã Đoài đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm sau. Rồi năm sau nữa sẽ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng để hoàn thành mục tiêu thì bản, làng phải hoàn thành trước. Giờ nhà nước còn có chính sách hỗ trợ xi măng để bà con ta làm đường giao thông bản, đường nội đồng, không biết về sau còn có hay không thì tôi không biết được. Bây giờ chính sách nhà nước còn có thì bà con tranh thủ chung sức, đồng lòng mà làm đi, làm để cho chính chúng ta đi lại hàng ngày cho thuận tiện.

Những lời nói của chị Thảo như rót từng chữ vào đầu Mồng. Tính từ đường trục rẽ vào đến nhà Mồng cũng phải gần ba trăm mét. Sức lực của nhà Mồng chịu sao được. Còn anh Kiếm đó, nhưng anh ngày ở nhà tháng ở ngoài, gặp anh còn khó hơn gặp quan. Mỗi lần có chuyện Mồng phải tìm đến anh bàn bạc, chưa bao giờ Kiếm chủ động tìm em trai để bàn việc cả. Mồng muốn có được con đường bê tông vào nhà lâu rồi. Sau khi nghe lời chị Thảo, Mồng đi ra khỏi nhà sinh hoạt cộng đồng gọi điện cho Kiếm nhưng anh không mở máy.

Mồng tức lắm. Việc quan trọng mà lúc cần thì không gọi được. Làm đường chung chứ có phải vào nhà Mồng không đâu. Tại sao Mồng lại phải tự bỏ tiền ra mua đáá, cát để làm đường. Tiền mua vật liệu đối ứng cũng phải vài ba chục triệu chứ có ít ỏi gì đâu, Mồng còn bao nhiêu thứ phải lo toan nữa. Làm thì cùng nhau mà làm, không thì thôi, đã bao đời nay đi đường đất rồi, có sao đâu. Khi cái tức lộn lên đầu, Mồng nói thế, nhưng khi hồi tâm Mồng cảm thấy tiếc vì tiền xi măng nhà nước cho không cũng đâu có nhỏ. Đường vào nhà người ta bê tông vào đến tận cửa, nhà mình thì đất đỏ nhão nhoét mỗi khi trời mưa to, bùn ngập đến mắt cá chân, muốn ra ngoài phải đi ủng, nghĩ mà buồn.

Mồng không chỉ lo lắng về tiền mua vật liệu khi làm đường vào ngõ nhà mình. Có vật liệu, xi măng rồi, Mồng lo nhân lực để làm. Bố mẹ đã già không thể giúp được nữa. Hai đứa con thì còn quá nhỏ. Anh Kiếm thì cả tháng trời không thấy mặt mũi. Chỉ có mỗi vợ chồng Mồng là lao động chính. Tuyến đường ba trăm mét mà ngày chỉ có hai người làm thì bao giờ mới xong được. Cũng tại vợ chồng Mồng không biết tính toán, trước nhiều hộ làm mà Mồng chỉ đến xem ngồi uống chén chè, chén rượu không động tay vào cái bay, cái xẻng, bàn xoa. Anh Kiếm thì chỉ được cái mồm nói mà cũng không chịu giúp sức. Mồng tin khi anh làm đường sẽ chẳng ai đến giúp đâu.

Gọi điện cho anh không được, tính trước tính sau, Mồng đã quyết định không nhận làm đường bê tông. Chị Thảo nghe thấy Mồng nói vậy thì buồn. “Chú Mồng đã nói thế thì lần sau đừng hỏi chị về chuyện nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường nữa nhé. Chị đã nói nhiều lần lắm rồi. Trong cái bản này bao nhiêu tuyến đều đã làm xong, nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con nông dân đóng góp cát sỏi, bột đá, công sức làm đường. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới nhanh được, chứ chờ Nhà nước làm cho hết thì không biết đến bao giờ, làm đường là để chúng ta đi lại cho dễ dàng thôi”.

Mồng nghe chị Thảo nói thế thì chỉ biết cúi gầm mặt. Tuyến đường gần cây số mà chỉ mỗi nhà Vương mà anh còn làm được, đường vào nhà Mồng chưa đầy ba trăm mét, lẽ nào lại không thể? “Thấy người ta làm gì thì mình cũng nên động tay chân vào giúp công sức, chứ đừng đến nhìn rồi chỉ trỏ mà khoanh tay như ông tướng. Tuyến nhà anh nếu không có sự giúp đỡ của người trong bản thì không thể làm được đâu”.

Vương nói với Mồng. Chú trông đợi gì ở người anh lắm mồm kia, một năm nó ở nhà mấy ngày? Thằng Kiếm như con chim bay xa đã quên cái tổ của mình, như con cá mải mê bơi đã quên đường về rồi. Mình cố làm sẽ được thôi. Ngày anh làm đường vào nhà, vợ chồng chú chẳng thấy mặt buổi nào nhỉ? Cả thằng Kiếm cũng thế. Đường làm xong nó thản nhiên đi xe máy vào rừng khoanh lấy củi, vậy mà vẫn chê chỗ này thấp, chỗ kia cao, chỗ này phải cắt thẳng xe đỡ phải cua gấp. Nghe mà thấy ghét.

Anh nói vậy thôi, chứ không hề trách cứ gì. Chú làm đường thì anh sẽ đến giúp vài buổi. Làm mảnh vườn Cốc Khuông anh vẫn phải đi qua đường vào nhà chú một đoạn mà. Ngoài lời góp ý của anh Vương, chị Thảo thì không ai nói gì. Mồng không biết khi anh làm đường thì họ có đến giúp sức hay không? Vào mùa khô thiếu nước, phải kéo điện bơm nước từ dưới vực lên, không thì phải đi gánh từng gánh nước về trộn xi măng thì vất vả lắm.

Thằng Ấn biết nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông thì nó gọi điện cho Mồng bảo chú cứ gọi xe đem cát sỏi đến. Nó sẽ góp tiền mua vật liệu để làm con đường dễ đi lại. Ấn đã bị ngã xe mấy lần vì đường đất đỏ trơn trượt rồi. Cả bản còn mỗi đường vào nhà Mồng và nó là chưa được đổ bê tông, ngày nắng thì bụi đỏ mịt mùng, khi mưa thì lầy lội. Nhìn con đường ra vào sớm tối thấy buồn và xấu hổ với người trong bản. Đường vào nhà bác Vương xa thế còn làm được, của mình chỉ bằng một phần tư nhà bác, lẽ nào lại không thể bỏ được vài triệu để mua cát sỏi, bột đá?

Mồng thấy thằng Ấn quyết tâm làm đường, không như bố nó chẳng thèm quan tâm đến đường đi lối lại, nhà cửa, vườn tược giờ ra sao? Gọi lấy vật liệu thì có gì khó, một cuộc điện thoại thôi thì doanh nghiệp Toàn Thắng cho xe chở đến trong ngày luôn. Cơ mà có tiền trả cho họ không thôi. Doanh nghiệp cho nợ đấy, nhưng mấy tháng sau phải thu xếp mà trả tiền cho người ta mới được. Mồng sẽ tính toán khối lượng đá, sỏi, bột đá để làm tuyến đường, khi nào nhà nước cho xi măng, Mồng sẽ trực tiếp lên gặp giám đốc doanh nghiệp Toàn Thắng, bạn học phổ thông của anh.

Ngày Kiếm đi, cây đào trước cửa vẫn còn trơ trụi lá, khi quay về quả đào đã dần chín mọng. Kiếm về cùng với cô Tân, người điên điên khùng khùng ở chợ Co Xầu. “Thằng Kiếm điên mất rồi”. Nhiều người trong bản thốt lên. Nói thế cũng nghe được à? Nó không điên mà lại đi cặp với con Tân à? Con đó tởm lắm, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy sợ. Cả năm trời cái thân của nó chắc chẳng tắm rửa bao giờ. Thằng Kiếm mà ngủ được với nó, ôm ấp, hôn hít nó thì cạn lời luôn.

Những lời bàn tán của người trong bản Mồng nghe được hết. Bố mẹ cũng không khuyên được anh, Mồng thì làm gì được. Thằng Ấn mà biết được bố nó đi cặp kè với cô Tân điên, dìu dắt nhau về nhà thì chắc uất lắm. Trong thâm tâm của Ấn dù cho thiên hạ này hết người đàn bà thì cũng không bao giờ đi ngủ với một người khùng điên lúc tỉnh lúc mê. Ngày còn ở nhà thỉnh thoảng Ấn lên Co Xầu chơi, nhìn thấy cô Tân, Ấn liền tránh đi đường khác. Ấn không muốn nhìn vào người đàn bà ăn mặc lôi thôi lếch thếch, áo rách hở lưng, quần thủng đít. Người lại còn bốc mùi hôi hám.

Nhưng cái chợ này nhiều người đã quen Tân, chẳng ai xua đuổi. Dại gì mà chọc vào Tân điên khùng? Người ta chỉ nói một câu mà Tân chửi cả ngày luôn, làm sao còn mua với bán hàng được nữa. Không ai biết Tân lang thang ở chợ Co Xầu đã bao nhiêu năm. Một người xinh đẹp, học giỏi ở trường xã Đoài cuối cùng lại trở nên như thế. Bao nhiêu người cảm thấy tiếc nuối cho cái phận người bé nhỏ. Tân phát điên khi chồng lên núi kiếm lan phi điệp ngã chết, xác không còn nguyên vẹn. Cô nhìn chồng máu me đầy mình rú lên một tiếng vọng cả núi rừng, từ đó Tân như biến thành một con người khác.

Một lần sư thầy tên Thích Phước Thiện từ trong miền Nam ra thuyết giảng cho Phật tử ở chùa Trúc Lâm Bản Giốc, dừng chân ở phố huyện Co Xầu, nhìn thấy cô Tân điên đã phán một câu “người này thật đáng thương, phước lành tiền kiếp đã tận kiệt. Nhưng người này vẫn có cơ hội trở thành một người bình thường khi có một người phát tâm cầu phúc và mở rộng vòng tay thương yêu…”. Nhiều người ngồi bên cạnh thầy đều không tin cô Tân điên có thể trở lại một người bình thường. Thầy nhìn những người chưa hết ngạc nhiên vì câu nói của thầy mà không nói gì. Họ đâu nhìn ra được tâm can của con người như mắt của thầy nhìn thấy, tâm can của thầy cảm nhận được.

*

Mồng không thể hiểu được anh trai mình. Từ ngày cô Tân về sống cùng, anh như biến thành một con người khác. Có lẽ tình yêu cao cả của Kiếm đã giúp cô Tân trở thành một người bình thường. Con đường vào nhà nếu không có vợ chồng anh trai ra sức làm từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt mờ thì chưa thể xong ngay được. Tường ngôi nhà được thay áo mới, những viên ngói cũng được đảo lại. Từ ngoài nhìn vào những viên ngói âm dương màu đỏ tươi phơi mình giữa trời xanh.

Mảnh vườn sau nhà được rào lại, những bụi cỏ dại được nhổ sạch, gom thành đống đốt hóa thành tro bón đất. Mồ hôi đổ xuống, đất cứng được lật lên, đập nhỏ thành đất mùn tơi xốp. Chỉ một thời gian ngắn, mảnh vườn đã phủ một màu xanh tươi non. Mấy luống rau mồng tơi, rau đay, rau cải, rau muống mọc lên xanh tốt trên mảnh vườn trước đây mọc toàn cỏ dại. Lối đi vào nhà cũng được quét dọn sạch sẽ. Ngôi nhà ngày nào cũng có khói lam hòa quyện, xoắn xít bay lên từ mái ngói đỏ tươi. Mỗi buổi sáng khi những chú chim gọi nhau chíu chít trên rặng tre xanh, người trong bản đã thấy Kiếm cầm thùng loa tưới nước cho những luống rau xanh. Ngôi nhà im ắng bao lâu nay lại có tiếng cười, nói chuyện râm ran.

Không ai tin được cô Tân từ ngày về sống với Kiếm lại có thể trở thành một người bình thường. Cái nhơ nhớp, hôi hám được gột rửa, trở nên sạch sẽ thơm tho; bộ quần áo rách, mái tóc rồi mù trước kia chỉ còn trong hoài niệm. Tân không còn nhớ gì đến chuyện mình đã từng là một người điên bao người xa lánh. Bây giờ cô ngồi bán rau xanh ở chợ Co Xầu, chẳng ai có thể nhận ra một người đã từng lang thang đầu đường cuối phố đã lột xác thành một con người khác hẳn.

- Tân à, có lẽ mình phải lên xã đăng kí kết hôn, làm một hai mâm cơm để ra mắt họ hàng mới đúng với lẽ trời, hợp với lòng người được - Kiếm nói với cô.

- Tất cả nghe theo lời của anh. Nhưng…

- Em sợ thằng Ấn không đồng ý cho chúng ta ở bên nhau à?

- Vâng.

- Thằng Ấn nó lớn rồi, nó biết suy nghĩ và cảm thông cho chúng ta mà. Em đừng quá lo lắng, anh tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi - Kiếm động viên Tân.

Mải suy nghĩ cho đến khi có người hỏi mua mớ rau Tân mới sực tỉnh. Thì ra anh Kiếm thật sự lo cho thân phận của cô. Cô sẽ sống thật tốt cho phần đời còn lại của mình. Cô sẽ cùng Kiếm cải tạo lại những mảnh vườn, nương để hoang hóa từ lâu. Cái chuồng gà, chuồng lợn dui, kèo đã mục nát, phải làm lại để nuôi gà nuôi lợn. Phải nuôi thêm con trâu để có phân bón cho đồng ruộng, bón cho cây rau mau lớn. Tân sẽ nói với anh Kiếm để anh nói với chị Thảo làm đường bê tông để nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp vật liệu, công sức lao động.

Hôm nay Tân bán đắt hơn mọi ngày, được về nhà sớm. Gặp những người quen cô mỉm cười chào hỏi nhiệt thành. Cô là cô Tân á? Nhiều người không tin vào đôi mắt của mình. Có người nhớ đến câu nói của thầy năm xưa mà tỏ ra khâm phục. Thầy nhìn thấy những điều thầm kín mà người khác không thể nhìn được. Người ta nhìn theo bóng người đàn bà xinh đẹp vừa đi ra khỏi chợ. Cô đang đi về ngôi nhà mái đổ tường rêu.

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập
.
.