Ngọc ẩn

Thứ Sáu, 05/01/2024, 10:10

Vợ anh cởi hết áo ngoài, để lộ khuôn ngực đầy đặn, phồng lên hai gò bồng đảo, trắng nõn, tròn căng, rồi từ từ giơ cánh tay trái lên hết cỡ. Khi cánh tay và hông vợ gần như tạo thành một đường thẳng, ở vị trí hơi lõm vào như một hình vòm, điểm xuyến vài sợi lông tơ màu đen rất mịn, màng, hiện lên một nốt ruồi màu son như một viên hồng ngọc to gần bằng hạt đậu, mọc ra ngay ở chỗ hõm ấy, trông như ngôi sao hôm trên bầu trời nách vợ. Đẹp mê li.

Tin nhắn gửi từ số máy lạ khiến Thương nằm cả đêm thao thức, tâm trạng rối bời, cảm giácnhư vừa bị đánh cắp mất bảo bối cuộc đời mình: “Anh đã nhìn thấy một nốt ruồi son. Nốt ruồi ấy cứ ám ảnh anh cho mãi đến giờ”. Anh ta là ai? Làm sao có thể nhìn thấy nốt ruồi son ấy? Hay là người đàn ông người dân tộc Thái, tên Thạch,thợ lái máy xúc, đi chăm mẹ bị mổ viêm ruột thừa cấp, ngày cô bị tai nạn phải nằm tại bệnh viện?

Có thể lắm! Giường của mẹ anh ta gần bên giường của Thương. Anh ta đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ Thương mọi việc khi mẹ cô chưa kịp có mặt. Nhưng anh ta làm gì có số máy của cô? Anh ta luôn nói với cô là không nhìn thấy gì cả cơ mà? Thương chột dạ, chợt nhớ một câu trong quyển sách nào đó, cô đọc đã lâu lắm rồi: “Khi có một người nói với bạn là không nhìn thấy gì cả, thì người đó đã nhìn thấy tất cả…”.

Đúng là Thương có một nốt ruồi son mọc ở một vị trí rất kín đáo trên cơ thể cô. Nốt ruồi mọc ở vị trí, mà trong quan niệm dân gian và phong thủy, nó như nốt son định mệnh cho cuộc đời mai sau của một người con gái. Khi Thương ra đời,bà đỡ phát hiện trên người cô có một nốt ruồi son mọc ở vị trí khá đặc biệt. Vốn là người đã có nhiều năm làm nghề đỡ đẻ, lại am hiểu ít nhiều luật phong thủy và nhân tướng học, bà mới phán rằng: “Nốt ruồi son mọc ở vị trí này, số con bé về sau sẽ giàu có, hạnh phúc và sung sướng vì luôn có quý nhân phù trợ, nhưng không bao giờ được để lộ nốt ruồi này cho một ai nhìn thấy. Nếu người nhìn thấy là đàn bà thì mất lộc, còn đàn ông, sẽ phải lấy làm chồng, cho dù người đó đã có vợ. Đó là định mệnh, không tuân, may mắn sẽ thành tai ương”.

Chỉ có bà Tâm, mẹ cô là người thứ hai biết được bí mật này và nghe lời phán truyền từ miệng bà đỡ, vì thế, ngay từ lúc Thương còn bé, bà đã hết sức giữ gìn bí mật cho cô con gái yêu quý của mình. Sau này, khi Thương trưởng thành, bà Tâm đã chỉ cho cô chỗ bí hiểm của nốt ruồi son ấy, cùng với lời phán truyền của bà đỡ để cô gìn giữ. Thương nằm yên lặng, người chợt run lên,phấp phỏng lo lắng cho duyên phận mình trong những bước tiếp theo của cuộc đời may rủi. Cô hình dung và nhớ lại một sự cố đã xảy ra với cuộc đời cô từ hơn ba năm về trước.

752ec0a3afc3049d5dd22.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Hơn ba năm về trước, Thương bị tai nạn giao thông trên đường từ nhà trọ đến trường đại học do một chiếc xe tải lấn đường va vào. Tài xế bất lương đã lái xe bỏ chạy, bỏ mặc người bị nạn nằm trên đường, toàn thân bê bết máu. May nhờ được những người dân tốt bụng xung quanh gọi xe cấp cứu đưa đến viện kịp thời. Sau khi xử lý các vết thương, băng bó cố định xương bị gãy, cô được đưa về phòng hậu phẫu. Khi đó Thương vừa bước vào học năm thứ nhất, khoa giáo dục tiểu học, trường đại học Sư phạm. Thương bị gãy đùi trái và hai xương sườn. Chỗ xương sườn bị gãy, chọc vào phổi, gây chảy máu trong. Cô nằm gần như bất động trên giường.

Cả ngày hôm ấy, cô như kẻ không nhà, không người thân thích. Quê Thương ở một huyện vùng cao, nhà neo người, chỉ có một mẹ, một con. Mỗi khi tỉnh dậy, cô ngơ ngác nhìn ra cửa phòng, vẫn chưa thấy mẹ xuất hiện. Thương khóc, không ngờ cuộc đời mình lại có lúc cô độc và đáng thương đến thế. Phía bên cạnh là giường của một bà người Thái vừa mới mổ do viêm ruột thừa cấp bị nhiễm trùng nặng. Bà đang lên cơn sốt mê man. Đi theo chăm bà là người đàn ông tuổi chừng trên dưới ba mươi,vai hơi gù, người to cao, dáng lù khù như gấu Bắc Cực. Chắc là con trai bà. Anh ta dìu đỡ và đôi khi có những việc phải bế mẹ trên đôi cánh tay lực lưỡng của mình. Trông anh vẻ hiền lành, điềm tĩnh, chắc chắn, ít nói. Khuôn mặt vuông vức và có cặp lông mày đen, khá rậm. Sự có mặt của người đàn ông còn trẻ này, mỗi khi có y, bác sĩ đến thăm khám, là sự e ngại cho một cô gái chưa chồng.

Thường thì bệnh nhân chưa có người nhà đến chăm, nhân viên điều dưỡng của bệnh viên phải theo dõi, chăm sóc và giúp đỡ. Nhưng mỗi khi có yêu cầu gì, vẫn phải có người nhà đến phòng trực gọi. Khi truyền dịch, ai cũng biết là cơ thể tiếp nhận nhiều nước, bài tiết sẽ tăng lên. Thương đau tức bụng đến phát khóc, tuyệt vọng, nước mắt cô chảy tràn trên khuôn mặt non trẻ. Hình như cái gã người Thái ấy luôn quan tâm và để ý, nên biết là Thương đang cần gì.

- Để anh giúp, đừng ngại! Vào viện rồi thì ai cũng như ai thôi mà!

Thương xấu hổ, không nói, cũng không gật, chỉ đưa cặp mắt ái ngại ngượng ngùng nhìn anh ta. Mọi cử động của cô lúc đó hết sức đau đớn và khó khăn. Cô dùng tay phải kéo tấm chăn mỏng của bệnh viện đang đắp lên quá bụng và tuyệt vọng nhìn xuống phía dưới.

- Ồ! Anh biết rồi mà! Em cứ yên tâm. Anh ta vội lấy cái bô vệ sinh chuyên dụng cho nữ giới thường ngày dùng cho mẹ, tay đỡ, tay nâng, một tay luồn xuống hai chân, khéo léo kéo tấm vải che xuống thấp, nâng đùi trái bị bó bột thẳng đơ lên và lồng cái bô ấy ở phía dưới mông. Anh ta ngồi im lặng, ngoảnh mặt sang hướng khác, thái độ dửng dưng như đang bế một hình hài rô bốt. “Em đừng ngại! Anh không nhìn thấy gì đâu!”- Sau mỗi lần giúp Thương, bao giờ anh ta cũng nói câu đó. Hay nhỉ! Thương thầm nghĩ, sao lại có người đàn ông chu đáo và tận tâm thế này? Chắc anh ta đã có vợ? Nhưng có vợ làm sao lại một mình chăm mẹ? Thương thắc mắc nhưng không hỏi. Giữa cô và người đàn ông trời xui đất khiến nằm gần cô chỉ là chuyện tình cờ. Xong đây rồi, mỗi người mỗi phương, có duyên nợ chi mà hỏi?

Nhưng rồi, tiếp theo những ngày sau, mặc dù bà Tâm, mẹ cô có mặt cũng không giúp được mọi việc cho Thương. Bà đã yếu, lưng lại còng. Mỗi khi bà nâng Thương dậy, hai tay bà run rẩy, rất khó khăn. “Bác đừng ngại, cứ để cháu giúp”. Người đàn ông đi theo chăm mẹ lại có mặt, khi cái lưng còng của bà Tâm cố dìu cô con gái cưng dịch từng cen ti mét từ trên giường xuống. Sức của bà mẹ không đỡ nổi thân hình đang tuổi phát triển của cô con gái, bà vẫn phải đưa mắt cầu cứu, nhờ đến đôi cánh tay to dài như tay vượn của chàng trai người Thái ấy…

Ngày mai Thương xuất viện, ở nhà một thời gian cho vết xương gẫy liền lại, tháo bột rồi mới có mặt ở trường đại học, tiếp tục học hành để hai năm nữa có thể cầm được tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Thương chống nạng đi ra hành lang. Không gian thật dịu mát và yên tĩnh. Nhìn xuống dưới sân, khuôn viên của bệnh viện, có nhiều cặp đôi mặc áo bệnh nhân ngồi gần nhau. Họ đang nói chuyện gì nhỉ? Chắc là lại hỏi thăm về bệnh tật của nhau thôi mà! Đời người ta mấy ai mà thoát ốm đau? Mà không ốm đau bệnh tật thì bị tai nạn bất thường như cô. Khi vào viện, mới nhận ra phận mình, phận người và biết bao nhiêu thân phận cô đơn khác. Chỉ khi ốm đau, hoạn nạn, người ta mới cảm nhận tình yêu thương của con người quý giá biết bao!

Lần này gặp nạn, số của cô còn may mắn chán! Có mẹ chăm, lại thêm một người đàn ông mạnh mẽ bên cạnh mà nhờ vả. Giả dụ như không gặp may mà nằm cùng phòng với mẹ con anh ta, lấy ai giúp đỡ cô? Cuộc sống thật thú vị và giản đơn, mỗi người mỗi phận. Hình như Chúa Trời đã an bài. Về thể chất, con người chỉ tồn tại ở hai thể trạng, ốm yếu hay khỏe mạnh. Còn tinh thần thì phân định hai trạng thái, yêu hay ghét mà thôi… Thương không có cơ hội cảm ơn người đàn ông người Thái tốt bụng ấy vì mẹ anh đã xuất viện trước cô năm ngày rồi…

Ba năm sau, Thương tốt nghiệp với tấm bằng đỏ trong tay và được điều động lên dạy học ở một huyện miền núi. Sáng hôm ấy, nhận tờ quyết định phân công công tác của Phòng giáo dục huyện, cô một mình một xe đi thẳng về trường tiểu học, nơi sẽ gắn bó những năm tháng đầu tiên của cô với những cô cậu học trò nhỏ tuổi thân yêu. Hết đường rải bê tông, Thương rẽ vào trường, đường vào phải qua một con suối nhỏ, có cây cầu gỗ bắc qua. Trời đã sang thu, nhưng vì trời mới mưa to nên nước suối dâng lên gần mấp mémặt cầu. Cô vừa đi đến giữa cầu thì một sự cố hi hữu xảy ra. Tấm ván gỗ đã cũ và mục dần do trải qua bao mùa mưa nắng, không chịu được sức nặng của bánh xe đè, gãy sập. Cô loạng choạng tay lái, cầu lại hẹp, cả người cả xe rơi tùm xuống suối. Chiếc xe chìm nghỉm, còn cô thì vùng vẫy cố bơi vào bờ.

Ngay lúc ấy, phía bờ bên kia, xuất hiện một người đàn ông to cao, chả biết có mặt từ lúc nào từ bờ suối lao ra. Chỉ vài sải tay, anh ta đã tiếp cận được cô.

- Níu lấy vai anh mà vào bờ. Không sao đâu!

- Trời! Anh Thạch! Sao anh lại có mặt ở đây? - Thương vội níu lấy bờ vai vạm vỡ và chắc chắn của Thạch. Chỉ mấy phút sau, cả hai đã vào đến bờ và ướt như chuột lột. Hú vía! May mà suối cũng không sâu lắm, nước chỉ ngang ngực. Chiếc xe máy bị rớt xuống suối, dịch trôi một đoạn rồi mắc lại ở một tảng đá. Anh ta nhanh chóng men theo bờ nước, đưa chiếc xe lên bờ. Cô nhìn vào mình, quần áo dính bết vào da thịt. Thật xấu hổ quá.

Thạch cười tươi, vẻ bí hiểm.

- Nhà anh gần đây mà! Anh còn biết sáng nay em sẽ lên trường tiểu học ngay xã anh nhận công tác, nên đợi ở đoạn suối có cây cầu tạm này, chỉ sợ em đi qua gặp chuyện không may…

Thạch đưa Thương vào đến cổng trường rồi chia tay. Anh chỉ về phía một quả đồi xanh biếc, nói là nhà anh ở đó. Khi nào ổn định công việc thì mời Thương lên nhà chơi…

*

- Chào cô giáo Thương! Cô đến chơi nhà sao không báo trước? Hôm nay Thạch nó không có nhà. Nó nhận thầu một công trình đang thi công mặt bằng, bận lắm.

- Cháu chào bác! Anh Thạch đi vắng ạ! Anh ấy đi vắng thì cháu đến chơi thăm bác cũng được chứ ạ? - Thương đã lên thăm nhà Thạch sau một tuần nhận công tác.

- Ồ, không sao! Không sao! Cô dạy học ở đây, còn lâu còn dài mà. Lâu lắm rồi, từ cái ngày gặp nhau ở bệnh viện. Ba năm rồi chứ có phải ít đâu? Bà cụ nhà ta vẫn khỏe đấy chứ?

- Dạ! Cảm ơn bác! Mẹ cháu vẫn khoẻ ạ! Chỉ có cái lưng là cứ mỗi năm lại còng thêm thôi.

- Ồ, già rồi mà! Bác cũng thế, không còng lưng nhưng đêm về vẫn thường xuyên đau nhức.

- Cháu trông bác vẫn khỏe mà!

- Ôi chết! Mời cô vào nhà. Mải đứng ngoài sân nói chuyện, tôi quên mất.

Thương vào trong nhà. Phần trong ngôi nhà thiết kế khá đẹp. Phòng giữa tiếp khách. Hai bên, hai cái giường đôi, kiểu dáng hiện đại, chăn gối gấp gọn ghẽ, sạch sẽ. Còn một phòng nữa, cánh cửa đơn bên đốc nhà, khép hờ. Cô và bà mẹ Thạch ngồi nói chuyện một lúc thì nghe bên trong gian phòng ấy có tiếng ho khạc như người bị sặc nước phát ra. Bà mẹ Thạch xin lỗi Thương, vội đứng dậy, đi vào. Lúc ra, hai tay bà bê một cái chậu nhỏ, ý tứ lách qua cửa phụ, mang ra phía khu vườn. Một phút sau, bà mới quay vào.

- Nhà ta có người ốm à bác?

Bà mẹ Thạch vừa có vẻ ái ngại lại như nể Thương. Bà phân trần.

- Ừ, cháu! Đó là con vợ thằng Thạch nhà bác. Số nó khổ. Cưới vợ được hai ngày thì vợ ra suối tắm giặt, chả may bị trượt chân vì hòn đá có rêu trơn. Đầu nó va vào đá, bị xuất huyết não. Đưa viện cấp cứu, giữ được mạng sống nhưng bị liệt toàn thân. Thằng Thạch chăm vợ bị bại liệt, tính đến nay đã sáu năm rồi.

Thương tái mặt. Cô nghe tim mình đập loạn xạ. Thì ra là thế! Hèn chi anh ta chăm mẹ, rồi lại giúp đỡ Thương, việc đàn bà mà thành thạo và chu đáo đến thế. Tự nhiên cô thấy mắt cay cay.

- Bác cho cháu vào thăm chị ấy một chút được không ạ?

- Ừ! Mời cháu vào. Chả thơm tho gì cả đâu! Mong cháu thông cảm cho hoàn cảnh của nó.

Một người phụ nữ nằm thẳng đơ, đầuđặt ngay ngắn trên chiếc gối có thêu hoa, da trắng bạch, hai mắt mở trân trân như nhìn về một cõi nào đó. Không khí có mùi tanh lợm. Chắc chị ta nằm lâu năm, da thịt có chỗ bị hoại tử. Sáu năm trời rồi còn gì!

Thương nhìn kỹ khuôn mặt hình tròn vạnh như trăng rằm, đôi lông mày lá liễu cong vút của vợ Thạch.

- Ngày trước, khi chưa bị nạn, chắc chị ấy xinh đẹp lắm phải không bác? - Bà mẹ Thạch hết nhìn Thương rồi lại nhìn đứa con dâu bất hạnh như thể so sánh.

- Ừ! Đúng đó cháu! Tên nó Thảo. Vi Thanh Thảo, học giỏi, xinh đẹp nhất vùng. Con dâu bác cũng vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm giống như cháu. Mới ra trường, nhận quyết định phân công công tác về cái trường mà cháu đang dạy đấy! Nhưng vận đen cho nó, chưa kịp đứng trên bục giảng một giờ, cưới chồng được hai ngày thì bị nạn…

Chiều tối Thạch về nhà. Nghe mẹ nói cô giáo Thương lên chơi thăm nhà. Anh im lặng, mắt thẫm buồn, không nói gì, lặng lẽ vào giường người vợ bại liệt đang nằm. Chậu nước ấm đun bằng nước lá thơm của rừng, mẹ anh đã pha sẵn, anh nhẹ nhàng bế cô vợ bất hạnh lên, dùng khăn sạch lau khắp cơ thể có chỗ lở loét bốc mùi tanh hôi cho vợ. Hôm nay hình như người vợ bại liệt của anh có vẻ tỉnh táo. Cô há miệng to như cười, nhìn rõ hai hàm răng trắng, đều như hạt bắp lộ ra. Có linh tính mách bảo gì, nên hôm nay cô ta cười, mừng cho người chồng của mình có bạn gái chăng?

Đêm ấy Thương nằm suy nghĩ mông lung. Hình ảnh người vợ mới cưới của Thạch bất động nằm trên giường, khiến lòng Thương u buốt. Người đàn bà ấy đã cùng chung chăn gối với Thạch trong đêm hạnh phúc tân hôn? Nếu cô ta không bị nạn thì vợ chồng Thạch đã là một cặp đôi hoàn hảo, hạnh phúc rồi! Và nếu như Thạch không đi chăm mẹ, làm sao cô và anh ta quen biết nhau? Thì ra anh ta đã có vợ sáu năm. Hèn chi, khi giúp đỡ, săn sóc cho cô nơi bệnh viện thành thạo đến thế. Khi ấy, anh gặp thương, đã có ba năm chăm sóc, hầu hạ người vợ bị liệt giường, còn thiếu việc gì chẳng phải làm, còn e ngại gì nữa? Nhưng cô nghĩ, không thể lấy anh ta làm chồng được, gì thì cũng đã qua một đời vợ. Cô sẽ bị bè bạn dè bỉu, chê cười. Đường đường một cô giáo trẻ xinh, có bằng đại học hẳn hoi, lại đâm đầu làm vợ một anh chàng lái máy xúc đã có vợ?

ó điều lạ là, từ ngày gặp và quen anh ta ở bệnh viện, Thương tịnh không có một cảm xúc với một người đàn ông nào. Cô chỉ chú tâm học hành và hai năm cuối ở trường đại học, cô liên tục được nhận học bổng. Nhưng làm sao mà anh ta lại có thể nhìn thấy nốt ruồi son ở nơi rất kín ấy của mình? Âu là duyên số, mệnh trời đã định chăng? Thương khóc. Tại sao hôm ấy mình lại bị tai nạn? Tai sao mình lại nằm phòng ấy, gần mẹ con anh ta? Cô chợt rùng mình, lo lắng, nhớ đến lời phán truyền của bà đỡ về hậu vận của người có nốt ruồi son mà mẹ Tâm đã dặn…

Hai tuần sau đó, Thạch cũng không đến thăm cô và cũng không nhắn tin gì thêm. Thương biết Thạch có số máy của cô là do lần chia tay tại bệnh viện, anh ta đã giả vờ mượn điện thoại của cô và gọi vào chính số của mình rồi lưu lại. Gã này cũng láu cá và rất nguy hiểm là đằng khác. Nhưng thực tình thì anh ta cũng có phải người đàn ông kém cỏi? Một mình xây dựng cơ ngơi gia đình đầy đủ, một tay chăm mẹ, chăm vợ suốt sáu năm trời. Đàn ông bây giờ, mấy ai được như thế? Nhưng anh ta đã ngỏ lời yêu cô đâu? Chưa bao giờ nhìn cô bằng con mắt si mê. Anh ta chỉ nói là trông thấy nốt ruồi son thôi. Mà như định mệnh, người đàn ông nào trông thấy nốt ruồi son đó, sẽ là chồng cô. Có lẽ, đây là định mệnh! Vốn là người nặng tình, Thương quyết định, sẽ làm một điều gì đó để chia sẻ gánh nặng với Thạch, ít nhất là trong lúc này. Dù gì thì mình cũng đã mang ơn anh ta - cô nghĩ lại, nếu như trong những ngày bị nạn, không có Thạch, biết nương tựa vào ai? Thế là ngay từ ngày hôm sau, mỗi khi hết giờ dạy học, cô tranh thủ phóng xe lên nhà anh, giúp bà mẹchăm sóc người vợ bất hạnh của Thạch…

Cuối cùng thì họ đã cưới nhau sau khi người vợ bất hạnh của Thạch qua đời. Cô vợ Thạch ra đi trong một đêm mưa lạnh. Chính tay Thạch lau rửa cơ thể và khâm liệm vợ. Chẳng biết sao,khi ấy, cơ thể cô căng đầy và trắng muốt như một bức tượng trinh nữ. Người đàn bà ấy ra đi, mãn nguyện, như chấp nhận tuân theo mệnh trời. Người đàn ông cô mang lòng yêu, không phản bội cô, đã lĩnh toàn bộ sứ mệnh của một người bạn tình chung thuỷ đến phút chót…

Bây giờ, kinh tế vợ chồng Thương đã trở nên giàu có. Thạch đầu tư mua thêm phương tiện máy móc, tuyển thêm người làm, mở rộng địa bàn hoạt động, trở thành công ty san lấp có lực lượng thi công mạnh mẽ, đáp ứng mọi điều kiện tiến độ bên A yêu cầu. “Công ty Thạch Thương” tọa lạc ngay ở ngã ba phố huyện. Những khi rỗi, Thương dành thời gian giúp chồng mở sổ sách, ghi chép đầy đủ các khoản nợ cũ và các khoản mới phát sinh, cập nhật thu chi, chặt chẽ và chính xác. Cô luôn là chỗ tựa tinh thần vững chắc cho chồng trong mọi việc…

Thời gian trôi đi, Thương bây giờ đã là Hiệu trưởng của trường tiểu học. Vợ chồng cô sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh, gia đình sung túc và tràn đầy hạnh phúc. Song, Thương vẫn tự thắc mắc là làm sao chồng mình lại có thể trông thấy nốt ruồi son mọc ở một vị trí rất kín ấy? Một đêm mưa dầm, Thương mới thổ lộ điều mà mình cứ phân vân đó với chồng. Nghe Thương nói, Thạch cười khì khì, giang tay ôm lấy vợ. Anh thơm nhẹ lên tóc vợ rồi vào chuyện:

“Anh chưa bao giờ nhìn thấy nốt ruồi son của em. Kể cả bây giờ, đã bao năm mình là chồng vợ. Anh nghĩ, có thể em không có nốt ruồi son đó. Nhưng anh tin vào giấc mơ. Năm ấy, mẹ bị viêm ruột thừa cấp, đau quằn quại suốt đêm. Anh túc trực bên mẹ, bên vợ, đợi sáng, nhờ người trông coi vợ rồi đưa mẹ đến viện. Mệt quá, nhân lúc mẹ đỡ đau, anh tranh thủ chợp mắt. Vừa chợp mắt được một lúc thì thấy một cụ già tóc trắng như sương, môi nhạt màu trăng, hai mắt long lanh tỏa sáng như sao hôm sao mai, tay phải cầm một cuốn sổ, tay trái vung vít mấy sợi tơ, hiện lên, chỉ vào anh mà nói rằng:

“Này con! Ta là Bà Nguyệt, thế gian gọi là Nguyệt Lão, cư ngụ nơi trời cao, chuyên xe tơ kết tóc cho các cặp tình nhân nơi cõi phàm trần. Kiếp trước, con với người con gái con cưới làm vợ vốn không có duyên nợ với nhau, nên chưa đến nửa chừng đứt gánh. Đáng ra con phải chịu cả một đời góa vợ. Nhưng thấy con đã là người con hiếu đễ, lại chung tình, chăm sóc vợ bị bại liệt ân cần, tận tâm, trìu mến, yêu thương, bao dung, nhân ái đến độ. Suốt ba năm trời chăm vợ nằm liệt giường mà không một lời kêu ca, oán than, khiến ta động lòng. Ngày mai con đưa mẹ đi viện, sẽ có một cô gái xinh đẹp và bản lĩnh bị nạn đến nằm bên cạnh giường của mẹ con. Cô ta, lúc sinh ra đã có một nốt ruồi son. Nếu con lấy được người con gái ấy, cô ta sẽ là người hộ vệ, chăm chút cho con suốt đời. Con hãy giúp đỡ cô ta cho thật tận tình, chu đáo. Con hãy nhớ ghi lời ta dặn, là không bao giờ được nhìn vào bất cứ phần da thịt nào của cô ta để lộ ra ngoài. Không bao giờ được quá trớn. Chỉ cần con có ánh mắt tò mò hay tỏ ý ham muốn của thói đàn ông trăng hoa thôi, coi như ý đồ sắp xếp xe duyên của ta sẽ thất bại. Con phải nín đợi. Đến khi nào cô ta ra trường, có công việc ổn định, thì nhắn cho cô ta là, đã thấy nốt ruồi son ấy, thì cô ta sẽ gắn bó và đi cùng con đến hết cuộc đời”.

Lần ấy, đúng như lời bà cụ trong mơ, anh đưa mẹ xuống viện được hai ngày thì gặp em. Nghe lời bà cụ trong mơ dặn, anh đã tận tình chăm sóc em thế đấy! Đến lúc chia tay em, anh đã giả vờ mượn điện thoại của em rồi gọi vào số máy của anh để lưu lại. Vì thế nên anh mới có số điện thoại để nhắn tin cho em chứ! Đến bây giờ, đã là vợ chồng chung chăn chung gối, anh cũng chưa thấy nốt ruồi son của em ở chỗ nào. Em ơi! Có đúng là em có nốt ruồi son ấy thật không?

Thương giật mình. Trời ơi! Hóa ra là thế ư? Mình đã mắc mưu của anh ta rồi! Liệu có thể coi đó như là do trời xe duyên không nhỉ? Cô ôm choàng lấy chồng thì thào:

- Đúng là em có một nốt ruồi son ở một nơi mà không một ai có thể nhìn thấy. Anh có muốn xem không?

- Trời ơi! Bây giờ chúng mình đã là vợ chồng với nhau, anh đã ngóng mong từ lâu lắm rồi. Cho anh xem đi nào!

Thương trở dậy, hơi thở thật êm nhẹ. Cô bật điện. Thạch đắm đuối nhìn mọi cử chỉ của vợ. Anh cứ tưởng vợ mình sẽ chỉ vào phía dưới cơ thể. Nhưng không! Vợ anh cởi hết áo ngoài, để lộ khuôn ngực đầy đặn, phồng lên hai gò bồng đảo, trắng nõn, tròn căng, rồi từ từ giơ cánh tay trái lên hết cỡ. Khi cánh tay và hông vợ gần như tạo thành một đường thẳng, ở vị trí hơi lõm vào như một hình vòm, điểm xuyến vài sợi lông tơ màu đen rất mịn, màng, hiện lên một nốt ruồi màu son như một viên hồng ngọc to gần bằng hạt đậu, mọc ra ngay ở chỗ hõm ấy, trông như ngôi sao hôm trên bầu trời nách vợ. Đẹp mê li. Thương cứ đứng yên như thế, hai mắt chăm chăm nhìn chồng, để cho Thạch ngẩn ngơ nhìn, ngắm đến thoả thích. Xong rồi, Thương mới nhẹ nhàng hạ tay xuống, khi tay và hông khép kín, bầu trời nách hình vòm như vụt tắt. Nốt ruồi màu hồng ngọc biến mất, chỉ còn lại bờ vai trắng nõn nà, đầy đặn, hiện ra…

10/2023

Truyện ngắn của Trịnh Tuyên
.
.