Mùa thàn mát bay qua

Thứ Năm, 20/06/2024, 14:10

Nhà tôi ở lưng đồi, căn nhà nhỏ tựa vào vách núi, liêu xiêu theo những cơn bão mùa năm nào cũng đi qua ngọn đồi này. Mỗi sáng tôi thức giấc trong tiếng kêu xao xác của bầy chim rừng, trong tiếng chuông chùa khẽ ngân vào buổi sớm. Tôi ngắm đồng cỏ bạt ngàn nắng, những cánh thàn mát vào mùa cứ ngăn ngắt một màu tím nhưng nhức nhớ thương. Trên mảnh sân đầy đá dăm và cỏ dại, tôi chờ xem mặt trời lên sau những tán cây rừng.

Người đàn ông dừng chổi quét vun mớ lá khô lại thành đống, châm một mồi đóm, làn khói xám đượm mùi lá sung hăng hắc ngún lên ấm sực cả ngôi vườn chùa. Trong mây mù đàn chim di kéo về lượn trên lầu chuông đặc kín, thoáng chốc vụt qua chỉ còn những chấm đỏ bên trời. Ông ngoái nhìn chấm đỏ cuối cùng cho đến khi mất hút vào mây mới cúi xuống phủi bụi khói vương đầy vạt áo, men theo lối dẫn lên cầu thang chạm trổ hình đôi kỳ lân.

Đến lầu chuông, ông tựa vào lan can thở dốc, thân hình như rút lại trong chiếc áo nâu sồng, mắt đăm đắm nhìn về lối nhỏ dẫn ra khu vườn phía sau chùa. Ông sẽ chẳng nhìn ra đó nếu bên kia cánh cổng gỗ tróc sơn lâu ngày không lấp ló một bụi hồng trắng giữa đám cỏ may lúp xúp trải dài. Ông lặng lẽ ngắm những cánh hồng mới hôm qua còn nụ, chiều nay đã vươn xòe cánh mỏng, ánh mắt hoang hoải hút về lối mòn đang dần tắt nắng.

Tắc kè… tắc kè…

Tiếng con tắc kè rừng tắc liên hồi sau hốc đá, người đàn ông sực tỉnh, đỡ dùi chuông trên giàn xuống, hồi chuông thong thả ngân lên trong chiều muộn mệt nhoài. Dưới cái sân gạch loáng thoáng rêu phủ, đàn bồ câu nhởn nhơ đi lại trước gian tam bảo đượm mùi khói hương dìu dịu. Ông rướn người thỉnh hồi chuông cuối.

Boong… boong…

Tiếng chuông trầm ấm vang xa rồi tan loãng vào màu nắng nhạt nghe như tiếng thở dài.

Chiều vắt nốt những giọt nắng trên màn trời đã ngả sang màu lam sẫm, góc sân chùa chùm vô ưu thẫm lại đợi một cơn xao động là lả tả rơi, ông nhón tay vớt cánh hoa lềnh bềnh trên mặt nước, gương mặt trầm ngâm in bóng dưới lòng hồ vỡ tan. "Bốn mươi năm rồi sao?", ông ngước nhìn cội sung cũng xấp xỉ ngần ấy năm. Trong thinh lặng có tiếng chân lạo xạo trên sỏi, khẽ khàng rồi dừng lại.

"Con về đây!", giọng nói phía sau khe khẽ.

Ông quay lại. Sau làn khói mỏng, một cô gái lặng nhìn ông, đôi mắt nâu loáng nước, ánh hoàng hôn rực rỡ hắt lên gương mặt dịu dàng, kín bưng. Ông lập cập đứng lên, bàn tay run run đánh rơi cánh hoa xuống lòng hồ, hai hốc mắt trũng sâu như vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê dài, môi mấp máy một lúc mới thành lời.

"Diệu Tâm!".

*

Mười tám tuổi tôi bắt đầu viết.

Tôi viết cho những con sóng ngoài khơi đêm ngày miệt mài vỗ dưới chân chùa đá. Tôi viết cho mẹ, người con gái đã cưu mang đứa bé bị bỏ rơi trên chiếc thuyền thúng ngày xưa. Tôi viết cho người đàn ông một cánh tay tật nguyền đã ôm trọn mẹ. Và tôi viết cho những cơn mưa trắng rừng, trong căn nhà chênh vênh bên triền dốc có đứa trẻ lớn lên, không như những đứa trẻ khác, nó được sinh ra hai lần…

Đứa trẻ đó là tôi.

Nhà tôi ở lưng đồi, căn nhà nhỏ tựa vào vách núi, liêu xiêu theo những cơn bão mùa năm nào cũng đi qua ngọn đồi này. Mỗi sáng tôi thức giấc trong tiếng kêu xao xác của bầy chim rừng, trong tiếng chuông chùa khẽ ngân vào buổi sớm. Tôi ngắm đồng cỏ bạt ngàn nắng, những cánh thàn mát vào mùa cứ ngăn ngắt một màu tím nhưng nhức nhớ thương. Trên mảnh sân đầy đá dăm và cỏ dại, tôi chờ xem mặt trời lên sau những tán cây rừng.

Hơn ba mươi năm trước, một buổi chiều cuối tháng năm, người làng chài nghe tiếng khóc của một đứa trẻ văng vẳng từ ngoài bãi vọng vào. Những người đàn bà dừng tay vá lưới ngóng ra, tiếng khóc im bặt, họ lại cúi xuống cắm cúi vá nốt tấm lưới còn kịp vắt lên cây sào phơi trên bãi. Trong cái nắng hanh hao mang vị mằn mặn, thiếu nữ vấn vội mớ tóc, ra mé nước đẩy chiếc thuyền thúng vào bờ. Nàng nhón chân như sợ giẫm vào những con ốc nhỏ đang nằm phơi trên cát. Trong tiếng nước lóc bóc vỗ vào mạn thuyền có tiếng khóc con trẻ váng vất. Bãi cát vắng hoe la liệt những chiếc thuyền thúng úp ngược, chỉ một chiếc để ngửa, có lẽ tiếng khóc dội ra từ đó. Nàng lại gần. Một bé con chừng hai tháng tuổi tím tái nằm giữa mớ quần áo cũ, tiếng khóc ngằn ngặt nhỏ dần…

"Sao nhà mình lại ở trên con dốc hoang vu này hả mẹ?".

Lần nào theo mẹ đi chợ, lên đến dốc đá nhìn xuống tôi cũng hỏi. Mẹ chưa bao giờ trả lời tôi ngoài một cái siết tay thật chặt, tiếng thở nhẹ như gió sớt qua hiên.

 "Nhanh về kẻo tối, con!".

Ba tuổi tôi đã chạy trên dốc núi này, bốn mùa trầm mặc như ngủ trong sương. Mẹ tôi, cô gái mặn mà, nhu mì quanh năm giấu mình trong mớ giẻ cũ mèm mà nhan sắc vẫn rực lên mỗi khi đi qua đám đàn ông dưới phố, tôi nhìn thấy trong đó ánh nhìn như thiêu đốt của những gã trai si tình.

6859e66eddb57eeb27a410.jpg -0
Minh họa: Bùi Quang Đức

Cách nhà tôi một dặm, ngôi chùa đá rêu phong là nơi lui tới của những người đàn bà chăm đi lễ Phật. Vào những ngày tròn trăng họ đi từng đoàn, những chiếc áo tràng màu khói hương xuất hiện dưới chân núi từ sáng sớm. Họ ngang qua tôi, chầm chậm, khe khẽ, miệng lầm rầm những câu kinh không rõ nghĩa.

Tôi quen với dòng người lặng lẽ đó, và tôi chờ đợi họ vì tôi không có bạn, những đứa trẻ dưới phố kia chẳng mấy khi lên chùa, chúng bận đến trường mẫu giáo, bận với những món đồ chơi với tôi thật quá ư xa lạ. Tôi làm bạn với lũ khỉ trên rừng, chúng kéo xuống núi tìm duối chín, mò cả vào vườn nhà tôi trộm quả, mùa mít chín chúng kéo xuống đông hơn. Thấy tôi rượt, chúng chạy tán loạn, mẹ bảo: "Đừng đuổi chúng, tội nghiệp!".

Rồi chúng tôi thành bạn của nhau, tôi hiểu chúng qua ngôn ngữ của loài khỉ, thuộc cả tính nết từng đứa. Tôi đặt cho chúng những cái tên hoa rừng: Xuyến Chi, Thàn Mát, Cỏ May…

Một mùa hè nắng như thiêu như đốt, cây cỏ cháy sém, đến những vạt cỏ lau cũng rụi, đêm thức giấc quờ tay sang không thấy mẹ, tôi hốt hoảng bật dậy đi tìm, tiếng tôi dội vào vách đá vọng lại trong đêm. Lang thang chừng thấm mệt, tôi gục xuống tảng đá rấm rứt khóc. Một bàn tay âm ấm chạm vào vai. Tôi ngẩng lên. Mảnh trăng sóng sánh rọi xuống gương mặt một người đàn ông lạ lẫm trong chiếc mũ len trùm kín nhưng tôi vẫn nhìn thấy đôi mắt nâu thẳm dưới hàng mi rợp, sóng mũi cao nhìn nghiêng đẹp như tiên tử. Bộ quần áo nâu thùng thình thòi một cánh tay thõng thượt. Tôi lùi lại hoảng sợ. Người đàn ông xua tay ra hiệu tôi lại gần. Tôi vội cắm đầu chạy, về nhà nằm vật xuống tức tưởi. Tỉnh dậy tôi thấy mình đã nằm trong vòng tay mẹ. Gương mặt lơ đãng nhìn ra ngoài trời, mẹ khe khẽ hát ru "Chàng ơi xin chớ lo phiền, tóc se trăm ngọn em liền gỡ xong. Rối tơ em gỡ còn suôn, rối đầu có lược rối lòng có em…".

*

Tôi băng qua đồng cỏ lau, hướng về cội thàn mát đương mùa nhặt những cánh hoa tim tím đong đầy lòng bàn tay. Gió nghịch ngợm rượt đuổi nhau trên triền dốc, thổi tung những cánh hoa tàn, tôi lại cắm cúi nhặt tiếp…

Cứ thế tôi chơi trò nhặt hoa đợi mẹ. Mỗi tuần một lần mẹ gánh rau xuống phố, mua thức ăn. Trời chưa vào thu vạt cỏ bên đường đã ướt sũng, đàn chim rừng mới nháo nhác đã kéo về ngủ vùi trên hốc đá. Trong màu chiều đùng đục, tôi ngóng về cuối con dốc đợi chiếc bóng mảnh gầy quen thuộc, bàn tay thu lại dưới tà áo phất phơ. Xộc tay vào mớ cỏ ướt tôi nhẩn nha hát hết bài này sang bài khác, mẹ vẫn chưa về. Những đám mây chiều sà xuống lưng đồi cũng chênh chao mong ngóng… Bên kia con dốc có tiếng đàn ông khe khẽ hát, rì rầm như kể chuyện "Xưa em là chữ biếc nằm giữa lòng cuốn kinh. Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng… A ha, ta tuy hai mà một!".

Tôi thả nắm cỏ lau, rón rén lại gần. Người đàn ông không hay biết, vẫn say sưa "Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường. Anh hóa thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm...".

Chân tôi lạo xạo trên lá khô, nghe tiếng lép bép vỡ ra dưới chân, người đàn ông giật mình quay lại nhìn tôi chăm chú. Trong nắng chiều đôi mắt ông như thẫm hơn, tôi dễ dàng nhận ra đôi mắt ấy dù chỉ một lần nhìn thấy dưới trăng. Ông xoay xoay viên sỏi trong lòng bàn tay mềm oặt. Không giấu nổi tò mò tôi chôn chân đứng đợi xem người đàn ông sẽ làm gì với viên sỏi trong tay. Thấy tôi không có ý bỏ chạy như lần trước, ông mỉm cười yên lặng nhìn tôi giữa trời chiều lộng gió.

"Lại đây, bé con!" - ông khẽ gọi.

Tôi vẫn đứng yên nhìn vào bàn tay có viên sỏi trắng, thấy vậy ông lại gần xòe tay ra, "Con thích sao, ta cho con đó!", ông đặt viên sỏi vào lòng bàn tay tôi, se sẽ vuốt tóc tôi. Tôi ngước lên, chăm chú nhìn gương mặt đang ở bên tôi thật gần. Vào thời khắc đó tôi đâu ngờ rằng, gương mặt này, bàn tay này mai kia sẽ là một phần đời tôi, bao bọc tôi, dạy dỗ tôi nên người.

Tôi nhoài đầu ra khỏi bàn tay đang âu yếm vuốt tóc, chạy biến về nhà. Viên sỏi vẫn nắm chặt trong tay, tôi bỏ lại phía sau gương mặt người đàn ông đang dõi theo đầy ưu tư, khắc khoải. Bên thềm, mẹ đang ngồi khâu lại cho tôi chiếc áo mùa đông. Tôi xòe bàn tay. Nhìn viên sỏi nằm gọn lỏn, mẹ dừng tay khâu nhìn tôi bằng một dấu hỏi lặn sâu trong mắt.

Có viên sỏi, những ngày sau đó tôi bỏ hết trò chơi quen thuộc, chỉ loay hoay với viên sỏi trắng xinh xinh. Tôi soi nó dưới ánh đèn và nhận ra trên đó hai chữ “Trăm năm” được khắc tỉ mẩn, đẹp tuyệt.

Mỗi chiều khi mẹ xuống phố, tôi lại lân la qua bên kia con dốc thầm đợi bóng người đàn ông áo nâu xuất hiện. Tôi ngồi vắt vẻo trên tảng đá nghe gió thổi qua tai, trong tiếng gió tôi nghe có cả tiếng sóng biển rì rầm như kể chuyện, những câu chuyện ngàn đời không dứt. Tôi thiu thiu ngủ, trong giấc mơ chợt về có lúc tôi loáng thoáng nghe tiếng người lầm rầm như tiếng kinh cầu khẽ cất lên đâu đó rồi tan biến vào thinh không.

*

Không còn mẹ bên cạnh nhưng trong những giấc mơ đêm mẹ vẫn về bên tôi, trò chuyện cùng tôi, xoa dịu những buồn đau khi nhìn thấy tôi cứ ngơ ngác vào ra giữa vườn chùa như đứa trẻ mộng du.

"Con được ở bên mẹ vỏn vẹn năm năm?".

"Ừ, năm năm".

"Kể từ buổi chiều mẹ nghe tiếng con khóc trong chiếc thuyền thúng trên bãi?".

"Ừ, trên bãi".

"Chiếc thuyền thúng không người hả mẹ?".

"Ừ, không người" - mẹ dõi ánh mắt mông lung vào những cánh thàn mát lả tả rơi.

"Sao ngày đó mẹ không gửi con vào trại trẻ mồ côi?"

"Đừng hỏi mẹ như thế! Mẹ đi đây!".

"Ở lại với con một chút nữa thôi!" - tôi nài nỉ. Mẹ lắc đầu yên lặng lướt đi như gió thoảng.

Năm đó tôi tròn năm tuổi.

Tôi vào chùa đá. Buổi sáng hôm đó trời mưa, tôi đi cạnh người đàn ông trong tấm áo sũng nước. Nhiều năm sau tôi vẫn không quên cái dáng cao gầy, bàn tay ẩm lạnh chìa ra cho tôi nắm, lưng ông đeo chiếc ba lô gói gọn vài bộ quần áo của tôi, đến đoạn gập ghềnh, ông cúi xuống bế tôi. Khoảnh khắc đó tôi nghe nước mắt tràn qua mi xuống môi mằn mặn, tôi hiểu từ nay chỉ còn ông là người duy nhất tôi có thể nương vào kể từ buổi chiều mẹ đi không về. Tôi nằm gối đầu lên vạt cỏ lau nghe tiếng gió ràn rạt quật qua đồi, "Đừng đi đâu, đợi mẹ dưới cội thàn mát kia!", tiếng mẹ văng vẳng. Mưa ập về. Bất ngờ. Rú rít. Mưa càng lúc càng trắng trời. Tôi co ro. Ướt sũng…

Từ mùa hoa đó mẹ đi không về, cơn mưa rừng đã mang mẹ tôi đi mãi.

Về nương nhờ trong chùa đá, tôi bỏ lại ngôi nhà thui thủi bên triền dốc, bỏ cả đàn gà đương lớn, cả vạt rau đương mơn mởn theo mùa. Người đàn ông cánh tay khoèo ôm tôi vào lòng khi nắm đất cuối cùng lấp mẹ. Nhà chùa thương tình cho mẹ tôi nương nhờ trên rẻo đất phía sau vườn. Những người đàn bà áo tràng màu khói hương thắp cho mẹ nén nhang, miệng họ lầm rầm những câu kinh không rõ nghĩa. Đêm nằm trong gian phòng leo lét ánh nến, tôi bật khóc. Hiểu lòng tôi, nhiều đêm liền mẹ về trong giấc mơ tôi, lần nào cũng luýnh quýnh, vội vàng.

"Sao mẹ lại chọn ngọn đồi này?".

"Đúng hơn là con đã chọn mẹ, đưa mẹ đến nơi này" - mẹ thầm thì.

"Mẹ yêu tiếng chuông chùa đá, phải vậy không?".

Mẹ tôi yên lặng nhìn ra ngoài trời đêm.

Đến tuổi đi học. Tôi xuống phố. Người đàn ông đưa tôi qua triền dốc, qua những đồng cỏ lau… đoạn đường tôi và mẹ đã đi qua. Chốc chốc tôi ngước nhìn gương mặt câm lặng, chỉ đôi mắt mới có thể nói cho tôi thật nhiều. Tôi được gửi vào ngôi nhà cùng với những đứa trẻ mặt mũi lúc nào lơ ngơ buồn, những đứa trẻ chẳng bao giờ biết đến tuổi thơ.

"Con ở lại đây đi học, cuối tuần ta sẽ xuống đón con về" - ông khẽ bảo.

Ngơ ngác nhìn những gương mặt lạ lẫm, đến khi hiểu ra tôi gào lên: "Con muốn về chùa đá!".

"Con cần phải học! Phải đi học!". Ông dỗ dành.

Về nơi xa lạ những ngày đầu không đêm nào tôi ngủ được, đến buổi hoàng hôn tôi lại ngóng về núi. Đêm tôi cố nằm yên tránh gây tiếng động, mắt chong lên trần nhà đếm từng giọt mưa rơi trên mái ngói xuống hiên. Những đêm mưa tôi thức luôn đến sáng, tôi nhớ cơn mưa ở rừng, nhớ tiếng chuông chùa thong thả ngân lên trong những buổi sớm mù sương.

Từ buổi đó, đều đặn mỗi cuối tuần người đàn ông lại đón tôi. Tiếng trống gióng lên tôi đã lao ra cổng, bao giờ ông cũng đứng đó, bộ quần áo nâu bạc màu, chiếc mũ len màu cánh gián, đôi dép nhựa sờn quai. Tôi ngồi vắt vẻo sau chiếc xe đạp cọc cạch hớn hở kể ông nghe chuyện ở trường, chuyện những đứa bạn ở nhà chung. Có ngày buồn bã tôi yên lặng không hé nửa lời, ông lẳng lặng đưa tôi ra đồng cỏ, tôi nằm vật xuống nức nở.

"Con nhớ mẹ!".

"Ta biết!" - ông vuốt tóc tôi, yên lặng.

Tôi gục đầu vào bàn tay nghe nỗi nhớ tuôn như thác, lúc ngẩng lên đã thấy ông từ xa đi tới, bàn tay mềm oặt ôm bó xuyến chi cánh mỏng. Ông cặm cụi ngồi kết vòng hoa có cả những dải dài buông xuống, đội lên đầu tôi. Nhìn tôi nghiêng đầu thích thú, ông cười, ánh mắt ấm áp đến mấy mươi năm sau còn theo tôi. Thương những mùa đông lạnh cắt da, ông đón tôi, khoác cho tôi chiếc áo len rộng thùng thình. Những cơn mưa miền Trung vào mùa lê thê, tôi ngồi trong lớp lo lắng nghe mưa ầm ĩ trên mái ngói. Tiếng trống tan đã thấy ông đợi tôi bên cánh cổng trong tấm áo mưa lướt thướt.

"Đây sẽ là mảnh vườn cho con trồng rau, trồng hoa gì con thích!", ông chỉ vạt đất còn ngổn ngang cỏ dại sau vườn chùa rồi cầm rựa phát quang.

Mất một ngày tôi cùng ông dọn khoảnh vườn, tôi hào hứng đẩy xe, nhổ cỏ. Từ ngày có mảnh vườn tôi càng nôn nả mong đến cuối tuần, đón tôi về ông lại dạy tôi tỉa lá, chăm bón từng loại hoa, dạy tôi cách cầm kéo cắt cỏ ra sao cho đỡ đau tay.

Mười tám tuổi tôi xa ngôi nhà chung. Tạm biệt chùa đá, tạm biệt mẹ, tôi đi học.

Lần nào về, lên đến lưng chừng dốc tôi cũng ngỡ như có bóng mẹ đứng đợi, vóc dáng mảnh gầy, mẹ giục tôi mau về chùa quét lá, tưới cây. Đêm tôi nằm nghe tiếng gió âm u vọng lên từ lòng núi, tôi biết mẹ vẫn cùng tôi đi trên lối cũ vào mỗi chiều sâm sẩm hoàng hôn. Có đêm thức giấc tôi sè sẹ đẩy cánh cửa lách mình ra ngoài, theo lối nhỏ dẫn ra khu vườn phía sau. Nhiều đêm tôi nhìn thấy ông ngồi bất động bên nấm đất đã xanh cỏ, mẹ tôi lặng lẽ nằm đó.

"Con đi xa, còn mẹ…", tôi buồn bã nhìn những giọt nắng nhảy nhót ngoài đồng cỏ.

"Đừng bận lòng, người ấy luôn ở bên mẹ đấy thôi!".

Lại một mùa thàn mát nhưng nhức rắc nỗi nhớ thương lên tóc. Ngày tôi đi xa, những bông cỏ may còn vương nghẽn lối, con đường men theo cánh rừng sương mù xám xịt đong đưa như võng. Người đàn ông đưa tôi đến chân đồi, đặt vào tay tôi gói nhỏ, "Ta dành cho con".

Tôi bịn rịn quay đi. Sau lưng tôi ngôi chùa chỉ còn là một khối đá xám mờ trong sương. Xuống chân đồi tôi vẫn còn thấy ông đứng đó. Gói nhỏ ông cho đã nuôi tôi bốn năm ở giảng đường. Ra trường, tôi được nhận về dạy học tại một miền quê xa xôi. Tôi rời thành phố.

"Con về rồi đây!".

Tôi nghẹn ngào nhìn dáng ông liêu xiêu đưa tay quạt bụi khói vừa bay vào mắt, sau làn khói mỏng tôi nhìn thấy ánh mắt ngày xưa vẫn rực sáng trên gương mặt tuyệt đẹp tôi từng thấy bên triền dốc năm nào, ông đợi để được nhìn thấy mẹ tôi xuống phố trở về. Trong sóng mắt hôm nay ngỡ như còn gói cả đỉnh trời mây.

 "Ngày đó mẹ từng ước có một gia đình biết bao!", tôi thì thào.

Yên lặng.

"Ta nghèo, lại tật nguyền, ông ngoại con không chấp nhận".

"Nhưng mẹ đã cùng con lên đến nơi này".

"Cả con nữa, cũng không được chấp nhận" - ông khẽ buông một tiếng thở dài như sông.

Ông đi trước, đến góc vườn âm âm bóng, chỗ mẹ nằm vạt hoa rừng xôn xao nở, bên bia đá bụi hồng trắng cánh mỏng khẽ lay. Ông cúi xuống nhổ cỏ, bàn tay gầy năm nào dắt tôi đi qua cơn mưa lướt thướt giờ đã sẫm những vết đồi mồi. Tiếng ông rì rầm: Bao lần bão tràn qua ngọn đồi này tàn phá cây cối vậy mà bụi hồng vẫn đứng yên, cành vươn cao hoa rợp cả bốn mùa. "Con về thăm em đó!", ông run run chạm vào bia đá. Trong tiếng gió xào xạc như có cả tiếng mẹ reo vui.

 Tôi nhìn lên chợt nhận ra phía cuối con đường dáng mẹ mảnh gầy trong tà áo lam đang đi tới, đôi chân reo vui như chim, mắt cười lúng liếng. Giữa đỉnh trời mây, tà áo mẹ phất phơ bay bên những cánh thàn mát lả tả nhuộm tím cả sườn đồi…

Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao
.
.