Mùa thu catwalk

Thứ Năm, 24/10/2024, 14:33

Dưới ánh đèn khuya, tôi thấy một cô gái châu Á tung tăng nhí nhảnh như đang đi catwalk trên thảm cỏ ở căn nhà phía đối diện. Cô ấy hấp dẫn quá. Tôi bước lại gần cửa sổ hơn, một tay chống vào hông, một tay tựa bậu cửa và đưa mắt nhìn chăm chú không thể cưỡng lại được. Cô gái như đi hết sàn catwalk trong tưởng tượng rồi lắc hông xoay người điệu nghệ. Cô nở một nụ cười rất xinh như chào khán giả, có lẽ duy nhất lúc đó là tôi.

Tôi đứng dậy vươn vai rồi vén rèm nhìn ra ngoài đường qua khung cửa sổ. Người tôi mỏi nhừ, xương khớp kêu răng rắc, mắt cay xè sau hơn ba tiếng đồng hồ cắm đầu vào đống sách vở. Tôi mới bắt đầu kỳ học mùa Thu ở ngôi trường Đại học Oxford danh giá nhưng cũng cực kỳ nhọc nhằn vất vả.

Dưới ánh đèn khuya, tôi thấy một cô gái châu Á tung tăng nhí nhảnh như đang đi catwalk trên thảm cỏ ở căn nhà phía đối diện. Cô ấy hấp dẫn quá. Tôi bước lại gần cửa sổ hơn, một tay chống vào hông, một tay tựa bậu cửa và đưa mắt nhìn chăm chú không thể cưỡng lại được. Cô gái như đi hết sàn catwalk trong tưởng tượng rồi lắc hông xoay người điệu nghệ. Cô nở một nụ cười rất xinh như chào khán giả, có lẽ duy nhất lúc đó là tôi.

Tôi vô thức giơ tay vẫy và cười chào lại. Cô gái chạy nhanh về phía tôi. Thế nhưng bất chợt cô hớn hở ôm chầm lấy một người đàn ông trung niên vừa bước xuống từ chiếc xe con. Tôi tự thẹn với mình, kéo rèm cửa và tiếp tục đọc sách. Nhưng đầu óc tôi cứ vẩn vơ không thoát khỏi hình ảnh của cô gái đẹp bên ngoài cửa sổ.

Tôi vẫn chưa thể theo kịp các bạn cùng lớp trong các buổi tranh luận vào giờ học của giáo sư Keynes trên giảng đường. Là một học sinh tốp đầu của trường Phan Đình Phùng, Hà Nội, với điểm IELTS 8.5, tôi rất tự tin ngày bước lên máy bay sang Anh du học. Nhưng qua đây tôi chẳng hơn gì cậu học sinh cấp ba. Các bạn nói nhanh và nhiều luận điểm lắt léo quá làm bộ óc của tôi không thể xử lý kịp các thông tin và đưa ra ý kiến tranh luận của mình. Tôi thấy hoang mang vô cùng. Cách học ở Oxford trao vai trò chủ động hoàn toàn cho sinh viên, khác hẳn với việc nghe và chép lại lời giảng của thầy cô tôi đã từng học. Trên giảng đường, giáo sư đưa ra các chủ đề mang tính gợi mở cho từng bài học và để sinh viên chia làm hai phe, hoặc bảo vệ luận điểm đó, hoặc đưa ra các luận chứng để phản bác lại. Và dù đồng ý hay phản bác thì chúng tôi cũng phải nắm rất rõ bài học, có chính kiến của mình, rồi phản biện trước toàn thể những bộ óc kiệt xuất từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây. Trong các buổi tranh luận, giáo sư không nói ai đúng, ai sai, mà chỉ liên tiếp nêu ra các hướng phát triển từ luận đề ban đầu. Điều này yêu cầu chúng tôi phải tư duy đào sâu nhất có thể các kiến thức của bài học.

Tôi chỉ có một cách để tiếp tục theo đuổi kiểu học này, nếu như không muốn bị tụt lại phía sau, là phải tự đọc và tư duy thật kỹ các bài giảng trước khi bước vào mỗi buổi tranh luận như vậy. Không sống sót qua môn học của giáo sư Keynes thì tôi chả hy vọng gì mình qua nổi kỳ học đầu tiên, chứ nói gì tới bốn năm học ở Oxford. Thật may, ở đây có tất cả các đầu sách và tài liệu trong thư viện để những sinh viên chúng tôi thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là: học, học, và học. Tôi thấy mình như một con chuột chũi, cắm mũi đào sâu từng ngóc ngách của chủ đề tranh luận trong núi sách vở tham khảo, tới khi đã mệt nhoài tôi mới dần xuyên thủng sang phía bên kia, để nhìn thấy từng chút một ánh sáng của tri thức. Dần dà, tốc độ đào sâu của con chuột chũi là tôi cũng tăng lên. Tôi dần tự tin và vượt qua nhóm cầm đèn đỏ trong lớp học.

Trong một lần đang miệt mài đọc sách trên thư viện, khi ngước mắt nhìn lên để đẩy gọng kính cận đang trượt xuống sống mũi, tôi bất giác bắt gặp ở phía đối diện đằng xa một gương mặt dường như tôi đã gặp đâu đó rồi. Là cô gái đi catwalk tôi thấy bên ngoài cửa sổ buổi tối mấy hôm trước. Hóa ra cô cũng là sinh viên của Trường Oxford. Cô gái đang ngồi ở bàn học trong góc thư viện, cạnh những hàng giá sách. Cô đeo kính, đôi mắt tập trung vào trang sách, đèn bàn bật sáng, bên cạnh là một chồng các quyển sách dày cộp đặt cao gần tới đầu cô. Cô đọc và ghi chép liên tục vào cuốn sổ.

Tôi không cưỡng được tò mò, tiến lại gần để xem cô đọc sách chuyên ngành gì. Ồ, thú vị thật, một cô sinh viên y khoa. Các hình vẽ giải phẫu học chằng chịt nằm trong các cuốn sách rải khắp mặt bàn. Sức đọc của cô cũng thật đáng nể, tôi thấy cô đang tra cứu tới ba bốn cuốn sách cùng một lúc. Tôi nhìn lướt qua các trang sách mà thầm thán phục.

Bất giác cô gái ngẩng đầu lên. Ánh mắt cô bắt gặp ánh mắt tôi. Tôi ngại ngùng rồi mở lời: “I am sorry, are you Vietnamese?” (Xin lỗi, bạn là người Việt Nam à?). Thật bất ngờ, cô gái gật đầu xác nhận. Đó là lần đầu tiên tôi chạm mặt trực tiếp với Uyên sau lần tình cờ nhìn thấy qua cửa sổ. Gặp đồng hương trên xứ sở sương mù mà lại ở Trường Oxford, không phải điều dễ dàng. Chúng tôi bắt chuyện, và như lâu rồi không được nói tiếng Việt, cả hai chúng tôi thèm nói quá, chuyện trò như đã quen nhau từ lâu.

Mùa thu catwalk -0
Minh họa: Lê Trí Dũng 

Uyên người Sài Gòn, là dân chuyên Lê Hồng Phong, theo cha sang đây từ năm lớp 10, khi bố của Uyên được cử làm tùy viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh quốc. Cô theo học Trường cấp ba Queen Elizabeth High School và sau đó ghi danh vào trường Y khoa danh tiếng của Oxford. Uyên đang là sinh viên năm thứ hai và hiện đang ở trong ký túc xá của trường. Hôm tôi gặp là Uyên đang đứng đợi cha từ London xuống thăm, trước ngôi nhà công vụ của Đại sứ quán.

Vốn tiếng Anh của Uyên không phải bàn cãi, hơn tôi ít nhất vài ba bậc. Uyên sang đây cũng đã hơn 3 năm rồi. Tôi như tìm được điểm tựa trong những ngày “chông chênh” nhất trong sự nghiệp học hành của mình. Tôi rủ Uyên học nhóm và vui mừng được Uyên đồng ý. Nói là học nhóm, nhưng thực ra là ngồi học cùng nhau, còn chuyên ngành của tôi và Uyên khác nhau. Tôi học Tài chính quốc tế, còn Uyên học Y khoa. Nhưng ngồi học cùng nhau thì có những đoạn nào không rõ, nhiều từ vựng khó, tôi có thể nhờ Uyên giải đáp.

Có bạn học cùng, động lực học cũng tăng lên, tôi và Uyên có thể chong đèn ngồi học xuyên cả buổi tới khuya và về sáng. Ở trong thư viện, không học không được, bởi xung quanh chúng tôi ai cũng học hành chăm chỉ như thế cả, không ai nói chuyện riêng, không làm ồn ảnh hưởng tới người khác. Mỗi góc bàn là những người đang cố gắng dùi mài kinh sử cho những ước vọng và khát khao. Sinh viên Oxford không phải tự nhiên mà có tiếng học giỏi. Muốn giỏi thì phải học, và ở đây ai cũng học rất chăm dưới sự dìu dắt của các giáo sư đầu ngành.

Cha của Uyên làm việc ở Đại sứ quán, nhưng để trang trải học phí cho Uyên thì không phải là vấn đề dễ dàng. Mẹ Uyên đã mất từ năm Uyên học lớp 6 bởi một căn bệnh quái ác. Có lẽ vì thế mà Uyên có một ước mơ cháy bỏng là trở thành một bác sĩ giỏi để chữa trị được những căn bệnh như mẹ Uyên đã mắc phải. Uyên chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể, ngoài giờ học cô còn đi làm phục vụ cho một nhà hàng và cố gắng giành các học bổng của trường.

Tôi thì khá hơn, ở trong khu cư xá thuê ngoài cùng với bốn sinh viên khác, một bạn gái Hàn Quốc, một anh chàng Mỹ cao kều và một bạn học cùng lớp với tôi người London chính gốc. Căn nhà chúng tôi đang ở còn một căn phòng trống, thực ra là một phòng kho, nhưng không có đồ đạc gì nên cũng khá rộng rãi cho một người ở. Tôi gợi ý Uyên có thể chuyển tới ở đó để tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ. Uyên có thể ở miễn phí, nhưng theo thống nhất của mấy người bạn cùng nhà thì Uyên phải kiêm thêm vai trò đầu bếp nấu ăn buổi sáng cho chúng tôi.

Uyên tới thăm nhà và đồng ý với đề nghị đó. Tôi vui mừng vì có thể gặp Uyên hằng ngày. Tất nhiên làm đầu bếp buổi sáng thì phải dậy sớm hơn mọi người. Nấu ăn thì cũng không có món gì phức tạp, chủ yếu là bánh mỳ kẹp, trứng chiên và sữa. Từ ngày Uyên tới ở, tôi cũng trở nên siêng năng hơn. Tôi dậy sớm phụ Uyên, nấu nướng rồi dọn dẹp, sau đó cả hai tới trường cùng nhau.

Dần dần, từ lúc nào không hay, tôi có một tình cảm với cô gái xinh đẹp, học giỏi mà siêng năng này. Những buổi học nhóm cùng nhau trên thư viện, đôi lúc tôi lơ đãng nhìn Uyên chăm chỉ học bài. Khuôn mặt sáng toát lên vẻ xinh đẹp cuốn hút tôi. Khi Uyên ngước lên, tôi lại giả vờ ngó lơ sang hướng khác. Uyên chỉ tủm tỉm cười. Có lẽ tình cảm của tôi không giấu được một người con gái nhạy cảm.

Ngày mùa đông năm ấy, nền nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm, tuyết rơi dày phủ trắng các con đường. Tuyết bao trùm những mái nhà, cả những gốc cây cao vút bên đường mà mùa thu trước đó còn trơ trụi khẳng khiu với những tán lá vàng đang rơi rụng. Nhiều hôm nhà trường phải cho học sinh nghỉ học vì tuyết rơi dày làm giao thông tê liệt. Mùa đông giá lạnh năm ấy, trong căn bếp ấm cúng, tôi mạnh dạn nắm bàn tay Uyên và nói lời yêu thương. Uyên có chút ngập ngừng ban đầu, rồi bàn tay bé nhỏ cũng ngoan ngoãn nằm yên trong lòng bàn tay tôi.

Mùa đông năm ấy, tôi có Uyên và thấy mình đang sống trong những tháng ngày hạnh phúc. Con đường vắng vẻ phủ đầy tuyết trắng từ nhà tới trường giờ có Uyên đi sát bên, cùng chung một chiếc ô trong suốt che trên đầu. Dù giày ngập trong tuyết phủ, dù miệng xuýt xoa vì giá lạnh, nhưng trong lòng tôi ấm áp và lan tỏa những hân hoan hớn hở của lần đầu biết yêu.

Rồi những mùa đông cũng qua, những mùa xuân lại tới, Uyên đã bước vào năm cuối đại học, còn tôi vẫn còn hai năm nữa mới hoàn thành chương trình học. Cha của Uyên đã kết thúc nhiệm kỳ tại Đại sứ quán và trở về nước. Kỳ học cuối trôi qua rất mau, dường như thời gian chẳng đợi chờ tôi, tôi cũng không thể cưỡng lại chương trình học ngày càng dày đặc, cũng như Uyên phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp của mình. Cả hai chúng tôi học hành căng thẳng, nhưng vẫn dành cho nhau thời gian ít ỏi.

Những ngày mùa hè tháng 6 năm ấy, có lẽ là những ngày tôi không thể nào quên trong suốt cả cuộc đời mình. Vừa hoàn tất môn thi cuối cùng, tôi chạy như bay về căn cư xá. Uyên đã đợi sẵn ở nhà, chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi biển dự tính từ lâu của hai đứa. Tôi chạy xe, Uyên ngồi kế bên, chúng tôi chạy hơn ba tiếng đồng hồ để tới căn nhà nghỉ bên bờ biển chiều hôm đó. Căn nhà dựng hoàn toàn bằng gỗ thông ở bãi biển Holkham vùng Norfolk, từ đây phóng tầm mắt ra xa là bãi cát vàng rộng mênh mông và mặt biển xanh phẳng lặng tới tít tận chân trời. Bãi biển này như biết thôi miên những du khách vậy.

Chúng tôi có trọn một tuần bên nhau. Ban ngày chúng tôi nằm dài nơi bờ cát vàng với con sóng li ti nhẹ nhàng vỗ bờ, chụp ảnh dưới những giỏ hoa khoe sắc, và dạo chơi trong khu rừng gần đó tươi tắn trong nắng vàng. Buổi tối chúng tôi ăn tối ở nhà hàng với ngọn nến lung linh hay chỉ đơn giản là gặm tạm ổ bánh mỳ khi đi chơi về muộn, rồi cả hai trở về phòng và quấn lấy nhau. Chúng tôi đang được sống trong những ngày đáng sống nhất của cuộc đời. Nồng nàn và cháy bỏng.

Thế nhưng, khi bình minh buổi sáng ngày cuối cùng ở biển, tôi thức dậy thì không thấy Uyên nằm bên. Tôi ngỡ Uyên dậy sớm đi ra ngoài, nhưng tôi đưa mắt nhìn mà chẳng thấy đâu. Tôi thảng thốt giật mình khi ngờ ngợ rằng có một điều gì đó đã biến mất.

Lật tung chăn bật dậy, tôi chỉ thấy một mảnh giấy Uyên để lại chèn dưới lọ hoa tươi đặt trên bàn: “Anh thân yêu, thật khó với em khi phải đối diện và nói lời chia tay. Em xin lỗi phải chọn cách ra đi khi anh đang say giấc ngủ. Hôm nay em sẽ bay sang châu Phi bắt đầu chương trình thực tập ở Tổ chức Bác sĩ không biên giới. Đứng giữa tình yêu và hoài bão mơ ước từ thuở ấu thơ, em buộc phải đưa ra lựa chọn của mình. Và em để lại ở xứ sở sương mù này tình yêu đẹp nhất của đời em. Yêu anh ngàn lần hơn những gì em có thể nói. Anh ở lại bình an nhé!”.

Tôi như đứa trẻ bất ngờ bị người ta giằng lấy đi món đồ chơi yêu quý nhất của mình. Tôi bàng hoàng và ngơ ngác. Tôi lao vội ra sân bay Heathrow, tìm chuyến bay đi châu Phi để mong Uyên vẫn còn ở đó. Nhưng giữa một sân bay đông đúc người qua lại, với bao chuyến bay cất và hạ cánh tới trăm ngàn điểm đi và đến, tôi đã lạc mất em trong cuộc đời này. Thất vọng não nề, buổi chiều muộn hôm ấy tôi trở về trong buồn bã. Tôi như không còn là tôi, rớt sâu vào một vùng thăm thẳm tối.

Những ngày tháng sau đó có lẽ là những ngày đau khổ nhất đời tôi từ trước tới giờ. Tôi không còn thiết tha một điều gì hết. Tôi thơ thẩn đi qua những nơi mà tôi và Uyên đã từng đi, rồi nhói lòng khi bắt gặp một hình bóng quen thuộc nhưng không phải. Uyên đã bỏ đi và cắt đứt mọi liên lạc thư từ, email, điện thoại với tôi. Khi đã đưa ra lựa chọn, sao Uyên có thể phũ phàng với tôi đến vậy. Tôi căm thù em.

Năm học cuối cùng ở Oxford cũng tới với tôi. Mùa đông năm đó là một mùa đông dài và buồn thảm. Mùa đông không có Uyên thật là lạnh lẽo và cô đơn. Tôi thầm lặng lên giảng đường, tôi một mình học bài trên thư viện, tôi cố gắng lê bước hết chặng đường Oxford bốn năm. Tôi tốt nghiệp và trở về nước, làm việc theo lời mời của một Tập đoàn kiểm toán của Anh Quốc có chi nhánh tại Sài Gòn.

Công việc cứ vậy cuốn tôi theo nhịp sống hối hả của Sài Gòn. Nhưng buổi tối khi một mình trở về căn hộ, tôi lại đối mặt với nỗi buồn chống chếnh và sự cô đơn. Hình bóng Uyên vẫn chưa thể phai mờ trong trái tim tôi. Sợi nhớ cứ tưởng như mỏng manh có thể đứt bất cứ lúc nào ấy, lại là sợi tơ bền chặt quấn quanh trái tim tôi thành một chiếc kén ngày càng dày chắc. Ở xứ nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều này, không có mùa đông lạnh lẽo, nhưng sao trong lòng tôi cứ mãi giá băng. Vậy là đã hơn hai năm rồi, từ ngày Uyên ra đi.

Một buổi chiều tháng Sáu tan làm về, trời Sài Gòn mưa xối xả, những giọt nước chảy dài trên cửa kính ô tô. Trên đường phố nơi chiếc xe lướt qua, bất chợt tôi thấy một bóng hình quen thuộc. Tim tôi nhói lên. Dường như là Uyên ngồi sau cửa kính quán cafe bên đường. Tôi tấp xe vào lề đường, nhưng giờ tan tầm, phải một lát sau tôi mới đỗ được xe. Chạy vội lại quán thì không còn thấy người con gái ngồi đó nữa. Người bồi bàn đang dọn đi những ly tách, có lẽ khách đã rời đi. Nước mưa làm ướt đẫm chiếc áo sơ mi tôi đang mặc. Nước chảy dài trên khuôn mặt tôi. Hình bóng của Uyên ám ảnh vào đầu óc mà khiến tôi nhìn nhầm chăng. Uyên có lẽ đang ở một phương trời nào đấy theo đuổi giấc mơ của mình. Tôi buồn bã quay lại chiếc xe và trở về.

Sáng hôm sau, tôi có cuộc họp khởi động dự án với các đối tác ở một công ty dược phẩm mới ký kết hợp đồng kiểm toán với công ty tôi. Tôi như chết lặng khi bước vào phòng họp. Vậy là hôm qua tôi đã không nhầm, ngồi ở phía đối diện là Uyên và các đồng nghiệp. Tôi như người mất hồn, không nghe rõ trong buổi họp ấy Uyên đã thuyết trình điều gì. Tôi chỉ nhớ, sau khi buổi họp kết thúc, tôi vội vã xuống bãi đỗ xe và chờ đợi. Đầu óc tôi quá sức chịu đựng, tôi như ngột thở.

Khi Uyên bước tới, tôi còn chẳng kịp hiểu mình, như vô thức tôi đưa tay tát thẳng vào mặt em. Và tôi khóc. Một thằng đàn ông khóc nức nở, khóc như mưa, trong nhà xe vào buổi trưa Sài Gòn nóng như đổ lửa. Như chiếc lò xo bị kìm nén lâu nay bỗng bật tung, tôi khóc cho những nhớ mong, những uất ức tủi hờn khi Uyên bỏ tôi mà đi trong những ngày tôi hạnh phúc nhất. Cái tát tích tụ qua bao tháng năm dài. Tôi như muốn ngã khuỵu. Nhưng rất nhẹ nhàng, chẳng một lời trách móc, Uyên bước tới, và ôm lấy tôi.

Sau cơn cảm xúc không thể kìm nén ấy, tôi dần lấy lại bình tĩnh. Tôi ôm hai vai nhìn thẳng vào mắt em. Tôi dắt tay em lên xe, không để em nói một lời. Tôi đưa em tới khu chung cư tôi đang ở. Tôi bấm thang máy và dẫn em vào phòng. Uyên ngoan ngoãn theo bước chân tôi. Cửa phòng mở ra, tôi hôn em ngấu nghiến. Phải một lát lâu sau, em mới nhẹ nhàng lách người khỏi tôi. Em như người chủ nhà quen thuộc, rót cốc nước lạnh đưa cho tôi và nói: “Để em đi nấu cơm cho anh”.

Uyên đã trở về được vài tháng nay. Cha của Uyên đang phải nằm viện. Công ty dược phẩm nơi Uyên làm việc là đối tác của Tổ chức Bác sĩ không biên giới trong dự án cấp phát thuốc chống lại dịch bệnh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp thiết bị lọc nước chống nhiễm mặn. Lần này Uyên về Việt Nam vừa chăm sóc cha và thực hiện dự án trên quê nhà. Trong danh sách đối tác mời họp ngày hôm nay, Uyên đã thấy tên tôi, và em biết đó chính là tôi, nhưng không chủ động liên lạc mà đợi tới buổi họp mới gặp mặt.

Lần này thì tôi giữ em ở lại, và em không có ý định rời xa tôi. Sáng hôm sau tôi cùng em tới viện thăm cha. Tôi xin phép cha em cho tôi được hỏi em làm vợ. Ý định này tôi chưa nói gì trước với em. Cha em nói: các cụ bảo cưới vợ là phải cưới liền tay. Em nhìn cha, tôi nhìn em, và cả ba chúng tôi cùng cười phá lên. Thật kỳ lạ, tôi và em như đi hết những năm tháng dài thời sinh viên, tưởng như sẽ bên nhau mãi mãi, thế rồi lại phải rời xa. Nhưng có lẽ cả hai vì hai chữ “duyên nợ” chưa dứt mà gặp lại nhau.

Mùa thu năm ấy, cô gái đi catwalk trước cổng ngôi nhà tôi trọ học năm xưa, được cha dắt vào lễ đường và thành hôn với chàng trai ngày xưa đứng tựa cửa cười một mình với cô. Nhưng hôm nay, chúng tôi nhìn vào mắt nhau và mỉm cười thật hạnh phúc.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn
.
.